Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 01 novembre 2021 16:09

Học thuyết bản vị

Giới thiệu tổng quát

1. Học-thuyết bản vị là học thuyết về tổ chức và quản lý công việc. Đây là phần cần có để giúp đưa phần thuần-túy lý-luận vào thực tiễn lý-luận. 

organisation_travail_équipe_puzzle

Học-thuyết bản vị là học thuyết về tổ chức và quản lý công việc. Ảnh minh họa về tổ chức và quản lý công việc

2. Học-thuyết bản vị là một học-thuyết cắt nghĩa sự hình-thành, kết-cấu và vận-động của các bản-vị, đặc-biệt là bản-vị nơi con người và xã-hội, tức trong phần Duy-Nhân và Duy-Dân trong biện-chứng Thắng-nghĩa. Học thuyết bản vị có 3 thành tố và 2 yếu tố. Ba thành tố là bản vị, cơ năng và trung tâm bản vị. Hai yếu tố là vận động và kết hợp.

3. Áp dụng học thuyết bản vị vào việc tổ chức và điều hành quốc gia và xã hội để thực hiện nền dân chủ toàn dân, trực tiếp, nền dân chủ mà Lý Đông A còn gọi là "dân chủ xã hội hóa", tạo điều kiện và môi trường cho người dân chủ động và trực tiếp tham gia vào mọi ngành hoạt động xã hội, từ văn hóa giáo dục đến kinh tế thương mại, sản xuất, và chính trị xã hội, từ quốc gia đến khu vực (Đông Nam Á) đến quốc tế (toàn cầu).

A. Định nghĩa

1. Bản-vị nghĩa đen là chỗ đứng gốc. Nghĩa bóng là sự kết-hợp nên thành một hiện hữu (pháp), cái ấy có nhiều hình tướng (tức nhiều cái nhỏ) hợp lại mà thành. Khi kết thành như thế tất phải có một trụ cốt, ví như cái trục của quả đất, cái sinh mệnh chủ thể nơi con người v.v…Nhờ cái trụ cốt ấy mà tuy hình tướng có đa dạng, khác nhau (đối lập) nhưng vẫn kết tụ thành một cái đồng-nhất được. Cái đồng nhất ấy gọi là bản-vị (hay pháp-thể hợp-tướng). Định-nghĩa này áp dụng cho tất cả các bản-vị, đặc-biệt là cho bản-vị nơi con người và xã-hội. Một số thí dụ về bản vị trong xã hội : các cơ quan công quyền, một tổ chức dân sự, gia đình…

2. Cơ năng là các thành phần tạo thành bản vị. Thí dụ trong bản vị gia đình có các thành phần cơ năng là cha mẹ và những đứa con. Các cơ năng có hai hướng vận động là quy tâm và ly tâm. Vận động quy tâm tạo lực kết hợp thành bản vị, vận động ly tâm tạo ra các hoạt động của bản vị. Nếu hoạt động mang tính hướng thượng thì giúp tạo thành một bản vị mới rộng lớn hơn. Khi bản vị vận động hướng thượng thì trở thành một cơ năng của một bản vị mới lớn rộng hơn, tức là có tác dụng cơ năng hóa. Để có thể vận động, bản thân mỗi cơ năng phải là một bản vị, và có các thành phần cơ năng riêng của nó. Như vậy, bản vị là cơ năng ở thể kết hợp, cơ năng là bản vị ở thể vận động. Không thể kết hợp nếu không vận động, không thể vận động nếu không kết hợp. Không thể là bản vị nếu không có các cơ năng, không thế có các cơ năng nếu không có bản vị. Bản vị đồng thời vừa là cơ năng vừa là bản vị. Cơ năng đồng thời vừa là cơ năng vừa là bản vị. Không như thế thì không tồn tại, thì tan rã. Bản vị và cơ năng đều có tính chủ động của nó. Nguyên tắc này cần được tôn trọng khi thực hiện trong xã hội để tránh biến người làm việc thành công cụ của công việc, của tổ chức và quản lý. 

