Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tháng Sáu (2020) vừa qua đánh dấu đúng 80 năm việc Đức Quốc Xã xua quân sang xâm chiếm Paris và miền Bắc nước Pháp. Biến cố này không khỏi làm tôi nhớ đến một nhà ngoại giao Bồ Đào Nha được chính phủ nước này vinh danh như "vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt trong Thế kỷ 20". Nhà ngoại giao đó là ông Aristides de Sousa Mendes.

luan1

Aristides de Sousa Mendes, "vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt trong Thế kỷ 20"

Sau khi Đức Quốc Xã xâm chiếm miền Bắc nước Pháp, hàng ngàn người Do Thái và những người tỵ nạn khác đã chạy xuống phía Nam để tránh cuộc tàn sát của Đức Quốc Xã. Nhiều người đã đến được Bordeaux để tạm trú trong khi chờ đợi có được một giấy nhập cảnh vào một nước trung lập trong thời Đệ nhị Thế chiến là Bồ Đào Nha và từ đó tìm đường sang Hoa Kỳ và các nước khác.

Một số đã có được may mắn để vào tòa lãnh sự của Bồ Đào Nha ở Bordeaux. Tại đây, bất chấp lệnh của chính phủ, Tổng lãnh sự Aristides de Sousa Mendes đã cấp giấy nhập cảnh cho nhiều người được vào Bồ Đào Nha.

Đầu tháng Sáu vừa qua, Quốc hội Bồ Đào Nha đã đồng thanh bỏ phiếu để vinh danh ông Sousa Mendes : tượng đài vinh danh ông đã được dựng lên trong Đài tưởng niệm quốc gia.

Trước Đệ nhị Thế chiến, người dân các nước có thể đến Bồ Đào Nha mà không cần chiếu khán nhập cảnh. Nhưng dưới thời nhà độc tài Antonio de Oliveira Salazar, Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban hành một biện pháp mới có tên là "Thông tư 14" (Circular 14) qua đó không cho phép người Do Thái và những người tỵ nạn khác được nhập cảnh vào Bồ Đào Nha.

Vì không tuân hành lệnh của Chính phủ Salazar, ông Sousa Mendes đã bị cách chức và trừng phạt nặng nề. 

Động lực nào đã thúc đẩy ông sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và đánh đổi tất cả để cứu người Do Thái và những người tỵ nạn khác ?

Theo tài liệu được ghi lại, nhà ngoại giao Bồ Đào Nha này đã kết thân với một người tỵ nạn đến từ Bỉ là giáo sĩ Do Thái Chalm Kruger. Ông mời vị giáo sĩ và gia đình vào trú ẩn trong Tòa lãnh sự và cấp giấy nhập cảnh để vào Bồ Đào Nha. Nhưng giáo sĩ Kruger đã từ chối, viện cớ rằng ông không thể bỏ rơi hàng ngàn người tỵ nạn Do Thái khác tại Bordeaux. Lương tâm bị đặt trước một chọn lựa khó xử, ông Sousa Mendes đã lui vào phòng ngủ trong ba ngày liên tiếp. Sau đó, ông xuất hiện và tuyên bố quyết định cứu vớt người tỵ nạn.

Kể từ ngày 17/06/1940, làm việc ngày đêm và với sự giúp đỡ của những người con trai của ông cũng như một số người tỵ nạn, ông đã đóng dấu và ký tên để cấp hàng ngàn giấy nhập cảnh vào Bồ Đào Nha cho người Do Thái và những người tỵ nạn khác. Sau đó, ông đi xuống thành phố Bayonne, vốn cũng nằm dưới quyền tài phán của ông. Tại đây ông còn ký thêm nhiều giấy nhập cảnh khác.

Theo một sử gia Israel chuyên về cuộc sát tế người Do Thái là giáo sư Yehuda Bauer, "có lẽ đây là hành động cứu vớt lớn nhứt do một cá nhân thực hiện trong thời Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái".

Không bao lâu, chuyện ông Sousa Mendes vi phạm lệnh của chính phủ đã đến tai ông Salazar. Ngày 24/06/1940, nhà độc tài này ra lệnh cho ông Sousa Mendes phải ngưng việc cấp giấy nhập cảnh và trở về Thủ đô Lisboa gấp. Nhưng ngay cả trên đường hồi hương, ông Sousa Mendes cũng đã dừng lại tại Hendaye, một thành phố nằm sát biên giới Tây Ban Nha. Tại đây ông đã cấp giấy nhập cảnh và ngay cả sổ thông hành cho người tỵ nạn.

Khi trở về Lisboa, ông bị cách chức và cắt luôn tiền hưu bổng. Những người con nào của ông đang làm việc ở công sở cũng bị làm khó dễ. Chỉ nhờ sự trợ giúp của một tổ chức an sinh của người Do Thái, gia đình ông mới có thể sống còn.

