Ông Trọng muốn độc quyền yêu nước ?
Phạm Trần, 17/10/2019
Cường độ sợ Tầu và miệt thị trí thức đã gia tăng trong ngôn ngữ và hành động của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Bằng chứng khép nép với Bắc Kinh lần này của Lãnh đạo Việt Nam đã hiện nguyên hình tại kỳ họp Trung ương 11 và trong Diễn văn bế mạc, và tuyên bố sau đó của ông Trọng.
Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc hội nghị Trung ương 11 - Ảnh minh họa
Người đứng đầu bảo thủ, nghiện Chủ nghĩa Cộng sản hơn bất cứ ai ở Việt Nam và thân Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng còn không ngại bêu xấu những ai đòi nhà nước phải cấp thời hành động chống Trung Quốc, sau khi nước này đã cho tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 (HD-8), xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Trường Sa, từ ngày 03/07/2019, và tiếp tục hoạt động ở khu vực, cách Vũng Tầu lối 370 cây số hướng đông nam.
Ông Trọng đã xếch mé bêu rêu họ : "Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?... không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước… Do vậy, cần phải tỉnh táo để phản bác những luận điệu xuyên tạc của một số phần tử về vấn đề này".
Ông rao giảng : "Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng" (theo các báo từ Việt Nam).
Ông Trọng đã đưa ra những lời nói mất bình tĩnh và chỉ trích bất nhã các trí thức trong cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 gồm 3 quận : Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ngày 15/10/2019, 3 ngày sau Hội nghị Trung ương 11 kết thúc ngày 12/10/2019.
Ôngười Trọng bị chạm nọc ?
Tuy ông Trọng không nói đích danh, nhưng ai cũng biết những người bị ông Trọng nhắm vào là số nhân sĩ, tướng lãnh và các nhà ngoại giao nổi tiếng đã bất ngờ được mời tham dự cuộc thảo luận về tình hình Tư Chính do Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và phát triển (tên viết tắt là PLD, Institute Research on Policy, Law and Development) tổ chức tại Hà Nội ngày 06/10/2019, một ngày trước buổi khai mạc của Trung ương 11 (07/10/2019).
Viện PLD, do Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao đứng đầu, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam (VUSTA), được phép đảng thành lập. Nhưng ai trong Bộ Chính trị đã bật đèn xanh cho ông Giao tổ chức Hội thảo và còn được mời những "cái gai" trước mắt ông Trọng tham gia thảo luận về tình hình "nhậy cảm" Tư Chính mà không bị phá vẫn còn là một thắc mắc trong dư luận.
Từ trước tới nay, đã có một số cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông và tình hình trong nước, do các nhân sĩ-trí thức tổ chức bị ngăn chận, hoặc phá đám phải bỏ cuộc. Lý do nhà nước chống vì Lãnh đạo không muốn nghe những tiếng nói trái chiều với lập trường "không dám đụng tới lỗ chân lông lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình".
Lần này khác. Cuộc thảo luận ngày 06/10/2019 đã diễn ra suôn sẻ, không khách mời nào bị chận đường hay bị bắt cóc như những lần trước. Nhiều người tham dự đã ra khỏi đảng, từng bị đảng bỏ tù, bị khai trừ vì chống đảng và công khai đốp lập với đảng. Cũng có những trí thức từng bị đảng liệt kê trong danh sách "phản động" và "cơ hội chính trị", hay bị các thế lực thù địch mua chuộc, xúi giục chống đảng như Giáo sư Chu Hảo và Nhà văn Phạm Viết Đào. (1)
Theo tường thuật của Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi từ trong nước thì tại cuộc Hội thảo này : "Các chuyên gia hàng đầu đều nhận định sự kiện bãi Tư Chính là VÔ CÙNG NGHIÊM TRỌNG. Bởi vì đây là "nút thắt của nút thắt" (Tư Chính là nút thắt vấn đề Biển Đông hiện nay và vấn đề Biển Đông lại là nút thắt của quan hệ Việt – Trung). Mất Tư Chính có thể dẫn đến mất toàn bộ quần đảo Trường Sa, và mất Trường Sa có thể dẫn đến mất nước".
Do đó, vẫn theo ông Thi thì : "Các chuyên gia về luật biển, về biển và về ngoại giao đều cho rằng, kiện Trung Quốc là biện pháp tốt nhất hiện nay".
Ông Thi viết : "Cái khó là Trung Quốc rất lì lợm, không chịu cùng nhau ra tòa, trong khi nhiều tòa án quốc tế chỉ thụ lý nếu cả hai bên cùng chấp nhận ra tòa. Theo một số chuyên gia, giới cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần "rỉ tai" giới lãnh đạo Việt Nam "đừng kiện để giữ đại cục". Thế thì Việt Nam đã gặp khó khăn ngay từ chủ trương rồi".
Hai tướng Cương và Lương
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ công An đã có bài phát biểu chi tiết nói về tham vọng đánh chiếm biển đảo Việt Nam của Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc. Ông nói :
"Động thái lần này của Tập Cận Bình xuất phát từ 2 nguyên nhân. Một là ngăn chặn không cho bất kỳ nước nào vào đầu tư cho Việt Nam khai thác dầu khí. Lần này Tập Cận Bình đánh thẳng vào dạ dày Việt Nam rồi. Cho mày biết thế nào là lễ độ. Tao không đánh trên bộ như năm 1979. Lần này tao đánh thẳng vào. Mày phải phục, và khi mày phục, khi mà khó khăn chơi vơi thì buộc lòng phải ngả theo Trung Quốc thôi. Nên lần này so với lần HD 981 năm 2014 thì lần này nghiêm trọng gấp trăm triệu lần. Đây là cuộc đối đầu thực sự.
Không biết lãnh đạo Việt Nam ta đánh giá việc này thế nào. Nếu không nhận ra đúng vấn đề này thì phản ứng của ta sẽ khác".
Tướng Cương nói tiếp :
"Nguyên nhân thứ hai là cho Việt Nam biết thế nào là lễ độ trước những phản ứng có vẻ hí hửng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cho nên vấn đề thứ ba tôi muốn nói mục đích, ý đồ lần này của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm, nghiêm trọng gấp trăm lần so với sự kiện HD 981 năm 2014.
