Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tặng Vân Nguyễn

Ngày 14 tháng Ba năm 1942, bệnh nhân đầu tiên là bà Anne Miller (tại Huê Kỳ) được chữa trị bằng thuốc trụ sinh penicillin. Thuở ấy, tạp chí Time đã hết lời ca tụng penicillin như một phép lạ : cứu mạng con người. Phép lạ nhiệm màu như thế nhưng cũng chỉ chiếm một cột báo cỡ 1/4 trang giấy, chia chỗ với các mẩu tin khác nhau từ khắp tứ phương trời !

Món thuốc này được khám phá bởi Sir Alexander Fleming, nhà khoa học người Tô Cách Lan (Scotland) vào năm 1928, nhưng mãi đến năm 1942 mới được sử dụng phổ biến.

penicillin1

Cô Anne Sheafe Miller, chụp cùng Bác sĩ Alexander Fleming (phải), người khám phá ra penicillin, vào năm 1942 sau khi cô hồi phục.

Việc sử dụng penicillin tại Huê Kỳ là một câu chuyện khá ly kỳ và không kém phần thú vị. Bệnh nhân, bà Miller, bị nhiễm trùng nặng (septicemia) sau khi bị hư thai. Dù được chữa trị bằng nhiều phương thức trị liệu đương thời kể cả giải phẫu và truyền máu nhưng không hề thuyên giảm, và bà ấy trải qua các cơn sốt cao độ (103 F) sau nhiều tuần lễ và đang chờ... chết.

Trong cuốn sách "The Mold in Dr. Florey’s Coat : The Story of the Penicillin Miracle May" (Khuôn mẫu của Bác sĩ Florey Chuyện về phép lạ Penicillin mang lại) của tác giả Eric Lax kể lại rằng may mắn làm sao, một bệnh nhân khác cũng đang được chữa trị tại cùng bệnh viện, quen biết cụ Fleming, giới thiệu với bác sĩ điều trị rằng ông cụ Fleming đang thử nghiệm một món thuốc "thần diệu" tại Anh Quốc. Vị bác sĩ điều trị dùng mối "quan hệ nặng ký" này để điều đình với chính phủ Anh Quốc, lúc ấy đang kiểm soát gắt gao các món thuốc cần thiết trong thời chiến (Đệ nhị Thế chiến), để xin một lượng penicillin cỡ một muỗng canh (1 tablespoon) cho bệnh nhân thập tử nhất sinh kể trên. Vào thập niên 1940s, một muỗng canh penicillin lúc ấy, theo lời của ông Lax, là cả nửa kho trụ sinh trên toàn cõi đất nước Huê Kỳ !

Chỉ trong vòng một ngày, cơn sốt hạ dần và bà Miller khỏi bệnh sau đó không lâu !

Phép lạ này khiến dư luận và bá tánh xôn xao rồi đặt câu hỏi, thuốc men thần diệu như thế, đã được thử nghiệm bên Anh Quốc nhiều năm mà sao vẫn không được xài tại Huê Kỳ ? Bài tường trình của tạp chí Time năm 1941 giải thích phần nào sự muộn màng này : Việc chế tạo penicillin từ nấm vô cùng khó khăn và tốn kém nhất vì (vào thời buổi đó) con người chưa biết cách chế tạo penicillin bằng số lượng nhiều nên rất khan hiếm. Mỗi khi muốn thu góp penicillin, các nhà hóa học (và bác sĩ) thuở ấy phải ngồi chờ cho nấm lên men ! Một vài bệnh nhân được thí nghiệm dùng penicillin để chữa trị, thoạt tiên bệnh tình xem ra thuyên giảm nhưng vẫn tử vong vì không đủ thuốc để dùng chữa dứt căn bệnh ! Mãi cho đến năm 1943, ta cũng chỉ có đủ penicillin để chữa trị khoảng 30 bệnh nhân trên khắp toàn thế giới !

Khi hiệu quả của penicillin trong việc chữa nhiễm trùng trở nên rõ ràng hơn, nhất là có thể giúp các thương binh trong Đệ Nhị Thế Chiến, Nha Quân Y Huê Kỳ (US Army Medical Corps), đã thúc đẩy việc bào chế penicillin vì nhu cầu quốc phòng. Khoảng một năm sau, vào tháng Năm năm 1944, ta đã có đủ penicillin để dùng cho bệnh nhân quân sự và cả bệnh nhân dân sự. Penicillin trở thành phổ thông hơn và ông Fleming nổi tiếng lẫy lừng vì đã khám phá ra món thuốc cứu mạng con người, "cứu nhiều người hơn cả số tử vong vì chiến tranh" ! Sự hủy diệt của chiến tranh được so sánh với bệnh tật, một cái nhìn khá chính xác vì chiến tranh đến từ hận thù và lòng tham, một loại bệnh tâm thần gây tử vong cho con người như bệnh tật thể xác.

