Bàn lại với tác giả Vũ Đức Liêm về sự hình thành đường biên giới Việt Nam-Campuchia
Trương Nhân Tuấn, 17/01/2022
Bài viết của tác giả Vũ Đức Liêm tựa đề "Sự hình thành đường biên giới Việt Nam-Campuchia thời nhà Nguyễn" thấy đăng ở trang "Nghiên cứu quốc tế" và được "chuyển qua chuyển lại" (rất) nhiều lần trên các trang mạng.
Tác giả mở đầu : "Bài viết này phản bác lại luận điểm rằng đường biên giới Việt Nam-Campuchia là sáng tạo của người Pháp. Trái lại, nó là sản phẩm của các nỗ lực của nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX trong việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, và xác lập các hệ thống phòng thủ, cũng như bố trí dân cư dọc theo đường ranh giới mà theo đó sẽ định hình nên đường biên hiện đại giữa hai quốc gia".
Theo tác giả : "Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ".
Tác giả viết : "Thực tế cho thấy Huế, Bangkok, và Phnom Penh đã đi đến công nhận hiện trạng của đường biên này, ít nhất như chúng ta có thể phác thảo : từ Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, qua Châu Đốc và kéo dài lên Tây Ninh. Một trong những biểu hiện của sự ghi nhận này chính là việc các tập bản đồ của triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu đề cập đến đường biên này (xem bản đồ minh họa)".
Ý kiến của tôi, công trình nghiên cứu về biên giới Việt Nam-Campuchia của tác giả Vũ Đức Liêm có quá nhiều sơ hở (mà có quá ít dữ kiện lịch sử chứng minh cho lập luận của mình).
Sơ hở thứ nhứt. Các tấm bản đồ "lịch sử" mà tác giả đưa ra để "chứng minh". Thực tế đó chỉ là những "sơ đồ", những bức họa không hoàn chỉnh. Hiển nhiên nó không có giá trị pháp lý. Ngoài kinh Vĩnh Tế, có thể kiểm chứng trên thực tế, người ta không thấy hình dạng nào của đường biên giới từ kinh Vĩnh Tế cho tới Tây Ninh.
Xác định một đường biên giới trước hết là xác định được hướng đi cũng như tọa độ của đường biên giới, xác định qua các mốc giới, được tất cả các bên nhìn nhận.
Kinh Vĩnh Tế (màu đỏ) - Ảnh minh họa
Một bản đồ khác, khá hoàn chỉnh, trong bài của tác giả nhưng không thấy ghi nguồn. Theo tôi, nhiều xác suất cho thấy là bản đồ đó do sở Địa dư Đông Dương của Pháp vẽ, trong thời Pháp thuộc.
Sơ hở thứ hai. Tài liệu từ Ban biên giới Việt Nam đã công bố từ các năm 2000 nói về biên giới Việt Nam - Campuchia như sau :
"Việt Nam - Campuchia có chung đường biên giới đất liền dài khoảng 1.137 km, đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), tiếp giáp với 10 tỉnh của Campuchia (Ratanakiri, Moldulkiri, Cratie, Kong Pong Cham, Tbaung Khmum, Prey Veng, Svey Rieng, Kandal, Ta Keo và Kam Pot)".
Tạm nhìn nhận rằng "biên giới hiện trạng" từ kinh Vĩnh Tế đến Tây Ninh là "đường biên giới" được các bên Việt-Miên-Thái nhìn nhận (mà điều này tác giả không có sử liệu nào chứng minh).
Ta thấy là "đường biên giới" Việt-Campuchia, do tác giả hình dung, chỉ là một đoạn, khoảng 1/3 chiều dài đường biên giới Việt-Miên mà thôi.
Điều khó thông cảm là tác giả viết về "đường biên giới" mà không chỉ ra được đường biên giới này dài bao nhiêu ? được cắm bao nhiêu mốc giới ?
Không có "mốc giới" xác định thì không thể gọi đó là "đường biên giới".
Sơ hở thứ ba, kinh Vĩnh Tế chưa bao giờ là "đường biên giới" giữa hai nước Việt Nam và Campuchia hết cả. Vì nhiều lý do ghi lại tuần tự bên dưới.
Sơ hở thứ tư. Tác giả nghiên cứu về biên giới nhưng lại không trình bày "quan điểm" của đế quốc Khmer về "đường biên giới" là như thế nào ? Ngay cả quan điểm của Việt Nam về "biên giới" tác giả cũng không nhắc tới.
