Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

‘Không loại trừ khả năng có biến chủng Covid né được miễn dịch’

Jonathan Van-Tam, BBC, 07/05/2022

Sir Jonathan Van-Tam, giáo sư và là cựu Phó Giám đốc Y tế nước Anh (England), nói lãnh đạo các nước cần có sự chuẩn bị đối phó với những đại dịch vượt xa hơn dịch cúm hoặc dịch do các virus đường hô hấp gây ra.

sir2

Giáo sư Jonathan Van-Tam, người được báo The Times gọi là "người anh hùng bất ngờ trong đại dịch"

Với cương vị Chủ tịch Danh dự của Hội trí thức Việt Nam (VIS) tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, vị giáo sư gốc Việt có bài giảng mở đầu hôm 6/5 tại Đại học London để chia sẻ những kinh nghiệm và bài học về cách lãnh đạo trong đại dịch Covid-19.

Ông cũng nói với BBC rằng các chuyên gia y tế Anh thường xuyên lo lắng về sự xuất hiện của các biến chủng Covid mới, và không thể loại trừ khả năng một thời điểm nào đó sẽ có biến chủng né được khả năng miễn dịch nhờ vaccine.

Giáo sư Jonathan Van-Tam, người được báo The Times gọi là "người anh hùng bất ngờ trong đại dịch", giữ cương vị Phó Giám đốc Y tế Anh từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2022.

Là một chuyên gia y tế chuyên về bệnh cúm mùa, ông hiện là Trợ lý Hiệu trưởng, Khoa Y Dược tại Đại học Nottingham.

Với những cống hiến của mình trong đại dịch Covid-19, Giáo sư Jonathan Van-Tam đã trở nên nổi tiếng và rất có uy tín với người Anh hai năm qua.

Lãnh đạo y tế 'không bao giờ nên thỏa hiệp về y đức'

Trong bài giảng của mình tại sự kiện ra mắt của Hội trí thức Việt Nam với sự hỗ trợ của Đại Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland hôm 6/5, Giáo sư Van-Tam nói lãnh đạo các nước cần có sự chuẩn bị đối phó với những đại dịch trong tương lai vượt xa hơn dịch cúm hoặc dịch do các virus đường hô hấp gây ra.

Là một người từng lãnh đạo trong ngành y tế Anh nhưng không phải là chính trị gia, Giáo sư Jonathan Van-Tam chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá về lãnh đạo trong đại dịch, trong đó có :

- Trong quá trình lãnh đạo các chiến dịch, chương trình y tế và tư vấn cho chính phủ, không bao giờ thỏa hiệp về y đức và tính chính trực

- Thận trọng và cân nhắc kỹ trong giao tiếp, nhất là qua email. Ghi lại các quyết định một cách cẩn thận, trình bày rõ lý lẽ và lập luận để đưa ra các quyết định đó.

- Thường xuyên xem xét, đánh giá lại tình hình để điều chỉnh kịp thời phương án hành động.

- Khi bắt đầu làm việc gì, thì nghĩ đến điểm kết thúc sẽ ra sao.

- Chọn các 'trận đánh' để tham gia một cách cẩn thận. Trình bày quan điểm của mình, nếu chiến thắng thì sẽ có lợi nhưng không phải bằng mọi giá. Có thể từ chức khi cần thiết.

- Luôn đặt tính nhân văn vào mọi hành động của mình, đối xử tốt với các đồng nghiệp và cộng sự, kể cả trong những bối cảnh đầy căng thẳng và sức ép.

'Không loại trừ khả năng có biến chủng né được miễn dịch'

Trả lời phỏng vấn BBC, Giáo sư Jonathan Van-Tam cho biết đại dịch chưa kết thúc ở nhiều nơi trên thế giới. Đại dịch chỉ giảm nhẹ ở những nước như Anh quốc nhờ có chương trình tiêm chủng.

"Chúng tôi thường xuyên lo lắng rằng có thể sẽ có những biến chủng mới, và tôi tin rằng sẽ có những biến chủng mới", Giáo sư Van-Tam nói.

"Phần lớn các biến chủng mới có thể sẽ không nghiêm trọng, nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng một thời điểm nào đó sẽ có biến chủng né được sự miễn dịch mà chúng ta đã tự trang bị qua tiêm chủng".