Từ góc nhìn an ninh, Biển Đông là nút thắt, là cửa ngỏ của Trung Quốc. Bãi Tư Chính là nút thắt của nút thắt, vị trí đặc biệt như vậy. Xét trên phương diện quân sự, trên bản đồ, Bãi Tư Chính là nút thắt của nút thắt trên Biển Đông. Và Trung Quốc quyết tâm muốn biến thành chuyện đã rồi, biến cái không tranh chấp thành cái gọi là tranh chấp, làm cho thế giới nhìn nhận có tranh chấp tại đây, buộc Việt Nam phải nhân nhượng.
Thật ra nó đã phá ta từ năm 2000 cũng xung quanh Bãi Tư Chính. BP của Anh, ConocoPhilipps của Mỹ phải rút là vì Trung Quốc dọa. Tháng 7/2017, tập đoàn của Tây Ban Nha cũng phải rút".
Theo Facebook Bùi Quang Minh)
Cũng tại Hội thảo này, tướng Cương còn tiết lộ :
"Sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines (phán quyết PCA năm 2016), Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện "5 không".
Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài
Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông
Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra
Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này.
Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc".
Như vậy thì lý do ông Nguyễn Phú trọng đã gay gắt với một số phát biểu trái chiều với đảng tại cuộc Hội thảo ngày 06/10/2019 đã được bạch hóa vì ông Trọng sợ bị Tập Cận Bình cho là ông đã cho phép tổ chức cuộc Hội thảo để chống Trung Quốc.
Kiện Tầu hay không ?
Người phát biểu thứ hai gây chú ý tại cuộc Hội thảo và trong dư luận sau đó là Thiếu tướng nghỉ hưu, anh hùng lực lượng võ trang nhân dân, Lê Mã Lương, người nổi tiếng trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở mặt trận biên giới 1979-1989.
Tướng Lương nói với mọi người :
"Câu chuyện thứ nhất là tôi muốn nói là ngày mùng 2 vừa rồi chúng tôi dự Hội nghị do Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, thời gian suốt một ngày. Bộ Ngoại Giao thông báo tình hình quốc tế… và nhiệm vụ đối ngoại 2020… Nhiều vấn đề nhưng mà tôi chỉ muốn thông tin câu chuyện, kết thúc phần lên lớp của các quan chức thì tôi đặt ra những câu hỏi :
Một. Chúng ta có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế không ? Hôm nay có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương. Đây không phải là câu chuyện của một nhóm, một bộ phận mà nó là câu chuyện của toàn dân rồi. Tôi muốn các anh nghiêm túc trả lời cái này và trả lời rõ. Nếu chúng tôi đến đây, đến dự họp nghe xong rồi không có ai có ý kiến phản hồi hoặc là không có cái trình báo gì, ra về thì nó […nghe không rõ hai tiếng, đoán là "lãng phí"] vô cùng….
Thứ hai, nếu như chúng ta để mất Bãi Tư Chính thì vấn đề nó sẽ là như thế nào. Tôi đặt giả thuyết thứ nhất, vấn đề có chiến đấu đến cùng hay không để giữ cho được Bãi Tư Chính. Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được toàn bộ những cái đảo còn lại của chúng ta. Mất Bãi Tư Chính là đảo của chúng ta mất hết, chứ các anh đừng có nói rằng là nếu hiện thực có cái đường lưỡi bò thì Việt Nam chỉ còn 50% đặc quyền trên biển, (Philippins nó mất 70, Malaixia mất 80, Brunei mất 30). Nếu chúng ta bị mất thì nó không còn là đảo nằm trong của chúng ta.
Tôi nghĩ các anh trả lời rõ vấn đề này, vấn đề này cũng là vấn đề bức xúc của dân đấy. Và tôi cũng nói thêm với các anh rằng, nếu như để xảy ra chiến tranh thì lỗi lớn nhất là bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và rồi đến Đối ngoại quốc phòng. Và thế hệ chúng tôi, những người trực tiếp tham gia chống Mỹ, bây giờ chúng tôi trên dưới 70 rồi, vào sinh ra tử, đổ xương đổ máu trên chiến trường, tôi sẽ cầm đầu, cầm đầu nhé, anh em đến hỏi thăm Bộ Ngoại giao. Quan điểm rất rõ ràng".
(theo Nguyễn Ngọc Dương/Blogger Tễu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện)
Tướng Lê Văn Cương còn được trích dẫn đã nói thêm với cử tọa :
"Tuy nhiên theo tôi biết, không có đồng chí lãnh đạo Việt Nam nói không kiện ! Hiện này vẫn chuẩn bị đầy đủ, nhưng theo tôi ngửi mùi cấp trên lúc này chưa thích hợp để kiện !".
Tình hình Tư Chính khẩn trương như thế và giặc đã vào nhà mấy lần rồi mà vẫn ngu ngơ bảo "chưa thích hợp để kiện" thì đến bao giờ mới "thích hợp", hỡi ông Nguyễn Phú Trọng ?
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ý kiến tại Hội thảo : "Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình, kiện là giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong thế giới văn minh và hội nhập".
Ông Hoàng đặt câu hỏi : "Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta. Sợ kiện hay sợ Trung Quốc ? Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện Trung Quốc thì họ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở… Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện".
Có lẽ những lời cảnh giác của giới trí thức đã khiến ông Trọng và Bộ Chính trị lên ruột như bị chạm nọc đến tận xương tủy, vì sợ bị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình của Trung Quốc trả đũa chăng ?
Phân bua có chủ ý
Ông Trọng cũng phân bua với cử tri Hà Nội rằng : "Hội nghị trung ương lần thứ 11 vừa qua đã dành một buổi trong chương trình làm việc để nghe báo cáo về tình hình đối ngoại để có thông tin và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao".
