Nếu như trong những xã hội tự do và dân chủ, sự bất đồng chính kiến là đương nhiên và là sự thể hiện tự do tư tưởng, thì trong một xã hội độc tài toàn trị như Việt Nam, bất đồng chính kiến gắn liền với trí tuệ, dũng cảm và tràn đầy nhân cách.
Ký 1 và Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái - Nhà xuất bản Người Việt, 2018
Dù người dân Việt Nam bị bưng bít thông tin và sự thật, bị nhồi sọ từ bé đến lớn, bị cấm tiếp cận với những giá trị tiến bộ mang tính phổ quát của nhân loại, nhưng vẫn có một số ít trí thức Việt Nam nhận thức được sự phi lý và phản khoa học của ý thức hệ cộng sản đang bao trùm lên toàn cõi Việt Nam. Và họ đã lên tiếng để cảnh báo, phán xét và chống lại ý thức hệ phi lý đó bằng các giải pháp ôn hòa, thường là thông qua các bài viết và các buỗi gặp gỡ mang tính riêng tư. Đó chính là những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Họ là nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, sĩ quan lực lượng vũ trang, là trí thức, là sinh viên, nhà giáo, luật sư….Từ chỗ ít ỏi và phân tán, số lượng các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên với tốc độ chóng mặt, và có mật độ phân bố càng ngày càng rộng khắp.
Hiện nay, Việt Nam có một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Bùi Tín (đã mất), Cù Huy Hà Vũ, Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính (đã mất), Hà Sĩ Phu, Lê Chí Quang, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Hộ, Nguyễn Hữu Chánh, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Giản, Phạm Hồng Sơn, Thích Huyền Quang, Thích Không Tánh, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Quốc Hiền, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đan Quế, Tô Hải (đã mất), Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Phạm Quế Dương… Nếu như chính quyền Việt Nam coi những nhà bất đồng chính kiến là cái gai cần phải nhổ và đã tiến hành bỏ tù nhiều nhà bất đồng chính kiến, thì trong nhận thức của những người Việt Nam yêu chuộng tự do và dân chủ, những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam chính là biểu tượng của những khát vọng tốt đẹp, biểu tượng của lòng yêu nước và là biểu tượng của trách nhiệm công dân. Họ đại diện cho lương tri người Việt còn sót lại sau một thời gian dài bị chính quyền làm phai mờ.
Nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã lìa xa cõi trần vì già yếu, vì bệnh tật, và nhiều người đã già, có thể đi xa bất cứ lúc nào. Làm thế nào để khắc họa chân dung và tính cách của một số nhà bất đồng chính kiến để mọi người biết đến, để lưu lại cho những thế hệ mai sau, đó là trăn trở của nhiều nhà báo, nhà văn bất đồng chính kiến ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhưng vì nhiều lý do, chủ yếu là lý do vật chất (người viết không có kinh phí đi lại để tiếp xúc với nhân vật), lý do an ninh (an ninh cấm cản), một số nhà văn, nhà báo bất đồng chính kiến ở trong nước đã không thể thực hiện được ước nguyện của mình.
Nhưng, khi các nhà văn, nhà báo bất đồng chính kiến trong nước không thể thể hiện được chân dung của những người công chính, đã có một nhà báo người Việt Nam ở nước ngoài làm được điều này. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người Việt Nam vượt biên vào năm 1984 và đến Mỹ định cư vào cuối năm 1984, đã kiên trì đeo đuổi một chủ đề báo chí khó khăn : ký sự và phỏng vấn các nhà bất đồng chính kiến tiêu biểu của Việt Nam. Đây là một công việc- một đeo đuổi không hề dễ dàng bởi vì các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam đều sống ở trong nước và rất thiếu thốn phương tiện liên lạc. Kể từ khi Việt Nam tương đối phổ cập về điện thoại để bàn và cởi mở về viễn thông quốc tế vào năm 1997, nhà báo Đinh Quang Anh Thái mới có cơ hội tiếp xúc với các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam thông qua điện thoại đường dài. Qua các cuộc điện thoại, hình hài và chân dung các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam hiện dần lên.
Cuốn sách Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái, được Nhà xuất bản Người Việt Book tại Hoa Kỳ xuất bản vào cuối năm 2018 và len lỏi về Việt Nam vào giữa năm 2019, tập hợp 5 bài ký sự về 5 nhà bất đồng chính kiến nổi bật ở Việt Nam. Đó là tướng Trần Độ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), nhà văn Dương Thu Hương, đại tá Phạm Quế Dương, nhà báo Lê Phú Khải. Ký 2 cũng tập hợp 9 bài phỏng vấn nhà văn bất đồng chính kiến Dương Thu Hương. Dung lượng thông tin mà Ký 2 dành cho nhà văn Dương Thu Hương khá nhiều cũng là điều dễ hiểu : khi Dương Thu Hương được tị nạn chính trị tại Pháp, nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã có cơ hội gặp bà nhiều lần và tự do tác nghiệp.
Năm nhà bất đồng chính kiến trong Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái hiện hình lên rất tự nhiên và trung thực thông qua những tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp. Đinh Quang Anh Thái với phẩm tính của một nhà báo là trung thực và khách quan, cụ thể và lạnh lùng, đã không hề bình luận hay đánh giá về năm nhà bất đồng chính kiến. Anh để cho sự việc, để cho những lời trả lời phỏng vấn nói lên tính cách và chân dung của họ.
Đó là một tướng Trần Độ điềm tĩnh đến lạ lùng, lí trí đến lạ lùng nhưng cũng nhiệt huyết đến lạ lùng.
Đó là tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ trí tuệ và sắc sảo đến không ngờ, can đảm đến không ngờ và cũng đằm thắm đến không ngờ.
Đó là nhà văn Dương Thu Hương với những tính cách cổ quái, những phát ngôn mang tính trực diện và có phần bỗ bã. Nhưng ẩn dấu sau những cổ quái, bỗ bã đó, nữ nhà văn - "mụ nhà quê răng đen mắt toét" - là điển hình của tư duy độc lập mạnh mẽ đến kinh dị, là thái độ lựa chọn lý tưởng mạnh mẽ đến kinh dị, là tình yêu đất nước và con người Việt Nam điên cuồng đến kinh dị.
Đó là đại tá Phạm Quế Dương nhân hậu đến không tưởng, nhân bản đến huyễn tưởng.
Đó là nhà báo Lê Phú Khải luôn tự dằn vặt mình về lựa chọn trong quá khứ, suy tư với hiện tại và luôn lạc quan về tương lai.
Trong sách Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái, năm nhà bất đồng chính kiến Việt Nam xuất hiện một cách tự nhiên, không ồn ào và không hề đanh thép. Ký 2 mang đến cho người đọc một nhận thức rằng, trí tuệ và sự dũng cảm dấn thân của năm nhà bất đồng chính kiến Việt Nam là một tính cách, là một thuộc tính chứ không phải là một sự kiện ồn ào.
Cuộc sống luôn luôn biến đổi và nhận thức của con người cũng luôn luôn thay đổi. Vì vậy, những đánh giá, bình luận và phán xét về những nhân vật lịch sử sẽ mau chóng chìm vào quên lãng, nhưng tư liệu và sử liệu về những nhân vật lịch sử sẽ không bao giờ bị chìm vào các chuỗi biến động. Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái ngập tràn những tư liệu và sử liệu sống động, xứng đáng để người đọc tìm đến, và xứng đáng để trở thành những tư liệu quý của Việt Nam trong tương lai- một Việt Nam có tự do và dân chủ.
Tâm Don
Nguồn : VNTB, 29/10/2019