Năm 1954, ông Sousa Mendes đã qua đời trong tăm tối, nghèo nàn và ruồng bỏ tại Bồ Đào Nha. Chỉ nhờ chứng từ của những người sống sót, trong số này có nhiều người trong hai gia đình nổi tiếng ở Mỹ là Rothschild và Rosenberg cũng như nhiều nhà hàn lâm và nghệ sĩ khác, hành động can đảm của ông Sousa Mendes mới được nhìn nhận và vinh danh.

Năm 1966, Quốc hội Mỹ đã chính thức nhìn nhận ông là một anh hùng. Chỉ sau khi chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha cáo chung, danh dự của ông Sousa Mendes mới được phục hồi. Năm 1987, Chính phủ Bồ Đào Nha đã trao tặng cho ông Huy chương Danh dự Bội tinh. Năm 1995, Tổng thống Bồ Đào Nha lúc bấy giờ là ông Mario Soares đã tuyên bố : Sousa Mendes là "vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt trong Thế kỷ 20" (1).

Gương anh dũng của ông Sousa Mendes gợi lên cho tôi một số suy nghĩ về đạo đức và lương tâm trong chính trị. Mỗi lần cầm lá phiếu trên tay để gọi là "chọn mặt gởi vàng", tôi luôn xem tiêu chuẩn đạo đức như một trong những nét quan trọng nhứt trong tư cách của một nhà lãnh đạo.

Tôi không thể nào xóa khỏi bộ nhớ của tôi một trong những câu tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Donald Trump. Ngày 23/01/2016, tại một cuộc vận động ở Tiểu bang Iowa, ứng cử viên Trump đã đưa tay lên làm hiệu như một khẩu súng và tuyên bố : "Tôi có thể đứng ở giữa đại lộ Fifth Avenue (New York) và bắn ai đó mà vẫn không mất bất cứ cử tri nào ủng hộ tôi" (2). Kể từ đó, tôi thường tự hỏi : liệu Tổng thống Trump có bao giờ cư xử và hành động theo một kim chỉ nam đạo đức nào không ?

luan2

Ngày 23/01/2016, ứng cử viên Trump đã đưa tay lên làm hiệu như một khẩu súng và tuyên bố : "Tôi có thể đứng ở giữa đại lộ Fifth Avenue và bắn ai đó mà vẫn không mất bất cứ cử tri nào ủng hộ tôi"

Trong một cuộc trao đổi với một người bạn vốn là một người triệt để ủng hộ Tổng thống Trump, tôi có nêu vấn đề tư cách đạo đức của một nhà lãnh đạo. Bạn tôi trả lời : "Người Mỹ chúng tôi không bỏ phiếu bầu một giáo hoàng lên làm tổng thống". Trong cố gắng duy trì tình bạn, tôi không muốn ăn thua đủ trong cuộc tranh luận. Nhưng tôi vẫn tự trả lời : chẳng ai bầu một nhà lãnh đạo tinh thần hay một vị giáo hoàng lên làm nguyên thủ quốc gia, nhưng sẽ là vô đạo nếu người ta bầu cho một kẻ vô đạo để lãnh đạo quốc gia. Lịch sử không ngừng chứng minh : tất cả những nhà lãnh đạo độc tài khát máu đều là những kẻ vô đạo !

Tương quan giữa chính trị và đạo đức là một chủ đề đã được mang ra bàn cãi ngay từ thời triết học Tây phương mới được khai sinh ở Hy Lạp. Ở Đông phương, dù cho lý luận triết học chưa được hệ thống hóa, nhưng xem ra vấn đề tu thân, tức đạo đức, vẫn được đặt lên hàng đầu trong mọi sinh hoạt nhân sinh, nhứt là trong việc kinh bang tế thế, tức chính trị. Những câu như "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" hoặc "tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị gia dĩ tu thân vi bổn"... cho thấy học làm người, tập tành nhân đức, tức sống theo những giá trị đạo đức là điều tối cần trong mọi lãnh vực của cuộc sống, kể cả và nhứt là trong sinh hoạt chính trị.

Đạo đức chức nghiệp không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp hay các lãnh vực chuyên môn. Nó cũng luôn có giá trị trong chính trị. Cuối thập niên 1990, Tổng thống Bill Clinton đã bị Quốc hội Mỹ mang ra đàn hặc vì tội gọi là bội thề và cản trở công lý. Nhưng chính vụ tai tiếng về tình dục giữa ông và nhân viên tập sự Monica Lewinsky ngay trong Tòa Bạch Ốc mới là giềng mối của cuộc đàn hặc. Đại diện cho người dân Mỹ, các vị dân cử trong Quốc hội đã xem chuyện bê bối của Tổng thống Clinton diễn ra ngay trong Tòa Bạch Ốc như một hành vi thiếu đạo đức nghiêm trọng. Trong một ý nghĩa nào đó, họ đã xem trọng tư cách đạo đức của một nhà lãnh đạo.