Nhưng nội dung thảo luận không được tiết lộ nên điều được gọi là "thống nhất cao" cũng chỉ là lối "tự biên" và "tự diễn" của ông Trọng. Đáng chú ý là "vấn đề Biển Đông", dù được đông đảo nhân dân theo dõi và quan tâm, cũng chỉ được ghép chung vào "vấn đề quan hệ đối ngoại", và được trình bầy vào buổi sáng của phiên họp ngày sau cùng, thứ 6, ngày 12/10/2019, trước giờ bế mạc của Trung ương 11.
Việc sắp xếp vấn đề đáng lẽ phải "ưu tiên" vào "phấn chót" của chương trình dài 6 ngày họp chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng và Ban chấp hành Trung ương đã có chủ tâm hạ thấp tầm quan trọng của biến cố Tư Chính để không làm phật lòng lãnh đạo Trung Quốc mà Đảng cộng sản Việt Nam Việt Nam vẫn cõng trên lưng để cao rao "vừa là đồng chí, vừa là anh em".
Điều này còn được chứng minh trong Diễn văn bế mạc và trong Thông báo cuối cùng của Trung ương 11, khi cả ông Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đã tránh nói đến 2 chữ Biển Đông.
Trong toàn diễn văn, ông Trọng chỉ nói mấy chữ : "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Trong khi Thông báo cuối cùng cũng chỉ nói rập khuôn : "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".
Vậy mà, theo tường thuật của các báo Việt Nam thì ông Nguyễn Phú Trọng đã tự khoe với cử tri Hà Nội ngày 15/10/2019 rằng :
"Quan hệ đối ngoại của chúng ta vừa qua tốt rồi, nhưng mỗi khu vực, địa bàn cũng có những vấn đề phức tạp riêng, đặc biệt là vấn đề biên giới, biển đảo. Nước nào cũng có và nước nào cũng phải xử lý.
"Ta ký được biên giới với Trung Quốc bao nhiêu năm nay, phân định được vịnh Bắc Bộ, bây giờ đang đàm phán phân định cửa vịnh Bắc Bộ. Hay gì mà căng thẳng, cả đôi bên cùng thiệt".
Ông Trọng còn cao giọng : "Phải đặt vấn đề trong tổng thể, vừa kiên quyết kiên trì bảo vệ đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, nhưng đồng thời cũng phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định".
Nhưng "tổng thế" hay "đại cục", theo cách nói của Trung Quốc, dựa theo phương châm mà Bắc Kinh đã giao cho Việt Nam thời hai Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh gồm : 16 chữ : "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", và tinh thần 4 tốt : "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" ?
Ông Trọng còn bầy vẽ lên lớp với cử tri : "Việc xử lý mối quan hệ này không đơn giản chút nào, song như thế không có nghĩa là nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc. "Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó".
Ông Trọng còn khoe tiếp : "Trong vấn đề biển Đông, thái độ của Đảng và Nhà nước ta đã tuyên bố dứt khoát, đó là rất kiên quyết nhưng cũng phải rất khôn khéo" (báo An Ninh Thủ Đô, ngày 15/10/2019).
Nếu Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã "rất kiên quyết" và "rất khôn khéo" thì tại sao lại để cho HD-8 và các tầu hộ tống có võ trang Trung Quốc cứ tự do ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như ao nhà mình, từ ngày 03/07/2019 và chưa có dấu hiệu rút lui ?
Phải chăng lập trường "cứ nhũn như con chi chi" để chờ sung rụng từ Bắc Kinh còn hơn gây hấn để họa vào thân là thượng sách của ông Trọng trước hành động xâm lấn biển đảo ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh, qua vụ Tư Chính ?
Người dân cũng muốn biết lực lượng chấp pháp của Việt Nam gồm một số tầu Cảnh sát biển có võ trang và tầu Hải quân đã và đang làm gì ở bãi Tư Chính, hay chẳng làm được gì trước sức ép của Trung Quốc ?
Thêm vào đó, ai cũng thấy Ban Tuyên giáo đã bưng bít thông tin về Tư Chính và các hoạt động của các tầu võ trang hộ tống của Trung Quốc không ngoài mục đích muốn giảm thiếu mức độ căng thẳng để tránh làm mất lòng Bắc Kinh.
Trung ương 11, khai mạc ngày 7/10/2019 đã tập trung thảo luận chính về : Dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 ; Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng ; Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng ; Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020.
Tình hình Biển Đông, quanh bãi Tư Chính dù rất khẩn trương đã không được Bộ Chính trị ghi vào chương trình họp trọn ngày của Trung ương 11. Một Nghị quyết riêng về tình hình Tư Chính, được chờ đợi trong dân cũng không có.
Lý do dân mong vì họ muốn nhà nước nên một lần dứt khoát với chủ trương chèn ép phi pháp của Trung Quốc. Hơn nữa, trong diễn văn khai mạc ngày 07/10/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã gây ảo tưởng cho mọi người khi ông yêu cầu Trung ương :
"Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020…".
Nhưng chuyện phân tích, có hay không đã được giữ kín để khỏi mất lòng phương Bắc, hay những điều ông Trọng phô trương, tưởng như nghiêm chỉnh, cũng chỉ là chiếc thùng rỗng để ông độc quyền yêu nước và tiếp tục được sống chung và hường bổng lộc của Trung Quốc. -/-
Phạm Trần
(17/10/2019)
---------------------
(1) Theo ông Đào Tiến Thi từ trong nước thì những người tham dự nổi tiếng gồm có : Cụ Nguyễn Khắc Mai, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà ngoại giao Nguyễn Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, Phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh, Nhà thơ Trần Nhương, Phó giáo sư Nguyễn Vi Khải, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, Phó giáo sư Chu Hảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà văn Nguyên Bình, Nhà văn – Cựu tù nhân lương tâm (vì chống Trung Quốc xâm lược) Phạm Viết Đào, Giáo sư Trần Ngọc Vương, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Tiến sĩ Công Nghĩa Tụ, Tiến sĩ Nguyễn Đại, Tiến sĩ Phạm Văn Chung, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Nhà báo tự do Lê Dũng.
