Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 14 tháng 7 năm 2017, 13 tổ chức phi chính phủ đã làm kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam đề nghị dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận. Một tuần sau đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng phản đối chuyện này.

Ngày 02/06/2016, các tổ chức xã hội dân sự đã có cuộc gặp gỡ tại Nghệ An, để thảo luận về thực trạng và tiến trình phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam

Đó là dấu hiệu cho thấy các tổ chức dân sự và phi chính phủ hiện nay ở Việt Nam ngày càng đóng vai trò của mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hiện sống ở Hà Nội, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam mang những màu sắc rất đa dạng, từ những tổ chức có đăng ký hoạt động với nhà nước, đến các nhóm đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, luôn bị nhà nước xem là bất hợp pháp. Theo ông cả trăm ngàn tổ chức như thế hoạt động trên mọi lĩnh vực và vùng miền trong cả nước.

Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, nhà nước Việt Nam muốn xếp những tổ chức của đảng cộng sản như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản,… vào trong danh sách những tổ chức phi chính phủ, nhưng ông A nói rằng những tổ chức này hoạt động bằng ngân sách nhà nước, và ông gọi đó là các GONGO, tức là mang danh phi chính phủ nhưng do nhà nước dựng nên và điều khiển.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là người nghiên cứu về xã hội dân sự Việt Nam, ông đã từng thành lập một tổ chức tư vấn, phản biện chính sách độc lập mang tên là IDS, sau đó bị giải tán vì một chỉ thị kiểm soát các tổ chức phản biện, đưa ra dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các NGO đã làm được nhiều việc trong những năm qua

Mặc dù bị chi phối bởi nhà nước Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là các tổ chức này hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường hiện làm việc ở Đại học Cần Thơ, cho biết các tổ chức NGO dù có đăng ký với nhà nước, nhưng thường rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, và đời sống của cộng đồng dân cư :

“NGO rất nhạy cảm đối với các dự án liên quan đến cộng đồng, bởi vì NGO làm việc với người dân, với cộng đồng nhiều hơn. Họ phải dùng tiếng nói của họ bằng cách này hay cách khác, họ mời các nhà khoa học, họ tổ chức ra những mạn đàm, họ viết trên báo, đưa ra những kiến nghị để chính quyền thay đổi những chính sách hay thay đổi những quyết định”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là thành viên của tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, một trong các NGO tham gia ký kiến nghị yêu cầu nhà nước Việt Nam dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận.

Đánh giá các hoạt động như vừa nêu trên của các NGO đăng ký với chính quyền ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng :

“Rất là quan trọng, vì những hội đấy là những hội chuyên nghiệp. Họ là những người được đào tạo và rất chuyên nghiệp. Và càng ngày họ càng có vai trò quan trọng. Và tôi nghĩ là rất cần khuyến khích những hội như thế hoạt động. Bởi vì xã hội dân sự nó rất là rộng chứ không chỉ bao gồm một nhóm người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền”.

Cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng tham gia các hoạt động của các nhóm đấu tranh vì nhân quyền chẳng hạn như tổ chức No-U, ra đời từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhưng không được nhà nước công nhận. Ông nói rằng hiện nay các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đôi khi nhìn những tổ chức NGO có đăng ký với nhà nước bằng một ánh mắt không thiện cảm.

“Những tổ chức đấy không phải là tay sai của chính quyền. Rất đáng tiếc một số anh em hoạt động nhìn họ như những tổ chức GONGO. Họ mời người này người kia vào tham dự, thì đấy là cái cách thực hiện, chiến thuật hoạt động của họ. Họ muốn trôi chảy thì cũng phải thế này thế kia. Mình nghĩ họ hoạt động độc lập chứ không phải là tay sai”.

