Mới đây vợ chồng tôi cùng bạn đi du lịch Hawaii, quê hương của Tổng thống Barack Obama.
Đi chơi hải đảo thần tiên đã nhiều lần, kỳ này chúng tôi chọn Big Island, còn có tên là đảo núi lửa Hawaii.
Bãi biển ở Kona trên đảo Big Island (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Sau 5 giờ bay từ California, máy bay hạ dần cao độ để đáp, nhìn xuống sân bay Kona một bên là biển, bên kia là đất đá đen thấp thoáng những mảng xanh mầu cỏ.
Gió lồng lộng thổi khi hành khách xuống thang máy bay đi bộ vào phòng khách phi cảng, trông như kiểu nhà tranh gió luồn thông thoáng. Đã đi qua nhiều hải đảo ở Thái Bình Dương, tôi thấy phi cảng Kona thua xa Nouméa, Tahiti hay Bora Bora về vẻ hiện đại.
Chúng tôi mua vé máy bay, đặt chỗ ở và thuê xe từ ba tháng trước, lúc tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid bên Hawaii còn gắt, tiểu bang còn không muốn đón du khách vì e ngại dịch lan tràn dịch vụ y tế trên đảo sẽ quá tải.
Đến tháng Tư mức độ lây lan trên đà giảm, các biến thể của Covid không còn nguy hiểm chết người và chúng tôi đã tiêm ba mũi nên không lo lắng nhiều.
Lúc ở trên máy bay, mỗi gia đình nhận một giấy khai báo liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, chứ không phải vấn đề y tế. Trước khi đáp, tiếp viên đi thu lại tờ khai báo, không biết sẽ đưa cho ai, cơ quan chức năng nào và thông tin thu thập từ hành khách dùng để làm gì.
Hai tuần trước tiểu bang đã bỏ các biện pháp kiểm soát Covid với các chuyến bay từ nội địa nước Mỹ nên vừa xuống máy bay, chúng tôi đi thẳng ra ngoài, không phải khai báo hay trình thẻ tiêm Covid.
Đây là lần đầu tiên tôi đến Big Island, với diện tích 4000 dặm vuông, lớn nhất trong các đảo nhưng có ít người sinh sống, khoảng 200 nghìn dân; so với bên đảo Oahu, diện tích chỉ 600 dặm vuông mà có một triệu dân sống tập trung quanh Honolulu.
U.S.S. Arizona Memorial là nơi xác chiến hạm Arizona bị Nhật đánh chìm, gây tử vong cho hơn ba nghìn lính Mỹ ngày 7/12/1941 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Hawai’i gia nhập liên bang Mỹ năm 1959, gồm 137 đảo lớn nhỏ nằm giữa Thái Bình Dương. Dân số là 1 triệu 500 nghìn, hầu hết sống trên mấy đảo chính Oahu, Maui, Hawaii, Kauai, Molokai, Lanai trong đó 1 triệu là gốc châu Á Thái Bình Dương. Đông nhất là gốc Philippines 400 nghìn, Nhật 300 nghìn, Hoa 200 nghìn và Hàn 50 nghìn. Dân bản địa chính gốc Hawaii 300 nghìn. Người gốc Việt có 14 nghìn, theo số liệu năm 2018 của chính phủ tiểu bang.
Tôi có ít nhiều liên hệ với tiểu bang này từ 1975, khi người Việt mới chân ướt chân ráo qua Mỹ tị nạn. Mấy anh lính ở cùng trại tị nạn Camp Pendleton là Nguyễn V.B., Nguyễn V.C., Đoàn V.L. được bảo trợ ra đây sinh sống ở thành phố Kailua, cách Honolulu 15 dặm.
Các anh viết thư kể phong cảnh khá giống quê hương mình, nhưng không đẹp như trong xi-nê. Thực ra người buồn thì cảnh nào có vui. Các anh ở Hawaii thần tiên, cũng như tôi định cư ở vùng Vịnh San Francisco cảnh đẹp, nhưng nào cảm nhận được, vì cuộc đời khi đó buồn da diết với nỗi nhớ gia đình, quê hương và tương lai còn mù mịt.
