Tôi hoàn toàn (và tuyệt đối) không có năng khiếu hay tham vọng gì ráo trong lãnh vực thơ văn/thi phú.
Suốt đời chỉ ước mong sao có sách báo để đọc, để thưởng thức những lời hay ý đẹp của giới văn nhân thi sĩ, là vui thích lắm rồi. Sở thích, cùng niềm vui, tuy giản dị thế thôi nhưng đôi lúc tôi vẫn bị lôi thôi vì những câu cú (vô cùng) tối nghĩa :
Một hôm gầu guộc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha ? Đạn hả ? Bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen.
(Bùi Giáng – Ngẫu Hứng)
Hiểu chết liền !
May mắn là thường khi thì thơ của Bùi Giáng cũng dễ hiểu thôi :
Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời !
Xem xong, tôi "thấu" ngay cái tâm trạng phấn khích của tác giả khi bỗng thấy một người đồng hương "bỗng" bay tuốt luốt lên tận trời xanh. Chả những thế, qua thơ Bùi Giáng, tôi còn biết thêm rằng : ổng rất mù mờ về chuyện thế sự hay quốc sự.
Làm gì mà có chuyện (khi khổng) "khi không" mà Phạm Tuân "bỗng nhẩy tưng" như vậy, cha nội ! Chuyến "mang dép lốp đi vào vũ trụ" của phi hành gia Việt Nam được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo lắm kìa – theo như nguyên văn lời của chính người trong cuộc :
"Tôi mang theo một mớ quốc kỳ, quốc huy, chân dung của bác Hồ, bản tuyên ngôn độc lập do bác viết, di chúc bác để lại, cùng với một túi đất của quảng truờng Ba Ðình (nơi xây lăng của Hồ Chí Minh) và nhiều phù hiệu nữa…" (1).
Đi quá giang mà mang theo đất cát và đủ thứ hành trang rình rang, lỉnh kỉnh, lảng cảng như thế thì e hơi quá tải (và ngó cũng quá kỳ) nhưng chưa hế́t. Phóng viên Nguyễn Dũng Sĩ (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) còn ngần ngại cho biết thêm một chi tiết (động trời) khác : ngoài chân dung bác Hồ, Phạm Tuân còn na thêm "một tấm ảnh của Tổng Bí Thư Lê Duẩn" nữa nha.
Thiệt là quá đã, và quá đáng !
Tuy đã từng được "bốc" lên đến tận giời nhưng khi Lê Duẩn qua đời (vào hôm 10/7/1986) đám con ông vẫn cứ lo ngay ngáy. Hồi ký (Làm Người Là Khó) của cựu Phó Thủ Tướng Đoàn Duy Thành, có đoạn như sau :
"Ra đến Hà Nội được 2-3 ngày thì anh Ba mất. Tôi vội đến ngay gia đình anh. Chị và các cháu xúm lại hỏi tôi đi đâu mấy tháng : "Lúc anh Ba yếu nặng sao chú không lại". Tôi nói chuyện đi công tác miền Nam nên thất lễ với anh Ba trong những ngày cuối cùng. Cả nhà anh Ba lo lắng, nhất là mấy cháu gái : Cừ, Muội, Hồng, các con rể Lê Bá Tôn, Hồ Ngọc Đại. Nói là cháu, nhưng các cháu chỉ kém tôi 5-7 tuổi. Tất cả xúm lại hỏi tôi và lo lắng : "Ba cháu mất rồi, liệu họ… có giết gia đình nhà cháu không ?".
Tất nhiên là "không" !
Dù đã đẩy cả nước đến bước đường cùng ("đổi mới hay là chết") sự quyết tâm và lòng kiên trì với chủ nghĩa Marx– Lenin của Lê Duẩn vẫn được giới lãnh đạo của nhà nước hiện hành "đánh giá cao". Vì thế, đại lộ Lê Duẩn vẫn có mặt khắp nơi. Đền thờ Lê Duẩn vẫn được vẫn được khánh thành. Con cái của ông không chỉ tuyệt đối an toàn mà còn có thừa cơ hội để trở thành những người thành đạt.
Chả những thế, Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (cậu con út của Lê Duẩn) có lúc còn phàn nàn về sự vô ơn của thiên hạ đối với cha ông :
"Chúng ta ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì đất nước. Nhưng ba tôi, người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của cuộc chiến ấy, đã ít được nhắc đến suốt một thời gian".
Tế nhị hơn, Tiến sĩ Lê Kiên Thành – thứ nam của ông cố Tổng bí thư – cũng đã nhắc nhớ đến phụ thân trong một tác phẩm (Những khoảnh khắc sống) vừa được ra mắt vào hôm 14/4 vừa qua.
Báo Tiền Phong tường thuật : "Không gian Hội trường gác 3 mới tân trang khá bắt mắt của Trụ sở Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du chật ních các văn nhân… Sách gồm 2 phần Truyện & Tự sự. Giá không hề mềm (399.000 đồng), vậy mà khách mua tơi tới. Tác giả Lê Kiên Thành ký tặng mỏi tay".
Giới nghệ sĩ/văn nhân không chỉ "chật ních" hội trường mà còn phát biểu tới tấp, và toàn là những lời có cánh :
- Thành Chương : "Thú thực rất lâu rồi, tôi mới lặp lại được cảm giác… đọc. Có lẽ sự chân thành của tác giả đã cuốn hút và thuyết phục được tôi".
- Nguyễn Quang Thiều : "TS Lê Kiên Thành đã mang sự tử tế hơn 50 năm trước, và lâu hơn nữa, kể lại với chúng ta, phục hồi vẻ đẹp của thời đại ông đang sống, vừa cảnh báo về những gì có thể giết chết vẻ đẹp ấy".
- Y Nguyên : "Trong cuốn sách, tác giả không dành bài viết riêng nào về bố mình, nhưng người đọc vẫn nhận thấy bóng dáng cố Tổng bí thư Lê Duẩn qua các bài viết về gia đình, người thân".
- Lưu Trọng Văn : "Lê Kiên Thành muốn chứng minh rằng ông yêu bố mình biết chừng nào, ông muốn mọi người hãy tin một ông vua như bố ông không bao giờ xa dân, vì vậy mới có một đứa con sống như một người dân thường nhất giữa nhân dân. Và có khát vọng sống tử tế như nhân dân".
Ngoài những lời ngợi khen nồng nhiệt kể trên – đây đó – cũng có đôi lời bàn ra (nghe) không vui tai lắm nhưng tương đối khách quan :
- Phùng Hi : "Tôi đã nhận ra nét lưu manh của tên này khá lâu. Hắn luôn mồm nhắc đến cha mình như một bảo chứng. Tiếc có vài nhân vật danh giá đương thời xúm vô ca ngợi hắn".
