Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tôi nhớ quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt...". Những câu văn của Phan An nhiều khi cứ bật lên, văng vẳng trong đầu mỗi lúc ngồi suy nghĩ một mình.

khoc1

Một tổ chức muốn đại diện cho một tương lai phải đến của dân tộc phải có một tư tưởng chính trị để thuyết phục và động viên người dân

Lũ lại về, dồn dập. Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình đã có 15 người chết, 13 người mất tích. Đọc tin xong sao mà lòng cảm thấy buồn quá. Năm nào cũng vậy, rừng thì vẫn cứ chặt cho bằng hết, thủy điện vẫn cứ xả lũ vô tâm mà không có một cảnh báo hay tính toán an toàn nào đến sinh mạng của người dân. Không nhẽ mạng người Việt bị xem thường như vậy sao ?

Đọc những hoàn cảnh bi đát đang diễn ra hàng ngày trong xã hội, có đôi khi tôi tự hỏi làm người Việt để làm gì ? Yêu nước để làm gì khi mà đất nước với nhiều người Việt chỉ là những trạm BOT mọc lên như nấm sau mưa để tận thu thuế người dân ; đất nước chỉ là những tủi nhục, nước mắt của những người công nhân sau những ngày lao động kiệt sức trong công xưởng rồi sinh hoạt chung 4,5 người trong một không gian chật hẹt 15, 16m2 ; đất nước cũng là những lần người mẹ mặt lấm tấm mồ hôi vác vội cái đòn gánh bếp than còn đỏ lửa cùng nồi tàu hũ "chạy" trật tự đô thị dẹp vỉa hè ; hay đất nước khắc sâu trong hình ảnh những đứa bé chỉ hằn lên nét mặt gầy guộc của cha, vẻ lo âu của mẹ khi bồng bế tụi nhỏ trên chiếc xe máy cọc cạch đi trên đường lộ mà thôi...

Người Việt mình sao khổ quá ! " Tôi yêu quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt...".

Đất nước chúng ta đỗ vỡ nhiều hơn chúng ta tưởng. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề và ngày một bị hủy hoại vì những dự án nhà máy nhiệt điện, nhiệt than mà Trung Quốc đang muốn tống khứ sang Việt Nam càng nhanh càng tốt. Kinh tế bị méo mó vì núi nợ của những tập đoàn quốc doanh, tệ hối mại quyền thế và sự cấu kết trong lãnh vực đầu cơ bất động sản... Giáo dục, đào tạo và văn hóa xuống cấp trầm trọng. Dù là một người yêu nước bình tĩnh nhất chắc chắn cũng phải bất giác thốt lên rằng : "Người Việt còn phải chịu bao nhiêu tai ương nữa đây ?".

Nhưng cái làm tôi lo lắng nhất đó là sự chia rẽ trong lòng người. Ý thức quốc gia của mẫu số chung người Việt quá yếu. Sự quyến luyến, nhung nhớ với mảnh đất quê hương chưa thể gọi là ý thức quốc gia và nhiều khi phát tác quá mạnh làm cho khoảng cách về lòng người giữa các vùng, miền càng thêm xa cách. Chúng ta không lắng nghe nhau, không hiểu nhau và không muốn gọi nhau là anh em dù gần hết thảy nói cùng một ngôn ngữ. Tại sao vậy ?

Chỉ có thể lý giải rằng dân tộc ta đã chịu quá nhiều vết thương mà chưa có cơ hội để giãi bày, để hiểu nhau thật sự cho đến khi chữa lành vết thương. Lịch sử của đất nước ta là lịch sử của những cuộc nội chiến, của những cuộc bách hại người công giáo cho đến gần đây nhất là cuộc nội chiến Bắc- Nam. Trong bất cứ thời điểm quan trọng của dân tộc, chúng ta đã luôn chọn bạo lực làm cách giải quyết xung đột chỉ vì thiếu vắng một tư tưởng chính trị làm đồng thuận căn bản.

