Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một thân hữu trẻ từng bày tỏ lo lắng với tôi. Cậu cho biết, sau khi đọc nhiều bài của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cậu nhận ra là dân chủ tất thắng, dù ở Việt Nam hay quy mô toàn thế giới. Nhưng cậu lo rằng chế độ độc tài sẽ không chịu chết. Theo cậu, nó sẽ dồn hết mọi sức lực để đánh một đòn cuối cùng vào dân chủ. Và theo viễn cảnh này, Việt Nam sẽ có một cuộc cách mạng bạo động đẫm máu.

UKRAINE-UNREST-EU-RUSSIA

Viễn cảnh một cuộc cách mạng bạo động đẫm máu.

Trước khi nói cho các bạn biết về câu trả lời của tôi cho lo lắng trên, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ của tôi.

Lúc còn nhỏ, tôi thấy người ta chơi cờ tướng, và tôi nói với cha là tôi muốn chơi. Cha dạy cho tôi về cách chơi, và cha kể về những con người có trí thông minh vượt xa người khác, với những thế cờ bí hiểm của họ. Tôi nghe, mê mẩn và đem môn cờ vào danh sách ưa thích của mình.

Câu chuyện xảy ra một thời gian ngắn sau khi tôi biết chơi cờ. Đó là một chuỗi thảm bại của tôi trước cha. Cha tôi rất ít khi nương tay với tôi khi đánh cờ. Tôi cảm thấy rất bực tức vì trước đó, tôi đã học thuộc lòng rất nhiều thế cờ trong một cuốn sách (thực ra là học thuộc tên của các thế cờ đó rồi kêu lên, kiểu bọn con trai hay chơi trò anh hùng và hét tên chiêu thức của anh hùng ấy).

Trận đấu cuối cùng của ngày hôm ấy vẫn vậy. Tôi bị chiếu bí. Và tôi không thể chấp nhận. Một vấn đề của các bé trai ở tuổi này là chúng thường nhập vai vào các nhân vật truyện tranh hay hoạt hình mà chúng thích. Các nhân vật này thường chiến đấu cho những điều tốt đẹp, như hòa bình, công lý… Các cậu nhóc nhập vai họ mọi lúc mọi nơi.

Cờ tướng được đưa vào danh sách ưa thích của tôi, cùng với các thứ như vậy. Và mỗi khi chơi, tôi cũng nhập vai và cho rằng mình điều binh khiển tướng để chiến đấu vì lẽ phải.

Điều này càng được củng cố hơn bởi vì ở lớp, tôi thông minh hơn mọi bạn đồng trang. Nó khiến tôi luôn có ảo tưởng mình là thiên tài, đồng thời là anh hùng chiến đấu cho lẽ phải. Tôi không hiểu vì lý do gì hồi đó người ta hay cho các anh hùng đi với màu đỏ, và dĩ nhiên, tôi luôn chọn quân đỏ để thấy mình giống họ.

Một "anh hùng chiến đấu cho lẽ phải" không thể thua như thế được. Và tôi tiếp tục đi quân, cho dù đã bị chiếu bí. Cha cười và đặt cờ giết con tướng của tôi. Sau đó là một màn giận dỗi phá luật : tôi tiếp tục điều khiển tất cả những quân còn lại chống lại cha, dù đã mất tướng, cho tới khi chúng bị tiêu diệt hết.

co0

Cha cười và đặt cờ giết con tướng của tôi.

Nhiều người cho rằng các cuộc đấu tranh chính trị giống với trò đánh cờ. Thực ra thì tôi thấy có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên vẫn có những điều rất giống.

Nếu đem cuộc đấu tranh của chúng ta ra để so sánh với môn cờ tướng thì sao ? Việc giết con tướng cũng tương tự như là trường hợp cách mạng bạo động, chiếu bí thì giống như một cuộc tổng biểu tình, tổng đình công mà người dân chiếm các cơ quan, xí nghiệp và làm tê liệt chính quyền, còn đưa được quân đến những chỗ cần đến, tạo được cơ hội để triển khai thế cờ cũng giống như khi đã có một đội ngũ nòng cốt, những phương tiện đầy đủ và một cơ sở quần chúng vững chắc.

Người cao cờ sẽ chịu thua ngay khi thấy họ không có cơ thắng, đối phương đã chuẩn bị xong cho thế chiếu bí. Người bình thường thì chịu thua khi bị chiếu bí. Chỉ có những đứa trẻ thích làm anh hùng như tôi mới đợi đến khi tướng chết và thậm chí còn phá luật.

Điều mà thân hữu kia lo lắng đó là Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có thể hành xử như những cậu bé. Và tôi xin trả lời là không thể.

Nếu cuộc đấu tranh của chúng ta xảy ra từ vài thập niên trước thì khả năng đó rất lớn. Vào thời đó, chủ nghĩa cộng sản vẫn còn được nhìn như một cách để xây dựng xã hội, vẫn là một cái gì đó rất thiêng liêng, rất hấp dẫn. Những con người đã chiến đấu dưới lá cờ cộng sản, đã đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, hầu hết đều nghĩ rằng mình chiến đấu cho lẽ phải, cho cái đúng. Nếu chế độ bị uy hiếp trí mạng, họ cũng sẽ hành xử như một cậu bé chơi cờ tướng, nghĩa là chiến đấu đến cùng. Và họ đã hành xử như vậy mỗi khi đối mặt với bất cứ ai chống đối chế độ. Họ có đáng để thông cảm hay không là một chuyện khác.

