Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các giống loài bị diệt vong nhanh chóng, khắp nơi rừng bị tàn phá, đất đai, sông ngòi, đại dương bị khai thác kiệt quệ, ô nhiễm nặng nề… Giới khoa học cảnh báo nếu không hành động kịp thời, khủng hoảng Đa dạng sinh học sẽ đe dọa chính tương lai của nhân loại. Mà không thể hành động đúng trong tương lai, nếu không đối mặt với các bài học quá khứ.

sinhhoc1

Juan de Nova, một trong năm đảo thuộc quần đảo Eparses thuộc Pháp, nằm tại Ấn Độ Dương, được coi là một trong những khu bảo tồn Đa dạng sinh học hiếm hoi không bị con người xâm phạm. AFP / Sophie Lautier

Cộng đồng quốc tế phải chấp nhận một thực tế cay đắng : Không có mục tiêu nào trong số "20 Mục Tiêu Đa dạng sinh học", được đề ra cách nay 10 năm tại Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học (COP 10), được thực hiện thành công. Rất nhiều mục tiêu hoàn toàn thất bại.

Năm 2010, tại thành phố Nairobi, tỉnh Aichi, Nhật Bản, khoảng 190 quốc gia tham gia Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc đã thông qua một chiến lược hành động đến năm 2020 đầy tham vọng, nhằm giảm áp lực của xã hội con người đối với thế giới tự nhiên, bảo tồn Đa dạng sinh học. Nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học cuối tháng 9/2020, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế điểm lại những thất bại của việc thực hiện các mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi, nhằm rút ra các bài học cho việc chuẩn bị chiến lược hành động cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, dự kiến sẽ được vạch ra tại Thượng đỉnh Đa dạng sinh học (COP 15) tại Côn Minh, Trung Quốc, vào năm tới.

20 mục tiêu không mục tiêu nào thành công

Báo cáo Global Biodiversity Outlook  (GBO) lần thứ 5 của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng sinh học (IPBES), đánh giá việc thực hiện 20 mục tiêu đề ra tại thượng đỉnh Aichi, được công bố hôm 15/09/2020, cho thấy các giống loài sinh vật tiếp tục bị diệt vong, các hệ sinh thái bị hủy diệt, các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí…

Chỉ có 6 trên tổng số 20 mục tiêu đề ra được thực hiện một phần. Và, với các mục tiêu còn lại, đã không hề có tiến bộ đáng kể nào, thậm chí có lĩnh vực mà tình hình có xu hướng tồi tệ còn nhanh chóng hơn so với trước, cụ thể là tình trạng san hô ở các đại dương chết trên quy mô lớn (mục tiêu thứ 10). San hô được coi là "rừng của biển", có vai trò thiết yếu với đời sống của các sinh vật biển.

Nhà sinh thái học Anne Larigauderie, thư ký điều hành của IPBES, đặc biệt chú ý đến "hai ví dụ tiêu biểu", tình trạng rừng bị tàn phá và nạn khai thác hải sản cạn kiệt (trả lời phỏng vấn ici.radio-canada.ca ngày 15/09/2020). Vào thời điểm 2010, cộng đồng quốc tế từng tin tưởng có thể đảo ngược được các xu thế này. Tốc độ rừng bị phá hàng năm hiện nay là 10 triệu hecta/năm, so với tốc độ 12 triệu hecta/năm. Mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi là giảm diện tích rừng bị phá xuống còn 6 triệu hecta/năm (mục tiêu thứ 5).

Tình hình sông ngòi cũng rất đáng sợ. Đánh giá tình trạng 12 triệu km sông ngòi toàn cầu năm 2019, các nhà điều tra ghi nhận chỉ có 37% trên tổng số các dòng sông, có độ dài hơn 1.000 km, là có dòng chảy còn thông suốt. Và chỉ có gần một phần tư trong các con sông này là có thể chảy được ra đại dương.

