Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cộng đồng người Thượng trước 1954

Lãnh thổ miền Trung Việt Nam - bao gồm từ vùng đồng bằng duyên hải đến khu vực cao nguyên phía tây, chạy dài từ Quảng Bình đến biên giới Biên Hòa - đã có sự hiện hữu của một quốc gia tiêu biểu của nền văn minh và văn hóa Ấn Độ, đó là vương quốc Champa được hình thành vào cuối thế kỷ thứ 2 sau công nguyên.

thuong1

Bản đồ Vương quốc Champa - Ảnh minh họa

Sau khi giành được độc lập vào thế kỷ 10, các vua chúa Đại Việt bắt đầu áp dụng chính sách Nam Tiến, xua quân xâm chiếm và gậm nhấm dần những vùng lãnh thổ dọc miền duyên hải miền Trung của vương quốc Champa, để rồi tiêu diệt và xóa bỏ hẳn những tàn tích của vương triều này vào năm 1832. Ngày hôm nay, vương quốc Champa không còn nữa, nhưng dân tộc Champa vẫn còn tồn tại. Hơn 1.500.000 người Thượng cư ngụ trên cao nguyên và 120.000 người Chăm sinh sống dọc vùng duyên hải Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, chưa kể những cộng đồng người Chăm sống lưu lạc ở Cao Miên, Thái Lan, Mã Lai và khu vực Châu Đốc, Tây Ninh, Sài Gòn lập nghiệp.

Theo Hiệp ước Harmand mà người Pháp ký với triều đình Huế ngày 25/8/1883, các dân tộc thiểu số sinh sống trong các tỉnh duyên hải Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Đồng Nai (Chăm, Churu, Raglai, Kaho, Stieng, Mạ, v.v.) không được coi là thần dân triều Nguyễn, vì không cùng văn hóa và ngôn ngữ, do đó trực thuộc vào chính quyền Pháp ở Nam Kỳ (Cochinchine) quản lý và được hưởng một qui chế đặc biệt, gọi là quy chế Harmand, theo đó mọi văn bản về thuế má, luật lệ và hành chánh đều được viết bằng tiếng Chăm và tiếng Pháp thay vì chữ Hán.

Trên cao nguyên miền Trung, ngày nay gọi là Tây Nguyên, trong giai đoạn từ 1832 đến 1895, người Thượng sinh sống hoàn toàn độc lập vì không trực thuộc bất cứ chính quyền nào. Họ tự do sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng truyền thống, vì nếp sống của họ không va chạm với bất cứ nền văn hóa nào tại đồng bằng. Hơn nữa, họ cũng không có quan hệ trực tiếp với ai và cũng không người lạ mặt nào, kể cả người Kinh phiêu lưu trên vùng đất xa lạ này trước khi các giáo sĩ Công giáo tìm đường lên cao nguyên bình định năm 1842 để trốn tránh các vụ bắt giết người theo đạo tại đồng bằng và đã thành lập xứ đạo Kontum năm 1852.

Từ năm 1859 đến 1869, sau khi làm chủ Nam Kỳ, người Pháp bắt đầu tổ chức những cuộc thám hiểm qui mô trên vùng đất này. Năm 1895, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định sáp nhập cao nguyên miền Trung vào lãnh thổ hành chánh Đông Dương, gồm 5 thực thể chính trị : Cochinchine (Nam Kỳ), Annam (Trung Kỳ), Tonkin (Bắc Kỳ, Lào (Laos) và Cao Miên (Cambodge), nhưng vẫn để người Thượng tự do sinh hoạt theo văn hóa truyền thống của họ, vì đối với người Pháp đó là một di sản phi vật thể vô cùng quí hiếm còn sót lại trên thế giới.

thuong02

Bản đồ Đông Dương thuộc Pháp, 1945

Chỉ từ sau đệ nhị thế chiến (1945), cao nguyên trở thành khu vực quân sự chiến lược giữa quân đội Pháp và phong trào Việt Minh, từ đó đời sống người Thượng mất dần sự độc lập. Để bảo đảm an ninh trật tự trên vùng đất này, ngày 27/5/1946 chính quyền thuộc địa Pháp thành lập một lãnh thổ tự trị dành cho người Thượng, gọi là "Pays Montagnard du Sud Indochinois" (Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương), viết tắt là PMSI, đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của người Pháp, biệt lập với của chính quyền người Kinh và Cao Miên ở đồng bằng.

Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương được hưởng một qui chế đặc biệt, nghĩa là có nền hành chánh riêng, những tòa án phong tục riêng và chương trình giáo dục riêng dành cho người thiểu số. Chính quyền thuộc địa Pháp tuyển chọn và đào tạo những thanh thiếu niên thuộc các gia đình vọng tộc người Thượng và Chăm vào Collège Sabatier (trường trung học cấp hai) ở Buôn Ma Thuột và Lycée Yersin (trường trung học cấp ba) ở Đà Lạt, một số khác được tuyển vào các đơn vị quân sự địa phương. Mục đích của người Pháp trước hết là nâng cao trình độ dân trí của người thiểu số để sau đó giúp họ quản trị vùng đất này.

Với thời gian, một số thanh niên ưu tú đã tự kết hợp thành một nhóm nhân sĩ, có lập trường chính trị rõ ràng để bảo vệ quyền sống của dân tộc họ trên cao nguyên. Ngoài chương trình đào tạo hành chánh và quân sự dành riêng cho người bản xứ, từ 1923 đến 1938 người Pháp cũng đã đầu tư rất nhiều vào những dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhằm củng cố sự cai trị và khai thác tài nguyên trên cao nguyên, "Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương" trở thành một khu vực trù phú và an bình.

Lo sợ cao nguyên bị sáp nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ, vua Bảo Đại yêu cầu chính quyền thuộc địa Pháp thừa nhận chủ quyền của triều đình Huế trên vùng đất này và đã được chấp nhận. Ngày 21/5/1951, "Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương" được Pháp nhìn nhận trực thuộc Hoàng Triều Cương Thổ (Domaine de la Couronne), do Bảo Đại lãnh đạo, nhưng được hưởng một qui chế đặc biệt : không ai có quyền sang nhượng lãnh thổ này cho một quốc gia khác nếu không có sự đồng ý của nhà vua và cộng đồng người Thượng được xác nhận không phải là người Kinh (non-annamites). Hoàng Triều Cương Thổ trên danh nghĩa là một lãnh địa tự trị, trong thực tế mọi quyền quyết định đều do người Pháp chủ động. Nói cách khác, cao nguyên là một vùng tự trị trực thuộc Pháp.

thuong03

Bản đồ Hoàng Triều Cương Thổ - Ảnh minh họa

Trong qui chế mới này, để bảo đảm cho người Thượng nếp sống tự do theo truyền thống, người Pháp hạn chế tối đa, nếu không muốn nói là cấm hẳn mọi phong trào di dân của người Kinh vào lãnh thổ này, trừ những nhân viên hành chánh và quân sự được người tuyển mộ lên làm việc, nhưng phải trở về đồng bằng khi hợp đồng mãn hạn. Chính vì thế, cho tới năm 1953 chỉ có khoảng 35.000 người Kinh sinh sống trên một khu vực chạy dài từ cao nguyên Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc đến Lâm Đồng, đa số là quân nhân, công chức làm việc trong các cơ quan hành chánh của Pháp, một số khác đến canh tác hoa màu để phục vụ người Pháp tại đây và chỉ tập cư quanh các thị trấn lớn như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột.

Nói tóm lại, trong suốt 18 thế kỷ nằm trong quỹ đạo chính trị của vương quốc Champa và hơn 60 năm dưới chế độ Pháp thuộc, cộng đồng người Thượng sống hoàn toàn biệt lập với người Kinh ở đồng bằng. Đại đa số gần như gần như chưa bao giờ thấy hay tiếp xúc với người Kinh và cũng không biết người Kinh nói tiếng gì.

Sau hiệp định Genève 1954

Khi hiệp định Genève, ký ngày 21/7/1954, bắt đầu có hiệu lực, định chế Hoàng Triều Cương Thổ bị giải tán và "Xứ Thượng Miền Nam Đông Dương" được giao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, do thủ tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo ngày 11/3/1955. Chủ tâm của chính quyền Ngô Đình Diệm khi sáp nhập phần đất này vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là để xác nhận chủ quyền và vai trò lãnh đạo của người Kinh trên cao nguyên miền Trung.