Ngoài ra còn có Phó giáo sư tiến sĩ Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, Cựu quan chức Chính phủ Nguyễn Nam Cường, Thạc sĩ Hoàng Việt (một chuyên gia về luật biển, hiện đang là Giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh),
*********************
'Tổng tịch' yêu nước hay yêu ghế ?
An Viên, VNTB, 17/10/2019
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trong đợt tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng ngày 15/10 : Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ?
Ai cũng yêu nước cả, nói đúng hơn, ai cũng yêu đất và nước cả. Nhưng cách yêu lại không hề giống nhau.
Có người yêu đất và nước để rồi sử dụng tình yêu đó trong kinh doanh, mà dân gian gọi nôm na là ‘bán nước, bán đất’. Có người yêu đất và nước rồi để nó chảy trong tâm can của chính con người mình.
Trong một hoàn cảnh, lòng yêu nước biểu lộ một cách minh định nhất, có người nối giáo cho giặc để thỏa lòng kinh doanh, có người đứng lên cầm giáo, cầm cuốc và xông thẳng vào kẻ thù để bảo vệ đất và nước khi nguy nan.
Tình yêu nước do đó cần được hiểu một cách giản dị : khi giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Và người cộng sản cũng như thế, họ rõ ràng là những người yêu nước, bởi bởi nếu không yêu nước, thì thế hệ đầu của cộng sản sẽ không tìm mọi phương pháp và cách thức để ‘đuổi giặc Pháp, dựng lại nền độc lập và chủ quyền quốc gia’.
Lòng yêu nước gắn liền với bảo tồn hình hài quốc gia, và khi có một yếu tố chủ quan, khách quan nào đó xâm phạm sự toàn vẹn đó, thì tinh thần yêu nước sẽ kích động. Nó có thể biểu hiện dưới hình thức ‘cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển đông’, cũng có thể ở dạng ‘làn sóng mạnh mẽ, to lớn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước’.
Ông Hồ Chí Minh đã khái quát hóa lòng yêu nước của người dân Việt qua quan điểm, ‘trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước’.
Và thực sự ai cũng có lòng yêu nước cả.
Nhưng, bọn ‘đại Việt gian’ sẽ không thể là dân thường, mà phải là quan tham với quyền cao – chức trọng. Những kẻ ‘đại Việt gian’ đó bằng chủ trương, chính sách đã hiến đất và nước cho ngoại bang, sử dụng quyền lực để nghiền nát mọi sự phản kháng của người dân trong bảo tồn hình hài quốc gia.
Tại sao vậy ? Đó phải chăng là cái tâm lý của kẻ thế quyền, độc tôn ? Đó phải chăng là độc quyền yêu nước ? Thậm chí, có lúc, gắn những người xuống đường yêu nước là ‘kẻ chống đối, kẻ phản động, kẻ kích động, kẻ xấu’.
Lòng yêu nước có thể bị lợi dụng ở một vài cá thể nhất định, nhưng khi hàng trăm đến hàng ngàn cá thể cùng bị ‘kích động’, thì đó lại là sự thể hiện chân chính nhất của lòng yêu nước.
Trước ngày xảy ra cuộc cách mạng tháng Tám (19/8), những đội tuyên truyền đi phát tờ rơi – truyền đơn – vận động, nhưng cuộc mitting – biểu tình thị uy đã diễn ra. Và đó, nếu hiểu theo cách nghĩ ‘kẻ xấu kích động’, thì Việt-Minh là một trong những tổ chức như vậy. Thế nhưng, vì lôi kéo được hàng ngàn người tham gia, nên phải hiểu Việt-Minh đã thành công trong dẫn dắt lòng yêu nước người Việt.
Tương tự, khi cuộc biểu tình chống chủ nghĩa bá quyền diễn ra ở Biển Đông, và khi người dân gồm nhiều giai tầng xã hội xuống đường phản đối luật đặc khu. Thì đó, là lòng yêu nước, là lòng tự tôn khẳng khái về chủ quyền quốc gia. Chứ không phải cho đó là một hiện tượng đến từ sự ‘bị lợi dụng, kích động biểu tình’ như cách ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập.
Qua đó, để cho thấy rằng, khi ông Tổng bí thư muốn nhấn mạnh ‘Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ?’, thì ông phải thấu hiểu ‘những người xuống đường, hòa mình vào dòng chảy biểu tình’ cũng sẽ không bao giờ là những người xấu, không bao giờ là những người bị kích động. Họ - cũng chính là những người yêu nước, và trong bộ máy giám sát – kiểm soát chặt chẽ của lực lượng an ninh, lòng yêu nước của họ còn đáng được biểu dương gấp ngàn lần lòng yêu nước được phát ra từ những quan chức trong phòng lạnh.
Và vì là nước là của chung, đất là cha ông để lại, nên không thể ai mong muốn bản thân phải ‘to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng’, bởi góc nhìn này cho thấy sự ích kỷ, đố kỵ và phân biệt về lòng yêu nước. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy nhớ rằng, thế hệ những người cộng sản đầu, từ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Hà Huy Tập, cho đến Lê Duẩn, Trường Chinh,… là những người thể hiện gai góc nhất, tâm tư nhất, thao thức nhất về lòng yêu nước qua các bài viết và phát biểu của họ. Và nếu xét dưới góc nhìn của ông, thì không khác gì ông bắn súng lục vào lịch sử của những người cộng sản, đặt những cố Tổng bí thư (tiền nhiệm của ông) vào hàm nghĩa ‘to tiếng, lên gân, ra vẻ ta anh hùng’.
Quay trở lại vấn đề, người dân với tư cách là ‘chủ’ của đất nước này có quyền truy vấn về lòng yêu nước của một bộ phận không nhỏ quan chức. Trong đó, tình yêu nước của các quan chức có cao hơn tình yêu đảng và tình yêu ghế hay không ? Bởi nếu không, thì buôn đất và bán nước sẽ gắn liền ngay sau đó.
An Viên
Nguồn : VNTB, 17/10/2019
*****************
Lấy lại niềm tin, tình yêu thương của dân : Có quá trễ ?
