Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phần 1

Trịnh Y Thư : "Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ".

tochat1

Nhà thơ Trịnh Y Thư (phải) và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả Chuyện Ngõ Nghèo. Trịnh Y Thư/RFI

Trên đây là nhận xét của nhà thơ Trịnh Y Thư khi viết về cuốn tiểu thuyết đã được Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất hơn 30 năm về trước, nhưng mới chỉ chính thức đến được với độc giả vào mua thu 2016.

Tuy là tác phẩm đầu tiên trong số bốn cuốn tiểu thuyết đưa tên tuổi ông đỉnh cao trên văn đàn Việt Nam, song Chuyện ngõ nghèo với cái tên nguyên thủy là Trư cuồng, lại lận đận hơn cả, so với những Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2008) hay Đội gạo lên chùa (2011).

Chuyện ngõ nghèonói về Hà Nội thời kỳ bao cấp, đầu thập niên 1980, khi mà "cao trào nuôi lợn đang dâng". Cấu trúc Về hình thức, cuốn tiểu thuyết gồm ba phần : những trang nhật ký mà tác giả gọi là Nhật ký lợn. Phần giữa mang hình thức những truyện ngắn - Hành trình vào Hỗn mang - là những giấc mơ trong cơn mê sảng vật vã suốt thời gian đau ốm của nhân vật ghi chép cuốn nhật ký. Đoạn kết Nhật ký lợn là phần ba cuốn sách.

"Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn"

Trịnh Y Thư : Tôi có cái duyên gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hồi đầu năm 2017 trong dịp về thăm Hà Nội. Dù đang hồi phục sau một ca mổ, ông vẫn niềm nở đón tiếp tôi tại tư gia và qua câu chuyện trao đổi tôi nhận ra ngay đây là một trí thức nhiều tâm huyết, một nhà văn đáng kính phục. Ông kí tặng tôi cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo mới xuất bản, mà trước đó tôi chỉ đọc loáng thoáng trên báo chí ở hải ngoại.

Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Kì thực, tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng, những cuộc chém giết bạo tàn, những hận thù chồng chất, và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn nằm ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ, không chịu nhìn nhận nó là một phần con người.

Tác giả gọi cái bản ngã ấy là Trư cuồng. Và nếu định nghĩa tiểu thuyết là cuộc truy tìm bản ngã thì cái tố chất lợn cuồng điên ấy đã được Nguyễn Xuân Khánh lật phải lật trái lật ngang lật dọc, đã được đặt dưới ống kính hiển vi cho chúng ta ngắm nhìn, quan sát kĩ càng, tường tận. Không nhìn ra nó, phần lỗi ấy chẳng những bởi thị lực và tâm trí chúng ta yếu kém mà còn vì chúng ta đã tự đóng chốt xây một hàng rào thành kiến che kín lương tri :

"Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng ; ông Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn. Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái ‘húy’ gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi...".

Qua những trang sách sau đó chúng ta biết ông Hoàng sống với mẹ già, vợ và bốn con trong một căn nhà tồi tàn ở ven đô Hà Nội. Nhà ông Hoàng nghèo lắm, và như rất nhiều người dân Hà Nội thời bấy giờ, ông xoay ra nghề nuôi lợn.

Ông Hoàng có hai người bạn thân, ông Lân và ông Tám. Ông Lân là một thương binh, nuôi lợn gần như chuyên nghiệp, chính ông là người chua chát buông câu nói : "Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn".

Còn ông Tám là một giáo viên dạy sinh vật cấp ba, nhưng tính tình ông gàn bướng, thậm chí hơi bất thường. Đang dạy học, ông xin nghỉ ngang nằm nhà viết sách về lợn mà ông gọi là Bách khoa lợn. Ông Hoàng thi thoảng nhận được một trích đoạn Bách khoa lợn mà càng đọc ông càng khiếp hãi.

RFI : Nếu như chuyện nuôi lợn của ông Hoàng chỉ có thế thì chắc chẳng có gì đáng nói. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh là cuốn tiểu thuyết đa tầng : ở tầng thứ nhất là cảnh nghèo, nhưng chúng ta nên đọc nó như thế nào để thấu triệt được những điều tác giả muốn nói đến ở tầng cao hơn ?

Trịnh Y Thư :Thưa đúng vậy, tác giả ở đây đã không cho phép chúng ta lười lĩnh tự ru ngủ với một câu chuyện tuy thương cảm, bi thiết nhưng nói cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện thời cuộc thế gian xoàng xĩnh. Tác giả không dừng ở đấy, ông bắt chúng ta phải trực diện một vấn nạn gai góc, khó nhằn hơn nhiều : cái bản ngã lợn hay Trư cuồng, nói theo ngôn từ của ông.