Ông đưa ra ví dụ một tổ chức tên gọi là RED, nghiên cứu về chuyện bạo hành các nhà báo. Tổ chức này mời các thành viên chính phủ Việt Nam đến họp với họ, bao gồm cả các quan chức của Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm Hà Nội Xanh, tiến hành những hoạt động bảo vệ môi trường, nói về tổ chức của mình, một tổ chức không có đăng ký hoạt động :

“Chúng tôi hình thành từ phong trào Hà Nội xanh, từ con người cho đến phương châm hành động, khi chúng tôi phát triển lên thành một tổ chức thì chúng tôi cũng biết khả năng được cấp phép hoạt động là không thể. Nên ngay từ đầu chúng tôi đã xác định là hoạt động độc lập”.

Tuy nhiên nhận xét về hoạt động của các NGO có đăng ký, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói :

“Để đạt được mục tiêu làm được nhiều việc, họ phải chính thức đăng ký để có trụ sở, để chính danh, để có thể vận động các bên liên quan trong hệ thống chính trị. Khi mà như vậy thì họ phải chịu cấp phép, và chịu áp lực tránh công an rút giấy phép, cho nên họ cũng bị hạn chế. Tuy nhiên tôi trân trọng họ, tin rằng họ luôn hướng đến sự thúc đẩy những giá trị văn minh”.

Ngoài các NGO, còn có các hội nghề nghiệp ở Việt Nam. Ý kiến về tính độc lập của các hội này là những ý kiến khác nhau. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản, trong khi đó thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng cũng có thể xem họ là các tổ chức dân sự :

“Nó tùy từng hội. Có những hội khá độc lập. Có những hội do một ông quan chức nào đấy, một ông Thứ trưởng về hưu, thì những hội do những quan chức lập ra như thế, thì nhiều khi họ cũng xin xỏ cái bộ chủ quản của họ cái gì đấy. Khả năng độc lập của họ kém đi. Ngay trong các hội nghề nghiệp cũng là một cái phổ tương đối là rộng. Có những ông khá là độc lập, có những ông thực sự là vô tích sự”.

Chia sẻ quan điểm này là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn :

“Thực ra nói về tính độc lập thì ở Việt Nam cũng phải để nó trong ngoặc kép chút xíu. Có những cái họ độc lập, có những cái họ lệ thuộc phần nào vào chính quyền. Ví dụ như Hội nông dân, hay Hội nghề cá. Trong các hội nghề nghiệp này họ cũng tư vấn các nhà khoa học, giúp cho họ cơ sở khoa học, đề nghị nhà nước xem xét”.

Ông đưa ra ví dụ những lần Hội nghề cá và Hội nông dân Việt Nam phản đối những dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, như chuyện dìm bùn nạo vét ở Bình Thuận, hay phản đối dự án nhà máy giấy ở tỉnh Hậu Giang, có nguy cơ làm ô nhiễm sông Cửu Long.

Sự tự nguyện và nguồn lực từ bên ngoài

Ngoài chuyện xin giấy phép, các tổ chức NGO còn phải đối mặt với vấn đề kinh phí hoạt động. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói :

“Có một số cái nhà nước cho phép, một số cái nhà nước kiểm soát. Đó cũng là điều khó khăn. Ngoài ra họ không có nguồn tài chính dồi dào như các cơ quan nhà nước để làm nghiên cứu. Họ dựa vào sự tự nguyện của các thành viên, hay nhờ các nhà khoa học cố vấn cho họ. Mà không phải ai cũng nhận lời vì sợ đụng chạm các cơ quan nhà nước, hay các công ty tập đoàn lớn. Nhưng cũng có những nhà khoa học quan tâm đến môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân thì cũng góp tiếng nói trong các vấn đề này”.

Một số các NGO Việt Nam nhận được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, ví dụ như OXFAM, Cộng đồng châu Âu, Quĩ Fort, Quĩ Toyota, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyện này không hề dễ dàng, vì họ luôn bị kiểm soát chặt chẽ từ chính phủ :

“Họ luôn luôn soi cái thủ tục để mà xét duyệt dự án, để được nhận tiền thì họ hành các tổ chức NGO lên bờ xuống ruộng. Các NGO bị kềm kẹp một cách mệt mỏi và khó khăn. Các NGO có thể nhận tiền từ nước ngoài nhưng các thủ tục ấy rất là phức tạp”.

