Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 15 août 2023 21:26

Đứng giữa đại lộ số 5...

Sống xa cộng đồng người Việt tỵ nạn cho nên thỉnh thoảng tôi phải tìm đến những khu ngoại ô của thành phố Sydney, nơi có đông người Việt sinh sống để mua sắm, giao dịch và thăm viếng người thân và bạn bè.

dailo1

Những năm gần đây, tôi nhận thấy bộ mặt của những khu phố có đông người Việt tỵ nạn ở Úc sinh sống đã có phần thay đổi.

Với tôi, đến những khu có đông người Việt tỵ nạn sinh sống cũng giống như trở về quê hương. Thưởng thức một tô phở, ăn một ổ bánh mì thịt, uống một ly nước mía, nhâm nhi một ly cà phê sữa đá... hay ngay cả nghe được tiếng Việt của một thời cũng thấy "đã" lắm !

Nhưng trong những năm gần đây, tôi nhận thấy bộ mặt của những khu phố có đông người Việt tỵ nạn ở Úc sinh sống đã có phần thay đổi. Đi bát phố, tôi nghe có những giọng nói lạ hoắc. Nhiều người nói đó là giọng của người "nước Bắc". Bước vào một số cửa tiệm như thực phẩm Châu Á, hải sản, tiệm ăn và ngay cả dược phẩm... cũng nhận ra ngay chủ nhân đều là người "nước Bắc". Hư thực thế nào không biết, nhưng có người bảo đó là những thứ kinh doanh "rửa tiền".

Tôi vẫn còn nhớ như in : năm 54, trong làn sóng người Bắc di cư vào Nam, có nguyên một làng đã "quá cảnh" ở làng tôi . Họ đã lưu lại trong làng tôi đến cả nửa năm và sau đó phân tán vào những khu định cư trên khắp miền Nam. Duy chỉ có một gia đình, không rõ vì lý do nào đó, đã chọn làng tôi làm quê hương mới và định cư cho tới ngày nay. Cả làng chúng tôi gọi tổ phụ của gia đình này là "ông Bắc Kỳ". Chúng tôi chưa bao giờ có bất kỳ ý nghĩ kỳ thị hay miệt thị nào đối với gia đình "ông Bắc Kỳ" di cư này.

Tôi chỉ thực sự nghe nói và biết có người "nước Bắc" kể từ sau năm 1975. Lần về thăm quê hương mới đây, tôi đã đi rảo qua một vòng từ làng trên xuống xóm dưới trong làng tôi. Có cả chục ngôi nhà cổ kính do ông bà tổ tiên để lại nay thuộc quyền sở hữu của những người "nước Bắc". Chủ nhân cũ của những ngôi nhà này là những cựu sĩ quan, nhân viên chính phủ trong đó có một ông đại tá và một ông dân biểu ; tất cả đều bị bắt đi "học tập cải tạo". Một số chết rũ tù. Con cái họ hoặc bị đày lên kinh tế mới hoặc bỏ làng ra đi.

Chuyện làng tôi có lẽ chỉ là một nét chấm nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của miền Nam sau năm 1975. Trong chuyến về thăm quê hương, tôi có ghé Đà Lạt là nơi tôi đã sống cả chục năm. Tôi có cảm giác như người mất phương hướng. Chỉ sau Tết vài ngày mà Đà Lạt nóng rực như miền duyên hải. Không rõ người "nước Bắc" ở đâu mà tuôn vào thành phố nghỉ mát này đông đến nỗi buồng phổi của thành phố là những rừng thông bạt ngàn bị chặt phá vô tội vạ và nhà cửa mọc lên như nấm. Hai tiếng "Đà Lạt" giờ đây đối với tôi chỉ còn là một kỷ niệm đẹp chỉ có trong mơ.