Đảng cộng sản đã chiến thắng nhưng họ đã không nhận thức rõ cơ hội để hàn gắn đất nước mà tiếp tục hăng say bảo vệ một chủ nghĩa mà nhân loại đã vứt bỏ vào sọt rác. Để rồi trong suy nghĩ của nhiều người Việt hôm nay vẫn là những đau đớn hằn lên cơ thể lẫn tâm hồn khi nghĩ về những thuyền nhân, những trại tù cải tạo hay cuộc sống bí bách, bế tắc đến cùng cực của thời bao cấp.

Ngày hôm nay, đất nước chúng ta đang đi đến một sự đổ vỡ trong lòng người, ý niệm quốc gia có thể sẽ bị tan rã hoàn toàn nếu như không còn ai cảm thấy gắn bó hay phấn đấu vì đất nước nữa. Chúng ta là một dân tộc có rất nhiều vấn đề khẩn thiết, nhưng khẩn thiết nhất là tìm một cơ hội để xây dựng lại đất nước, khôi phục lại lòng yêu nước còn sót lại. Quốc gia sẽ không phải là những tấm panel đỏ chót gắn những khẩu hiệu tuyên truyền lố bịch nữa, quốc gia sẽ không phải là những hạch sách của cơ quan công quyền hay điều 88, điều 79, công an và trại giam nữa.

Quốc gia phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung ở đó mỗi người Việt Nam đều được nhìn nhận chỗ đứng ngang nhau với đầy đủ các quyền con người trong bản tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên là mệnh lệnh lương tâm với những người yêu nước.

Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi xác định rằng bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng về dân chủ như sau :

- Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

- Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

- Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

- Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Hai điều kiện đầu chúng ta đã có. Việc còn lại phải làm là hoàn tất điều kiện thứ ba, nghĩa là đạt tới đồng thuận trên một dự án chính trị, và xây dựng điều kiện thứ tư, nghĩa là hình thành một kết hợp dân chủ có tầm vóc.

Trong bài viết "Nhìn lại hai cuộc cách mạng", tác giả Nguyễn Gia Kiểng có chia sẻ như sau :

"Cách Mạng Tháng 8 đã là một thời điểm hừng hực khí thế. Chưa bao giờ mà dân tộc Việt Nam được động viên tới mức độ đó. Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng sẽ là cuộc cách mạng thông minh nhất và đáng có nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ không sôi động như Cách Mạng Tháng 8 vì nó sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát của lý trí. Nhưng muốn có cuộc cách mạng này thì trí thức Việt Nam phải đầu tư hơn nữa vào tư tưởng. Họ phải ý thức ít nhất hai điều. Một là trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Hai là không có dân tộc nào không có triết lý cả, dân tộc nào cũng có triết lý của mình và hành động theo triết lý đó. Khi không có một triết lý đúng và lành mạnh là người ta có một triết lý sai và bệnh hoạn, và bị dẫn dắt vào thảm kịch".

Chúng tôi hy vọng rằng trước một cơ hội lịch sử để đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên của dân chủ, dứt khoát từ bỏ văn hóa nô lệ, trí thức Việt Nam cần hiểu rằng tranh đấu chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức và là giữa các tổ chức chính trị với nhau.

Một tổ chức muốn đại diện cho một tương lai phải đến của dân tộc thì phải luôn có một tư tưởng chính trị để thuyết phục và động viên người dân cũng như phản ánh được hiện tình của đất nước trong hiện tại và trong cả tương lai.