Quan sát hoạt động của các tổ chức NGO trong hai chục năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự hình thành và hoạt động của các tổ chức dân sự, phi chính phủ Việt Nam là rất tốt.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng các tổ chức NGO được cấp giấy phép của chính phủ cũng đã tham gia vào các hoạt động trước kia bị xem là nhạy cảm, chẳng hạn như trong cuộc biểu tình chống chặt cây xanh tại Hà Nội cách đây hai năm, một NGO có giấy phép của nhà nước đã cùng nhóm Hà Nội Xanh của ông tổ chức cuộc tuần hành.

Tuy nhiên ông Tuấn lại bi quan cho rằng trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức dân sự không có giấy phép lại bị đàn áp mạnh mẽ hơn trước, mặc dù những hoạt động như đưa kiến nghị, phản biện xã hội trên báo chí, hay mạng xã hội của các NGO có vẻ khởi sắc và cấp thời hơn.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 21/07/2017

Published in Diễn đàn

Tờ Quân đội nhân dân, một cơ quan ngôn luận của Đảng Việt Nam, hồi trung tuần tháng Bảy, đăng tải một bài xã luận về vai trò và mặt trái của xã hội dân sự cùng các biện pháp để ngăn chặn hoạt động lợi dụng Xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nướcViệt Nam. Các tổ chức Xã hội dân sự độc lập phản biện như thế nào đối với bài xã luận vừa nêu ?

Tổng thống Barack Obama gặp gỡ đại diện của các Xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.

Tổng thống Barack Obama gặp gỡ đại diện của các Xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. AFP photo

Vai trò của Xã hội dân sự

Trong bài viết có tựa đề “Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước”, đăng tải trên Báo mạng Quân đội nhân dân hôm 17 tháng Bảy, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh xác nhận Xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức, hội, nhóm…thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước và Xã hội dân sự được hình thành, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội.

Bài xã luận cũng đưa ra số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có gần 18 tổ chức công đoàn ngành, 400 hội, hàng ngàn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Và các tổ chức Xã hội dân sự này không phụ thuộc vào Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, độc lập về tài chính với mục tiêu chung vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Đài RFA ghi nhận các tổ chức Xã hội dân sự độc lập trong nước cho rằng đây là dấu hiệu lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam chính thức xác nhận nhận sự tồn tại của Xã hội dân sự qua một kênh truyền thông chính thống, hoàn toàn trái ngược với quan điểm Xã hội dân sự là thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cũng được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Nhân dân cách nay 5 năm trước.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam và là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nguyên nhân vì sao nhà cầm quyền Việt Nam phải lên tiếng nói về vai trò và trách nhiệm của Xã hội dân sự tại thời điểm này :

“Nguyên do thứ nhất là họ thấy áp lực dâng cao về vấn đề dân chủ và nhân quyền trong nhiều giới ở trong nước, đặc biệt là giới trí thức và người dân. Thành thử họ muốn dùng biện pháp tháo ngòi nổ, giống như tháo ngòi nổ vụ Đồng Tâm vừa rồi, để làm xoa dịu sự căm phẫn, phẫn uất trong sự đòi hỏi dân chủ, nhân quyền của người dân và mở ra Xã hội dân sự để cho người dân trong nước thấy rằng nhà nước cũng chấp nhận Xã hội dân sự, mặc dù rượu mới bình cũ mà thôi, tức là bên trong vẫn là khối phụ thuộc quốc doanh. Nguyên nhân thứ hai là sự làm màu để cho quốc tế, các chính phủ tiến bộ trên toàn cầu, cộng đồng nhân quyền quốc tế thấy là Nhà nước Việt Nam chấp nhận Xã hội dân sự».

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh mặc dù Chính quyền Hà Nội chính thức đề cập đến sự hiện diện Xã hội dân sự, tuy nhiên chỉ là đối với Xã hội dân sự quốc doanh chứ Xã hội dân sự hoạt động độc lập mang tính phản biện, phản kháng không được chấp nhận.

