Sau khi công bố hồi đầu năm nay việc cắt giảm 7.000 nhân viên trên toàn thế giới, đến trung tuần tháng 08/2023, tập đoàn Disney lại thông báo đóng cửa hãng phim hoạt hình Lucasfilm tại Singapore. Họa vô đơn chí, dịch vụ phát trực tuyến Disney+, trước sự cạnh tranh gay gắt của Netflix và Amazon Prime, cũng đã mất 4 triệu người đăng ký, buộc tập đoàn Mỹ phải chấn chỉnh toàn bộ cơ cấu.
Tòa nhà "Sandcrawler" nơi đặt trụ sở hãng phim Lucasfilm tại Singapore của Walt Disney, ngày 16/01/20214. AP - Wong Maye-E
Theo báo Le Figaro, hãng Lucasfilm chuyên sản xuất phim hoạt hình, vào năm 2006 đã chọn Singapore làm nơi khai trương chi nhánh quan trọng đầu tiên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Hãng phim này còn bao gồm công ty Industrial Light & Magic (ILM) chuyên lo về hậu kỳ, kỹ xảo và hiệu ứng hình ảnh. Cơ sở hoạt động của hãng phim Singapore có lối kiến trúc hiện đại, tân kỳ giống như loại tàu vận chuyển hình thang Sandcrawler trong sa mạc. Lối kiến trúc này gợi lại thế giới viễn tưởng của "Star Wars", thương hiệu bạc tỷ do đạo diễn Mỹ George Lucas sáng lập.
Cũng theo báo Le Figaro, công ty ILM chuyên về hiệu ứng âm thanh và kỹ xảo hình ảnh bao gồm 1.200 nhân viên làm việc cho 6 chi nhánh trên thế giới : ngoài nước Mỹ còn có Vancouver, Luân Đôn, Sydney, Singapore và Bombay. Riêng chi nhánh ILM tại Sinsapore từng tham gia sản xuất các bộ phim ăn khách của Hollywood như "Iron Man", "The Avengers" và loạt phim "Star Wars"…
Lùi bước để lấy đà nhảy xa hơn ?
Tuy nhiên từ đầu năm cho tới giờ, trước việc các nguồn doanh thu của nhiều ngành khác nhau đã giảm sút đáng kể, kể cả khâu sản xuất phim ảnh, nền tảng trực tuyến hay công viên giải trí, tập đoàn Disney buộc phải lấy quyết định triệt để cắt giảm các khâu tốn kém nhất. Ngoài việc đóng cửa chi nhánh tại Singapore của hãng Lucasfilm, tập đoàn Walt Disney cũng dần giảm bớt từ đây cho tới cuối năm, các hoạt động kinh doanh ngành truyền hình tại các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.
Trước mắt, tập đoàn Mỹ chỉ duy trì các kênh truyền hình ở Nhật Bản, Úc và New Zealand nhưng buộc phải đóng cửa kể từ giữa tháng 9 các kênh truyền hình khác ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Thay vào đó, người tiêu dùng được khuyến khích chuyển sang sử dụng mạng phim (và xem các nội dung) trực tuyến Disney+…
Đối với Disney, ngành truyền hình (dù khán giả có trả phí hàng tháng để xem) không còn là một mảng dịch vụ có khả năng sinh lời cao. Đổi lại, khi cắt bớt mảng dịch vụ này, tập đoàn Mỹ muốn huy động các nguồn tài chính để đầu tư phát triển nhiều hơn nữa nền tảng trực tuyến, tạo thêm điều kiện cho mạng Disney+ cạnh tranh với Netflix và Amazon Prime Video, trên thị trường Châu Á nói riêng, trên thế giới nói chung.
Tuy chưa thông báo bao nhiêu nhân viên sẽ bị sa thải tại Singapore sau khi ra quyết định đóng cửa chi nhánh của hãng Lucasfilm, nhưng theo tờ báo Variety, tập đoàn Disney hiện đang gom sức lại để chấn chỉnh các mảng kinh doanh hoạt động. Giống như một tay đua điền kinh, Disney lùi vài bước để có thể lấy đà nhảy xa hơn.
Bốn phim khiến Disney bị thất thu gần một tỷ đô la
Đối với Disney, một trong những nguồn doanh thu quan trọng nhất vẫn là kỷ nghệ điện ảnh : vì ngoài phòng vé, các bộ phim còn giúp cho Disney bán hàng loạt sản phẩm khác kể cả game video, đồ chơi cũng như nhiều mặt hàng có gắn logo quảng cáo cho thương hiệu. Theo Variety, do nắm giữ trong tay nhiều thương hiệu hái ra bạc tỷ như "Avengers" (Marvel), "Star Wars" (Lucasfilm) hay Toy Story (Pixar), cho nên Disney trong vòng nhiều năm liền luôn dẫn đầu về mặt doanh thu phòng vé nhờ khai thác hàng loạt bộ phim ăn khách.
