Phân trâu & cứt ngựa
Tưởng Năng Tiến, RFA, 09/06/2020
Thây xác trưng ra đó
Còn chưa đủ thối inh ?
Mua chi thêm bầy ngựa
Cứt vung cả Ba Đình !
Trần Bang
Ngày 8 tháng 6 năm 2020, báo chí Nhà Nước đều đồng loạt và hớn hở đi trên trang nhất một tin vui lớn : "Cảnh Sát Cơ Động Kỵ Binh Lần Đầu Ra Mắt". Nhân dịp này Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân long trọng phát biểu : "Với sự quyết tâm của Bộ Công an, của Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, không ngại khó, ngại khổ của các cán bộ, chiến sĩ, đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận".
Dư luận – buồn thay – lại có những "ghi nhận" hoàn toàn khác, và rất… lạc đề :
- Minh Nguyen Khue : "Lướt qua facebook thấy tin chính hôm nay là Ngựa và cứt Ngựa".
- Trần Hoàng Hà : "Hôm nay không dám lướt Facebook vì trên đó chỉ toàn cứt ngựa".
- Huynh Ngoc Chenh : "Dân thủ đô chơi íu đẹp, đoàn kị binh oai hùng ra mắt không chụp ảnh ngựa lại chụp phân ngựa và cảnh dọn phân".
- Vu Dinh Kh : "Binh chủng kỵ binh trân trọng giới thiệu ra quân, dắt ngựa cho ỉa đầy đường".
- Paul Trần Minh Nhật : "Xã hội đảo lộn, ngày xưa thầy cô bảo "nhỏ không học thì lớn lên có mà hốt c*t". Không ngờ một ngày cơ động mặc cảnh phục lại kiêm luôn nghề hốt cứt".
"Xã hội đảo lộn, ngày xưa thầy cô bảo "nhỏ không học thì lớn lên có mà hốt c*t".
Thiên hạ, xem chừng, đều coi thường cứt ngựa. Dường như không ai biết rằng Việt Nam là nơi duy nhất đã từng có người nợ cứt, và phân trâu/phân bò đều là của hiếm ! Hổng tin, và nếu rảnh, xin đọc qua vài dòng trong cuốn hồi ký (Chiều Chiều) của Tô Hoài :
"Năm ấy, tôi ở một tổ đi thực tế nông thôn, nửa năm về Thái Bình. Tổ tôi có tổ trưởng Hoàng Trung Thông với các tổ viên : Chu Ngọc, Phùng Quán, Trần Lê Văn, Hoàng Cầm… "Chúng tôi bàn việc làm hố phân… Hai người một hố phân xanh. Các nhóm khác hình như cũng làm thế. Hố phân chúng tôi đào ngoài góc vườn chè… Quán kể nông nỗi đi gắp phân như là đọc một mẩu chuyện trên báo. Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra cổng đồng còn tối đất. Những con trâu, con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự nhiên tới rệ cỏ ven hào nước thì đứng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, trẻ con trong xóm mắt nhắm mắt mở lốc nhốc kéo ra, ngồi bĩnh đấy. Hai thanh tre của Quán mở ra gắp lên sọt tuốt cả phân trâu, phân người. Tìm ra những con đường phân này cũng chẳng phải tài giỏi riêng Quán, mà sáng nào cũng có người nhặt phân từ các ngõ xóm ra cổng đồng, đi muộn có khi hết… Cục cứt ở trong ruộng người ta cũng không được đụng vào. Sáng nay thôi, tôi hót bãi phân dưới ruộng, một tên đến sừng sộ ngay. Con trâu hay thằng người ỉa ruộng tôi làm là phân của nhà tôi, anh lên đường cái mà hót…".
Kể từ cái "năm ấy" cho đến năm nay là một khoảng thời gian không ngắn, cùng với biết bao nhiêu là cay đắng và máu xương (của mấy thế hệ người) Việt Nam mới có được một Đội kỵ binh diễn hành ngay giữa thủ đô Hà Nội. Trông tuy hơi lùi xùi, và cũng hơi kém vệ sinh nhưng đây vẫn là một bằng chứng hiển nhiên của sự tiến bộ.
Người dân đi từ hoàn cảnh khó khăn phải làm phân giả, chịu nợ cứt, tranh dành nhau từng bãi cứt trâu… cho đến lúc phân ngựa vương vãi khắp nơi mà không ai thèm nhặt là… một bước tiến rất dài – hay nói theo ông Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (Hồ Quang Lợi) là "thế nước đang lên".