- Trần Thị Hải Ý : "Nhờ Ba Duẩn vương ‘băng hà’ Việt Nam xã nghĩa mới có cái gọi là ‘đổi mới’… tức là quay về hệ thống kinh tế cũ, kinh tế thị trường".
- Bạn Trần Văn : "Ở thể chế chính trị dân chủ thì nguyên thủ quốc gia đừng có nói chuyện xa dân, gần dân. Cái khái niệm này chỉ có ở thể chế chính trị phong kiến, độc tài mà thôi".
- Truong Huy San : "Đánh giá một nhà lãnh đạo, gần hay xa dân, phải dựa trên chính sách và hậu quả chính sách mà họ mang lại chứ không thể dựa trên tình cảm gia đình".
Thế "hậu quả" sau một phần tư thế kỷ mà Lê Duẩn cầm quyền ra sao ? Ông "gần hay xa dân" ?
Tuy là đôi câu hỏi khó nhưng phần trả lời lại có thể tìm được rất dễ dàng qua một mẩu chuyện hài, ngăn ngắn :
"Một hôm, ba nhà lãnh đạo cao nhất của đảng đi chung một chuyến chuyên cơ, ngó xuống hạ giới thấy dân tình nheo nhóc, đói khát, mặt mũi thểu não. Bỗng một người hỏi :
"Bây giờ mình ném cái gì xuống thì đám dân ấy mới tươi tỉnh lên được nhỉ ?"
Bác Đồng nói trước : "Chắc họ đang đói. Hãy ném cho họ mấy bữa cơm không độn".
Bác Chinh cho rằng : "Điều họ thiếu là lý tưởng. Hãy ném cho họ lý luận về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội".
Bác Duẩn lắc đầu : "Không phải ! Không phải ! Họ cần làm chủ tập thể".
Trong khi ba bác còn chưa thống nhất được nên ném gì cho dân thì anh phi công lái chuyến chuyên cơ rụt rè đề nghị : "Dạ thưa, cháu có ý kiến được không ạ ?".
Ông Lê Duẩn nói ngay : "Tại sao không ? Cứ phát huy dân chủ".
Bấy giờ anh phi công mới nói : "Dạ, muốn cho đám dân tình dưới đó reo vang hạnh phúc thì chỉ có cách là ném cả ba bác ra khỏi máy bay thôi ạ".
(Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA : 2013).
Tác giả còn "rủ rỉ" thêm :
"Người dân gọi những năm đầu thập niên 1980 là thời kỳ ‘Ba-Đồng-Chinh’… Có những câu đồng dao được mọi người đọc cho nhau :
"Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh
Ba anh có biết dân tình cho không
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân"
(sđd 330 – 331).
Hai anh kia – tuy thế – chỉ vướng vào chuyện rau dưa, cơm áo, gạo tiền, chứ không mang tiếng sát nhân "đại trà" như anh Ba Duẩn. Theo công trình nghiên cứu (Statistics of Vietnamese Democide Estimates, Calculations, and Sources) của giáo sư R.J Rumel thì chỉ trong vòng chục năm, từ 1975 đến 1986, nhân vật lịch sử này đã khiến cho hơn một triệu người (1.040.000) mất mạng :
- Executions : 100.000
- Camp Deaths : 95.000
- Forced Labor : 48.000
- Democides in Cambodia : 460.000
- Democides in Laos : 87.000
- Vietnamese Boat People : 500.000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)
Không phải vô cớ mà cùng với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cũng có tên trong trong danh sách tội phạm chống nhân loại. Trang History Collection, còn xếp hạng ổng thuộc "top ten" ("10 Monstrous Dictators") chứ không phải loại xoàng !
Lịch sử, rõ ràng, đã dành một chiếu riêng cho ông Tổng bí thư rồi. Mọi nỗ lực lặt vặt của con cháu trong nhà để trải một cái chiếu hoa (khác) cho người quá cố e không có kết quả chi đâu, ngoài sự lố bịch.
Con hơn cha là nhà có phúc. Con bênh cha hay thương cha cũng thế, cũng phước. Tuy thế, trong trường hợp của Lê Duẩn thì cách thương mến tốt nhất dành cho người quá cố là hãy để cho ổng yên đi. Leave him alone. Không nên nhắc đến sợi giây thừng ở một nơi có cả triệu oan hồn, như nước Việt !
Tưởng Năng Tiến
(08/07/2024)
(1) "I took several national flags, national emblems, portraits of Uncle Ho, his national independence proclamation, his testament, a small pack of soil from Ba Dinh Square [site of the Ho Chi Minh mausoleum] and many other badges" ("Vietnam Marks Anniversary Of Giant Leap" – BBC 24 July, 2000)
Khi nghiên cứu các tài liệu tiếng Nga thời Xô Viết, các học giả cho biết nỗi lo sợ Trung Quốc tấn công xâm chiếm toàn bộ Đông Dương đã được Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khi đó là Lê Duẩn bộc lộ với nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev trong chuyến thăm Moscow năm 1973.
Đến giữa thập niên 1960, Hồ Chí Minh đã già yếu, quyền quyết định chủ yếu nằm trong tay Lê Duẩn và cánh tay phải của ông, Lê Đức Thọ.
Với 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn được Đảng cộng sản gọi là "chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng".
Dường như Lê Duẩn là người quyết định rất nhiều trong chiến lược chống Mỹ của Hà Nội. Theo sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ 1954, và thậm chí có thể là sớm hơn, Lê Duẩn đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong chiến tranh Việt Nam.
Một thập niên sau, đến thời điểm Tổng thống Johnson leo thang, Lê Duẩn đã mài sắc các nhận định chiến lược. Đến giữa thập niên 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã già, yếu và dần chuyển thành nhân vật lãnh đạo tượng trưng, bù nhìn, con rối cho những người đồng chí của mình giật dây. Khi đó, quyền quyết định chủ yếu nằm trong tay Lê Duẩn và cánh tay phải của ông, Lê Đức Thọ.
Lê Duẩn hiểu rõ những hạn chế của Mỹ trong suốt cuộc chiến. Tuy vậy, cái nhìn của ông về những động cơ của Mỹ thì mù mờ hơn.
Lê Duẩn nhận ra Mỹ bị lúng túng vì những cam kết khắp thế giới. Khác với Bắc Việt, có thể tập trung toàn lực chống Mỹ, Mỹ thì bận rộn kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu, chống các phong trào cánh tả ở Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, kiềm chế chiến tranh và hòa bình ở Trung Đông.
Hồ sơ cho thấy Lê Duẩn nhận ra Mỹ lo lắng về thương vong. Vì thế ông ta ra hẳn yêu cầu : phải giết được 40 đến 50.000 lính Mỹ trong vài năm sau khi Mỹ leo thang. Nhờ nhận ra những hạn chế chủ yếu của Mỹ, Lê Duẩn soạn nên các chiến lược đánh vào những điểm yếu nhất của kẻ thù.