Theo nghiên cứu riêng của tôi, văn hóa Khmer không có quan niệm về "đường biên giới". Toàn bộ sử sách của dân tộc Khmer không hề thấy sự hiện hữu bất kỳ một tấm bản đồ (hay sơ đồ) nào để xác định "lãnh thổ" của đế quốc Khmer mở ra từ đâu và giới hạn từ đâu.
Quan niệm Khmer về lãnh thổ là "dân Khmer ở đâu, lãnh thổ của họ là ở đó".
Còn quan niệm của Việt Nam về "biên giới" ra sao ?
Phần này viết dông dài một chút.
Người Việt Nam, cũng như người Hoa, không có một khái niệm cụ thể về "đường biên giới". Trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Hán Việt, ta chỉ có các từ nói về "vùng biên giới" như các từ biên cương, biên dịch, biên thùy, biên cảnh, biên giới, biên viễn, biên bỉ, biên duệ, biên ngung, v.v…
Ngôn ngữ Việt Nam không có từ "biên tuyến", với ý nghĩa rạch ròi "đường ranh giới" phân chia lãnh thổ.
Thuật từ "đường biên giới - la frontière - the border" theo định nghĩa của Quốc Tế Công Pháp chỉ mới có từ hồi đầu thế-kỷ 20. Thuật ngữ "đường biên giới - la frontière" được hiểu như là "enveloppe continue d’un ensemble spacial, d’un Etat - lớp vỏ bao bọc liên tục của một tập hợp không gian, một quốc gia" ; "le point où expire la compétence territoriale - điểm chấm dứt thẩm quyền thuộc về lãnh thổ".
Quan niệm về "đường biên giới - la frontière" của Việt Nam được ghi lại trong bộ Hồng Ðức Bản Ðồ, thực hiện dưới triều Lê Thánh Tôn (1460-1497), dẫn lại như sau :
An Nam Ðồ Thuyết (Những gì ghi trên bản đồ An Nam) ;
An Nam Chi Ðịa (đất đai An Nam) ;
Tây Khóa Ai Lao (phía Tây chận ngang xứ Ai Lao) ;
Ðông Chí Hải Tân (phía Ðông chạm đến tận biển) ;
Bắc Du Lưỡng Quảng (phía Bắc vượt qua hai xứ Quảng) ;
Nam Khống Chiêm Thành (phía Nam kềm chế Chiêm Thành).
Bốn phía lãnh thổ Việt Nam đều được xác định bằng các động từ.
Biên giới phía Bắc của nước ta được xác định bằng động từ "du", tức là đi vượt qua : Bắc Du Lưỡng Quảng. Có nghĩa là lãnh thổ Việt Nam (ngày trước) vượt qua khỏi Quảng Ðông và Quảng Tây.
Văn minh Trung Hoa có chủ trương "bành trướng lãnh thổ". Khi người Hoa đã vượt qua một ngọn núi thì họ sẽ tìm cách chinh phục đến ngọn núi kế tiếp. Khi họ qua được một con sông thì họ tìm cách đi đến con sông kế tiếp. Lãnh thổ của Việt Nam, từ vùng rộng lớn, xa hơn và bao trùm Quảng Đông và Quảng Tây, lùi dần về phương Nam. Biên giới Việt-Hoa chỉ ổn định khi tộc Hán không thể vượt qua những ngọn núi hiểm trở cũng như thể chất người Hoa không thể chống chõi được "sơn lam chướng khí" độc địa ở Việt Nam.
Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm văn minh Trung Hoa, vì vậy cũng có chủ trương "mang gươm mở cõi".
Phía tây Việt Nam là Ai Lao. Rặng Trường sơn đã không chỉ "khóa" Ai Lao, mà còn "khóa" luôn chân của người Việt. Với kỹ thuật quốc phòng thời đó quân Việt Nam không thể vượt qua Trường sơn để mở qua hướng tây. Phía đông cũng vậy, chạm biển. Dân Việt Nam, cũng như dân Hoa, không có thói quen "chinh phục biển".