Xã hội dân sự độc lập phản biện

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cũng trưng dẫn các bằng chứng mà ông cho rằng tác giả của bài xã luận đăng trên Báo mạng Quân đội nhân dân cố ý nêu ra để chứng minh có những cá nhân hay tổ chức hoạt động lợi dụng Xã hội dân sự để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, chẳng hạn như tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của Xã hội dân sự nhằm từng bước làm cho các tổ chức Xã hội dân sự thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng và Nhà nước ; lợi dụng để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam ; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi thực hiện quyền con người theo như tiêu chí phương Tây, bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị của Việt Nam.

Thành viên nhóm Hoàng Sa Club, anh Từ Anh Tú sau khi đọc được bài xã luận, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do là có sự mâu thuẫn trong quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Anh Từ Anh Tú nêu lên một ví dụ liên quan kiến nghị của tác giả trong bài viết rằng phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức chính trị, xã hội ; trong khi quan điểm của anh là Xã hội Dân sự mà lại chịu sự chỉ đạo của Đảng thì sẽ không còn là tổ chức Xã hội Dân sự nữa. Bởi vậy, anh Từ Anh Tú nhấn mạnh, Xã hội Dân sự phải bắt nguồn từ quần chúng và đại diện cho lợi ích của một nhóm quần chúng nào đó. Bạn trẻ Từ Anh Tú nói tiếp :

“Em nghĩ rằng họ nói có nhiều mâu thuẫn, bởi vì những gì luật pháp cho phép thì mình đều có thể làm. Điều gì không phù hợp thì mình có quyền phản đối hay phản bác. Chẳng hạn như Đảng Cộng sản có nhiều chính sách không hợp lý trong đối nội cũng như đối ngoại thì mình phản đối. Và đó là điều bình thường. Họ đâu phải là thần thánh mà có thể cấm người ta chống đối. Ví dụ họ sai thì em và nhóm của em không ngại chống đối vì mình hòan toàn có quyền để làm điều đó».

81945daa-8a58-4574-907e-29a6fe6bf823.jpeg

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại một tòa án ở thành phố Nha Trang vào ngày 29 tháng 6 năm 2017. AFP photo

Nhóm Hoàng Sa Club là một tổ chức Xã hội dân sự độc lập, được thành lập với tiêu chí phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh giới trẻ trong nước rất mù mờ thông tin, mà theo anh Từ Anh Tú thậm chí có nhiều người học hết phổ thông nhưng vẫn không biết Hoàng Sa đã bị mất. Thế nhưng việc làm của nhóm Hoàng Sa Club không được thừa nhận như một tổ chức Xã hội dân sự và các thành viên gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ phía chính quyền.

Bài xã luận trên Báo mạng Quân đội nhâ dân cũng nêu đích danh các Xã hội dân sự độc lập như Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ…đã dùng các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội để công khai tổ chức, lôi kéo quần chúng tham gia và dù hoạt động theo phương thức tự phát nhưng luôn có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức phản động bên ngoài để phát triển và hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Trước cáo buộc này, hầu hết các tổ chức Xã hội dân sự độc lập đang hoạt động ở Việt Nam phản biện rằng cùng với sự phát triển của internet và truyền thông mạng xã hội, dân chúng ngày càng nhận thức và hiểu biết hơn về các quyền hiến định của người dân, cũng như người dân tích cực và chủ động hơn trong việc tham gia vào các hội, nhóm để bày tỏ chính kiến nhằm đòi hỏi các quyền căn bản chính đáng của họ, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền tự do biểu tình…

Xã hội dân sự cần đoàn kết ?

