Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mùa hè đến, hàng triệu người lại di chuyển để đi khám phá các vùng miền hay những quốc gia khác nhau. Du lịch đại chúng có thể đem lại điều tốt nhất như tạo ra hàng triệu việc làm nhưng cũng có thể mang lại điều tệ hại nhất : Tàn phá môi trường những nơi họ đi qua. Ví dụ điển hình là trường hợp vịnh Hạ Long tại Việt Nam.

halong1

Non nước vịnh Hạ Long "tràn ngập" các thuyền chở khách du lịch. Wikimedia Commons.

Du lịch bãi biển : Nguồn gốc ô nhiễm hàng đầu

Giữa biển cả mênh mông và núi xanh trùng điệp, các bãi biển lấp lánh nắng vàng vẫn luôn là những điểm đến ưa thích của hàng triệu du khách. Không gì thích thú bằng ngả mình phơi nắng trên cát trắng, hay vui đùa cùng trẻ nhỏ trên những bãi cát vàng, còn nam thanh nữ tú thì ngâm mình trong làn nước biển ấm áp. Nhưng khi nắng tắt, bãi biển xinh đẹp thơ mộng lại là những bãi rác khổng lồ.

Do vậy, ngày 20/06/2019, tổ chức phi chính phủ Eco Union, hợp tác cùng với Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế (IDDRI), trong một báo cáo, lên án tình trạng lạm dụng "Du lịch Xanh dương", nghĩa là du lịch bãi biển. Lãnh đạo Eco Union, ông Jeremie Fosse, trên đài RFI khẳng định các hoạt động kinh doanh bãi biển là nguồn ô nhiễm đầu tiên tại các vùng duyên hải.

Ông chỉ trích ngành công nghiệp du lịch bãi biển vì lợi nhuận ngắn hạn phá hỏng cảnh quan và hệ sinh thái môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hệ quả của việc phá hủy môi trường đối với những quốc gia đang đà phát triển, nhưng chưa đủ khả năng tự bảo vệ là rất lớn. Ông Fosse nói :

"Quả thật ngành du lịch phụ thuộc nhiều vào chất lượng hệ sinh thái, tính đa dạng sinh thái hiện có, sự bảo tồn không gian thiên nhiên. Nhưng rủi thay, du lịch đại chúng gây ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng với việc xây dựng ồ ạt trên các điểm bảo tồn, làm ô nhiễm các vùng biển khi xả rác thải nhựa, thải nhiều khí CO2 do di chuyển bằng máy bay.

Nên biết rằng các vùng duyên hải là những vùng dễ bị tổn hại nhất, mong manh nhất trước hiện tượng biến đổi khí hậu. Bởi vì chỉ cần mực nước biển dâng cao vài cm, nhất là tại những quốc gia không còn đủ khả năng bảo vệ, là điều này có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại khôn lường cho người dân địa phương".

Vịnh Hạ Long : Nạn nhân của sự nổi tiếng

Du lịch bãi biển là nguồn thu nhập cho nhiều quốc gia và người dân địa phương. Toàn cầu hóa đã làm trỗi dậy một tầng lớp trung lưu mới ngày càng đông đúc và có nhu cầu đi du lịch nhiều hơn. Tốc độ di chuyển của tầng lớp trung lưu này gia tăng với một nhịp độ "chóng mặt", hệ quả kéo theo là ngành du lịch đại trà nở rộ. Việc làm được tạo ra nhiều hơn, kinh tế phát triển hơn, nhưng cảnh quan và môi trường cũng bị biến đổi nhiều hơn, thậm chí văn hóa và cuộc sống của người dân tại chỗ bị đảo lộn.

Một ví dụ điển hình là vịnh Hạ Long tại Việt Nam, nạn nhân của sự quảng bá thành công, kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới của Nhân loại năm 1993. Là một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất tại Châu Á, với gần 2000 hòn đảo lớn nhỏ và hình thù kỳ dị khác nhau nằm rải rác trên gần 1.550 km², vịnh Hạ Long thu hút mỗi ngày từ 5000-15000 lượt khách tham quan tùy theo từng thời điểm. Riêng năm 2018, khoảng sáu triệu du khách ngang dọc vịnh trên hơn 450 du thuyền.

Đâu là hệ quả của hiện tượng du lịch đại trà tại vịnh Hạ Long ? Phóng sự của thông tín viên đài RFI, Julien Trambouze tại chỗ cho thấy vịnh Hạ Long như bị "ngộp thở" vì tình trạng du lịch đại chúng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là những tòa tháp khách sạn "chọc trời", những khu giải trí bãi biển, một cáp treo và hàng trăm chiếc thuyền nằm dọc theo bờ biển. Tham quan thắng cảnh, chiêm ngưỡng những mỏm đá vôi kỳ ảo, hay những hang động u u minh minh là những gì các du khách ngoại quốc háo hức chờ.

Môi trường bị tàn phá ?

Nhưng sau những chuyến tham quan "kỳ thú" đó, cảm giác để lại cho các du khách là gì ? Với một nam du khách, đó là những khung cảnh "hùng vĩ, vịnh Hạ Long rất đẹp, những mỏm núi đá, những chuyến tham quan, thật sự là rất thú vị !"

Nhưng không phải du khách nào cũng hài lòng. Theo nhiều du khách, Hạ Long có lẽ sẽ còn đẹp hơn nếu không còn những chiếc thuyền chạy bằng máy dầu như nhận xét của nữ du khách : "Chắc chắn là về khía cạnh môi trường, nên có nhiều tiến bộ quan trọng hơn. Bởi vì, ở đây có đến gần 500 thuyền chở khách, do vậy điều quan trọng đầu tiên là nên chạy máy xăng hơn là máy dầu".

