Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thịt đỏ có lợi hay hại cho sức khỏe ? Một câu hỏi đang gây chia rẽ giới khoa học. Theo một nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học cho rằng các khuyến nghị hiện nay không dựa trên những số liệu khoa học đáng tin cậy.

thit1

Giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 3 phần mỗi tuần có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư với tỷ lệ 7/1000

Nhiều quốc gia khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt lợn ướp để phòng tránh các chứng bệnh ung thư và các bệnh về tim mạch. Nhưng mới đây, một nhóm các nhà khoa học độc lập khi cho phân tích lại hàng chục nghiên cứu trước đây, kết luận rằng nguy cơ tiềm tàng là thấp và các bằng chứng không chắc chắn. Kết luận này đã làm dấy lên một cơn bão tranh cãi khoa học.

Theo nghiên cứu mới này, nhóm các chuyên gia của bảy nước cho rằng "người lớn vẫn có thể tiếp tục tiêu thụ lượng thịt đỏ như hiện nay", nghĩa là một mức trung bình từ ba đến bốn khẩu phần mỗi tuần tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Khẩu phần này được áp dụng tương tự cho các loại thịt ướp, theo như khuyến nghị của các nhà nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine, thuộc American College of Physicians ngày 30/09/2019.

Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 3 phần mỗi tuần có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư với tỷ lệ 7/1000 (bảy ca tử vong cho 1000 người), một mức giảm khá khiêm tốn theo các nhà khoa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý : Độ tin cậy của nghiên cứu thống kê này là "thấp".

Còn tác động của các loại thịt ướp đối với các bệnh tim mạch và tiểu đường, chất lượng của các bằng chứng bị đánh giá là "rất thấp" và "không mấy chắc chắn", như khẳng định của ông Bradley Johnston, giáo sư dịch tễ học trường đại học Dalhousie, Canada và giáo sư hướng dẫn nghiên cứu nhóm NutriRECS.

Với những phân tích mới này, các nhà khoa học muốn chứng minh rằng các khuyến nghị dinh dưỡng ngày nay không còn hợp thời nữa, quá chú trọng đến yếu tố lợi ích xã hội mà bỏ qua khía cạnh cá nhân. Nghiên cứu mới này sẽ giúp ngành tư vấn dinh dưỡng phát triển theo chiều hướng y khoa mang tính cá nhân hơn.

Cơn bão tranh cãi khoa học

Chỉ có điều những kết luận này đi ngược lại với các khuyến nghị đang được áp dụng ở nhiều nước. Tại Pháp, cơ quan Y tế công Pháp, đầu tháng Giêng năm 2019, còn khuyến cáo nên hạn chế thịt ướp ở mức 150 gram/tuần và các loại thịt khác ngoại trừ thịt gà là 500 gram/tuần.

Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cũng xếp thịt đỏ thuộc nhóm "tác nhân có thể gây ung thư" và thịt ướp là "tác nhân gây ung thư". Các kết luận trên đã làm dấy lên những lời chỉ trích mạnh mẽ trong giới chuyên gia về dinh dưỡng học và dịch tễ học.

Dù đánh giá cao tính chất nghiêm túc của các phân tích mới, nhưng nhiều chuyên gia phê phán triết lý của các kết luận. Ông Tim Key, giáo sư về dịch tễ ung thư học tại Oxford chỉ trích rằng nếu như nguy cơ gây ung thư đường ruột có liên quan đến các loại thịt ướp có thể là thấp, nhưng trên cấp độ dân số, chi tiết này không phải là không đáng kể.

Word Cancer Research Fund nói rõ sẽ không thay đổi chính sách và đặt "tin tưởng vào những nghiên cứu nghiêm ngặt được thực hiện từ 30 năm qua".

AFP cho biết, kết quả nghiên cứu mới đã được 11/14 nhà khoa học thông qua. Bất chấp các chỉ trích, ông Bradley Johnston khẳng định "người dân sẽ phải sử dụng các khuyến nghị này để có những chọn lựa được thông tin đầy đủ, thay vì là các tổ chức cho phép họ được làm những gì nên làm".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 01/10/2019

Published in Văn hóa