3. Trung tâm bản vị là trung tâm của bản vị. Trung-tâm bản-vị là sức lõi, hay ít nhất là cái biểu-tượng của sức lõi của một bản-vị. Các cơ năng khi vận động quy tâm thì tạo thành một trung tâm kết hợp. Trung tâm này có hai tác dụng, vừa giữ cho bản vị tồn tại ổn định và bền vững, vừa thúc đẩy các cơ năng vận động ly tâm và hướng thượng. Trung tâm của một bản vị lớn rộng tự nó phải là một bản vị mới có thể hoàn thành nhiệm vụ làm trung tâm với hai sức quy tâm và ly tâm. Bản thân bản vị trung tâm do đó cũng phải có các thành phần cơ năng và trung tâm bản vị như các bản vị khác. Nếu quốc gia được tổ chức và điều hành theo mô hình bản vị-cơ năng thì các cơ cấu công quyền từ cấp trung ương tới các cấp vùng miền, tỉnh, thành phố và địa phương đều là các bản vị trung tâm, có nhiệm vụ điều phối mọi tổ chức và sinh hoạt của người dân trong xã hội, từ cấp quốc gia đến cấp địa phương. Đó là các cơ quan điều phối chứ không phải lãnh đạo, hay lãnh đạo theo phương thức trung tâm điều phối, chứ không chỉ huy, từ trên xuống, và các tổ chức và sinh hoạt của người dân trở thành các cơ năng của bản vị quốc gia hay vùng miền, địa phương. Các trung tâm điều phối do người dân đề cử ra, lãnh đạo bằng đường lối, bằng các kế hoạch và các quy định chung. Các tổ chức và sinh hoạt của người dân chủ động trực tiếp hoạt động với các sáng tạo và phương thức riêng phù hợp với lãnh vực hoạt động, tổ chức và sinh hoạt riêng của mình. 

B. Ứng dụng học-thuyết bản vị :

1. Nhu cầu tổ chức  

Những dẫn giải trên thuộc phần tư-tưởng. Nay ta thử đem thuần-túy lý-luận ấy vào thực tế áp dụng.

1.1. Trong thực tế khi áp dụng vào phần Duy-Dân trong biện-chứng chúng ta thấy một nhu cầu cấp bách của nhân loại cũng như riêng xã-hội nước ta : đó là nhu-cầu tổ-chức. Tổ chức thế nào để vừa có hiệu xuất cao vừa tôn trọng được con người trong tổ chức. Tổ-chức là cần thiết để tiến hóa, nhưng tổ-chức không đúng có thể chỉ đáp ứng được một nhân tính này thì lại bóp chết một nhân tính khác, giải quyết được một nhu yếu này lại có thể làm bế tắc một nhu yếu khác. Tệ hơn nữa là tổ-chức xã-hội hiện nay đang biến con người thành công cụ, làm mất đi tính nhân chủ, đe dọa sự phát triển nhân tính. Các trào lưu nhân bản hiện đang làm những cuộc vận-động nhâ bản hóa nhằm tạo phản-tỉnh lớn lao tại các quốc-gia kỹ-nghệ-hóa để tránh sai lầm này. Tuy nhiên những cuộc phản kháng suông không thể thắng được kỹ thuật tiến bộ. Phải có một cách tổ-chức mới vừa khoa-học vừa phát-triển được nhân tính, vừa giải quyết được các vấn-đề xã-hội vừa ph0át huy được tính nhân chủ của những người làm việc.

1.2. Nhưng căn cứ vào tiêu chuẩn nào để tổ-chức lại theo nguyên tắc của học-thuyết bản vị ? Phải suy tìm ra được cái trung-tâm bản-vị nhân loại để từ đó lần xuống mà thiết lập riềng mối cho tổ chức xã-hội và dân-tộc phù hợp với con người. Nói cách khác phải tìm ra được cái nguyên ủy, cái lý do nguyên thủy của việc tạo thành xã-hội con người. Chính vì thế mà Lý Đông A khám phá ra xã-hội tự-tính làm nền tảng cho mọi cơ-cấu tổ-chức của xã-hội con người, khởi đi từ 2 nhận định căn bản : (1) Loài người thành người nhờ tu chỉnh lại tự nhiên, không sống thuần túy theo tự nhiên, dù vẫn phải sống hòa với tự nhiên ; và (2) Từ đó mà loài người tự thành lập xã hội cho loài người, không sống bầy đoàn như loài động vật, nhằm mục đích thực hiện được đường sống phù hợp với loài người. Lý Đông A gọi đó là xã hội tự tính. Đây là trung tâm bản vị của nhân loại.