Nếu Việt Nam luôn lui về phía nam, bỏ lãnh thổ cho Trung Hoa vì áp lực của người Hoa, thì Việt Nam cũng liên tục "nam tiến". Năm 1471 "ranh giới" giữa Việt Nam và Chiêm thành là đèo Cù Mông. Đến năm 1611 biên giới dời tới đèo Đại Lãnh. Năm 1653 biên giới dời về Cam Ranh. Tiếp tục như vậy cha ông ta "mang gươm mở cõi" cho đến mũi Cà Mau.
Quan điểm về "đường biên giới" của Việt Nam vì vậy là "biên giới sống - frontière vivante". Tức là đường biên có thể dời đổi, tùy theo "tương quan lực lượng" giữa các quốc gia kế bên.
Trở lại nội dung bài viết của Vũ Đức Liêm. Về sơ hở thứ tư.
Đã viết dân Khmer không có quan niệm cụ thể về "đường biên giới". Còn Việt Nam thì "đường biên giới" chỉ là một cái gì đó tạm thời. Việt Nam đã bỏ biên giới phía Bắc (phía bên kia Lưỡng Quảng) lùi dần về phía Nam rồi lấy địa bàn đồng bằng Sông Hồng làm "cái nôi văn minh" của dân tộc. Quan niệm của Việt Nam là "biên giới sống", biên giới co giãn. Tức biên giới sẽ thay đổi, tùy theo tương quan lực lượng.
Tức là khi đào kinh Vĩnh Tế, phía Việt Nam chưa bao giờ xem đó là "đường biên giới vĩnh viễn" hết cả.
Vì vậy tôi rất hoài nghi về "đường biên giới hiện trạng" của tác giả, khi cho rằng đường biên giới này đã được sự đồng thuận của ba bên Việt-Thái và Miên.
Sơ hở thứ năm. Người Pháp không hề dựa lên "đường biên giới hiện trạng", tức là đướng biên giới bắt đầu từ Hà Tiên, qua kinh Vĩnh Tế rồi đến Tây Ninh để phân định đường biên giới Việt Nam - Khmer. Đơn giản vì đường biên giới này "không hiện hữu" trên giấy tờ.
Lập trường của người Pháp, trên "giấy tờ chính thức", vào Cambodge (thời đó Campuchia mang tên Cambodge) dưới danh nghĩa "thay thế" Việt Nam để "bảo hộ" nước Cambodge (chớ không phải do yêu cầu của vua Khmer). Đây là điều may mắn. Nếu không, khi Pháp rút, đất Nam Kỳ sẽ phải trả lại cho Cambodge.
Pháp thay thế Việt Nam và cả Cambodge, vì Pháp là xứ bảo hộ của cả hai nước, phân định biên giới Việt Nam và Campuchia (cũng như biên giới Việt Nam - Lào, Lào-Thái và Cambodge-Thái Lan).
Theo các hiệp ước phân định biên giới, đường biên giới từ Hà Tiên không đi qua kinh Vĩnh Tế mà đường song song với con kinh này, cách con kinh 200m. Con kinh này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Xem hình : biên giới chạy song song với kinh Vĩnh Tế, cách kinh 200 mét. Ngoại trừ một đoạn khoảng 500 mét, thuộc huyện Giang Thạnh, biên giới là bờ phía tây kinh Vĩnh Tế.
Ngoài ra trong bài viết về biên giới Thái-Miên, không phải là chủ đề để nói trong bài này, tác giả Vũ Đức Liêm cũng viết sơ hở nhiều điều.
Sau khi "bảo hộ" Cambodge, Pháp không hề "nhượng" hai vùng Battambang và Siemreap (và Sisophon) của Cambodge cho Thái Lan, như ý kiến của tác giả. Từ năm 1893 Pháp không chỉ đã lấy lại toàn bộ lãnh thổ mà Thái Lan đã chiếm của Cambodge (trước khi Pháp vào) mà còn áp đặt quyền "cộng đồng bảo hộ - condominium" với đế quốc Anh trên đất Thái.
Lịch sử phân định biên giới Việt Nam - Cambodge là cả một "trường thiên lịch sử" mà phía Cambodge không tiếc lời nguyền rủa "thực dân Pháp".
Biên giới Việt-Miên được phân định qua hai thời kỳ : năm 1870 và năm 1873. Cuộc phân định năm 1870 có sự hiện diện của quan chức Khmer, cắm được 60 mốc, toàn bộ vùng "mỏ vẹt" thuộc về Việt Nam. Nhưng sau đó người Miên đòi lại vùng "mỏ vẹt" và người Pháp đồng ý vạch lại biên giới, trả lại vùng này cho Cambodge. Cuộc phân định năm 1873 gồm 64 mốc.
