Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hèn hạ nhất là trả thù người chết

Đã hơn nửa tháng trôi qua sau đám tang nhà thơ – dịch giả Dương Tường.

henha1

Cuộc đời dài và nhân cách của Dương Tường đã được nhà văn Phạm Xuân Nguyên "điêu khắc" bằng những câu thơ xót xa cho thân phận những nhân tài chính trực tại Việt Nam. Chua xót đấy nhưng cũng đầy kiêu hãnh :

"…bán máu một thời sống gay go.

gay go vẫn sống đầy mộng mơ

mộng mơ cái đẹp cõi văn thơ

văn thơ viết nên bằng máu đỏ

máu đỏ của người của tự do…

…con người zương tường "phe nước mắt"

nước mắt "buông những tiếng thở dài"

thở dài "trả lãi bằng án sống"

sống để yêu người giữa trần ai…".

Dương Tường được độc giả nhiều thế hệ khâm phục và yêu thương. Nhưng với quan niệm của nhà cầm quyền Việt Nam thì tài năng và nhân cách của ông lại như một đối tượng luôn bị nghi ngờ và rình rập để triệt hạ. Lúc sinh thời, người ta không có cớ triệt hạ ông vì ông trốn vào con đường dịch thuật để thể hiện ý chí khai sáng cho công chúng. Vậy thì đến lúc chết, người ta tìm cách trả thù bằng cách xúc phạm hương hồn ông ? !

Nhiều nhân chứng chứng kiến đám tang Dương Tường tố cáo rằng có việc "công an giả danh côn đồ ở Việt Nam" đã trà trộn vào đám tang và "trộm cướp" vòng hoa viếng Dương Tường.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên – người bạn vong niên, đồng thời cũng là người đã đọc điếu văn tiễn biệt nhà văn Dương Tường, cùng nhiều nhân chứng đã viết :

"…Còn một vòng hoa của nhà văn Nguyên Ngọc và BBT (tôi cho ghi tắt) Văn Việt để ở ngoài… Khi vòng hoa đưa đến trước cửa vào phòng viếng, tôi chạy lên nói với người giới thiệu các đoàn viếng rằng ba chữ BBT là "Ban biên tập". Cùng lúc đó tôi đã thấy có mấy người vẻ khả nghi lởn vởn quanh vòng hoa này, một người còn chạy lên chỗ loa. Đến khi người giới thiệu đọc thì chỉ đọc là : Xin mời đoàn của nhà văn Nguyên Ngọc và các bạn, do Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức dẫn đầu, vào viếng…

Vòng hoa được một người của nhà tang lễ cầm đi trước chúng tôi như thông lệ. Khi ngang qua chỗ người đưa hương thì anh cầm vòng hoa quay qua nói : các bác cứ đi lên trước viếng, rồi mang hoa tách ra đi về phía cửa ngang. Tôi thấy lạ liền đi theo và khi ấy tôi chợt nghĩ ra là có chuyện nên muốn giành lại vòng hoa… Vì thế tôi đã không có được tấm ảnh chụp kẻ đã cầm vòng hoa của nhà văn Nguyên Ngọc và Ban biên tập Văn Việt viếng nhà thơ – dịch giả Dương Tường đem ỉm đi. Đến lúc di quan, chiếc xe chở các vòng hoa chất đầy hoa viếng nhưng không có vòng hoa ấy"… (Phạm Xuân Nguyên, Lễ tang nhà thơ – dịch giả Dương Tường, Văn Việt, 01/03/2023).

Phạm Xuân Nguyên còn viết tiếp : Ngoại trừ việc không đáng có với vòng hoa này, lễ tang Dương Tường đã diễn ra xúc động. Tôi đọc điếu văn xong (Phạm Xuân Nguyên, Lễ tang nhà thơ – dịch giả Dương Tườngfb. Nguyen Pham Xuan, 01/03/2023).