Với vị thế là một nước nhỏ, Việt Nam luôn chỉ là một quân cờ trong bàn cờ của các nước lớn. Bản thân trong mối quan hệ với Liên Xô, Việt Nam cũng chỉ là một yếu tố để người anh cả xã hội chủ nghĩa nâng lên đặt xuống, cân nhắc khi nào có lợi thì lôi ra dùng và khi nào không cần đến nữa thì sống chết mặc bay.
Trong bài ‘Why Were the Russians in Vietnam ?’ (Vì sao người Nga có mặt ở Việt Nam ?) trên New York Times ̣(27/03/2018), Giáo sư Sergey Radchenko đã đánh giá lại quyết định của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo ông, Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, ban đầu chỉ coi vấn đề Việt Nam hoàn toàn có tính ngoại vi, là thứ yếu so với quan hệ Xô – Trung.
Thậm chí, Khrushchev còn không tin tưởng ban lãnh đạo Bắc Việt và nói trong số họ có những kẻ ‘lai Tàu’ (nguyên văn là một từ miệt thị Chinese half-breeds).
Nhưng sang thời Leonid Brezhnev, vị thế của Hà Nội được coi trọng hơn.
Lý do, theo Giáo sư Radchenko, không phải vì tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô và người cộng sự số một, Thủ tướng Andrei Kosygin, đột nhiên yêu quý người Việt Nam, mà vì cuộc chiến Việt Nam giúp cho họ giành vị thế ‘ngang với Mỹ’.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev
Dưới thời Brezhnev, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ sẽ giúp Đảng cộng sản Liên Xô lấy lại được tính chính danh.
Thực ra, có nét tương đồng đáng kể giữa sự hiện diện của Mỹ và Liên Xô tại Việt Nam. Giống như người Mỹ, điều mà Moscow quan tâm nhất là uy tín của mình trên cương vị một đồng minh và một siêu cường, cũng như tính chính danh trong nước và quốc tế mà uy tín ấy mang lại.
Khi Khrushchev bị lật đổ trong một cuộc "đảo chính" vào tháng 10/1964. Người kế vị ông, Leonid Brezhnev và Alexei Kosygin, muốn chứng minh rằng họ thực sự trung thành với cam kết khi đồng minh cần cung cấp viện trợ quân sự.
Brezhnev khi đó cùng ban lãnh đạo mới đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính chính danh.
"Trợ giúp cho Bắc Việt Nam chống lại ‘chủ nghĩa đế quốc Mỹ’ sẽ giúp ban lãnh đạo Liên Xô được công nhận, trong con mắt nhân dân chính họ, và trong cái nhìn của đồng minh quốc tế, như những người thừa kế chính đáng của lá cờ lãnh đạo trong phe xã hội chủ nghĩa".
"Cũng vì chính lý do đó, Moscow cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc". Tuy nhiên, nỗ lực của Liên Xô làm lành với Trung Quốc – trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 1965 của Kosygin – đã không được Mao đón nhận mặn mà.
Khi quyết định ngả về Liên Xô, Hà Nội cũng đã tính đến tham vọng riêng và có những tính toán thiệt hơn trong mối quan hệ với Liên Xô.
Nhu cầu thực tiễn là Hà Nội cần vũ khí và viện trợ từ Moscow.
Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc giúp cho Bắc Việt Nam quyết định rõ rệt hơn trong việc chọn Moscow dù trước đó, ông Lê Duẩn đã tỏ ra ngả về phía Bắc Kinh một cách chiến thuật.
Ban lãnh đạo Hà Nội lo ngại phong trào cực đoan (của cách mạng Văn Hóa) khuấy lên biến động trong giới người Hoa đông đảo tại Bắc Việt Nam.
Về vị thế, Hà Nội cũng muốn vươn lên đóng vai trò lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ít ra là ở vùng Đông Nam Á, và không muốn chấp nhận vai trò đàn em (underling) của Bắc Kinh.
Chuyến thăm của Henry Kissinger sang Trung Quốc năm 1971 khiến Hà Nội cảm thấy ‘họ đã không được tham vấn và bị phản bội". Từ đó, Bắc Việt Nam đã muốn hoàn toàn ngả về phía Liên Xô.
"Trong chuyến thăm đến Moscow tháng 12/1971, Tướng Võ Nguyên Giáp đã đem đến thông điệp đó khi Bắc Việt Nam chuẩn bị cho cuộc chiến dịch Đông Xuân nhằm đánh cú cuối cùng vào Nam Việt Nam.
Ông Giáp hứa rằng một chiến thắng chung của Liên Xô và Bắc Việt Nam sẽ báo hiệu Hà Nội thăng tiến trong đẳng cấp lên làm lãnh đạo, và là đầu tàu của phe xã hội chủ nghĩa ở Thế giới thứ ba".
"Lãnh đạo Liên Xô đã đồng ý với sứ mệnh đó của Bắc Việt Nam sau khi ông Giáp hứa để hải quân Liên Xô có quyền dùng Vịnh Cam Ranh, khi đó vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát".
Nỗi sợ Trung Quốc đã luôn ám ảnh đội ngũ cộng sản Việt Nam khiến Lê Duẩn liên tục kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô đặc biệt là trong chuyên thăm Liên Xô năm 1973.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phẫn nộ trước việc Bắc Kinh khuấy động chủ nghĩa cực đoan trong cộng đồng người Hoa khá lớn đang sinh sống ở miền Bắc Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Vinh, vào năm 1967, thời điểm đỉnh cao của sự tham chiến của người Mỹ, nói rằng "Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng người Việt Nam không sợ người Mỹ mà sợ các đồng chí Trung Quốc".
Nhà nghiên cứu người Nga phân tích : Người Trung Quốc và người Việt Nam có những quan điểm rất khác nhau về tầm quan trọng tương đối của họ. Các lãnh đạo Trung Quốc coi Bắc Việt là thuộc hạ. Họ đã giúp Bắc Việt. Họ chỉ dẫn cho Bắc Việt. Và cái họ mong chờ là sự thần phục. Nhưng người Việt lại không chịu thần phục. Sau nhiều năm chiến đấu chống lại Mỹ, họ cảm thấy mình có quyền tuyên bố là lãnh đạo cách mạng, ít nhất là ở Đông Nam Á.
Quan hệ Trung-Việt thời điểm đó đã xuống một mức thấp mới. Tính đến mùa hè năm 1973, khi Mỹ đang hoàn thành việc rút quân, Lê Duẩn bắt đầu lo lắng về Trung Quốc, nói với Brezhnev rằng ông nghĩ Mao đã lên kế hoạch "xâm chiếm toàn bộ Đông Dương và Đông Nam Á khi thời cơ đến". Brezhnev tiếp tục hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam – lần này là chống lại người hàng xóm phía bắc của họ.
