Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mùa hè đỏ lửa 1972, chiến sự thành cổ Quảng Trị. Hai bên giằng co 81 ngày đêm giành và giữ 1 km vuông thành cổ. Bên quân giải phóng thiệt mạng khoảng từ 4 000 đến 20 000, có ý kiến là khoảng 10 000. Bên đối phương (quân Mỹ và quân đội Sài Gòn) thiệt mạng ước hơn 4000). Dòng sông Thạch Hãn kế đó còn chìm khuất rất nhiều thi thể quân giải phóng không vớt được…Kết quả, sau gần ba tháng giành giật ấy, thành cổ Quảng Trị lại trở về đối phương. Ngày 16 tháng 9 năm 1972, một toán quân của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã dựng cờ của Việt Nam Cộng hòa lên Thành Cổ. Uổng biết bao xương máu. Nói đơn giản đây là chiến dịch thất bại nặng nề nhất của quân giải phóng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

tutuyet1

Bia đá đứng bên bờ bắc sông Thạch Hãn

Tin do các cựu binh truyền miệng : đang khi bên ta đổ quân vào thành cổ, phải vượt sông Thạch Hãn nguy hiểm, bị đối phương bắn rát, từng lớp chiến sĩ hi sinh, chỉ huy điện ra Hà Nội báo cáo tình hình xin ý kiến. Tướng Giáp điện vào hạ lệnh cứ tiến lên, phải chiếm được thành cổ bằng mọi giá (!)

Sự kiện văn học

Nhật ký viết tay bỏ lại của Nguyễn Văn Thạc một binh nhì nguyên là sinh viên năm 2 đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu lâm trận đã hi sinh tại Quảng Trị. Cuốn tập này đã được in ấn, khai thác tối đa toàn quốc năm 2003, cùng với Nhật ký bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (dịp khác chúng tôi sẽ bàn luận vê sự kiện này).

Bài thơ tứ tuyệt của cựu binh nhà báo Lê Bá Dương hiện được khắc trên hai bia đá đặt 2 bên bờ sông Thạch Hãn. Trớ trêu thay, hai văn bản khác nhau và đều là dị bản. Bia lại không thèm ghi tên tác giả. Coi như vô danh (mà cũng không chịu ghi khuyết danh). Lãnh đạo Quảng Trị muốn nhập nhèm chi đây ?

tutuyet2

Tác giả Lê Bá Dương đứng bên 1 tấm bia khắc sai thơ và không ghi tên tác giả.

Bài tứ tuyệt Lê Bá Dương nổi bật lên, làm át đi tất cả những văn chương đủ kiểu về trận chiến thành cổ Quảng Trị một thời.

Nhà báo Lê Bá Dương đã gặp và phản đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, và được trả lời tỉnh queo (chúng tôi sẽ nói ở phần sau).

Trước hết xin kể một chuyện hài về bài thơ tứ tuyệt Lê Bá Dương. 

Nhà báo Lê Bá Dương nói về bài thơ bị Đại tá Thanh "xuyên tạc".

Thư tác giả Lê Bá Dương gửi nhà báo blogger Bùi Văn Bồng. 

“Chào anh Bùi Văn Bồng :

Cám ơn anh đã giành sự ưu ái cho một người lính như tôi. Anh đã kịp thời cải chính giúp tôi sau khi Đại tá Trần Đăng Thanh đọc sai bài thơ của tôi trong cuộc nói chuyện mới đây về Biển Đông ở một trường Đại học tại Hà Nội”.

“Nhưng tất cả các dị bản mà tôi là tác giả đã biết thì không có bản nào bị sai do tự biên tập lại nhiều và mất nghĩa như bài thơ mà Đại tá Trần Đăng Thanh đã đọc. Ông ta đã quên thơ và quên tên tác giả nên mới nói như vậy ! ”.

Đại tá Trần Đăng Thanh là ai ?

