Bài viết này chỉ rõ 3 đặc khu kinh tế không nằm trong chiến lược phát triển của Việt Nam, lại nhằm phục vụ chiến lược "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc.
Sáng 10/06/2018, hàng chục ngàn người Việt tại Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nghệ An, Hải Dương và nhiều nơi khác đã xuống đường phản đối Dự Luật về ba Đặc khu
Trước phản ứng chống lại việc thành lập 3 đặc khu của người dân, khuya 8/6/2018 Bộ Chính trị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và 3 giờ sáng 9/6/2018, nhà cầm quyền cộng sản phải ra thông báo lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp Quốc hội lần tới.
Đảng Cộng sản chỉ lùi thời gian thông qua chứ không phải bỏ ý định thành lập 3 Đặc khu. Khi Đạo luật về đặc khu được thông qua sẽ chính thức công nhận di dân kinh tế từ Trung Quốc.
Vì thế không phải thời gian cho thuê đất 10, 20, 50 hay 99 năm mà chính là Đạo Luật cho phép di dân Trung Quốc sẽ là nỗi đe dọa đến quyền lợi dân tộc Việt Nam.
Chiến lược Việt Nam
Mục tiêu thành lập 3 đặc khu được biết là xây dựng 3 nơi này (và chỉ 3 nơi này) thành khu vực có nền kinh tế thị trường hoàn toàn tự do, hiện đại, hội nhập có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Ngày 9/3/2018, Việt Nam và 10 quốc gia khác chính thức ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP). Mục tiêu của Hiệp định là gỡ bỏ mọi rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hiệp định chính là mục tiêu chiến lược của Việt Nam. Vì thế luật pháp và hành chính Việt Nam cần điều chỉnh theo hướng bảo đảm kinh tế thị trường có thể phát triển, đủ hấp dẫn thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam, để Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh thương mãi quốc tế và nhất là để tuân thủ các điều khoản Hiệp Định vừa được ký kết.
Tại sao chỉ tập trung vào 3 đặc khu mà không phải cả nước ? Rõ ràng dự luật đã mâu thuẫn với Hiệp Định và với chiến lược Việt Nam đang đeo đuổi.
Chiến lược Trung Quốc
Chiến lược "Một vành đai - Một con đường" được biết là sáng kiến của Tập Cận Bình cho đổ vốn đầu tư xây dựng một vòng đai chạy dọc bờ biển Á, Âu và Phi nhằm bảo đảm an ninh hàng hải, bảo vệ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu và hàng hóa xuất nhập Trung Quốc.
Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng chi ra những ngân khoản thật lớn lên đến cả ngàn tỷ Mỹ Kim đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các đặc khu tại các nơi dọc theo con đường chiến lược này.
Tại sao Việt Nam xây dựng 3 đặc khu cùng một lúc ? Vì cả ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều nằm trên con đường chiến lược "Một vành đai, Một con đường" này.
Không tiền để xây dựng hạ tầng cơ sở cho 3 đặc khu cùng một lúc, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đi vay, và nguồn vốn vay được sẽ đến từ Trung Quốc.
Việt Nam trong cảnh nợ quốc tế vượt mức báo động, nay chồng thêm nợ vay xây dựng đặc khu. Không tiền trả nợ dẫn đến nguy cơ cả 3 đặc khu trở thành những nhượng địa cho Trung Quốc.
Chiến lược bá quyền Trung Quốc
Cụm từ bá quyền Trung Quốc do chính Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra và ghi rõ trong Hiến pháp 1980.
Chiến lược bành trướng được biết đã có từ thời Mao Trạch Đông bằng mọi cách phải chiếm biển, chiếm đất, di dân bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Chiến tranh biên giới, chiếm thác Bản Giốc, nhiều phần lãnh thổ, đường 9 đoạn chữ U, việc xây dựng các căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liên tục tấn công ngư dân Việt trên biển Đông là những bằng chứng không thể chối cãi mộng bành trướng bá quyền Trung Quốc.
Ba đặc khu trải dài từ biên giới phía Bắc xuống tận miền Nam khi di dân Trung Quốc tràn ngập 3 nơi này xem như Trung Quốc đã hoàn toàn khống chế biển Đông mặt tiếp giáp với Việt Nam.