Cho dù là có "lên hơi chậm" chăng nữa thì đây vẫn là niềm vui và hãnh diện chung của cả nước ta. Mọi lời tiếng châm biếm, mỉa mai (nghe ra) đều vô cùng lạc lõng, và hoàn toàn đi ngược với bánh xe lịch sử !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 10/06/2020 (tuongnangtien's blog)
*******************
Đầu còi và ngựa cỏ
Cánh Cò, RFA, 10/06/2020
Những con ngựa cỏ xuất thân từ Mông Cổ chạy lệt phệt, phân vãi tứ tung trước quảng trường Ba Đình làm cư dân mạng một phen có dịp đùa vui trong những ngày sau dịch. Người ta phân tích, phê phán và nhất là cười cợt Trung đoàn Kỵ binh mới thành lập chào mừng Quốc hội với những thông tin phần lớn cho rằng Bộ Công an sở dĩ tậu đám lừa này vì có thể chấm mút được. Bên cạnh đó một yếu tố khác rất quan trọng : Vì ngựa nhỏ con làm cho người cưỡi chúng có vẻ cao lớn hơn hẳn.
Những chú ngựa cỏ ấy nếu dùng vào việc thồ hàng hay kéo xe cho khách du lịch như Đà Lạt đang làm có vẻ hợp lý hơn khi dùng chúng vào việc diễn hành hay chào đón các nhân vật tầm cỡ thế giới.
Những chú ngựa này nếu được mang lên Đà Lạt đứng cạnh với những con ngựa cỏ của đồng bào thiểu số ở xã Lát, Đa Sar (Lạc Dương) thì người ta dễ cho rằng lính ông Tô Lâm đã mua giống ngựa này tại Đà Lạt chứ chả phải xa tận Mông Cổ như trong báo cáo tài chánh mà Bộ Công an sẽ giao cho đơn vị thanh toán. Giới nuôi ngựa ở Đà Lạt dùng tên ngựa cỏ để ám chỉ trọng lượng trung bình của một con ngựa trưởng thành chỉ khoảng từ 200–250 kg. Tuy thân hình chúng nhỏ nhưng lại dẻo dai, bền bỉ phù hợp để thồ hàng và kéo xe trên mọi địa hình hiểm trở.
Những chú ngựa cỏ ấy nếu dùng vào việc thồ hàng hay kéo xe cho khách du lịch như Đà Lạt đang làm có vẻ hợp lý hơn khi dùng chúng vào việc diễn hành hay chào đón các nhân vật tầm cỡ thế giới. Thế nhưng người ra vẫn bất chấp ý thức thẩm mỹ và hiệu quả thực dụng của chúng miễn sao đạt được mục đích khoe mẽ : Người ta có thì mình cũng phải có.
Vì ngựa nhỏ con làm cho người cưỡi chúng có vẻ cao lớn hơn hẳn.
Tình chất khoe mẽ mà không hề bị quản thúc bởi luật pháp hay dư luận ấy không phải chỉ ở con ngựa mà chúng xuất hiện hàng vạn trường hợp ở người, mà thường là những người có bằng cấp, học vị.
Bên cạnh những chú ngựa cỏ ấy xuất hiện thêm một bộ óc còi làm cho câu : "cặp đôi hoàn hảo" trở thành sống động. Ngựa cỏ vì bản thân của chúng vốn nhỏ con muốn lớn cách nào cũng không được. Chúng không thể trở thành tuấn mã nhưng chúng có ích nếu biết đặt chúng vào đúng vai trò mà thượng đế đã đặt để cho chúng. Nhưng một bộ óc được xem là còi như một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng thì do bản chất của người sở hữu bộ óc ấy. Bộ óc thiếu dinh dưỡng vì không chịu học hỏi, tư duy vốn là dưỡng chất để nuôi bộ não. Bộ não của một Phó Giáo sư Tiến sĩ không thể thiếu kiến thức hàn lâm về vấn đề mà ông ta nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam những người có học hàm học vị ngất ngưỡng lại làm những việc mà học sinh trung học thường làm không hề hiếm.
Trường hợp mới nhất là cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên cùng với Thạc sĩ Hà Thị Quế Hương biên soạn do Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản.
Cuốn sách này như nhiều cuốn khác nếu không ai phát hiện những sai trái của nó có lẽ là mầm loạn tiềm ẩn cho biết bao thế hệ sinh viên học sinh khi chính Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ra đỡ đầu qua việc xuất bản. Báo chí đã chỉ ra ít nhất 60 lỗi sai chính tả của cuốn sách khi bản thân nó là một cuốn tự điển chính tả, cuốn sách có nhiệm vụ hàng đầu là giúp sinh viên học sinh hay những ai quan tâm tới việc viết đúng chính tả lấy làm tiêu chuẩn học hỏi nhằm góp phần làm trong sáng tiếng Việt.