"Tôi lo lắng về khả năng đó, mặc dù tôi không thể cho các bạn biết khả năng xảy ra là bao nhiêu. Tôi chỉ có thể nói nó có thể xảy ra".

'Chính trị gia nên lắng nghe tiếng nói của giới khoa học'

Giáo sư Jonathan Van-Tam cho rằng điều hết sức quan trọng là các chính trị gia nên lắng nghe tiếng nói của giới khoa học.

"Nếu bạn theo đuổi bất kỳ một chính sách nào để chống dịch bệnh, không chỉ có Covid mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác, sẽ đến một lúc bạn phải dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa, hoặc các biện pháp đó sẽ thất bại do hành xử của con người".

"Tôi không có chỉ trích gì về bất kỳ ai tìm cách ngăn dịch bệnh không lan vào người dân của họ, nhưng bạn cần phải xây dựng một bức tường phòng vệ đằng sau các biện pháp [hành chính], và đó là chương trình vaccine".

sir1

Giáo sư Văn-Tâm cho biết ông rất "khiêm tốn" khi nhận bằng tiến sĩ danh dự

Truyền thống coi trọng học hành trong gia đình

Giáo sư Jonathan Van-Tam sinh ra tại thị trấn Boston, Anh quốc, vào tháng 2 năm 1964. Ông có mẹ là người Anh, bà Elizabeth, và bố, ông Paul, một công dân Pháp gốc Việt.

Ông nội của ông, Nguyễn Văn Tâm (1893 - 1990) là Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6 năm 1952 đến tháng 12 năm 1953.

Ông nội của ông sang Pháp định cư từ 1955 và sau này qua đời ở Paris.

Bác của ông Jonathan Van-Tam là Nguyễn Văn Hinh (1915-2004), là sĩ quan người Việt đầu tiên được phong cấp tướng ở thời kỳ Liên hiệp Pháp, cấp bậc Trung tướng.

Ngay từ khi còn nhỏ, với tinh thần coi trọng giáo dục vốn có của người Việt Nam, Van-Tam luôn được cha khuyến khích ông học hành.

Giáo sư Van-Tam kể lại trong bài giảng của ông rằng khi nhỏ, ông có lần xin tiền cha để mua xe đạp, truyện tranh, hay đĩa nhạc, và câu trả lời thường là "không", nhưng khi cậu hỏi mua sách, thì cha cậu trả lời : "Con cần mua mấy quyển ?"

"Tôi còn nhớ cha tôi, người đã mất, từng nói rằng chẳng có gì quan trọng hơn học hành", Giáo sư Van-Tam kể với BBC. "Và tôi nghĩ lúc đó, "ôi, không !".

"Với các bạn trẻ Việt Nam xem chương trình này, tôi muốn nói rằng, giờ đây nhìn lại, khi đã từng có thời còn trẻ, khi cha mẹ các bạn nói 'chẳng có gì quan trọng hơn học hành', bạn có thể than thở hay ngao ngán về câu đó, nhưng thực sự, câu ấy hóa ra lại rất đúng".

"Học hành cho bạn kỹ năng và khả năng cho cả cuộc đời bạn. Cái mà bạn có được nhờ giáo dục, không ai có thể lấy đi ở bạn".

"Bạn có thể có tiền, rồi lại mất tiền. Bạn có thể có sức khỏe, nhưng bị mất sức khỏe do bệnh tật".

"Nhưng khi bạn có giáo dục, không có gì có thể lấy mất điều đó từ bạn. Đó thực sự là một món quà".

"Nó rất quan trọng với tôi, với gia đình tôi, và vài thành viên trong gia đình tôi đã từng hoặc đang tham gia vào y khoa".

Nguồn : BBC, 07/05/2022

********************

Giáo sư gốc Việt Jonathan Van-Tam được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ dịp Năm Mới

BBC, 01/01/2022

Giáo sư Jonathan Van-Tam, một người Anh có dòng máu Việt Nam, thuộc trong số những người được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ trong danh sách Năm mới 2022, vừa công bố tối ngày 31/12.