Câu chuyện nuôi lợn của ông Hoàng bắt đầu đi vào giai đoạn có nhiều biến cố từ khi ông mua thêm một con lợn con có đôi mắt như mắt bò và lớp lông màu hung vàng như "cỏ tranh vàng khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc" mà ông đặt tên là Lợn Bò.

Ông đã có sẵn trong chuồng ba con lợn ỉn. Lúc mới về Lợn Bò chịu lép vế ba con lợn ỉn, không dám tranh ăn, khi nằm ngủ phải tìm góc chuồng dơ bẩn, thậm chí còn bị ba con kia cắn tai, húc mõm vào bụng. Nhưng con Lợn Bò ăn hăng lắm, nó tận tình vét máng mỗi lần ăn và nhờ thế tăng trọng nhanh chóng hơn ba con kia. Một hôm khi đã to khỏe đủ, nó đánh lại ba con lợn ỉn và cuộc chiến tranh trong chuồng lợn bùng nổ.

Từ chuồng lợn đến vai trò của người nắm quyền lực

Trịnh Y Thư : Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền "cắt tiết" những kẻ yếu hơn mà không chịu suy tôn thần phục chịu làm nô lệ cho mình. Ông Hoàng suy ngẫm. Thoạt tiên là ý nghĩ về từ "đồ tể". Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn không bao giờ xuất bản của ông Tám, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay :

Tìm từ nguyên của từ ‘đồ tể’ thấy gồm hai thành tố : tiền tố ‘đồ’ và hậu tố ‘tể’. Riêng hậu tố ‘tể’ chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác : chúa tể và tể tướng. Hóa ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao : ông vua và quan đại thần tột bậc.

Họ gần gũi nhau ở điểm gì ? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể ; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.

"Trong tim ai cũng có sẵn một anh đồ tể"

Trịnh Y Thư : Qua con Lợn Bò, ông Hoàng bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của Trư cuồng. Đây là ẩn dụ chính trong cuốn tiểu thuyết nhiều ẩn dụ này. Hình như bất cứ ai cũng có thể là một anh đồ tể, trong tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể sẵn sàng chém giết không gớm tay. Cái xấu, cái ác tràn ngập thế gian. Tuy vẫn còn u minh mờ mịt, ông mơ hồ cảm nhận được trong con người ông "thiếu vắng một cái gì rất cơbản mà ông không sao xác định nổi". Ông run rẩy vì "chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân…" Ông vẫn yêu thương cuộc đời, vẫn yêu hình ảnh con sông Đuống mộng mơ của bạn ông, hay những dãy phố cổ nghiêng nghiêng trong tranh người bạn khác, nhưng ông muốn "vươn khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo". Mơ hồ nhưng day dứt, ông bị điều ấy hành hạ ngày đêm.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 02/12/2017

******************

Phần 2

Trịnh Y Thư : "Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền "cắt tiết" những kẻ yếu hơn (…). Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay".

tochat2

Tác phẩm "Chuyện Ngõ Nghèo" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Trịnh Y Thư/RFI

Kỳ trước chúng ta đã bắt đầu câu chuyện với nhà thơ Trịnh Y Thư về tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà xuất bản Nhã Nam, phát hành tháng 10/2016. Như đã giới thiệu Chuyện ngõ nghèo được viết trong cái thời kỳ mà cả Hà Nội đang "lên cơn sốt nuôi lợn", khi mà nhân vật Hoàng "mê sảng đi vì lo tiền".

"Giá cả hàng hóa của Hà Nội leo thang vùn vụt. Tôi ghi chép lại đây những con số đầy ý nghĩa với cuộc sống gia đình tôi : Su hào, một đồng một củ - Khoai lang, 22 đồng một yến (...) - Rau muống lợn 1 đồng 5 hào một mớ. (...) Ôi chao toàn tiền là tiền. Tiền tiêu như rác, một nắm bèo cũng có giá. Trong khi đó, lương tôi được hơn 60 đồng, lương vợ tôi 70 đồng. (...) Chỉ những con số ấy cũng đủ biện hộ cho công việc nuôi lợn, mê say lợn của tôi. Cơn lợn của tôi là tất yếu, là con đường cứu sống gia đình tôi".

Nhưng Chuyện ngõ nghèo không chỉ là một tác phẩm nói về Hà Nội thời bao cấp mà đó là một sáng tác với nhiều ẩn dụ từ chuồng lợn của gia đình ông Hoàng, lan tỏa ra xã hội bên ngoài.