Một thành viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ là cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ, bị tuyên án 18 tháng tù vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhận xét Xã hội Dân sự ở Việt Nam hiện tại rất đa dạng và Xã hội dân sự độc lập đang đóng vai trò để định hình xã hội đi vào trật tự, góp phần cho chính quyền trong việc thay đổi và ổn định xã hội hơn. Cựu tù nhân lương tâm trẻ tuổi Phạm Minh Vũ khẳng định nhà cầm quyền Hà Nội lại không nhìn nhận điều đó :

“Đối với nhà cầm quyền, họ không thừa nhận đây là những tổ chức Xã hội dân sự đơn thuần mang lại lợi ích cho xã hội mà họ cho là những âm mưu và các nhóm manh mún chống đối chính quyền. Vô hình trung, tất cả những người thuộc các tổ chức đó, trong đó có em mà nhà cầm quyền cho là những thành phần nguy hiểm cả. Trong thể chế độc tài này thì các Xã hội Dân sự cần làm ngay là phải đoàn kết lại. Theo quan điểm của em, nếu không đoàn kết rõ ràng sẽ không bảo vệ được. Thể chế chính trị của Đảng Cộng sản sẽ duy trì hoạt động khủng bố bằng hình thức này hay hình thức khác, sẽ đàn áp dẫn đến sớm bị tan rã. Em nghĩ hiện tại ở Việt Nam Xã hội Dân sự buộc phải ngồi lại đoàn kết hơn để giải quyết mục tiêu chung trước mắt cho sự công bằng và bớt bất công cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn».

Trao đổi với chúng tôi về sự thành hình, phát triển và hiệu quả của Xã hội dân sự tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức Xã hội dân sự độc lập mà bài xã luận đăng tải trên Báo mạng Quân đội nhân dân hôm 17 tháng Bảy, từ Sài Gòn, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận định :

“Trong hòan cảnh khó khăn dưới chế độ độc tài toàn trị, so với mấy chục năm về trước, gần đây các Xã hội Dân sự đã ra đời được nhiều và đã có một số những hoạt động tương đối tích cực. Theo tôi, đó là dấu hiệu đáng mừng. Nói chung, các Xã hội Dân sự chắc chắn phải có tác dụng ít hay nhiều đối với quần chúng và sẽ là những tổ chức càng ngày càng hữu hiệu hơn trong việc lên tiếng về nhân quyền, dân chủ… Nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để có thể làm chuyển biến tích cực tình hình tại Việt Nam».

Cựu tù nhân chính trị, vừa được tổ chức Nhân quyền ở Hàn Quốc trao giải Gwangju hồi năm 2016, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bày tỏ sự lạc quan về xu thế phát triển tất yếu của Xã hội dân sự độc lập ở trong nước, bất chấp Chính quyền Việt Nam sách nhiễu, bắt bớ hay bỏ tù không ít thành viên của các tổ chức này và ông tin rằng Hà Nội sẽ phải chính thức công nhận và thừa nhận sự đóng góp hữu hiệu của các tổ chức Xã hội dân sự độc lập trong thời gian tới.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 24/07/2017

Published in Diễn đàn

xhds1

Sự kiện quan trọng nhất trong năm là biến cố Formosa

Có thể nói, 2016 là một năm đầy biến động đối với dân tộc Việt Nam. Sự kiện đầu tiên là cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam với sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng. Sử dụng những thủ đoạn về điều lệ tranh cử và đề cử, ông Nguyễn Phú Trọng đã dễ dàng loại Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vòng đua. Thế là Việt Nam tiếp tục bị kìm hãm dưới bàn tay sắt của một lãnh tụ bảo thủ, giáo điều, mù quáng với ảo tưởng về chủ nghĩa xã hội.

Sự kiện quan trọng thứ hai là phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Đường 9 Đoạn. Tòa xử cho nguyên đơn Phi Luật Tân thắng vẻ vang mang lại hy vọng cho Việt Nam trước dã tâm và tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng sự xuất hiện của tân Tổng thống Duterte đã làm đảo lộn mọi vấn đề. Bên thắng kiện không muốn nhắc tới phán quyết của vụ kiện nên Trung Quốc dễ dàng vô hiệu hóa phán quyết của Tòa qua một số sách lược ngoại giao khéo léo.