Tiểu sử của cố Tổng thống Lyndon B. Johnson (1908-1973) có ghi lại cuộc gặp gỡ giữa ông và một chính trị gia nổi tiếng khác là ông George Wallace (1919-1998), Thống đốc Tiểu bang Alabama. Vào những năm cuối của thập niên 1960, phong trào tranh đấu cho quyền được đi bầu của người Mỹ gốc Phi Châu tại Tiểu bang Alabama đã dẫn đến nhiều cuộc bạo động đẫm máu. Muốn trút bỏ trách nhiệm lên Tổng thống Johnson, Thống đốc Wallace đã đến gặp ông để yêu cầu ra lệnh dập tắt các cuộc bạo động. Tổng thống Johnson nói rằng chỉ có một cách đơn giản để chấm dứt các cuộc biểu tình bạo động là nhìn nhận quyền được đi bầu của người da đen. Biết ông Wallace có ý định ra tranh cử tổng thống năm 1968, Tổng thống Johnson ôn tồn khuyên ông : "Này, George, anh và tôi đừng nghĩ tới năm 1968, mà hãy nghĩ tới năm 1988. Lúc đó cả hai chúng ta đều sẽ chết, đều sẽ không còn nữa. Ông muốn để lại cho hậu thế điều gì ? Ông có muốn một đài tưởng niệm lớn bằng cẩm thạch có ghi hàng chữ "George Wallace : người đã kiến tạo ?".  Hay ông muốn một tấm bảng nhỏ bằng gỗ thông trên đó có ghi : "George Wallace: người đã thù hận ?" (3).

Tổng thống Johnson đã nói đến ý nghĩa của việc xây đài dựng tượng cho các chính trị gia có công với đất nước. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay tại Hoa Kỳ. Cùng với phong trào chống nạn kỳ thị chủng tộc, những người biểu tình cũng đòi dẹp bỏ những tượng đài hay tên tuổi của những người đã từng có chủ trương hay can dự vào việc buôn bán người nô lệ Phi Châu hoặc kỳ thị chủng tộc. Buôn bán nô lệ, xem người nô lệ như một vật sở hữu, kỳ thị chủng tộc và dĩ nhiên hận thù chủng tộc là một tội ác. Dẹp bỏ tượng đài của những người có chủ trương như thế chính là lên án tội ác và đồng thời cũng đặt nặng vấn đề đạo đức trong chính trị.

Nhà ngoại giao Sousa Mendes cùa Bồ Đào Nha đã ý thức được điều đó khi phải làm một quyết định sinh tử. Ông chỉ có thể làm quyết định ấy sau 3 ngày tự giam trong phòng ngủ, trực diện với không một người nào hay một quyền lực nào khác ngoài lương tâm của mình, một lương tâm được soi sáng và hướng dẫn bởi những giá trị đạo đức và sự thật. Có lẽ ông đã làm đúng lời khuyên của nhà bác học lừng danh của Thế kỷ 20 là Albert Einstein : "Đừng bao giờ làm điều gì trái với  lương tâm, ngay cả khi nhà nước đòi hỏi bạn phải làm điều đó".

Khi làm một nghĩa vụ đạo đức cao cả là cứu vớt người hoạn nạn, vị "anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt của Thế kỷ 20" đã thấy trước mình sẽ mất tất cả. Có lẽ ông cũng chẳng màng đến việc danh dự của mình sẽ được phục hồi hoặc một tượng đài sẽ được dựng lên để tưởng nhớ ông. Ông là mẫu người hùng đích thực : anh hùng thực sự là người sẵn sàng đánh đổi tất cả, ngay cả mạng sống của mình, để sống theo lương tâm. Ông là mẫu anh hùng theo đúng câu nói của người Việt Nam : không đem thắng bại mà luận anh hùng ! Phần thưởng duy nhứt ông tự dành cho mình là biết rằng mình đã hành động đúng theo mệnh lệnh của lương tâm. Tôi cho đó là thông điệp ông muốn nhắn gởi cho hậu thế, nhứt là trong thời đại nhiễu nhương này.

Chu Văn

(13/07/2020)

Chú thích

1.  Arthur Berger and Harry D. Wall, "The Portuguese diplomat who save thousands of people and lost everything except his good name", CNN, 26/06/2020

2. Maria Cardona, "Donald Trump's Fifth Avenue moment", The Hill, 10/01/2019

3. Carter Eskew, "A question of morality in politics", The Washington Post, 13/05/2014

Published in Văn hóa