Với chính quyền thành phố Hạ Long, du lịch là một nguồn thu quan trọng, nhưng kể từ khi vùng vịnh này trở thành điểm du lịch nổi tiếng cuộc sống của những ngư dân ở đây cũng bị đảo lộn theo. Tại cảng cá, một phụ nữ làm nghề đánh bắt hải sản than thở cùng phóng viên đài RFI rằng kể từ khi vịnh Hạ Long được quy hoạch chỉ dành cho du khách, ngư dân buộc phải đi đánh bắt xa hơn. Nếu vi phạm lệnh cấm, họ có thể bị phạt nặng với mức tiền tương đương với 110-150 euro, và thậm chí có nguy cơ bị tịch thu phương tiện.

Đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiễm. Là thành phố biển du lịch, nhưng Hạ Long cũng là thành phố công nghiệp. Đây là nơi trú ngụ của cảng nước sâu Cái Lân, với 7 cầu cảng và nhà máy hóa lọc dầu. Năm 2018, việc thải nước bẩn trực tiếp từ nhà máy lọc dầu ra biển đã làm ô nhiễm cả một vùng nước, khiến ngư dân phải ngưng các hoạt động đánh bắt vì lệnh cấm.

Một vấn đề khác cũng đang làm xấu đi hình ảnh của vịnh Hạ Long : Đó là tình trạng thải rác bẩn ra vịnh, do các hành vi thiếu ý thức của nhiều du khách, cũng như của người dân địa phương. Một khách tham quan nhận xét : "Chúng tôi thấy một vài rác thải nổi trên biển. Chúng tôi nhìn thấy một chủ tàu đổ những thức ăn hỏng ra biển. Chúng tôi còn thấy cả những vết dầu loang tại một số nơi".

Tình trạng phát triển ồ ạt nhà hàng, khách sạn, du thuyền để có thể phục vụ ngần ấy lượng khách tham quan đang tác động mạnh đến môi trường sinh thái vịnh Hạ Long. Một chủ tầu đưa khách nhìn nhận với phóng viên RFI rằng đội ngũ thu gom rác tại vịnh Hạ Long còn quá ít ỏi so với lượng du khách lui tới mỗi ngày. Và nhất là vấn đề dùng động cơ điện cho các thuyền chở khách vẫn là còn một ý tưởng xa vời đối với nhiều chủ thuyền ở đây.

Du lịch bền vững : một lối thoát ?

Ra khỏi chốn ồn ào, phóng sự của RFI dẫn người nghe đến một nơi khác cách đó không xa, nơi mà thiên nhiên và con người như gần gũi nhau hơn : vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà, điểm đến ưa thích của nhiều du khách Châu Âu, nhất là người Pháp hiện nay. Đơn giản chỉ vì tại đây, phong cảnh còn hoang sơ.

Nhưng với đà phát triển của du lịch tại Hạ Long, một nữ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Pháp lo ngại rằng mô hình du lịch sinh thái mà cô đang tổ chức có nguy cơ "phá sản". "Tôi luôn tìm cách tổ chức các tour tham quan ngoài những tụ điểm du lịch quen thuộc. Đầu tiên là ở vịnh Hạ Long, phía bắc Hạ Long. Tôi ở Cát Bà từ 10 năm nay. Tôi e rằng trong vòng 5 năm nữa, với sự phát triển như hiện nay, Cát Bà rồi cũng sẽ trở thành một điểm du lịch thôi !"

Tâm sự cùng phóng viên RFI, một nam du khách sau một vòng tham quan vịnh Lan Hạ đã so vịnh Hạ Long giờ chẳng khác gì những xa lộ lớn tại trời Âu : "Thật ngoài sức tưởng tượng ! Tôi đang tự nhủ đây là một trong những kỳ quan đẹp nhất trong đời tôi. Giữa vùng hạ Sahara và vịnh này, nơi đây quả thật là quá đẹp ! Tôi có thể nói đây là thời khắc duy nhất ! Bởi vì, vịnh Hạ Long giống như những xa lộ vì có quá nhiều người nói đến. Không có cùng một cảnh đẹp, nhưng ta có cảm giác chốn này như chỉ dành riêng cho ta ! Nó có gì đó vừa độc đáo vừa gây ấn tượng mạnh !"

Theo quan điểm của nữ hướng dẫn viên, du lịch sinh thái có trách nhiệm sẽ có lợi cho người dân địa phương hơn là hình thức du lịch đại trà : "Phải nói là du lịch có trách nhiệm, bền vững giúp rất nhiều cho cuộc sống người dân tại đây. Tôi nhận thấy cuộc sống của họ thật sự được cải thiện. Ví dụ như chiếc thuyền đang đi đến đảo kia kìa, hai lần trong ngày họ đến tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân trên đảo. Trước đây, người dân ở đảo họ nghèo lắm, thiếu thức ăn, ngay cả khi bệnh tật họ cũng không có phương tiện nào để đến bệnh viện nhanh nhất !"

Vẫn theo nữ hướng dẫn viên này, du khách nên thay đổi khái niệm du lịch. "Du lịch, chính là sự tiếp xúc với người dân địa phương, hòa nhập với cuộc sống của họ. Tôi chỉ thiết kế những tour đi tự nhiên như thế. Đến gặp dân như là đi thăm người thân. Ngắm cảnh thiên nhiên như về nông thôn, thăm làng quê. Chứ không phải ở đây chỉ để ngắm mặt trời, rồi chụp ảnh người qua kẻ lại như là trong sở thú !"

Minh Anh

Nguồn : RFI, 31/07/2019

Published in Văn hóa