Trái với sự kỳ vọng trong mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, cột mốc ngày 15/9 được chính quyền tuyên bố sẽ bắt đầu trạng thái "bình thường mới" đã chỉ là những lời hứa hẹn. Nhiều tỉnh thành đã bị phong tỏa kéo dài, nhất là Sài Gòn, thành phố đã trải qua hơn 100 ngày phong tỏa nghiêm ngặt nhưng số ca nhiễm và tử vong vẫn ở mức cao. Mốc thời gian 15/9 được đưa ra để trấn an người dân và giới doanh nghiệp FDI nhưng buộc phải lùi lại cho thấy tình hình hiện vẫn rất nghiêm trọng.
Việc đặt ra thời hạn để đạt được mục tiêu chống dịch vốn dĩ đã sai về dịch tễ học, trong bối cảnh đại dịch khó lường như Covid-19 và tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ còn quá thấp (Sài Gòn cao nhất cũng chỉ hơn 28%) thì càng không thực tế. Cái gọi là trạng thái bình thường mới cũng không đúng về ngữ nghĩa, để có "bình thường mới" thì trước tiên các hoạt động phải trở lại bình thường. Bối cảnh đại dịch tác động sâu rộng mọi mặt của đời sống, không những trên thế giới mà Việt Nam cũng phải chấp nhận sống chung lâu dài với Covid-19. Đại dịch đã làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của người dân.
Có lẽ chính quyền vẫn chưa nhận ra rằng, cả nước đã ở trong một trạng thái hoàn toàn mới mà ở đó, mục tiêu "không covid" (zero-covid) là không thể. Không nhận thức và chấp nhận sự thật này đã khiến công tác chống dịch chỉ chạy theo mục tiêu dập dịch bằng các biện pháp cực đoan, mục tiêu không khả thi đã gây ra những thảm họa nhân đạo lớn cho người dân và làm suy giảm trầm trọng sức khỏe cộng đồng.
Đại dịch với mức độ lây lan kỷ lục là một vấn đề toàn cầu, một tai họa bất ngờ cho nhân loại mà không một quốc gia nào có thể chuẩn bị kịp. Việt Nam cũng không ngoại lệ nhưng tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta tận dụng tốt những thành quả nhất định từ khả năng chống dịch của năm 2020 và quý 1 năm 2021. Hiện trạng của Việt Nam thật sự bi đát, tuy nhiên, trong những điều kiện nhất định chúng ta có thể thoát ra với thiệt hại thấp nhất. Để làm được điều này, trước hết chính quyền cần nhìn thẳng và dũng cảm đối diện với hiện thực. Cần kiểm điểm lại thất bại, bình tĩnh thực hiện từng bước dỡ bỏ phong tỏa dựa trên tỉ lệ tiêm chủng.
Cần kiểm điểm lại thất bại, bình tĩnh thực hiện từng bước dỡ bỏ phong tỏa dựa trên tỉ lệ tiêm chủng.
Kiểm điểm lại thất bại
Nhìn lại để thấy, dù đã hy sinh quyền tự do và gây xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống của người dân, thì thành tích trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 của cả năm 2020 cho đến tháng 3 năm 2021 nên được xem là may mắn hơn là thành tích. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng quãng thời gian quý giá nhằm nâng cao năng lực chống dịch, cải thiện hệ thống y tế và xây dựng kế hoạch ứng phó quốc gia trong đại dịch.
Trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, không một quốc gia nào tự đóng cửa mãi với thế giới nên ko thể mãi an toàn trước đại dịch, mức độ lây nhiễm trên quy mô cộng đồng chỉ là vấn đề thời gian và bất kỳ một sự chủ quan nào cũng phải trả giá. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị cho những hiểm họa tiềm tàng thì chính quyền Việt Nam đã tỏ ra chủ quan và xem thường đại dịch. Đây là sai lầm lớn, khó chấp nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là hiểm họa đã tàn phá nghiêm trọng những nước có hệ thống y tế tốt hơn nước ta rất nhiều. Giới lãnh đạo chính quyền thấy rõ nhưng họ xem "thành công" có được là để nâng cao tính chính danh cho Đảng cộng sản hơn việc xem đó là mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân.
Những thiệt hại cả về nhân mạng lẫn kinh tế trong đợt dịch thứ tư này là quá lớn và không đáng có. Với những hệ quả của nó, việc đưa ra thời hạn dỡ bỏ phong tỏa hay các biện pháp chống dịch cực đoan chỉ thể hiện là hành động "chạy trốn hiện thực" và che giấu một vấn đề nghiêm trọng : Chính quyền đang hoảng loạn và mất phương hướng trong kế hoạch ứng phó với đại dịch.