Từ nay, tại Anh, ông Jonathan Van-Tam sẽ được gọi là Sir.

covid3

Chris Whitty và Jonathan Van Tam

Người sếp của ông Jonathan Van-Tam, Giáo sư Chris Whitty - nay là Sir Chris - là giám đốc y tế của Anh và là cố vấn y tế chính của chính phủ Anh, cũng được phong tước hiệp sĩ lần này.

Còn giáo sư Van-Tam là phó giám đốc y tế của Anh từ năm 2017, và đã thu hút công chúng và báo chí Anh bằng những phép ẩn dụ sống động về Covid-19 tại các cuộc họp báo.

Hai người được phong hiệp sĩ lần này nhờ đóng góp của họ trong việc chống dịch Covid-19 ở Anh.

Vào cuối năm 2020 - trong khi mô tả giai đoạn đầu của đại dịch - ông Jonathan Van-Tam nói "rõ ràng là đội khách đã cho chúng tôi một cú đánh lớn".

Một năm sau, vào tháng 11 năm 2021, ông cảnh báo "tiếng còi mãn cuộc chưa thổi" về đại dịch, nhưng đã dự đoán chúng ta đang ở trong "nửa thời gian của hiệp phụ".

"Tôi yêu những phép ẩn dụ", ông nói với BBC vào năm 2020.

Giáo sư Jonathan Van-Tam nổi tiếng qua dịch Covid-19 thế nào ?

Vào năm 2019, giáo sư Chris Whitty chỉ xuất hiện trong hai tin của BBC News.

Cùng năm đó, đồng nghiệp của ông là giáo sư Jonathan Van-Tam chỉ xuất hiện trong một tin của BBC, về chiến dịch tiêm phòng cúm lớn nhất từ trước đến nay của nước Anh.

Vào cuối năm 2019, bài viết về Giáo sư Whitty trên Wikipedia chỉ vỏn vẹn 248 từ ; Giáo sư Van-Tam thì chưa có trên trang này.

Nhưng khi xảy ra đại dịch Covid-19 tới nay, cả hai người đàn ông đã xuất hiện trong hàng trăm câu chuyện của BBC - Whitty 599, Van-Tam 238 tin.

Nếu không có đại dịch, cả hai người vẫn có thể được phong tước hiệp sĩ.

Nhưng chắc chắn rằng họ sẽ không nổi tiếng như hiện nay.

Ông Jonathan Van-Tam sống gần Boston, Lincolnshire, với vợ và hai con trai tuổi thiếu niên. Một cô con gái lớn đã dọn ra ngoài sống.

Ông có mẹ là người Anh và cha là người Pháp gốc Việt – cả hai đều là giáo viên.

Ông nội của ông, Nguyễn Văn Tâm (1893 – 1990) là Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6 năm 1952 đến tháng 12 năm 1953.

Ông nội của ông sang Pháp định cư từ 1955 và sau này qua đời ở Paris.

Bác của ông Jonathan Van-Tam là Nguyễn Văn Hinh (1915-2004), là sĩ quan người Việt đầu tiên được phong cấp tướng ở thời kỳ Liên hiệp Pháp, cấp bậc Trung tướng.

Mới hôm 26/12, báo The Sunday Times có phỏng vấn riêng với ông Jonathan Van-Tam với dòng tít "người anh hùng bất ngờ trong đại dịch".

Tờ báo cho biết ông sinh ra tại Boston, Anh quốc, vào tháng 2 năm 1964, có mẹ người Anh, bà Elizabeth, và bố, ông Paul, một công dân Pháp gốc Việt.

Ông Jonathan Van-Tam nói với tờ báo rằng "tiếng Pháp của tôi không tệ" nhưng cho hay ông nội không kể gì với ông về thời kỳ lịch sử biến động ở Việt Nam.

"Ông nội tôi không nói được nhiều tiếng Anh nên tương đối khó giao tiếp với ông".

Mẹ của ông Jonathan Van-Tam còn sống và sẽ mừng thọ 80 tuổi vào tháng Giêng 2022

Bố của ông đã qua đời năm 2015.

Với những hoạt động của mình trong thời đại dịch Covid-19, ông Jonathan Van-Tam đã trở nên nổi tiếng và rất có uy tín với người Anh. Việc ông được phong tặng tước hiệp sĩ lần này là sự chứng nhận của nước Anh dành cho những đóng góp của ông trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nguồn : BBC, 01/01/2022

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Văn hóa