Cuốn sách là một thảm họa về giáo dục nhưng bản thân người viết sách lại là một thàm họa khác về văn hóa và nhân phẩm.
Ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng người chủ biên cuốn sách mạnh miệng với báo chí rằng đó không phải là cái sai của người biên soạn. Ông cho rằng "không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia"
Để chứng minh ông cho rằng "xét sử", viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử vì những tổ chức như Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Văn phòng Chính phủ đều viết như vậy. Ông đồng thời cho rằng có thể rút ngắn nhóm từ mà không sợ sai lạc, chằng hạn như tài sản công là công sản, bảo hiểm Việt Nam là Bảo Việt…
Những giải thích như vậy càng chứng tỏ ông được giáo dục trong một guồng máy nếu không có trục trặc vì lý do chính thể cũng bại hoại vì những tư duy thiếu khả năng phân tích như ông. Nếu có học đúng như học vị của ông là một Phó giáo sư ắt hẳn ông phải khẳng định "Xét sử" là sai và không có cách nào biện hộ cho cách dùng cẩu thả như vậy. Riêng việc rút gọn chữ mà ông đồng tình thì ai cũng biết Bảo Việt là danh từ riêng, nó không thể đại diện cho bảo hiểm Việt Nam mặc dù người đặt ra nó có hàm ý như thế đề câu khách.
Khi ông viết : Xa trường thay vì Sa trường, Táng gia bại sản thay vì Tán gia bại sản, Xỉ nhục thay vì Sỉ nhục, Reo rắc thay vì Gieo rắc, Trừu mến thay vì Trìu mến…. thì ông đã lộ rõ sự "dốt hay nói chữ" chứ không phải có mục đích gì cao cả như ông ngụy biện.
Tài học của ông chỉ có thể cưỡi nhưng con ngựa cỏ mà ngao du, bởi nhưng chú ngựa này sẽ lấy làm vinh dự được chở trên lưng một bộ óc còi vì thiếu dinh dưỡng như ông. Nếu chúng có vãi phân đầy đường cũng bởi do càng ngẫm nghĩ cuốn tự điển của ông chúng càng khó nhịn.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 10/06/2020 (canhco's blog)
Đội Vệ Binh Cộng Hòa Pháp, trước đây là Vệ Binh Paris, được thành năm 1666 dưới thời vua Louis XIV. Vào thời kỳ đó, 120 kỵ binh của đội Vệ Binh Paris chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ nhà vua, bảo vệ thủ đô Paris cũng như dân chúng sống trong thành phố. Dưới thời hoàng đế Bonaparte, vào đầu thế kỷ XIX, đội Vệ Binh Paris trở thành một đơn vị của quân đội Pháp và tham gia công cuộc chinh phục Châu Âu.
Lính Vệ Binh Cộng Hòa Pháp trước Điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) tại Paris. Ảnh chụp ngày 28/08/2017. LUDOVIC MARIN / AFP
Giờ đây, Vệ Binh Cộng Hòa có hai trung đoàn bộ binh, trong đó có một đội xe moto, một đội quân nhạc, dàn đồng ca, thêm vào đó có một trung đoàn kỵ binh. Quân số tổng cộng của Vệ Binh Cộng Hòa là 3.000 người.
Pháp là nước mà các nghi lễ quân đội đã ăn sâu bám rễ và trở thành truyền thống quốc gia. Vì thế, Vệ Binh Cộng Hòa có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức, lễ nghi quân đội cấp nhà nước, tại các sự kiện có sự hiện diện của tổng thống Pháp hoặc các nguyên thủ nước ngoài. Đội nhạc và đội kỵ binh của Vệ Binh Cộng hòa đặc biệt có vai trò quan trọng trong các buổi lễ chính thức như lễ diễu binh chào mừng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07 trên đại lộ Champs-Elysées. Họ cũng có nhiệm vụ thực hiện nghi lễ tôn vinh chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện vào mỗi phiên họp của Hạ Viện và Thượng Viện.