Không chỉ hứa giúp đỡ bảo vệ Việt Nam trước tham vọng bá chủ của người anh hai xã hội chủ nghĩa – người láng giềng bất hảo Trung Quốc, Liên Xô còn hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước để nâng cao hình ảnh sáng ngời của con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chi phí đầu tư danh tiếng, hình ảnh cho cái học thuyết xã hội chủ nghĩa quá là đắt đỏ, thậm chí nó đã góp phần khiến người anh cả xã hội chủ nghĩa Liên Xô lâm vào cảnh vỡ nợ khốn cùng.
Chi phí tái thiết sau chiến tranh là rất lớn. Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đã thẳng thắn với Brezhnev về những kỳ vọng của Hà Nội : Sẽ phải có một nguồn viện trợ rất lớn từ Liên Xô để giúp "công nghiệp hóa" Việt Nam, từ đó cho toàn bộ Đông Nam Á thấy lợi ích thiết thực của định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Chúng tôi chẳng có gì cả", Lê Duẩn nói với Brezhnev, hàm ý rằng mọi thứ sẽ phải đến từ khối Xô Viết trong vòng 10 đến 15 năm tiếp theo.
Brezhnev đồng ý xóa tất cả các khoản nợ của Hà Nội. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục cho vay thêm, và đến năm 1990, Việt Nam đã nhận được hơn 11 tỷ đô la viện trợ, hầu hết trong số đó không bao giờ được hoàn trả. Trợ cấp cho Việt Nam trở thành gánh nặng quá lớn đối với nền kinh tế Liên Xô trong thập niên 1980, góp phần khiến cho Moskva kiệt quệ.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng của phía Liên Xô và Việt Nam, nhưng chí ít là với Moscow, đó là một chiến thắng với cái giá quá lớn. Duy trì các đồng minh phụ thuộc là điều tốt cho uy tín của một siêu cường và cho tính chính danh của các nhà lãnh đạo, nhưng nó không tốt cho ngân sách nhà nước. Ông Sergei Radchenko cảnh báo sự can dự của Moscow ngày nay tại Syria, giống như chiến tranh ở Việt Nam, dễ gây ra hậu quả lâu dài tai hại cho nước Nga.
Sự bành trướng của Trung Quốc là hiện hữu, chính quyền cộng sản Việt Nam trong giai đoạn Chiến tranh lạnh còn có Liên Xô để dựa dẫm còn ngày nay thế hệ cộng sản Việt Nam thời bình lại dường như đã thuần phục Trung Quốc nhằm bảo vệ chế độ của mình khi để Trung Quốc cho tàu thăm dò của họ vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính (Biển Đông) năm 2019 hay ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.
Không phải ngẫu nhiên là Tổng bí thư Lê Duẩn coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp. Với tư tưởng bá quyền nước lớn, gần đây Trung quốc đã trắng trợn tuyên bố chủ quyền của họ với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng bãi tư chính của Việt Nam, qua hành động này, Trung quốc đã lộ nguyên hình tham vọng thôn tính lãnh thổ Việt Nam để mở rộng cửa ngõ về phía Nam.
Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt nam giờ đây nên chấm dứt sự mơ hồ về người đồng chí đến từ phương Bắc.
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 22/03/2020
Cũng may cho nhân dân ta có những bậc trí thức lớn, đủ trí, đủ dũng như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Tạ Quang Bửu... đã can ngăn các lãnh tụ sau cơn say chiến thắng... không bán cả nước đi để trở thành một siêu cường hạt nhân ! Chúng ta hãy tưởng nhớ các vị đó.
Bút tích của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
Một buổi chiều vào cuối năm 1988, tôi đang ngồi làm việc tại nhà riêng ở thành phố Mỹ Tho êm ả bên bờ sông Tiền, lúc ngửng lên, bỗng thấy một ông già đội nón lá, tay xách cái bị đứng trước cửa ! Nhìn kỹ hóa ra bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (!). Bác Viện nói : Tôi xuống xe đò, quên mất đường đến nhà cậu, một bà lão hỏi : Có phải bác là sĩ quan mới cải tạo không ? Tôi nói phải, thế là bà ấy chỉ đường cho tôi đến đây.
Từ sau ngày đất nước đổi mới (1986), bác Viện hễ vào Sài Gòn là hay xuống Mỹ Tho chơi với tôi. Bác muốn qua tôi để tìm hiểu về công việc làm ăn của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà tôi là nhà báo của trung ương duy nhất đang thường trú tại đó. Ở chơi nhà tôi, đôi lúc bác kể những chuyện "thâm cung bí sử" của triều đình cộng sản mà một trí thức như bác, thường được can dự hoặc chứng kiến...
Một trong những câu chuyện ít ai biết đó mà bác Viện kể cho tôi nghe là, chuyện Tổng bí thư Lê Duẩn mời các trí thức đầu đàn lên bàn chuyện làm bom nguyên tử ! Bác Viện kể (đại ý) :
Người thứ nhất là kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Tổng bí thư hỏi : Có làm được bom nguyên tử không ? Ông Nghĩa trả lời, không làm được ! Thế là Tổng bí thư nổi giận, mắng : Trí thức mà ngu thế à !
Người thứ hai chính là Nguyễn Khắc Viện. Hỏi : Có làm được bom nguyên tử không ? Trả lời : Làm được. Tổng bí thư mừng lắm, nói : Tiếp tục đi ! Tiếp tục : Chỉ làm được một quả thôi ! Hỏi : Tại sao ? Trả lời : Làm xong một quả phải thử và sau đó thì hết vốn ! Bán cả nước cũng không thể làm được quả thứ hai (!).
Người thứ ba được gọi lên là Phó tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, học ở Đúp-na về, đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (trong đó có viện hạt nhân Đà Lạt). Tổng bí thư hỏi, nhưng Nguyễn Đình Tứ cứ ngồi yên, không nói gì cả... Cứ như thế cho đến lúc... được ra về !
Trong cơn say chiến thắng sau 1975, các lãnh tụ cộng sản mắc bệnh vĩ cuồng. Chính tai tôi, tác giả bài viết này, đã được nghe thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo trong một hội nghị khoa học toàn quốc vào cuối năm 1978 rằng, Việt Nam phải đi tắt đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi mười lăm, hai mươi năm ! Ông còn dặn các nhà khoa học cả hai miền Nam Bắc rằng, làm khoa học ở Việt Nam phải như Cù Chính Lan, chạy tắt rừng, đón đầu xe tăng địch mà đánh !!!
Lũ trí thức hoạn quan có mặt trong Nhà hát lớn Hà Nội lúc đó đã vỗ tay rào rào !
