Mai Tâm House Of Hope, nhà hy vọng cho những người mẹ với HIV/AIDS và những đứa trẻ bị lây nhiễm từ mẹ.
Những em bé được nuôi dưỡng trong Mái Ấm Mai Tâm. Courtesy Mái Ấm Mai Tâm
Mái Ấm Mai Tâm ra đời năm 2005 ở Sài Gòn, do các linh mục Dòng Camillo tức Dòng Tá Viên Mục Vị Bệnh Nhân trực tiếp điều hành.
Những đứa trẻ dưới mái ấm Mai Tâm được nuôi nấng dạy dỗ trong tình thương yêu, được chăm sóc sức khỏe thường kỳ và liên tục, được đi học như bao trẻ bình thường khác.
Người sáng lập, cũng là vị tu sĩ Dòng Camillo Việt Nam đầu tiên, linh mục Phương Đình Toại, khi đó chỉ mong sao Mai Tâm có thể cưu mang nỗi 100 người gồm mẹ và con trẻ bị HIV/AIDS là đáng mừng rồi.
Mai Tâm cũng là nơi mà người không qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo có thể nhắm mắt ra đi trong bình an với Nhà Cuối Đời.
Từ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Sài Gòn, linh mục An Tôn Trịnh Văn Sơn, phó giám đốc máu Ấm Mai Tâm, cho biết mái ấm Mai Tâm phục vụ người bị HIV/AIDS theo mô hình có trước của trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân HIV/ AIDS của Dòng Camillo bên Thái Lan :
Khi đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn qua bên Thái Lan, thấy Dòng Camillo phục vụ bên Thái Lan và bên Ý rất tốt, cho nên ngài mời Dòng Camillo về Việt Nam để phục vụ bệnh nhân tại Việt Nam. Đó là bước khởi đầu, Đức Cha Phạm Minh Mẫn quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS nên ngài mời Dòng Camillo về Việt Nam để phục vụ cho bệnh nhân Việt Nam. Dòng Camillo ở nước ngoài có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phục vụ bênh nhân HIV/AIDS ở bên Thái, bên Phi Châu cũng như các nước trên thế giới. Tá viên có nghĩa là tôi tớ phục vụ, tiếng Anh là "servant".
Kể từ đó, mái ấm Mai Tâm, trực thuộc Ban Mục Vụ HIV/AIDS thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn do đức Hồng y Phạm Minh Mẫn lập ra, khởi sự hoạt động tại một cơ sở ở Phú Nhuận với các linh mục Dòng Camillo Việt Nam :
Trong giai đoạn đầu những năm 2000 HIV/AIDS ở Việt Nam là vấn đề nổi cộm,xã hội thời đó cũng rất kỳ thị, nhiều người bị bỏ rơi trong công viên hay gầm cầu, không được tiếp xúc với thuốc đặc trị. Để giúp đỡ những bệnh nhân HIV trẻ em cũng như những người từ tỉnh lên có điều cận tiếp cận nguồn thuốc cũng như sự chăm sóc giảm nhẹ hay tái nhập cộng đồng. Ban đầu thì thuê một căn nhà bên Phú Nhuận để đón trẻ em mồ côi bị nhiễm mà không nơi nương tựa, các bà mẹ bị gia đình từ chối hay chồng từ chối không có nơi đón nhận.
Giai đoạn đầu rất khó khăn, thứ nhất về điều kiện đi học, thứ hai là vấn đề thuốc, thứ ba là nơi ăn chốn ở cũng như vấn đề dinh dưỡng. Sau này thì nhà nước hỗ trợ thuốc trong các bệnh viên và được nhận thuốc từ các tổ chưc phi chính phủ cho nên mới có thuốc phát rộng rãi cho các bé.
Được biết thuốc điều trị lúc đó chủ yếu đó là thuốc xách tay từ nhà Dòng Camillo bên Thái Lan mang về rồi chia ra cho bệnh nhân uống. Năm 2005, linh mục Trịnh Văn Sơn kể tiếp, do một số trở ngại về địa điểm sinh hoạt cùng với những nguyên nhân tế nhị khác, các linh mục Dòng Camillo quyết định tìm một chỗ ở mới cho các em. Một manh thường quân, bác sĩ Phạm, đã hiến tặng một miếng đất của gia đình bà, và Mái Ấm Mai Tâm chính thức được xây lên tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức rồi trụ ở đó cho đến ngày nay :
Trong thời gian đó thấy nhu cầu như vậy thì có miếng đất để đó thì mình chia xẻ một chút, tôi đồng ý để cho các ngài xây trên đất nhà mình.