Năm 1887 khối Đông Dương được thành lập, Cambodge trở thành một thành phần của khối này, cùng với Cochinchine (Nam Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Tonkin (Bắc Kỳ). Lào chỉ được thành lập sau này, do yêu cầu của ông Auguste Pavie, vào năm 1893.
Đường biên giới giữa Cochinchine (miền Nam) và Cambodge trở thành đường biên giới hành chánh, nội bộ của Đông Dương, thuộc thẩm quyền của quan Toàn quyền người Pháp.
Vùng Darlac được sáp nhập và Việt Nam năm 1895. Điều này xảy ra do việc trao đổi đất đai : Việt Nam nhượng đất Trấn Ninh cho Lào, đồng thời Lào nhường vùng đất phía nam nước này cho Cambodge. Nhưng sau đó, năm 1899 vùng này lại trả về Lào, đến năm 1904 mới chính thức sáp nhập vô Việt Nam. Năm 1923 vùng Kontum cũng được nhập vào Darlac, đồng thời với vùng đất đỏ phía nam là Buôn Mê Thuột.
Dân Việt Nam chưa bao giờ vượt qua bên phía tây dãy Trường sơn. Nếu không có Pháp thì các vùng đất Tây nguyên này chưa chắc đã thuộc về Việt Nam.
Ngay cả Tây Ninh, một vùng đất rộng lớn thuộc Cambodge cũng đã được sáp nhập vào quận Trảng Bàng.
Về lãnh thổ trên biển thì được xác định năm 1939, do nghị quyết của Toàn quyền Brévié. Đó là một đường thẳng 140°, thẳng góc so với bờ biển, theo đó các đảo phía bắc đường này thuộc Cambodge và các đảo phía nam thuộc Việt Nam, trong đó bao gồm đảo Phú Quốc.
Vùng Khmer Krom (Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Châu…), thuộc Cochinchine, tức thuộc Pháp. Trước kia hoàn toàn do người Khmer sinh sống. Sau này đất này trở thành đất của Việt Nam.
Vùng đất giữa hai sông Vàm Cỏ (Mỏ Vẹt) thực tế là đất Khmer, mở ra tới biển (Bà Rịa). Đất này được Pháp phân định lại (nói ở trên), 1/2 thuộc Miên, 1/2 thuộc Việt Nam.
Khi Pháp rút đi, Việt Nam lại được "quốc tế công pháp" giúp đỡ. Nguyên tắc "Uti possidetis" được áp dụng. Uti possidetis có nghĩa là trước khi độc lập đất đó do Việt Nam quản lý thì sau khi độc lập Việt Nam được quyền giữ những vùng đất đó.
Tóm lại tôi tôn trọng tinh thần "bài Pháp" của tác giả. Nhưng sự thật là sự thật. Đường biên giới Việt Nam - Campuchia 100% do Pháp xác lập.
Người học giả không thể để tinh thần bài ngoại chế ngự lương tâm và lý trí của một người làm công tác khoa học.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : facebook.com/nhantuan.truong, 13/01/2022
Tham khảo thêm các bài :
https://docs.google.com/.../1y6Kkak1jw0DbDKaAK9PZ.../edit...
https://docs.google.com/.../0B1VpyrsXE.../edit...
************************
Vũ Đức Liêm, Tia Sáng, 15/09/2017
Bài viết này phản bác lại luận điểm rằng đường biên giới Việt Nam-Campuchia là sáng tạo của người Pháp. Trái lại, nó là sản phẩm của các nỗ lực của nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX trong việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, và xác lập các hệ thống phòng thủ, cũng như bố trí dân cư dọc theo đường ranh giới mà theo đó sẽ định hình nên đường biên hiện đại giữa hai quốc gia.
Đường ranh giới Việt Nam-Cao Miên trên bản đồ tỉnh An Giang. Nguồn : "Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ" (1861, EFEO microfilm, A.1600, 76a).