2. Nhân-loại bản-vị :

2.1. Như thế khi trở về nguồn gốc là nơi con người như một toàn thể nhân loại, khác biệt với thiên nhiên (loài người với tự nhiên đối lập thống nhất) chúng ta tìm thấy ở đấy những suy-động lực làm nền cho sự vận-động và kết-hợp thành nhân-loại bản-vị.

2.2. Nhân-loại tự thành một bản-vị vì sự vận-động và kết-hợp của nhân tính : Nhu yếu tính, sắc tính, tự vệ tính và xã-hội tính (tức quần tụ tính). Mà trong quá trình vận-động và kết-hợp các cơ-năng đó thì tính chất vừa khác biệt (đồi lập) vừa thống nhất với tự nhiên tạo nên một sức suy-động lớn lao. Nhờ sự ỷ tha này nơi tự nhiên mà con người phát sinh một sức suy-động nội tại. Nói cách khác thiên nhiên là sức đối lập khiến con ngườip hải kết hợp lại để tồn tại, để tự bảo vệ sư sống còn tiến hóa của mình. Sự vận-động kết-hợp đó qua thời gian và không gian tạo thành bản-vị nhân-loại. Nhân-loại bản-vị do đó được kết hợp nên do sự vận-động của các nhân tính trong hoàn cảnh thời gian và không gian. 

2.3. Sự vận-động các nhân tính đó trong lịch-sử loài-người qua những giai đoạn tiến hóa thực tế này : nhân đạo sơ khai, nhân đạo thành lập, nhân đạo tăng tiến và nhân đạo ổn định. Trong các giai đoạn đó đều có chung một suy-động lực : đó là sự phát hiện phạm trù NGƯỜI đối lập thống nhất với phạm trù Tự Nhiên. Lịch-sử nhân-loại do đó có thể được hiểu như sự vận-động và kết-hợp các nhân tính để thể hiện và thực hiện nhân đạo, đường sống đặc thù của loài người, tức bản-vị nhân-loại, trong quá trình thời không. Do đó mà nói lịch-sử nhân-loại là sự phát hiện và thể hiện phạm trù Người. 

3. Dân tộc bản vị :

3.1. Sự phát hiện và thể hiện phạm trù Người phải đi qua dân tộc. Mỗi dân tộc trong tiến trình thời gian và không gian của mình cũng tự thành môt bản vị có độc đặc tính. Sự thành lập và tiến hóa của một dân tộc là sự thành lập và tiến hóa của nhân loaị nhưng kinh qua những điều kiện đặc thù về chủng tộc, địa lý, ngôn ngữ, chính trị, văn hóa v.v… Sự vận động và kết hợp của các điều kiện đó trong không gian và thời gian làm nên 1 bản vị riêng.

3.2. Tất cả những yếu tố về không gian và thời gian kia chỉ là những cơ năng thành phần vận động lẫn nhau mà kết hợp thành bản vị dân tộc. Cho nên không thể có xung đột giữa những cơ năng thànhphầnđó mà có được dân tộc và nhân loại hòa hài. 

3.3. Có nhiều dân tộc khác nhau và chỉ có một nhân loại, nhưng như trên đã nói dân tộc chỉ là nhân loại trong các điều kiện vận động thời không đặc thù cho nên sự thành lập và vận động của dân tộc không thể đi ngoài và đi ngược với sự thành lập và vận động của nhân loại. Cho nên mỗi dân tộc phải thăng hoa tác dụng để thành những cơ năng kết hợp nên bản vị nhân loại. Sự kết hợp này không thể dễ dàng thẳng tuột từ dân tộc lên nhân loại hay bằng cách xóa bỏ hoàn toàn dân tộc, mà phải qua trung gian những khối cộng đồng các dân tộc trong từng khu vực. Sự hình thành và vận động của các khối cộng đồng dân tộc khu vực này cũng phải theo các luật tắc vận động và kết hợp của bản vị, trong đó những dân tộc trong khu vực trở thành những thành phần cơ năng để kết hợp thành bản vị cộng đồng khu vực. Rồi các cộng đồng khu vực này lại trở thành các thành phần cơ năng để vận động và kết hợp nên bản vị nhân loại.