Nhà Cuối Đời cho bệnh nhân AIDS trong Mái Ấm Mai Tâm. Courtesy Mái Ấm Mai Tâm
Những bệnh nhân HIV/AIDS vào Mai Tâm may mắn được khám bệnh và uống thuốc thường kỳ . Cứ mỗi đợt khám thì bệnh nhân lớn tuổi được đưa tới phòng khám Mai Khôi, trong lúc các em nhỏ thì đi Bệnh Viện Nhi Đồng. Là một trong những y bác sĩ tình nguyện làm việc trong phòng khám Mai Khôi lâu nay, bác sĩ Phạm giải thích :
Mai Khôi là phòng khám từ thiện chuyên giúp người nghèo và những bệnh nhân AIDS, đứng trách nhiệm là các cha Dòng Camillo. Tức là trong hệ thống làm việc giúp cho bệnh nhân HIV thì phòng khám Mai Khôi là một cơ sở trong hệ thống đó. Phòng khám Mai Khôi có rất nhiều bác sĩ làm thiện nguyện, tôi là một trong những bác sĩ đó.
Khi Mai Tâm được xây lên trên đất nhà tôi thì lúc đấy khoa học chưa phát hiện ra thuốc, người ta nghĩ mấy đứa trẻ chỉ sống được 5 năm thôi. Khi khoa học tiến bộ với thuốc ARV là chương trình quốc gia do Mỹ hỗ trợ cho những nước nghèo. Bây giờ với thuốc ARV bệnh nhân có thể sống cả đời, phục hồi rất là tốt. Thuốc đó ngăn chận con virút phát triển, bệnh nhân khỏe lên nhờ được hỗ trợ ăn uống, nhưng vấn đề lây lan thì một số mặt vẫn phải giữ.
Đối với bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, đến với Mái Ấm Mai Tâm từ những ngày đầu, nói rằng Mai Tâm không chỉ là nơi nương náu mà còn là nơi nuôi dưỡng lòng tin giữa người với người :
Bước vào căn nhà đó đã có người ra đón tiếp các em, lên trên lầu thì có một phòng về y tế với đầy đủ phương tiện cơ bản. Nhà ăn đằng sau rất sạch sẽ, bước lên phòng trên kia là có giường nằm cho các em bị bỏ rơi từ nhà thương Từ Dũ, gia đình bỏ các em đó. Căn nhà tổ chức rất có bài bản, đúng một cơ sở vừa là tình yêu vừa là khoa học.
Ngoài việc học chữ ở trường, các em trong Mái Ấm Mai Tâm còn được rèn luyện kỹ năng sống. Hiện tại số các em ở hẳn trong Mái Ấm Mai Tạm là 82 em, nhỏ nhất là một tuần tuổi và lớn nhất là 24 tuổi. Linh mục phó giám đốc Trịnh Văn Sơn :
Những em bé được nuôi dưỡng trong Mái Ấm Mai Tâm. Courtesy Mái Ấm Mai Tâm
Nhóm sơ sinh từ 1 tuần tuổi cho tới dưới 3 tuổi là 8 em, nhóm Mẫu Giáo từ 3 tuổi tới 5 tuổi là 10 em, còn lại là độ tuổi Cấp Một, Cấp Hai và Cấp 3, có một em đã và đại học. Tất cả các em từ Lớp Một trở lên được học tại các trường ở bên ngoài. Riêng Mẫu Giáo thì các be gọc tại nhà, có một Xơ Dòng Phao Lô tới dạy cho các bé. Ở nhà thì có điều dưỡng chăm lo việc uống thuốc cho các bé hàng ngày uống đúng liều đúng giờ. Bên cạnh đó, vấn đề tập huấn cho các em tùy vào từng độ tuổi để các em biết bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
Hàng tháng, các em trong Mái Ấm Mi Tâm còn được học những khóa về kỹ năng sống do các chuyên viên bên ngoài vào dạy. Tùy vào độ tuổi và sự nhận thức của các em mà các khóa học được tổ chức cách này cách khác :
Nhỏ xíu từ cấp Mẫu Giáo và Cấp Một thì mình sẽ không nói cho em biết về bệnh tình của các em vì các em chưa ý thức được. Có một đội ngũ bác sĩ và chuyên viên tâm lý, bên cạnh đó cũng phối hợp với bên WWO Worldwide Orphans để tổ chức các buổi kỹ năng sống cho các bé hàng tháng.
Mái Ấm Mai Tâm không hoạt động riêng lẻ mà có sự đồng hành của giới y khoa, các nhà chuyên môn cũng như các tổ chức ngoài chính phủ. Mục đích của những chuyện như vậy là luyện tập cho các em ý thức hòa nhập cộng đồng và xã hội
Trong 12 năm qua, có một số em khỏe mạnh trở lại nhờ uống thuốc và được theo dõi sức khỏe đầy đủ. Khi ra trường, những em này đã được Mái Ấm Mai Khôi tạo điều kiện cho em hòa nhập xã hội và sống tự lập bằng sức mình.
Cạnh Mái Ấm Mai Tâm có một căn nhà gọi tên là Nhà Cuối Đời, nơi những bệnh nhân HIV/AIDS quá nặng được chuẩn bị để ra đi trong thanh thản. Đáng vui là năm sáu năm nay số bệnh nhân HIV/AIDS được chuyển xuống Nhà Cuối Đời ngày càng ít đi :
Hiện nay chế độ dinh dưỡng và chế độ thuốc của mình rất tốt, trong vòng máy năm nay không có em nào qua đời. Những em qua đời trước đây là do nguồn thuốc chưa có cũng như đến với mình quá trễ rồi, trong tình trạng quá yếu mình không thể làm gì hơn được.