Thứ ba là TPP. Khi 12 quốc gia thành viên đặt bút ký TPP tại Auckland vào ngày 4/2/2016 sau hơn 7 năm đàm phán vất vả, có nhiều hy vọng là Việt Nam sẽ có cơ hội thoát Trung ít nhất là về mặt kinh tế cũng như tình trạng nhân quyền gồm có quyền lao động và tiếp cận môi trường trong sạch sẽ được cải thiện. Nhưng hy vọng này tiêu tan cùng với chiến thắng của Donald Trump. Với chiều hướng theo đuổi chủ nghĩa biệt lập của Trump, Việt Nam khó tránh khỏi ngày càng bị lệ thuộc và đi sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc. Không có TPP, Việt Nam cũng không có động cơ đẩy mạnh cải cách và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về trách nhiệm bảo vệ quyền lao động và môi trường.

Nhưng có lẽ sự kiện quan trọng nhất trong năm là biến cố Formosa. Từ đầu tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại Vũng Áng Hà Tĩnh, trụ sở của Công Ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và nhanh chóng lan sang các tỉnh miền Trung gồm có Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế. Vào ngày 30/6, chính quyền chính thức công bố 3 chi tiết quan trọng. Thứ nhất, Formosa là thủ phạm xả thải gây ra thảm họa cá chết hàng loạt và làm cả một vùng biển rộng lớn nhiễm độc. Thứ hai là Formosa đã đồng ý bồi thường 500 triệu Mỹ kim và thứ ba là việc truy tố Formosa vi phạm pháp luật sẽ do các cơ quan tư pháp xem xét.

Nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào là Formosa sẽ bị truy tố. Trong một thể chế mà chỉ có một Đảng kiểm soát cả 3 vế chính quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp thì việc này không có gì đáng ngạc nhiên. Còn số tiền 500 triệu do Đảng thỏa hiệp với Formosa cũng chẳng dựa trên chứng cứ thực tế nào cả. Điều đáng chú ý là trong tháng 8 thì có nguồn tin là nhà nước miễn và hoàn thuế cho Formosa và các nhà thầu liên hệ tổng số tiền cũng khoảng 500 triệu đô Mỹ tương đương với số tiền bồi thường của Formosa.

Theo báo cáo của chính chính phủ Việt Nam thì có hơn 100.000 nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong số này có hơn 40.000 ngư dân. Ngoài ra, có khoảng 176.000 người bị ảnh trực gián tiếp hoặc phụ thuộc. Nếu chia đều 500 triệu cho tổng số 276.000 nạn nhân thì mỗi người sẽ nhận chưa tới 2.000 đô Mỹ.

Trong tháng 9, chính phủ công bố Quyết Định 1880 ấn định số tiền bồi thường cho 7 nhóm đối tượng gồm có khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch, thương mại ven biển và thu mua, tạm trữ thủy sản. Số tiền bồi thường khác nhau cho chủ tàu lắp máy có công suất khác nhau. Số tiền bồi thường ngư dân làm trên tàu được ấn định trung bình khoảng 4 triệu đồng một tháng (tức khoảng 180 đô Mỹ). Điều đáng nói là chỉ bồi thường trong 6 tháng từ tháng 4 tới tháng 9, tức là 24 triệu, tương đương với 1.000 đô Mỹ. Nhưng sau 6 tháng thì lấy gì để sống ? Mà biển thì vẫn chết với "những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa".

So với sự khuất tất và tắc trách của nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự độc lập đã thể hiện đúng trách nhiệm và vai trò đối với ngư dân nạn nhân của Formosa. Chỉ trong 3 tuần lễ sau khi hiện tượng cá chết được phát hiện, 20 tổ chức xã hội dân sự vào ngày 29/4/2016 đã cùng ký tên vào bản tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền có biện pháp kiểm soát và ngăn chận hành vi xả thải phá hoại môi trường của Formosa. Sau cuộc họp báo của chính quyền vào ngày 30/6/2016 công bố thủ phạm Formosa, 18 tổ chức xã hội dân sự đã phổ biến một bản tuyên bố lên án thái độ lấp liếm và dung túng của nhà cầm quyền đối với Formosa cũng như tự ý chấp nhận số tiền bồi thường 500 triệu đô Mỹ.