Nhưng thật kỳ lạ, ngay cả sự xúc động trong lễ tang mà Phạm Xuân Nguyên chỉ rõ trong đường link nói trên cũng đã bị an ninh mạng "bức tử". Khi vào đường link này để xem lễ tang Dương Tường, thì thấy đề rõ : "nội dung này đã bị gỡ hoặc không tồn tại"

Lúc sinh thời, Dương Tường không thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm, không thuộc nhóm "Xét lại chống Đảng". Ông chỉ là nhà thơ với những câu từ mộng mơ, không thể hiện bản lĩnh phản biện lại thể chế Cộng sản. Ông là một trong những nhân vật mà người Việt Nam – đặc biệt là người miền Bắc trước năm 1975 – hàm ơn vì đã chuyển ngữ hơn 50 tác phẩm văn học có giá trị lớn của nước ngoài, đặc biệt là văn học phương Tây, sang tiếng Việt. Dương Tường, với việc chọn tác phẩm phong phú và đa dạng để đưa đến với người đọc, là một trong những người có công lớn mở ra bầu trời văn chương thế giới. Ông cũng đã góp phần nới rộng không gian văn hóa và tư tưởng hạn hẹp của người Việt Nam – đặc biệt là người miền Bắc sống trong chế độ phong kiến rồi chuyển sang chế độ cộng sản thù địch với tri thức và văn hóa – từ những năm 30 của thế kỷ XX về sau. Thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều dịch giả ở phía Nam đã chuyển ngữ được rất nhiều tác phẩm nước ngoài có giá trị sang tiếng Việt nhưng sự cấm cản, bưng bít đã chặn tuyệt đối sự tiếp xúc của người sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc với mọi ấn phẩm của miền Nam. Ai bị phát hiện đọc, nghe hoặc lưu giữ những ấn phẩm đó, đương nhiên là sẽ bị trị tội phản động, phải chịu những hình phạt rất nặng nề.

Tuổi thọ của Dương Tường cho phép ông bền bỉ tiếp tục công việc dịch thuật- khai sáng trong 22 năm đầu của thế kỷ 21.

Dương Tường sống hiền lành, thành thật, thủy chung với gia đình, bạn bè, luôn tuân thủ pháp luật. Là trí thức không xu thời, luôn giữ nhân phẩm, ông đã nhiều lần phải bán máu của mình để góp phần nuôi gia đình. Ông đi nhẹ nói khẽ như "những phím dương cầm trong mưa", vậy mà vì sao chính quyền Việt Nam lại chọn đúng lúc ông qua đời để "trả thù", cướp cả vòng hoa viếng trong đám tang ông tại Phòng tang lễ bệnh viện 108, ngay giữa Thủ đô Hà Nội ?

Phải chăng, trả thù chỉ bởi ông đã tham gia Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập – một nhóm gồm những nhà văn không chịu lệ thuộc Hội nhà văn "quốc doanh" Việt Nam ?

Dẫu là do công an hay tuyên giáo đứng sau những hành vi đó, cách trả thù của một chính quyền có dưới tay gần trăm triệu dân ở thời Toàn cầu hóa mà tự ti và mất thể diện vậy sao ?!

Có "truyền thống cướp băng tang trên vòng hoa người chết"

Trước đám tang của nhà thơ – dịch giả Dương Tường, Việt Nam cũng đã có nhiều lần sử dụng những hành vi "trả thù" các nhân tài chính trực và có ảnh hưởng lớn. 

Ngày 14/8/2002, người viết bài này đã tham dự đám tang Tướng Trần Độ và cùng cả hàng trăm người chứng kiến những dòng chữ "Vô cùng thương tiếc" viết trên bức tường tang lễ và trên rất nhiều băng tang đã bị "công an chìm" xóa bỏ, cướp giật, xé bỏ đi trên nhiều vòng hoa. 

Ngay cả dòng chữ "Vô cùng thương tiếc Trung tướng Trần Độ" được trang trọng viết trên băng tang gắn trên vòng hoa do Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới cũng bị các nhân viên trong ban tổ chức tang lễ cấm cản và bắt phải ghi lại là : Ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ – thì mới được cho vào…

Cũng tại lễ tang đó, ông Vũ Mão đã thay mặt Văn phòng Quốc hội đọc một bản điếu văn sơ sài, mục đích chính là kể tội tướng Trần Độ và thể hiện sự ghẻ lạnh, hằn học của nhà cầm quyền đối với người đang nằm trong quan tài…

