Cho dẫu nổi trôi như bọt sóng
Đời mình rồi cũng giạt vào bờ
(Trần Mộng Tú)
Thành phố Kent của tiểu bang Washington là thành phố phần đông dân chúng cư ngụ thuộc thành phần Lao Động Chân Tay (Working class/ Blue collar). Ở đây cũng rất nhiều dân thuộc các sắc tộc khác nhau cư ngụ. Thành phố này có một ngôi trường Đại Học Cộng Đồng - Highline Community College.
Hôm 15 tháng 6 vừa qua chúng tôi tới dự lễ ra trường của cô em họ bên chồng tôi. Cô Sarah, 63 tuổi, cô sống độc thân. Hồi trẻ cô bỏ học ngang làm đủ mọi công việc : Bán hàng trong các tiệm bách hóa, cầm bảng Stop sign đứng đường phụ công việc lục lộ, làm việc vặt ở các trường học, việc cuối cùng cô đi chụp hình dạo. Cô có sở trường chụp hình thú vật. Bây giờ với sự giúp đỡ của người anh họ (chồng tôi) cô trở lại trường, cô hoàn tất chương trình 2 năm về Graphic Design.
Đã lâu lắm chúng tôi không đi dự lễ ra trường. Con thì quá lớn, cháu thì quá nhỏ nên tôi quên mất cái không khí vừa vui vừa cảm động của một ngày ra trường. Hôm nay đến dự lễ ra trường ở một ngôi trường phần đông sinh viên là người lớn tuổi và đủ mọi thành phần di dân. Buổi lễ này có hơn 500 sinh viên, họ tốt nghiệp 4 năm, 2 năm và GDE (General Education Development) họ đủ mọi màu da, sắc tộc.
Di dân là thành phần đang làm xôn xao cả nước Mỹ.
Buổi lễ được tổ chức tại hội trường Showare Center, trung tâm trình diễn thể thao với gần 7000 chỗ ngồi. Hội trường rộng nên vào cửa không cần vé như những nơi khác. Có sinh viên thuộc diện di dân được cả một cộng đồng đi dự. Tiếng hét đầy hạnh phúc của họ làm vang dội cả một góc hội trường.
Từ trên những hàng ghế cao chung quanh hội trường cho phụ huynh và gia đình, bạn hữu, chúng tôi nhìn xuống hơn 500 sinh viên đủ mọi sắc tộc. Bên trong cái áo choàng tốt nghiệp giống nhau, lấp ló quốc phục của một vài nước (nhìn rõ hơn sau khi tan buổi lễ) Những sinh viên Hồi Giáo, phụ nữ có đội khăn hijab dưới chiếc nón ra trường, có một sinh viên Nhật mặc kimono, thấy cả cái gùi áo sau lưng nhô lên nữa. Sinh viên Việt với họ Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Phạm chiếm một số không nhỏ (Nhóm này tuổi còn trẻ). Có một nhóm nữ tu người Việt mặc đồng phục đen của tu viện ngồi ngay sau lưng chúng tôi. Các nữ tu đi dự ra trường của một nữ tu khác. Những năm gần đây tôi gặp khá nhiều nữ tu sang Mỹ học với sự bảo trợ của Hội Thánh Công Giáo Mỹ.
Có nhiều sinh viên rất đặc biệt trong cộng đồng đa chủng của trường học này. Bài chào mừng quan khách của anh Chủ tịch Trường Highline College cho ta hiểu thế nào là trường đời và trường học và bài phát biểu của cô sinh viên tốt nghiệp ưu tú cho hiểu sự cố gắng, vất vả của một sinh viên có hoàn cảnh nghèo muốn hoàn tất môn học mình theo đuổi.
Anh sinh viên ngoài 30 tuổi chủ tịch hội sinh viên của Highline Community College nói về cuộc đời của mình. Anh là người Mỹ da đen (American-African). Anh biết dùng ma túy từ lúc 5 tuổi, bắt đầu mua bán ma túy khi 13 tuổi, anh bỏ học ở lớp 8. Lúc 27 tuổi anh bị bắt và kết án 10 năm tù. Anh không nói rõ anh ở tù bao nhiêu năm với cái án đó, nhưng anh kể ở trong tù muốn được tham gia chơi các môn thể thao thì phải ghi tên học chữ, nên anh nhận lớp và anh khám phá ra rằng anh thích học và anh được thầy giáo khuyến khích. Anh học xong trung học ở trong tù. Khi ra tù anh xin vào học ở trường Highline College này. Anh đã ra trường trong ba năm với hai chứng chỉ AA.