Lính Vệ Binh Cộng Hòa đứng gác trong một sự kiện ngoại giao được tổ chức tại điện Elysée, ngày 10/04/2017. LIONEL BONAVENTURE / AFP
Vệ Binh Cộng Hòa cũng có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho phủ tổng thống, phủ thủ tướng, trụ sở Hạ viện và Thượng Viện, trụ sở Hội đồng bảo hiến, trụ sở các cơ quan chính phủ như bộ Nội Vụ, bộ Tư Pháp, bộ Ngoại Giao, bộ Quốc Phòng, tòa án Paris … Trong một số tình huống đặc biệt, Vệ Binh Cộng Hòa được huy động làm nhiệm vụ tăng cường bảo vệ đại sứ quán Pháp tại nước ngoài. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh được 900 binh lính đảm bảo mỗi ngày, trong đó có những lính bắn tỉa thiện xạ được đơn vị đặc nhiệm GIGN của quân đội Pháp sát hạch hàng năm.
Nhiệm vụ thứ ba của Vệ Binh Cộng Hòa là bảo đảm an ninh tại các nơi công cộng, quanh các sân vận động, trên đường phố, tại các khu trung tâm có đông khách du lịch … Vệ Binh Cộng Hòa có bảy trung đội chuyên làm nhiệm vụ truy tìm, khám xét nơi ở của các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, hộ tống các tù nhân đặc biệt … Các lính lái moto của Vệ Binh Cộng Hòa thực hiện nhiều chuyến tháp tùng, hộ tống nguy hiểm, đảm bảo an ninh trong các giải đua xe đạp, trong đó phải kể tới giải đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp kể từ năm 1953. Nhiệm vụ an ninh còn có sự góp mặt của khoảng 40 kỵ binh, được đặt dưới sự chỉ huy của sở Cảnh Sát Paris.
Ngoài ra, với uy tín của mình, Vệ Binh Cộng Hòa còn được nhiều nước mời ký kết đào tạo kỵ binh hoặc các hỗ trợ thành lập các đơn vị kỵ binh cho các nước này.
Đội kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa
Trung đoàn kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa là đơn vị non trẻ nhất trong quân đội Pháp, nhưng lại là đội kỵ binh lớn nhất thế giới, với tổng cộng 480 chú ngựa. Ngoài 3 đơn vị kỵ binh (mỗi đơn vị có 3 sĩ quan và 115 hạ sĩ quan), một trung tâm huấn luyện, một đội kèn trống, một đơn vị bác sĩ thú ý, một đơn vị thợ bịt móng ngựa và các xưởng nghề truyền thống : xưởng may đo trang phục, xưởng chế tạo vũ khí và xưởng chế tạo yên ngựa.
Nói về nhiệm vụ của kỵ binh, Trung tá Philippe Delapierre, chỉ huy trưởng trung đoàn kỵ binh giới thiệu : "Trung đoàn kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa là trung đoàn được thành lập sau cùng trong quân đội Pháp. Kỵ binh có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ được biết đến nhiều nhất là thực hiện nghi thức lễ tân với đoàn hộ tống bằng ngựa. Mang tính biểu tượng lớn nhất là đoàn hộ tống trong lễ Quốc Khánh Pháp 14/07 với 240 kỵ binh hộ tống tổng thống trên đại lộ Champs-Elysées. Nhưng một nhiệm vụ khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của đội kỵ binh là bảo vệ an ninh công cộng : đi tuần tra bằng ngựa trong thành phố Paris hoặc ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ nước Pháp. Chẳng hạn ở giải vô địch bóng đá Châu Âu tháng Sáu 2016, chúng tôi chia thành nhiều nhóm, bảo vệ nơi ăn ở hay tập luyện của nhiều đội tuyển và bảo vệ khu vực fanzone ở quảng trường Champs de Mars".
Xưa kia, đội kỵ binh thường hoạt động ở nông thôn, nhưng nay họ lại hoạt động chủ yếu ở thành thị. Tại Paris, nhiều nhóm kỵ binh làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh cho người dân Pháp và du khách quốc tế trước nạn trộm cắp, móc túi, cướp giật, bán hàng rong trái phép trên phố, buôn bán ma túy, tuần tra quanh các nơi diễn ra các sự kiện văn hóa - thể thao tập trung đông người, và đặc biệt là khi Pháp tổ chức các sự kiện quốc tế quy mô lớn như thượng đỉnh G8, thượng đỉnh G20, giải vô địch bóng đá thế giới, giải vô địch bóng đá Châu Âu. Các kỵ binh cũng tham gia các hoạt động ở những nơi mà ngựa có ưu thế hơn xe cơ giới, chẳng hạn đi tìm kiếm người mất tích trong rừng. Tổng cộng, đội kỵ binh thực hiện mỗi năm hơn 12.000 chuyến đi tuần tra. Ngoài ra, đội kỵ binh còn thực hiện các nghi thức lễ tân, tổng cộng khoảng 500 lần, tại phủ tổng thống, phủ thủ tướng, trụ sở Quốc Hội … và trong các buổi đón tiếp các nguyên thủ nước ngoài.
Kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa Pháp đi biễu binh nhân ngày Quốc Khánh 14/07/2017. Etienne Laurent/PoolReuters
Ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa là những con ngựa đẹp nhất, có giá nhất được tuyển chọn trong toàn nước Pháp. Để được tuyển vào bầy ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa, những con ngựa phải cao to, ít nhất là cao 1,65m, để các kỵ binh có thể nhìn bao quát toàn cảnh xung quanh. Chúng cũng phải vạm vỡ, xương chân phải to, chắc khỏe để chở được các kỵ binh và thậm chí là thêm các nhạc cụ nặng có khi tới 25-30 cân. Và để có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ an ninh và nghi thức lễ tân, các kỵ binh và cả những chú ngựa phải tập luyện 4-6 tháng trong các trung tâm huấn luyện.
Anh Olivier Laurendin, phụ trách nhóm "vực ngựa" giải thích : "Thường thì các con ngựa được Vệ Binh Cộng Hòa mua khi chúng mới 3 tuổi. Chúng tôi huấn luyện ngựa trong khoảng 6 tháng. Chúng tôi tập cho ngựa đeo yên, tập cho chúng để kỵ binh cưỡi trên lưng. Cần tập cho những chú ngựa này thuần tính và huấn luyện chúng thành những chú ngựa biết đi diễu hành trên đại lộ Champs Elysées".
Trung tâm huấn luyện ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa được đặt tại vùng Saint-Germain-en-Laye, ngoại ô Paris. Trong khóa huấn luyện, các học viên phải tập luyện mỗi ngày 1 giờ, mỗi tuần 5 ngày với ngựa, theo các bài tập giả định tình huống, chẳng hạn tập bắn thật nhanh và chuẩn xác khi đang cưỡi ngựa rồi sau đó khẩn trường rời đi ẩn náu hoặc chuyển sang mục tiêu khác. Huấn luyện viên Laurent Veillas giải thích các chú ngựa phải tập làm quen để không sợ khói, không sợ tiếng ồn, tiếng súng và làm quen với hoạt động theo nhóm để phát huy sức mạnh của cả đội. Ngoài ra, học viên còn phải tập giao tiếp với các chú ngựa. Theo huấn luyện viên Laurent Veillas : "Về bản chất tự nhiên, ngựa hay bỏ chạy. Cứ sợ là chúng bỏ chạy. Ngựa không phải loài săn mồi, vì thế phải tập cho chúng biết chiến đấu với các buổi tập đều đặn, từng bước, từng bước một".
Thường thì mỗi kỵ binh được giao phụ trách một chú ngựa riêng của mình và gắn bó với chú ngựa đó cho tới khi chú ngựa về hưu. Các chú ngựa có thể phục vụ Vệ Binh Cộng Hòa tới 15-16 năm. Khi về hưu, các chú ngựa lại được đưa về chăm sóc tại một trại ngựa riêng ở nông thôn.
Mặc dù Vệ Binh Cộng Hòa có một dàn nhạc, nhưng đội kỵ binh cũng có riêng đội kèn trống gồm 52 người. Như vậy là các nhạc sĩ - kỵ binh vừa phải biết chơi nhạc cụ như kèn, trống …, vừa phải cưỡi ngựa thuần thục. Còn các chú ngựa thì đương nhiên cũng phải tập luyện để làm quen với những tiếng kèn, tiếng trống vang lên ngay bên tai. Đây là một trong số ít ỏi các đội kỵ binh chơi nhạc trên toàn thế giới.
Đội Vệ Binh trong lễ diễu binh mừng Quốc Khánh trên đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 14/07/2017. Reuters
Trong những năm gần đây, có nhiều tranh luận về việc có nên duy trì đội kèn trống của kỵ binh hay không. Theo một báo cáo của Thẩm Kế Viện, Vệ Binh Cộng Hòa đã tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Đội kèn trống của kỵ binh bị chỉ trích là chỉ thực viện nhiệm vụ nghi thức, nhưng nhiều người Pháp tin rằng đội kèn trống của kỵ binh sẽ không bị giải thể, vì đó là một biểu tượng cho các nghi thức lễ tân của Pháp. Không ai có thể tưởng tượng một ngày lễ Quốc Khánh 14/07 mà lại thiếu vắng lính Vệ Binh Cộng Hòa nói chung và đội kèn trống của kỵ binh nói riêng.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 03/11/2017