RFI tiếng Việt rất hân hạnh được gặp lại nhà thơ Trịnh Y Thư để cùng tìm hiểu thêm về những chiều kích khác của một tác phẩm mà ở đó, "bản tính người" trong mỗi chúng ta liên tục bị đe dọa.

Trịnh Y Thư :Ngoài chuyện vật vã với cuộc sống cùng cực, ông Hoàng còn bị thường xuyên gọi lên "làm việc" với an ninh. Người ta vẫn không để yên cho ông. Chỉ vì một câu nói "Que faire ?" cách đấy mươi năm người ta quy kết lên đầu ông tội "chống tổ chức", một cái tội mơ hồ không bằng cớ, không nhân chứng, không luật sư biện hộ, không thẩm phán, không bồi thẩm đoàn. Một tòa án cũng không mà chỉ là gian phòng thẩm vấn hỏi cung lạnh lẽo trơ trịa một chiếc bàn xấu xí.

Có lần ông Hoàng bị mời lên an ninh làm việc, và người làm việc với ông là một cán bộ đứng tuổi, giọng nói ấm áp, gương mặt đôn hậu có thiện cảm. Nhân thế ông không ngần ngại trút ra những suy nghĩ của mình :

"…Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa bỏ tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay thế vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm khát một tấm áo giản dị nhưng vừa vặn. Chúng tôi chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình".

Và ông Hoàng nói thêm :

"Sự tham vọng quá lớn, định làm những điều quá to tát, không hợp kích cỡ ở thế gian này, đã đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Đất nước đang gặp thất bại và sẽ còn khó khăn. Nhưng cho dù, về mặt vật chất, dù có thành công chăng nữa thì tôi cũng xin nói rằng : Cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lí tưởng khác".

Khi phi lí trở thành chân lí

RFI : Liệu cuộc "trao đổi" giữa ông Hoàng và người cán bộ già ấy có đem lại kết quả thực tiễn nào không, ít nhất về mặt lí luận ?

Trịnh Y Thư : Dĩ nhiên là không. Tôi có cảm tưởng hai người tuy nói cùng ngôn ngữ nhưng không ai hiểu ai, mỗi người như có một hệ cơ số riêng, và không hề có sự đả thông tư tưởng. Lỗi ở ông Hoàng ngây thơ, hay ông còn chút hi vọng vào lẽ phải và sự hợp lí ?

Cũng như nhân vật K. trong cuốn tiểu thuyết Vụ xử án của Franz Kafka, ông Hoàng tin vào sự hợp lí, tin hợp lí sẽ chiến thắng phi lí, nhưng vô cùng khốn nạn cho hai người, ở đây cái phi lí mới được tôn sùng, nó là chân lí tuyệt đối, là lẽ sống, là lí tưởng cho mọi người noi theo.

Trong cuốn tiểu thuyết 1984 của nhà văn người Anh, George Orwell, viết năm 1948, ba khẩu hiệu của Đảng được phổ biến khắp nơi, bắt cư dân ghi nhớ : Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh. Nghe phi lí quá, phải không, thưa chị ? Khẩu hiệu gì mà nghe trái với đạo lí, luân lí thông thường thế.

Điều nguy hiểm chết người nằm ở đấy. Một hôm, cái phi lí biến thành hợp lí, cái phi lí nghe thuận tai, cái phi lí trở nên chân lí.

Sự thật được hiểu bằng doublethink (từ do Orwell sáng chế ra), tư duy hai chiều, chiều nào cũng đúng, bởi Sự Thật không nằm trong tủ chè hay kệ sách nhà bạn mà nằm dưới tầng ý thức, dưới cả tầng tiềm thức, thậm chí có thể là tầng vô thức trong não bộ của bạn.

Lúc điều phi lí nghe thuận tai là lúc Đảng chiến thắng toàn diện, Đảng trên hết, Đảng là chúa "tể", và con người vĩnh viễn nằm trong quỹ đạo của Đảng. Đó là số phận của K., của anh chàng Winston Smith và của ông Hoàng.

"Tố chất Lợn"

RFI : Qua chuyện tất cả những bộ sách của những tác giả được ông Hoàng kính trọng nhất, đều lọt cả vào bụng của con Lợn Bò, phải chăng đằng sau những câu chuyện cười ra nước mắt của các ông Hoàng, Lân hay Tám, là lời cảnh cáo về "tố chất Lợn" trong mỗi con người ?

