Trước Thăng Long (Hà Nội) và Huế, Hoa Lư (Ninh Bình) là kinh đô của ba triều đại Việt Nam, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ. Cố đô Hoa Lư vẫn còn đó với bãi lau ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu "tập trận", giờ là khu đất rộng được lát nền chắc chắn.
Đi đò trong khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Courtesy Dân Trí
Ninh Bình mùa sau Tết tràn ngập không khí vui hội đầu Xuân từ tháng Giêng đến tháng Ba. Du khách trẩy hội cũng đi cầu duyên cầu may ở những ngôi chùa cổ hay chùa Bái Đính, rộng 539 ha. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận quần thể chùa Bái Đính có hành lang 1.700 mét dài nhất Châu Á. Mỗi vị La Hán trong số 502 bức tượng được dựng dọc hành lang có nét mặt và tư thế khác nhau.
Tháng Năm và tháng Sáu là thời điểm vụ lúa chín. Nhìn từ đỉnh Núi Múa (gần 500 bậc thang), sắc vàng ươm của những bông lúa trĩu hạt rực rỡ bên dòng nước trong vắt của con sông Ngô Đồng uốn mềm dẫn vào khu Tam Cốc-Bích Động, được điểm xuyết thêm những con đò nhỏ, nhẹ nhàng rẽ nước nhịp theo tay chèo của người lái đò. Trong buổi chiều tà ngắm những tia nắng cuối ngày ẩn sau những ngọn núi đá vôi cao chừng 200 mét, lòng người chợt chùng xuống, nhẹ nhàng thả theo những cánh chim về tổ ở khu Vườn Chim Thung Nham cách đó không xa.
Vẫn nằm trong quần thể danh thắng ở huyện Hoa Lư, Tràng An nổi tiếng là một trong những nơi có cảnh quan tháp Karst đẹp và quyến rũ nhất thế giới. Giữa những ngọn núi dạng tháp là các hố trũng hẹp khép kín, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối xuyên ngầm. Dù đi xe máy hay đi đò trong khu vực này, du khách luôn có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên, trầm trồ vì sự hùng vĩ.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, giới thiệu thêm với RFI tiếng Việt về các khu danh thắng của tỉnh.
"Ninh Bình là tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, hấp dẫn, đặc biệt có hệ thống núi đá vôi và các hang động xuyên thủy với hệ sinh thái độc đáo đan xen với tài nguyên du lịch nhân văn, những di tích lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu như cố đô Hoa Lư đã hình thành và đứng vững từ hàng nghìn năm ; nhà thờ đá Phát Diệm - đây là một quần thể kiến trúc độc đáo, thể hiện sự kết hợp tinh túy giao hòa giữa kiến trúc kiểu chùa đình phương Đông với kiến trúc nhà thờ phương Tây.
Về du lịch sinh thái, có quần thể danh thắng Tràng An đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động là khu du lịch đẹp nổi tiếng của Ninh Bình vẫn giữ những nét nguyên sơ thiên tạo với nhiều hang động và di tích lịch sử có giá trị như vịnh Hạ Long.
Khu du lịch sinh thái Vân Long là vùng đất ngập mang đầy huyền thoại, một điểm du lịch tuyệt đẹp, đồng thời là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước rộng, lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Vườn quốc gia Cúc Phương cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Đó là những tài nguyên du lịch. Có thể nói đây là lợi thế to lớn để phát triển du lịch Ninh Bình".
Dòng sông Ngô Đồng, dẫn vào khu Tam Cốc, nhìn từ đỉnh Núi Múa, Ninh Bình. CC/Tuan Mai
Hiệu ứng phim Kong : Skull Island quảng bá du lịch cho Ninh Bình
Theo số liệu thống kế của sở Du Lịch Ninh Bình được công bố ngày 03/10/2017, trong chín tháng đầu năm, tổng số khách du lịch đến Ninh Bình đạt trên 6 triệu lượt, tăng 10,1%, trong đó khách quốc tế đạt trên 640.000 lượt, tăng 19,6%, khách nội địa đạt trên 5,4 triệu lượt, tăng 9,1%, so với cùng kỳ năm 2016. Ngành du lịch Ninh Bình hy vọng sẽ đón thêm hơn 800.000 lượt khách, trong đó khoảng hơn 200.000 lượt khách quốc tế trong bốn tháng cuối năm vì đây là mùa cao điểm của du khách quốc tế.
Tỉnh Ninh Bình đặt ra mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thật sự vào năm 2030. Theo giải thích của bà Dương Thị Thanh, để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh và Hiệp Hội Du Lịch tỉnh đã đề ra 8 giải pháp để phát triển du lịch bền vững và thu hút khách đến Ninh Bình. Ngoài những giải pháp về cơ cấu, hoàn thiện chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và quảng bá thương hiệu, yếu tố nhân lực và khu vực tư nhân cũng được ngành du lịch của tỉnh chú ý.
Cụ thể là tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tạo việc làm cho người lao động giúp xóa đói giảm nghèo. Bà Dương Thị Thanh giải thích :
"Về chương trình đào tạo của ngành du lịch Ninh Bình, hàng năm thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển du lịch bền vững, bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh du lịch.
