Tương truyền, Vua Trần Duệ Tông (1337-1377) có một người cung phi tên Nguyễn Thị Bích Châu được sủng ái vô cùng. Khi thấy tình hình triều chính suy yếu, bà Bích Châu đã dâng lên nhà vua "Kê Minh Thập Sách" - mười điều khuyên về trị quốc an dân, nhưng không được vua Duệ Tông nghe theo. Ngày nay, mười điều khuyên của bà Bích Châu vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, bởi tệ tham nhũng, lạm quyền, nhũng nhiễu người dân đang làm suy yếu đất nước.
Tượng thờ bà cung phi Nguyễn Thị Bích Châu tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. RFA
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Sỹ Hùng cho biết thời điểm lần đầu tiên câu chuyện về bà cung phi Nguyễn Thị Bích Châu và "Kê Minh Thập Sách" được ghi lại một cách rõ ràng :
"Vào thế kỷ XVIII, có một nữ văn sĩ là bà Đoàn Thị Điểm (1705-1749) có viết một quyển sách có tên "Truyền Kỳ Tân Phả". Trong quyển "Truyền Kỳ Tân Phả" đó duy nhất trong quyển sách ấy có chép về câu chuyện "Hải Khẩu Linh Từ". Câu chuyện "Hải Khẩu Linh Từ" này chính là câu chuyện kể lại về Chế Thắng Phu Nhân ở vùng chế ngự ấy".
Theo "Truyền Kỳ Tân Phả", sau khi không khuyên can nổi vua Trần Duệ Tông không nên nóng vội cất quân đi đánh Chiêm Thành năm 1376, bà Bích Châu đã xin đi theo ra trận. Khi đoàn quân tới cửa biển Kỳ Hoa - nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thì gặp thời tiết bất lợi. Đêm ấy, Vua Duệ Tông được báo mộng, phải hiến tế cho thần biển một người vợ thì mới có thể tiến quân tiếp. Sáng hôm sau, vua truyền gọi các tướng, các phi tới để nghe chuyện, bà Bích Châu liền quyết hiến thân để giúp nhà vua.
Năm 1471, Hoàng đế Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, qua chỗ bà Bích Châu đã trầm mình. Bà hiện lên báo mộng cho vua Lê và xin làm lễ giải thoát. Biết chuyện bà Bích Châu, vua Lê lập đàn làm lễ cầu giải thoát cho bà, lập đền thờ với tên "Hải Khẩu Linh Từ" - nay thuộc xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, truy phong bà làm Chế Thắng phu nhân.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Na trong một công trình nghiên cứu công phu và có nhiều phát hiện về "Truyện ngắn trong sự phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại", đã đối chiếu các tình tiết trong trục chính của cốt truyện với chính sử Việt Nam - Đại Việt sử ký toàn thư, phần Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông và đi đến một nhận xét rằng :
"Mọi chi tiết trong truyện Đền thiêng cửa bể của Đoàn phu nhân đầu thế kỷ XVIII đều "khớp" với lịch sử, chính xác đến từng năm, từng tháng và kể cả thời tiết... của thế kỷ XIV - XV".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh cho rằng, phong cách văn chương của Đoàn Thị Điểm là "người thực việc thực", và tục hiến tế trong xã hội phong kiến lạc hậu là có thật. Do đó, bà Băng Thanh tin rằng, tồn tại nguyên mẫu về bà Nguyễn Thị Bích Châu và "Kê Minh Thập Sách".
"Kê Minh Thập Sách" do bà cung phi Nguyễn Thị Bích Châu viết dâng lên vua Trần Duệ Tông khi tình hình triều chính suy yếu, có lời lẽ ngắn gọn, xúc tích, bao hàm sách lược và chiến lược về ba vấn đề then chốt của quốc gia : chính trị, văn hóa và quân sự.