Sự hoảng loạn sinh ra từ thảm cảnh ngoài sức tưởng tượng của hệ thống chống dịch, khi mà những biện pháp thành công trong các làn sóng dịch trước đó đã thất bại thảm hại dù thực hiện với tất cả phương tiện và nhân lực lớn. Càng hoảng loạn, các biện pháp cực đoan lại càng được chính quyền áp dụng mạnh bạo hơn và tất nhiên những tác hại mà nó mang đến đã dành cho nạn nhân là người dân, nền kinh tế và cho chính họ.
Tai hại không kém, sự hoảng loạn này còn được chính quyền lan sang cho người dân khiến xã hội hình thành một tâm lý lo sợ không đáng có, các ngõ hẻm khu phố đã bị một bộ phận người dân cùng tổ trưởng dân phố dùng mọi hình thức hàng rào chặn lại. Những hàng rào thô vụng này đánh mất đi không gian tự do, gây khó khăn cho các hoạt động thiết yếu và sẽ gây nguy hiểm nếu có trường hợp cần cấp cứu.
Đây là thất bại không những của chính quyền, mà còn của toàn xã hội.
Việc mở cửa trở lại khi tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi dưới 10% dân số có thể làm bùng phát đại dịch Covid-19. Việt Nam ở cuối bảng
Hành động để thoát thảm trạng
Thời tiết lạnh sẽ là môi trường để Covid-19 lây lan dễ dàng hơn, thế giới đã trải qua một mùa đông chết chóc trước đó và một mùa đông nữa lại đang đến gần. Nước ta có thể sẽ phải trải qua một thảm kịch lớn nếu không mau chóng thoát khỏi tình trạng nguy khốn đến mức bế tắc như hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên mà trang Nikkei Asia xếp hạng Việt Nam chót bảng (121/121) trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ về chống đại dịch Covid-19 [1]. Tỉ lệ tiêm chủng quá thấp khiến tình trạng phong tỏa sẽ phải duy trì, các hoạt động phong tỏa kéo dài không những khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ mà còn khiến cuộc sống người dân trở nên kiệt quệ, tình hình dịch bệnh mất kiểm soát đã khiến triển vọng phục hồi của nền kinh tế trở nên u ám.
Ứng phó hiệu quả với dịch bệnh là gì nếu không phải là ngăn dịch lây lan nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu đời sống tối thiểu của người dân ?
Áp đặt các biện pháp phong tỏa cực đoan đã tước đoạt quyền chủ động tiếp cận thực phẩm của người dân, trong khi chính quyền đã gần như trở thành độc quyền vận chuyển và phân phối lương thực, thực phẩm. Độc quyền thực phẩm và cách làm cẩu thả đã khiến thực phẩm nhiều khi hư thối khi đến tay người dân, chưa kể khu vực phỏng tỏa phải dùng chung một đơn hàng thực phẩm làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và quyền dung nạp dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe của mỗi người. Đã có không ít người dân chịu cảnh đói kém phải kéo nhau đi giữa đường để đòi lương thực, nhiều bà mẹ và trẻ em khác thiếu sữa cùng các nhu cầu dinh dưỡng khác.
Điều kiện ăn uống không đầy đủ và thiếu không gian để tập luyện thể dục sẽ làm hệ miễn dịch mỗi người suy giảm, điều này thật sự nguy hại vì làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe ở những người mắc các căn bệnh mãn tính và cấp tính thông thường. Đã có nhiều trường hợp tử vong oan uổng chỉ vì những người bị mắc các bệnh này không được cứu chữa kịp thời do sự quá tải của hệ thống y tế và sự vô cảm của những người thực hiện công tác phong tỏa.
Với 30% dân số bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, trong đó 25% bị trầm cảm [2] thì việc ép người dân "ai ở đâu ở yên đó", phải sống trong một không gian chật hẹp lâu ngày sẽ làm trầm trọng thêm sức khỏe tâm thần cho người dân.
Có thể thấy, tiếp tục phong tỏa cực đoan sẽ là thảm họa cho người dân, gánh nặng lên xã hội rất lớn mà hậu quả sẽ khôn lường cho cả nền kinh tế và nỗ lực điều hành của chính phủ.