Là Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, công tác Học viện Chính trị Bộ quốc phòng. Bài nói chuyện cho các lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học Cao đẳng Hà Nội) *“bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu”.

tutuyet3

Bài thơ Lời người bên sông đã được cấp bản quyền tác giả cho ông Lê Bá Dương

Trong khi nói chuyện, đại tá Thanh cao hứng giới thiệu và đọc thơ :

”Một cựu chiến binh Lê Tỉnh Dương từ Nha Trang ra thả hoa cho đồng đội của mình xúc động phải viết 4 câu thơ :

“Đò lên Thạch Hãn ơi sầu nhé

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,

Góp tuổi hai mươi thành sóng biếc

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”

(Blog Anhbasam gỡ băng ngày 19/12/2012)

Cựu binh Lê Bá Dương cho rằng việc không khắc tên mình (tác giả bài thơ Lời người bên sông) sẽ dẫn đến những hiều lầm, đã đề nghị tỉnh Quảng Trị xác định và ghi tên tác giả và chỉnh sửa nội dung bài thơ được tạc bia bên dòng Thạch Hãn.

Ngày 19/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị lúng túng đành phải giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị của ông Lê Bá Dương (cựu binh Thành Cổ, nhà báo, hiện trú tại Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) đề nghị khôi phục tên tác giả (Lê Bá Dương) và trả lại nguyên vẹn nội dung, hình thức bài thơ Lời người bên sông được tạc lên bia đá tại Bến thả hoa bờ bắc và bờ nam sông Thạch Hãn.

Bài thơ mà ông Dương nhắc đến khá nổi tiếng, được ví là bài “thơ thần” của dòng sông Thạch Hãn bi hùng trong chiến tranh và trước nay nhiều người đều biết là sáng tác của ông Dương (nguyên văn theo Giấy đăng ký chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thẻ thao và Du lịch cấp : 

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Tuy nhiên, cả hai bia đá tạc bài thơ ở đôi bờ Thạch Hãn đều không ghi tên tác giả. Đặc biệt, bia ở bờ nam sông Thạch Hãn, bài thơ đã bị biến tướng một số từ so với nguyên bản và trở thành : 

“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm”.

Trao đổi với Thanh Niên, Lê Bá Dương cho biết sở dĩ ông có đề nghị này là để không tiếp tục gây ra những hiểu lầm không đáng có, làm vẩn đục, tổn thương tình cảm thiêng liêng của đồng bào Quảng Trị với đồng đội đã hi sinh và của cả cá nhân ông.

Sự ngụy biện của chính quyền tỉnh Quảng Trị

Tại sao, Sở văn hoá và chính quyền Quảng Trị không ghi tên anh Lê Bá Dương vào tấm bia đá ? 

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà thơ Lê Bá Dương nói rằng, về chuyện không ghi tên tác giả, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại cả nước gọi hỏi, bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí bày tỏ sự bức xúc về tác quyền. Tôi đã có lần được một lãnh đạo địa phương “hỏi” rằng : “Thơ anh đã thành thơ của nhân dân nên không đề tên tác giả có được không ?”.

Cũng chẳng biết nói sao với câu hỏi như đã khẳng định này, tôi trả lời như thế này : “Thứ nhất, thơ tôi được người dân nhớ, chứ không thể gọi là thơ của nhân dân được. Còn việc nên hay không nên đề tên tác giả, theo tôi các anh thử nghĩ xem, nếu đề tên tôi dưới bài thơ của tôi mà thêm một người yêu Quảng Trị thì nên để, còn nếu vì để tên tôi mà làm giảm bớt một hay nhiều người yêu Quảng Trị thì dĩ nhiên không nên để làm gì...”.

Lê Bá Dương nói một cách thành thực và khiêm tốn, anh viết bài thơ chỉ để tri ân và dành tặng đồng đội đã ngã xuống, chứ không nghĩ để khắc lên bia đá. Nhưng chính quyền không ghi tên anh lại là chuyện không thể chấp nhận. Chưa thấy ở đâu khắc văn thơ lên bia mà không có tên tác giả. Trường hợp khuyết danh, người ta cũng phải ghi hai chữ đó vào. (Khi người ta khắc thơ ông Cụ Hồ hay lãnh tụ khác lên bia đá, có ông nào dám không ghi tên Cụ rồi giải thích “thơ của Cụ đã trở thành thơ của nhân dân thì không cần ghi tên ?).

Chính quyền Quảng Trị đã ngụy biện để thương lượng với tác giả như thế.

Thực ra ta có thể đi guốc trong bụng các quan chức Sở văn hoá tỉnh Quảng Trị. Họ đố kỵ, họ máy móc, họ nghĩ bụng một anh Lê Bá Dương cựu binh bình thường may có 4 câu thơ thôi mà lại đáng được ghi tên bia đá ư ? Sánh ngang lãnh tụ, danh nhân ư ? Không được mô !

