Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm 2000, sau thử nghiệm làm một tờ báo mới bất thành, tôi lấy cùng lúc mấy lớp tiếng Anh. Cho đến khoảng 1995, 1996, khi nghe một phóng viên trong báo Tuổi Trẻ nói "quận number one" tôi vẫn không biết "number one" là 1. Cho nên, khi một người bạn nhờ dẫn một "thằng Mỹ" ra Phú Quốc mấy ngày tôi đi liền.

cia1

Photo : George & Lan Huong Thi Nguyen tháng 6/2017, tại Standford Medical Center.

Từ tiếng Anh đầu tiên mà tôi học được từ anh chàng này là "f*cking a*shole" - Ảnh buột miệng văng ra khi bị một xe tải chạy tung bụi mù trời, ép hai thằng văng ra lề đường (Tôi chở anh ấy, cao hai mét, nặng gần trăm ký, trên một chiếc Dream II).

Thời đó, Phú Quốc chưa có nhiều đại gia. Chúng tôi lấy phòng ở Tropicana - một resort nhỏ nhưng rất dễ chịu. Hằng ngày, tôi chở anh ấy xuống An Thới, thuê thuyền ra biển đi câu và lặn tìm san hô. Chiều về, hai thằng lại kêu đĩa mực nướng nằm uống bia trên bãi biển. Không hiểu do... tôi hay anh bạn Mỹ mà một cô đầm da nâu sáng, dáng như vệ nữ... hình như ở bên khách sạn của Sài Gòn Tourist, chiều nào cũng cứ lượn qua lượn lại trước mặt chúng tôi vài ba vòng... Anh bạn Mỹ nháy mắt rủ tôi nhìn theo và dạy tôi đọc bằng tiếng Anh các đường cong trên người cô gái.

Từ ánh mắt cho đến cách "liếc gái" của anh ấy cực kỳ duyên dáng, anh chàng Mỹ ấy là George Belcher, khi ấy đang là bạn trai của một người bạn Việt Nam của tôi - Lan Hương, chủ phòng tranh Saigon Gallery. Tôi viết những dòng này sau mấy ngày lặng lẽ dõi theo FB của Lan Hương và lờ mờ nhận thấy sự thật rằng, George đã ra đi mãi mãi.

George là một "tay sát gái", trước khi gặp Lan Hương, bạn tôi, anh ấy đã từng có nhiều bạn gái là hoa khôi, hoa hậu. Tôi nói với George, "Tôi lớn lên ở miền Bắc, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng lòng căm thù 'Mỹ - Ngụy' ; lớn lên, biết rõ hơn tình huống lịch sử, lại chứng kiến những gì diễn ra ở Campuchia, hiểu có những việc mà con người chỉ có thể làm trong hoàn cảnh chiến tranh nên tôi không còn căm thù như trước nữa. Nhưng, kể từ sau khi Việt Nam mở cửa thì tôi lại bắt đầu căm thù, vì có bao nhiêu phụ nữ hay ho như Lan Hương, 'Mỹ - Ngụy' các anh về mang đi hết…".

Cho dù thèm khát phong thái lịch lãm, hài hước và rất đàn ông của George, điều tôi muốn nói về ông cũng không phải vì lòng... căm thù. George không chỉ hấp dẫn với phụ nữ, mà ông truyền rất nhiều cảm hứng cho chúng tôi về lịch sử. Năm 2002, tôi may mắn được cùng thực hiện một chuyến xuyên Việt với ông và một nhà sử học người Mỹ - James P. Delgado. George say mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam và trong chuyến đi đấy, anh muốn cùng James biến ý tưởng xây dựng một bảo tàng hàng hải tại Hội An thành hiện thực (ý tưởng này sau đó cũng bất thành). George cũng là người đã đã đưa các nhà sử học nước ngoài đến nghiên cứu truyền thuyết các cọc gỗ Bạch Đằng...

Năm 2001, tôi tới Mỹ và thành phố đầu tiên tôi dừng chân rất may mắn lại là San Francisco. George lái xe đưa tôi làm một city tour và sau khi cho tôi biết cảm giác chạy xe trên những con đường dốc đứng trong thành phố, anh đãi tôi món mì dẹt với nghêu, ngon đến mức giờ vẫn béo ngậy mỗi khi nhớ tới. George có một căn hộ áp mái trong một tòa nhà 6 tầng, mọi thứ, từ lavabo, toilet dễ đã có từ hàng trăm năm ; nhưng, nó cực kỳ ấm áp và, đặc biệt, cửa sổ phòng khách của anh luôn như một bức tranh, 5 phút trước có thể nhìn thấy toàn bộ Golden Gate, năm phút sau chỉ còn hai chóp dây văng, mờ mơ trong mây...

Trong căn hộ này, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với bộ sưu tập đồ sộ về tranh của các họa sỹ Việt Nam thế hệ Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm... Năm 2006, khi quay lại đây, George dẫn tôi đi thăm bảo tàng The Young. Rất nhiều điều tôi biết về hội họa và hội họa Việt Nam là nhờ Lan Hương và George. Những lần đi Mỹ, gọi điện thoại về San Francisco, George thường là người bắt máy và lúc nào cũng dõng dạc, "George Belcher" ; khi nhận ra tôi và trao máy cho Lan Hương ông không bao giờ quên nhắc tôi bệnh nấu cháo điện thoại đường dài của vợ.

George lâm trọng bệnh mấy năm nay, đọc FB của Lan Hương thì có thể đoán được là anh đã vĩnh viễn chia tay vợ con. Nhưng, bất cứ lúc nào nghĩ về anh, bên tai tôi lại nghe dõng dạc giọng anh, "George Belcher", và kế đó là hình ảnh một "thằng Mỹ" cao gần hai mét, co tay cho gân guốc nổi lên, nheo mắt cười với mấy nông dân Phú Quốc - trầm trồ khi thấy ông bập bẹ tiếng Việt - "Tôi là xê i a (C.I.A.)". Ông không phải là C.I.A. dù từng phục vụ trong cơ quan "chiêu hồi" của Mỹ ở Việt Nam hồi cuối thập niên 1960s, nhưng cho dù ông có là một "spy" thì đó cũng là "the one we love".

Huy Đức

(31/10/2017)

Published in Văn hóa