Tôi biết đến nhà thơ Thạch Quỳ bắt đầu bằng bài thơ "Với con".
Bài thơ ấy, ra đời vào thời buổi ấy là một hiện tượng không bình thường trong xã hội cộng sản khắc nghiệt.
Ở trong xã hội ấy, người ta trừng trị con người, nhất là những người cầm bút không chỉ là những vần thơ, bài văn, con chữ họ viết ra mà cả những thứ họ không viết ra, nhưng mà phía công an, tuyên huấn, hoặc bất cứ một tay cha căng chú kiết nào đó có thể suy diễn ra, tưởng tượng ra qua những sản phẩm của nhà thơ, nhà văn để kết tội họ. Dù nhiều khi chính bản thân tác giả chưa hẳn đã nghĩ đến những ý tứ sâu xa mà họ bị đưa ra kết tội.
Bài thơ ấy ra đời trong hoàn cảnh đó, là một sự "không bình thường". Và người ta đọc cho nhau nghe, người ta thầm thì giải thích cho nhau những điều họ tâm đắc, và người ta truyền tụng cho nhau những khổ thơ ấy.
Tôi cũng được nghe qua cách như vậy. Bởi chưa bao giờ tôi được đọc bài thơ đó trong sách vở hoặc cuốn thơ nào. Nhưng những vần thơ trong đó làm tôi thấy tâm đắc và cảm phục.
Tôi thích bài thơ vì nhiều lẽ.
Bởi thế hệ chúng tôi là thế hệ được sinh ra vào thời buổi mà cứ "nghe chim hót" lại "nghe mê mải quá". Thế hệ chúng tôi không quan tâm đến một quy luật rằng "Qua đường đất, đến con đường sỏi đá" mà cứ nhắm mắt hò nhau theo tiếng gọi "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
Để rồi đến bây giờ vào tuổi lão, cả đất nước đã đua nhau "tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc" suốt gần thế kỷ thì mới chưng hửng ra rằng không biết con đường mình đang đi, được gọi là con đường "Quá độ" nó đang như thế nào và khi nào thì nó kết thúc để đến được chủ nghĩa xã hội ? Hỏi lại ông có trách nhiệm nhất, thì ông ta bảo : "Cứ đi, dần dần sẽ sáng tỏ".
Còn cái gọi là chủ nghĩa xã hội được đảng mô tả nó sáng lạn, nó hạnh phúc, nó tươi đẹp cứ như đảng đã ở trong đó mới về kể lại, thì đến nay ông Tổng bí thư mới phán một câu đến giật mình : "Chưa chắc đến cuối thế kỷ này đã nhìn thấy chủ nghĩa xã hội".
Thế là huề, thế là bao nhiều công sức, máu xương bao thế hệ người Việt Nam đã bỏ sông bỏ bể. Cầu cho khi đến được đó, nó không là một cái hố bùn. Không hoang mang sao được, vận mệnh cả đất nước, cả dân tộc cứ như một trò chơi may rủi.
Thế nên, trong hoàn cảnh mà cả dân tộc bị bệnh mù màu, được dẫn đường bằng một kẻ dị tật, thọt chân, thì bài thơ như một lời nhắc nhở.
Và nó trở thành quý giá.
"Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ"...
Quả thật, đến bây giờ không chỉ là đứa con của nhà thơ có thể đến lớp muộn giờ, mà cả dân tộc, cả đất nước đã mải mê "nghe chim hót" nên không chỉ muộn giờ mà còn tụt hậu đến mấy thế hệ.
Và vẫn chưa hết, ngày nay, đảng vẫn cứ hô hào hết "Đi tắt đón đầu" lại "Đổi mới tư duy"… Có điều, bây giờ thì nhiều người đã biết cái quy luật "Qua đường đất đến con đường sỏi đá" chứ bỗng dưng muốn mơ màng, muốn đến đích bằng cách "đi tắt đón đầu" thì chỉ có bọn lục lâm thảo khấu.
Tôi đã giật mình khi đọc câu thơ sau của nhà thơ :
Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Đúng vậy.
Thế hệ chúng tôi và cả thế hệ của nhà thơ nữa, biết bao người đã lao theo những giấc mơ với nàng Bạch Tuyết, với những ông tiên, ông bụt mà "Râu bác dài tóc bác bạc phơ" để rồi quên mất rằng cái áo rách, cái khuya áo bị tuột, cũng chính từ bàn tay mẹ mình tần tảo sớm hôm vắt kiệt mồ hôi sức lực mới có cho mình chứ chẳng có bác, có tiên nào cho mình cả.
Và đời mình, muốn có những tấm áo đẹp, sách mới thì hãy bằng năng lực, trí tuệ và sức lao động chân chính của mình mới có. Còn những câu hát rằng "Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta"… chỉ là sự lừa bịp không hơn không kém.
Bởi thực tế thì Đảng chỉ rình sẵn để khi các cháu muốn có một chiếc áo mới, thì bố mẹ cháu mua thêm vài ba chiếc cho đảng, các cháu muốn có quả trứng gà ăn sáng, thì bố mẹ các cháu hãy chuẩn bị thêm 14 thứ thuế, phí đi cùng mà nộp cho nhà nước, cho đảng mới xong.
Thế mà ác hại thay, đã có một thời kỳ dài, rất dài, không chỉ vài người, vài nhóm người đã tin như vậy, và cả đến bây giờ, họ vẫn cứ không ngượng mồm hò hét rằng "Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta"…
Thế nên, lời nhắc nhở của nhà thơ, là một tiếng cảnh báo đáng quý và hết sức cần thiết không chỉ cho một thế hệ, một lớp người, mà là cho cả một dân tộc, một đất nước.
