Ngày 21/11/2024, lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hạt nhân, Nga đã bắn một quả tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM : Intermediate-Range Balistic Missile) được thiết kế chỉ để mang đầu đạn hạt nhân vào thành phố Dnipro. Đây là loại tên lửa mới của Nga đang thử nghiệm mang tên Oreshnik. Vì nó không mang đầu đạn nổ nên đã gây thiệt hại không đáng kể.
Topol-M ở Moskva là tên lửa đạn đạo cùng họ với tên lửa 9M729 Oreshnik, được Nga bắn vào Ukraine hôm thứ Năm tuần trước. Tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn tối đa từ 3.000 đến 5.500 km. © commons.wikimedia.org/
Việc Nga bắn thử loại tên lửa này ngay trên chiến trường là một bước leo thang mới rất trầm trọng. Putin muốn nâng thêm một bước sự đe dọa với Ukraine và thế giới về nguy cơ hạt nhân để đáp trả việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa bắn vào các cơ sở quân sự của Nga trên đất Nga. Thực tế là ngay sau khi được phép, Ukraine đã bắn một loạt các tên lửa tầm xa, trong đó có cả loại khủng Storm Shadow, gây thiệt hại rất lớn cho Nga.
Để tăng thêm mức độ đe dọa, Putin cũng dàn cảnh tuyên bố bắn quả tên lửa này trên TV, giống hệt cảnh tuyên bố xâm lược Ukraine, như cờ quạt, 2 cái telephone mầu trắng từ thời Liên Xô và với cái giọng rất ngạnh : "Cuộc xung đột cấp vùng do phương tây gây ra ở Ukraine đã có các yếu tố mang tính toàn cầu. Chúng tôi cho rằng chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí của chúng tôi đánh vào các cơ sở quân sự của các nước cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ chống lại chúng tôi".
Việc Putin đe dọa bằng vũ khí hạt nhân hoàn toàn không có gì mới. Rất nực cười là cho đến hôm nay, người ta không thể thống kê hết số lần Putin đe dọa. Lần này dọa hơn một tý nhưng tôi nói lại để các bạn biết và đây không phải chuyện đùa : Trước khi bắn thử quả này, để tránh bị phương Tây hiểu nhầm và bị bắn trả tan nát, Nga đã thông báo cho Mỹ 30 phút trước khi bắn. Chính Peskov đã thông báo tin này và phó phát ngôn viên của Lầu năm góc, Sabrina Singh cũng khẳng định.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân không phải chuyện đơn giản như các bạn hiểu. Người ta cứ tưởng rằng, lúc nào đó Putin bấm vào cái nút đỏ, thế là một quả tên lửa hạt nhân bay đi. Thủ tục bắn này ở bất cứ nước nào cũng có các biện pháp an toàn để tránh sự điên rồ của một lãnh đạo điên khùng. Vả lại trước khi bắn, có những thủ tục phức tạp mà các bên tranh chấp có thể đã biết.
Ai cũng biết là Nga có vũ khí hạt nhân nhưng việc bảo dưỡng nó rất kém. Việc bắn một quả tên lửa hạt nhân có thể sẽ gây hại cho chính nước Nga vì có thể nó sẽ nổ luôn ngay trong ống phóng. (Quả bom nguyên tử đầu tiên mà Mỹ ném xuống Nhật cũng chỉ được lắp "ngòi nổ" vào phút cuối cùng trên máy bay khi đã bay trên vị trí được ném xuống).
Nếu Nga bắn tên lửa hạt nhân vào Ukraine, chưa nói đến phản ứng của Phương Tây, Ukraine sẽ không đứng yên để Nga sát hại mình và sẽ phản ứng mãnh liệt có thể gây tổn thất không kém gì. Cũng nên biết, trong cuộc chiến này chỉ có phía Nga là bắn vô tội vạ vào những khu dân cư và cơ sở của thường dân Ukraine, trong khi ngược lại Ukraine chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự, kho tiếp liệu hay kho đạn của Nga, và chưa bao giờ bắn vào khu dân cư mặc dù có đủ điều kiện. Hiện nay tuy chưa có vũ khí hạt nhân, nhưng với số lượng tên lửa tầm xa mà Ukraine đang có trong tay, đặc biệt là loại Storm Shadow hay Scalp, Ukraine có thể nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân của Nga mà nả thì sẽ gây ra ít nhất là hàng chục cái Chernobyl (tên nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine bị nổ ngày 26/04/1986 khiến bụi phóng xạ lan khắp Đông Âu), đó là chưa muốn nói đến những nhà máy điện trong các vùng Donbass, Lugansk, Zapporizha, Kherson và Crimea mà quan Nga đang chiếm đóng mà Ukraine có thể phá hủy một cách rất chính xác.
Chắc các bạn cũng chưa quên là mới gần đây thôi, ngày 21/09/2024, Nga phóng thử quả tên lửa xuyên lục địa Sarmat (RS-28) nhưng nó đã nổ ngay trong ống phóng làm thành một cái phễu khổng lồ ở bệ phóng, gây nhiều thiệt hại cho cơ sở phóng Plesetsk. Năm 2023, khi Tổng thống Biden đi thăm Ukraine, để dọa, Nga cũng phóng thử một quả nhưng bị "xịt" (nói chính xác là tịt ngòi, không đạt kết quả). Từ năm 2022, Nga bắn thử 5 lần (RS-28 hoặc Satan-2) thì có đến 4 lần "xịt" hoặc nổ luôn tại chỗ).
Tên lửa Sarmat phát nổ trong silo để lại một hố lớn và phá hủy địa điểm thử nghiệm Plesetsk, miền bắc nước Nga. Sarmat là tên lửa nhiên liệu lỏng nên tai nạn này có thể xảy ra riêng biệt với hoạt động phóng thực tế.
Đây là tôi nói qua về việc thao tác các vũ khí hạt nhân chứ không phải chuyện đùa. Chưa kể khi phóng một phát thì toàn bộ khối NATO cũng sẽ ồ ạt trả đũa bằng vũ khí nguyên tử thì Moskva và những thành phố lớn của Liên bang Nga sẽ trở thành tro bụi. Putin có dám chơi không, khi mà các con cháu của các vị lãnh đạo cao nhất của Nga, kể cả các con của Putin, hiện đang sinh sống và hưởng thị thoải mái không khí tự do tại các quốc gia phương Tây ?
Một trong những phát ngôn viên của NATO, Farah Daklalah đã nói : "Nga bắn tên lửa đạn đạo tầm trung vào Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện chiến tranh và sự quyết tâm của các nước đồng minh NATO trong việc ủng hộ Ukraine".
Hoàng Quốc Dũng
(24/11/2024)