Quyết định xóa bỏ Hoàng Triều Cương Thổ dành cho người Thượng cũng là xóa bỏ "Quy Chế Harmand" dành cho cộng đồng người Chăm sinh sống dọc vùng duyên hải các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ đầu năm 1955 trở đi, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa khoảng 800.000 di dân miền Bắc trong đó có hơn 20.000 người thiểu số từ các miền thượng du Bắc Việt, lên cao nguyên lập nghiệp. Những di dân gốc Kinh trên cao nguyên sống tập trung trong các thị trấn lớn, dọc các quốc lộ và vùng Phan Rang, Phan Rí.

Sự hiện diện quá đông đảo của những người di dân làm đảo lộn lối sống cổ truyền của những nhóm dân cư bản địa đã có mặt từ trước, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thượng và người Chăm mai một dần với thời gian. Thêm vào đó, chính sách Việt hóa triệt để của chính quyền Ngô Đình Diệm (như cắt tóc ngắn, ăn mặc như người Việt và nhất là phải sử dụng tiếng Việt trong các giao dịch hành chánh) đã để lại nhiều vết thương khó hàn gắn, nhất là với người Thượng. Đây là khúc quanh lịch sử đã tạo ra các biến cố dẫn đến sự vùng dậy đòi phục hồi quyền sống theo phong tục cổ truyền của người Thượng và người Chăm. Hai cộng đồng này không chống lại sự lệ thuộc vào chính quyền Việt Nam, họ chỉ muốn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận và tôn trọng những quyền cổ truyền như quyền làm chủ đất đai, quyền phát triển tiếng nói và phong tục tập quán của họ, nhưng không được chấp nhận.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố bải bỏ các tòa án phong tục và quyền làm chủ đất đai, một số trí thức và nhân sĩ Thượng (đa số xuất thân từ các trường do người Pháp đào tạo) đã cùng nhau họp lại bàn thảo về sự sống còn của dân tộc họ dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1955, là năm khởi động tiếng chuông báo hiệu của sự vùng dậy, những người này thành lập một tổ chức mang tên "Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Cao Nguyên". Y Mot Nie Kdam được bầu làm chủ tịch, Y Thih Eban làm tổng thư ký. Tháng 3/1955, Y Thih Eban thảo một văn thư gởi thủ tướng Ngô Đình Diệm yêu cầu : tôn trọng phong tục tập quán và truyền thống tín ngưỡng của dân tộc thiểu số ; áp dụng chính sách công bằng giữa dân tộc thiểu số và người Kinh ; trả lại cho người Thượng tất cả đất đai mà người Kinh hay chính phủ đã trưng dụng.

Chẳng những không trả lời, tổng thống Ngô Đình Diệm đắc cử ngày 23/10/1955, ban hành những biện pháp khắc khe hơn đối với người Thượng : phủ nhận quyền sở hữu đất đai cổ truyền ; bãi bỏ các tòa án phong tục ; cấm dạy thổ ngữ ; đưa hàng trăm ngàn người Kinh lên cao nguyên khai thác các vùng đất mới.

Quá thất vọng, đầu năm 1958, những người lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Cao Nguyên thành lập một ủy ban điều hành mới để tìm một phương pháp đấu tranh hữu hiện hơn. Ông Y Bham Enoul được ủy nhiệm làm chủ tịch. Ban lãnh đạo mới tập trung mọi nổ lực vào việc nghiên cứu một chiến lược khả dĩ tạo ra một sức mạnh gồm nhiều tiếng nói của toàn thể các sắc tộc Thượng được tôn trọng và được lắng nghe, không những ở trong nước mà cả ở ngoài nước, nghĩa là phải có tầm vóc quốc tế.