Theo Việt báo, hơn 250 vòng hoa từ nhà tang lễ mang theo để đưa lên xe tang đến Đài hóa thân Hoàn Vũ đều bị bóc hết các băng ghi tên người phúng viếng…(Đảng theo đánh tận đáy mồ : 4 lần chận xe tang Trần Độ. Hơn 250 vòng hoa tang bị công an bóc tên người viếng tang, Việt Báo, 28/08/2002)

Trần Độ là một trong những vị tướng tài năng đã không tiếc mạng sống "vào sinh ra tử" nơi chiến trường, là một trong những "khai quốc công thần" cho chính quyền cộng sản hiện tại. Vậy mà ông bị nhà cầm quyền dùng nhiều thủ đoạn để vu cáo, hãm hại lúc sinh thời, lại còn bị họ lớn tiếng, công khai kể tội, vu cáo, sỉ nhục thi thể và linh hồn ông tại nhà tang lễ chỉ vì ông là một trong những vị lãnh đạo tiên phong đổi mới, chủ trương "cởi trói" cho văn nghệ, trả lại tự do ngôn luận đã bị chính quyền cướp đoạt đi của người Việt Nam !

Ngày 23, 24/1/2014, băng tang của một số vòng hoa trong đám tang Luật sư Lê Hiếu Đằng tại Sài gòn cũng đã bị cướp giật"… Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn có mặt và chứng kiến những chuyện xảy ra, thốt lên : "Đến hôm nay, đám tang Lê Hiếu Đằng đã đạt mức ba mươi phần trăm của đám tang Trần Độ !". Nghĩa là mức độ gây rối còn có thể tăng lên trong hai ngày tới ?! Nghĩa là người ta không biết rút ra bài học từ đám tang của tướng Trần Độ ?! Nghĩa là người ta có thể bất chấp đạo lý ?! (Hoàng Dũng, Chuyện đám tang anh Lê Hiếu Đằng : hai ngày đầu tiên, Diễn Đàn, 25/01/2014).

Cũng trong năm 2014, ngày 19/12, an ninh mặc thường phục cũng trà trộn vào để gây rối và cướp băng tang của nhiều vòng hoa viếng nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại Hải Phòng.

Ngay cả tang lễ của thân mẫu Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, thân mẫu của Phạm Thanh Nghiên cũng bị những kẻ giả danh côn đồ đến quậy phá và giật băng tang. Đã có nhiều băng tang bị giật ngay trong khu vực làm lễ truy điệu : băng tang của gia đình Trương Huy San (Osin Huy Đức), Nguyễn Quang Lập, No-U FC, Con đường Việt Nam… đã bị giật mất (Côn đồ quấy phá đám tang Cụ bà Hoàng Thị Ái Hoát, fb.Con đường Việt Nam, 12/01/2015).

Trả thù ngay cả nhúm tro cốt

Sự trả thù của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người có tài năng, nổi tiếng và dám nói lên sự thật không chỉ dừng ở chỗ cho công an giả danh côn đồ đến quậy phá đám tang.

Phi lý hơn nữa, Việt Nam còn tước đoạt quyền đương nhiên được trở về quê hương đất nước của người Việt Nam, thù hằn ngay cả với nhúm tro cốt từ thi hài người đã chết.

Nhà báo – nhà văn Bùi Tín từ trần ngày 11/8/2018 tại Pháp, thọ 91 tuổi. Các con ông muốn đưa tro cốt của cha về Hà Nội sau đám tang tại Pháp nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cấm cản quyền đương nhiên đó. Được biết, tro cốt của nhà báo-nhà văn nổi tiếng thế giới ấy hiện nay vẫn đang gửi tại một ngôi chùa ở Paris.

Đất nước là của người Việt Nam, không phải của riêng một nhóm cầm quyền.

Cách quản lý của nhà cầm quyền Việt Nam – cụ thể hơn, của ngành tuyên giáo và an ninh Việt Nam – là một cách quản lý thiếu tự tin. Họ cũng thiếu hiểu biết và thiếu cập nhật với đặc thù của thế giới công nghệ thông tin ngày càng hiện đại.

Chính vì sự thiếu hiểu biết này nên họ cứ mãi tiếp tục những hành vi nhỏ mọn, làm "nhục quốc thể" không bao giờ có thể xóa bỏ được.