Đối với cộng đồng dân cư và những hộ kinh doanh cá thể, ngành thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, hai hoặc ba ngày, về kỹ năng giao tiếp, về nghiệp vụ sơ đẳng để làm sao đó họ biết cách làm du lịch. Đặc thù của du lịch Ninh Bình là phần lớn người nông dân làm du lịch. Chẳng hạn như người chở đò, họ đi cấy đi cầy, khi có khách thì họ chở đò, vì thế ngành du lịch thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao và để cho người ta hiểu được cách làm du lịch và kỹ năng giao tiếp.
Đối với đội ngũ hướng dẫn viên, ngành du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật thông tin về hướng dẫn, thay đổi chính trị kinh tế của đất nước cũng như của địa phương. Tiếp theo nữa là mở các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng giao tiếp của đội ngũ làm du lịch ở các khách sạn nhà hàng hay là chở đò, để giao tiếp với khách một cách tự tin hơn và nhằm mục đích cuối cùng là thu hút khách đến Ninh Bình và phát triển du lịch Ninh Bình ngày càng bền vững".
Khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình.RFI / Tiếng Việt
Du lịch giúp người dân cải thiện đời sống
Anh Dũng là một trong những người đầu tiên kinh doanh dịch vụ khách sạn tại làng Xuân Áng Nội, xã Ninh Xuân, cách khu danh thắng Tràng An chừng 3 km. Nhạy bén trong việc nắm bắt được tiềm năng du lịch của tỉnh, anh đi học hai năm về chuyên ngành, sau đó tự xoay sở tài chính để xây ngôi nhà nghỉ hai tầng Limestone View Homestay. Tuy nhiên, theo anh, không phải ai cũng làm được mà cần sự đồng hành của chính quyền địa phương :
"Đúng là phát triển du lịch thì người dân được hưởng lợi nhiều. Ai có trình độ, học tập, rồi về mở mang việc kinh doanh thì đời sống cũng khá lên. Nhưng chủ yếu, dân bây giờ trình độ rất thấp, chưa học du lịch, chưa học gì nên ít người biết lắm. Nếu nhà nước tạo điều kiện đào tạo hoặc sau khi ra trường mà vay vốn làm ăn thì sẽ tốt hơn.
Thực tế ở Ninh Bình, đúng là du lịch đang phát triển rất mạnh, trong tương lai, cũng như Hạ Long, nếu người dân đáp ứng đủ yêu cầu học hành, rồi có vốn làm ăn kinh doanh, mở nhà nghỉ, mở nhà hàng thì đúng là tốt thật. Người dân tự phát hết, ai biết thì làm thôi. Tôi được đi học hai năm, tìm hiểu về du lịch, rồi đi làm có kinh nghiệm, sau đó đứng ra mở nhưng chính quyền chẳng đến hỏi han tình hình hay hỏi có cần vốn liếng hay không".
Tam Cốc- Bích Động, "Vịnh Hạ Long trên cạn" ở Ninh Bình - courtesy 24h.com.vn
Du lịch phát triển cũng giúp đời sống của người dân được cải thiện. Một số người có đất đai bên ria đường Tràng An, có điều kiện kinh tế hoặc vay được vốn thì mở nhà hàng, nhà nghỉ. Một số khác chuyển sang kinh doanh hàng quán, thuê lại ki-ốt do doanh nghiệp quản lý khu danh thắng Tràng An xây dựng, với giá khoảng 30 triệu đồng mỗi năm. Còn người nông dân thì tham gia chèo đò để có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Anh Dũng giải thích :
"Nếu mà đò thường xuyên thì cải thiện được một chút. Ví dụ như ngày trước, thu nhập từ nông nghiệp, một năm trung bình mỗi người được khoảng 10 triệu đồng. Nếu mà đi đò thường xuyên thì mỗi năm thu nhập được 20-30 triệu, khá hơn một chút.
Nhưng bây giờ, vào mùa du lịch thì được, vào mùa Tết thôi. Ngoài ra những mùa kia thì doanh nghiệp toàn bố trí những người nào lao động để đổi đò. Có nghĩa là, người đi đò phải đi lao động một ngày để đổi một chuyến đò. Ví dụ như những ngày không phải vào mùa khách thì phải đi làm cho doanh nghiệp không công một ngày thì mới được đổi một chuyến đò. Đi lao động có nghĩa là đi nhặt cỏ, trồng cây… mất một công, một ngày 8 tiếng. Hôm sau, doanh nghiệp mới sắp xếp cho một chuyến đò. Một chuyến là 200.000 đồng, nhưng một chuyến phải chia cho hai công, còn có 100.000/ngày.
Một tháng, nếu đều ra thì được khoảng 20 chuyến, nghĩa là lương không bằng công nhân. Hơn nữa, người dân tranh thủ đi đò rồi về nhà người ta nuôi con gà, con trâu, con bò, trồng cây hoa quả. Người ta tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi đò. Công việc chính không phải là đò đâu".
Cổng chính vào khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, nổi tiếng như "vịnh Hạ Long trên cạn" hay "Nam thiên đệ nhị động", Ninh Bình - RFI / Tiếng Việt
Chỉ cách Hà Nội 93 km, du khách hoàn toàn có thể đến du lịch Ninh Bình một ngày hoặc một cuối tuần để tận hưởng cảnh quan còn hoang sơ. Trong những năm gần đây, Ninh Bình đã phát triển nhiều công trình hạ tầng phục vụ du lịch, từ nhà ga mới đến bến xe và con đường Tràng An hiện đại với hai làn đường, tạo điều kiện cho du khách từ khắp miền về tham quan.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 30/10/2017