Sir Alex Fleming gốc gác từ Scotland, đoạt giải Nobel Y Khoa qua việc khám phá cách cấy trồng penicillin từ nấm Penicillium rubens. Penicillin có dược tính diệt trừ vi khuẩn, từa tựa như các loại trụ sinh khác. Khám phá này khởi đầu cho nền khoa học chế biến trụ sinh đương thời. Việc phát triển penicillin để dùng như dược phẩm là công lao tìm kiếm và phát minh của ba nhà khoa học khác : Howard Walter Florey (người Áo), Ernst Chain (người Đức) và Norman Heatley (người Anh). Cả ba nhà khoa học gia này đều đoạt giải Nobel Y học năm 1945 cho khám phá ấy. Phúc thay !

Việc khám phá ra penicillin là cả một sự tình cờ. Fleming kể lại rằng một buổi sáng thứ Sáu, ngày 28 tháng Chín năm 1928, ông đến làm việc trong phòng thí nghiệm trong tầng hầm của bệnh viện St. Mary Hospital tại Luân Đôn, ông đã chứng kiến một sự việc khá lạ lùng. Dĩa Petri dish (một loại hộp nhựa mỏng dùng để cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm được dùng máu cừu để làm môi sinh trong dĩa) chứa vi khuẩn Staphylococcus không nắp đậy bị bỏ quên trên bàn. Cạnh đó là một cửa sổ bỏ ngỏ và đã nhiễm men nấm, một loại vi sinh xanh xám tăng trưởng và đã tạo thành một vòng tròn bao quanh loài vi khuẩn đang được nuôi trên dĩa. Hiện tượng này cho thấy rằng men nấm kia có tác dụng ngăn ngừa sự tăng trưởng của vi khuẩn Staphyloccocus. Nói một cách khác, men nấm tạo ra chất diệt trùng. Qua nhiều quá trình thí nghiệm khác nhau, ông cụ tìm ra chất Penicillium notatum, gọi tắt là "penicillin" được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới ngày nay.

Penicillin (penicillin hay gọi tắt là ‘pen’) là tên gọi một nhóm trụ sinh bao gồm : penicillin G (truyền qua tĩnh mạch, IV intravenous use), penicillin V (thuốc uống, oral use), procaine penicillin, và benzathine penicillin (thuốc chích, IM intramuscular use), xuất phát từ Penicillium fungi. Penicillin có cấu trúc hóa học C9H11N2O4S, khi sử dụng có thể hiện diện trong cơ thể con người từ 0.5 - 56 tiếng đồng hồ, rồi đào thải khỏi cơ thể qua thận, nước tiểu.

Penicillin là một trong những dược phẩm đầu tiên có tính diệt trùng (kháng sinh), đề kháng các vi sinh như : staphylococci và streptococci. Ngày nay, penicillin vẫn được sử dụng dù nhiều loại vi khuẩn đã tạo ra sức đề kháng (resistant) chống lại thuốc trụ sinh này (thuốc không còn tác dụng hoặc tác dụng rất thấp). Hiệu quả trong việc diệt trùng nhưng penicillin cũng gây những phản ứng phụ như : tiêu chảy, ói mửa… và nặng nề nhất là dị ứng (hypersensitivity), nổi mề đay. Khoảng 20% người dùng cho rằng họ bị "dị ứng" (allergy) với penicillin. Thực ra, 90% các ca "dị ứng" này không thực sự là "dị ứng" mà chỉ là phản ứng phụ (side effects). Ta cần phân định rõ ràng sự khác biệt này vì người bệnh [chịu phản ứng phụ] vẫn có thể dùng penicillin khi cần thiết trong khi bệnh bị dị ứng thực thụ không thể dùng penicillin nữa, và bác sĩ điều trị cần dùng các dược phẩm khác. Dược phẩm nào cũng có phản ứng phụ, chỉ nhiều hay ít mà thôi. Cây cỏ có dược tính, một loại thuốc chưa qua thử nghiệm lâm sàn (clinical studies) và chứng minh dược tính và không có giấy phép buôn bán như dược phẩm cũng mang lại các phản ứng phụ tương tự.

Câu chuyện của penicillin hay chính xác hơn, khám phá của Sir Alexander Fleming là một sự tình cờ cộng với lòng kiên trì và những nỗ lực qua nhiều năm miệt mài nghiên cứu. Nhà khoa học cần chứng minh kết quả nghiên cứu và phải thuyết phục các nhà khoa học và đồng nghiệp khác. Sự chấp nhận một phát minh mới và khám phá mới từ cộng đồng nghiên cứu là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công cho mai sau.

Hôm nay tôi cùng người yêu "de Van" lang thang trên tàu điện ngầm và leo lên xe buýt "hai tầng" để khám phá London... Khi xe bus chợt đi ngang qua bệnh viện St. Mary Hospital, tôi miên man nhớ về ông Fleming và penicillin trong sách vở năm nào. Bên kia cửa sổ của bệnh viện St. Mary Hospital chắc ông vẫn còn quanh quẩn đâu đó miệt mài thử nghiệm để cống hiến cho nhân loại. Cảm ơn ông Fleming và món thuốc thần dược ấy !

Tường Huy

(14/03/2019)

Published in Văn hóa