3.4. Tiến trình từ dân tộc lên nhân loại thông qua các cộng đồng khu vực phải lấy văn hóa cộng đồng làm trọng yếu. Có văn hóa cộng đồng mới có được tổ chức cộng đồng. Mổi dân tộc trong cộng đồng khu vực phải phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc mình để đóng góp với các dân tộc khác tạo thành văn hóa chung, lấy đó làm trung tâm kết hợp tổ chức cộng đồng. Rồi các văn hóa cộng đồng khu vực đó lại cùng đóng góp để tiến tới văn hóa chung cho toàn nhân loại làm trung tâm vận động và kết hợp nên bản vị nhân loại. Trung tâm này được biểu tượng ra qua một tổ chức quốc tê như Liên Hiệp Quốc hiện nay, với các nguyên tắc và quy luật sinh hoạt chung mà các quốc gia thành viên cùng đồng thuận.

Business,And,Lifestyle,Balance,Concept,With,Balanced,Metal,Balls,On

4. Quốc gia : Trung tâm bản vị dân tộc

4.1. Mỗi dân tộc trong quá trình hình thành 1 bản vị phải có một trung tâm. Trung tâm ấy là quốc gia. Quốc gia là biểu tượng cho trung tâm của bản vị dân tộc, là nơi hội tụ sức lõi của dân tộc, là nơi vận động và kết hợp các yếu tố tạo thành dân tộc qua quá trình thời gian và không gian. Quốc gia được biểu tượng ra bằng một chính phủ có nhiệm vụ điều hợp những thành phần kết cấu nên một dân tộc, tức là các cơ năng của bản vị dân tộc.

4.2. Mỗi dân tộc do đó phải có một quốc gia với một quá trính hình thành qua thời gian (lịch sử) và trong không gian nhất định (lãnh thổ). Mất quốc gia thì không còn dân tộc. Tuy nhiên cũng có những dân tộc dù đã bị mất quốc gia hay quốc gia bị xâm chiếm một thời gian, nhưng vẫn hồi phục lại được không bị tiêu vong nếu tiêm năng tinh thần vẫn tồn tại, vận động mạnh mẽ ngấm ngầm trong quần chúng, như trường hợp nước Việt sau 1000 năm bị Tầu đô hộ, hay trường hợp Do Thái mất nước gần 20 thế kỷ. Trong những trường hợp như thế nếu tiềm năng tinh thần suy yếu chắc chắn những dân tộc đó đã bị diệt vong. 

4.3. Quốc gia, do đó, để xứng đáng là trung tâm cho bản vị dân tộc phải hội đủ các điều kiện như sau : (1) đại biểu trung thực cho văn hóa dân tộc ; (2) duy trì và phát triển được sức mạnh trường tồn của dân tộc ; (3) vận động và kết hợp được các yếu tố đặc thù nhưng đa dạng của dân tộc ; (4) đại diện được dân tộc trong cộng đồng khu vực và trên toàn thế giới.

4.4. Nhiêm vụ của cách mạng là bảo vệ và phục hưng được quốc gia, trungtâmbảnvịdântộc, nhất là trong thời kỳ dân tộc lâm vào nguy cơ bị xâm lược, suy vong hay nô lệ.

5. Các ứng dụng khác của học thuyết bản vị :

5.1. Học thuyết bản vị có thể ứng dụng vào sự hình thành và vận động của bất cứ sự việc nào trong tự nhiên, con người và xã hội. 

5.2. Trong tự nhiên, sự vật đều kết hợp nên nhờ 2 sức quy tâm và ly tâm thường xuyên vận động trong trạng thái quân hành, vừa đối lập vửa thống nhất, nếu không sẽ tan rã. Như trái đất, nếu không có lực quy tâm đã tan rã trong vũ trụ, đồng thời nếu không có sức ly tâm đã không thể vận hành trong một quỹ đạo nhất định. Sự quân hành vận động giữa hai lực ngược chiều này tạo ra quả đất, tạo ra trục trung tâm của quả đất và tạo ra quỹ đạo của quả đất, đồng thời cũng tạo ra trạng thái quân hành, cùng vận động với các tinh tú khác trong vũ trụ, không va chạm vào nhau.

5.3. Trong xã hội, như ta đã thấy ứng dụng vào dân tộc và nhân loại. Trong xã hội tất cả các cơ cấu như gia đình, chức nghiệp… đều tự thành một bản vị, cùng vận động như những cơ năng để kết hợp thành bản vị xã hội, cũng là bản vị quốc gia. Khi nào mất vận động và kết hợp như những cơ năng sẽ phát sinh bệnh thái tranh chấp tôn giáo, giai cấp, đảng phái… quốc gia và xã hội sẽ suy yếu hoặc tan rã.