Cũng may cho nhân dân ta có những bậc trí thức lớn, đủ trí, đủ dũng như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Tạ Quang Bửu... đã can ngăn các lãnh tụ sau cơn say chiến thắng... không bán cả nước đi để trở thành một siêu cường hạt nhân ! Chúng ta hãy tưởng nhớ các vị đó.
Luận chứng của Trần Tích Cảnh
Với nước ta, năng lượng hạt nhân được nghiên cứu để ứng dụng trong nông nghiệp kỹ thuật cao và y tế là đúng đắn nhất. Và, chúng ta đã làm tốt điều này.
Năm 1985, "Luận chứng kinh tế- kỹ thuật trung tâm chiếu xạ Thành phố Hồ Chí Minh" của phó tiến sĩ Trần Tích Cảnh đã được thực thi ở cả hai miền Bắc Nam để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm xuất khẩu nông-sinh-y. Tác giả Trần Tích Cảnh đã tặng người viết bài này một văn bản của luận chứng đó làm kỉ niệm mà tôi còn giữ !
Lê Phú Khải
Nguồn : VNTB, 03/03/2019
Chỗ mạnh của Mỹ là vũ khí nguyên tử thì chúng không dùng được. Còn chỗ mạnh của ta là chiến tranh nhân dân thì Mỹ không có. Phát huy ưu thế này và những kinh nghiệm tích lũy được, chúng ta nhất định đánh thắng bất kỳ tên xâm lược nào, dù đó là đế quốc Mỹ
Tất cả những bức thư "chỉ đạo" của Lê Duẩn đã được nhiều nhà xuất bản sưu tập, và in thành sách
Sau khi di cư vào Nam, nhạc sĩ Thanh Bình đã viết "mấy hàng" gửi về quê cũ :
Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già hôm sớm lang thang
Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi…
Nhân vật đồng nghiệp và đồng thời với tác giả những lời ca thượng dẫn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm sự :
"Nhớ lại những năm sau 54, ‘Lá Thư Về Làng’ của Thanh Bình đã gây xúc động trong lòng bao người vừa rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam. Càng cảm nhận ra rằng mình được bao dung, yên ổn trong vùng đất mới, người ta càng xót xa thương nhớ về quê cũ".
Thực ra thì cái "vùng đất mới" cũng không được "yên ổn" gì cho lắm. Miền Nam, vào thời điểm đó, chỉ có được sự "yên ổn" tạm thời thôi. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã được khai sinh, từ bên kia vỹ tuyến, vào ngày ngày 20 tháng 12 năm 1960.
Cũng từ thời điểm này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam (ở Hà Nội) vẫn đều đặn gửi thư vào Nam. Khác với "Lá Thư Về Làng" chân tình và mộc mạc của Thanh Bình, Lê Duẩn chả hề gửi lời thăm hỏi đến bất cứ một cụ già hay bé thơ nào ráo.
Thư của ông đề ngày 7 tháng 2 năm 1961 ("Gửi Anh Mười Cúc và các đồng chí Nam Bộ") có những dòng sau :
Vừa qua, Bộ chính trị đã đề ra phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam. Để có sự nhất trí hơn nữa trong nhận định, tôi trình bày thêm với các đồng chí một số ý kiến...
Một điều cần khẳng định là cách mạng miền Nam không chỉ đối phó với chính quyền và quân đội của Diệm mà phải đối phó với cả đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Đông Nam Á...
Trong năm nay, Trung ương sẽ giúp xây dựng 12 tiểu đoàn cho cả Khu 5 và Nam Bộ. Các khung cán bộ sẽ do Trung ương đưa vào, còn chiến sĩ thì tuyển lựa tại chỗ. Riêng đối với Nam Bộ, ngoài này sẽ cung cấp đủ cán bộ cho 6 tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn gồm cả cán bộ và chiến sĩ. Sắp tới, ta phải phát triển gấp đôi, tạo ra một bước chuyển đáng kể về lực lượng quân sự...
Tất cả những bức thư "chỉ đạo" của Lê Duẩn đã được nhiều nhà xuất bản sưu tập, và in thành sách : Thư vào Nam. Ấn bản năm 2015, của Nhà Xuất Bản Tổng Hợp, có đôi dòng giới thiệu vô cùng trang trọng :
Cuốn sách tập hợp những bức thư và điện của đồng chí Lê Duẩn (Anh Ba) gửi vào miền Nam khói lửa trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Toàn bộ cuốn sách cho thấy đồng chí Lê Duẩn qua thực tiễn chỉ đạo các chiến trường, từ nhận định tình hình đến chủ trương, biện pháp đã phát triển hết sức phong phú cả hai mặt lý luận và thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
"Thư vào Nam" là một cuốn sách quý, góp phần tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, là tư liệu lịch sử giá trị có thể áp dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Một trong "những vấn đề trong sự nghiệp cách mạng hiện nay" là sự có mặt của lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, và thái độ "háo hức đón chào hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của người dân Việt".
Về sự kiện này, trong mục điểm tin của trang Báo Tiếng Dân (đọc được vào hôm 5 tháng 3 năm 2018) có đôi đoạn như sau :
Mỹ đi rồi Mỹ lại về…
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đón người Mỹ vào Đà Nẵng, bây giờ đến lượt lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẵn sàng đón tàu sân bay Mỹ, theo báo Người Lao Động. Sở Ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng cho biết : Các cấp lãnh đạo đã lên kế hoạch chi tiết từ hơn nửa năm trước để đón tàu sân bay đầu tiên của người Mỹ cập cảng Việt Nam.
Báo Zing đưa tin : Đoàn công tác liên ngành Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ. Bộ Ngoại giao xác nhận : Đáp lại lời mời của Đại sứ quán Mỹ, đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã đến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong ngày 3 và 4/3/2018, "khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam".
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài tổng hợp : Cụm tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm Việt Nam, phản ứng và bình luận. Theo cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Kirby, Việt Nam muốn củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, trong tình hình Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa tham vọng bá quyền ở Biển Đông.
Biên tập viên tạp chí The Diplomat, Prashanth Parameswaran cho rằng, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson còn có mục đích động viên các nước ASEAN rằng Washington sẽ không để Biển Đông rơi vào tay Bắc Kinh.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định : Nền ngoại giao "cân bằng động" sẽ sang trang. Theo Tiến sĩ Thắng, tình thế của nước Việt Nam hiện tại đã buộc các lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải "gác lại quá khứ" với người Mỹ và theo đuổi lộ trình ngoại giao "cân bằng động", nghĩa là cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của "bạn vàng" và củng cố quan hệ với Mỹ.
BBC đặt câu hỏi : Tại sao Việt Nam tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ ? Bài viết nêu quan điểm của nhà báo Bill Hayton về lộ trình ngoại giao "nước đôi" của quan chức cộng sản Việt Nam : Họ tiếp đón tàu sân bay Mỹ để "đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông", nhưng họ cũng không muốn làm mất lòng "bạn vàng" và vẫn sẽ không tham gia các liên minh quân sự của người Mỹ....