Các lập luận về lãnh thổ và biên giới của Campuchia từ giữa thế kỷ XX liên quan đến hai vấn đề lớn : thứ nhất là vùng hạ lưu sông Mekong thuộc về ai ? Và đường biên giới ngày nay hình thành như thế nào ? Cả hai đều liên quan đến một diễn trình lịch sử lâu dài và cực kỳ phức tạp trong suốt hai nghìn năm qua mà nhiều câu hỏi trong số đó vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng. Vấn đề thứ nhất là rất nan giải, có thể được bắt đầu từ vương quốc Phù Nam. Liệu những người Phù Nam này là các cư dân nói tiếng Nam Á hay Nam Đảo ? Quan hệ giữa Phù Nam với các vương quốc người Khmer là như thế nào ? Khi "Tân Đường Thư" nói rằng Chân Lạp của người Khmer đã xâm lược Phù Nam vào thế kỷ thứ VII và sau đó phân chia thành "Thủy Chân Lạp" và "Lục Chân Lạp" thì điều đó có ý nghĩa gì về mặt lãnh thổ ? Những người Khmer sau đó đã cư trú ở vùng hạ lưu Mekong như thế nào từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII ? Chúng ta cũng biết khi phái đoàn nhà Nguyên do Chu Đạt Quan dẫn đầu đến Angkor vào cuối thế kỷ XIII đã mô tả các vùng đất dọc theo sông Mekong không hề có cư dân mà chủ yếu là rừng rậm và các bầy trâu nước. Sử gia Nhật Bản Yumio Sakurai thì lập luận rằng người Khmer đã bỏ hoang nhiều khu vực ở hạ lưu sông Mekong như vùng Đồng Tháp Mười trong hơn một nghìn năm. Vượt qua các vấn đề về chủng tộc và ngôn ngữ, chúng ta vẫn chưa rõ về mối quan hệ giữa các trung tâm chính trị vùng hạ lưu sông Mekong trước thế kỷ XVII cũng như sự ràng buộc của các thủ lĩnh Khmer hạ lưu (Okna) với triều đình Campuchia vùng thượng lưu cho đến khi hình thành các nhà nước tập quyền sơ kỳ hiện đại. Liệu mối quan hệ này nằm trong cấu trúc lỏng lẻo như mô tả ở Đông Nam Á truyền thống như các chính thể theo giải ngân hà hay mạng lưới mandala (galactic polities or mandala systems - đề cập đến mối quan hệ lỏng lẻo giữa các trung tâm quyền lực với các thế lực địa phương).
Vấn đề xác định lịch sử đường biên cũng không dễ dàng vì những biến động lịch sử ở cả Việt Nam và Campuchia trong suốt 200 năm qua, kể từ khi Việt Nam được thống nhất vào năm 1802 và chính thức xác lập quyền kiểm soát đầy đủ và có hệ thống ở hạ lưu sông Mekong. Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ. Nhà Nguyễn đã sử dụng các yếu tố địa lý tự nhiên như phương tiện xây dựng hệ thống quân sự, bố trí dân cư và từng bước tổ chức hệ thống hành chính nhằm "lãnh thổ hóa" vùng hạ lưu Mekong. Đến giữa thế kỷ XIX thì về cơ bản đường ranh giới này đã được định hình và được công nhận bởi cả Huế, Phnom Penh và Bangkok. Điều này chống lại hoàn toàn lập luận từng rất phổ biến của Campuchia là người Pháp lấy sáu tỉnh Nam Kỳ trong tay Campuchia vì thế cần phải trả lại cho Campuchia trong quá trình phi thực dân hóa.
Bản đồ tỉnh Hà Tiên. Nguồn : "Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ" (1861, EFEO microfilm, A. 68, 170b).
Dự án lãnh thổ hóa hạ lưu Mekong và thiết lập đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được thực hiện dưới ba triều vua là Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820-1841), và Thiệu Trị (1841-1847). Một trong những giai đoạn đỉnh cao của nó chính là việc Minh Mệnh can dự trực tiếp vào Campuchia trong những năm 1830s, thiết lập nền cai trị trực tiếp và chia lãnh thổ của vương quốc này thành 11 phủ và 25 huyện. Tuy nhiên cuộc xâm lược của Bangkok và nổi dậy của người Khmer dưới sự giúp sức của người Thái đã nhanh chóng làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực dẫn đến việc Thiệu Trị rút quân về nước, công nhận vua Campuchia là Ang Duong với tư cách đồng thời là chư hầu của Bangkok và Huế. Sự kiện này chấm dứt tham vọng của triều Nguyễn ở Campuchia, đồng thời cũng củng cố các nỗ lực nhằm xác lập đường biên giới Việt Nam-Campuchia dựa trên các đường gianh giới tự nhiên, quân sự, và dân cư.