Tôi nghe mà ngẩn người : 5 tuổi biết dùng ma túy, như vậy có thể cha mẹ anh là người dùng ma túy hoặc cha mẹ bỏ con ở nhà cho khu xóm (một khu xóm nghèo, xì ke, ma túy) đi đâu đó kiếm sống. Suốt cả bài diễn văn anh cám ơn Thượng Đế, cám ơn thầy giáo trong tù, cám ơn thầy cô, bạn học trong trường. Tuyệt nhiên anh không hề nhắc đến cha mẹ và gia đình.
Đó là điều rất đau lòng cho anh và cho cả mấy trăm sinh viên và quan khách ngồi nghe trong buổi lễ.
Cô thủ khoa nói về nỗi vất vả của sinh viên nghèo, cô thuộc Quinault Nation (Ấn Độ). Cô kể, chúng tôi ở những hoàn cảnh khác nhau : có người đến từ một nơi xa xăm nào đó trong dạng nhập cư, họ lớn tuổi, không sinh ra trên đất nước này, vừa đi làm, vừa đi học để có một tương lai khá hơn ; có người sinh ra ở đây nhưng khi còn trẻ bỏ học, đi làm đủ thứ nghề, thất bại. Bây giờ quay lại trường, họ ở trong tình trạng còn phải thay tã cho con hay săn sóc cha mẹ già trước khi đi học. Chúng tôi đều phải đi làm nhiều hơn được đi học, phải trả tiền học bằng thẻ tín dụng, phải vay, phải nợ.
Sau hai bài khai mạc, nhà trường mời đại diện của mỗi quốc gia nên nói lời chào mừng, lời cám ơn ngắn gọn bằng quốc ngữ mình. Các sinh viên tuần tự đi lên, không phân biệt tuổi tác : Mỹ, Nhật, Việt, Lào, Cam Bốt, Phi Châu, Tây Tạng, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Ấn, Thái, Phi Luật Tân…
Buổi lễ ra trường này là buổi lễ rất đặc biệt tôi được dự trong 42 năm ở Mỹ.
Trên đường về, bỗng nhiên chúng tôi nhìn nhau, hỏi : So sánh những buổi ra trường của các trường Đại Học Mỹ, từ trường công, trường tư, trường danh tiếng như Harvard, Stanford, Yale, v.v… cho học sinh xuất sắc hay cho các con nhà giàu, nơi những bài diễn văn của sinh viên ra trường đôi khi làm người nghe thán phục, gật gù liên tưởng đến tương lai sáng lạn của một chính trị gia, một ứng cử viên sáng giá trong tương lai cho những chức vụ quan trọng, thì hai bài diễn văn chúng tôi vừa được nghe chắc là hai bài diễn văn sẽ ở lại trong lòng chúng tôi lâu nhất. Chúng tôi nghĩ đến công lao của những thầy cô ở Mỹ đã âm thầm giúp đỡ những học trò, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh kém may mắn, có cha mẹ nghiện ngập hay chính họ rơi vào chỗ nghiện ngập. Những học trò di dân sức học yếu kém, đến từ nơi xa lạ, không cùng một ngôn ngữ. Thầy cô đó là những bậc phụ huynh thứ hai của họ. Chắc chắn học trò nhớ mãi mãi những thầy cô này. Chúng tôi nghĩ đến những học viên đã qua tuổi đi học, vẫn tìm đường trở về trường (như cô em họ chúng tôi), những học viên đi ra từ cánh cửa nhà tù bước vào cánh cửa nhà trường, những học trò từ nhóm di dân chính thức hay không chính thức, cố gắng có một mảnh bằng, một chứng chỉ trong tay để hội nhập vào xã hội mới có đời sống khả dĩ hơn. Họ là những người có nhân phẩm.
Mảnh vàng nhặt ra rừ bãi cát, có giá trị hơn mảnh vàng lấy ra từ trong chiếc hộp bằng vàng.
Trường học và trường đời đôi khi đảo ngược. Không phải ai cũng bước vào trường học trước khi bước ra trường đời.
Những học sinh, sinh viên, với hoàn cảnh khó khăn hay thuộc diện di dân, họ có khác chi những bọt sóng bập bềnh nổi trôi trong một dòng sông lạ. May mắn với vòng tay bao dung của những thầy cô đó họ được hướng dẫn nương theo con nước, trôi giạt vào bờ.
Trần Mộng Tú
Nguồn : VOA, 19/06/2017