Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nam xôn xao về sách "Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục".

 tieunong1

Nhiều gia đình Việt Nam cố gắng muốn con họ được hưởng nền giáo dục quốc tế

Trước bối cảnh những tranh cãi này, một nữ giảng viên ở Hà Nội bình luận với BBC rằng cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại "vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài".

Giáo sư Hồ Ngọc Đại được báo Lao Động dẫn lời : "Sách "Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục" của tôi có rất nhiều bài học ý nghĩa, nhân văn".

Trong khi đó, mạng xã hội dấy lên quan ngại về những hệ lụy đối với học sinh sau mỗi lần cải cách, cải tiến sách giáo khoa.

'Chỉ là khẩu hiệu'

Hôm 12/9, trả lời BBC, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết : "Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học Hoàng Tụy từng nói : "Giáo dục Việt Nam có ba cục bướu lớn cần giải phẫu, đó là sách giáo khoa, nạn học thêm và nạn thi cử".

"Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội".

"Cải cách thất bại còn vì không có được một hệ thống quản lý tận tâm, đồng tâm hiệp lực, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu như thời còn chiến tranh".

"Câu "Giáo dục là quốc sách" bao năm qua chỉ là khẩu hiệu, không đi kèm với kế hoạch, tài chính tầm cỡ quốc gia và giám sát tương thích từ phía Chính phủ và Quốc hội, cơ quan quyền lực của dân".

tieunong2

Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng nói các bên thảo luận về muốn sự tiến bộ

BBCDường như công luận đang chia làm hai phe và có vẻ chia rẽ trong những tranh luận về cải cách giáo dục Việt Nam. Bà có bình luận gì ?

Nghiêm Thúy Hằng : Theo tôi, những tranh luận đó là vì họ đều yêu nước, là vì họ là những người cha, người mẹ có lương tâm, đều đau đáu muốn hướng tới tiến bộ xã hội, hướng tới phát triển, hướng tới công bằng, minh bạch và đều yêu trẻ em. Những thiên thần vô tội không nên và không thể tiếp tục bị đem ra làm vật hy sinh cho các tranh cãi liên miên về cải cách giáo dục và chương trình - sách giáo khoa hay các thử nghiệm cải cách thi cử, các chiến dịch dẹp vấn nạn học thêm suốt từ năm 1979, trải qua 3 lần Nghị quyết cải cách, tiêu tốn hàng tỷ đôla chưa tổng kết được hiệu quả cho đến nay.

Dư luận có vẻ gay gắt, không bên nào chịu bên nào, đó là vì họ đều có những cái lý riêng, nhưng cái lý của khoa học thì không thể mang "sự hài lòng của người học hay của cha mẹ người học", "sự thành đạt của một số cá nhân tham gia thực nghiệm cải cách" ra biện minh mà cần có những công trình dùng các phương pháp khoa học khống chế được hết các biến lượng mới thực sự có được tiếng nói công tâm, khoa học về cải cách, được các bên đều hài lòng.

Cơ quan làm được việc này chỉ có Bộ Giáo dục dưới sự giám sát nghiêm minh của Chính phủ và của Quốc hội. Hy vọng những gì đã được sàng lọc, chứng minh qua thực tiễn sẽ tiếp tục trường tồn. Còn cái gì sai, chưa hoàn thiện thì phải được sửa, được hoàn thiện , mang thêm hơi thở thời đại kết hợp với hồn dân tộc, khí thiêng sông núi. Khoa học thực sự đòi hỏi tính tổng thể, sự hoàn thiện và đòi hỏi thực chứng.

Việc người dân khắp ba miền cũng như người Việt ở hải ngoại cùng lên tiếng về vấn đề giáo dục là tín hiệu đáng mừng, báo hiệu những thay đổi cơ bản vì Việt Nam vẫn tuyên bố là một thể chế của dân, do dân, vì dân.

Chính phủ và Quốc hội không thể và không được phép ngoảnh mặt lại với những vấn đề của đông đảo người dân, được dư luận người dân quan tâm.