dailo2

Nhà kính phủ kín diện tích đất nông nghiệp ở Đà Lạt đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Phải nhìn nhận rằng ngày nay người "nước Bắc" đã có mặt khắp nơi chứ không riêng gì miền Nam hay những nơi có đông người Việt tỵ nạn định cư. Ngay cả vùng tôi ở là nơi mà số người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi cũng "phát hiện" được một số phụ nữ mà tôi thường gọi là những "cô Bắc Kỳ". Tôi gọi bằng "cô" vì họ đáng tuổi con cháu của tôi. Họ định cư trong vùng tôi qua ngả hôn nhân, nghĩa là lập gia đình với người Úc. Phần lớn đều có cuộc sống ổn định. Trong số những "cô Bắc Kỳ" này, có một cô rất thân quen với gia đình tôi. Cứ nghe giọng "Hà Nội 75" của cô, tôi không thể không liên tưởng đến nữ ca sĩ Ái Vân. Còn nhìn mái tóc ngắn của cô thì tôi lại hình dung ra "cô Bắc kỳ nho nhỏ, hớt demi garçon" của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Không biết có phải để lấy lòng những người tỵ nạn cộng sản như gia đình tôi không, cứ mỗi lần đề cập đến chuyện trong nước, cô đều hằn học thốt lên : "Bọn cộng sản chúng nó !" Thì ra theo cô cho biết : ông bà cô, người Thanh Hóa, đã từng là nạn nhân của những vụ đấu tố trong thời cải cách ruộng đất. Nhưng không rõ làm cách nào mà cha cô đã ngoi lên và len lỏi vào được Hội nhà văn ở Hà Nội. Có lẽ nhờ vậy mà cô được gởi đi du học ở Mỹ. Về nước cô được tuyển vào làm việc trong tòa đại sứ Úc ở Hà Nội. Tại đây cô đã quen biết và lập gia đình với một chuyên gia về xây dựng của Úc. Sau một thời gian làm việc và sống tại rất nhiều nước trên thế giới, họ đã trở về Úc và sống trong một khu thượng lưu trong vùng tôi ở. Quen biết và thân nhau, nhưng lúc nào tôi cũng "giữ kẽ" với cô. Dạo tháng Tư vừa qua, biết những người vượt biên như gia đình tôi buồn vì nỗi buồn mất nước, cô an ủi : "Cũng "nhờ" bọn cộng sản chúng nó mà mình mới có ngày nay".

"Cũng "nhờ" bọn cộng sản chúng nó", tôi cũng thường có cái nhìn lạc quan ấy mỗi khi nhìn vào cộng đồng người Việt rải rác trên khắp thế giới cũng như chính bản thân mình. Dĩ nhiên, cũng như cô bạn "Bắc kỳ nho nhỏ" của tôi, tôi không bao giờ cảm nhận được bất cứ thứ "ơn bác và đảng" nào trong cuộc sống của mình. Nếu phải nói "nhờ bọn cộng sản chúng nó" thì quả thật phải sống với người cộng sản, phải trải qua những năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi mới thực sự hiểu được thế nào là cộng sản. Tôi vẫn xem trải nghiệm đó là một trong những vốn quý trong cuộc sống.

Gần đây, kể từ khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào năm 2024 tới đây, cựu Tổng thống Donald Trump đã tung ra một lá bài xem ra rất hấp dẫn và có lẽ đã thu hút được không ít người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Lá bài đó là "chửi" cộng sản. Dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, vốn là những ngày lễ kêu gọi xây dựng hòa bình của Kitô giáo cũng như Ngày Lễ Mẹ dạo tháng Năm vừa qua, ông đã chúc mừng tất cả mọi người, kể cả bọn "cộng sản và Marxit " mà ông không tiếc lời để mạt sát. Trong rất nhiều dịp, ông xem việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản tại Mỹ là cuộc chiến cuối cùng của ông. Nhiều chính khách cộng hòa đồng minh của ông cũng lập lại một điệp khúc do ông khởi xướng.

dailo3

Bức hình Donald Trump cầm cờ đỏ sao vàng giương lên cao với vẻ mặt rất đắc thắng khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ở Hà Nội, cũng đủ để tôi thấy ông "chống cuội" hơn là chống cộng.

Tôi không biết ông Trump có thật tình "chống cộng" không. "Chống cộng" kiểu gì mà vừa mới nhậm chức tổng thống, ông đã mời đồ tể cộng sản đáng sợ nhứt hiện nay là Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sang biệt thự Mar a Lago của ông để chúc mừng và cho cháu ngoại hát bằng tiếng Hoa để vinh danh nhà độc tài. Chống cộng kiểu gì mà hễ có dịp là lên tiếng ca ngợi lãnh tụ cộng sản này và bày tỏ mong ước được làm tổng thống mãn đời như đồ tể này. Còn với lãnh tụ cộng sản khát máu của Bắc Triều Tiên là Kim Jong-un thì khỏi nói : sau một vài lần gặp gỡ với lãnh tụ cộng sản này, ông vô cùng cảm kích khi nhận được những lá thư mà ông gọi là "thư tình" do người "tình" Kim Jong-un gởi cho ông. Riêng với chế độ cộng sản Việt Nam thì bức hình chụp ông cầm cờ đỏ sao vàng giương lên cao với vẻ mặt rất đắc thắng khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ở Hà Nội, cũng đủ để tôi thấy ông "chống cuội" hơn là chống cộng. Một người tỵ nạn cộng sản như tôi cứ mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó đều cảm thấy như ai đó đang đâm vào chính trái tim của mình. Bởi lẽ lá cờ đó đối với tôi là biểu tượng của vô số tội ác mà những người cộng sản Việt Nam đã và đang gây ra cho dân tộc tôi từ gần cả thế kỷ nay.