Việt Dân

(12/10/2017)

Published in Quan điểm

Một chất vấn mà chúng tôi thường được nghe là "35 năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã làm được những gì ?". Nhiều người cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đấu tranh chính trị kiểu sa-lông, không có hành động cụ thể gì cụ thể. Người khác còn chụp mũ Tập Hợp là muốn "hòa hợp hòa giải" với cộng sản, hay Tập Hợp nằm chờ sung rụng, nghĩa là hưởng lợi từ các nhóm đấu tranh khác. Nói chung, Tập Hợp bị quy kết là một nhóm trí thức sa-lông, chỉ nói và viết, đánh võ mồm, anh hùng bàn phím…

donghanh1

Hãy cùng chúng tôi đồng hành vào tương lai. Tương lai dân chủ hóa đất nước.

Trong những xã hội tự do dân chủ, ai cũng có quyền nói lên ý kiến hay trình bày quan điểm của mình. Chúng tôi ghi nhận và tôn trọng tất cả mọi phát biểu về chúng tôi. Nhưng khác với những tổ chức đấu tranh chính trị đã và đang có, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn luôn tin rằng một cuộc đấu tranh chính trị chỉ có ý nghĩa và chỉ xứng đáng để theo đuổi để thể hiện một tư tưởng chính trị hay để thực hiện một dự án chính trị. Chính vì thế trong suốt thời gian qua, Tập Hợp tập trung chủ yếu vào việc xây dựng một cơ sở tư tưởng làm kim chỉ nam chỉ đạo cuộc vận động đổi đời mà chúng tôi gọi là dự án chính trị dân chủ đa nguyên.

Giai đoạn xây dựng cơ sở tư tưởng nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự tham gia và đóng góp của những người quan tâm đến tương lai của đất nước. Những hành động cụ thể chỉ có thể bắt đầu khi cơ sở tư tưởng đã hình thành xong. Đó là quan điểm đấu tranh của Tập Hợp, và cũng là cách tranh đấu riêng của Tập Hợp.

Tư tưởng đấu tranh chính trị của Tập Hợp đã được hình thành từ năm 1982 và không ngừng được tu bổ và tu chỉnh, cập nhật hóa với thời gian. Tài liệu đầu tiên mang tên Cơ sở tư tưởng 1984, Dự án chính trị dân chủ đa nguyên (1990), Thử thách và hy vọng (1996), Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và bây giờ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2015). Đây là tu chỉnh thứ tư và cũng là lần tu chỉnh quan trọng nhất bởi vì anh em chúng tôi nhận định rằng lịch sử đất nước đã bắt đầu sang trang.

Chúng tôi có niềm tin vào sức mạnh của tư tưởng chính trị nên tin vào thắng lợi của dự án chính trị mới Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2. Chúng tôi hy vọng đón nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người còn quan tâm đến tương lai đất nước qua dự án chính trị dân chủ đa nguyên này. Chúng tôi tin rằng nếu cuộc đấu tranh chống độc tài hiện nay được hướng dẫn bởi một dự án chính trị đúng đắn và được sự chuyên chở của trào lưu dân chủ trên thế giới thì thắng lợi chắc chắn ở trong tầm tay.

Đấu tranh chính trị ngày nay không nhất thiết phải bằng gậy gộc hay súng ống, hơn nữa Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đấu tranh xây dựng dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường lối bất bạo động, nghĩa là trong hòa bình và sự tương kính. Trong những điều kiện đó, Nói và Viết là những hành động cụ thể để thực hiện lý tưởng đó.

Khác với những quốc gia tuy độc tài nhưng còn cho phép người dân quyền lập hội và bầu cử tự do như Miến Điện, Iran, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, dân tộc Việt Nam chưa có may mắn đó. Nhưng đấu tranh cho tự do và dân chủ trong những quốc gia vừa kể này cũng không phải là dễ, vì quyền tự do ngôn luận không được tôn trọng, luôn bị bóp nghẹt ; chế độ độc tài nào cũng rất sợ lẽ phải. Do đó, nói và viết là những vũ khí hòa bình có thể thủ tiêu độc tài và bạo ngược, nếu được nhân dân ủng hộ.