Ảnh : news.zing
Trong một cuộc họp báo vào chiều ngày 1 tháng 3 năm 2018, Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tuyên bố : "Tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam để góp phần duy trì hoà bình khu vực".
Báo Tiền Phong cho biết thêm : "Đà Nẵng và 6 tháng chuẩn bị đón tàu sân bay cùng 6.000 thuỷ thủ Mỹ". Thảo nào mà chuyến viếng thăm đã diễn tiến hết sức thuận lợi và vô cùng cảm động. Thiệt là công phu và qúi hoá hết biết luôn. Rồi ra, không chừng, thành phố Đà Nẵng còn (dám) cử đại diện ra tận Lăng Ba Đình để báo công dâng Bác nữa.
Tính từ bức thư vào Nam đầu tiên của Lê Duẩn, viết ngày 7 tháng 2 năm 1961 (để chỉ đạo cuộc chiến chống Mỹ cứu nước) cho đến khi hàng không mẫu hạm USS Carl Winson đến thả neo trong vịnh Đà Nẵng để "góp phần duy trì hoà bình khu vực" là đúng 67 năm ròng. Phải mất hơn 2/3 thế kỷ người cộng sản Việt Nam mới "ngộ" ra được ai là kẻ có "dã tâm xâm lược" và "gây ra chiến tranh trong khu vực !".
Sự chậm lụt (hay chậm hiểu) của họ đã làm hao tổn xương máu của hằng chục triệu lương dân, và dìm cả đất nước xuống hố sâu của sự khốn cùng như hiện cảnh. Tuy thế, vẫn chưa có giấu hiệu gì cho thấy là giới quan chức của Hà Nội đã thức tỉnh và sẽ thôi "khúm núm" trước mặt kẻ thù.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 14/03/2018 (tuongnangtien's blog)
Chưa bao giờ tên ông Lê Duẩn, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được nói đến nhiều như trong dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung (17/02/1979 - 17/2/2017), nhưng không phải để ca tụng lập trường chống Tầu của ông mà để công khai nói lên sự nhu nhược của lớp lãnh đạo bây giờ trước âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Khi nhận xét mục đích cuộc chiến Việt Nam vừa qua, Lê Duẩn, bí thư thứ nhất Đảng Lao động, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày nay nói : "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc..." (nguồn : Danlambao, 15/08/2016)
Cảm nhận này đã được rút ra từ nội dung các cuộc nói chuyện của hai người con trai ông Lê Duẩn là Tiến sĩ thương gia Lê Kiên Thành và Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an với báo chí Việt Nam, kể cả báo An Ninh Thế Giới của Bộ Công an. Tuy nhiên trong những phát biểu đề cao tinh thần lúc nào cũng phải cảnh giác với Trung Quốc của cha mình, hai ông Thành và Trung đã không xóa được trách nhiệm lịch sử đẩm máu của ông Lê Duẩn đối với nhân dân Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân và sau ngày 30/04/1975.
Thảm sát Mậu Thân
Trước tiên, hãy nói về cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 mà đảng và báo chí cộng sản vẫn ba hoa gọi là "cuộc tổng tiến công và nổi dậy". Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đã có các cuộc nổi dậy của dân ủng hộ quân cộng sản khi cuộc tấn công bắt đầu đêm Giao thừa ngày 31/1/1968. Cũng không có bất cứ nhóm dân nào đã bỏ phía quốc gia chạy về phía cộng sản trong thời gian giao tranh mà chỉ thấy hàng ngàn người dân đã gồng gánh, tay xách nách mang nối đuôi nhau chạy bạt mạng về phía quốc gia (1).
Sau trận Mậu Thân, Bộ Chính trị đã họp để kiểm điểm và đã có lời khiển trách một số người về tổn thất nhân mạng quá nặng đã gây ra cho một số đơn vị chủ lực của miền Bắc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng chỉ trích chiến lược và chiến thuật của miền Bắc đã tiêu diệt gần hết lực lượng "quân giải phóng".
Sau năm 1975, bà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tức Chính phủ Việt Cộng) đã công khai tố cáo các sĩ quan chỉ huy miền Bắc đã chủ tâm xua các đơn vị du kích miền Nam làm bia đỡ đạn cho họ !
Vì vậy, Phóng viên Lan Hương của báo An Ninh Thế giới mới hỏi ông Thành rằng : "Ông có biết có quyết định của Tổng bí thư Lê Duẩn đến giờ vẫn gây tranh cãi. Như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 chẳng hạn...".
Lê Kiên Thành : "Nói về Tết Mậu Thân năm 1968, chúng ta phải nhớ đó là thời điểm Westmoreland đề nghị Mỹ tăng gấp đôi số lượng quân Mỹ tại Việt Nam lên 1 triệu quân và đưa chiến tranh ra miền Bắc. Khi đó Chính phủ Mỹ đang đứng giữa hai lựa chọn hoặc là tăng quân viện trợ, tiếp tục cuộc chiến, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hoặc dần rút khỏi chiến tranh Việt Nam.
Nếu chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, nếu ta mất Hải Phòng, mất Quảng Bình, nghĩa là mất tất cả những con đường chi viện cho miền Nam thì đó sẽ là điều vô cùng tồi tệ. Và cú đánh Tết Mậu Thân - một trận chiến tổng lực, đánh vào cả Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập đã làm người Mỹ choáng váng. Cú đánh đó đã khiến người Mỹ quyết định ngồi vào bàn đàm phán và tính đến phương án rút quân khỏi Việt Nam. Tức là cuộc chiến đã bẻ ngoặt sang một hướng khác hoàn toàn có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Chúng ta đã phải trả giá không ít cho bước ngoặt ấy. Nhưng sẽ phải đặt một vấn đề như thế này : Chúng ta sẽ trả giá cho đợt tổng tấn công đó, hay chúng ta sẽ trả giá cho hai mươi năm nữa, hoặc thậm chí lâu hơn mới giải phóng miền Nam ? Có gì đảm bảo sự trả giá lâu dài đó sẽ bớt đắt đỏ hơn ?" (An Ninh Thế Giới, 10/07/2016).
Lễ cải táng các nạn nhân tết Mậu Thân 1968 tại Huế
Lập luận của ông Lê Kiên Thành không chỉ phản ảnh quan điểm bênh cha của ông ta mà là của Bộ Chính trị thời bấy giờ muốn bênh vực lập trường "vũ trang bạo lực" của ông Lê Duẩn, dù phải trả bất kỳ bằng giá nào. Nhưng trong chiến lược gọi là "Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị", như câu nói của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thời 1968, phía Cộng sản và quân Giải phóng (du kích địa phương) cũng đã phải trả giá với 44.842 lính tử thương, 61.267 bị thương, 4.511 mất tích và 912 bị bắt, theo Bách Khoa toàn thư mở.