Cùng lúc, một vài tổ chức xã hội dân sự khác đã tiến hành các công tác cứu trợ khẩn cấp cũng như nêu thảm họa này lên công luận quốc tế. Một số luật sư thiện nguyện giúp soạn thảo đơn yêu cầu chính quyền rút giấy phép xả thải của Formosa và các mẫu đơn liệt kê thiệt hại cho ngư dân sử dụng. Nhà Thờ là một phần của xã hội dân sự tạo điều kiện để các luật sư có chỗ làm việc giúp đỡ nạn nhân điền đơn. Thành viên của các tổ chức xã hội dân sự khác lặn lội xuống từng làng chài giải thích về các biện pháp pháp lý chính đáng mà ngư dân có thể theo đuổi. Tính đến nay thì các tổ chức xã hội dân sự đã giúp thành lập hơn 15.000 hồ sơ nạn nhân của Formosa chuẩn bị chờ cơ hội để nộp kiện dù bị nhà cầm quyền đe dọa và quấy nhiễu. Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới này mà nạn nhân của một cuộc thảm họa môi trường lại bị chính nhà nước của họ đe dọa và tước quyền khiếu kiện.

Trong cuộc đấu tranh pháp lý của nạn nhân Formosa, có hai sự kiện nổi bật đáng chú ý. Sự kiện thứ nhất nhất là vào ngày 29/9/2016, Linh mục Đặng Hữu Nam đã dẫn một đoàn giáo dân hơn 600 người từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để nộp đơn kiện tại Tòa Án Nhân Dân Thị xã Kỳ Anh. Hai tuần sau đó, Tòa này trả lại đơn kiện viện dẫn lý do "không nộp đủ chứng cứ" và việc này đã được giải quyết qua Quyết định 1880 của chính phủ.

Sự kiện thứ hai là cuộc biểu tình lên tới hàng chục ngàn người vào ngày 2/10. Dù có một vài xô xát không đáng kể nhưng tựu chung đây là một cuộc biểu tình ôn hòa và thành công. Theo lời của Linh mục Trần Đình Lai, nếu muốn người dân Hà Tĩnh đã có thể san bằng Formosa. Nhưng họ đã không để lại một cọng rác sau cuộc biểu tình.

Các tổ chức xã hội dân sự đã đóng một vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ người dân trực tiếp đứng lên nói lên tiếng nói và đòi hỏi quyền lợi của mình. Đó là cả một quá trình trong chế độ độc tài toàn trị. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể của xã hội dân sự. Vào ngày 19/10, nhóm Green Trees (trước đây có tên là Hà Nội Xanh) đã nộp lên Quốc hội một bản báo cáo "Toàn cảnh Thảm họa Môi Trường Biển Việt Nam". Tập tài liệu gần 200 trang này ghi lại một cách có hệ thống theo trình tự thời gian mọi vấn đề liên hệ gồm có chính sách đầu tư ngoại quốc, pháp lý, môi trường, truyền thông Việt Nam và quốc tế, trách nhiệm của chính quyền và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự. Tài liệu này cũng đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung.

