Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiều thơ nhạc và ra mắt sách của Nhã Ca tối hôm 10/02/2023 trang trọng nhưng ấm cúng, thân tình như buổi gặp mặt bạn bè ở một nơi ai cũng quen nhau.

nhaca1

Nhã Ca và phu quân, nhà thơ Trần Dạ Từ trước buổi ra mắt sách

Phòng ăn của The Villa đầy ắp những khuôn mặt quen thuộc trong giới báo chí, văn chương, hay nghệ sĩ sáng tác. Và không chỉ là khách, đa số họ là thân hữu đã gắn bó với gia đình Nhã Ca, Trần Dạ Từ và tòa soạn Việt Báo từ lâu.

Trước mặt tôi là bàn của gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã trên 100 tuổi. Bên phải là bàn của Nhã Ca Trần Dạ Từ, Kiều Chinh, Đỗ Quý Toàn, ông bà giáo sư Peter Zinoman – Nguyệt Cầm.

Xa xa thấp thoáng bóng các nhà báo Đinh Quanh Anh Thái, Bồ Đại Kỳ, Phan Tấn Hải. Đâu đó là họa sĩ Nguyễn Đình Thuần - họa sĩ Khánh Phan - họa sĩ Ann Phong...

Cách giao tiếp của khách cho thấy họ là những người quý mến nhau, vì tài cũng có, nhưng quan trọng hơn, có lẽ vì họ cùng cảm nhận là mình chia sẻ một điều gì đó rất chung mang tên Việt Nam Cộng Hòa.

Một Việt Nam Cộng Hòa với những biến cố đau thương mà Nhã Ca, là nhân chứng, cũng như họ từng là nhân chứng. Chỉ khác một điều, Nhã Ca ghi lại được những điều mắt thấy tai nghe, và qua hơn 50 tác phẩm đã xuất bản, đã lưu lại cho hậu thế nhiều nét chấm phá của lịch sử, đặc biệt là quanh cố đô Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của bà.

nhaca2

Ca sĩ Khánh Ly trình bày một nhạc phẩm phổ từ thơ Nhã Ca

Từ 'Tình ca cho Huế đổ nát'

Chẳng hiểu sao những cuốn sách mới cũ của bà được trưng bày hôm ấy khiến tôi chìm vào ký ức.

Nhã Ca là tên tôi đã quen từ thời vừa bước vào tuổi teen ở Việt Nam, với những ngày nằm lì trong phòng ôm Giải Khăn Sô Cho Huế (1969), cuốn sách đoạt giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970, nhưng sau năm 1975 bị Hà Nội liệt vào hạng tối kỵ, trưng bày trong Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy, đẩy bà vào vòng tù tội.

Giải Khăn Sô Cho Huế nổi tiếng là thế, nhưng tập truyện Tình Ca Cho Huế Đổ Nát gây cho tôi nhiều ấn tượng hơn. Có lẽ vì truyện ngắn thường hay hơn truyện dài ?

Không biết. Chỉ biết trong Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, tôi nhớ mãi câu chuyện về Diễm và Phan, hai người yêu sắp lấy nhau, thường vừa đạp xe đạp bên nhau vừa nói chuyện trên con đường hàng Đoát khi hẹn hò. Trong lẫn gặp cuối hôm 30 Tết Mậu Thân, Phan xúc động khi để ý thấy Diễm thẹn thùng mãi cũng đã dám đeo vào tay chiếc nhẫn đính hôn, Họ chia tay sớm để mỗi người về nhà lo cúng đêm giao thừa, hẹn nhau ra Giêng sẽ gặp, rồi sẽ lo đám cưới để Phan còn vào Thủ Đức. Nhưng chẳng bao giờ có đám cưới. Huế bị tấn công. Bị dội bom trên đường di tản cùng gia đình, Diễm chết không toàn thây. Sau mười mấy ngày điên đảo đi theo đoàn người tìm xác, Phan chỉ nhận được xác Diễm nhờ mảnh áo thêu hai chữ P, D quấn quýt vào nhau còn dính trên ngực người yêu… Và từ đó, người ta thấy chàng thẫn thờ ngồi trên một chiếc xe đạp, tay dẫn thêm chiếc xe đạp không người, ghi đông treo lủng lẳng chiếc nhẫn vàng.

Và đoạn cuối của câu chuyện :

"Con đường hàng Đoát bây giờ vẫn còn đẹp và chiều chiều vẫn còn những đôi tình nhân song song đạp xe trên đó. Bóng dáng của Diễm cũng như những đống gạch vụn, những dấu bom đạn đã lùi dần trong trí nhớ bạn bè. Người ta bắt đầu quen dần với hình ảnh Phan vừa đi vừa dắt theo một chiếc xe đạp bên cạnh. Không ai còn thì giờ nhắc đến mối tình của họ".

