Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

30/05/2023

Chế độ độc tài kìm hãm, bóp chết tài năng

Song Chi

Chỉ riêng trong thế kỷ XX, văn học nghệ thuật Việt Nam đã có hai giai đoạn phát triển rực rỡ, trăm hoa đua nở với nhiều sự cách tân, đổi mới : đó là giai đoạn 1930-1945 trên cả nước và giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

vanhoa2

Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có hai giai đoạn phát triển rực rỡ

Thế nhưng, khi đảng cộng sản nắm chính quyền và thiết lập chế độ độc tài toàn trị thì những thành tựu của cả hai giai đoạn ấy đã bị tiêu diệt : Miền Bắc sau ngày 2/9/1945 trở đi, tất cả những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… tài năng một thời nếu không di cư được vào Nam mà phải sống dưới chế độ do đảng cộng sản cai trị thì đều "tắt đài", và phải chuyển qua sáng tác theo "đơn đặt hàng" của đảng, với mục đích tuyên truyền, ca ngợi đảng, ca ngợi chế độ xã hội chủ nghĩa rồi ca ngợi cuộc "kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ", hừng hực lửa căm thù "Mỹ-ngụy" v.v. Từ Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… đều không còn là mình trước kia nữa. Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm năm 1956 tiếp tục giáng một đòn nặng nề vào các văn nghệ sĩ tài năng như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Hữu Loan, Bùi Xuân Phái, Thụy An, Đặng Đình Hưng… và bẻ gãy luôn khát vọng được sáng tác tự do của bất cứ ai trong giới văn nghệ sĩ bấy giờ, nếu có.

Hậu quả là bây giờ nhìn lại văn học nghệ thuật giai đoạn 1954-1975 ở miền Bắc, có được mấy tác phẩm đứng được với thời gian, ngay cả những ông quan thơ một thời quyền uy ngất trời, tác phẩm luôn được ca tụng, được đưa vào sách giáo khóa và học sinh cấp II, cấp III đều phải học thuộc lòng, và đi thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp phổ thông thì thường "đụng" phải như Tố Hữu ? Còn mấy ai hát những bài hát cách mạng một thời hừng hực khí thế, sắt máu căm thù ? Hay là cho đến bây giờ nếu nhắc đến Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng… thì người ta vẫn nhắc đến những sáng tác của họ giai đoạn 1930-1945, hoặc những tác phẩm bị cấm đoán một thời của những nhà thơ, nhà văn trong vụ án Nhân Văn-Giai phẩm ? Còn với Hội họa, những tên tuổi và tác phẩm được ưa chuộng cho tới bây giờ hoặc được bán với giá rất cao tại các sàn đấu giá bên ngoài Việt Nam vẫn là những tên tuổi, tác phẩm của nền Hội họa Đông Dương, được đào tạo dưới thời Pháp thuộc như Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ…

So sánh với miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1954-1975, càng cho thấy rõ sự khác nhau giữa việc sống và sáng tác giữa hai chế độ tự do và độc tài. Trong lúc mọi tài năng bị kìm hãm hoặc mọi xu hướng, phong cách đều bị bóp chết, chỉ còn lại một thứ văn học nghệ thuật là công cụ tuyên truyền một chiều của đảng, thì ở miền Nam, nhờ có một chính thể tự do và một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đã có sự phát triển rực rỡ, bùng nổ của văn hóa nghệ thuật trong mọi lĩnh vực. Chỉ riêng văn học thôi, mới đây, khi trả lời phỏng vấn của đài RFA, nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng từ miền Bắc đã nhận định "Văn học Việt Nam Cộng Hòa : 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng".

Ngay sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm miền Nam, đảng cộng sản đã ra lệnh tịch thu, tiêu hủy toàn bộ sách báo, băng đĩa nhạc, phim… của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Và suốt một thời gian dài nền văn học, âm nhạc của miền Nam luôn luôn bị gán cho những cái nhãn "đồi trụy", "độc hại", bị phỉ báng, bị cấm đoán, bị gạt ra ngoài xã hội. Nhưng kết quả như thế nào ? Dòng văn học, âm nhạc ấy vẫn sống, không chỉ được phổ biến bên ngoài Việt Nam, trên mạng xã hội, được tìm đọc, nghe, hát… bởi đông đảo người trong nước mà một số đã được phổ biến, phát hành, biểu diễn công khai trở lại. Rõ ràng cái gì có giá trị thì sẽ tồn tại với thời gian. Điều đó cũng cho thấy cùng một dân tộc nhưng mô hình thể chế chính trị và nền giáo dục khác nhau đã giải phóng hay kìm hãm năng lực sáng tác, sáng tạo của con người như thế nào. Trường hợp Đông Đức-Tây Đức hay Bắc Hàn-Nam Hàn cũng vậy.

vanhoa1

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, mọi tài năng bị kìm hãm hoặc mọi xu hướng, phong cách đều bị bóp chết, chỉ còn lại một thứ văn học nghệ thuật là công cụ tuyên truyền một chiều của đảng

Sau ngày 30/4/1975, khi chế độ độc tài toàn trị được áp đặt trên toàn quốc, cũng là lúc dòng người theo nhau bỏ nước ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá, chưa bao giờ dừng lại trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Và bây giờ thì chúng ta lại chứng kiến những tài năng gốc Việt tỏa sáng trong môi trường tự do, dân chủ của các nước khác, kể cả trong những lĩnh vực khó khăn hơn như khoa học hay văn học nghệ thuật. Nếu còn sống ở trong nước, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, khoa học gia Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Thiên Văn học Lưu Lệ Hằng, nhà toán học Dương Hồng Phong hay nhà văn Linda Lê, nhà văn Dương Thu Hương, đạo diễn Trần Anh Hùng v.v. sẽ không thể có được những thành công trong sự nghiệp như vậy.

Bởi vì, chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị chỉ hủy diệt văn hóa, tiêu diệt tài năng chứ không bao giờ có chỗ đứng cho tài năng, cho sự phát triển lành mạnh và đúng hướng của bất cứ lĩnh vực nào…

Đất nước, dân tộc Việt Nam còn phải mất mát bao nhiêu thời gian, cơ hội, bao nhiêu chất xám, tài năng nữa dưới chế độ này ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 30/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 6113 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)