Bài thơ cũng chưa dừng lại ở chỉ hai khổ thơ đó, còn nhiều câu thơ phía sau với bao lời gửi gắm, dặn dò, cảnh báo và nhắc nhở.
"Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn ! "
Vâng, những lý thuyết, những chiếc bánh vẽ quả là đẹp đẽ, quả là thơm tho. Ở đó, nơi mà được đảng mô tả là "của cải tuôn ra dào dạt, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’. Rằng thì ở đó, "tất cả sẽ là chung, tất cả sẽ là vui và ánh sáng". Ở đó, "không hạng người ô uế, không hạng người nô lệ". Lung linh, huyền ảo… nhưng chỉ là cái của "ngày mai".
Và cái ngày mai ấy, đến nay đã gần tròn thế kỷ. Đã vậy còn được Tổng bí thư hẹn rằng đến cuối thế kỷ này vẫn chưa biết mặt ngang mũi dọc nó ra sao.
Thế nên, nếu không dặn dò, không cảnh tỉnh, thì cả đất nước, cả dân tộc chứ không chỉ một thế hệ mải mê "Há mồm khoan khoái. Lão ngồi mơ nước Nga". Để rồi tất cả mải mê nhìn theo chiếc bánh vẽ mà đảng tô vẽ công phu mấy chục năm qua, để biết bao nhiêu sinh mạng, biết bao tài sản, mồ hôi, xương máu và cả lãnh thổ của Tổ Quốc cũng đã ra đi cho cái gọi là lý tưởng, cái "dải ngân hà" với "ánh sáng bảy màu"… đẹp đẽ ấy mà quên mất rằng đất nước Việt Nam đã tụt hậu, đã lùi rất xa với thế giới ngày nay và đang đứng ở ngưỡng cửa của vòng nô lệ.
Ở đây, không phải là một buổi bình thơ, càng không phải là một bài phân tích bài thơ, mà chỉ là một sự cảm nhận. Sự cảm nhận của bản thân tôi với bài thơ khi được tiếp xúc. Thế nên, có thể những ý nghĩ, những suy tư về bài thơ chưa hẳn là đúng, là đủ và chẳng được sâu sắc.
Và tôi vẫn thuộc lòng bài thơ, vẫn thỉnh thoảng nghĩ về nó và tác giả.
Thế rồi như một sự tình cờ, tôi gặp con trai nhà thơ Thạch Quỳ trong lớp học cùng với em tôi ở Đại học Xây Dựng Hà Nội, rồi trở nên thân thiết. Định hẹn một ngày nào đó kiến diện nhà thơ mà chưa có dịp.
Thế rồi, lại có dịp gặp nhau trên mạng xã hội với những vấn đề chung, riêng, của xã hội, của đất nước. Có những vấn đề tôi cảm phục nhà thơ, có những vấn đề tôi không nhất trí với ông trong cách nghĩ, nhất là giai đoạn đầu của cuộc chiến xâm lược của Nga với đất nước Ukraine.
Là một người đã gắn bó với nước Nga, ông vẫn tôn trọng văn hóa, xã hội và con người Ukraine, nhưng ông ủng hộ Putin trong giai đoạn đầu cuộc chiến với vài ý kiến trên mạng xã hội.
Vậy nhưng, điều mà tôi cảm phục ở ông, đó là sau khi có những ý kiến phản hồi trái với những nhận thức, ý kiến của mình, ông đã không sửng cồ lên như thường thấy ở những người có tuổi, có danh tiếng hoặc những người tưởng mình có danh tiếng.
Ông đã hành xử cách khác. Ông đã nhìn nhận lại vấn đề và tự điều chỉnh. Điều đó, rất ít người làm được như ông.
Và đó là điều mà tôi cảm phục ông hơn cả.
Sáng nay vừa đọc được một stt của ông về việc đề nghị được tiêm phòng mũi 3 chống Covid.
Tối nay, nghe tin ông đã từ trần.
Quả là cuộc đời ngắn ngủi và nhanh chóng.
Mỗi con người đều trải qua một cuộc đời dù dài hay ngắn. Có những kẻ làm quan, có những người làm dân, lắm kẻ giàu sang cũng nhiều người nghèo khó… tất cả rồi qua đi hết.
Và qua kiếp nhân gian đó, điều quan trọng nhất đến khi họ đi qua, không phải là họ đã ăn được những gì, ở được nơi đâu, giàu có cỡ nào, sang trọng ra sao. Mà điều quan trọng nhất, là họ để lại điều gì cho đời, cho thế hệ sau để còn nhớ đến họ.
Có thể có những người để lại cho đời nhiều công lao mà đến muôn đời người ta còn mang ơn, còn nhắc nhở và thậm chí tôn thờ.
Cũng có những người đã khuất bóng từ lâu, vẫn bị nhắc nhở không yên, vì những điều họ để lại, hậu quả vẫn còn đó cho đất nước, cho dân tộc, cho loài người.
Nhưng, cũng có những người ra đi, để lại những điều giản dị, đời thường, không khoa trương, nhưng người đời nhớ đến, dù chỉ là một câu thơ, một bài thơ đi vào lòng người và sống mãi.
Thạch Quỳ là một con người như vậy ở trong tôi.
Vĩnh biệt bác và chúc bác được yên nghỉ nơi vĩnh hằng.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 10/12/2022