Bài học đặc khu tự trị người Hoa trên đất Lào
Với kỳ vọng xây dựng một khu công nghệ kỹ thuật cao, Lào ký hợp đồng cho một doanh nhân Hong Kong thuê đất trong vòng 30 năm để xây dựng Đặc khu Boten bắt đầu từ năm 2003.
Nhưng Đặc khu biến thành một Casino chỗ chơi cờ bạc, chứa chấp thành phần bất hảo, tệ nạn xã hội, cuối cùng Casino bị chính nhà cầm quyền Trung Quốc ra lệnh đóng cửa.
Đặc khu Boten điều hành theo luật lệ của Trung Quốc, sử dụng tiền Trung Quốc, nói và viết tiếng Hoa… Ai muốn sống trong đặc khu phải học tiếng Hoa và sống theo tập tục của người Hoa. Hầu hết dân Lào phải rời đi nơi khác vì không phù hợp với văn hóa, với lề luật, với môi trường sống quá đắt đỏ và phức tạp tại đây.
Mặc dầu Đặc khu Boten hoàn toàn thất bại, di dân Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại và chỉ trong một thập niên Boten đã trở thành một khu tự trị của di dân từ Trung Quốc.
Đầu cơ đất và thu hồi đất
Việc thành lập 3 đặc khu đang trong vòng tranh cãi thì giá đất tại Phú Quốc tăng vọt và việc cưỡng chế đất cũng gia tăng.
Khi Quốc hội thông qua luật về 3 đặc khu giá đất sẽ tiếp tục tăng. Mặt khác diện tích đất tại 3 đặc khu vốn có giới hạn, các dự án sẽ cần đất để phát triển cơ sở hạ tầng và để cho thuê dài hạn, vì thế việc thu hồi, cưỡng chế đất cũng sẽ gia tăng.
Người dân địa phương vốn đã nghèo khổ nay lại mất nhà, mất đất, lại phải hy sinh cho phát triển kinh tế, hy sinh cho người giầu, hy sinh cho các nhóm lợi ích và lợi ích Trung Quốc.
Bài học bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều
Năm 1976, khi Đảng cộng sản Việt Nam áp dụng chính sách cải tạo công thương nghiệp tại miền Nam, Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối và "nhân danh Tổ Quốc (Trung Quốc) đứng ra bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều".
Họ cho tàu thuyền sang tận Việt Nam đón Hoa kiều hồi hương. Rồi gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc, chiếm đóng nhiều phần lãnh thổ Việt Nam và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam.
Tại Việt Nam ngày nay nhiều phố Tầu mới xuất hiện từ Bắc xuống Nam. Bên trong những khu vực như Formosa Vũng Áng cũng toàn công nhân và gia đình người Hoa. Mọi sinh hoạt không khác mấy bên Tàu, xem ra chẳng khác gì những khu vực tự trị của người Hoa.
Khi Đạo luật về đặc khu được Quốc hội thông qua sẽ chính thức công nhận di dân kinh tế từ Trung Quốc xem như chiến lược của Trung Quốc đã thành công tại Việt Nam.
Vì thế không phải thời gian cho thuê đất 10, 20, hay 99 năm mà chính là Đạo Luật cho phép di dân Trung Quốc là nỗi đe dọa đến quyền lợi quốc gia, quyền lợi dân tộc Việt Nam.
Kết Luận
Sáng nay 10/06/2018, hằng chục ngàn người Việt tại Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nghệ An, Hải Dương và nhiều nơi khác đã xuống đường phản đối Dự Luật về 3 Đặc khu và Dự luật an ninh mạng với nhiều biểu ngữ đòi Trưng Cầu Dân Ý việc thành lập 3 đặc khu.
Riêng ở Sài Gòn con số quá đông nên lực lượng công an không thể nào dập tắt. Cuộc đấu tranh gìn giữ lãnh thổ Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.
Đảng Cộng sản đã thụt lùi nhưng chỉ lùi thời thông qua chứ không phải bỏ ý định thành lập 3 Đặc khu. Và như đã trình bày trong bài đây là vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, về an ninh, có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam.