BBC : Ở góc độ một giảng viên đại học, bà thấy, liệu sau những tranh cãi hiện tại thì đâu là giải pháp khiến người dân có thể yên tâm về việc học hành của con em họ ?

Nghiêm Thúy Hằng : Tôi nghĩ giải pháp căn bản là phải có tổng công trình sư, có người nhạc trưởng xứng tầm không liên quan đến những cải cách thất bại từ trước đến nay để lấy lại niềm tin cho người dân, đồng thời huy động được các nguồn lực trí tuệ trong và ngoài nước.

Tôi tin, với những trí thực hàng đầu của Việt Nam, không ai cần lấy tiền để làm những việc mà họ cho là có ích, đóng góp được cho xã hội. Thời buổi bây giờ, người tài sống được bằng thực tài, không cần tiền, chỉ cần được làm và được ghi nhận, được đóng góp cho tiến bộ xã hội.

Nhưng kể cả như vậy thì cơ chế nào cho họ, độc quyền in ấn sách giáo khoa vẫn thuộc Bộ Giáo dục, dẫu có một chương trình nhiều bộ sách thì cơ chế nào cho họ tập hợp, phát huy và xuất bản, cả còi lẫn bóng vẫn nằm trong tay Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục.

Nếu không làm được một bộ sách giáo khoa cho ra hồn, giải pháp khả thi là mua một bộ sách giáo khoa của Anh. Mỹ về cho cháu nào học được thì học mà không học được thì dịch ra tiếng Việt mà học, nước Nam Hàn sao chép sách của Nhật có sao đâu, Trung Quốc cũng sao chép nhiều sách của Anh, Mỹ.

Nói đến đây tôi lại rớt nước mắt vì một giai thoại về Giáo sư Tạ Quang Bửu, cựu Bộ trưởng Giáo dục lúc cuối đời : Ông chỉ cần được ăn hai quả chuối mỗi ngày thì đỡ run tay, nhưng đó vẫn là điều xa xỉ lúc cuối đời của vị cựu bộ trưởng thanh liêm được người dân kính trọng.

BBCNhìn vào tình hình giáo dục Việt Nam hiện tại, bà có lo ngại hoặc hy vọng gì ? Bà có nghĩ rằng quan chức Bộ Giáo dục tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân,phụ huynh không ?

Nghiêm Thúy Hằng : Tôi cũng như nhiều ông bố, bà mẹ ở Việt Nam hướng tới công bằng, minh bạch và tiến bộ xã hội và sẽ dấn thân, sát cánh bên nhau, bên cơ quan quyền lực của dân trong nỗ lực chung.

Tôi nghĩ Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ là người có trách nhiệm giải trình và đưa ra biện pháp rõ ràng trả lời cho Chính phủ mà ông đang phục vụ, nơi ông đang đại diện làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Quốc hội là là nơi ông Nhạ phải giải trình và là nơi giám sát hiệu quả công việc, đánh giá bỏ phiếu tín nhiệm việc thực thi chức trách của ông, nhất là trong bối cảnh tháng 10/2018 sắp bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

Việc này diễn ra sau nhiều vụ việc chấn động, đe dọa tính công bằng, minh bạch về thi cử, điều làm nên giá trị cốt lõi của cả một thể chế.

Về phần mình, tôi tin vào phần thiện của mỗi con người và tin cả dân tộc Việt sẽ hướng tới những điều tốt đẹp, hướng tới đại đoàn kết dân tộc, hướng tới cái thiện, cái có lợi cho sự phát triển.

Theo tôi, không chỉ trong ngành giáo dục, bất cứ cá nhân nào cũng đều chỉ là một quả bầu quả bí trên giàn bầu bí, một con ốc nhỏ bé trong tiến trình vĩ đại đó mà thôi, thuận dòng thì sống mà ngược dòng thì sẽ chết, sẽ bị đào thải.

BBCTheo bà, vì sao Việt Nam nhìn chung học nhiều từ mô hình Trung Quốc trong các lĩnh vực, ngoại trừ giáo dục ?