Cũng tài liệu này cho biết phía Hoa Kỳ, có 16.511 chết, 87.388 bị thương. Việt Nam Cộng Hòa : 28.800 chết, 172.512 bị thương. Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, New Zealand : khoảng 2.000 chết, vài nghìn bị thương.
Ngoài giao tranh trên chiến trường, quân đội cộng sản và Bộ Chính trị do ông Lê Duẩn điều hành sau lưng Hồ Chí Minh đã phạm tội sát hại dân lành tại mặt trận Huế-Thừa Thiên trong 26 ngày đêm chiếm đóng thành phố này.
Tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở viết : "Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất".
Theo Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2.326 sọ người. Sau Tết, các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4.000 gia đình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được họ xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi còn bị chôn sống.
Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970 :
"Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau :
- Tổng số dân sự tử vong : 7.600 chết lẫn mất tích ;
- Chiến trường : 1.900 bị thương vì chiến cuộc ; 944 thường dân chết vì chiến cuộc.
- Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể :
* 1.173 tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968 ;
* 809 tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969 ;
* 428 tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9 năm 1969 ;
* 300 tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phủ Thứ, tháng 11 năm 1969 ;
* 100 tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969 ;
* 1.946 mất tích (tính đến năm 1970)".
Bắt tù và chết biển
Sau khi chiếm được miền Nam, em của ông Lê Kiên Thành, Tướng Lê Kiên Trung nói : "Trong nhiều cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng sau khi giải phóng xong, Đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh lệnh : Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục…" (An Ninh Thế Giới, 27/07/2016).
Nhưng "cải tạo, giáo dục" của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong số 4 tội ác mà ông Tổng bí thư Lê Duẩn có trách nhiệm lúc bấy giờ.
Thứ nhất, nhà nước đã đánh lừa để bắt hàng trăm ngàn quân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa đi tù lao động dài hạn dưới danh nghĩa "học tập cải tạo".
Thứ hai, Chính quyền cộng sản đã tiến hành chiến dịch đánh tư sản mại bản và đuổi dân thành phố đi vùng "kinh tế mới" để đầy đọa người dân, đánh phá và tiêu diệt toàn diện nền kinh tế thị trường phồn thịnh của miền Nam.
Thứ ba, hủy diệt các di sản văn hóa và giáo dục văn minh của miền Nam.
Thứ tư, đẩy trí thức và hàng trăm ngàn người miền Nam phải bỏ nước trốn ra nước ngoài tìm tự do khiến cho hàng chục ngàn người chết trên Biển Đông.
Và cũng từ chính sách trả thù báo oán, bóc lột và hủy hoại miền Nam của Bộ Chính trị do Lê Duẩn lãnh đạo cho đến ngày qua đời 07/10/1986 đã gây chia rẽ, tạo hận thù dân tộc giữa hai miền Nam-Bắc cho đến bây giờ (2017) vẫn chưa hàn gắn được.
Vậy Thiếu tuớng Lê Kiên Trung đã bênh vực cha mình ra sao khi nói về "kinh tế thị trường" của miền Nam bị đánh sập ?
Ông Trung nói : "Nhiều người phê phán cha tôi về việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu. Nhưng ngay sau khi giải phóng xong, khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, ba tôi đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ, bằng mọi giá thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Ba tôi đã muốn giữ nguyên nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, vì chính ông cũng muốn so sánh ưu điểm và nhược điểm của hai nền kinh tế đó. Vì ba tôi và các đồng chí của mình khi đó đều được giáo dục và trưởng thành trong hệ thống lý luận về xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết của Stalin.
Nhưng ông cảm nhận được, nền kinh tế thị trường có những ưu điểm của nó, và ông muốn có cơ hội để so sánh giữa hai mô hình đó, để tìm được con đường tốt nhất cho đất nước.
Dù chuyện này chưa bao giờ được ông công khai trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng trong chỉ đạo của ba tôi và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng với ông Nguyễn Cơ Thạch trước chuyến thăm Mỹ sau giải phóng, tôi biết rằng đã có nội dung đó. Tiếc là cuộc đàm phán đó đã không thành công. Vì khi đó, nhiều người bên phía chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và bản thân người Mỹ cũng có suy nghĩ ngược lại.
Với họ, việc một nước lớn như Mỹ thất bại trong cuộc chiến với một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam đã làm tổn thương nặng nề lòng tự tôn của họ. Không thể dễ dàng để hai nước có thể ngay lập tức nối lại quan hệ ngoại giao, bình thường hóa quan hệ. Thậm chí, sau đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam nhiều năm liền. Nên cuối cùng, chuyến đi của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại".
Tướng Lê Kiên Trung nói như thế vì ông chỉ biết một nửa câu chuyện Việt-Mỹ lúc bấy giờ. Nguyên do chính vì phía Việt Nam cứ nằng nặc đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh trị giá 3,25 tỷ USD, mặc dù Hà Nội đã vi phạm Hiệp định Paris 1973 khi đem quân xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa.
Vì vậy, báo An Ninh Thế Giới mới hỏi tiếp : "Cứ cho là chuyến đi đó thất bại, thì tôi nghĩ, vẫn có nhiều cách để duy trì và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở miền Nam song song với mô hình bao cấp ở miền Bắc, nhưng như chúng ta đã biết, ngày đó, nền kinh tế bao cấp đã được nhân rộng ở cả hai miền. Tại sao ba ông không làm điều đó ?".
Tướng Trung : "Bối cảnh lịch sử lúc đó có lẽ đã khiến ba tôi không dễ thực hiện khát vọng và mục đích của mình. Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Xô-viết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của nhiều người".
Ai sợ Trung Quốc ?
Về lập trường của ông Lê Duẩn đới với Trung Quốc, tướng Trung nói : "Ba tôi không sợ Mỹ, vì ông hiểu Việt Nam có thể thắng Mỹ. Còn chuyện không sợ Trung Quốc là một câu chuyện dài.
Ba tôi là người yêu thích lịch sử. Ông đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Và vì thế, ông biết, trong những cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc kéo xuống.
Và dù trong thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy".
Từ khi còn rất sớm, ba tôi đã nhận ra, dù họ viện trợ cho chúng ta rất nhiều, dù tiếng là hai nước cộng sản anh em, thì họ vẫn mang những ý đồ không khác gì những triều đại trước đây".
Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm Diễn Châu (Trung Quốc)
Tại sao Tướng Trung lại nói nhiều về người cha của mình luôn luôn đề phòng Trung Quốc vào lúc "nhạy cảm" hiện nay dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ? Nhưng không chỉ một mình Tướng Trung nói mà anh ông, Tiến sĩ Lê Kiên Thành cũng nói nhiều về chuyện dưới đây.