xã hội dân sự đã thể hiện được tiềm năng qua thảm họa Formosa. Nhưng chặng đường sắp tới vẫn còn đầy gian nan. Có thể chia các tổ chức xã hội dân sự thành 4 loại. Thứ nhất là các tổ chức tranh đấu cho quyền dân sự và chính trị chẳng hạn như Hội Anh Em Dân Chủ, Con Đường Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền. Thứ hai là các tổ chức mang tính văn hóa và tác nghiệp gồm có Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập, Hội Giáo Chức Chu Văn An. Thứ ba là các tổ chức tôn giáo gồm có Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt NamTN, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt nam - Hoa Kỳ và một số tổ chức tôn giáo khác. Thứ tư là các tổ chức tranh đấu cho quyền xã hội và kinh tế chẳng hạn như Phong Trào Lao Động Việt, Green Trees, Phong Trào Liên Đới Dân Oan, Hội Bầu Bí Tương Thân. Các tổ chức xã hội dân sự này đã góp phần nâng cao dân trí, cung cấp thông tin chính xác và trung thực, tham gia cứu trợ tại thực địa và gióng lên tiếng nói phản biện cũng như phê bình những sai sót của nhà cầm quyền.

Nói chung, họ đều chia sẻ ước vọng xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và tiến bộ để nâng cao đời sống hàng ngày và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Họ là nền tảng của một thể chế dân chủ đa đảng và đa nguyên mà Việt Nam phải theo đuổi để sánh bước vươn lên cùng với các quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết là từ nhà cầm quyền và hệ thống an ninh luôn rình rập, quấy nhiễu, bắt bớ, đánh đập hoặc cô lập kinh tế. Khó khăn lớn nhất là về mặt tài chánh. Tổ chức xã hội dân sự độc lập không có tư cách pháp nhân và không thể gây quỹ cũng như nộp đơn xin tài trợ với nhà nước hoặc các cơ quan tài trợ quốc tế. Vì không có tài chánh nên không thể tuyển dụng nhân sự có khả năng hoạt động chuyên nghiệp.

Người Việt hải ngoại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tổ chức xã hội dân sự hoạt động chuyên nghiệp, có bài bản và hiệu quả. Các đoàn thể, tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại hải ngoại có thể yểm trợ tài chánh giúp các tổ chức xã hội dân sự trong nước có phương tiện huấn luyện và tuyển dụng những người hoạt động có kỹ năng cao.

Chúng ta có thể giới thiệu hoặc cùng đứng đơn với các tổ chức xã hội dân sự trong nước xin yểm trợ kỹ năng và tài trợ từ các cơ quan quốc tế cho các dự án liên quan tới nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. Không chỉ các tổ chức xã hội dân sự trong nước cần phải liên kết và hỗ trợ lẫn nhau mà các đoàn thể, tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại hải ngoại cũng cần làm việc đó để gia tăng sức mạnh hầu có thể đóng góp hiệu quả hơn.

Cụ thể trước mắt là vấn nạn Formosa. Trong thời gian qua, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tích cực gây quỹ cứu trợ đồng bào miền Trung sau các trận lũ lụt. Đây là một nghĩa cử rất đẹp thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách. Nhưng nỗ lực gây quỹ yểm trợ cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước giúp nạn nhân Formosa khiếu kiện thì lại rất khiêm nhường. Lụt miền Trung thì năm nào cũng có. Không chỉ thiên tai mà còn có nhân tai chẳng hạn, như việc tập đoàn thủy điện Hố Hô tùy tiện xả lũ gây ra cái chết của hơn 20 người. Nếu người dân không có sự yểm trợ của các tổ chức xã hội dân sự mạnh dạn đứng lên khiếu kiện thì việc này chắc chắn sẽ tái diễn.

Nhóm Cây Xanh gồm có hơn 20 thành viên trẻ và năng động đã bỏ nhiều công sức soạn thảo tài liệu "Toàn cảnh Thảm họa Môi Trường Biển Việt Nam" nhưng không có tiền để in và phổ biến rộng rãi. Chỉ với thiện chí mà không có phương tiện thì Việt Nam sẽ rất khó thay đổi.

Đúng là tương lai của đất nước Việt Nam phải do chính người Việt trong nước định đoạt. Nhưng với hoàn cảnh khó khăn của các tổ chức xã hội dân sự trong nước hiện nay, vai trò của người Việt hải ngoại là cực kỳ quan trọng trong tiến trình đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên và tiến bộ.

L.s.Nguyễn Văn Thân

Nguồn : Dân Làm Báo, 30/12/2016

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3