Theo báo cáo thứ 5 của IPBES, tỉ lệ trữ lượng cá được khai thác bền vững tiếp tục sụt giảm trong thập niên vừa qua : từ 71% vào năm 2010 xuống 65,8% vào năm 2017. Có nghĩa là một phần ba trữ lượng cá bị khai thác quá mức. Mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi là "toàn bộ trữ lượng cá và các loài nhuyễn thể, thực vật dưới nước được quản lý và khai thác một cách bền vững" (mục tiêu thứ 6).

Mục tiêu thứ 8 cũng được coi là một thất bại đau đớn. Thượng đỉnh Aichi đặt ra kỳ vọng là ô nhiễm do phân bón, các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, nylon và các loại rác thải khác được giảm xuống mức không gây tổn hại cho các hệ đa dạng sinh thái và sinh vật. Thực tế cho thấy ngược lại, số lượng thuốc trừ sâu trung bình cho một hecta không giảm trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2017, cho dù cũng không tăng. Rác thải nylon trở thành một đại nạn. Hàng năm hơn 10 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Khoảng từ hơn 1 triệu đến hơn 2,4 triệu trôi dạt trên các dòng sông. Tổng cộng ước tính hơn 5 nghìn tỉ phần tử rác nhựa siêu nhỏ, với tổng cân nặng hơn 260 nghìn tấn lơ lửng trong các đại dương, đe dọa sự sống của các loài cá, chim và các sinh vật biển khác. Rác thải nhựa cũng là tác nhân gây bệnh đối với các hệ san hô (bảo vệ san hô là mục tiêu thứ 10).

Sự tuyệt chủng quy mô rất lớn của các động vật có xương sống cũng là một thất bại nặng nề khác. Tính từ năm 2010 đến nay, gần một phần ba các giống loài động vật có xương sống (như các loài chim và động vật có vú) tuyệt diệt. Mục tiêu thứ 12 của Thượng đỉnh Aichi, tránh để có thêm các giống loài mới tuyệt chủng, đã hoàn toàn thất bại. 

Thiếu lộ trình kiểm soát 

Vì sao đa số các mục tiêu của thượng đỉnh Aichi bất thành ? Giới chuyên gia đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau. Bao gồm từ việc thiếu lượng hóa trong các mục tiêu (theo thư ký điều hành của IPBES, nhà sinh thái học Anne Larigauderie), cho đến việc thiếu các phương tiện để thực hiện mục tiêu (theo David Cooper, một tác giả chính của bản báo cáo Global Biodiversity Outlook của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng sinh học IPBES) (phát biểu trên Le Point, ngày 15/09/2020).

Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài France Culture, nhà sinh thái học và chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic, Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế Pháp (IDDRI), nhấn mạnh đến một nguyên nhân căn bản dẫn đến thất bại là việc thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi : 

"Cho đến nay, trong lĩnh vực Đa dạng sinh học, để nói một cách khái lược, người ta đề ra các mục tiêu, và người ta đặt ra kỳ hạn 10 năm, để xem xem có thành công hay không. Nhưng trong quá trình đó, có rất ít việc kiểm tra giám sát thực hiện. Rất ít thời điểm mà các quốc gia kiểm tra xem xem họ có đang đi đúng lộ trình hay không.

Đây là điều rất quan trọng, bởi đó là dịp cho phép chính quyền các nước thảo luận về mặt chính sách, nhưng cũng rất quan trọng đối với cả các tác nhân xã hội. Bởi, đây cũng chính là thời điểm họ tiếp cận với các báo cáo, tham gia vào các thảo luận, để đưa ra các yêu sách cụ thể của mình, cũng như để gây áp lực.

Về tất cả những thời điểm mang tính trung gian như vậy, chúng ta đã thành công trong lĩnh vực khí hậu, ít nhất về cái khuôn khổ hành động, mà chúng ta đã xác lập được với Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Cụ thể là, tổ chức các kỳ hạn mang tính chất chính trị, làm nên lộ trình hướng đến mục tiêu. Điều này chúng ta đã không thực hiện được trong lĩnh vực Đa dạng sinh học".

Chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic cũng thừa nhận đòi hỏi trên chỉ là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ đế thực hiện thành công các mục tiêu Aichi. Theo ông, nếu như chính quyền các nước không nỗ lực vận động xây dựng các mục tiêu quốc gia phù hợp với các mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đã thống nhất tại Thượng đỉnh Aichi, thì kể như thất bại.

