Sân khấu biểu diễn giống như rạp xiếc. Bước vào bên trong rạp, người xem cảm giác lạc vào một không gian Việt, với nhưng chiếc nón đèn lồng và chú Tễu trưng bày ở nơi chờ với quán ăn giải khát. Trước khi xem biểu diễn, mọi người có thể tận mắt xem các chú Tễu, các con rối, rồng cùng đồ kỷ niệm Việt Nam bày bán ngay bên cạnh...
Hoạt cảnh chú Tễu trên sân khấu nước
Một người bạn Pháp từng đến Việt Nam rất mê chú Tễu Việt. Thấy quảng cáo về chú Tễu giữa Paris, ông rủ tôi đi xem. Đến nơi, rạp khá đông khoảng hơn 300 người dù trời mưa se se lạnh giữa mùa đông ở Paris. Thật bất ngờ, chú Tễu gỗ giật lên giật xuống trên nước hấp dẫn người Pháp dù họ không hiểu lời nói ẩn dụ bóng gió trong các lời ca "Này chị em ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ…", rồi lối hát ví von đưa đẩy thời xưa. Đến lớp trẻ Việt bây giờ chỉ thích nhảy ầm ầm, híp hop và tân nhạc, phim giật gân, ít quan tâm đến âm nhạc và sân khấu truyền thống.
Đêm khuya, khu Trung tâm văn hóa Villette rực đèn đỏ chiếu xuống kênh Saint Martin đầy quyến rũ. Múa rối nước Việt Nam phải có sức thu hút lắm mới được tham gia biểu diễn ở khu này. Xã hội tư bản luôn đề cao văn hóa, nhưng cũng quan tâm đến lợi nhuận. Trước kia, trong quá trình trao đổi hợp tác văn hóa, các đoàn Việt Nam sang biểu diễn thường được nước bạn đài thọ tổ chức. Múa rối nước Việt Nam phải đạt ở trình độ nhất định và có sức thu hút đặc biệt nên ban tổ chức mới tạo điều kiện cho Đoàn biểu diễn ở đấy. Suốt dọc đường đến rạp, biển quảng cáo múa rối Việt Nam chạy trên màn hình cùng với những buổi biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật Pháp ở khu đó, thật hãnh diễn cho Việt Nam. Loay quanh lạc đường, vì có nhiều rạp ở khu này, nhưng khi tôi hỏi thì có rất nhiều người biết và chỉ cho tôi đến rạp biểu diễn múa rối Việt.
Các nghệ sĩ giới thiệu nhạc cụ dân tộc
Sân khấu biểu diễn giống như rạp xiếc. Bước vào bên trong rạp, người xem cảm giác lạc vào một không gian Việt, với nhưng chiếc nón đèn lồng và chú Tễu trưng bày ở nơi chờ với quán ăn giải khát. Trước khi xem biểu diễn, mọi người có thể tận mắt xem các chú Tễu, các con rối, rồng cùng đồ kỷ niệm Việt Nam bày bán ngay bên cạnh.
Thỉnh thoảng những diễn viên mặc áo tứ thân hay áo dài kiểu quan họ đi ra vào chuẩn bị biểu diễn.
Sân khấu đơn giản, một bể nước tượng trưng ao làng Việt với vài cây giả mọc ven cùng đình làng nhỏ.
Mở màn là tiếng nhạc, tiếng hát vang lên. Tiếng đối thoại đơn giản khi ra diễn ở nước ngoài. Tiếc rằng không có bản dịch điện tử chạy nên đôi khi sẽ rất khó hiểu, vì không thể vừa xem vừa đọc lời giới thiệu in trên giấy dưới ánh đèn lờ mờ để làm nổi bật phía ao làng nhỏ. Lời thoại dẫn nhập rất quan trọng trong múa rối hay sân khấu chèo Việt. Bài thơ "Nam quốc sơn hà" đầy ý nghĩa cũng không được dịch trước khi những chiến binh nông dân cưỡi ngựa ra chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc. Giá như câu đó được dịch thì sự hấp dẫn và ý nghĩa của tiểu phẩm đó càng được đánh giá cao. Khi tôi dịch cho người bạn từng đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Paris, ông đã cười và thì thầm nói : "Câu này đủ chứng minh vì sao Việt Nam luôn thắng giặc ngoại xâm rất mạnh như Trung Quốc, Pháp, Mỹ. Cuộc chiến Điện Biên Phủ đã không chỉ ghi vào lịch sử Việt mà cả lịch sử thế giới và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người Pháp".