Nguyễn Ánh, người sáng lập vương triều Nguyễn cũng chính là người đầu tiên nhận thức được vai trò chiến lược của hạ lưu sông Mekong và biến nó thành sức mạnh trong cuộc tranh chấp quyền lực ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Sau gần ba thập kỷ tiến hành chiến tranh, chiến thắng của ông vào năm 1802 trước Tây Sơn đã lần đầu tiên hình thành một Việt Nam thống nhất từ biên giới Việt-Trung đến bờ vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, dù Huế kiểm soát các khu vực quan trọng như Quang Hóa (Tây Ninh), và các khu dân cư dọc theo Châu Đốc, Hà Tiên và các hòn đảo trong Vịnh Thái Lan như Phú Quốc, chưa có một đường ranh giới thống nhất và được hoạch định rõ ràng giữa Việt Nam và Campuchia. Thực tế là Hà Tiên vẫn nằm dưới sự kiểm soát của họ Mạc (dù họ được bổ nhiệm bởi Huế). Ớ phía tây Hà Tiên vẫn còn tình trạng xen lẫn các nhóm quân sự Việt Nam và Thái. Một số trong các đạo quân này được cử đến chiếm đóng từ thời vua Taksin của vương triều Thonburi (1767-1782). Chính Gia Long viết thư yêu cầu Bangkok rút các lực lượng này về, theo ghi chép cả cả biên niên sử hoàng gia Thái Lan và ghi chép của sứ đoàn triều Nguyễn năm 1810 (xem Xiêm La Quốc Lộ Trình Tạp Lục).
Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ.
Sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc chính trị, phân chia địa lý và tổ chức dân cư dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia được định hình về cơ bản dưới thời Minh Mệnh (1820-1841). Quá trình này là hệ quả của nhiều nhân tố, bao gồm có sự gia tăng xung đột giữa Huế và Bangkok xung quanh vấn đề Campuchia. Năm 1813, nhà Nguyễn phái 13,000 đưa vua Campuchia là Ang Chan về nước, đồng thời gia tăng quyền lực cho viên quan bảo hộ Chân Lạp trong việc kết nối tình hình ở Campuchia với thành Gia Định. Điều này thúc đẩy các tranh chấp quân sự và lãnh thổ giữa Bangkok và Huế trong ba thập kỷ sau đó dẫn đến việc các hệ thống phòng thủ quân sự được xây dựng quy mô dọc theo Tây Ninh, Châu Đốc, Tân Châu, Hà Tiên, Phú Quốc và sự gia tăng của binh lính đồn trú. Yếu tố thứ hai chính là sự gia tăng của các di dân người Việt và người Hoa dưới sự bảo trợ của hệ thống hành chính và quân sự triều Nguyễn thiết lập làng xóm, đồn điền dọc theo các kênh đào, thành lũy quân sự và đường mới xây dựng.
Các kênh đào và hệ thống đường bộ được xây dựng với quy mô lớn thời Minh Mệnh giúp người Việt củng cố việc kiểm soát lãnh thổ, di cư, và xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc chống lại các cuộc tấn công xâm lược của người Thái và nổi dậy của người Khmer. Kênh Vĩnh Tế dài 87 km nối liền Hà Tiên với Châu Đốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong dự án chính trị và lãnh thổ của người Việt nửa đầu thế kỷ XIX. Hàng vạn người Việt và Khmer được huy động xây dựng các hệ thống thủy lợi, kênh rạch, đường xá đã làm thay đổi phân bố dân cư, thiết lập các cấu trúc mới về không gian lãnh thổ và quan hệ chính trị ở hạ lưu sông Mekong. Hệ quả của nó là sự mở rộng của không gian hành chính và lãnh thổ của nhà Nguyễn. Khi kênh Vĩnh Tế được hình thành, có khoảng 20 làng mới được thiết lập dọc theo bờ đông. Các con đường mới cũng được xây dựng ở Châu Đốc và vùng núi Sam nhằm kết nối các khu dân cư mới với các thành lũy quân sự dọc theo con kênh mới. Vào năm 1819, Hà Tiên có số nhân khẩu khoảng 1,500 đinh và đội lính 250 người. Dự án tập quyền hóa của Minh Mệnh đã loại bỏ những tàn tích tự trị cuối cùng của họ Mạc và đưa vùng đất này dưới sự kiểm soát trực tiếp của Huế. Năm 1822, Hà Tiên được bổ nhiệm thêm chức quan đốc học, một dấu hiệu cho thấy vùng biên cương này được kết nối văn hóa và giáo dục với trung tâm. Năm 1826, Hà Tiên cùng với Long Xuyên và Kiên Giang được sáp nhập để thành phủ An Biên – mà ý nghĩa của vùng lãnh thổ như tên gọi của nó, "biên cương an bình".