Ngày 1/5/1958, ban chấp hành Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Cao Nguyên cho ra đời tổ chức Bajaraka (chữ viết tắt của bốn sắc tộc lớn : Bahnar, Jarai, Radé, Kaho). Đây là tổ chức chính trị đầu tiên của người Thượng chủ trương đấu tranh bất bạo động, yêu cầu tái lập lại quy chế "Hoàng Triều Cương Thổ" và chấm dứt mọi chính sách phân biệt đối xử với người thiểu số.

thuong04

Bản đồ nơi sinh trú của những sắc tộc chính người Thượng trên Tây Nguyên - Ảnh minh họa

Hai tháng sau, ngày 25/7/1958, Y Bham Enoul cùng 16 thành viên Bajaraka ký tên chung trong một văn thư gởi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đại sứ Mỹ, Pháp, Anh ở Sài Gòn, yêu cầu can thiệp với chính quyền Ngô Đình Diệm tái lập lại quy chế tự trị ở Cao Nguyên. Ngày 8/9/1958, Y Bham Enoul với tư cách là chủ tịch phong trào Bajaraka, gởi một văn thư chính thức cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, yêu cầu ban hành một chính sách mới cho người thiểu số. Hai ông Y Dhơn Adrong và Y Mot Nie đem thư này về Sài Gòn trao cho văn phòng Phủ tổng thống. Nhận được thư, Tổng thống Ngô Đình Diệm liền ra lệnh truy nã và bắt giam tất cả những người đã ký tên trong văn thư : các ông Paul Nưr, Y Thih Eban, Y Bham Enoul, Y Ju Eban, Nay Luett, v.v.

Ngày 26/11/1958, có tin đồn người Thượng sẽ nổi lên tấn công các ngục giam để giải thoát những thành viên Bajaraka bị bắt, chính quyền Sài Gòn liền đưa ông Y Bham Enoul về Huế giam và những thành viên Bajaraka khác về trại giam ở Sài Gòn, đồng thời thuyên chuyển những cán bộ, viên chức dân sự và quân sự, tình nghi có liên hệ với phong trào Bajaraka, về làm việc ở các tỉnh đồng bằng. Ngày 1/5/1962, từ ngục giam, ông Y Thih Eban gởi một bức thư khác cho Đại sứ Hoa Kỳ ở sài Gòn yêu cầu can thiệp với Tổng thống Ngô Đình Diệm trả tự do cho tất cả thành viên Bajaraka bị giam giữ. Ngày 18/8/1962, 5 thành viên Bajaraka được trả tự do, đó là các ông Y Thih Eban, Nay Luett, Toneh Yoh, Siu Sipp, Y Ju Eban, trong khi các ông Y Bham Eoul và Paul Nưr vẫn tiếp tục bị giam.

Tháng 6/1963, ông Y Thih Eban nhậm chức quận trưởng Buôn Sarpa, một căn cứ quân sự của lực lượng đặc biệt Mỹ gần biên giới Campuchia mà đa số thành viên đều thuộc phong trào Bajaraka. Tại Buôn Sarpa, Y Thih Eban giao cho thiếu úy Y Nam Eban trách nhiệm lãnh đạo quân sự cán bộ Bajaraka và cử Y Klong Nie sang Campuchia liên lạc viên với Trung tá Les Kosem (một lãnh tụ gốc Chăm ở Nam Vang) tìm giải pháp đưa Y Bham Enoul ra khỏi ngục giam. Sau ngày gặp gỡ với Y Klong Nie ở thủ đô Nam Vang, Les Kosem hứa là sẽ dành cho Y Bham Enoul và thành viên Bajaraka một sự đón tiếp nồng hậu nếu Y Bham Enoul sang Campuchia.

Mọi chuyện đang được xúc tiến thì cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 đã làm thay đổi toàn bộ thế cờ chính trị miền Nam Việt Nam, trong đó có người Thượng. Toàn bộ những người trong phong trào Bajaraka còn bị giam giữ đều được trả tự do.

Đầu tháng 3/1964, Y Bham Enoul cử ông Y Klong Nie sang Campuchia gặp trung tá Les Kosem tại bờ sông Dam cạnh vùng biên giới Việt-Miên. Trong cuộc gặp gỡ này, Y Klong Nie yêu cầu Les Kosem phải bằng mọi cách bảo vệ tánh mạng những người lãnh đạo phong trào Bajaraka khi bị cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa truy nã lần nữa. Trung tá Les Kosem nhờ Y Klong Nie giao tận tay Y Bham Enoul bức thư trả lời, theo đó Les Kosem bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông ta đối với sự hy sinh cao cả của ông Y Bham Enoul cho lý tưởng dân tộc, một người mà Les Kosem nhìn nhận là bậc đàn anh của dân tộc Champa, và hứa sẽ bằng mọi cách giúp các thành viên Bajaraka và Y Bham Enoul sang Campuchia một khi tình hình chính trị ở Việt Nam đưa họ vào ngõ cụt. Trong một cuộc trao đổi nội bộ, Y Dhơn Adrong, Y Nhuin Hmok và Y Nham Eban chấp nhận đưa các thành viên Bajaraka sang Campuchia hợp tác với Les Kosem.