Tôi đã từng sống dưới chế độ cộng sản. Tôi dám tự hào rằng mình hiểu cộng sản hơn ông Trump. Từ khi "cướp" được chính quyền cho đến nay, những người cộng sản biết rõ hơn ai hết rằng thiên đàng trần gian trong đó không còn cảnh người bóc lột người, trong đó mọi người đều bình đẳng như nhau, hạnh phúc và sung sướng vô tận như nhau... chỉ là một cái bánh vẽ. Họ dùng đủ mọi thứ khí giới để bắt người dân phải hả miệng ra để nhai cái bánh vẽ ấy. Phải đợi cho đến năm 1991, một bồi bút là thi sĩ Chế Lan Viên mới dám mô tả cái cảnh ăn bánh vẽ ấy : "Chưa cần cầm lên nếm anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn cầm lên nhấm nháp. Chả là nếu anh từ chối, chúng sẽ bảo anh phá rối đêm vui, bảo anh không có khả năng nhai và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc... Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt ?"

Cái bánh vẽ ấy, mặc dù chẳng còn người dân nào trong cộng hòa "xạo hết chỗ nói" này phải há miệng ra để nhai nữa và cũng chẳng còn bất cứ một đảng viên nào tin nữa, nhưng vẫn cứ được tô vẽ và trưng bày trên khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Năm vừa qua, phải uống một thứ "bùa mê ngải lú" cực mạnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có đủ trơ tráo và vô liêm sỉ để cho in cuốn sách "một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (1). Ngay cả ngày nay mà phát không để dân chúng sử dụng vào việc gói hàng... có lẽ cũng chẳng còn ma nào muốn đụng tới.

Dối trá vẫn tiếp tục là linh hồn của chủ nghĩa cộng sản. Đồng hành với dối trá là độc ác, tham lam, vô cảm và vô liêm sỉ. Tôi chỉ sống dưới chế độ cộng sản hơn 5 năm. Tôi đã hiểu được thế nào là cộng sản. Nhưng sự hiểu biết của tôi có lẽ chỉ bằng một góc của tiến sĩ Hà Sĩ Phu, người đã suốt một đời cố gắng sống cho ra "người" dưới chế độ cộng sản. Tôi rất tâm đắc với những suy nghĩ của ông về người cộng sản : "Nhiều người còn đinh ninh chân lý "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương ; nếu là chim hãy là chim câu trắng ; nếu là đá hãy là đá kim (hoa) cương ; NẾU LÀ NGƯỜI HÃY LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN !".

Nhưng tích lũy từ thực tiễn và nhận thức, xin thực tình muốn có lời bàn ngược lại : NẾU LÀ NGƯỜI XIN CHỚ LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN !

Tại sao vậy ?

Xin nói rõ thêm một chút về Luật "HAI KHỬ MỘT" mà tôi đã viết trước đây . Tại sao lại có sự ràng buộc giữa 3 yếu tố Lương tâm-Trí tuệ và cộng sản ?

- Đã thông thái và cộng sản thì không lương thiện (phải mưu mẹo gian hùng)

- Đã lương thiện và cộng sản thì không thông thái (phải nhẹ dạ nông cạn)

- Đã lương thiện và đủ thông thái thì không cộng sản (trót theo, cũng tỉnh ngộ)

Con người, với tính "Người", có 2 đặc trưng là Lương tâm và Trí tuệ (tượng trưng bởi Trái tim và Khối óc, tức TÂM và TRÍ). Nhưng Chủ thuyết cộng sản chống lại cả hai giá trị đó :

– Về lý thuyết thì ảo tưởng phi khoa học nên mâu thuẫn với TRÍ.

– Về hành động thì chủ trương "đấu tranh giai cấp một mất một còn" làm chết 100 triệu người nên mâu thuẫn với chữ TÂM.

(Mục tiêu nêu lên thì cao đẹp, nhưng biện pháp thi hành đều chống lại mục tiêu). Sai lầm của TRÍ làm cho TÂM cũng dần xấu đi.

Trở thành người cộng sản là do có Tâm mà thiếu Trí, hoặc có Trí mà thiếu Tâm. Nếu biết bổ sung cái phần mình thiếu, để có đủ TÂM và TRÍ thì không còn là cộng sản nữa. Nhiều người cộng sản về sau đã từ bỏ đảng của mình chính là như vậy.