Bản đồ Châu thổ Mekong và đường biên giới hiện đại Việtnam – Campuchia. Nguồn : Li Tana và Nola Cooke. Water Frontier, 2004, tr. 136
Các chiến dịch quân sự trong những năm 1830 giúp hoạch định rõ hơn đường biên này. Phú Quốc, Châu Đốc, An Giang, Tân Châu trở thành các thành lũy quân sự quan trọng chống lại cuộc xâm lược của Bangkok (1833-1834), cũng như làm bàn đạp củng cố sự hiện diện quân sự của Việt Nam ở Campuchia. Phú Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng kiểm soát giao thương hàng hải và thủy quân ở phía đông Vịnh Thái Lan. Năm 1832, Minh Mệnh cho xây dựng pháo đài trên đảo Phú Quốc. Năm sau, tuần phủ Hà Tiên yêu cầu sáp nhập 13 hòn đảo vào địa hạt của mình, bao gồm Thổ Chu và Phú Quốc. Đến năm 1837, Minh Mệnh yêu cầu các quan chức đo đạc khoảng cách và vẽ bản đồ các hòn đảo dâng trình. Hà Tiên và Châu Đốc trở thành cửa ngõ kiểm soát Vĩnh Tế, trong khi con kênh này trở thành tuyến giao thương chiến lược cho thủy quân và các hệ thống quân sự nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của quân Xiêm xuống hạ lưu sông Mekong. Họ đã nhiều lần dự định lấp kênh Vĩnh Tế nhưng thất bại. Viên tướng chỉ huy là Chao Phraya Bodindecha từng yêu cầu quân lính ở Hà Tiên, Kampot và Kampong Som "bắt dân di cư, đốt hết nhà cửa ở tất cả các làng mạc và hủy hoại các thành phố, chỉ để lại rừng rậm và sông ngòi mà thôi". Điều này thúc đẩy nỗ lực của nhà Nguyễn nhằm củng cố hệ thống phòng ngự dọc theo kênh Vĩnh Tế. Nguyễn Tri Phương đã xây một loạt đồn bảo ở Tiên Nông, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều dọc theo kênh Vĩnh Tế.
Cùng với sự hiện diện quân sự và cấu trúc hành chính của triều Nguyễn được xác lập vững chắc dọc theo đường biên. Một trong những trung tâm chính trị và quân sự quan trọng nhất được mở rộng là Châu Đốc. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập. Đến năm 1836, Huế đã có thể tiến hành đo đạc ruộng đất, xác lập địa bạ và hệ thống quản lí đất đai ở khu vực này. Điều này dẫn đến sự gia tăng dân số đáng kể. Năm 1838, Hà Tiên và An Giang đã có số đinh lên đến 23,000, dựa theo thống kê từ Đại Nam Thực Lục. Rõ ràng sau ba thập kỷ tăng cường hiện diện quân sự, xây dựng hệ thống kênh đào, đường sá, thông tin liên lạc, và các khu dân cư dọc theo biên giới, hình hài của đường biên giữa Việt Nam và Campuchia đã từng bước được định hình.