Báo cáo lần thứ 5 của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng sinh học (IPBES) tổng kết rõ, chỉ có 10% trên tổng số các mục tiêu do các nước đề ra là trùng với các chỉ tiêu mà cộng đồng quốc tế đã thống nhất. Mục tiêu quốc gia đề ra còn bất cập, chưa kể đến các phương tiện thiếu thốn đủ đường : Viễn cảnh thất bại của các mục tiêu Thượng đỉnh Aichi đã được báo trước.

Sức nặng của hệ thống kinh tế truyền thống

Trong các giải thích về lý do thất bại, đáng chú ý có nhận định của nhà sinh vật biển David Obura, Trung tâm Coastal Oceans Research and Development chuyên về Ấn Độ Dương, có trụ sở tại Kenya. Nhà sinh vật biển nhấn mạnh đến việc việc điều hành kiểm soát thực thi các mục tiêu Thượng đỉnh Aichi, có nghĩa là liên quan đến hàng loạt các lĩnh vực gây áp lực với thiên nhiên, như khai thác rừng, đánh bắt hải sản, giao thông, sản xuất năng lượng, nông nghiệp… mà các tổ chức hùng mạnh nắm giữ quyền kiểm soát các lĩnh vực này lại không mấy quan tâm đến các mục tiêu bảo vệ Đa dạng sinh học của Thượng đỉnh Aichi.

Về vấn đề này, chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic đưa ra cái nhìn tổng quan :

 "Nếu như chúng ta lùi lại để nhìn nhận vấn đề này từ xa, thì có thể thấy, kể từ rất lâu, nhưng đặc biệt kể từ khi chấm dứt Thế chiến Hai, cụ thể là Châu Âu đã định hướng toàn bộ mô hình nông nghiệp theo hướng thâm canh, hướng đến năng suất ngày càng cao. Toàn bộ các nhà nghiên cứu về phát triển, các bộ môn khoa học đều đi theo hướng này. Việc đầu tư, các khoản tiền cho nông dân vay, việc xây dựng các hệ thống ngành nghề… cho đến toàn bộ chuỗi sản xuất – tiêu thụ toàn cầu, toàn bộ thị trường thế giới đã được tổ chức như vậy. Mục tiêu hướng đến là xuất khẩu ngày càng nhiều hơn.

Để tháo gỡ toàn bộ hệ thống rất lâu đời này, chúng ta không thể nào chuyển hướng một cách quá đột ngột. Hệ thống lâu đời này đã có cơ sở chắc chắn (ví dụ như các nghiệp đoàn nông nghiệp, chiếm đa số, không dễ dàng ủng hộ cho việc chuyển hướng đột ngột như vậy).

Chúng ta có thể lấy một ví dụ, cuộc điều tra của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) về các đầu tư có hại cho Đa dạng sinh học. Theo báo cáo của OCDE  hồi tháng 7/2019, khoảng 500 tỉ đô la hàng năm được tài trợ cho các hoạt động có hại cho Đa dạng sinh học, một phần lớn là cho các năng lượng hóa thạch, và một phần lớn khác là cho các hoạt động nông nghiệp có hại cho Đa dạng sinh học. Chúng ta vẫn còn nằm trong một hệ thống, mà người ta cổ vũ cho việc lấy tiền từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho mô hình nông nghiệp có hại cho Đa dạng sinh học. Hàng chục năm ròng như vậy đã tạo ra rất nhiều lực cản. Không dễ để thay đổi tất cả những điều đó chỉ trong vòng vài năm".

Báo cáo của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng sinh học (IPBES) của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận việc tổng số đầu tư hàng năm cho bảo vệ Đa dạng sinh học của chính phủ các nước trong 10 năm vừa qua chỉ ở mức từ 80 đến 90 tỉ đô la. Một con số quá ít ỏi so với 500 tỉ đô la cho các hoạt động hủy diệt Đa dạng sinh học. Loại bỏ các đầu tư có hại cho Đa dạng sinh học là mục tiêu thứ 3 của Thượng đỉnh Aichi. Thế nhưng, theo báo cáo của IPBES, chỉ có 20% các nước đưa ra các biện pháp để giảm bớt các đầu tư có hại.