Tóm tắt về nội dung của "Kê Minh Thập Sách", Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh đánh giá :
"Tôi thấy đây là những tư tưởng lớn, còn nếu đi vào cụ thể thì có thể khai thác rất cụ thể ngay cả về mặt văn hóa, học thuật cũng phải là chấn hưng lên. Nhất là việc rộng đường ngôn luận, dám nghe, dám mở đường cho dân, cho các quan, cho mọi người có thể nói. Gọi là mở rộng đường ngôn luận, và như thế cũng là rất cởi mở".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Sỹ Hùng nhìn nhận, Hải Khẩu Linh Từ - nơi thờ bà Bích Châu là một biểu tượng văn hóa, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn mang ý nghĩa giáo dục tình yêu nước, bảo vệ biên cương tổ quốc thông qua 10 bài học có trong "Kê Minh Thập Sách".
"Tất cả - Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái… các dân tộc sống ở gần ở xa đều phải hướng về biểu tượng của Hải Khẩu Linh Từ - là người đã nêu lên mười bài học để bảo vệ đất nước lâu dài, trong đó có chống tham nhũng, cương quyết chống thù trong giặc ngoài, giáo dục đội ngũ binh sĩ của mình, giáo dục lòng yêu nước".
Hiện tình chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn tệ nạn tham nhũng, sách nhiễu người dân ; quyền tự do ngôn luận còn bị hạn chế ; người dân lao động còn chịu nhiều khó khăn và đè nén. Do đó, "Kê Minh Thập Sách" vẫn còn vẹn nguyên giá trị và không hề lỗi thời.
Theo bà Trần Thị Băng Thanh, bài học của tiền nhân cần phải được chọn lọc, áp dụng trên tinh thần phương pháp luận và rút kinh nghiệm. Ngay chính "Kê Minh Thập Sách" của bà Bích Châu có viết, "... Bỏ điều dở mà làm điều hay, xin bệ hạ lượng nghĩ. Nước được trị, dân được yên, thiếp mong lắm vậy".
"Không ngờ một tài liệu - nếu nói là của bà Bích Châu, thì từ thế kỷ XIV ; từ Đoàn Thị Điểm thì cũng là thế kỷ XVIII đến giờ mà nó lại thời sự đến thế. Nó như là những vấn đề đang hiện diện. Thế nên tôi thấy chúng ta đều có thể gạn lọc, bắt chước, học tập để xây dựng cho đất nước, áp dụng vào những việc ngày nay của chúng ta".
Ông Trương Sỹ Hùng nhấn mạnh đến bài học chống tham nhũng và chống việc những người không có tài đức "mua quan bán tước" trong hệ thống cơ quan nhà nước.
"Cái bài học chống tham nhũng, và bài học chống cái bọn gian tham nịnh thần biểu hiện rõ thế nào trí tuệ của Chế Thắng Phu nhân, mà xét đến cùng, trí tuệ ấy là trí tuệ đúc kết của các thế hệ giai cấp lãnh đạo của thời kỳ phong kiến tự chủ của dân tộc ta. Cho nên tham nhũng chống được. Bọn nịnh thần - thực chất, xét đến cùng là bọn dốt nát, chạy bằng những con đường này khác để chiếm được cái ghế, vị trí nhất định rồi thì lừa lọc, móc túi dân đen. Nói thẳng là như vậy, vì nó dốt nát, cho nên nó phải móc túi bằng cách nó mua một cái chức tước nó ngồi. Thế thôi !"
Còn bà Băng Thanh nêu lên bài học mở rộng đường ngôn luận để phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài hiến kế sách phát triển quốc gia.
"Nếu Chính phủ, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng mà biết đọc, sàng lọc qua, kể cả các facebook, các blog, các mạng xã hội, thì tôi tin rằng, có thể tìm được trong đó nhiều người, và có những ý kiến, nhiều kế sách nhiều khi rất cụ thể, bài bản. Cái đấy là phải chọn lọc được trong đấy".
Ngay điều đầu tiên của "Kê Minh Thập Sách" - đó là "bền gốc nước, bỏ điều tàn bạo thì lòng người được yên" là một điều khuyên răn đối với mọi chính quyền. Như chính quyền Việt Nam hiện nay cần áp dụng trong cải cách thể chế, cải cách pháp luật và kinh tế để người dân thực sự được làm chủ đất nước, có cuộc sống yên vui. Dân là gốc, gốc có "bền" thì nước mới mạnh.
Nguồn : RFA, 12/04/2018