Nghiêm Thúy Hằng : Theo như tôi hiểu, tại Trung Quốc, người kiến trúc sư trưởng cho cải cách mở cửa và tiến trình "Dò đá qua sông" của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình. Người nhạc trưởng cho chính sách "Khoa giáo hưng quốc", đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và khoa học kỹ thuật cũng là ông Đặng. Người tiếp nối với chính sách "Nhân tài cường quốc" là Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, đằng sau đó là hàng trăm hàng ngàn tỷ đôla đổ vào giáo dục và công nghệ.

Trung Quốc họ tăng lương cho giáo viên gấp 10 lần trong vòng 10 năm đầu cải cách mở cửa, lương giáo sư Thanh Hoa cao hơn lương chủ tịch nước, các trường đại học thu hút tiến sĩ bằng các căn hộ từ 70 đến 180 m2 cho không hoặc bán rẻ, sắp xếp công việc cho người thân các tiến sĩ theo diện thu hút nhân tài, bỏ ra hàng núi tiền thu hút nhân tài từ nước ngoài về xây dựng đất nước trong kế hoạch Trường Thành và nhiều kế hoạch dài hơi khác.

Việt Nam mình làm thế được không ? Tiền đâu mà làm khi nguồn lợi của đất nước chui vào túi của các nhóm lợi ích, đất nước thì oằn mình vì "nạn ăn chặn đến cả tiền chính sách của người chết". Họ sẵn sàng ăn chặn cả đồng lương còm cõi của các nhà giáo nghèo, họ có xá gì chuyện ăn dỗ tiền sách vở của các cháu học sinh.

Tham những và nhóm lợi ích nghiêm trọng tới mức Giáo sư Hồ Ngọc Đại gần đây còn phải thốt lên "Tiêu chuẩn cơ bản là chia tiền". Phát ngôn này đúng hay sai, các đại biểu quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần vào cuộc giúp người dân. Nếu không còn gì là tính công bằng, giá trị cốt lõi của thể chế Xã hội chủ nghĩa và của thiết chế quyền lực nhân dân ?

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 13/09/2018

Published in Diễn đàn

Phóng viên BBC Tiếng Việt gặp những người Thượng từ Tây Nguyên sinh sống ở Thái Lan vừa bị bắt và "không biết ngày mai sẽ thế nào".

thuong1

Người phụ nữ này nói bà "đã ba lần bị đi tù ở Việt Nam nên không thể quay về"

Sáng sớm ngày 28/8, một nhóm viên chức Bộ Nội vụ, cảnh sát di trú, binh lính của quận Bang Yai, Thái Lan, ập vào một khu nhà ở tỉnh Nonthaburi, cách Bangkok hơn 30Km, bắt giữ 181 người tỵ nạn đến từ Việt Nam và Campuchia, trong số này có hơn 50 trẻ em.

Đây là những người cư ngụ bất hợp pháp tại Thái.

Hôm 30/8, sau một giờ đi xe từ trung tâm Bangkok, tôi đặt chân tới quận Bang Yai, nơi đang tạm giữ 133 người Thượng đến từ Tây Nguyên, 87 người lớn và 46 trẻ em.

Đó là một hội trường rộng và có mùi khá ẩm thấp. Vừa bước vào, tôi đã nghe những tiếng nói chuyện rì rầm và tiếng khóc của trẻ em lẫn tiếng sụt sùi của những phụ nữ trong lúc cầu nguyện.

Một số em bé đang chạy loanh quanh đùa giỡn với nhau trong lúc cảnh sát và những người của nhà chức trách Thái đang đứng quan sát chung quanh.

Được biết nhóm phụ nữ và trẻ em này bị giữ và phải ngủ qua đêm trên sàn nhà này.

Những người đàn ông trong nhóm này đã phải ra tòa từ hôm trước.

Đi tìm đường sống

Hầu hết người Thượng bị bắt ở đây không nói được tiếng Việt, vì họ là người Ê Đê, Gia Rai, đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.

Một trong số này, bà Hjuôn Byà, 35 tuổi, cùng chồng và bốn con nhỏ, đứa bé nhất trong số này là một bé gái 5 tháng, được sinh ra ở Thái.