Năm ngoái có một em mới mất, không phải do HIV/AIDS mà do bị bệnh tim bẩm sinh. Đến một ngày tim của em không chịu nổi nữa nên em mất. Còn với HIV/AIDS bây giờ thì với chế độ thuốc nên cuộc sống và tuổi thọ kéo dài hơn, trong vòng năm sáu năm qua chưa có em nào chết do HIV/AIDS hết. Tuổi thọ thì hiện tại cũng không thể nói trước em sẽ sống được bao lâu,em lớn nhất từ lúc bị nhiễm đến bây giờ là 24 năm rồi thì vẫn sống khỏe mạnh trong mái ấm và đang học năm thứ tư Đại Học. Còn sống bao năm nữa cũng tùy thuộc vào sức cũng như sự chăm sóc và tinh thần của từng bé.
Linh là một cậu bé mồ côi bị nhiễn HIV từ cha mẹ đã chết vì bệnh này. Năm 9 tuổi Linh được đưa về Mái Ấm Mai Tâm khi người thân duy nhất là bà nội qua đời. Năm nay Linh 14 tuổi và đang đi học trường ngoài, nói rằng em biết mình mang bệnh chết người nhưng luôn được các Xơ và các linh mục khuyến khích là phải vui sống và gắng học :
Lúc nới vô em yếu nên thường vô bệnh viện, sức khỏe của em bây giờ khỏe hơn trước tại ăn uống điều độ với uống thuốc hàng ngày. Em học trể nên bây giờ mới học lớp 5, em học giỏi hơn mấy bạn, cô nói tại trong lớp em cố gắng. Năm nay em là học sinh giỏi nên em được chiếc xe đạp.
Thắng, 18 tuổi, vào Mái Ấm Mai Tâm từ lúc 6 tuổi :
Con biết con bị bịnh, con được chăm sóc hàng ngày, uống thuốc hàng ngày cho nên con có sức khỏe bình thường. Con lúc nài cũng lạc quan yêu đời, không bao giờ con thấy tủi thân hay bi quan gì hết, trong tư tưởng con cứ thấy sống nên người là được rồi. Các cha trong mái ấm cũng khuyến khích hàng ngày rồi lo lắng cho con nữa, con nghĩ con có thể sống tới già. Con có học kỹ năng sống ở đây, học về cách tránh lây bịnh, những trường hợp lây bịnh con cũng biết hết trơn rồi. Con cũng ước đi học đại học nhưng mà chắc không được đâu. Năm nay 18 tuổi mà mới học Lớp 9, ba mẹ con mất hết rồi.Nếu không có mái ấm Mai Tâm thì con chắc không sống tới bây giờ đâu.
Mái Ấm Mai Tâm có khoảng 20 bà mẹ, có người mang con cũng bị HIV như mình vào đây nương náu. Các bà mẹ được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất lo cơm nước và dọn dẹp trong mái ấm ở Thủ Đức, nhóm thứ hai đi may trong một nhà may gia công của Mai Tâm ở Gò Vấp :
Sức khỏe cháu vẫn tốt. Lúc đó cũng không biết gì bệnh này đâu, tại ở quê vô trong này, quê ở Gia Lai. Lúc đầu là ở Nhi Đồng 1, xong cái đi vô mái ấm, từ lúc đó bắt đầu uống ARV riết tới bay giờ luôn.
Một phụ nữ bị lây nhiễm HIV ?AIDS từ chồng, cùng con vào mái ấm được một năm thì đứa con qua đời :
Tôi đi may áo đồ gia công, may quần nữa, hàng cũng nhiều hàng. Nói chung là làm cũng được nhưng mà chậm, làm cái gì cũng chậm chạp. Hiện giờ tôi sống lạc quan nhờ các cha hỗ trợ.
Vừa rồi là câu chuyện về mái ấm Mai Tâm, ngôi nhà hy vọng của trẻ nhiểm HIV và những bà mẹ HIV/AIDS từ các nơi đến nương thân để được chữa trị.
Nhìn chung về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong hơn một thập niên qua, linh mục Trịnh Văn Sơn đưa ra một nhận xét :
Nếu so sánh từ những năm đầu 2000 thì bây giờ công tác tuyên truyền của Việt Nam tốt lên rất nhiều, mức độ kỳ thị cũng giảm xuống rất nhiều. Tuy nhiên sự thiếu hiểu biết đối với HIV/AIDS vẫn còn. Ví dụ khi các em đến trường hay đi làm việc, khi mà biết các em bị HIV/AIDS thì thường họ không muốn nhận. Mức độ xa lánh họ không tỏ ra nhưng họ vẫn có biểu hiện không mấy thiện cảm đối với người HIV.
Tình yêu, sự quan tâm và lòng thông cảm là động lực giúp người HIV/AIDS chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo họ không may và không bao giờ muốn vướng phải, linh mục Trịnh Văn Sơn của Dòng Camillo Tá Viên Mục Vụ Bênh Nhân khẳng định như thế. Thanh Trúc hẹn quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.
Thanh Trúc, phóng viên RFA