Thanh Trúc, RFA, 16/10/2019
"Giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quí trọng của nhân dân" là khẳng định của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở phần cuối bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Khóa 11 chiều 12 tháng Mười vừa qua. Đây là hội nghị chuẩn bị cho đại hội đảng 13 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 21 tháng 1 năm 2016. AP
Không ai tin ?
Bản tin sau đó trên báo Thanh Niên phát hành trong nước cho thấy khi nói về công tác cán bộ, ông Nguyễn Phú Trọng đôi ba lần nhắc lại cũng như nhấn mạnh việc "củng cố" nhằm "lấy lại niềm tin, tình thương yêu của nhân dân đối với đảng".
Theo ông, dù có nhiều thời cơ và thuận lợi trong thời gian qua, thì khó khăn và thách thức vẫn là phải tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Báo chí còn trích dẫn nguyên văn phát biểu của ông là "Phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cả về văn kiện lẫn nhân sự để Đại Hội thành công tốt đẹp, thật sự là đại hội đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển".
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, một trí thức phản biện ở Hà Nội, cho rằng giờ mà kêu gọi lấy lại niềm tin và tình yêu thương của nhân dân chẳng khác nào mất bò mới lo làm chuồng :
"Mất lâu rồi, không có tình thương yêu nào không có tin tưởng nào hết. Thực sự mà nói thì ông biết là không có niềm tin, không còn được nhân dân tin, ông biết thế là tốt. Tôi không quan tâm đến đại hội đảng vì nói thật hội nghị gì cũng chỉ là hình thức, nội bộ họ đang đấu tranh với nhau. Tôi chẳng quan tâm đại hội đảng đâu, tôi không chửi họ và không theo họ thế thôi, kệ !"
Toàn bộ bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng vào khi bế mạc Hội nghị Trung ương 11 chứng tỏ ông không đủ sức thuyết phục, là nhận định của ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận trung ương Đảng :
"Bởi vì toàn nói chuyện chung chung thôi, khen Ban Chấp Hành Trung Ương là có nhiều ý kiến sắc sảo, nhưng ý kiến gì thì không rõ. Khen ba bốn cái văn phòng làm việc tử tế nhưng đề xuất được cái gì thì cũng không nói rõ, tới đây sẽ chuyển biến cái gì, tập trung vào việc gì cũng không nói rõ. Trong Huế tôi có câu "ném cát bụi tre", nghe rào rào, ào ào như thế, tôi thấy chả có tin tưởng gì".
Ông Nguyễn Khắc Mai phân tích tiếp :
"Ông Trọng nhiều lần nói rằng tình hình Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Ông tự hào về một số kết quả ví dụ tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các thứ khác. Thế nhưng dân người ta đặt vấn đề là kết quả như thế, thành tựu như thế mà phải trả một giá rất đắt vì sự suy đồi của con người và xã hội, đặc biệt sự suy đồi thoái hóa của cơ quan hành pháp. Nói thế chỉ là lên dây cót cho anh em thôi chứ còn thực sự lòng dân người ta chán chê ra, người ta yêu cầu mười thì anh làm được vài ba, có khi còn lỗi âm, thử hỏi làm sao mà dân tin được".
Nên giải quyết những vấn đề lớn
Tựu chung để lấy lại niềm tin và tình yêu thương, sự quí trọng của người dân thì quan trọng từ Đại Hội XIII là thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, nhận thức sâu sắc về những vấn đề lớn, thí dụ "Giải quyết quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa", kế đến là "Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, chỉnh đốn đảng".
Nhà quan sát thời cuộc, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng :
"Cần hiểu Nguyễn Phú Trọng là một người Mác Xít giáo điều, ông ta giáo điều hệt như Hugo Chavez của Venezuela lúc còn sống. Cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội đã dẫn Venezuela đến một đất nước không chỉ thảm thương mà còn nghèo đói. Nếu Nguyễn Phú Trọng còn muốn duy trì chủ nghĩa xã hội và cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa như Venezuela thì ông ta sẽ đẩy Việt Nam vào tình trạng thê thảm, đặc biệt vào lúc Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thảm họa về kinh tế, môi trường, thiên nhiên …
Thứ hai, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thất bại lâu rồi. Bằng chứng rất rõ cho việc thất bại đó là sự tan rã của phần lớn hệ thống kinh tế quốc doanh trong đó bao gồm cả khái niệm tan rã vì tham nhũng. Nó sinh ra nhiều hậu họa, để lại những số nợ kinh khủng. Từ đó để thấy không còn hy vọng gì ở cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế của Việt Nam. Lấy lại niềm tin thương yêu này kia thực sự chả ăn nhập gì với cái định hướng xã hội chủ nghĩa của ông ta, càng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng gây tai họa. Càng gây tai họa càng làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người dân vào đảng và Nhà Nước".
Từng là người chuyên nghiên cứu về lý thuyết Mác Lê từ khi còn trẻ, cựu vụ trưởng Vụ Dân vận Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng ông đủ cơ sở để khẳng định chủ thuyết mà ông Nguyễn Phú Trọng đang đề cao thực sự là một thất bại :
"Càng nghiên cứu sâu thì không có chủ nghĩa Mác Lê nào cả, bởi nó là một thứ hổ lốn, nó đầu Ngô mình Sở, nó mâu thuẩn lẫn nhau, anh này nói một đàng anh kia nói một nẻo. Ông Mác về già ông đĩnh đạc ông sám hối, ông nói chả có chủ nghĩa cộng sản gì đâu, đấy là trò lừa trẻ con (Enfantine).
Thứ hai là làm gì có chủ nghĩa xã hội, và cái hình thái gọi là sau chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa xã hội thì làm gì có chuyện ấy. Bây giờ vì sợ mất quyền hành nên là cứ kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê chứ thực ra đấy là cái mà dân Việt Nam đã ói ra rồi, không ai người ta thừa nhận. Thực tế dân không thể tin được, không thể yêu được, làm được một số thành quả gì đấy thì cướp bóc hết một nửa rồi. Anh ở trong hội trường anh nói tầm phào với tình hình hiện nay với một đảng cầm quyền nói theo Lenin là vừa đốt vừa tham vừa cậy quyền thì làm sao cho dân tin được, người ta càng cười cho thôi".