Bà nói với tôi : "Chồng tôi bị đưa ra tòa hôm qua, chưa rõ kết quả thế nào".

"Vợ chồng tôi và các con tìm đường đến Thái vì biết ở đó có Liên Hiệp Quốc giúp người bị bức hại".

"Ở Gia Lai, chúng tôi là người theo đạo Tin Lành, thường xuyên bị ngăn cản đi nhà thờ, không cho tụ tập và bị làm khó đủ điều".

"Hơn hai năm trước, chúng tôi quyết định tìm đường đến Thái qua ngả Campuchia".

Kể về quãng thời gian ở Thái trước khi bị bắt, bà Hjuôn Byà nói : "Do đang xin tỵ nạn, không được đi làm, nhưng vì phải nuôi con nên chồng tôi đánh liều đi làm mấy công việc tay chân ở đây".

"Ai thuê gì làm nấy như phụ hồ và các việc lặt vặt khác".

"Anh ấy đã bị bắt nhiều lần rồi, mỗi lần bị bắt thì trong người có 500 hay 1.000 baht đều phải nộp phạt hết thì mới được thả".

"Tôi ở nhà chăm con, mỗi tháng cả nhà sống nhờ vào 15kg gạo được một nhóm người Việt ở Bangkok giúp đỡ".

"Vợ chồng tôi có thẻ Liên Hiệp Quốc sau khi đậu phỏng vấn và đang nuôi hy vọng đại sứ quán nước thứ ba chọn cho phỏng vấn".

"Chúng tôi không dám nghĩ tới khả năng xấu nhất là mình và những người ở đây sẽ bị trả về nước".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần vì một người của chính quyền Thái đến gần và nói rằng tôi không được "hỏi chuyện quá lâu".

Một lát sau, tôi thấy cả chục đứa bé, trong đó có hai con của bà Hjuôn Byà bị tách khỏi nhóm và đưa đi đâu không rõ.

Có em miệng nhoẻn nụ cười vì có lẽ các em này không rõ mình "được đưa đi chơi hay đi đâu".

"Họ nói với tôi là tụi nhỏ sẽ được đưa đi chăm sóc chỗ khác và sẽ giao lại cho bố mẹ mười ngày sau", bà Hjuôn Byà cho biết.

Sau khi người của chính quyền đến báo tin gì đó bằng tiếng Thái, căn phòng như chùng xuống với những tiếng khóc nấc nghẹn, sụt sùi của nhóm phụ nữ.

Một số viên chức của chính quyền liên tục vào ra hội trường. Một người được cho là viên chức địa phương từ chối đưa bình luận với BBC về việc bắt giữ người Thượng.

thuong2

Những đứa trẻ này không rõ mình "được đưa đi chơi hay đi đâu"

Một lát sau đó, những người phụ nữ trong nhóm người Thượng lần lượt được đưa lên xe chở đi.

Trong lúc được đưa ra xe, một phụ nữ lớn tuổi ngoái lại nói với tôi : "Tôi không muốn bị đưa về Việt Nam đâu".

"Tôi đã ba lần bị đi tù ở Việt Nam nên không thể quay về".

Nay J Khoj, 24 tuổi, một thanh niên người Gia Rai bị bắt trong nhóm này, đảm nhiệm việc phiên dịch.

Anh nói với tôi : "Tôi phải tìm đường qua đây vì cũng như nhiều gia đình theo đạo Tin Lành khác ở Đắk Lắk, bị trấn áp, tước đoạt đất đai, ruộng vườn".

"Mảnh ruộng 4 ha là của nhà tôi nhưng rồi một hôm người ta đến lấy và nói đó là đất của nhà nước".

thuong3

Nay J Khoj và những người Thượng cầu nguyện tại nơi bị tạm giữ

'Bị áp bức, tước đoạt'

Cũng trong hôm 30/8, bà Grace Bùi, đại diện Dự án Trợ giúp người Thượng tại Thái Lan nói với BBC : "Hiện tại thì chúng tôi không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với những người Thượng bị bắt và phải ra tòa".