Còn hình ảnh nào ám ảnh hơn để tả cái thê thảm của chiến tranh ?

Đến 'O Xưa'

nhaca3

Bìa tuyển tập O Xưa của Nhã Ca

Tuyển tập truyện ngắn O Xưa, tác phẩm thứ bảy của Nhã Ca in tại hải ngoại, được ra mắt độc giả tối hôm ấy là một trong những tiết mục chính của chương trình thơ nhạc sau bữa ăn tối.

Viết về những điều đang xảy ra trước mắt, khi mọi việc vẫn còn làm mình xúc động là một chuyện, nhưng viết về những gì mình phải nhớ lại từ một khung cảnh đã thay đổi hay từ nơi xa lại là một điều khác.

Tôi hỏi Nhã Ca về điều này và được bà trả lời :

"Sống và viết là con đường tôi đã lựa chọn từ thời mới lớn. Thời trước năm 1975, công việc của tôi là viết văn. Tôi viết đều đặn mỗi ngày, coi đó là công việc chính. Dĩ nhiên tôi con phải nuôi con và việc gia đình".

Nhã Ca cho biết việc viết trước và sau 1975 khác nhau nhiều :

"Khác nhiều lắm. Trước năm 75, tôi viết nhiều sách, làm nhiều thơ, có khi làm báo nữa. Sau năm 75, bản thân tôi và chồng bị bỏ tù, mất nhà cửa, xe cộ, tài sản, con cái bị đuổi học vì tội chúng tôi làm báo, viết văn. Viết sao được. Khi ra khỏi tù, bị quản thúc, theo dõi, tôi đã không viết gì. Chỗ ở của tôi luôn bị khám xét, một tờ giấy có viết chữ, dù là giấy gói xôi cũng bị lấy đi".

"Nhưng tôi vẫn giữ trong lòng và khi ra hải ngoại, tôi đã viết".

Điều gì âm ỉ mãi trong lòng thì sẽ có lúc tuôn tràn ra.

Tập truyện O Xưa chắc hẳn là tổng kết của những giây phút tuôn tràn ấy. Được hỏi câu chuyện bà thích nhất trong tuyển truyện O Xưa là gì, Nhã Ca trả lời gỏn lọn : 'O Xưa'

O Xưa, nhân vật chính trong truyện cuối cùng của tuyển tập 13 truyện ngắn, là một người đàn bà luôn chỉ mặc "chiếc áo tứ thân màu nâu phai lạt và sờn rách, tóc vấn khăn xô lệch" không nhà cửa, sống một mình, nửa tỉnh nửa điên, nhưng cả lúc tỉnh cũng mơ về một cuộc tình thắm thiết với một nhân vật không có thật được O Xưa gọi là ‘chàng Ba’, và những đứa con, cũng không có thật, mà nhân vật mơ là mình đã có với người tình không thật.

Tình tiết của chuyện khiến người đọc xót xa cho thân phận người đàn bà bất hạnh, và không khỏi thầm hỏi điều gì đã khiến O Xưa trở thành điên khùng như vậy.

nhaca4

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn ngâm thơ Nhã Ca

Và trong đoạn cuối, Nhã Ca cho chúng ta câu trả lời :

"Với tôi, O Xưa là một hình ảnh khó quên trong tuổi mới lớn. O Xưa còn nhắc nhở tôi một giai đoạn lịch sử kinh hoàng. Đó là những năm trước, thời kháng chiến mùa Thu của Việt Minh. Nhiều buổi sáng, mấy đứa trong xóm rủ nhau đi học, ra khỏi con hẻm đầu dốc, chúng tôi gặp nhiều xác chết. Đó là lúc thường nghe tiếng đàn bà rú lên, gào khóc. Có xác bị mất tứ chi, có xác bị cắt đầu, hoặc cái đầu máu me đặt trong chiếc nón rách ghim một bản án của Việt Minh. Không theo Việt Minh là Việt gian, giết đến bao giờ cho hết. Như người bạn nhỏ của tôi, một buổi sáng dậy, xách cặp đi học, thấy cha bị giết, xác và bản án đặt trước ngõ nhà...

Con nít không dám ra đường sáng sớm, những lúc xác người chưa được dọn đi. Nhưng O Xưa ra đường sớm lắm. Vẫn bế bọc vải trên tay, O đi đến bên xác chết. Có người chết nào, hay đầu lâu nào chưa chịu nhắm mắt, O Xưa vuốt mắt cho họ và thủ thỉ :

"Đừng buồn. Đừng sợ. Để tui nhờ chàng Ba chỉ đường tránh cửa ngục"...