Trịnh Y Thư : Con Lợn Bò đặc biệt thích ăn bằng tiền bán bộ truyện kiệt tác Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky. Đây là một ẩn dụ khác tuy buồn cười nhưng hết sức chua xót. Dostoyevsky - người nói câu "Cái đẹp cứu rỗi thế giới" - có lẽ là nhà văn được ông Hoàng kính trọng nhất. Đối với ông, Dostoyevsky là biểu tượng của Chủ nghĩa nhân đạo đích thực và ông tận mắt nhìn thấy cái chủ nghĩa ấy đang bị con Lợn Bò nuốt chửng.

Dostoyevsky nói câu nói ấy thường dễ trên trăm năm rồi, nhưng thế giới đã được cái đẹp cứu rỗi chưa, con người đã được giải phóng chưa hay vẫn đắm chìm trong cái xấu xa, con Lợn Bò vẫn ngự trị, sự bẩn thỉu tràn lan, để đi đến hậu quả con người dần dà đánh mất hết phẩm giá và đức hạnh.

RFI : Phần 2 của tác phẩm, tác giả gọi là Hành trình vào Hỗn mang, là những giấc mơ của ông Hoàng trong cơn ốm đau mê sảng, nhưng đan xen vào những giấc mơ lại là những hồi đoạn rất thật.

Trịnh Y Thư : Có thể xem đấy là những truyện ngắn đứng riêng lẻ, nhưng lồng vào tổng thể cuốn tiểu thuyết, chúng tạo thành thế hỗ tương chặt chẽ bởi chủ đề của những truyện ngắn tưởng như độc lập ấy không đi chệch ra khỏi chính truyện bao nhiêu : Cái tính thèm nhìn máu đổ, dù là máu lợn, của người dân làng trong Hội làng ; cái chất "đồ tể" nguyên thủy nơi con người ông Tí Giò trong Bãi chết ; phẩm chất cách mạng chân chính của người bạn tên Vinh trong Người khổng lồ vác nặng.

Giữa ông Tí Giò và ông Vinh là một đại dương khác biệt, hai con người tượng trưng cho hai thái cực nhân cách, như trắng và đen, như ngày và đêm. Nhưng thực tại cuộc sống cho thấy đa phần con người chúng ta không trắng đen rành rọt mà xám, và phải chăng chính cái màu xám bi đát đó đã khiến chúng ta vĩnh viễn thất lạc trong cõi Hỗn mang ?

Ông Tí Giò có đứng xa cả trăm thước thì đứa trẻ con lên ba cũng biết và khóc ré lên vì khiếp sợ (thật ra ông Tí Giò là kẻ đáng thương hơn đáng ghét), còn những con lợn-người thì mặc những bộ áo xống đẹp đẽ lịch sự nhất, khoác những cái mặt nạ hiền hòa nhân hậu nhất, nói to vào máy vi âm những lời lẽ nhân đạo nhất cho mọi người cùng nghe, và chúng ta đứng dưới vỗ tay thật to tán thưởng.

Cái thâm độc nhất của lợn-người là biết khai thác một cách đầy hiệu quả chất lợn của lợn thật (ông Tí Giò chẳng hạn), và bởi Lịch sử được viết theo góc nhìn của lợn-người nên sự quang vinh của lợn-người sẽ được muôn đời ca tụng. Sự thật không hề hiện hữu trong thế giới lợn-người.

RFI : Cái tố chất lợn-người ấy, nó còn hiện hữu ở nơi đâu ?

Trịnh Y Thư : Nhân thuật chuyện ông Tí Giò, tác giả có tạt qua việc Cải cách ruộng đất hồi đầu thập niên 50 ở miền Bắc. Sách vở về chuyện này đã có nhiều, hư cấu cũng như phi hư cấu, nhưng không mấy ai nêu lên luận điểm chìa khóa mà Nguyễn Xuân Khánh nói đến ở phần này của cuốn tiểu thuyết, dù chỉ thoáng qua.

Qua suy nghĩ của Thái lúc trước khi bị đem ra xử bắn "Anh cảm thấy thương hại sự vô ơn của những con người ấy. Chính vì những con người ấy mà bao năm nay anh lăn lộn xả thân…". hiển lộ một trong những thuộc tính cơ bản nhưng thường được khéo léo che giấu của con người. Những người nông dân ngày thường thật thà chất phác ấy, ai ngờ lúc lâm sự có thể đẩy kẻ vô tội vào chỗ chết, và họ khoái trá, thậm chí cuồng điên sôi máu khi chứng kiến kẻ xấu số lãnh nhận cái chết đau đớn oan khiên. Họ chen nhau vào pháp trường, kể cả những đứa trẻ, để mục kích cảnh tượng khiếp hãi ấy.