Năm 2019 đánh dấu thời kỳ Disney thành công trên tột đỉnh. Nhờ có đến 7 bộ phim ăn khách, mỗi phim vượt qua ngưỡng một tỷ đô la, mà Disney đã lập kỷ lục hơn 11 tỷ đô la doanh thu trên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua, một hãng phim lại đạt được thành tích ngoạn mục như vậy. Trên đà thành công lớn, mức phát triển của Disney đột ngột bị khựng lại với đại dịch Covid-19. Theo Business Insider, thời thế nay đã thay đổi cũng như thói quen của người tiêu dùng. Ngoài sự trỗi dậy của các nền tảng trực tuyến, việc phân phối một tác phẩm điện ảnh trên thị trường quốc tế càng lúc càng trở nên khó khăn.
Điều đó giải thích phần nào vì sao trong năm 2023, 4 bộ phim với kinh phí cao đã khiến tập đoàn Disney bi thất thugần một tỷ đô la. Ngoại trừ trường hợp của tập ba "Vệ binh dải ngân hà" (Guardians of the Galaxy III) thu về gần 840 triệu đô la, các bộ phim khác của Disney đều khiến cho người xem cảm thấy thấy vọng, chán nản. Tập ba của bộ phim "Người Kiến" (Ant-Man : Quantumania) đã lỗ gần 100 triệu đô la. Phim hoạt hình của Pixar "Elemental" (Xứ sở các nguyên tố) có mức doanh thu khá thấp, chỉ đủ để hoàn vốn.
Bộ phim "Nàng tiên cá" (The Little Mermaid) cũng không thành công nhiều như mong đợi. Nhưng gây nhiều thất vọng nhất vẫn là tập thứ năm của loạt phim "Indiana Jones và Vòng quay định mệnh" (Indiana Jones & the Dial of Destiny) chỉ thu về 375 triệu đô la toàn cầu, trong khi kinh phí đầu tư cho bộ phim lên tới 250 triệu đô là chưa kể chi phí tiếp thị, quảng cáo. Rốt cuộc phim của Disney trong năm nay, có mức đầu tư thuộc vào hàng cao nhất Hollywood, nhưng lại có doanh thu kém nhất.
Đũa thần Disney bị mất phép lạ
Theo Business Insider, có hai nguyên nhân giải thích cho việc Disney gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề kinh phí. Mỗi dự án điện ảnh của Disney thường đòi hỏi 3năm để phát triển và nhất là phải có một ngân sách sản xuất cao, ít nhất khoảng 200 triệu đô la, sau đó còn có thêm nhiều chi phí dành cho việc quảng bá sản phẩm. Yếu tố này vào thời trỗi dậy của các mạng phim trực tuyến, khiến cho việc thu hồi vốn nhờ bán vé tại các rạp phim, càng thêm khó khăn.
Nguyên nhân thứ nhì có lẽ nằm ở khâu "sáng tạo". Thay vì đi tìm những ý tưởng mới để phát huy, trong năm 2023, Disney chủ yếu khai thác những thương hiệu sẵn có qua các phần tiền truyện, hậu truyện hay ngoại truyện. Bộ phim "The Little Mermaid" (Nàng tiên cá) phiên bản mới được quay với diễn viên thật, nhưng thật ra cũng chỉ được làm lại từ bộ phim hoạt hình ăn khách trước đây. "Indiana Jones" hay "Vệ binh dải ngân hà" cũng chỉ là phần phim tiếp theo của những mẫu anh hùng quen thuộc, chứ ít có nhân vật mới mẻ khác lạ.
Nếu năm 2019 là năm bội thu của Disney với nhiều thành tích ngoạn mục, trong đó có 2,8 tỷ đô la doanh thu của bộ phim "Avengers : Endgame" (Biệt đội Siêu anh hùng : Hồi kết), thì năm 2023 lại là một năm đầy vận xui cho tập đoàn Mỹ, khiến cho ngôi vị bá vương của Disney đang bị chao đảo lung lay… như thể cây đũa thần của Disney, trước kia hiệu nghiệm nay không còn "phép lạ".
Tuấn Thảo
Nguồn : RFI, 21/08/2023