Chúng tôi tin rằng nếu thống nhất được ý chí, hành động và ngôn ngữ để đưa tư tưởng chính trị dân chủ đa nguyên mà chúng tôi xác tín là đúng đắn thâm nhập sâu vào quần chúng, Tập Hợp sẽ đón nhận sự chia sẻ và đồng thuận. Sức mạnh hiện nay của Tập Hợp là sự lương thiện, và qua sự lương thiện này chúng tôi muốn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho lẽ phải và cho tự do dân chủ.

Khi tham gia vào một tổ chức đối lập ôn hòa như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cá nhân chúng tôi không được một quyền lợi gì ngoài niềm hãnh diện đứng trong hàng ngũ những người lương thiện chống lại bất công và độc tài. Ngược lại, phiền toái luôn chờ đón chúng tôi, an ninh nhân thân luôn bị đe dọa, và đôi khi còn nguy hiểm cả đến tính mạng… Ở Việt Nam, đấu tranh chống độc tài, kể cả chống tham nhũng hay chống bành trướng, là cả đoạn đường chiến binh. Khi bị đàn áp, người đấu tranh không những bị trù dập, tù đầy mà cả gia đình cũng bị họa lây : mất công ăn việc làm và bị làm khó dễ trăm bề. Giữ gìn nhân thân, bảo tồn lực lượng là kim chỉ nam hành động trong lúc này.

Vì thế, nếu không tin vào một tư tưởng chính trị chỉ đạo, nghĩa là không vào một lý tưởng rõ ràng, làm sao chúng tôi có đủ kiên nhẫn để đi đến cuối con đường đã chọn ? Chúng tôi rất đau lòng về sự ly khai của một số thành viên trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa qua, đó là một ví dụ điển hình về sự mất niềm tin vào sự chỉ đạo của một tư tưởng chính trị dẫn đến mất niềm tin vào tổ chức.

Hãy cùng nhau nhìn vào sự thật. Quả thực cho đến giờ này, những người Việt Nam đấu tranh vẫn chưa xây dựng được một tổ chức chính trị nào là có tầm vóc và có thực lực, trong nước cũng như ngoài nước, kể cả Tập Hợp chúng tôi, để làm điểm hội tụ. Trong bóng tối của sự hoang mang đó, Tập Hợp đã xây dựng xong cho mình một tư tưởng chỉ đạo, một ánh sáng ở cuối đường hầm để cho dễ hình dung. Có thể nói Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 là tài liệu học tập chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tương đối hoàn chỉnh và khả thi. Đây là "bản thiết kế" không chỉ để tranh đấu giành thắng lợi cho dân chủ mà còn là "nền tảng" của bản Hiến pháp tương lai của đất nước. Tài liệu này là một dự án xã hội, một lập trường dựng nước, một chương trình hành động và làm một lời kêu gọi. Nó cũng chứa đựng một giấc mơ Việt Nam mà mọi người Việt Nam đề có thể chia sẻ.

Nhiều tổ chức đối lập hiện nay, kể cả những tổ chức từng chống đối Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một cách quyết liệt nhất, đã lấy lập trường rất gần với "bản thiết kế" của Tập Hợp. Bởi vậy, ngay cả khi Tập Hợp không tham gia vào một liên minh đấu tranh hay cầm quyền nào sau khi đất nước có dân chủ, chúng tôi rất hãnh diện đã đồng hành cùng dân tộc trong việc khai phóng một tư tưởng, một phương thức đấu tranh và thiết kế nền tảng của một bản Hiến pháp tương lai cho Việt Nam, tự do, nhân bản và tiến bộ.

Vấn đề còn lại của những tổ chức đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt Nam là xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt làm chất xúc tác cho cuộc vận động đổi đời. Chúng tôi tin là người dân Việt Nam đủ sáng suốt để hiểu rằng để đập bỏ một công trình cũ, xây một công trình mới thì phải cần đến một bản thiết kế với một đội ngũ hiểu rõ về nó để biết phải làm gì trong mỗi giai đoạn.

