"Dẫu biết rằng trong mấy mươi năm hễ ở đâu có Sơn và tiếng hát của Sơn thì cái vòng này càng nới rộng ra, như những làn sóng, khởi đầu từ một điểm xoáy nơi nào đó. Ở nơi điểm xoáy sâu nhất của sông Hương - là vùng tâm tư của những người bạn đang tuổi thanh xuân - ngồi yên, ít lời, đôi môi mỏng thoáng nụ cười, mi mắt chớp sau gọng kính trên chiếc mũi thanh lắng nghe những nổi sôi, những phiền muộn quanh mình, như lắng nghe chính con tim mình (…) tôi xin gọi là - Vùng ưu tư của Huế những năm 1960" (Thái Kim Lan, Nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca)
Trịnh Công Sơn, lần đầu gặp lại - Triển lãm ảnh Trịnh Công Sơn tại Lan Viên Cổ Tích - Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Huế. © Thái Kim Lan
RFI : Kính chào cô Thái Kim Lan, trước tiên tạp chí âm nhạc đài phát thanh RFI rất cám ơn cô vì buổi trò chuyện hôm nay. Được biết sau bao nhiêu năm sinh sống và giảng dạy tại Đức với vai trò là giáo sư triết học, giờ cô quay về Huế hoạt động văn hóa trong vai trò là người sáng lập Lan Viên cổ tích, bảo tàng gốm cổ Sông Hương, nơi đây cũng trở thành điểm hẹn của nhiều văn nghệ sĩ và người yêu mến nhạc Trịnh. Mối nhân duyên bạn bè của cô với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là như thế nào ?
Thái Kim Lan : Trước tiên tôi xin chào tất cả, và chào em Hoài Dịu. Tôi là bạn cũ của anh Trịnh Công Sơn từ những năm thập niên 60. Cho đến khi anh Trịnh Công Sơn mất thì chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Tôi cũng là một trong những người đã được anh Sơn tâm sự nhiều lần về nhân sinh quan của anh, cũng như là về triết học, văn học nghệ thuật trong quãng thời gian trước và sau năm 1975.
RFI : Trong tuyển tập "Một cõi Trịnh Công Sơn" do Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Thụy Kha - Đoàn Tử Hiến chủ biên, cô đã gọi cái vòng bạn bè giữa cô, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những học giả khác là "Vùng ưu tư của Huế những năm 1960", thính giả RFI rất tò mò về điều này, xin cô giải thích thêm.
Lan Viên Cổ Tích - Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Huế
Thái Kim Lan : Khoảng thập niên 60, chúng tôi còn rất trẻ. Chúng tôi lúc ấy là một nhóm sinh viên bạn bè với nhau. Ở Huế, thì người ta có thói quen là bạn bè hay gặp nhau, và thường là trò chuyện về những cuốn sách của mình đã đọc và giới thiệu cho bạn mình đọc để cùng nhau chia sẻ và trao đổi những ý tưởng trong cuốn sách đó.
Như vậy chúng tôi đã trao đổi những thao thức của mình về tuổi trẻ, về thời đại, về đất nước Việt Nam, về hoài vọng của mình, làm thế nào để có thể trau dồi trí thức, để sau này có thể giúp nước. Đó là những hoài vọng của tuổi trẻ cũng như mơ ước có thể phiêu lưu đến những chân trời xa lạ của tư tưởng.
Dạo đó thì chúng tôi chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Âu Châu, về triết học, cũng như về văn học nghệ thuật. Jean-Paul Sartre, Heidegger, Hegel, ngay cả Marx chúng tôi đều đọc qua và đã đưa ra những vấn đề về tri thức luận cũng như là những vấn đề về tôn giáo, về thiền học. Qua đó tôi nhận thấy anh Trịnh Công Sơn rất chuyên chú để nghe chúng tôi bàn cãi và thảo luận. Anh Sơn ít nói, nhưng anh lắng nghe. Và tôi rất làm ngạc nhiên như tôi đã viết ở trong bài "tưởng nhớ Trịnh Công Sơn" (…).
