Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 22 août 2020 23:49

Cao hơn đỉnh Thái

"Ảnh liều bắt con rắn đó là để lấy tiền đóng học phí cho con. Hồi năm rồi ảnh đi làm hồ, về nhà lúc trời tối rồi bị tông xe gãy chân, tới giờ vết thương vẫn còn chưa lành nên chưa đi làm lại được…".

cao1

Dù bị con rắn hổ mang chúa khủng cắn gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn "ôm" rắn đi cấp cứu, anh còn dặn bác sĩ ở bệnh viện Tây Ninh là "giữ lại giùm", vì con rắn này mang đi bán sẽ giúp anh có khoản tiền để sắm sửa cho con của anh sắp tựu trường.

Chị Bùi Thị Ngọc Tủi (28 tuổi, ngụ Dương Minh Châu, Tây Ninh) – vợ anh Phan Văn Tâm (36 tuổi) – người đàn ông đã vào bệnh viện cấp cứu khi vẫn đang ôm con rắn hổ mang chúa dài 2,5m quấn quanh cổ tay, kể với báo chí rằng", chạy chữa cái chân cho ảnh mấy tháng trời, ảnh lại không đi làm được nên đâu có tiền. Con sắp đi học mà vẫn chưa có tiền đóng học phí nên ảnh lo. Thấy con rắn lớn, nghĩ sẽ bán được một khoản tiền đủ đóng tiền học cho con nên ảnh lao vào bắt…".

Chiều ngày 21-8, với khuôn mặt phờ phạc, thất thần, chị Tủi nước mắt ngắn dài kể rằng chị vừa theo bác sĩ đẩy băng ca của chồng chuyển từ khoa bệnh nhiệt đới sang qua khoa hồi sức cấp cứu (ICU) do tình hình sức khỏe đang diễn biến xấu.

"Bác sĩ nói cơ quan nội tạng của chồng tôi bị nhiễm độc hết rồi, thận, gan bị ảnh hưởng. Ảnh đang hôn mê, phải thở máy. Lúc chuyển ảnh đi, người ảnh đã sưng phù hết rồi. Tôi không biết chữ, phải chờ người nhà viết giấy cam kết, làm thủ tục để lọc máu. Bác sĩ bảo chân ảnh hoại tử, có thể phải cắt…".

Chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi) – một cô gái trẻ viết trên trang cá nhân, có gần 53.000 người theo dõi – khi biết câu chuyện của anh Tâm, đã chia sẻ thông tin và vận động cộng đồng hỗ trợ : "Số tiền em nhận được đến 18g18 phút là 104.209.000 đồng. Em đã chi 50.000.000 đồng tạm ứng tiền tại bệnh viện cho anh Tâm" (1).

Dù bị con rắn hổ mang chúa khủng cắn gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nạn nhân vẫn cố giữ chặt "hung thủ" và bị rắn quấn chặt vào tay. Khi "ôm" rắn đi cấp cứu, anh còn dặn bác sĩ ở bệnh viện Tây Ninh là "giữ lại giùm", vì con rắn này mang đi bán sẽ giúp anh có khoản tiền để sắm sửa cho con của anh sắp tựu trường.

Câu chuyện thương tâm kể trên nhằm đúng vào tháng bảy âm lịch, tháng mà trên báo chí, trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn luôn nhắc nhớ rằng cứ mỗi độ thu về, chúng ta lại có dịp cử hành lễ Vu Lan báo hiếu. Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người, những người con hiếu không ai là không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Với tôi, hình ảnh người đàn ông đã vào bệnh viện cấp cứu khi vẫn đang ôm con rắn hổ mang chúa dài 2,5m quấn quanh cổ tay, và trước khi chìm vào hôn mê, người đàn ông ấy còn dặn bác sĩ ở bệnh viện Tây Ninh là "giữ lại giùm", vì con rắn này mang đi bán sẽ giúp ông có khoản tiền để sắm sửa cho con của ông sắp tựu trường. Ông còn cao hơn cả đỉnh thái trong văn chương.

Tôi không có khiếu văn chương chữ nghĩa. Tôi không tài nào lột tả bằng ngôn từ cho hết được hình ảnh người cha bằng xương bằng thịt với con rắn hổ mang chúa đó trên tay, trong niềm hy vọng kiếm tiền cho con ngày tựu trường.

Tôi chợt nhớ đến người cha ở truyện ngắn "Đại dương trong lòng con ốc nhỏ" của Duyên Anh", Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời".

Truyện ngắn đó có đoạn kết thế này :

"– Sao con khóc ?

– Con thương cha.

– Nín đi… để dành nước mắt chứ chú bé. Khóc nhiều hết thì sao ?

Tôi chưa nín. Vì nghĩ tới suối sầu bắt nguồn từ túp lều tranh bên gốc chuối tiêu chảy róc rách, róc rách qua hồn anh em tôi. Suối sầu này còn chảy mãi. Và còn chảy, nước mắt còn rơi, không lo khô cạn.

Sau đấy, cha tôi bị ám ảnh bởi chiếc áo ăn cắp ngoài chợ, trừ tôi, không ai rõ, cha tôi đau ốm liên miên. Tuy nhiên, cha tôi vẫn vẽ bao ước mộng. Anh em tôi mong ngày tháng lụn dần, sang năm chóng đến. Song sang năm chưa kịp đến với nhà ngói ở tỉnh, với búp bê, với tàu thủy, với xe đạp thì cha tôi nhuốm bệnh thương hàn. Tôi cố nghiến răng giữ kín chuyện nên khi cha tôi chết cha tôi vẫn tưởng sự bí mật theo cha xuống lòng mộ.

Cha tôi chết, mẹ con tôi nheo nhóc bơ vơ. Mẹ tôi năm tháng ngồi đan nỗi buồn ở bến đò Đồng Đức. Anh em tôi nhìn đám trẻ thành thị rồi vội vàng cúi gầm mặt qua sân nhà ông ngoại, làm rơi mất tuổi thơ".

Xin được cúi đầu trước những người cha còn cao hơn cả đỉnh thái.

Ca Dao

Nguồn : VNTB, 22/08/2020

 

(1)https://www.facebook.com/phon.halyza/posts/10215008320796163

Additional Info

  • Author Ca Dao
Published in Văn hóa