Hiểu và tin như vậy nên Tập Hợp biết được cần phải làm gì trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ cần thiết và quan trọng nhất trong lúc này của Tập Hợp là phổ biến dự án chính trị dân chủ đa nguyên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai rộng khắp đến với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong tầng lớp trí thức tinh hoa của Việt Nam. Chừng nào giới trí thức Việt Nam quyết tâm vứt bỏ tấm chăn trùm mình, vượt lên sợ hãi để nhìn thẳng vào sự thật là không thể tiếp tục kiếp sống tồi tàn, cúi đầu qui phục sự tồi dở và gian ác. Phải gia tăng Nói và Viết để khai sáng tri thức dân tộc. Công cuộc "khai dân trí" mà cụ Phan Châu Trinh khởi xướng hơn 100 năm trước vẫn chưa thành công chỉ vì một trở ngại quan trọng, trí thức Việt Nam vẫn chưa được "Khai thông tư tưởng". Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang cố gắng hoàn thành công việc khó khăn đó. Chừng nào trí thức Việt Nam dám dấn thân, cuộc đổi đời chắc chắn sẽ mang lại kết quả.

Để xây dựng đội ngũ trí thức đó, Tập Hợp trước hết muốn xây dựng một vành đai thân hữu rộng khắp, cả trong lẫn ngoài nước, ủng hộ và đào sâu những ý tưởng đã ghi trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, kế là kết nghĩa anh em và đứng chung trong một tổ chức để cùng nhau chia sẻ giấc mơ Việt Nam.

Trước đây đã từng có người nói cho rằng "Mùa Xuân Ả Rập" đã diễn ra thành công mà không cần đến một tổ chức chính trị hay một tư tưởng chính trị nào, rồi thực tế đã chứng minh ngược lại những nhận định hời hợt đó. Thử lấy trường hợp Ai Cập, sau khi "Cách mạng Hoa nhài" thành công, nhà độc tài Mubarak bị lật đổ, cuộc bầu cử tự do của phong trào hoa nhài không có một tư tưởng hay tổ chức chỉ đạo đã dẫn tới sự cầm quyền của một tổ chức không dính líu gì tới những đòi hỏi về tự do và dân chủ. "Những anh em Hồi giáo" là một đảng thuần túy tôn giáo, không hề có chủ trương xây dựng tự do dân chủ nào hết, đã lên cầm quyền và muốn thiết luật Sharia Hồi giáo để rồi bị quân đội lật đổ. Xã hội Ai Cập vẫn loay hoay không biết bao giờ mới có dân chủ thật sự.

Qua thí dụ đó, lý luận cơ bản của Tập Hợp đã được xác minh : cuộc vận động tư tưởng phải luôn đi trước và dẫn đường cho cuộc cách mạng. Nếu không thì một chế độ độc tài này bị loại để một chế độ độc tài khác lên thay thế.

Khác với những tổ chức đấu tranh chính trị đã có, đối tượng quan trọng mà Tập Hợp muốn hướng tới đó là trí thức Việt Nam. Nếu lập trường của Tập Hợp thuyết phục được giới trí thức Việt Nam thì chúng tôi tin là sẽ thuyết phục được người dân Việt Nam. Muốn được vậy, giới trí thức Việt Nam phải thay đổi tư duy từ một giai cấp khoa bảng, phục tùng sang một giai cấp trí thức chính trị, dấn thân.

Điều quan trọng là trí thức Việt Nam phải vượt qua bức tường văn hóa Khổng giáo, "xã hội của những bổn phận". Sự thật nào cũng luôn mất lòng và khó nghe nhưng chúng tôi tin rằng quan điểm này sẽ được trí thức Việt Nam lắng nghe và chia sẻ. Đất nước tụt hậu và thê thảm như ngày hôm nay, dù lỗi tại ai thì chúng ta cũng không thể vô can. Người xưa có câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", khi đất nước lâm nguy thì một người "thất phu" cũng đáng trách huống hồ gì là tầng lớp trí thức ?