Ngược lại, người suốt đời vẫn tự hào và kiên trì cố thủ cộng sản thì mất cả 2 "tính Người" đặc trưng là TÂM và TRÍ như trên phân tích thì sao còn gọi là NGƯỜI được nữa ? Cho nên Liên hiệp các nước Âu châu mới kết luận Chủ nghĩa cộng sản là chống Nhân loại (Nghị quyết 1481). Chủ nghĩa cộng sản không phải  một học thuyết khoa học như họ tự nhận mà chính là một Tôn giáo có hại nên là một Tà giáo không hơn (*).

Vậy "Nếu là người thì chớ là người cộng sản", vì đó là cấp bậc thấp hơn so với Con người đúng nghĩa" (2).

chủ nghĩa cộng sản

Luận về người cộng sản, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã nhắc đến sự kiện hồi năm 2006 Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua Nghị Quyết số 1481 để lên án tội ác chống lại nhân loại của các chế độ cộng sản. Thật ra, không cần có một nghị quyết của Liên Hiệp Châu Âu để quăng chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác của lịch sử. Ngay chính người cộng sản cũng đã tự đào hố để chôn cái thứ chủ nghĩa đồi bại ấy. Ngày nay, người cộng sản hiện nguyên hình là một đảng cướp không hơn không kém và lãnh đạo cộng sản cũng chỉ là một "bọn" lưu manh theo đúng nghĩa. Với tôi, chẳng còn có chủ nghĩa hay ý thức hệ gì cả, mà chỉ là một đám lưu manh, côn đồ, độc ác. Do đó, ngày nay, với riêng tôi, "chống cộng" sẽ chỉ còn là "chém gió" hay gào thét, chửi rủa một cái thây ma thối tha đã bị chôn vùi trong đống rác của lịch sử. Với tôi, chống cộng chính là nói không với dối trá, lưu manh, độc ác, vô cảm và vô liêm sỉ. Ngày nay, có lẽ không cần phải sống dưới chế độ cộng sản để nhận ra những "ác tính" ấy. Nhiều lúc tôi tự hỏi : liệu tôi có thể ra rả "chống cộng" mà vẫn thần phục một tên lưu manh nào đó tuyên bố đứng giữa đại lộ số 5 ở New York và bắn giết người giữa thanh thiên bạch nhựt không ? Chắc chắn lương tâm, tức ý thức muốn sống như con người không cho phép tôi sùng bái một tên lưu manh như thế.

Là người tỵ nạn, tôi chống cộng. Nhưng chẳng đi đâu xa và cũng chẳng cần chống ai cả. Chống cộng là chống lại lưu manh, dối trá, độc ác, vô cảm và vô liêm sỉ trong chính con người của tôi. Tôi học được bài học đó từ văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn, tác giả của quyển tự truyện nổi tiếng "Quần đảo Gulag". " trong tù Solzhenitsyn dần dần nhận thức ra sự dối trá cơ bản của tư duy ý thức hệ : tư tưởng cho rằng người xấu làm điều ác, cho nên chúng ta chỉ cần loại bỏ họ. Hoàn toàn không phải như vậy. "Biên giới giữa thiện và ác không đi qua giữa các nhà nước, và cũng không đi qua giữa các giai cấp hay giữa các đảng phái chính trị - mà đi ngay qua tim của mỗi người". Sau khi thấu hiểu sự thật này, Solzhenitsyn đi đến một kết luận khác - "sự thật của tất cả các tôn giáo trên thế giới : mọi tôn giáo đều đấu tranh với cái ác ở trong con người (ở trong mỗi người)" (3). Ông đã cám ơn "nhà tù vì luôn hiện diện trong đời ông" để nhắc nhở ông về cái ác trong chính con người của mình.

Cũng như Solzhenitsyn, tôi cũng muốn mượn lời của cô bạn "Bắc Kỳ" của tôi để thốt lên "Cũng nhờ bọn cộng sản chúng nó", mà tôi ngộ ra chân lý : sự dối trá và lưu manh, sự độc ác, tính vô cảm và vô liêm sỉ ở ngay trong chính tôi. " Chống cộng" là chống lại những "ác tính" ấy trong chính bản thân tôi và lên tiếng chống lại những hành vi dối trá, lưu manh, độc ác của bất kỳ ai.

Chu Văn

(15/08/2023)

Chú thích

1. Tâm huyết với bài viết của tổng bí thư Nguyễn Phú Trong, Tạp chí cộng sản, 14/8/2023

2. Hà Sĩ Phu, Nếu là người, chớ là người cộng sản, Báo Tiếng Dân, 25/2/2023

3. "The Gulag Archipelago" : An Epic of True Evil, The Wall Street Journal, số ra ngày 6/5/2023, bản dịch của Trần Quốc Việt, Thông Luận, 14/5/2023

Additional Info

  • Author Chu Văn
Published in Văn hóa