Ông Trung kể : "Ngay cả trong các cuộc gặp với ba tôi, một lãnh đạo của bạn (chú thích của Phạm Trần : Mao Trạch Đông năm 1960) đã nói : "Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Các đồng chí không cần làm cách mạng, tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á".
Ông Trung kể tiếp : "Khi nghe câu nói đó ba tôi đã cảm nhận ra ngay ý đồ của họ và dặn lòng mình luôn phải cảnh giác với dã tâm ấy. Ba tôi từng viết về một cuộc đối thoại giữa ông và một lãnh đạo của họ như thế này (Phóng viên báo An Ninh Thế Giới không dám viết lãnh đạo này là Mao Trạch Đông) :
"Ông ta hỏi tôi : Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất ?
Tôi (Lê Duẩn) trả lời : Khoảng 200.000 cây số vuông.
Ông ta hỏi : Dân số của họ bao nhiêu ?
Tôi trả lời : Khoảng 3 triệu !
Ông ta nói : Như vậy là không nhiều ! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà !
Ông ta hỏi : Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan ?
Tôi trả lời : Khoảng 500.000 cây số vuông.
Ông ta hỏi : Có bao nhiêu người ?
Tôi trả lời : Khoảng 40 triệu !
Ông ta nói : Một tỉnh của nước tôi có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan !
Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta nói với tôi : "Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên ?". Tôi nói : "Đúng". Ông ta hỏi : "Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh ?". Tôi nói : "Đúng". Ông ta nói : "Và quân Minh nữa, phải không ?". Tôi nói : "Đúng, và cả các ông nữa. Nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi. Các ông có biết điều đó không ?...".
Kể lại như thế rồi Tướng Trung kết luận : "Vì nhận thức được ý đồ của họ, cũng như các tiền nhân, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta và ba tôi cũng giữ tinh thần cảnh giác, ngay cả khi họ là nước viện trợ rất lớn cho chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ.
Có lần, họ đề nghị viện trợ cho chúng ta 500 xe tải chi viện cho tuyến đường Trường Sơn, với điều kiện họ sẽ cử lái xe đi kèm. 500 xe hồi đó là vô cùng quý giá với Việt Nam. Nhưng chúng ta đã kiên quyết từ chối.
Khi đó có đồng chí lãnh đạo đề nghị ba tôi "nhận vài chiếc cho người ta vui", nhưng ba tôi và lãnh đạo không đồng ý. Ba tôi cũng báo cáo với Bác Hồ : "Chúng ta muốn thắng Mỹ, thì không được sợ Mỹ, nhưng nhất định cũng không được sợ Trung Quốc". Câu nói ấy của ông hẳn đã đến tai người Trung Quốc…".
Tại sao Tầu đánh Việt Nam năm 1979 ?
Sau đó, báo An Ninh Thế Giới hỏi : "Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, Tổng bí thư Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc ?".
Tướng Trung đáp : "Ba tôi cứng rắn với họ thì đúng. Nhưng những người nói ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 có lẽ là không hiểu lịch sử. Suốt thời phong kiến của chúng ta, họ đã vì ghét ông vua nào mà đem quân xâm lược mảnh đất này ? Không vì cha tôi, họ vẫn tìm cách chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, rồi bây giờ là âm mưu chiếm toàn bộ Biển Đông. Họ chẳng ghét ai cả.
Chỉ có một lý do duy nhất, ý đồ xâm lược của họ là không bao giờ thay đổi. Ba tôi, mang trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử : không cần biết họ mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là chúng tôi đánh…
Ba tôi, như bao người Việt yêu nước bằng cả trái tim mình, đã luôn hiểu rằng, họ là mối đe dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về phương Nam.
Và, cho đến tận ngày hôm nay, với những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, về đường lưỡi bò, vẫn có thể chứng minh một điều, những nhận định của chúng ta về dã tâm của họ chưa bao giờ sai lầm. Khi còn nắm quyền, ba tôi vẫn cố gắng giữ một mối quan hệ ngoại giao mềm mỏng với họ".
Vậy phải chăng vì Trung Quốc đã nuôi thù với ông Lê Duẩn nên đã tìm cách áp lực phía Việt Nam không được nhắc đến tên Lê Duẩn trong nhiều năm qua ?
Nếu đúng như vậy thì cũng không ngạc nhiên vì nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người thân của Lê Duẩn từng bị phía Tầu buộc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (đảng khóa VI) loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao tại Đại hội đảng VII thời Đỗ Mười.
Vậy phản ứng của tướng Trung ra sao, báo An Ninh Thế Giới hỏi : "Và cảm giác của anh - một người con, như thế nào trong suốt giai đoạn ấy, giai đoạn mà tên tuổi ông ít được nhắc đến như thế ?".
Tướng Trung đáp thẳng thừng : "Dĩ nhiên là tôi buồn. Không chỉ buồn cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Vì tôi cho rằng đã có những việc, câu chuyện của ba tôi đã không được đề cập chính xác, đầy đủ, khoa học. Tôi cũng rất buồn và mãi trăn trở một điều, tại sao có những sự thật mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhất định phải giấu kín ? Và tôi cho rằng, đó không phải là cách hành xử khách quan, minh bạch và khoa học".
An Ninh Thế Giới hỏi tiếp : "Nói thế thì hẳn là anh khao khát đến một ngày, tất cả tư liệu về cuộc đời của Tổng bí thư Lê Duẩn, về những quan điểm cũng như quyết định của ông trong những thời điểm lịch sử và cả những đánh giá về vai trò của ông trong giai đoạn ông nắm quyền sẽ được công bố ?".
Ông Trung đáp : "Đó chính xác là mong ước lớn nhất của tôi và những người thân trong gia đình suốt nhiều năm qua. Cha tôi và nhiều nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đó đã mất mấy chục năm trời. Và tôi không hiểu lý do vì sao, có những điều đến giờ này chúng ta vẫn cần giữ bí mật.
Nhưng tôi nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu, những người làm báo như chị, phải được tiếp xúc với những sự thật đó, để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về lịch sử. Và nhân dân cũng có quyền được biết, những nhà lãnh đạo của họ đã làm gì, đã ứng xử thế nào, trong những thời khắc lịch sử của đất nước".
(trích An Ninh Thế Giới, 27/07/2016)
Với những lời nói như những kẻ "điếc không sợ súng" của tướng Lê Kiên Trung và anh ông, Tiến sĩ Lê Kiên Thành về lập trường lúc nào cũng phải "đề phòng Tầu xâm lược" của nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn, hiển nhiên hai ông đã gửi một thông điệp chính trị khá lý thú cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Quốc.
Phạm Trần
(22/02/2017)
--------------------