Họ không hiểu NHÂN DÂN là gì cả ! Họ sợ mất mặt với thiên hạ. 

Họ sẽ phải đục sửa ba chữ viết sai và khắc thêm tên Lê Bá Dương bên dưới.

Bây giờ trước sự khiếu nại của tác giả bài tứ tuyệt, báo chí ủng hộ anh, lãnh đạo Quảng Trị sượng sùng phải chỉ đạo sửa chữa. Hãy cùng chờ xem !

Lời bình thơ

Bài thơ của Lê Bá Dương có ưu điểm là chọn đề tài lạ lùng, hiếm với tứ thơ độc đáo.

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Hai câu đầu không hề miêu tả ca tụng phẩm chất anh hùng dũng cảm của quân giải phóng. Hai câu thơ ấy chỉ nhắm nổi bật ý này : quân ta chết nhiều quá, chưa vớt được hài cốt dưới sông (và sẽ không bao giờ vớt được hài cốt đã phân rã trong bùn cát và dòng nước chảy phân tán nhiều năm qua). Vì thế ngày nay sông Thạch Hãn được coi là nấm mộ tập thể. Tuy nhiên tác giả mượn hình ảnh bà con chèo thuyền, lái đò trên sông làm hình ảnh tương phản thì e rằng hơi khiên cưỡng “đừng chèo mạnh, động hài cốt”. E rằng hình ảnh so sánh và lời nhắn nhủ này chứa đựng sự vô lý và phi hiện thực. Chèo thuyền lái đò tuỳ theo con nước mà chèo mạnh hay chèo nhẹ tay. Ngược nước thì chèo mạnh, xuôi dòng thì chèo nhẹ. Sự đối sánh hơi cường điệu cầu kỳ, không thuận lẽ tự nhiên.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Hai câu sau chỉ là tự ca tụng công lao hi sinh của bộ đội trong đó có bản thân anh. Về mặt tình cảm, có thể cảm thông với anh cựu binh đã từng chiến đấu nơi đây…Tuy nhiên lại miêu tả sự phi lý thứ nhì : “sóng vỗ” làm cho “yên bờ” được ư ? Ai cũng biết thực tế là sóng vỗ bờ thì ít nhiều ắt làm bào mòn xói lở bờ bãi chứ ! Nước chảy đá mòn kia mà ! Thứ ba, dùng trạng từ “mãi mãi ngàn năm” thì hơi vụng về.

Hai câu kết vẫn theo công thức bài Làm văn ở trường phổ thông về ý nghĩa giá trị. Kỹ năng làm văn này chính là sở đoản của người làm thơ. Có chăng bài thơ cũng làm một sự nhắc nhở cho Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội.

Chúng ta tôn trọng tình cảm đồng đội của một cựu binh, nhưng chẳng nên ca tụng quá lời một bài thơ ngẫu hứng với ít chất nghệ thuật ngẫu hứng và sơ sài.

Chẳng nên cao hứng tụng ca ngất trời như nhà báo Nguyễn Chính trong một buổi giao lưu với các bạn văn nghệ sỹ đã nhắc đến các bài thơ nổi tiếng rằng : Lịch sử dân tộc ghi nhận nhiều bài thơ, câu thơ nổi tiếng thời đại. Riêng bài thơ “Lời người bên sông” của Lê Bá Dương không những nổi tiếng mà còn là bài thơ có mãnh lực đánh thức mọi thời đại ( ! ?) Tôi sực nhớ đến cô nhà thơ Vi Thuỳ Linh bình luận bóng đá Worldcup Nga 2018 sau trận Nga thắng Tây ban Nha rằng “Các cầu thủ Nga đã thi đấu với tinh thần chiến sĩ Hồng quân xô viết…”. 

Nhà báo Nguyễn Chính và nhà thơ họ Vi cùng viết theo một phương pháp tư duy thơ cũ mèm và lỗi thời.

Ít nhất, bài thơ tứ tuyệt như một cây que văn chương đánh dấu trong nền văn học một địa chỉ bi thảm - trận thành cổ Quảng Trị 1972 thất bại nặng nề. 

Giang Nam

Nguồn : VNTB, 22/07/2018

Published in Văn hóa