Vì thế đảng cộng sản không thể đơn phương quyết định việc thành lập, nếu không đây sẽ là ngọn lửa khai mồi cho cuộc Trưng Cầu Dân Ý Truất Phế Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Úc Đại Lợi, 10/06/2018
Trong một bức thư ngỏ đề ngày 09/12/2015, gửi Bộ Chính trị, cựu Đại sứ Nguyễn Trung và 126 người khác đã yêu cầu đổi tên đảng, tên nước, từ bỏ chủ thuyết Mác - Lênin và thay đổi triệt để vì tương lai dân tộc.
Bầu cử ở Việt Nam
Lần này, trước Hội nghị trung ương 6, ông Nguyễn Trung lại cho phổ biến kiến nghị tâm huyết kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện cải cách chính trị để thành lập một thể chế mới đa đảng.
Vì suốt đời phục vụ Đảng cộng sản nên cách nhìn của ông Trung về đa đảng chính trị còn rất nhiều giới hạn cần được góp ý.
Về nội dung kiến nghị
Theo ông Nguyễn Trung thì Đảng cộng sản Việt Nam đã sai lầm trong nhận thức giữa hai nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển đất nước.
Cho nên 42 năm qua từ một đảng cách mạng, đảng đã biến chất trở thành đảng cai trị gây bao tai ương cho đất nước. Nay đảng phải cải cách, phải trở thành một đảng chính trị với Cương lĩnh và Điều lệ mới, trở thành đảng của dân tộc.
Muốn thế đảng cần thực hiện ba bước :
- Thứ nhất, đảng tự thay đổi, tự cải cách về đường lối, về tổ chức và về phương thức hoạt động, để có khả năng xây dựng và triển khai chiến lược cùng phương thức và kế hoạch thực thi cải cách trong cả nước ;
- Thứ hai, sửa sọan một hiến pháp đa đảng cho Việt Nam ;
- Thứ ba, thông qua hiến pháp và xây dựng một thể chế chính trị mới đa đảng.
Đầu tiên là về hai khái niệm 'đảng' và 'hội'
Khái niệm đảng của dân tộc mang màu sắc đảng của toàn dân, như đảng cộng sản xưa nay vẫn cố tình ngộ nhận, rồi dẫn tới chỗ cho giới bất đồng chính kiến là phản lại đất nước, lại dân tộc.
Thực ra, đảng chính trị chỉ là tập hợp của những người có cùng chung chính kiến, đồng thuận với nhau về chiến lược, đường lối, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu nhất định.
Bởi thế mới có đảng của người cộng sản, người cộng hòa, người xã hội, người công nhân,… đảng chính trị cũng bảo vệ lý tưởng và quyền lợi của những nhóm người mà đảng đó đại diện.
Các đảng chính trị thuyết phục cử tri tin và trao quyền lực cho đảng thực hiện các chính sách quốc gia.
Các đảng chính trị vì dân, sẽ do dân chọn lựa, và như thế họ sẽ là của dân.
Còn hội là tổ chức phi chính trị.
Khái niệm đảng cũng chỉ là "một thứ hội trong xã hội dân sự" mà ông Phạm Khiêm Ích trong Phụ lục IV đưa ra và ông Nguyễn Trung dùng trong kiến nghị cũng là khái niệm của cộng sản.
Hội chỉ là tập hợp của những người có cùng chung mục đích dân sự nhất định, các thành viên trong một hội có thể có nhiều chính kiến khác nhau, thậm chí đối chọi nhau.
Hội phải là tổ chức phi chính trị. Hội không có vai trò cạnh tranh quyền lực chính trị. Vì thế hầu hết các hội đều độc lập và trung lập với các đảng chính trị.
Câu hỏi về thể chế được đặt ra tại Việt Nam cùng quan hệ giữa xã hội và bộ máy chính trị
Một số hội có ít nhiều liên hệ với các đảng chính trị, như công đoàn thường ủng hộ các đảng chính trị có khuynh hướng bảo vệ cho người công nhân.
Luật hội đoàn khác hẳn với luật đảng chính trị, như ở Úc chỉ cần ba người có thể lập hội, còn đảng chính trị phải có ít nhất 500 đảng viên.
Đa đảng hình thức
Từ sai lầm về khái niệm ông Nguyễn Trung đề nghị : "chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội... Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết."
Đa đảng theo khái niệm ông Nguyễn Trung là đa đảng hình thức.