Trước khi có dịch, hệ thống y tế vốn được Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mô tả như là một tội ác đối với người dân, đã hiển nhiên trở nên bất lực trong đợt dịch này. Trở ngại lớn nhất là dịch tiếp tục lây lan mạnh mẽ trong khi tỉ lệ tiêm chủng đủ hai liều quá thấp (chỉ hơn 7% dân số) [3] và hệ thống y tế quá tải. Kinh nghiệm cho thấy, dịch bệnh thật sự nguy hiểm khi hệ thống y tế vượt qua ngưỡng chịu đựng. Vì vậy, điều gấp rút lúc này là đẩy mạnh đầu tư cho cả hệ thống các bệnh viện công-tư để nâng cao năng lực cứu chữa các bệnh thông thường, và hệ thống cơ sở điều trị Covid-19.
Lực lượng y bác sĩ tuyến đầu đang trải qua quãng thời gian khó khăn, áp lực và nguy hiểm khi trực tiếp đương đầu với đại dịch để cứu chữa người bệnh. Ngay lúc này đây, điều họ cần là sự thấu hiểu để động viên và khích lệ tinh thần chứ không phải những lời hăm dọa từ cấp lãnh đạo bộ y tế. Với môi trường làm việc độc hại và nặng nề như vậy, cấp quản lý cần chăm lo vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi và chính sách đãi ngộ xứng đáng để họ yên tâm thực hiện sứ mệnh cứu người.
Để thực hiện được các thay đổi lớn về y tế như ở trên trong bối cảnh ngân sách trung ương và dự trữ ngoại tệ đã cạn kiệt hiện nay, chính phủ cần tận dụng Chương trình hợp tác toàn cầu (Rapid ACT-Accelerator) để tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp. Gồm có : oxy y tế từ nhà cung cấp oxy y tế lớn nhất thế giới (Air Liquide và Linde) ; thiết bị y tế hỗ trợ điều trị Covid-19 ; trang bị bảo hộ cho nhân viên tuyến đầu ; các bộ xét nghiệm chuẩn đoán ; các loại thuốc hỗ trợ điều trị như dexamethason và kể cả các hỗ trợ thảm họa nhân đạo.
Những vấn nạn vừa nêu ra dù nhức nhối nhưng chỉ là bề nổi của những khó khăn trước mắt, về lâu dài cần nhìn nhận để thay đổi những vấn đề trước khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Vấn đề tiêm chủng dù đã được cảnh báo nhưng các vấn nạn "tham nhũng vaccine" đã diễn ra và làm sai lệch Kế hoạch triển khai và tiêm chủng quốc gia (National Deployment and Vaccination Plan-NDVP) đã thống nhất với Covax Facility. Trong một thời gian dài, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu, nhất là ở các cơ sở y tế tư nhân không được chủng ngừa, nhiều người mắc bệnh nền và người cao tuổi cho đến nay vẫn chưa được tiêm vắc-xin. Những trường hợp chưa cấp thiết như cô hoa khôi "cháu ông ngoại" được tiêm đã cướp đi cơ hội của nhiều người yếu thế, mà đáng ra nếu thực hiện tốt quy định ưu tiên thì đã mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác.
Chính quyền đã tỏ ra bất lực trong việc lên danh sách tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên bắt buộc cho nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc các bệnh nền, những đối tượng chiếm khoảng 20% dân số theo tính toán của WHO và cũng là mục tiêu ban đầu của cơ chế Covax. Với tình trạng tiêm chủng đăng ký được cho ai thì tiêm cho người đó và phân biệt đối xử các loại vắc-xin sẽ làm hiệu quả tiêm chủng suy giảm, đi ngược lại các nguyên tắc dịch tễ. Điều cần thiết là thực hiện đúng Kế hoạch triển khai và tiêm chủng quốc gia (NDVP) để giúp vắc-xin được sử dụng hiệu quả, gia tăng bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương và qua đó, làm giảm số lượng người phải nhập viện vì bệnh nặng.
Để đánh giá hiệu quả của miễn dịch cộng đồng cần phụ thuộc vào các yếu tố như hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, hệ số lây nhiễm của chủng loại virut trong từng giai đoạn khác nhau, mật độ phân bổ dân cư và mức độ tuân thủ các biện pháp hạn chế lây nhiễm. Việc chính quyền cấp phép tràn lan cho nhiều loại vắc-xin, thậm chí các loại chưa được WHO phê duyệt như Sputnik V (Nga), Hayat Vax (Trung Quốc) và mới nhất là Abdala (Cuba) sẽ tiềm ẩn không những nguy cơ về mức độ an toàn mà còn mất khả năng đánh giá tỉ lệ miễn dịch cộng đồng. Khó khăn về nguồn cung vắc-xin không có nghĩa là chấp nhận đánh đổi sự an toàn và gây ra hậu quả khôn lường về các chiến dịch tiêm chủng để sống chung lâu dài với các chủng virut.