RFI : Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể đem so với những tác phẩm văn học quốc tế nào cùng thể loại ?

Trịnh Y Thư : Cuộc hành trình vào hỗn mang đưa ông Hoàng vào một xứ lạ có tên gọi là Cực Thiên Thai. Đọc đoạn văn này của Nguyễn Xuân Khánh, tôi có cảm tưởng nó là tổng hợp của ba cuốn tiểu thuyết kinh điển của phương Tây về thể loại này : cuốn Chúng ta của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin, cuốn Thế giới mới dũng cảm của Aldous Huxley, và cuốn 1984 của George Orwell.

Cả ba đều gay gắt phê phán một thế giới thuần nhất, trong đó con người là những cỗ máy, tên tuổi chỉ là những mã số được chỉ định từ lúc lọt lòng mẹ, không có tình yêu hay gia đình mà chỉ biết ăn, thở và lao động.

Nguyễn Xuân Khánh cũng không chấp nhận một thế giới như vậy, một thế giới con người đóng vai Thượng đế, cho dù chỉ có tiếng cười và niềm vui. Một thế giới không nước mắt là một thế giới phi nhân, nơi đó con người là phi-chân-diện-mục. Một thế giới trong đó xã hội là một hệ thống quan liêu với mục tiêu tối thượng là bắt con người trở nên vô cảm, không có tâm hồn, mất hết mọi ý niệm cá nhân chủ nghĩa. Một thế giới trong đó giới lãnh đạo là những kẻ chỉ biết quyền lực, đối với họ quyền lực không phải phương tiện mà là cứu cánh.

RFI : Thông điệp của Chuyện ngõ nghèo là gì ?

Trịnh Y Thư : Đoạn kết cuốn sách, cũng là phần kết Nhật kí lợn, chúng ta thấy chuyện nuôi lợn của gia đình ông Hoàng phải chấm dứt, một kinh nghiệm kinh doanh thảm bại, và cậu Linh quyết định giết con Lợn Bò bán thịt để lấy tiền thuốc thang cho bố. Tôi rất thèm được nghĩ chuyện cậu Linh giết con Lợn Bò là một ẩn dụ Nguyễn Xuân Khánh muốn gửi gắm vào thế hệ tương lai, cái độc tố Trư cuồng ấy phải chấm dứt, chỉ có cách giết chết nó mới làm đẹp xã hội loài người được, và chỉ có thế hệ tương lai mới làm được chuyện đó.

Cũng như các tác phẩm văn học quan trọng khác, cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều chiều kích. Ngoài chiều kích lịch sử, xã hội, chính trị, nó còn hàm ẩn chiều kích tiên tri.

Từ 35 năm trước, lúc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất cuốn sách hay bây giờ cũng thế, Trư cuồng là một lời cảnh báo của tác giả đến chúng ta, một lời cảnh báo cực kì cấp bách. Nếu lịch sử không thay đổi đường đi của nó thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ mất hết những phẩm chất con người, biến thành những cỗ máy vô hồn mà chính chúng ta hoàn toàn không nhận biết.

Nguyễn Xuân Khánh đã can đảm lột trần cái xấu xa nhất của con người : cái bản ngã lợn. Trong mắt nhìn của ông thì đấy là căn nguyên của những vấn nạn gai góc chúng ta đang trực diện trong cuộc sống con người.

Phải chăng ông là người theo lí tưởng chủ nghĩa bởi, với tất cả những bằng chứng lịch sử từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, con người vốn ác. Nhưng lí tưởng của Nguyễn Xuân Khánh còn là một lí tưởng nhân đạo đích thực và chính cái lí tưởng ấy đã giúp ông tiếp tục chiến đấu trong những điều kiện khó khăn, ngặt nghèo nhất.

Vì lí tưởng có lúc ông như lên đồng không phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì lí tưởng ông đã bị quẳng vào đáy sâu của ngục tù. Song, thể xác ông có thể bầm dập vì bạo lực, cường quyền, nhưng lí tưởng đã giúp ông bền bỉ vác thập tự giá bước đều trên con đường thánh ông tự định hướng cho mình.

Nguyễn Xuân Khánh không thể bỏ cuộc khi chính cái lí tưởng của ông bị đe dọa và vi phạm. Có thể con đường thánh đó không bao giờ đưa ông đến điểm cuối, điểm hẹn của những linh hồn thánh hóa, nhưng điều đó không quan hệ.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI tiếng Việt, 09/12/2017

Published in Văn hóa