Còn đa đảng chính trị, các đảng phải thực sự bình đẳng cạnh tranh và cử tri sẽ sử dụng lá phiếu để chọn lựa đảng nào thích hợp nhất với lý tưởng và quyền lợi của mình.
Về Quốc hội lập hiến
Từ những sai lầm bên trên ông Nguyễn Trung quên hẳn vai trò của Quốc Hội Lập Hiến, khi ông giao cho đảng cộng sản sọan một hiến pháp mới cho Việt Nam.
Quốc kỳ Việt Nam tại Hà Nội
Quốc Hội Lập Hiến là thủ tục rất cần thiết trong quá trình xây dựng nền tảng dân chủ. Tốt nhất Quốc Hội Lập Hiến phải qua một cuộc bầu cử tự do.
Đó là nơi các dân biểu đại diện cho nhiều thành phần khác nhau trong xã hội một cách chính danh ngồi lại để soạn ra một bộ luật mẹ áp dụng cho tương lai Việt Nam.
Để có giá trị thực sự Quốc Hội Lập Hiến cho tương lai Việt Nam cần có tiếng nói đại diện của người Việt khắp năm châu.
Và để tránh việc lạm quyền Quốc Hội này sẽ giải tán ngay sau khi hiến pháp mới đã được thông qua.
Vai trò cải cách của Đảng cộng sản
Mâu thuẫn lớn nhất là kiến nghị ông Nguyễn Trung giao cho đảng cộng sản vai trò chủ động trong việc cải cách, nhưng chính ông đã nhận ra :
"Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ, ví dụ : cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…"
Ông viết rất rõ : "…cho đến nay đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách : Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 "biểu hiện" phải chống (đặc biệt là nhóm ba - biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)"
Mâu thuẫn cho thấy ông Trung là người hết sức lý tưởng, vẫn tin vào Đảng cộng sản và lạc quan đến phi thực tế.
Sức ép quần chúng
Năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập WTO cựu Đại sứ Nguyễn Trung cũng đã lạc quan xem đó là "cơ hội vàng, vận hội mới cho dân tộc".
Trên thực tế chỉ thiểu số cầm quyền tạo các nhóm lợi ích tước đoạt mọi "cơ hội vàng" mà lẽ ra cần được chia sẻ đồng đều cho người dân.
Khi "cơ hội vàng" đã hết các nhóm lợi ích trong đảng quay ra đánh nhau giành quyền lực và quyền lợi bè nhóm.
Thực tế cho thấy các bè nhóm lợi ích trong Đảng cộng sản sẽ không bao giờ từ bỏ độc quyền chính trị nếu không có một sức ép đủ mạnh từ phía người dân.
Sức ép này sẽ tác động lên thành phần muốn thay đổi bên trong và bên trên của đảng. Đây chính là thành phần mà tuyên giáo lên án là tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong diễn biến hòa bình.
Khi sức quần chúng đủ mạnh và xác suất cách mạng thành công cao thì thành phần này sẽ công khai xuất hiện.
Trong hoàn cảnh nhà nước nợ ngập đầu, vay không được, chi nhiều thu ít, tận thu bị dân chúng phản kháng, như vụ chống phí BOT, vụ chống tăng thuế trị giá gia tăng VAT,…cuộc cách mạng Diễn biến hòa bình có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào...
Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Úc)
Nguồn : BBC, 06/10/2017
Trên trang BBC Việt Ngữ tuần qua, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ có bài viết nói về mặt nổi của tảng băng "bất ổn thể chế" trong tình hình kinh tế hiện nay.
Trạm thu phí BOT không nằm ở đường tránh mà nằm ở Quốc lộ 1A
Bài viết có nhắc đến 2 vấn đề đang được dư luận quan tâm : nợ công và BOT Cai Lậy.
Đáng tiếc bài chưa nối kết hai vấn đề nên chưa đưa ra được mặt chìm của tảng băng.
Nợ công và BOT
Theo Giáo sư Phạm Quý Thọ, nợ công cao và đang tăng nhanh, "…cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lấp, tổng số nợ (công) năm 2016 là 431 tỷ Mỹ kim, lên đến 210% GDP."