"Hy vọng là họ không bị trục xuất nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra".

"Có sự khác biệt là Thái Lan không cần mở phiên tòa án để trục xuất người đến từ Campuchia, Lào hay Myanmar".

"Nhưng những người đến từ các quốc gia mà không có chung đường biên giới với Thái Lan như Việt Nam thì mọi việc phải được giải quyết tại tòa".

"Và những người phải ra tòa phải đối mặt với khoản phạt vì nhập cảnh bất hợp pháp".

"Tuy vậy, trong bốn năm qua, tôi chưa từng chứng kiến bất kỳ người Thượng nào bị bắt rồi bị trục xuất về VN trừ một số trường hợp"

"Nhiều khả năng họ sẽ bị đưa đến trại giam người nhập cư".

Bà Grace Bùi cho biết thêm : "Đàn áp tôn giáo và bị chính phủ tước đoạt đất đai để gây áp lực là nguyên nhân khiến người Thượng ra đi".

"Chính phủ Việt Nam không cấp chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ nào khác để những người này không thể đi làm hoặc đi học".

"Họ là nông dân nên khi đất đai bị tước đoạt, đồng nghĩa với việc họ bị tước đoạt kế sinh nhai".

thuong4

"Ngày mai rồi sẽ thế nào ?" là một câu hỏi không có lời đáp với họ

Một cộng đồng ẩn dật

Giữa Bangkok có một cộng đồng nhỏ người Thượng nói rằng họ đến đây để thoát khỏi đàn áp tôn giáo của Hà Nội, theo tường thuật của Al Jazeera.

Cộng đồng này gồm 150 gia đình người Thượng, sống trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.

Đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành. Những người Thượng này nói rằng họ đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo sau năm 1975.

Số lượng người Thượng Việt ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát những gì họ mô tả là trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện.

Không dễ tìm thấy nhóm người này. Họ sống trong các đồn điền và kênh rạch và bao quanh bởi những ngôi nhà tre nhỏ trên mặt nước.

"Họ sống ở đây thì an toàn hơn vì có quá nhiều cảnh sát ở khu trung tâm", Grace Bui, giám đốc chương trình Dự án Trợ giúp người Thượng tại Thái Lan nói với Aljazeera.

Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tỵ nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tỵ nạn.

Jennifer Bose, đại diện UNHCR tại Bangkok nói : "UNHCR nhấn mạnh đến tất cả những người xin tỵ nạn ở đây rằng việc tái định cư không phải là một quyền. Không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người xin tỵ nạn".

"Chỉ dưới 1% số người tỵ nạn trên thế giới thực sự có cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới ở nước thứ ba".

Những người Thượng được phỏng vấn nói rằng họ biết Thái Lan không công nhận người tỵ nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được họ tìm đường đến đây vì "dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà".

thuong5

Những đứa trẻ nhìn người lớn bị dẫn đi

'Tự nguyện hồi hương'

Hồi năm 2017, báo Gia Lai đăng bài tường thuật chuyến thăm của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đến thăm tỉnh Gia Lai.

Bài báo viết : "Đoàn sẽ đến thăm, tiếp xúc với 25 người dân tộc thiểu số hồi hương tại các huyện : Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa và Ia Grai để nắm tình hình về cuộc sống của họ sau khi quay về ; qua đó có cơ sở để tiếp tục khuyến khích những người còn lại trở về đoàn tụ với gia đình".

"Từ năm 2015 đến nay, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại Bangkok đã tiếp nhận và trao trả về Việt Nam 68 người trong sáu đợt ; riêng tỉnh Gia Lai có 25 người. Đa phần những người này đều tự nguyện hồi hương".

"Tỉnh Gia Lai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để những người hồi hương tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống. Riêng với số người còn lại, nếu có nguyện vọng trở về, tỉnh sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ, song bắt buộc họ phải tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương".

thuong6

Khu nhà những người Thượng sống ở Bangkok

Cũng trong hôm 30/8, thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát đi ghi : "Chính quyền Thái Lan nên thả ngay lập tức 181 người tỵ nạn dân tộc thiểu số và người đang xin quyền tỵ nạn vừa bị bắt giữ".