"Nghĩa tử là nghĩa tận". Giật băng tang, trộm cướp vòng hoa, thù địch ngay cả với nhúm tro cốt từ thi hài người quá cố, xúc phạm đến hương hồn người đã khuất và làm tổn thương gia đình họ là điều cực kỳ vô đạo, tối kỵ, cho dù là đối với văn hóa Việt Nam hay trên thế giới.

Võ Thị Hảo

Nguồn : VNTB, 18/03/2023

Đọc thêm 

Lễ tang nhà thơ – dịch giả Dương Tường

Phạm Xuân Nguyên, Văn Việt, 01/03/2023

Ông sinh 4/8/1932, mất 24/2/2023, thọ 92 tuổi (âm). Lễ tang ông vào ngày 1/3/2023 (10 tháng hai, Quý Mão) do gia đình và bạn bè tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Tôi được gia đình mời làm Trưởng ban lễ tang gồm năm người, có Đặng Xuân Hòa họa sĩ, Trần Hải Âu con trai, một đại diện nơi cư trú và một người của nhà tang lễ.

henha2

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường - Ảnh Nguyễn Đình Toán

Tôi đến nhà tang lễ lúc 6g để 6g30 cùng gia đình dự cuộc khâm liệm. Trong lúc chờ tôi đi đặt 6 vòng hoa : một của gia đình nhà văn Bùi Ngọc Tấn, một của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, một của nhà văn Nguyên Ngọc và Ban biên tập Văn Việt, một của cháu Ly Hoàng Ly (con gái nhà thơ Hoàng Hưng), một của anh Nguyễn Chí Cư, và một của tôi cùng bạn bè.

Vào cuộc viếng (bắt đầu từ 9g15) tôi đi vòng hoa của tôi. Vòng hoa của gia đình nhà văn Bùi Ngọc Tấn, vợ chồng nhà văn Hoàng Hưng và anh Nguyễn Chí Cư do Bùi Ngọc Hiến (con trai anh Tấn từ Hải Phòng lên) đưa vào. Vòng hoa của Ly Hoàng Ly do vợ chồng Phạm Mai Hiền (con nhà văn Châu Diên – Phạm Toàn) đưa vào. Còn một vòng hoa của nhà văn Nguyên Ngọc và BBT (tôi cho ghi tắt) Văn Việt để ở ngoài. Khi đó nhà văn Trung Trung Đỉnh, Nghệ sĩ ưu tú sân khấu Lê Chức đến sau, tôi bảo hai anh đứng vào cùng mấy người nữa đi theo vòng hoa này. Tôi nói với anh Lê Chức : em đã đi vòng hoa của em rồi nên nhờ anh chủ vòng hoa này của anh Nguyên Ngọc, em chỉ đi cùng thôi. Anh Chức đồng ý. Khi vòng hoa đưa đến trước cửa vào phòng viếng, tôi chạy lên nói với người giới thiệu các đoàn viếng rằng ba chữ BBT là "Ban biên tập". Cùng lúc đó tôi đã thấy có mấy người vẻ khả nghi lởn vởn quanh vòng hoa này, một người còn chạy lên chỗ loa. Đến khi người giới thiệu đọc thì chỉ là : Xin mời đoàn của nhà văn Nguyên Ngọc và các bạn, do Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức dẫn đầu, vào viếng.

Vòng hoa được một người của nhà tang lễ cầm đi trước chúng tôi như thông lệ. Khi ngang qua chỗ người đưa hương thì anh cầm vòng hoa quay qua nói : các bác cứ đi lên trước viếng, rồi mang hoa tách ra đi về phía cửa ngang. Tôi thấy lạ liền đi theo và khi ấy tôi chợt nghĩ ra là có chuyện nên muốn giành lại vòng hoa. Thấy nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đứng ngay đấy tôi bảo anh chụp ngay cho tôi nhưng anh Toán không có phản xạ của người làm ảnh báo chí nên nói đã chụp lúc trước rồi. Vì thế tôi đã không có được tấm ảnh chụp kẻ đã cầm vòng hoa của nhà văn Nguyên Ngọc và Ban biên tập Văn Việt viếng nhà thơ – dịch giả Dương Tường đem ỉm đi. Đến lúc di quan, chiếc xe chở các vòng hoa chất đầy hoa viếng nhưng không có vòng hoa ấy. Tôi đã có ý đi tìm song rồi bấn việc nên thôi.