Ấn Độ sẽ cho xuất khẩu lại vắc-xin vào tháng 10 tới, nhanh hơn so với lo ngại trước đó là phải đến tận cuối tháng 12/2021.
Bộ y tế nên tiếp cận sớm để đặt mua loại vắc-xin Novavax đã qua giai đoạn 3, loại vắc-xin này đã được Nhật Bản, EU và cơ chế Covax đặt hàng. Số lượng vắc-xin chỉ nên giới hạn tối đa 4 loại (Pfizer/Biotech, Moderna, AstraZeneca, Novavax) để có thể kiểm soát phẩm chất của các số liệu dịch tễ về miễn dịch và thực hiện các công tác dịch tễ để tiến tới sống chung với các chủng virus biến đổi.
Trong tình cảnh cạn kiệt nguồn tiền ngoại tệ không thể mua vắc-xin, chính quyền cần hưởng ứng mạnh mẽ cơ chế tài chính vắc-xin từ lời kêu gọi của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) và Covax Facility. Sự tham gia của WB sẽ giúp gia tăng sự đảm bảo về khả năng tài chính đối với các hợp đồng mua vắc-xin, Việt Nam thuộc các quốc gia AMC92 (92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tham gia cam kết thị trường trước) nên sẽ nhận được sự hỗ trợ của kế hoạch tài chính này thông qua Covax. Tuy nhiên, Việt Nam cần khắc phục sớm những vấn nạn trong công tác tiêm chủng vắc-xin để không làm xấu hình ảnh quốc gia và tuân thủ quy định đã cam kết với Covax, hành xử văn minh là một đảm bảo cho những hỗ trợ từ các tổ chức tiến bộ.
Vắc-xin quan trọng không những cho những lúc thiếu thốn như thế này mà còn cho tương lai sống chung với các chủng corona virus, mọi nỗ lực cho các hợp đồng vắc-xin tương lai đều cấp thiết nên chính quyền cần kiên trì theo đuổi.
Điều quan trọng là biết điều gì đúng và cần làm như thế nào ?! Đại dịch lần này khiến mọi quốc gia đều vất vả ứng phó nhưng đều có thể từng bước thoát ra với các biện pháp ứng phó tôn trọng tối đa quyền lợi người dân. Một vấn đề lớn như đại dịch Covid-19 cần một đội ngũ gồm các chuyên gia dịch tễ giỏi và nhiều kinh nghiệm, những chuyên gia này có thể từ các tổ chức lớn như WHO, UNICEF, các đại học lớn và đặc biệt là những chuyên gia dịch tễ danh tiếng người Việt. Chính quyền nên dũng cảm mời những người ưu tú này để tham gia vào hoạch định kế hoạch chống dịch và lộ trình sống chung lâu dài với các chủng corona virus.
Điểm sáng và cũng là hy vọng cho các nỗ lực hiện nay là người dân dường như ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, theo một cuộc khảo sát của UNICEF vào tháng 5 vừa qua thì tỉ lệ người dân sẵn sàng tiêm vaccine thì 67% muốn được tiêm và 24% có khuynh hướng sẽ tiêm vắc-xin [4]. Vì vậy sẽ rất thuận lợi để chính quyền có thể yên tâm thực hiện kế hoạch chống dịch cởi mở, khoa học dựa trên mục tiêu về tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin.
Để thực hiện được nỗ lực lớn đó, đòi hỏi sự dũng cảm để bỏ qua mặc cảm thất bại và phải có tinh thần tôn trọng khoa học, mọi hành động đều phải có mục tiêu cao nhất là vì quyền lợi của người dân. Thất bại ê chề của hệ thống y tế và sự bất lực của chính quyền một lần nữa cho thấy, đứng trước những thách thức ngày càng lớn của nhân loại như đại dịch, môi trường và biến đổi khí hậu, đất nước cần một chính quyền lương thiện với một dự án chính trị viễn kiến như dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Kỷ Nguyên
(23/09/2021)
Nguồn trích dẫn :
[1] COVID Recovery Index: Delta strain and late jabs hold ASEAN back
[2] Bệnh tâm thần liên quan đến stress, trầm cảm đáng báo động
[3] Covid-19 vaccination in Vietnam: statistics
[4] UNICEF hoan nghênh quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 Việt Nam