"Những người bị giam giữ chủ yếu là người Thượng ở Việt Nam và Campuchia và bị bắt ngày 28/8 ở ngoại ô Bangkok".

"Những người Thượng này sẽ phải đối mặt với việc bị bức hại nếu họ bị trả về Campuchia và Việt Nam. Điều mà Thái Lan không nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 30/08/2018

Published in Diễn đàn

Cựu Đại sứ Nguyễn Trung nói với BBC rằng thông điệp chính của cuốn hồi ký mới công bố là "thế giới đã sang trật tự mới, Việt Nam có cơ hội mới cần nắm lấy".

toi1

Ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Cộng hòa liên bang Đức, từng là trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Cộng hòa liên bang Đức, từng là trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vừa cho công bố cuốn hồi ký Tôi Làm 'Chính Trị' trên trang Viet-studies.

Hồi cuối năm 2015, ông Nguyễn Trung và một số người khác ký tên trong thư gửi Bộ Chính trị yêu cầu "đổi tên đảng, tên nước, từ bỏ chủ thuyết Mác - Lênin và thay đổi triệt để vì tương lai dân tộc".

Đến tháng 10/2017, trước Hội nghị Trung ương 6, ông Nguyễn Trung cho phổ biến kiến nghị kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "thực hiện cải cách chính trị để thành lập một thể chế mới đa đảng".

toi2

Trang bìa cuốn "Tôi làm "chính trị"

Trong cuốn hồi ký, ông Nguyễn Trung tự nhận mình là "kẻ thất bại toàn diện", là người "hữu trí vô mưu", và đưa nhiều bình luận về các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ.

Về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Trung viết trong hồi ký : "Xin nói thật, không phải cái chức thủ tướng hay là ủy viên Bộ Chính trị, mà là cái chất giàu tình người của Võ Văn Kiệt khiến tôi yêu mến con người này".

"Về tất cả những ai có mối liên quan nào đó với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói về họ - tôi dám tóm tắt trong một câu : Họ thích anh Sáu, họ yêu anh Sáu !".

333333333333333

Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong ảnh chụp tại Hà Nội hồi tháng 5/1984

Về cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ông viết : "Trong đổi mới năm 1986, thành công nhất của Bộ Ngoại giao là những đóng góp do nhạc trưởng Nguyễn Cơ Thạch trực tiếp chỉ huy vào những vấn đề : Vai trò của thị trường trong kinh tế, vấn đề giá cả (xóa bao cấp), những tư duy sai lầm về giá trị thặng dư và vấn đề bóc lột, vấn đề tiền tệ nói chung, mối quan hệ tiền - hàng trong kinh tế vỹ mô, vấn đề lạm phát, vấn đề tỷ giá hối đoái, cách đánh giá một nền kinh tế, vai trò kinh tế đối ngoại…".

Về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Trung nhận xét : "Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì nước dám lựa chọn con đường Diên Hồng, chắc chắn lực lượng các đảng viên yêu nước trong đảng cùng với sự hậu thuẫn của toàn dân, sẽ quyết liệt chung tay với Tổng bí thư khai phá thành công con đường chuyển đổi Đcộng sản Việt Nam hôm nay thành đảng của dân tộc. Cả nước sẽ bảo vệ tổng bí thư thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử này !"

'Tôi ghét chính trị'

Trả lời BBC hôm 29/8, ông Nguyễn Trung nói : "Tôi viết đến đâu thì công bố đến đấy. Bản sách đăng trên trang Viet-studies là bản thứ hai trong lúc tôi đang viết, chỉnh sửa, viết thêm chi tiết cho bản thứ tư rồi sau khi xong hết thì mới tính in ở đâu".

"Sở dĩ tôi muốn công bố cuốn hồi ký dịp này là nhân 10 năm ngày giỗ ông Võ Văn Kiệt [qua đời năm 2008], người mà tôi có kỷ niệm riêng, nên xem cuốn này như một món quà tưởng nhớ người bạn vong niên, đồng thời chia sẻ với những người quan tâm đến hiện tình đất nước".