Nhưng cái Đảng Cộng sản Việt Nam đó đã không còn nữa, nếu không muốn nói là đã chết rồi. Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng chiến đấu với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hay là Đảng Cộng sản Việt Nam của thời bao cấp.

Một tổ chức chính trị là một tập hợp những con người, cùng có mục tiêu là thực hiện một dự án chính trị nào đó, và họ là một khối có lãnh đạo thống nhất. Một khối người có cách suy nghĩ gần giống nhau, thống nhất với nhau trong hành động cũng chính là bí quyết tạo nên sức mạnh của các tổ chức.

Cái được gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam ngày hôm nay không phải là như vậy. Nó là nơi mà người ta gia nhập chỉ thuần túy vì tiền, vì địa vị, hay chỉ giản dị là để khỏi bị chính nó hạch sách. Nó cũng không còn sự lãnh đạo thống nhất nữa. Nhớ lại năm 2012, ông Nguyễn Phú Trọng đã lấy tư cách người đứng đầu đảng để kỷ luật một loạt cán bộ, chờ mãi cho đến hôm nay chẳng thấy ma nào bị kỷ luật cả. Ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ loại được phe Nguyễn Tấn Dũng khỏi quyền lực cao nhất, khi chấp nhận liên kết với Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc. Ai cũng hiểu là ông Trọng đã phải thỏa thuận gì đó với hai người này để tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo đảng. Tuy nhiên họ cũng không thể loại hẳn thế lực của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được. Vây cánh của ông Dũng nằm khắp nơi trong guồng máy đảng và nhà nước.

Trước kia Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ chiến đấu đến cùng nếu bị đe dọa, nhưng ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ rất lúng túng trước một lực lượng được xem như tụ điểm của mọi khát vọng xuất hiện trước mặt họ. Đàn áp hay trù dập ? Cho dù có tỏ ra hung bạo hay cố chấp thế nào đi nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thể chống lại trào lưu dân chủ đang lên với sự chuyên chở của thời đại.

Trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh bất bạo động là những cuộc biểu tình đông đảo, đồng loạt và khắp nơi dưới sự lãnh đạo của lực lượng dân chủ ôn hòa, dứt điểm chế độ độc tài cộng sản. Giải pháp hay nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là tìm sự rút lui trong an toàn, nghĩa là tổ chức những cuộc bầu cử thực sự tự do để chọn những nhân tài mới lãnh đạo đất nước.

Không ai muốn đảng cộng sản đầu hàng hay phất cờ trắng, nhưng nếu ban lãnh đạo đảng cộng sản cứ tiếp tục ngoan cố, đàn áp những cuộc biểu tình trong bạo lực, thì không ai có thể bảo đảm những gì xảy ra sau đó. Cuộc tranh hùng nào cũng phải có kẻ thắng người thua. Nếu kẻ thắng là phe dân chủ ôn hòa thì hòa giải và hòa hợp dân tộc chắc chắn sẽ diễn ra, một điều may cho dân tộc. Nếu ngược lại, kẻ thắng là phe đã mất tướng và tiếp tục chơi gian, hậu quả chỉ có thể tệ hại hơn vì đất nước đã kiệt quệ và không còn gì để chia. Không ai biết đảng hơn những người ở trong guồng máy đảng, danh sách và địa chỉ những người tham nhũng, xử án oan, hà hiếp dân chắc chắn đã được thành lập và sẽ bị lộ ra ngoài nếu không được ăn chia đồng đều. Và điều này đang xảy ra.

Một cách vắn tắt, nếu thật sự khôn ngoan Đảng Cộng sản Việt Nam hãy ngay bây giờ chuẩn bị những cuộc bầu cử tự do để rút lui trong an toàn. Làm được như vậy, những cuộc biểu tình cho dù có quy mô và đồng loạt tới đâu đi nữa, dưới sự lãnh đạo của một lực lượng ôn hòa, có thể sẽ không cần thiết nữa.

Bởi vì sao ? Bởi vì cuộc tranh luận giữa cộng sản và dân chủ đã ngã ngủ từ lâu rồi. Thế giới cộng sản ngày càng teo hẹp lại, và tất cả đều sống nhờ vào sự tiếp cứu của thế giới tự do dân chủ. Đây là câu trả lời hùng hồn và thực tiễn nhấy đối với chế độ cộng sản đương quyền.

Tôi tin rằng Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là những đứa trẻ nghĩ mình là anh hùng và quyết hy sinh đến quân cờ cuối cùng. Tài sản và tương lai của gia đình họ quan trọng hơn cả đảng cộng sản.

Tôi tin rằng nếu cứ ngoan cố tin vào bạo lực sẽ giúp họ tiếp tục cầm quyền, lực lượng dân chủ một khi đã chuẩn bị xong sẽ chiếu bí, buộc đảng cộng sản phải đầu hàng và không chừng sẽ mất hết.

Yến Vương

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Additional Info

  • Author Yến Vương
Published in Quan điểm