Một anh viết thư kể sinh hoạt 30/4 năm 1976 bên Honolulu có chiếu phim “Chân trời tím” và tâm sự nhiều khi nghĩ cũng lẩm cẩm và buồn cười thật! kỷ niệm một ngày buồn, mà họ tổ chức rình rang, ăn uống, ca hát như một ngày hội lớn.
Quán phở ở Honolulu (Ảnh : Bùi Văn Phú)
uán phở ở Honolulu (Ảnh : Bùi Văn Ph
Nơi được gọi là “thiên đường hạ giới” nhưng với người Việt khi đó chẳng vui gì, vì bỗng dưng phải xa gia đình, quê hương mà không biết có ngày gặp lại hay không.
Những năm sau Hawaii cũng hấp dẫn người Việt. Thập niên 1980 các anh Nguyễn Q.V., Hoàng Đ. là những người hoạt động cộng đồng ở vùng San Jose đã rời đất liền ra hải đảo sinh sống.
Năm 1985 tôi quá cảnh mấy tiếng ở Honolulu trên đường từ châu Á về lại California nên đón tắc-xi ra phố chơi. Bãi biển Waikiki với những khách sạn sang trọng, gió mát và độ ẩm không cao, đẹp và dễ chịu hơn Pataya hay Ko Samet ở Thái Lan, là các nơi tôi mới ghé chơi mấy tuần trước đó.
Hỏi chuyện tài xế người Việt, anh cho biết ở đây có cả nghìn người Việt, nhiều phụ nữ theo chồng Mỹ qua sống trước năm 1975, nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng hoà, có Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh.
Cuối thập niên 1990 một anh bạn thân di cư từ California ra Hawaii, buôn bán bất động sản. Sau mấy năm rồi trở lại đất liền, anh nói sống ở đó lâu cũng chán lắm, cuối tuần chẳng biết đi đâu vì các đảo thì nhỏ, lái xe đôi ba tiếng đồng hồ đi hết đảo chỉ thấy núi với biển. Hỏi về đời sống người Việt bạn cho biết nhiều người lái tắc-xi, làm chủ sạp hàng trong International Market, mở quán ăn Việt, trồng cây trái.
Mười năm trước gia đình tôi và bạn có chuyến nghỉ hè, ở khách sạn ngay Waikiki. Ăn udon, tempura, sushi, spam rồi cũng ngán nên thèm bát phở và tìm thấy cả chục tiệm. Quán ăn mang tên Sài Gòn cũng có đến dăm tiệm.
Tháng trước lên mạng tìm, thấy mấy chục quán ăn Việt ở Oahu, nhiều nhất quanh Honolulu, nhà hàng, quán phở, tiệm bánh mì. Bên Big Island, thị trấn Kona chỉ hơn 10 nghìn cư dân mà cũng có vài tiệm phở, tiệm bánh mì.
Lần trước ở Honolulu, chúng tôi đã xem văn nghệ truyền thống với vũ công lắc mông theo điệu hula, mặc váy làm bằng lá và mấy cô vũ nữ mang áo ngực bằng vỏ dừa, bên tai cài bông hoa sứ trông thật dễ thương.
Văn nghệ truyền thống Hawaii (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Ở đảo Oahu có Polynesian Cultural Center là bảo tàng văn hoá của Hawai’i. Đến đó xem diễn hành trên sông, mầu sắc rực rỡ, vui nhộn qua nhiều nét văn hoá hải đảo Thái Bình Dương; xem trưng bày về nguồn gốc lịch sử dân Hawaii, nhiều người từ Nam Thái Bình Dương như Fiji, Tonga, Tahiti, Samoa hay xa hơn là từ Tân Tây Lan đã giăng buồm, chèo thuyền đến các đảo của Haiwaii sinh sống từ 800 năm trước.
Luau là bữa cơm truyền thống với thịt heo cuốn lá chuối hun trong đất nhiều giờ. Có món khoai poi như khoai môn, mầu tím nhạt, thơm. Ngồi uống maitai, mojito, tequilla, sling shot thưởng thức tiếng hạ-uy-cầm du dương, tiếng đàn ukelele đơn sơ, mộc mạc hay tiếng trống dập dồn trong ánh đuốc bập bùng lúc hoàng hôn dần khuất trên biển. Đúng là thiên đường hạ giới.