Ngoại trừ việc không đáng có với vòng hoa này, lễ tang Dương Tường đã diễn ra xúc động. Tôi đọc điếu văn xong (xin xem link), một phút mặc niệm trong tiếng nhạc Bach do Hải Âu chọn thay cho bản "Hồn tử sĩ" thường quen. Sau đó tôi mời mọi người nghe lại tiếng Dương Tường đọc bài thơ của mình "Dương cầm lạnh" trong tiếng piano của ca sĩ Thùy Dung. Sau đó tôi đọc bài thơ của nhà thơ Hoàng Hưng từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra.

Anh đi nhé Dương Tường

Anh đã sống

Một cuộc đời tha thiết

Với TIẾNG VIỆT thân yêu, với CÁI ĐẸP trên đời

Không ăn gian một phút của Trời

Một cuộc CHỮ, một cuộc NGƯỜI trọn vẹn

Anh là cái cây khẳng khiu kết bao nhiêu sức mạnh Đất Trời

Đứng thẳng trong gió bấc

Im lặng hút tinh, hoa trái dâng người

Cho và nhận yêu thương nghìn cành lá

Cứ trẻ thơ cứ xanh tận cuối đời

Nhớ anh là nhớ bàn tay

Dìu dắt đàn em, chân tình, ấm áp

Nhớ anh là nhớ nụ cười

Hồn hậu trong góc nhà trên hè phố

Trong gian nan và trong mọi cuộc vui

Tiễn anh đi

Em lắng nghe trong lặng lẽ

Nghe phím dương cầm se sẽ mùi hương

Nghe ngón tay mưa trên mái Dương Tường

Những ngón tay mưa Dương Tường trên mái

Anh đi nhé

Các anh Tấn, anh Khánh, anh Toàn đang đợi anh trên ấy.

Sài Gòn 28/2/2023

Em của anh

Hoàng Hưng

Rồi đến con gái Trần Phương Mai đọc lời tiễn biệt bố đẻ.

Và con dâu Đinh Thị Hạnh Mai đọc lời tiễn biệt bố chồng.

Gửi bố Dương Tường

Khi mới về làm con dâu của bố mẹ, con còn nhiều bỡ ngỡ. Một hôm anh Hải Âu nói : "Bố bảo Hạnh Mai dịu dàng nhỉ". Con thấy vui lạ !

Trong cuộc sống, có lúc này lúc khác. Bằng cách nào đó mà bố cảm nhận được ở con có những điều không vui. Bố nói chuyện với con về mọi người trong nhà, về suy nghĩ của bố và bảo : "Biết dung kẻ dưới mới là lượng trên, con ạ". Ôi ! Bố thật tinh tế !

Bố phấn khởi chúc mừng con khi con báo tin bộ sách giáo khoa mới của nhóm con viết được Bộ giáo dục và Đào tạo chọn để dạy cho học sinh. Con rất vui !

Tết năm ngoái mẹ bảo con : "Bố nói Hạnh Mai là người phụ nữ truyền thống. Ông ấy khen cô lắm đấy !". Cả cô Hoa chăm bố cũng kể tương tự vậy. Qua những bài viết của bố cùng những tác phẩm bố dịch, qua nhúng điều con đuọc biết về sự trân quý và giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc của bố, con cảm thấy hãnh diện vì được nhà văn hoá, nhà thơ, dịch giả Dương Tường-bố chồng minh – khen vậy. Con cảm ơn bố nhiều lắm !

Bố ơi, bố hãy yên nghỉ nhé. Con luôn nhớ và làm theo những điều bố dạy. Bố yêu quý của con !

Xuống Đài hóa thân hoàn vũ (Văn Điển) cháu ngoại Hải Tiên đã đọc lời tiễn biệt ông.

