Người Thượng và những bó ngo thơm mùi nhựa thông như cái hồn của Đà Lạt giờ chỉ còn là hoài niệm
Những dáng người đen đen nho nhỏ cứ sáng sáng chừng 7-8 giờ thấp thoáng trong sương sớm bước ngang quan hàng rào hoa ngũ sắc rồi từ đó đi ra chợ. Họ gùi ngo hay than củi đi bán. Đi chân không thôi vậy mà họ bước đi thoăn thoắt trên những con dốc quanh co. Cứ hàng một, người trước người sau yên lặng bước đi.
Những người Thượng gùi ngo trên lưng, dáng đi lúp xúp, cầm theo một cái cây dài chừng 8 tấc – 1 thước, vừa đi vừa chống. Cây này làm từ một cái chạc cây chẻ hai ở trên đầu và bóng láng. Khi nào mệt thì họ đứng lại lấy cái cây đó chống dưới đáy gùi, đứng dựa vô đó mà nghỉ mệt. Cái chạc cây chẻ hai giữ có cái gùi đửng yên trên lưng họ. Có lẽ nếu bỏ gùi xuống thì lúc xốc gùi lên phải dùng nhiều sức hơn nên cứ dựng gùi trên cái chạc cây vậy mà nghỉ, hết mệt thì lại đi tiếp.
Ngo được chặt ra từ lõi cây thông. Ngo có nhiều mủ nên màu vàng nhạt cho tới màu cam đậm pha chút trắng lấm tấm. Miếng ngo nào càng nhiều mủ thì màu càng đậm. Có khi cầm lên thì tay còn dinh dính mủ ngo. Họ chẻ ra từng miếng nhỏ chừng nắm tay hay lớn hơn chút, dài chùng hơn gang tay rồi bó lại thành từng bó, cột lại đàng hoàng.
Những năm sau 1975, người ta lấy ngo để làm mồi đốt củi nấu cơm. Từ những miếng ngo mua của người Thượng phải chẻ ngo nhỏ ra, mỏng lại thì càng tốt. Củi xếp vô lò rồi chêm thêm mấy miếng ngo. Ngo có mủ nên bén lửa cháy trước, làm mồi cho củi dẻ cháy lên theo. Miếng ngo nào ít mủ thì xài trước, miếng nhiều mủ để dành lại.
Dần dà, người ta chuộng than củi hơn vì ít khói, cháy lâu mà toả nhiều nhiệt nên người Thượng ngoài bán ngo còn có người đi bán than. Nhưng ngo thì vẫn không thể thiếu vì để cần phải có thứ mồi lửa. Than củi chất vòng quanh trong lò, ngo bẻ nhỏ xếp qua lại để chính giữa, thêm ít than củi xếp lên trên. Châm một cây ngo cháy bùng bên ngoài rồi nhét vô giữa, miệng lò quay qua ngược hướng gió. Ngo bén lửa bốc cháy, mồi cho đám than cháy theo, nhờ có gió là than hừng lên liền. Nếu trời mưa, hay không có gió thì phải quạt tay cho mau hết khói và than cũng mau hừng.
Họ bán ngo lấy ít tiền mua gạo rồi lại từ chợ Đà Lạt băng vườn, băng núi trở về nhà ở dưới những ngọn núi trong tận Lạc Dương như dãy Lang Biang. Những người Thượng hiền khô, nói bao nhiêu bán bấy nhiêu không bao giờ nói thách. Có những bà Thượng bụng mang dạ chửa vẫn lầm lũi gùi ngo đi bán kiếm tiền mua gạo nuôi 4-5 đứa con.
Nếu hên, trên đường ra chợ gặp người mua cho hết mớ ngo còn cho thêm vài lon gạo thì họ đi về nhà liền. Còn không thì họ phải ở ngoài cầu thang hay bùng binh Chợ Mới đứng bán từng bó ngo cho tới buổi trưa đứng bóng, có khi qua buổi chiều mới mới có thể về nhà. Một ngày cứ vậy mà họ lội bộ 15-20 cây số.
Người Thượng có nước da sạm đen, nụ cười tươi rói, giọng nói lơ lớ, nói tiếng Việt không sõi, đôi khi họ dẫn theo mấy đứa con nhỏ đi theo. Những đứa nhỏ đẹp không ngờ, nhìn giống như con lai, mắt to sâu thẳm, lông mi đen cong vút, hàm răng trắng bóng nhưng cũng rất rụt rè, nhút nhát. Lúc đó cũng không có ai hỏi họ là người K’Hor (Kôhô) hay người M'Lat (Lách) gì gì đó, chỉ gọi chung chung là người Thượng. Sau này thì lại phải gọi là đồng bào dân tộc, nhưng đó là trên sách báo, còn người Đà Lạt lâu năm thì vẫn gọi họ là người Thượng.
Những người Thượng mặc áo đen hay màu xanh rêu đã ngả màu bạc thếch. Phụ nữ quấn váy có sọc đo đỏ chạy ngang cũng bạc màu không kém. Họ đeo những cái gùi cũ kỹ nhưng chắc chắn vô cùng. Họ không có những bộ quần áo đen dệt xen thổ cẩm xanh đỏ như hay thấy trên báo chí hay ti vi sau này.
Ngo được chặt ra từ lõi cây thông. Ngo có nhiều mủ nên màu vàng nhạt cho tới màu cam đậm pha chút trắng lấm tấm. Miếng ngo nào càng nhiều mủ thì màu càng đậm. Người Thượng chẻ ra từng miếng nhỏ chừng nắm tay hay lớn hơn chút, dài chùng hơn gang tay rồi bó lại thành từng bó, cột lại đàng hoàng.
Bóng người Thượng thấp thoáng trong sương sớm là một hình ảnh khó quên của Đà Lạt cuối những năm 70 đầu 80. Lúc nhỏ, đứa con nít nào không nghe lời liền bị doạ bán cho "ông Thượng què" bỏ vô gùi mang vô trong núi nuôi. Nghe dọa vậy là đứa nào cũng teo rét nên nín khóc, im thin thít. Dần dà rồi thì không còn thấy người Thượng bán ngo, bán than đâu nữa. Cứ như là họ bỗng biến mất không còn thấy tăm hơi khi nhà nhà chuyển qua xài bếp dầu, bếp ga rồi bếp điện. Lời doạ bán cho ông Thượng què cũng không còn vì giờ có đứa con nít biết bóng dáng ông Thượng què ra sao nữa đâu.
Lạc Dương dưới chân Lang Biang vốn là nơi ở trước đây của người Thượng nhưng 15 – 20 năm trước đã không còn thấy mấy người Thượng ở đó nữa. Nhà sàn, nhà rông biến đâu mất, chỉ còn lại những ngôi nhà của người Kinh san sát.
Người Kinh mấy chục năm trước đã kéo nhau vô núi phá rừng vỡ đất trồng hoa màu. Đà Lạt sắp tới sẽ được mở rộng thêm 4 lần, ghép nguyên huyện Lạc Dương vô. Rồi thì người Kinh sẽ tràn vô Lạc Dương, tới tận vùng giáp ranh Dak Lak, Dak Nong. Những nơi còn nguyên rừng cây sẽ trở thành resort, homestay.
Còn người Thượng và những bó ngo thơm mùi nhựa thông như cái hồn của Đà Lạt giờ chỉ còn là hoài niệm.
Anh Đào
Nguồn : VNTB, 21/06/2023