Người châu Âu cũng đã đến thám hiểm các hải đảo Hawaii. Big Island có khu tưởng niệm thuyền trưởng James Cook, được cho là người phương Tây đầu tiên đến đảo này cách đây 250 năm và bị giết chết vì xung đột với dân địa phương.
Trên đảo Oahu có đài tưởng niệm U.S.S. Arizona Memorial ở Pearl Harbour, là căn cứ Hải quân Hoa Kỳ đã bị Không quân Nhật tấn công sáng ngày 7/12/1941, gây thiệt mạng cho hơn ba nghìn lính Mỹ, để rồi ngày hôm sau Hoa Kỳ tuyên bố tham gia Chiến tranh Thế giới II cùng đồng minh đánh bại Phát-xít.
Đảo Oahu với Honolulu là trung tâm thương mại, chính trị của tiểu bang có đông dân nhất, gần một triệu. Big Island đứng thứ nhì về dân số, với khoảng 200 nghìn, kế đến là Maui 150 nghìn, Kauai vài chục nghìn.
Trước thời Covid số du khách đến Hawaii là 17 triệu một năm, tập trung về bãi biển Waikiki, nhưng không phải là bãi biển đẹp nhất của tiểu bang này. Du khách từ Nhật và các nước châu Á đến đây cũng là vì những con phố thương mại dọc theo Waikiki là thiên đường mua sắm.
Bên Big Island, những ngày ở đây chúng tôi lái xe vòng quanh đảo, từ Kona qua Hilo. Đảo toàn đá đen, nhưng chỗ có bãi tắm thì biển đẹp, cát trắng mịn, nước trong xanh và sóng vỗ dồn. Hệ sinh thái thiên nhiên hấp dẫn cho những ai muốn lặn xem phong cảnh, sinh vật dưới nước.
Ở đây có nét quê nhà Việt Nam. Ngoài khí hậu biển như Nha Trang, Phan Thiết, quanh đảo có nhiều hoa sứ trắng, đỏ, hồng, vàng đang mùa nở rộ, hương thơm thoang thoảng trong gió, cùng phượng đỏ ở nhiều nơi. Chợ nông dân có nhiều cây trái như sapôchê, đu đủ, soài, nhãn, vải, măng cụt, mãng cầu dai mà giá chỉ bằng nửa so với California.
Sau hai năm Covid, đời sống hải đảo vẫn chưa bình thường trở lại. Nhiều cửa hàng còn đóng. Nhà hàng thiếu nhân viên phục vụ.
Chúng tôi ở condo nên mua thực phẩm từ Costco về nấu ăn. Vài bữa ra ngoài ăn, phải chờ hơn một tiếng đồng hồ mới được vào bàn, tuy quán có nhiều bàn trống, vì thiếu người phục vụ.
Căn condo ngay sát biển, bắt đầu cho thuê từ năm 2008. Xem sổ lưu niệm từ cuối năm 2019 không có khách cho đến đầu năm nay mới có người thuê trở lại.
Cà-phê Kona nổi tiếng là đặc sản của Big Island. Đi thăm một đồn điền cà-phê mới biết về việc trồng, hái, rang và phân loại cà-phê như thế nào. Cà-phê ở đây có hương vị đặc biệt vì trồng trên đất núi lửa, như ở Việt Nam có cà-phê Ban Mê Thuột cũng nổi tiếng là vì từ vùng đất núi lửa.
Starbucks đã mua 4 nghìn mẫu đất ở Big Island để trồng cà-phê, theo người hướng dẫn tham quan cho biết dù bỏ nhiều tiền nhưng cũng không thể cạnh tranh được với hương vị của Kona Coffee.
Ngoài tắm biển, lên núi xem thác nước, chúng tôi còn đi xem núi lửa. Đi du lịch xem núi lửa phun nghe cũng lạ, nhưng tới Big Island mà không lên miệng núi lửa thì coi như chưa đến đây.