Thuận An năm Ất Dậu, một câu chuyện khác trong tuyển tập O Xưa, lấy bối cảnh từ năm 1945, khi quân Nhật đang chiếm đóng Việt Nam, khiến tôi chú ý, vì từ tấm bé đã được nghe mẹ kể lại những cái ác của người Nhật, ngoài việc gây ra nạn đói làm chết hàng triệu người Việt vì đã bắt nông dân nhổ lúa trồng đay để giải quyết nạn khan hiếm vải.

Một lần nữa, tác phẩm của Nhã Ca, qua cách miêu tả cuộc sống đời thường và đối thoại của các nhân vật, luôn ghi lại lịch sử thăng trầm của đất nước.

'Tôi chọn làm thi sĩ'

nhaca5

Nhã Ca và Trần Dạ Từ trên sân khấu

Nhiều người có khuynh hướng chỉ nghĩ về Nhã Ca như một nhà văn, có lẽ một phần vì tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế quá nổi tiếng, nhưng khi được MC trẻ tuổi Jimmy Nhựt Hà hỏi nếu chỉ được chọn một trong ba lãnh vực, là thi sĩ, văn sĩ, hay nhà báo thì Nhã Ca trả lời, "tôi sẽ chọn làm thi sĩ".

Và khi nghe chính thi sĩ Nhã Ca đọc bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ của mình bằng một giọng Huế hết sức truyền cảm, trong khi vũ công ballet Nicole trình diễn vũ khúc của vũ sư Thắng Đào minh họa cho lời thơ thì khán giả mới ngẩn ngơ hiểu tại sao :

Tôi lớn lên bên này sông Hương

Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ

Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ

Cửa từ bi vồn vã bước chân sông...

Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi

Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông

Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn

Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy...

Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời

Đổi họ thay tên viết văn làm báo

Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo

Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư

Tháp cổ chuông xưa sông nhỏ sương mù...

Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi

Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi

Thức dậy thực sự rồi

Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ

Thức dậy cùng lịch sử

Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay

Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay

Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ

Cho con trở về đứng mê sảng ngó...

nhaca6

(Từ phải) tài tử Kiều Chinh, Trần Dạ Từ và Nhã Ca

Chiều thơ nhạc của Nhã Ca còn nhiều tiết mục đặc sắc như phần đọc một truyện ngắn trong tuyển tập O Xưa của Giám đốc Điều hành VAALA Lê Đình Ysa, phần đọc thơ Nhã Ca của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, phần hát Bài Nhã Ca Thứ Nhất của ca sĩ Khánh ly, v.v.

Nhìn quanh quang cảnh hôm ấy, khách tham dự người cười nói, kẻ trầm ngâm, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu người trong khung cảnh này đang nhớ về một Việt Nam ngày xưa xa xôi.

Đêm ấy, trên đường về nhà, Thu Thủy Ngô, người bạn tôi tâm sự :

"Thật ngưỡng mộ sức sáng tác còn mạnh mẽ của nhà thơ Nhã Ca sau khi đã qua tuổi 80. Nhưng tôi thoáng buồn khi nghĩ rằng lần này gặp gỡ chị Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ, trước khi anh chị đi Thụy Điển sống với con gái đầu lòng, là không biết có còn cơ hội nào khác hay không ? Hạnh phúc có khi mong manh, nên rất đáng quý. Tôi sẽ nhớ mãi buổi tối này".

Riêng tôi, bên tai vẫn âm ỉ tiếng ngâm thơ trầm buồn của Nhã Ca :

...Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi

Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông...

Tôi bỏ Việt Nam đi năm mười chín tuổi. Và đêm nay Nhã Ca đã làm ký ức tràn về. Cảm ơn Nhã Ca và hơn 50 tác phẩm để đời...

Tina Hà Giang

Nguồn : BBC, 19/02/2023

Nhà báo tự do Tina Hà Giang, hiện sống tại Nam California, Hoa Kỳ.

Additional Info

  • Author Tina Hà Giang
Published in Văn hóa
lundi, 26 février 2018 23:03

Huế 1968 - thảm khốc và hy vọng

Sau trận Tết Mậu Thân, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chiếm lại được một thành Huế tan hoang.

Bên cạnh việc dọn dẹp, tái thiết thành phố, những hố chôn người tập thể dần dần được phát hiện.

Trong số những tin tức, tường thuật, phóng sự, ghi chép được đăng tải ở miền Nam Việt Nam về 'thảm sát ở Huế' khi đó, bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca đã gây choáng váng dư luận. Một phần của sách sau này được dựng thành phim "Đất Khổ", với Trịnh Công Sơn vào vai chính, người con nhạc sĩ Huế.

Tác giả cuốn sách nói bà đã có mặt tại cố đô trong những ngày Tết Mậu Thân, tận mắt chứng kiến và trực tiếp nói chuyện với các nhân chứng về cuộc giao tranh, về các cuộc bắt bớ, về những nấm mồ tập thể...