Đóa hoa vô thường (Trịnh Công Sơn) - Hồng Nhung hát.
RFI : Trong nhạc Trịnh, mỗi lời hát, mỗi ca khúc theo cách dùng từ của cô là thường mang một "công án" về cuộc đời, về những triết lý sâu xa, lạ một điều là không những giới tri thức mà cả những người lao động ai cũng mê. Ví dụ như hình ảnh "đá lăn", "vết lăn trầm" hay những lời hát lạ lẫm "không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên", đâu phải ai cũng thật sự hiểu hết ý nghĩa của nó, thế nhưng người ta vẫn cứ nghêu ngao như hát đồng dao khắp phố vậy. Dưới góc nhìn của một giáo sư triết học, cô nghĩ thế nào về hiện tượng này ?
Thái Kim Lan : Đúng rồi, đây là sự mầu nhiệm của nhạc Trịnh Công Sơn, ca từ của anh đi đôi với âm điệu, với nhạc điệu, với nhịp đập, có thể nói là nhịp đập của trái tim. Thành thử, những ca từ như là "vết lăng trầm" có thể không ai hiểu, những người đơn giản không có hiểu nhưng mà họ lại hiểu. Vì nếu khi họ cất tiếng hát, thì họ thấy cái lãng đãng, cái hư vô, cái đồng cảm ngay ở trong những ca từ như vậy. Nó nằm ngay trong tiếng hát hay là lời than, lời reo hay lời ru trong nhạc của Trịnh Công Sơn.
Thành thử, cái thành công của anh dĩ nhiên không phải chỉ ở trong ca từ mà chính là khúc hát của anh nó hợp với ca từ ấy. Ngôn ngữ và âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã hòa quyện với nhau. Chính cái tính cách rất dễ hát của nhạc Trịnh Công Sơn lại phối hợp được với cái triết lý cao siêu của Trịnh Công Sơn.
Đó là một sự phối hợp thiên tài. Chính cái huyền diệu của âm thanh, điệu nhạc, nó đơn giản như vậy, dễ hát như vậy, hóa ra những chữ cao siêu nhất lại trở thành ca dao. Nó trở thành những cái gì rất dễ dàng, và người ta không cần phải hiểu theo kiểu triết lý, nhưng người ta hiểu theo cái nhịp đập con tim của mình.
Thật ra ở trong tất cả các bài ca của Trịnh Công Sơn, lời từ của anh đều phảng phất cái tinh thần, cái suy nghiệm về triết học mà tôi cho đó là một đặc điểm ở trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Anh nói về hư vô, anh nói về hiện sinh, về nỗi buồn, về sự lo âu. Ngay cả khi anh nói về sự phản bội hay là khi anh nói về tình yêu thì tất cả đều có một chút triết lý ở đằng sau.
Bà Thái Kim Lan, người sáng lập Lan Viên cổ tích. © Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngay cả bài ca "Đóa hoa vô thường", chúng ta thấy tư tưởng hiện sinh và triết học Phật giáo rất rõ rệt ở trong lời ca của anh. Và ngay cả tính mâu thuẫn và tính phi lý của lời ca, có nhiều cái người ra không hiểu Trịnh Công Sơn nói gì nhưng mà thật ra chính cái phi lý này cũng là một trong những đặc điểm của thiền học mà anh đã trải nghiệm. Tôi cho rằng Trịnh Công Sơn là một trong những người trải nghiệm về thiền học cũng như Phật giáo rất sâu đậm.
RFI : Ca khúc nào đã gợi nhớ về kỷ niệm của cô và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ?
