Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trường Đại học Văn Lang ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đưa ra ý tưởng giảng dạy môn Trịnh Công Sơn học cho sinh viên trường này. Ý tưởng được ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Văn Lang, đưa ra hôm 22/4, tại buổi đón gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thăm, đặt tên hội trường lớn nhất tại đây là Trịnh Công Sơn.

tcs1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc ở Blao năm 1964. Courtesy tcs-home.org

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất năm 2001, được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Hồng Nhung.

"Tôi thú thật là tôi nghe đến cái môn ‘Trịnh Công Sơn học’ thì tôi rất buồn cười, vì cái thứ nhất nó làm cho tôi… thứ thật là tôi thấy choáng váng, và nó là một hình thức mang tính chất phản khoa học, phi nghệ thuật… Bởi vì nó làm cho tôi ngay lập tức nghĩ đến cái môn Hồ Chí Minh học, và chắc là quý khán thính giả cũng nghe rất nhiều về cái môn này. Và hơn nữa nó là một hình thức rất nguy hiểm, bởi vì nó đang biến Trịnh Công Sơn trỏ thành một cái thứ thần thánh như Hồ Chí Minh… Với tư cách là một người học nhạc, một nhà báo… Tôi phản đối cái gọi là ‘Trịnh Công Sơn học’, một điều phản khoa học và phi nghệ thuật".

Từ Sài Gòn, Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, để đưa một môn âm nhạc và một tác giả cụ thể vào một chương trình giảng dạy, thì không phải chỉ có ở Việt Nam, ở nước ngoài cũng đã làm điều đó như trường hợp ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan được giảng dạy ở trường đại học Mỹ, nhưng chỉ là một phần của chương trình học, chứ không phải môn học mang tên nhạc sĩ. Ông nói tiếp :

"Ở trong một nền giáo dục độc tài và chuyên chế, phần lớn những nhân vật được đưa vào chương trình đều mang tính chất phục vụ cho tuyên truyền, nhiều hơn là mở rộng tri thức của con người để hiểu số phận của tác giả đó, vị trí của tác giả đó trong lòng dân tộc như thế nào ?

Sự kiện Đại Học Văn Lang đưa ra một chương trình giảng dạy về Trịnh Công Sơn thì bản thân là một nhạc sĩ, đồng thời là một người theo dõi thời sự, Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng trường đại học Văn Lang chỉ có thể làm được một phần rất nhỏ trong cái tên gọi lớn lao mà họ nói là ‘Trịnh Công Sơn học’.

tcs2

i diện gia đình và bạn hữu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng lãnh đạo trường Đại học Văn Lang giao lưu cùng sinh viên.

Cũng tại buổi đón tiếp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại trường Văn Lang, ông Nguyễn Cao Trí cho biết, nếu được áp dụng ‘Trịnh Công Sơn học’ sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, Piano, Thanh nhạc, Đông phương học của trường và cả về bản sắc văn hóa, tâm tính dân tộc.

Nhận xét về việt này, nhà ngôn ngữ học Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết :

"Các trường muốn dạy môn gì thì cũng phải báo cáo với Bộ, chứ không phải các trường muốn dạy môn gì thì có quyền dạy. Một nhà văn mà được giảng dạy ở đại học thì rất là quen thuộc, riệng lời nhạc của Trịnh Công Sơn thì cũng được nhiều người coi là văn, có cả mấy cuốn sách viết về chuyện ấy, thành ra tôi thấy nếu họ có dạy ở đại học thì không phải là một cái gì đó không thể tưởng tượng được. Tôi chỉ băn khoăn, không biết họ dạy theo chương trình nào ? Chứ nếu dạy theo chương trình văn học ứng dụng mà đại học Văn Lang đang có, thì môn ‘Trịnh Công Sơn học’ khó ứng dụng nhất".

Ông Đinh Gia Hưng, một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, thì cho rằng, việc đưa môn Trịnh Công Sơn học vào giảng dạy cũng là một sáng kiến rất hay và là một đề nghị rất thông minh :

"Trịnh Công Sơn là một hiện tượng văn hóa nổi bật trong nền văn hóa âm nhạc Việt Nam, có ý nghĩa trong chiến tranh Việt Nam và vượt ra khỏi khuôn khổ chiến tranh Việt Nam. Giá trị của nó có thể được xem xét ở nhiều khía cạnh như âm nhạc, triết lý, nhân sinh quan… nó thể hiện dòng chảy một phần của giá trị lịch sử Việt Nam trong nhạc Trịnh Công Sơn".

Theo Nhạc sĩ Tuấn Khanh, nếu dạy ‘Trịnh Công Sơn học’ mà không dạy đầy đủ tất cả những gì liên quan Trịnh Công Sơn, ví dụ như chuyện một Trịnh Công Sơn mà chính quyền cộng sản Việt Nam từng tính ám sát, bỏ tù… mà chỉ nói về Trịnh Công Sơn bằng những hình ảnh nhìn từ một phía, thì chúng ta mãi mãi là những người lừa gạt những thế hệ sau ? Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói tiếp :

"Một bộ môn như vậy thì chỉ mang tính thương mại của trường đại học, để thu hút tất cả những người yêu thích âm nhạc của Trịnh Công Sơn, để tán dóc về âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nói một cách nào đó, võ hiệp kỳ tình Kim Dung học, người ta cũng có thể mở một môn như vậy rồi, hay tư tưởng Hồ Chí Minh hay tư tưởng Nguyễn Văn Linh thì người ta cũng đã mở được Hồ Chí Minh học hay Nguyễn Văn Linh học rồi. Nhưng để làm gì khi chúng ta không có đầy đủ sự thật và những giá trị đi kèm với nó".

Trịnh Công Sơn là một người được nói đến rất nhiều về âm nhạc, nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều âm nhạc nổi tiếng của người Việt Nam như Hoàng Thi Thơ, trầm Tử Thiên, Lam Phương, Phạm Duy… vẫn được hát nhưng không bao giờ được nhắc đến đầy đủ về nhân thân của họ. Vì vậy, theo Nhạc sĩ Tuấn Khanh, chuyện bóc ra một nhân vật để rồi phục vụ cho hệ thống của nhà nước thì ông cho rằng sớm muộn gì cũng sẽ trở thành trò thương mại rẻ tiền và sẽ bị người ta nhìn thấy rõ ràng.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Trịnh Công Sơn khó có thể thành biểu tượng của nền tân nhạc Việt Nam, nếu ông không có những ca khúc phản chiến. Bởi xét về tình khúc, theo ông, nhạc Trịnh Công Sơn rất dễ ngán như một món ăn chế biến quá đơn điệu và cứ lặp đi lặp lại. Ca từ của ông thường mang tính phiêu diêu, nó làm người ta tò mò hơn là thích thú. Sự tò mò dễ làm nên điều kỳ diệu mang tên ‘biểu tượng’.

Khi Trịnh Công Sơn mất, ngoài số ca khúc để lại, ông còn để lại không ít nghi vấn, tranh luận về con người chính trị của ông. Khi ở tuổi 36, vào trưa ngày 30/4/1975 ông đã lên tiếng trên đài Phát thanh Sài Gòn : "Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam… Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ đến đây với thái độ hòa giải tốt đẹp. Các bạn không có lý do gì sợ hãi để phải ra đi cả…".

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, phát ngôn khi đó của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một "sai lầm chính trị"" quá lớn.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 25/04/2019

Published in Văn hóa