Lễ tang nhà thơ – dịch giả Dương Tường đã diễn ra ấm cúng trong tình thương mến của mọi người. Người ở lại dự lễ truy điệu và đưa ông tới đài hóa thân hoàn vũ đủ để ông thấy mình ra đi vẫn là ở lại.

Phạm Xuân Nguyên

Nguồn : Văn Việt, 01/03/2023

Published in Diễn đàn
jeudi, 02 mars 2023 08:00

Dương Tường

Tôi có cái thói hễ thấy người sang là bắt quàng làm họ. Nhưng riêng chuyện tôi cũng (muốn) là bạn của ông Dương Tường thì không hẳn thế. Ông ấy (rõ ràng) trông dáng bộ cũng bệ rạc y như tôi thôi, chứ có sang trọng quái gì đâu – theo như lời bè bạn :

- Một lần Dương Tường đưa nhóm hoạ sĩ 5 người (gang of five) từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mở triển lãm. Nguyễn Quân mời tất cả tới khách sạn chiêu đãi. Dương Tường đi xích lô, tay cầm tờ Vietnam News cẩn thận, bước vào khách sạn. Người gác cửa khách sạn to lớn, mặc sắc phục nắm chặt vai anh, đẩy ra vỉa hè : Không được bán báo ở trong ấy ! Đi ra ngoài kia mà bán !

- Một ngày giáp tết, nghe mấy họa sĩ trẻ rủ rê, Dương Tường đi chợ hoa với họ. Vào chợ, họ tản mát khắp nơi để chọn bằng được một cành hoa đào ưng ý. Lơ ngơ một mình giữa chợ, Tường mua đại một cành đào, vác ra ngoài cổng chợ đứng chờ. Đang cầm cành hoa mới mua, xo ro trong mưa dầm gió bấc, bỗng một bàn tay nắm lấy vai anh, đẩy vào trong chợ : Không được bán hoa ở đây ! Mang vào trong chợ mà bán ! Đó là người bảo vệ chợ. (Bùi Ngọc Tấn. "Tôi là bạn của ông Dương Tường", Viết về bè bạn, Hải Phòng, Nhã Nam, 2003).

duongtuong1

Vẫn cứ theo như lời Bùi Ngọc Tấn thì Dương Tường nhỏ người. Đã là dân Việt mà lại nhỏ con thì phải hiểu là… nhỏ lắm. Tôi áng chừng ông ấy cao khoảng một thước năm mươi lăm đổ lại, và nặng cỡ bốn mươi lăm ký là hết sức.

Tôi thì khác. Tôi cao đến một thước tám mươi, và nặng gấp rưỡi Dương Tường. Chỉ có điều đáng tiếc là cái vóc dáng "cao cả" này đã không khiến cho tôi trông cao sang, và quí phái hơn ông ấy được bao nhiêu – nếu chưa muốn nói là ngược lại.

Tôi cũng thường bị "trông lầm" (nhiều lần) chỉ vì trông không được ngon lành, hay bảnh bao gì cho lắm. Mới hôm qua chứ đâu, tôi ngồi cú rũ (một đống) trên mấy bậc thềm – trước khu thương xá Phước Lộc Thọ – ở phố Bolsa. Tôi hay bị buồn (ngang) khi ngày sắp tắt, nhất là vào những buổi chiều tàn, ở California. Màu nắng vàng hanh, hay đỏ rực của ráng chiều, dễ làm cho kẻ tha hương chạnh lòng nghĩ về chốn cũ : "Chiều nay gửi đến quê xưa, bao là thương là nhớ cho vừa …".

Tôi cứ ngồi hát nho nhỏ, chỉ đủ cho chính mình nghe như thế, mà thấy nẫu cả lòng. Hẳn là trông tôi phải thê thảm lắm nên có một bà đồng hương đi qua, đã cúi xuống, kín đáo dúi cho tôi một tờ giấy bạc. Cầm thì kỳ mà không cầm cũng kẹt nên tôi cầm (đại) và miệng lí nhí nói cảm ơn mà mặt đỏ bừng !