Thái Kim Lan : Ca khúc "Nhìn những mùa thu đi" và "Diễm xưa" là hai bài hát mà Trịnh Công Sơn thường hát khi chúng tôi gặp nhau và ngay cả khoảng thời gian mà chúng tôi xao xuyến về những vấn đề đất nước hay là những vấn đề hoài niệm, khát vọng, tương lai thì những lúc đó "Nhìn những mùa thu đi" lại được hát nhiều nhất bởi vì ở trong đó có một chút buồn bã của Huế. Nhưng mà cái buồn bã của Huế này nó lại mang đậm tính chất con người, chủ thể, hiện sinh, một cái gì đó riêng tư mà khi bộc lộ ra, thì nó trở thành sự ưu tư chung của tất cả mọi người. Bởi vậy, tôi mới dùng cụm từ "vùng ưu tư" khi nói chuyện về âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Nhìn những mùa thu đi - Nhạc Trịnh Công Sơn - tiếng hát Khánh Ly và Lệ Thu – Courrtesy of Trung Tâm Asia
Diễm xưa được hát, bởi vì Diễm xưa bắt đầu bằng một cơn mưa. Diễm xưa được vũ trụ hóa, được Huế hóa, và vũ trụ của Huế nó mang Diễm đi khắp các vùng trời. Thành thử, trong bài hát này, chúng ta thấy hoàn toàn phong cảnh của Huế, cơn mưa của Huế, những con đường xa vắng của Huế, những con đường đầy lá rụng của Huế, dòng sông chìm đắm trong cơn mưa, trong nỗi nhớ và chiếc cầu cũng mang một nỗi hoài vọng của sự gặp nhau một lần nào đó sau cơn mưa.
Tất cả những cái đó, có thể nói là nỗi lòng của một người Huế. Bởi vậy Diễm xưa không chỉ là riêng tư trong tình yêu. Câu cuối cùng của bản nhạc là "Sỏi đá cũng cần có nhau", ở đây tính cách riêng tư và tính cách chung trở thành một con đường, một thứ đạo. Một thứ đạo mà người Huế nào cũng có thể cảm nhận được.
RFI : Là chủ nhân của Lan Viên Cổ Tích, nơi vừa là bảo tàng cổ vật Sông Hương tại Huế do cô sáng lập, vừa là nơi cô đứng ra tổ chức những đêm nhạc, triển lãm về người bạn của cô, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cô có thể kể nói rõ hơn về những hoạt động này của Lan Viên Cổ Tích không ạ ?
Thái Kim Lan : Lắm khi sự mỏi mệt của thời gian cũng như sự mỏi mệt của yếu tố bên ngoài làm cho con người chỉ còn ngồi hát vu vơ. Nhưng mà cái vu vơ này có thể biến thành những tác phẩm. Và Trịnh Công Sơn là một trong những thí dụ rất điển hình.
Và chúng tôi đã hát Trịnh Công Sơn suốt : nhóm Du Ca của Trần Mạnh Tuấn, của Tấn Sơn, của Phạm Đức Tuấn, rất là nhiều ca sĩ đã đến đây. Ngay cả những người con xứ Huế, những người thế hệ chúng tôi cũng như thế hệ trẻ luôn có dịp đến đây hát nhạc Trịnh. Gần đây chúng tôi và nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã có tổ chức triển lãm ảnh mang tên "Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại" tại Lan Viên Cổ Tích. Tôi thấy rằng chưa có một cuộc triển lãm nào đẹp như vậy trong khu vườn này, chúng tôi : anh Dương Minh Long, chị Trịnh Vĩnh Trinh, chị Trịnh Hồng Diệu và tôi đều đồng ý rằng Lan Viên Cổ Tích là một địa chỉ thích hợp nhất để gợi nhớ "30 năm gặp lại Trịnh Công Sơn".
RFI : RFI tiếng Việt xin trân trọng cám ơn cô Thái Kim Lan.
Diễm xưa – Một cõi đi về - Tình khúc Trịnh Công Sơn
Hoài Dịu thực hiện
Nguồn : RFI, 13/09/2023
Chú thích : "Vùng ưu tư của Huế những năm 1960", được lấy cảm hứng từ bài viết có tựa đề "Trịnh Công Sơn, nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca" của bà Thái Kim Lan, đăng trong bộ tuyển tập "Một cõi Trịnh Công Sơn" do Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và Đoàn Tử Hiến chủ biên.