Đứng dật và tham gia vào một tổ chức chính trị phải là ưu tư và là trách nhiệm của tầng lớp trí thức Việt Nam. Phải xem việc mình không tham gia vào một tổ chức chính trị là một ngoại lệ thay vì thông lệ. Phải xem đó là hạn chế của bản thân thay vì tự hào là "không thuộc về ai". Nếu cứ tiếp tục tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là đứng một mình, không ủng hộ và tham gia vào một tổ chức nào thì Việt Nam sẽ không bao giờ có dân chủ, và người trí thức tiếp tục bị cai trị bởi những người tham lam, không đạo đức. Người trí thức cũng nên vượt lên cái tôi của mình để tham gia vào một tập hợp chính trị có tổ chức, vì đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa những tổ chức chính trị với nhau chứ không bao giờ là đấu tranh giữa những cá nhân.

Một vấn đề khác cũng cần đặt ra là khi tham gia vào một tổ chức, người trí thức phải ý thức về văn hóa tổ chức, nghĩa là biết quên mình để hòa đồng vào một tập thể lớn hơn với những khác biệt lớn hơn để có thể làm việc chung với nhau. Bất cứ tổ chức nào cũng có phân công và thứ bậc. Nếu không hiểu những điều cơ bản này thì một người khi tham gia vào một tổ chức sau một thời gian sẽ chán nãn và thay vì làm cho tổ chức đó tốt lên lại trở thành người phá hoại tổ chức. Dân chủ và đa nguyên là những tư tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp nhưng trong một tổ chức, yêu cầu chủ yếu là sự hữu hiệu : khi một ý kiến hay một chủ trương đã được thảo luận và được mọi người chấp thuận, thì tất cả mọi thành viên trong tổ chức phải tôn trọng và thi hành.

Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ các chế độ cai trị có được một tổ chức chính trị dân chủ thật sự, vì không chế độ nào muốn bị cạnh tranh hay bị phê phán. Độc tài là phương pháo cai trị dễ nhất, công an, nhà tù và tòa án là những công cụ để bịt mồm những ai chống đối. Nhưng độc tài là những chế độ đang trên đà tuyệt chủng, đó không còn là giải pháp xây dựng xã hội của bất cứ tổ chức đấu tranh chính trị nào trên thế giới. Xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ cho dù khó đến đâu chúng ta cũng phải cố gắng xây dựng cho bằng được vì nếu không có những tổ chức như vậy thì xã hội Việt Nam sẽ không bao giờ có hòa bình, nghĩa là không có tương lai.

Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn gửi đến người dân Việt Nam đó là đừng xem việc "làm chính trị" là công việc riêng của Tập Hợp, hãy nhập cuộc cùng với chúng tôi. Hãy ủng hộ cho những đề nghị của chúng tôi nếu thấy là đúng, hãy chỉ trích và góp ý cùng với chúng tôi nếu thấy là chưa đúng. Hãy tích cực nó và viết.

Chỉ có đứng cùng nhau, chúng ta mới gây được sức mạnh và tạo được sự thay đổi, không chỉ cho bản thân chúng ta ngày hôm nay mà cả cho con cháu và tương lai mai sau.

Hãy cùng chúng tôi đồng hành vào tương lai. Tương lai dân chủ hóa đất nước.

Hãy cùng chúng tôi đấu tranh và xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, bao dung, một nước Việt Nam mà những con người ngày hôm nay có thể chấp nhận được và các thế hệ mai sau có thể tự hào.

Hãy giúp chúng tôi thực hiện giấc mơ đó.

Việt Hoàng

(09/04/2017)

Published in Quan điểm