Con số 431 tỷ Mỹ kim này chưa tính đến các khoản nợ BOT khổng lồ, lên đến 85-90% nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT không phải là vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư mà là vay mượn từ ngân hàng.
BOT là những hợp đồng giữa nhà nước và nhà đầu tư. Vì thế trong trường hợp nhà nước vi phạm hợp đồng như đang xảy ra tại BOT Cai Lậy, nhà đầu tư có quyền giao BOT lại hay kiện nhà nước đòi bồi thường thiệt hại do thay đổi hợp đồng.
Trong trường hợp nhà đầu tư do quản lý kém, do ước tính sai lưu lượng xe cộ giao thông, do phải trả lãi suất quá cao… liên tục bị thua lỗ, thì để có thể tiếp tục vận hành nhà nước cũng sẽ phải bảo hộ.
Trong trường hợp nhà đầu tư phá sản, nhà nước cũng phải can thiệp đứng ra điều hành BOT và gánh những khoản nợ khổng lồ mà nhà đầu tư còn thiếu ngân hàng.
Phí qua trạm BOT Cai Lậy sẽ giảm nhưng thời gian thu phí lại tăng, theo quyết định từ cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tiền Giang và chủ đầu tư hôm 16/8
BOT là tảng băng chìm của nợ công.
BOT đang tạo sóng ngầm và BOT Cai Lậy là một thách thức lớn mà giới chức cộng sản Việt Nam đang phải đương đầu.
Có phải BOT là một chủ trương đúng ?
Điều Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng BOT là "một chủ trương đúng nhưng đã bị lạm dụng" cũng cần được xét lại.
Ở các quốc gia khác, mục đích của BOT là nâng cao hiệu quả của các dự án phát triển hạ tầng giao thông.
Nhà nước giao BOT cho tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build), vì trên thực tế tư nhân luôn phục vụ hiệu quả hơn nhà nước.
Sau khi xây dựng hạ tầng, tư nhân thu phí khai thác điều hành một thời gian (operate) và sau cùng tư nhân chuyển giao (transfer) công trình lại cho nhà nước.
Việc nghiên cứu, lên kế hoạch, quyết định tiến hành các dự án BOT đều có sự tham gia đóng góp của cả chính phủ, tư nhân, truyền thông và xã hội dân sự.
Mọi chi tiết dự án đều công bố một cách công khai và minh bạch. Mọi dự án đều được công khai đấu thầu. Mọi tiến trình đều được công luận giám sát chặt chẽ.
Hiện có hơn 70 dự án BOT từ Bắc tới Nam
Như thế, người bị thiệt hại đều được bồi thường thoả đáng và mọi người đều có quyền chọn lựa sử dụng dự án BOT hay sử dụng đường giao thông khác.
Cuối cùng, người sử dụng phương tiện là người trả phí. Họ chấp nhận trả cho đoạn đường giao thông mang lại nhiều tiện ích cho họ, cho gia đình và cho xã hội.
Chừng một năm về trước chính phủ Campuchia vui mừng loan báo đã chấm dứt thu phí BOT trên toàn đất nước Chùa Tháp.
Thành công của BOT tại Campuchia chứng minh cho thành quả của nền dân chủ đa đảng đang phát triển tại nước này.
Trong khi đó, tại Việt Nam BOT lại đầy rủi ro, bất trắc, thật ra là hệ quả của một thể chế độc đảng, thiếu cạnh tranh lành mạnh, và mang mục đích khai thác thiếu đúng đắn.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, thu phí BOT cũng là một dạng thu thuế.
Thông thường, khi nhà nước làm đường thì thu thuế đưa vào ngân sách và thực hiện. Trong điều kiện ngân sách không đủ nhà nước giao cho doanh nghiệp làm tuyến đường và thu phí BOT.
Do đó, chỉ trong vòng chục năm Việt Nam đã cho xây dựng 71 dự án BOT từ Bắc xuống Nam. Điều đáng quan tâm là mọi tiến trình từ ra quyết định, xây dựng, vận hành các dự án BOT đều không công khai, không minh bạch.
Vì thế nên đến 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu, trong đó nhiều nhà thầu không đủ năng lực, vay vốn ngân hàng đến 90%. Họ thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng và vận hành BOT.