"Về tựa đề Tôi làm "chính trị" nghĩa là tôi chẳng bao giờ muốn làm việc này cả, nhưng rồi tôi phải làm vì cuộc sống đặt tôi vào".

"Ban đầu tôi muốn làm nghề gì khác, chứ không phải ngành ngoại giao".

'Thật sự là tôi ghét chính trị nhưng mà cuộc sống tự nhiên buộc mình vào công việc liên quan đến chính trị".

"Thông điệp chính của cuốn hồi ký là thế giới đã sang trật tự mới, Việt Nam có cơ hội mới cần nắm lấy".

toi3

Ông Nguyễn Trung có trên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam và có 52 năm tuổi đảng

"Tôi muốn nói rõ rằng trách nhiệm của đảng cộng sản Việt Nam bây giờ là phải đoàn kết cả dân tộc, đưa đất nước đi lên chặng đường mới trong bối cảnh thế giới đã thay đổi rất nhiều".

"Ông Trọng gánh vác trách nhiệm phải làm điều đó".

"Về nội dung của sách liên quan đến ngành ngoại giao Việt Nam, những gì cần nói thì tôi nói, không bao giờ né tránh. Còn những gì tôi không nói thì có nghĩa là tôi không muốn nói".

"Khi đưa ra các ý kiến góp ý cho đảng cộng sản Việt Nam, tôi thấy đến bây giờ thì người ta nghe. Vậy thôi !"

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Nguyễn Trung nói thêm : "Tôi thấy mình chỉ là một người bình thường, chưa làm được điều gì lớn lao, chưa có đóng góp gì đáng kể cho đất nước mình".

"Trong quãng thời gian còn làm đại sứ, tôi có mong muốn lớn nhất là góp phần đưa Việt Nam không thua nước nào cả".

"Để đạt mục tiêu đó thì con đường trước mắt còn vô cùng dài".

"Tôi muốn làm một sử gia mà đến năm nay đã 84 tuổi vẫn chưa làm được, vì "lực bất tòng tâm".

Trong một bài trên BBC trước đây, ông Nguyễn Quang Duy viết : "Vì suốt đời phục vụ Đảng cộng sản nên cách nhìn của ông Trung về đa đảng chính trị còn rất nhiều giới hạn cần được góp ý. Theo ông Nguyễn Trung thì đảng cộng sản Việt Nam đã sai lầm trong nhận thức giữa hai nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển đất nước. "

"Ông Nguyễn Trung quên hẳn vai trò của Quốc hội Lập Hiến, khi ông giao cho đảng cộng sản soạn một hiến pháp mới cho Việt Nam".

"Ông Trung là người hết sức lý tưởng, vẫn tin vào đảng cộng sản và lạc quan đến phi thực tế".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 29/08/2018

Published in Diễn đàn

Có ý kiến cho rằng "chống ngập kiểu này thì không bao giờ hết ngập" trong lúc giới chức địa phương nói dân Chương Mỹ phải sống chung với ngập lụt 10, 20 năm nữa.

ngap1

Đường phố Hà Nội sau cơn mưa

Tính đến hôm 6/8, tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã kéo dài được nửa tháng.

Người dân địa phương cho hay, nước giếng hiện không thể dùng được, rác thải, gà, heo chết trôi dạt vào làng gây ô nhiễm.

Báo Nông nghiệp Việt Nam hôm 6/8 dẫn lời ông Đinh Mạnh Hùng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ : "Chỉ khi nào thực hiện công tác di dân ra toàn bộ khu vực trũng thấp thì người dân thì mới hết sống chung với lũ. Đấy là chủ trương trong tương lai. Có khi nào có điều kiện kinh tế phát triển thì chúng ta sẽ thực hiện. Trước mắt trong thời gian 10, 20 năm, bà con vẫn phải xác định là sống chung với lũ".

ngap2

Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn mưa

'Không gian dành cho nước'

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường bị ghi nhận ngập nước, cây xanh ngã đổ sau cơn mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra vào tối 5/8.