5.4. Trong phần con người, mỗi cá nhân cũng là một bản vị do các cơ năng thành phần tâm, sinh, lý, lực…vận động và kết hợp với nhau mà thành. Mỗi bản vị cá nhân cũng có một trung tâm, đó là cái chủ thể sinh mệnh, hay cái lý tưởng sống của cá nhân đó, nó cho người đó có một hướng sống rõ ràng. Nếu thiếu cái trung tâm bản vị đó thì sống cũng không có ý nghĩa gì, cũng như chết.

Kết luận :

1. Có thể lấy câu chuyện cổ tích Ấn Độ về cái xe để hiểu học thuyết bản vị. Một vị cao tăng Ấn Độ chỉ vào cái xe và hỏi một đệ tử cái gì là cái xe, bánh xe có phải là cái xe không, càng xe, thân xe, có phải là cái xe không. Đệ tử đều lắc đầu. Như vậy cái gì là cái xe ? Cái xe bao gồm tất cả những thành phần đó. Cái xe là bản vị, các thành phần tạo thành cái xe là các cơ năng. Cũng có thể lấy gia đình làm thí dụ. Gia đình là bản vị, cha, mẹ, con cái là các thành phần cơ năng. 

2. Ngày nay, những khám phá của các ngành khoa học đều cho thấy mô hình của học thuyết bản vị là mô hình vận động và kết hợp của mọi sự vật trong đời sống con người. Ngày nay có học thuyết hệ thống (systems theory) tương cận với mô hình này. Trong systems theory có hai khái niệm the whole và the parts tương đương với bản vị và cơ năng. Nguyên lý căn bản của systems theory là : "The whole is more than the sum of its parts" (*). Trong học thuyết bản vị thì bản vị cũng không phải chỉ đơn thuần là tổng số các cơ năng gộp lại mà thành. Các cơ năng thành phần không kết hợp và vận động thì không có bản vị, còn bản vị nếu không có các thành phần cơ năng thì không hình thành và không có vận động, không tác động gì với chung quanh. Hai nguyên tắc căn bản của học thuyết bản vị là "bản vị và cơ năng hỗ tương nguyên nhân" và "vận động và kết hợp hỗ tương nguyên nhân". 

3. Khi áp dụng học thuyết bản vị vào việc tổ chức và điều hành xã hội, các sinh hoạt xã hội sẽ trở thanh các thành phần cơ năng cùng vận động và kết hợp nên bản vị xã hội, vừa mất đi tính mâu thuẫn đối kháng, vừa phát huy được năng lực và đặc tính riêng của mỗi thành phần trong xã hội, cùng góp phần thúc đẩy xã hội tiến hóa hơn. Trong cái nhìn đó, bản vị trung tâm là căn bản, không thể thiếu một định hướng chung mà bản vị quốc gia được ổn định bền vững, và các thành phần cơ năng trong xã hội được vận hành hài hòa, không mâu thuẫn, va chạm và tan rã. 

4. Khi áp dụng vào tổ chức thế giới sẽ xây dựng được đại đồng nhân loại một cách chân thực, ổn định và bền vững, đi từ tiểu đại đồng dân tộc, lên trung đại đồng khu vực và đại đại đồng quốc tế. Không thể có đại đồng quốc tế theo cách của Mác là xóa bỏ bản vị dân tộc lên thẳng quốc tế đại đồng. Cũng không thể có quốc tế đại đồng qua trung tâm là một siêu cường. 

5. Riêng đối với dân tộc Việt, hiểu và thực hiện được học thuyết bản vị sẽ thực hiện được nền dân chủ xã hội hóa, vừa có trung tâm kết hợp dân tộc ổn định bền vững, vừa có được sự vận hành xã hội mang tính dân chủ chân chính, toàn dân, trực tiếp, thực hiện nền dân chủ mà Lý Đông A gọi là "dân chủ toàn dân trực tiếp", thực sự của dân và do dân– không sa vào dân chủ đảng hóa, hoặc đảng tranh rối loạn hoặc độc tài, độc đảng.

(tháng 5/2011)

Nhiên Hòa

Nguồn : VNTB, 01/11/2021

Additional Info

  • Author Nhiên Hòa
Published in Tư liệu