Cần một tiến trình "chuyển tiếp công bằng" 

Theo chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic, gần 30 năm sau khi Công ước về Đa dạng sinh học được thông qua (tại Rio de Jainero, Brazil, năm 1992), chỉ đến lúc này, cộng đồng quốc tế mới đạt đến "sự trưởng thành" về phương pháp tiếp cận hệ thống trong lĩnh vực Đa dạng sinh học, để hướng đến lộ trình hành động có tính bài bản, tương tự như trong lĩnh vực khí hậu :

"Trên thực tế, cũng tương tự như trong vấn đề khí hậu, cần phải thực hiện điều mà trong thuật ngữ của giới chuyên môn gọi là ‘‘tiến trình chuyển tiếp công bằng’’. Điều đó có nghĩa phải lập kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp, thậm chí cho việc chấm dứt sự tồn tại của toàn bộ nhiều lĩnh vực kinh tế - nói một cách sòng phẳng là như vậy. Cần phải lập kế hoạch cho từ 10 đến 15 năm tới.

Chúng tôi thấy là trong lĩnh vực khí hậu đã có sự trưởng thành trong các đối thoại. Cụ thể như trong vấn đề chia tay với than đá, thì ở đây rõ ràng là đã có các lộ trình cụ thể, chứ không thể đơn giản nói chia tay là chia tay. Phải đồng hành với khu vực này, tìm thấy các việc làm mới cho những người làm việc trong ngành này.

Với Đa dạng sinh học, tôi cho rằng chúng ta cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành trong cách nhìn nhận vấn đề, bắt đầu hiểu được những được - mất mang tính hệ thống như vậy. Và tiến trình xoay chuyển hướng đi của xã hội sẽ phải được lập kế hoạch cho giai đoạn từ 10 đến 15 năm tới.

Thực ra, đây cũng chính là điều đang được thương thuyết để chuẩn bị cho Thượng đỉnh COP 15 về Đa dạng sinh học năm tới tại Trung Quốc. Các nhà đàm phán cũng ý thức được điều này. Điều mà họ hướng đến là một tiến trình chuyển tiếp sẽ phải kéo dài từ 10 năm, kéo dài thậm chí đến 30 năm".

Bảo vệ Đa dạng sinh học cũng khẩn cấp như Khí hậu

Đa dạng sinh học khó quy được về một yếu tố duy nhất, là nhiệt độ, như trong lĩnh vực khí hậu. Đây là thách thức lớn cho việc xây dựng một hệ thống mục tiêu thống nhất, dễ dàng được cộng đồng quốc tế chia sẻ. Bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ Đa dạng sinh học liên quan đến quá nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là điều dẫn đến việc bảo vệ Đa dạng sinh học nhiều khi bị coi là thứ yếu so với tình trạng Khẩn cấp về khí hậu. Tuy nhiên, tuy hai mà một.

Tình trạng Đa dạng sinh học bị hủy hoại và việc Trái đất bị hâm nóng đều có cùng một cội rễ chung : các hoạt động khai thác – tiêu thụ thái quá của xã hội con người. Đại dịch Covid-19 bùng lên buộc hầu hết các phối hợp quốc tế quan trọng về Đa dạng sinh học trong năm nay 2020 đã phải hoãn lại. Nhưng đại dịch này cũng khiến cho nhân loại nhận ra rõ hơn mối quan hệ mật thiết giữa con người và Thiên nhiên. Thiên nhiên bị tàn phá trên quy mô toàn cầu cũng chính là điều kiện cho dịch bệnh phát sinh trên quy mô toàn cầu. Bảo vệ Đa dạng sinh học – vốn góp phần quan trọng kìm hãm đà hâm nóng khí hậu và kìm chế dịch bệnh – đang ngày trở nên mục tiêu khẩn cấp của nhân loại.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 07/10/2020

Published in Văn hóa