Thực ra toàn đảo này là mấy ngọn núi lửa còn năng động, vẫn âm ỉ đùn lên phún xuất thạch và khói vẫn xì ra ở nhiều nơi trong khu vực miệng núi. Quanh đảo, chỗ nào cũng thấy đất đá đen núi lửa phun lên từ cả triệu năm trước cho đến bây giờ vẫn còn phun.
Tiểu bang Hawaii là một chuỗi đảo, hình thành giữa Thái Bình Dương do núi lửa phun từ đáy biển mấy triệu năm trước. Đảo Big Island là non trẻ nhất, với tuổi đất đá mới chừng 700 nghìn năm, so với Maui hơn triệu năm, Oahu 3 triệu tuổi và Kauai là ở tuổi 5 triệu. Big Island còn trẻ, thỉnh thoảng vẫn phun lên vì vậy có tên là “Đảo núi lửa”.
Tiểu bang Hawaii là một chuỗi đảo, hình thành giữa Thái Bình Dương do núi lửa phun từ đáy biển mấy triệu năm trước.
Hôm chúng tôi đến đây, đọc báo địa phương biết vài hôm trước núi lửa đã đùn lên dung nham, đỏ cả một góc miệng núi. Đó là chuyện bình thường trên đảo và là một hiện tượng hấp dẫn du khách.
Trên Big Island có công viên quốc gia Haiwai’i Volcanoes National Park. Đến đó là đứng ngay gần miệng núi lửa, nhiều chỗ hơi ga từ lòng đất đang phun khói.
Gần đây nhất khi núi lửa phun nhiều, tràn xuống đường chảy vào khu dân cư là năm 2018 và gây ra thiệt hại nhà cửa, ruộng vườn.
Năm 1975 đã có một trận động đất kinh hoàng xảy ra trên đảo, cường độ 7.4, đã tạo ra sóng thần cao đến 14 mét. Khi đó cư dân còn thưa, nên chỉ có hai người chết và vài chục bị thương tuy có thiệt hại nhiều về vật chất.
Nơi nào núi lửa còn hoạt động là nơi đó có động đất. Quả thật như thế. Một đêm đang ngủ bỗng giật mình vì đất rung. Chỗ ở ngay bên bờ biển, sợ sẽ có sóng thần nên chúng tôi chuẩn bị di tản. Chờ ít phút xem sao, vì không biết chấn động vừa đánh thức dậy là đợt rung đầu tiên, rồi cường độ sẽ mạnh lên, hay đã là đợt rung mạnh rồi sẽ giảm. Mấy ngày ở đây, lái xe quanh đảo đã thấy nhiều bảng chỉ hướng di tản trong trường hợp có sóng thần tsunami.
Vài phút sau động đất, mọi sự có vẻ bình thường. Sóng biển vẫn vỗ đều đặn, không lớn hay dồn dập hơn. Lên mạng tìm thông tin và biết độ rung là 4.5 Ritcher, trung tâm chấn động cách Kona hai dặm và ở độ sâu sáu dặm, không sâu lắm so với những lần động đất ở California với trung tâm địa chấn ở độ sâu đến 10 hay 20 dặm, ví thế dù chỉ 4.5 mà chúng tôi cảm thấy đất rung khá mạnh.
Khác với động đất ở California là chấn động lắc ngang qua lại, còn động đất vừa xảy ra là nhồi lên xuống. Sáng dậy biết tin chỉ có hàng hoá rớt khỏi kệ trong siêu thị, một vài kính cửa sổ bị bể và may mắn hay có ai chết hay bị thương.
Dù sao cũng là một trải nghiệm đáng nhớ cho chuyến du lịch đánh dấu ngày chúng tôi và vợ chồng bạn cùng nhau “lên xe bông về nhà…” cách đây 30 năm.
Năm 1992 chúng tôi hưởng tuần trăng mật ở Waikiki. Ba mươi năm sau chọn Kona để kỉ niệm ngày cưới.
Đông người náo nhiệt là Honolulu. Tĩnh lặng ở Big Island, Kauai hay Maui. Chỗ nào cũng là những hải đảo thần tiên. Ra vui chơi. Còn ở lâu sẽ chán.
Bùi Văn Phú
Nguồn : © 2022 Buivanphu, 07/07/2022