Nói cách khác, BOT Việt Nam chỉ là một biến thái của hình thức quốc doanh được nhà nước ban độc quyền khai thác và được bao cấp khi thua lỗ.
BOT Cai Lậy và sự phản kháng bất tuân dân sự
Chỉ trong một thập niên, BOT thiết lập cùng khắp Việt Nam. Nhiều nơi thay vì mở ra đường mới nhà nước chỉ cho tráng nhựa lại đường cũ rồi đặt trạm thu phí. Vì thế các trạm BOT thường xuyên bị người dân phản kháng.
BOT Cai Lậy là một trường hợp cụ thể và mới nhất. Nhà nước cho lập đường tránh Cai Lậy và tráng một lớp nhựa trên Quốc Lộ 1A rồi cho đặt trạm thu phí ngay trên Quốc Lộ.
Đường tránh Cai Lậy vừa xong nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Báo Người Lao Động ghi nhận nhiều đoạn đường có dấu hiệu trồi, sụt do bị lún và nhiều ổ gà.
Phục vụ và an toàn giao thông đã kém, tất cả các xe cộ lưu thông qua Quốc Lộ 1A đều bị đóng phí.
Vì được độc quyền khai thác, nhà nước cho thu một khoản phí cao ngất trời cho mọi loại xe.
Tài xế trả tiền lẻ mua vé qua trạm Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang
Vì thế, ngay khi trạm thu phí mở cửa ngày 1-8-2017, BOT Cai Lậy đã gặp phản kháng liên tục, có tổ chức, được sự ủng hộ của dư luận, truyền thông, báo chí và của cả giới chức cầm quyền địa phương.
Sau hai tuần lễ BOT Cai Lậy bị liên tục phản kháng, lưu thông ứ đọng, nhiều lần phải xả cửa và cuối cùng phải đóng cửa không rõ bao giờ mới mở lại.
Yêu cầu của người phản kháng là mang trạm phí vào đường tránh Cai Lậy. Cho đến nay nhà nước chỉ đồng ý giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu.
Trong bài, Giáo sư Phạm Quý Thọ ngầm cho biết phản kháng BOT Cai Lậy cùng lúc với chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực lên đến cao điểm.
BOT lại là ổ của tham nhũng. Vì thế báo chí trong nước dường như được Đảng Cộng sản cho phép nhanh chóng đưa hầu hết các thông tin về BOT.
Qua các thông tin chính thống dễ dàng cho chúng ta nhận ra một hình ảnh vỡ nợ đang bao trùm mạng lưới BOT. Và các khoản nợ BOT tiềm ẩn này sẽ là nỗi "bất ổn thể chế" trong những ngày sắp tới.
Cũng cần phải nói BOT chỉ là một trong 70 loại phí liên quan đến giao thông vận tải.
Các chi phí này là gánh nặng người dân phải trả cho nhà nước nó làm trì trệ sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Nợ công và sự phản kháng bất tuân dân sự
Thực chất của nợ công là nợ người dân phải trả cho sự yếu kém tham nhũng của guồng máy chính trị.
Số tiền 431 tỷ Mỹ kim đồng nghĩa với người dân từ đứa bé mới sinh ra đến cụ già sắp mất mỗi người mang một khoản nợ ước chừng 4.300 Mỹ kim.
Đó là khoản nợ chính thức. Còn các khoản nợ tiềm ẩn như nợ BOT, nợ nếu thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình… thì con số sẽ nhiều lần cao hơn.
Năm nay, chính quyền cộng sản đã phải trả nợ lời ước tính lên đến 10 tỷ Mỹ kim.
Để có tiền trả nợ nhà cầm quyền sẽ phải tăng phí, tăng thuế nói chung là phải tăng thu từ người dân để trả cho các món nợ công.
Khi người dân nhận thức đang phải trả những khoản nợ ngập đầu vì sự yếu kém đầy tham nhũng của guồng máy độc quyền đảng trị thì phản kháng bất tuân dân sự sẽ liên tục nổ ra.
Khi chính quyền vỡ nợ là lúc nhà nước cần được thay bằng một chính thể dân chủ, công khai và minh bạch.
Chỉ có như thế mới cứu vãn được tình trạng bế tắc của nền kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Úc)
Nguồn : BBC, 31/08/2017