Diễn viên chào khán giả lúc kết thúc
Những cảnh sinh hoạt bên bờ tre, ruộng lúa xen lẫn với những màn vui nhộn đuổi cáo, bắt cò, cảnh giặc giã hấp dẫn khán giả ở mọi lứa tuổi. Làng quê thanh bình bỗng bị xáo trộn. Cùng những chú Tễu, những người nông dân hiền lành ấy giờ cầm giáo mác nhổ tre lên ngựa đuổi giặc ngoại xâm. Liễu Thăng bị chém đầu. Lê Lợi thắng trận đã trở về trả gươm. Dân tộc Việt yêu hòa bình. Vũ khí chỉ dùng khi có giặc xâm lăng. Lịch sử Việt Nam theo truyền thuyết với con rồng cháu tiên cùng với lịch sử thực tại chống xâm lăng đầy ấn tượng. Người Việt mong mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Những nàng tiên bay xuống hay chính là những thôn nữ đẹp như tiên hạnh phúc giản đơn với chàng trai cùng lớn lên từ ao làng nhỏ vui cấy cày. Chính những chàng trai ấy sẵn sàng lên đường để bảo vệ bờ cõi cho làng quê thanh bình.
Trẻ em và người lớn ngồi xem với sự ngạc nhiên, sao những chú rối lại múa được trong nước không thấy người điều khiển. Những con rồng phun lửa phì phì múa nhẩy trên nước khác hẳn với những cảnh làm xiếc người phun lửa trên sân khấu. Diễn viên xiếc phải châm cho lửa cháy trước mặt khán giả. Còn ở đây từ nước rồng gỗ tự phun ra lửa quả là một sự bất ngờ đối với khán giả nói chung và khán giả nhí nói riêng. Cảnh chiêng trống làng vang lên trong ngày hội thật gây náo động không khí.
Trời Paris se lạnh giữa chớm đông, người xem tưởng sẽ có cảm giác sông nước lãnh lẽo khi xem múa rối nước. Hoàn toàn ngược lại, không gian ấm lên với những màn diễn vui sôi động và những tràng vỗ tay không ngớt sau mỗi màn.
Kết thúc buổi biểu diễn, khán giả trực tiếp được gần diễn viên điều khiển rối, ca sĩ và dàn nhạc. Họ cũng ra chào khán giả và tham gia bán đồ kỷ niệm, chụp ảnh cùng khách. Những nụ cười thân thiện rạng rỡ làm ấm lòng thêm khách. Một số khán giả mua con rối, nón về làm kỷ niệm. Hình ảnh người Việt xinh đẹp thướt tha trong áo dài tứ thân với màu sắc nổi bật đã in sâu vào kỷ niệm mỗi khán giả. Ngay khi ra khỏi sân khấu là không gian Việt với những đèn lồng, nón treo bay nhẹ nhẹ nghiêng nghiêng trong gió thoảng từ cánh cửa rạp. Mùi phở và hương vị cà phê trung nguyên thơm nồng hấp dẫn. Đêm sắp về khuya, khách vẫn nán lại thưởng thức vài món ăn dân tộc Việt và nếm chút cà phê hồn Việt.
Đoàn múa rối nước Trung ương đã thành công khi mang đến khán giả không chỉ một hình ảnh Việt Nam anh hùng mà cả một Việt Nam có chiều sâu văn hóa với những chiếc áo dài tha thướt và những chú tễu ngộ nghĩnh đáng yêu, cùng chiêng trống với tiếng đàn bầu da diết. Chính chiều sâu văn hóa đó là một thành trì vô hình bảo vệ đất nước, là sợi dây kết nối người Việt dù sống xa quê và là tiếng mời gọi trở về đất nước với câu ca dao ngân lên trong đêm biểu diễn "Ta về ta tắm ao nhà/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
Khán giả ra về lòng lâng lâng khát khao một ngày đến thăm làng quê Việt thanh bình và mơ được dự một buổi lễ đón mùa lúa mới hay lễ hội quê hương quan họ đầy lưu luyến.
Trần Thu Dung (từ Pháp)