Cũng theo lời kể của Bùi Ngọc Tấn, vào những năm đầu thập niên 60, Dương Tường phải sinh sống bằng nghề… bán máu. Ông Tấn đã hơi bi thảm hóa vấn đề, khiến nhiều người nghe muốn rơi nước mắt, chứ ở đất nước tôi mà có máu để bán, và có người mua – lại không phải qua cò (vì ông Tường vốn quen biết lớn) thì sung sướng và hạnh phúc lắm rồi, còn than van gì nữa ?

duongtuong2

Sau 1975, đất nước thống nhất, "Nam/Bắc hòa lời ca", tôi ca (hơi) trật nhịp nên bị túm đi học tập một thời gian. Ra khỏi trại tù, tôi sống lang thang vất vưởng ở nhiều nơi, trước khi trôi dạt về Rạch Giá.

Thành phố này, vào mùa mưa, hay có những ngày biển động. Trời thấp, ẩm, lạnh, mây xám màu chì. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang, tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Tôi hay loanh quanh trong chợ Nhà Lồng của Rạch Giá, mắt láo liên nhìn quanh những bàn ăn, chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần ăn còn lại. Chao ơi, giá lúc ấy mà có máu để bán và có người mua thì đỡ (khổ) biết chừng nào ?

Những cảnh đời (không may) mà Dương Tường trải qua, tôi cũng đều đã nếm. Đồng cảnh tương lân. Kiếp sống lao đao của ông ấy khiến tôi sinh lòng ái ngại nên (thoáng) có ý muốn làm bạn cho vui, thế thôi.

duongtuong3

Nhưng cuộc đời của Dương Tường không chỉ khốn khổ và khốn nạn như thế. Nó tệ hơn thế, đôi khi. Ông ấy còn bị bạn bè xa lánh, "bị công an thẩm vấn nhiều lần, mỗi bước đi đều bị giám sát chặt chẽ". Cũng có những khi Dương Tường được ưu ái cho đi nước này nước nọ. "Anh được Cộng đồng pháp ngữ mời sang Pháp. Anh sang Đức trong Festival Gặp Việt Nam của Đức". (Bùi ngọc Tấn, sđd., tr.42).

Lúc nào thì Dương Tường cũng nằng nặc… đứng về phe nước mắt, như ông đã tuyên bố như vậy – qua thơ. Ngày 28/5/2004 – tại viện Goethe – khi giới thiệu buổi đọc văn của một bạn đồng nghiệp, ông phát biểu :

Những gì chảy ra từ ngòi bút Bùi Ngọc Tấn khiến tôi nghĩ đến quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12/1957 :

Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ cô đơn và mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đày ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.

Nếu tính từ lúc Nguyễn Mạnh Tường đọc tham luận, góp ý với Đảng cộng sản Việt Nam, trước phiên họp của Mặt Trận Tổ Quốc (vào ngày 30/10/1956, rồi bị vùi dập cho đến chết) thì mãi đến nửa thế kỷ sau, người ta mới lại được nghe tiếng nói dõng dạc và thẳng thắn như thế – của luơng tri – qua miệng Dương Tường, giữa lòng Hà Nội.

Tôi trộm nghĩ (rất có thể) là Dương Tường đã tạo nền cho những bài tham luận nẩy lửa – trước thềm Đại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII. Sau nhiều năm nín lặng, những người cầm bút Việt Nam đã cùng lên tiếng (nói một cách "chẻ hoe" và "trắng phớ") về hoàn cảnh tồi tệ và nghiệt ngã mà chế độ đã dành cho họ.

Nếu những suy đoán chủ quan của tôi mà không trật thì Dương Tường (rõ ràng) quá bảnh. Ông ấy chỉ có cái dáng ngoài bệ rạc (như tôi) thôi chứ tư cách thì ngon lành hết biết. Tôi mới đụng chuyện với Đảng và Nhà nước cộng sản đâu có vài năm (lẻ) đã ù té bỏ chạy, và chạy luôn tới bữa nay, tuyệt nhiên không dám quay đầu nhìn lại. Còn Dương Tường, và những kẻ đồng hội đồng thuyền – theo lời của Phạm Xuân Nguyên :

…đã gánh cây thập ác đi trọn đường trần ai của mình.

Không vứt xuống

Không chạy trốn.

Không ngã gục.

Không dừng bước

Và dẫu không là Chúa, các ông đã được phục sinh.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 02/03/2023

Published in Văn hóa