Ngày 20/9/1964, một số sĩ quan gốc Chăm và Khmer Krom thuộc quân đội hoàng gia Campuchia, do Les Kosem đứng đầu, tập trung một số cán bộ hành chánh và quân sự thành lập một mặt trận chung gọi là Front Unifié de Lutte des Racces Oprimées, viết tắt là FULRO (Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Các Chủng Tộc Bị Áp Bức). Trong thực tế Fulro là tập hợp của ba mặt trận :

- Mặt Trận Giải Phóng Campuchia Krom (hạ nguyên, lãnh thổ từ Sài Gòn đến Cà Mau) ;

- Mặt Trận Giải Phóng Campuchia Loeu (thượng nguyên, gồm vùng Champasak ở Nam Lào) ;

- Mặt Trận Giải Phóng Champa (khu vực cao nguyên và đồng bằng duyên hải từ Phú Yên đến Phan Thiết).

Để chính thức hóa liên minh chính trị này, những người lãnh đạo Fulro (phái đoàn Bajaraka, Trung tá Les Kosem và Trung tá Um Savuth, một lãnh tụ Khmer Krom) vẽ ra lá cờ Fulro đầu tiên hình chữ nhật gồm ba sọc : màu xanh da trời, màu đỏ và màu xanh lá cây. Trên sọc màu đỏ có ba ngôi sao màu trắng tượng trưng cho ba mặt trận của Fulro : Campuchia Krom, Campuchia Bắc và Champa ; đó là hiệu kỳ Fulro.

Trong suốt quá trình đấu tranh bằng vũ lực, mà hàng ngàn người Thượng đã hy sinh trên các chiến trường, mặt trận Fulro đã không đạt được mục tiêu đề ra là xây dựng một lãnh thổ "Cao nguyên Champa tự trị", nhưng tổ chức này đã đánh động được dư luận Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến những đòi hỏi của cộng đồng người Thượng và Chăm trong quốc gia Việt Nam.

Năm 1969, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tỏ ra đặc biệt quan tâm tới tương lai người gốc Thượng và Chăm bằng cách tiến cử nhiều nhân sĩ xuất thân từ hai cộng đồng này vào những chức vụ cao trong chính quyền và thành lập nhiều định chế chính trị do người thiểu số đứng đầu (Bộ phát triển sắc tộc, Hội đồng sắc tộc, quận trưởng, xã trưởng), ngoài ra họ còn tham gia trực tiếp vào nhiều định chế như Quốc hội, Thượng nghị viện, Hội đồng tỉnh và Tòa án.

Nguyễn Dominique

(Trung tâm Lịch sử và nền văn minh bán đảo Đông Dương)

Tư liệu trích dẫn :

- Nguyễn Trắc Dĩ,

      * "Tìm hiểu phong trào tranh đấu FULRO, 1958-1969", Bộ Phát Triển Sắc Tộc, Sài Gòn, 1969.

      * "Hội đồng các sắc tộc - Một tân định chế dân chủ của Đệ II Cộng hòa Việt Nam", Bộ Phát triển Sắc tộc, Sài Gòn, 1970.

- Paul Nưr, "Sơ lược về Chính sách thượng vụ trong lịch sử Việt Nam", Sài Gòn, 1966.

- Vĩnh Lộc,  Cái gọi là "phong trào đòi tự trị" FULRO, Pleiku-Banmêthuột', 9/1965.

- Bộ Phát triển Sắc tộc,

      * Thành tích công tác Bộ Phát triển Sắc tộc, 1967.

      * Lược sử Cao nguyên Trung phần tại Việt Nam, 1968.

      * Chính sách phát triển sắc tộc của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, 1973.

Additional Info

  • Author Nguyễn Dominique
Published in Tư liệu