Rõ ràng là trước khi có người Pháp đến, đường biên giới giữa Việt Nam với Campuchia đã từng bước được định hình thông qua tương tác quân sự, di dân, và các dự án chính trị. Cũng dọc theo kênh Vĩnh Tế trong những năm 1840s, Nguyễn Tri Phương đã yêu cầu thành lập thêm nhiều đồn bảo để ngăn chặn sự xâm nhập của người Khmer, đặc biệt là ở các khu vực thuộc Đồng Tháp và Thất Sơn. Với việc Việt Nam và Xiêm rút quân khỏi Phnom Penh và cả hai công nhận địa vị chư hầu của Campuchia cuối những năm 1840s, thực tế cho thấy Huế, Bangkok, và Phnom Penh đã đi đến công nhận hiện trạng của đường biên này, ít nhất như chúng ta có thể phác thảo : từ Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, qua Châu Đốc và kéo dài lên Tây Ninh. Một trong những biểu hiện của sự ghi nhận này chính là việc các tập bản đồ của triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu đề cập đến đường biên này (xem bản đồ minh họa). Như thế, sự hình thành của đường biên này là sản phẩm tương tác của chính các cư dân khu vực chứ không phải là sáng tạo của chủ nghĩa thực dân Phương Tây.
Các nguồn sử liệu về đường biên giới Việt Nam – Campuchia :
Hiện nay có các tư liệu sử quan phương cũng như ghi chép cá nhân đầu thế kỷ XIX cung cấp hệ thống chỉ dẫn phong phú về sự hình thành của đường biên này từ thời Gia Long đến Tự Đức. Hơn 400 tập Châu bản triều Nguyễn liên quan đến giai đoạn này (lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc Gia I) cung cấp nhiều tư liệu quý giá về sự can dự của triều Nguyễn vào Cambodia và các vấn đề dân sự-quân sự liên quan đến vùng biên. Một phần trong các văn bản tấu sớ chỉ dụ này được biên soạn thành các bộ sách như Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Tiễu Bình Nam Kỳ Nghịch Phỉ Phương Lược Chính Biên, Khâm định tiễu bình Xiêm khấu phương lược chính biên… Các sách địa lý, nhật ký hành trình, tập bản đồ và ghi chép địa phương có số lượng tương đối phong phú, nhưng hầu như vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam khai thác đúng mức. Gần đây tập sách "Xiêm La Quốc Lộ trình tập lục" (1810) của Tống Phước Ngoạn và Dương Văn châu mới được giới thiệu đến độc giả. Ngoài ra có thể kể đến Mạc Thị gia phả (Vũ Thế Dinh, 1818), Trấn Tây Phong Thổ Ký (1836 ?), Trấn Tây Ký Lược (Doãn Uẩn, 1848), Cao Miên - Xiêm La sự tích (Cơ mật viện, 1853)… Các tập bản đồ và địa lý liên quan đến Nam Kỳ và Đại Nam thời Nguyễn : Bản Quốc Dư Đồ (EFEO : A.1106), Đại Nam Nhất thống dư đồ (EFEO : A.68, 1861), Đại Nam Toàn Đồ (EFEO : A.1600, 1861), Nam Bắc Kỳ họa đồ (EFEO : A.95)… ghi chép địa giới hành chính dân cư dọc vùng biên. Các bản đồ được giới thiệu thời Nguyễn rất quan trọng trong việc xác lập tuyên bố lãnh thổ của người Việt một cách liên tục trên vùng đất Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XIX, sự xác lập này đã được thể chế hóa thông qua hệ thống hành chính nhà nước. Sự thực hành lãnh thổ này sau đó nằm trong tay người Pháp với tư cách là người "bảo hộ". Dù là kẻ xâm lược và cai trị cưỡng bức, tư liệu địa lý-hành chính của người Pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định sự hiện diện liên tục về chủ quyền của người Việt/và chính phủ đại diện (một cách cưỡng bức) cho người Việt. Trên cơ sở đó, từ các tập địa lý về Nam Bộ biên soạn bởi người Pháp từ những năm 1860s cho đến biên khảo địa lý Hà Tiên, An Giang đầu thế kỷ XX đều cho thấy sự hiện diện liên tục và thống nhất của đường biên giới này. Sự phong phú tư liệu về vùng biên này dưới thời Bảo Đại, thời Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cung cấp khối lượng tư liệu dồi dào cho các nhà nghiên cứu giúp phác thảo lại lịch sử phức tạp của vùng đất này.
Vũ Đức Liêm
Nguồn : Tạp chí Tia Sáng, 15/09/2017
Tham khảo :
- Vũ Đức Liêm. 2017. "Borderlands (Border Making in Vietnamese-Campuchian Frontier, 1802-1847)". Mekong Review 2 (2) : 13–14.
- Vũ Đức Liêm. 2016. "Vietnam at the Khmer Frontier : Boundary Politics, 1802–1847". Cross-Currents : East Asian History and Culture Review 5 (2) : 534–64.