Dưới mắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một số thành quả kinh tế nhất định bao năm qua so ra không thể sánh với cả một núi tham nhũng. Bao nhiêu củi tươi, củi khô, được cho là củi nhà của ông Nguyễn Phú Trọng, chưa được bỏ vào lò đốt, thì nói công tác cán bộ đến củng cố xây dựng hoặc kỷ cương kỷ luật đảng chỉ là nói lấy được mà thôi.
Muốn biết rõ ý dân, lòng dân đối với đảng và Nhà Nước thì cứ mạnh dạn trưng cầu dân ý sẽ hai năm rõ mười, là ý kiến của nhà báo, blogger, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn :
"Từ Điều 86 cho đến Điều 93, cả trong 8 Điều này đều qui định về quyền hạn và trách nhiệm của một chủ tịch nước. Thiết nghĩ bổn phận là chủ tịch nước thì ông cứ thi hành theo đúng Hiến Pháp.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng cần lấy lại niềm tin, tình thương của nhân dân là nói cho đảng của ông ta. Suốt 70 năm qua cái gọi là niềm tin, tình yêu của dân dành cho đảng chỉ là sự nhồi sọ. Tôi xin phép mượn tựa đề một cuốn sách của nhà văn Vũ Thư Hiên, tức là người miền Bắc lúc bấy giờ và người miền Nam sau này đều sống trong cảnh" Đêm Giữa Ban Ngày". Người dân Việt Nam đã bị lầm quá sâu và ông Nguyễn Phú Trọng tưởng rằng người dân hiện nay vẫn còn lầm lẫn như vài chục năm về trước nên ông ta bảo là lấy lại niềm tin. Thực chất người dân không còn tin đâu.
Nếu họ dám thực hiện trưng cầu ý dân, và Luật trưng cầu ý dân đã có hiệu lực rồi, nếu cho rằng người dân Việt Nam hiện nay còn tin tưởng còn thương yêu đảng cộng sản Việt Nam thì trưng cầu ý dân ngay đi".
Bế mạc Hội nghị Trung ương 11, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới việc bổ nhiệm một số nhân sự mới trong bộ máy cầm quyền, đồng thời à loan báo quyết định kỷ luật 7 tổ chức đảng, bao gồm Ban Cán sự Đảng bộ Công thương, Ban Cán sự Đảng bộ Tài nguyên và môi Trường, Ban Cán sự Đảng bộ Truyền thông và thông Tin, Ban Cán sự Đảng bộ Giao thông và vận tải, Ban Thường vụ Đảng ủy ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, kỷ luật cán bộ là điều ông cho rằng "thật là đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác".
Còn đối với nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên cứu –Ban Dân vận Nguyễn Khắc Mai, khi tình hình tham nhũng đầy dẫy cùng số lượng cán bộ đảng viên tham ô, thoái hóa tăng cao, thì cho dù ông Nguyễn Phú Trọng có than thở như thế nào dân vẫn không tin.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 16/10/2019
Gần đây tôi được chia sẻ một câu chuyện về một doanh nhân Việt Nam, sau khi lo xong cho gia đình mình có được quốc tịch Mỹ thì đã hoan hỉ chia sẻ lên mạng xã hội. Vài người chất vấn về lòng yêu nước hay hành động chối bỏ căn cước của ông ấy là tại sao lại nhanh và đoạn tuyệt đến nhường vậy, nhiều người thì chia sẻ và đồng tình.
Tại sao lại chối bỏ căn cước nhanh và đoạn tuyệt đến nhường vậy ?
Tiếng thở dài nhẹ nhõm của một người sau khi rời bỏ được đất nước Việt Nam cũng là nguyện ước của rất nhiều người dù không nhiều người nói ra. Người Việt đang giải thể lòng yêu nước trong chính lòng mình ! Tại sao vậy ? Đây là một câu hỏi đau nhức cho những người còn ý chí, còn tình cảm với dân tộc và mong mỏi một sự thay đổi về dân chủ cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Gia Kiểng, một trí thức yêu nước, đã diễn giải lòng yêu nước một cách giản dị rằng : "Như mọi tình cảm lòng yêu nước không thể định nghĩa một cách chính xác bằng ngôn ngữ thông thường nhưng mọi người đều có thể cảm nhận những thể hiện cụ thể của nó. Đó là yêu đồng bào mình như những người anh em bình đẳng, là muốn chia sẻ cuộc sống và những nỗi vui buồn với họ, là không im lặng thụ động trước những xúc phạm hoặc bất công mà họ là nạn nhân, là phấn đấu để xã hội ngày càng tự do hơn, công bình hơn, liên đới hơn, lương thiện và thân thiện hơn, để đất nước ngày một giầu mạnh hơn, đẹp hơn, sạch hơn và được thế giới kính trọng hơn".
Trong khi tôi đang viết những dòng này thì những người con ưu tú của Việt Nam như Phan Kim Khánh, những thành viên trong Hội Anh Em Dân Chủ như Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, luật sư Nguyễn Bắc Truyển hay luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài... và nhiều tù nhân lương tâm khác đang phải chịu cảnh tù đày chỉ vì lòng yêu nước của họ, vì sự khao khát thay đổi hiện trạng xã hội từ độc tài toàn trị về dân chủ. Họ đích thực là những người yêu nước.
Tôi không thể trách những người Việt từ bỏ lòng yêu nước, tôi chỉ cảm thấy đáng buồn hơn là đáng giận. Yêu nước là một tình cảm tự nhiên được nhào nặn và nuôi dưỡng từ lúc nằm nôi. Và vì là một tình cảm tự nhiên nên nó cũng luôn cần được vun đắp và nuôi dưỡng từng ngày từ những người lãnh đạo đất nước, đáng giận là đảng cộng sản không hề có ưu tư đó. Trái lại, họ còn vô tình hay cố ý phá bỏ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Ai cũng có thể là nạn nhân của chế độ này.