Trả lời BBC, Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chủ tịch Công ty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết, nói : "Vấn đề là khi quy hoạch phát triển một thành phố thì người ta phải tính đến không gian dành cho nước".

"Nghĩa là phải tính đến hệ thống kênh rạch, hồ điều tiết... đầy đủ. Cái nữa là hệ thống cống thoát đầy đủ và ở ngay vị trí đang phát triển".

"Tại mỗi khu vực đều phải có túi chứa nước, chứ không phải vấn đề là ngập do vùng cao hay vùng thấp".

"Chúng ta cứ chống ngập kiểu này thì thành phố không bao giờ hết ngập được".

"Chuyện chống ngập không chỉ đơn giản là lập nên một trung tâm chống ngập rồi xin ngân sách mấy chục ngàn tỷ đồng rồi nói là sẽ hiệu quả".

"Thật sự ra là những dự án ba, bốn chục ngàn tỷ đồng đó dù có xây dựng xong thì thành phố vẫn ngập với cách làm hiện nay".

"Chống ngập không chỉ đơn giản là làm cống rãnh hay đắp đê, mà cần có sự phối hợp đa ngành".

"Tức là phối hợp với quy hoạch đô thị, làm công trình chỗ nào mà hạ tầng kém, không kham nổi việc thoát nước thì trước khi cấp phép xây dựng phải giải quyết hạ tầng trước".

"Hiện nay thì thấy người ta không làm như vậy".

"Bên cạnh đó là cần quy hoạch cốt nền tốt".

"Theo tôi thấy thành phố chưa hề có quy hoạch cốt nền bài bản mà mang tính đối phó. Cốt nền giao thông không khớp với cốt nền đô thị. Người dân thì mạnh ai nấy xây, chỗ này nâng nền, chỗ kia nâng nền".

"Các khu vực ngập nặng nhất tại các thành phố lớn hiện nay đều là khu vực đang phát triển nóng, xây rất nhiều nhà cao tầng nhưng không có hệ thống cống tương xứng, cũng như diện tích cây xanh không tăng mà còn giảm đi".

"Như vậy, những khu đó không có không gian dành cho nước đã ngập cục bộ rồi. Chuyện này là do lỗi về quy hoạch", ông Nam Sơn nói với BBC.

Thái Lan chống ngập kiểu nào ?

Trong lúc nền đất đang chìm dần với tốc độ hơn 1cm mỗi năm và có dự báo thủ đô của Thái Lan có thể dưới mực nước biển vào năm 2030, Bangkok xây dựng Công viên Thế kỷ Đại học Chulalongkorn (CU Park), theo trang Business Insider.

Đây là một không gian xanh rộng 44.515m2 đủ sức chứa 3.785.411 lít nước mưa nhằm giúp ngăn ngừa ngập. Công viên nằm trong khuôn viên trường Đại học Chulalongkorn, nơi thực hiện dự án.

Dự án được xây dựng trên khu đất trị giá 700 triệu đôla gần trung tâm Bangkok vào năm 2017.

Công viên được thiết kế công năng giúp giữ lại và chuyển hướng dòng nước để không chảy vào đường phố.

Một phần của công viên nằm ở sườn dốc giúp thoát nước vào một bể chứa khổng lồ.

Mái xanh là nhằm đưa lưu lượng nước mưa qua những khu vườn mưa được trồng những cây bản địa.

Nước sau đó chảy qua một vùng đất ngập nước nhân tạo và chảy vào một bể nước lớn.

Đất ngập nước hoạt động như một hệ thống lọc, nơi mà nước có thể được xử lý các chất độc hại.

Trong trường hợp ngập nghiêm trọng, bể chứa có thể tăng gấp đôi kích cỡ bằng cách mở rộng lên bãi cỏ chính của công viên.

Các phần khác của công viên gồm một vườn thảo mộc, những con đường để đi dạo, và một khu vực giải trí.

Ben Ngo

Nguồn : BBC, 06/08/2018

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3