Yêu nước luôn cần được vun đắp và nuôi dưỡng từng ngày từ những người lãnh đạo đất nước, đáng giận là đảng cộng sản không hề có ưu tư đó.
Nhưng không nhẽ chúng ta lại chấp nhận là một dân tộc rã hàng hay sao ? Trong một xã hội mà ai cũng cố gắng luồn lách để tìm kiến những giải pháp cá nhân, trong một xã hội ai cũng tìm cách khôn ngoan hơn người khác thì phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều dại và thất bại !
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…
Tin tức về bão Damrey về, những cảnh nhà xiêu vẹo, mấy chục người bị chết và mất tích, cảnh người dân co ro tránh lũ. Ánh mắt lo âu và sợ hãi hằn lên trên nét gầy guộc của người đàn ông hay vẻ thất thểu của người phụ nữ cũng làm cho chúng ta không khỏi xúc động. Như một nghĩa cử đẹp, một sự đùm bọc... nhiều người Việt vẫn cố gắng tương trợ cho đồng bào mình trong khả năng của họ. Tôi tin rằng những thất vọng, những suy nghĩ bộc phát thành lời của doanh nhân người Việt kia không phải là suy nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn ông ấy. Dù sao chúng ta vẫn là một dân tộc của hơn 90 triệu người, có nhiều tiềm năng, nói cùng một ngôn ngữ. Chúng ta không nên tìm cách từ bỏ kí ức hay căn cước của dân tộc nhất là khi hầu hết những ý niệm, những mối quan hệ thân thuộc đều được nhào nặn trên dải đất hình chữ S này. Thay vào đó, chúng ta có thể bình tĩnh ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này và tìm cách thoát ra khỏi nó.
Lòng yêu nước ?
Trong suốt chiều dài 2000 năm lịch sử của dân tộc, không may đất nước chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi một thứ văn hóa vô tổ quốc là Nho Giáo. Nho Giáo là một hệ giá trị, một bộ qui tắc ứng xử đào tạo ra những con người thần phục vua chúa, những con người với mộng ước ra làm quan để giúp vua cai trị đất nước. Trong hệ giá trị ấy, đất nước là của vua, dân chỉ là những người ở tạm trên đó, nhờ ơn vua nên phải có trách nhiệm đóng thuế, phải đi quân dịch... vô điều kiện. Người dân không được nhìn nhận một giá trị hay vai trò nào với đất nước mà chỉ biết đến có bổn phận và nghĩa vụ mà thôi. Những quyến luyến với mảnh đất quê hương hay những ràng buộc, tình cảm với người thân chưa thể gọi là lòng yêu nước được. Dẫu sao nó cũng là một trong những ý niệm để nhào nặn lên lòng yêu nước.
Đã thế, trong hơn 80 năm cai trị cho đến hiện tại, Đảng cộng sản, vì sự thô vụng hay vì một thứ chủ nghĩa xóa bỏ ý niệm quốc gia của họ, đã tạo ra vô số sự kiện đau lòng dẫn đến việc giải thể lòng yêu nước trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được động viên dưới lá cờ "Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế". Họ không yêu nước, họ đã chỉ nhân danh lòng yêu nước cho một lý tưởng quốc tế hóa cộng sản mà thôi. Trong từng giai đoạn, những ý niệm như lòng yêu nước, quốc gia, đất nước hay Tổ Quốc đều được Đảng cộng sản lợi dụng để duy trì sự toàn trị của mình, nhằm bóc lột toàn diện nhân dân Việt Nam và đất nước...
Tôi còn nhớ trong một bài viết của cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, kể rằng trong một lần trò chuyện với mình, một trí thức yêu nước vì không chịu đựng nổi những khẩu hiệu, những tuyên truyền hay tiếng ra rả từ cái loa phường phát trên đầu mỗi ngày mà phải bực dọc mà thốt lên rằng: "Hai từ yêu nước đã trở thành kệch cỡm".
Tôi không sinh ra trong giai đoạn sau tháng 8/1945 để chứng kiến những vết thương của đất nước với những phong trào Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn-Giai Phẩm được nhìn nhận như tội ác nhân loại. Tôi cũng không sinh ra trong cuộc nội chiến hơn 20 năm giữa hai miền Bắc- Nam do Đảng cộng sản phát động mà ông Hồ Chí Minh đã xác quyết rằng "dầu phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn hay đánh đến người Việt Nam cuối cùng cũng nhất định không chùn bước". Tôi cũng không sinh ra vào những năm tháng nhọc nhằn sau năm 1975 để chứng kiến sự tủi nhục, tù đày của những người Việt Nam trong trại cải tạo. Những thuyền nhân lênh đênh trên biển và phó mặc số phận nổi trôi trước khi đến được những trại tị nạn... Có nhiều câu chuyện đau lòng mà chỉ đọc thôi, lòng cũng thắt lại. Với nhiều người Việt Nam, với những người cha, người mẹ, người anh , người chị, người con... thì những nỗi đau mà họ đã phải chứng kiến là những cảnh tượng, những đổ vỡ quá lớn, quá sức tưởng tượng của bản thân. Chỉ bởi vì họ là người Việt Nam ? Có lẽ đó chính là lý do khiến họ chỉ muốn quên hết đi những kí ức đau thương gắn liền những kí ức về Việt Nam. Tôi là một thanh niên trẻ "sinh sau đẻ muộn" nhưng hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những gì mà thế hệ trước đã trải qua trong nhọc nhằn và đau khổ…
Lịch sử là vậy, còn hiện tại thì như thế nào ? Ngày hôm nay, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều có những lý do để chán ghét hay không còn muốn nghĩ đến đất nước nữa. Việt Nam trong mắt họ, mà cảm nhận gần nhất là hình ảnh "Nhà nước" được lãnh đạo toàn diện bởi Đảng cộng sản, đó chỉ là những thứ như sông biển ô nhiễm, thất nghiệp, cưỡng chế đất đai, những nhiêu khê, tệ tham nhũng của cơ quan công quyền hay sự mất quyền tự do và bạo lực của bộ máy công an trị... Ai cũng đều có thể là nạn nhân của Đảng cộng sản. Có người chọn thái độ thỏa hiệp để kiếm chác hay làm ăn yên ổn với chế độ này. Cũng có những người chọn thái độ tranh đấu, đứng lên đòi quyền lợi để rồi bị trấn áp và bị bắt nhốt. Còn số đông hầu hết đều lầm lũi, không có những kế hoạch dài hạn cho tương lai hay suy nghĩ về đất nước như một tương lai của đời mình. Giấc mơ bị thu bé lại, mỗi người chọn cho mình một giải pháp cá nhân để rồi dần dà chúng ta thiếu đi hẳn một phản xạ dân tộc trước sự cai trị đầy vô lý của Đảng cộng sản.
Nhưng chúng ta vẫn phải lên tiếng cho một tương lai Việt Nam !
Có cả ngàn lý do để chán ghét, để rũ bỏ đất nước Việt Nam trong lòng người cho đến khi biến nó thành một hành động cụ thể. Nhưng vẫn có một lý do để cố gắng vì nó. Đó là hầu hết những vấn đề của đất nước ngày hôm nay đã không được đặt ra nếu như "không có dảng cộng sản". Chúng ta chắc chắn sẽ xây dựng được một tương lai tươi đẹp và đầy hãnh diện cho người Việt Nam nếu chúng ta dẹp bỏ được sự cai trị vô lý của Đảng cộng sản.
Gần đây tôi có nghe lại bài Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy, lời bài hát giản dị , gần gũi và đi vào lòng người. Bài hát như gợi lại hành trình của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử và nói lên một nguyện ước sống chung của người Việt :
Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi Tấm áo nâu !
Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau,
Áo ơi. Tôi yêu biết bao người Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đóa hoa...
Nếu không có biến cố tháng 8/1945 thì Việt Nam không bị rơi vào quỹ đạo cộng sản, đất nước chúng ta chắc chắn sẽ phát triển và không gặp phải nhiều đổ vỡ như hiện tại. Chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng chúng ta có thể rút ra những bài học từ nó để thay đổi tương lai.
Đảng cộng sản đang là vật cản cuối trong nỗ lực đưa dân tộc Việt Nam ta lần đầu tiên đến với dân chủ và khước từ hoàn toàn thứ văn hóa nô lệ trói buộc dân tộc ta mấy ngàn năm. Trí thức Việt Nam cần phải nhập cuộc và đoạn tuyệt với thứ văn hóa nhân sĩ để hiên ngang dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi tới trong cuộc hành trình về dân chủ.
Nếu có một bài học nào đó về những kiến nghị, cải cách hay cầu xin một sự thay đổi đền từ bên trong Đảng cộng sản thì chúng ta cần phải đoạn tuyệt hẳn.
Có thể tin tưởng vào một Đảng mà phải mất mấy chục năm sai lầm họ mới thừa nhận kinh tế tư nhân không ?
Có thể tin vào một Đảng kêu gọi hòa hợp dân tộc mà không có bất cứ cố gắng hòa giải nào sau tất cả những đau thương và đổ vỡ mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam hay không ?
Họ có thể nào sẽ tự sửa lỗi, tự thay đổi mà không có sức ép nào không ?
Hay một chính sách vô lý và vi phạm quyền công dân như sổ hộ khẩu mà họ vẫn chỉ thay đối một cách rón rén sau mấy chục năm trời chăng ?...
Có nhiều bài học lịch sử nhưng chúng ta phải đồng ý với nhau một cách dứt khoát rằng, một đảng tham nhũng không bao giờ có thể tự thay đổi để hết tham nhũng, một đảng toàn trị không bao giờ có thể tự thay đổi để hết độc tài. Đảng cộng sản có cả hai yếu tố đó, vì vậy chỉ có cách là phải thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị hiện nay.
Phải làm sao ?
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi có nêu rõ một phương thức tranh đấu thành công cho Dân chủ. Mọi nghiên cứu và kinh nghiêm đều cho thấy một quần chúng dù bất mãn tới đâu cũng chỉ nổi dậy đấu tranh nếu có đủ ba điều kiện :
- Một là : mọi người cảm thấy gắn bó trong một số phận chung và chỉ có thể có lối thoát chung chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân ; mặt khác, mọi người đồng ý rằng thảm kịch chung đến từ một tập thể được nhận diện rõ rệt. Nói cách khác, phải có ý thức về hai tập thể rõ rệt, một "tập thể ta" nạn nhân vàmột "tập thể địch" bạo quyền. Trong trường hợp Việt Nam, điều kiện này có nghĩa là quần chúng Việt Nam ý thức rằng Đảng cộng sản là nguyên nhân của tình trạng tệ hại hiện nay và chỉcó thể có giải pháp chung cho cả đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân.
- Hai là : có một tổ chức để động viên và lãnh đạo quần chúng ; vai trò cốt lõi của tổ chức là để giữ nguyên khíthế đấu tranh, tránh những sai lầm gây chán nản. Quần chúng không kiên nhẫn. Cố gắng động viên quần chúng sẽ thất bại nếu có những tổ chức khác nhau đưa ra những lời kêu gọi khác nhau, hay nếu có chia rẽ trong tổ chức lãnh đạo.
- Ba là : tổ chức lãnh đạo phải đủ mạnh để quần chúng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi. Quần chúng không lãng mạn.
Trí thức Việt Nam hãy nhập cuộc. Đây là một giai đoạn lịch sử có nhiều ý nghĩa nhất và nếu chúng ta có một khát khao, một mong mỏi dân chủ cho đất nước thì chúng ta phải ý thức được vai trò của mình. Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước Việt Nam Dân Chủ Đa Nguyên như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mà tất cả mọi công dân Việt Nam đều sẽ có chỗ đứng ngang nhau, mọi con tim, khối có đều sẽ có những cơ hội xứng đáng để thể hiện và cống hiến. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm được vì Dân Chủ Đa Nguyên là một tương lai phải đến cho dân tộc Việt Nam xinh đẹp. Tinh thần bao dung sẽ là một mẫu mực cho sự thành công của tình anh em tìm lại !
Việt Dân
(06/11/2017)