Cuốn sách bị cấm lưu hành tại Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ. Tác giả cùng chồng bị bắt giam, nhà cửa tài sản bị tịch thu. Là cây bút nữ duy nhất trong số cả trăm nhà văn nhà báo Saigon bị cầm tù, 14 tháng sau bà được phóng thích cùng 21 đồng nghiệp.

Nhân 50 năm trận chiến 1968, BBC phỏng vấn nhà văn miền Nam, người đã trực tiếp sống và viết với Huế Tết Mậu Thân.

hue1

Thành phố Huế tan hoang trong trận Tết Mậu Thân 1968

Nhã Ca : Là kẻ sống sót sau tàn sát thời chiến và tù đày hậu chiến, tôi luôn tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam.

Tôi tin vào tình yêu, tình người, tình gia đình, và tin là người Việt mình từng biết thế nào là ăn ở tử tế. Như Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã dạy, tôi tin dân tộc mình cũng là một gia tộc. Anh em, con cháu một nhà có thể bất hòa hoặc tranh chấp, nhưng rồi sau cùng, tất cả cũng vẫn phải về đứng bên nhau trước bàn thờ chung trong ngày giỗ gia tiên.

Tại Huế cũng như tại Việt Nam, từ bao năm qua, mọi hình thức tập họp của dân chúng, dù chỉ tại đền chùa để tưởng niệm cầu siêu cho những hồn oan trong cuộc chiến, vẫn tiếp tục bị ngăn chặn và trấn áp thô bạo.

Với chính quyền trong nước, trận chiến Tết Mậu Thân đến nay vẫn chỉ là thứ đại lễ mừng chiến thắng. Năm mươi năm rồi vẫn vậy. Nhưng dù bao lâu đi nữa, vết thương vẫn sẽ đến lúc buộc phải mở ra chữa trị.

Một thế hệ hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, sẽ biết cách thu xếp gánh nặng ông cha họ bỏ lại. Niềm tin ở một Việt Nam tương lai và một Huế tương lai cho tôi hy vọng ấy.

BBC : Là người có mặt tại Huế trong thời gian xảy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân, lúc nào là thời điểm bà nhận ra lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành phố ?

Nhã Ca : Cuộc tấn công bắt đầu lúc nửa đêm về sáng ngày mồng Một Tết. Với người dân tại miền Nam như tôi, đó là một đêm hưu chiến vốn vẫn được các phe tôn trọng nhiều năm trước.

Riêng Tết Mậu Thân, còn có tin phía Hà Nội và Mặt Trận Miền Nam xác nhận không chỉ hưu chiến ba ngày Tết như mọi năm, mà sẽ ngưng bắn luôn bảy ngày để đồng bào an tâm mừng Tết dân tộc.

Đêm Tết năm ấy pháo nổ ran khắp nơi. Tiếng súng thoạt đầu có thể lẫn vào tiếng pháo. Nhưng với gia đình tôi thì không thể lẫn được, vì súng nổ ngay trong vườn nhà, nghe buốt tai, buốt óc. Một người em bảo đó là tiếng súng AK, bọn họ đầy vườn.

Ngay sáng đầu năm, khi chạy ngoài đường, tôi thấy những người lính miền Bắc mặc quân phục mang súng AK hoặc ống thép gắn đạn gọi là B40. Thời đó, quân chính quy miền Bắc xâm nhập đã được trang bị hai loại vũ khí Liên Xô tối tân này, trong khi quân đội VNCH chưa có loại tương đương.

Nghe AK tróc tróc, nghe B40 ình ình rồi nhìn xe tăng phía VNCH và Mỹ bị bắn ở An Cựu, tôi được biết lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành phố.

BBC : Bà đã trực tiếp nhìn thấy hoặc gặp gỡ những cảnh, những người như thế nào, đã chứng kiến chuyện gì trong những ngày đó ?

Nhã Ca : Ngay khi phải ra khỏi nhà, tôi thấy bên đường đầy xác người. Trong số người gục chết, có những bà mẹ mang áo dài, những cô gái mang áo mầu ngày Tết, có cả từng khúc chân tay người vương vãi.

Cùng đoàn người chạy giữa lằn đạn, tôi từng thấy chính mình ngộp ngụa trong máu khi bị xô đè bởi xác người vừa bị bắn đổ xuống, có lần không phải người, mà là một con chó không biết từ đâu tới. Xin lỗi lỡ lời là bị xô, bị đè. Lẽ ra, phải nói là được che phủ, che chắn, vì sau cùng tôi thấy mình sống sót.

hue2

Cung An Định bốc cháy trong những ngày Tết Mậu Thân - một cảnh trong phim Đất Khổ

Trong cảnh bom đạn chớp lóa, tôi thấy Cung An Định của bà Hoàng Thái Hậu bốc cháy, thấy Bà Từ Cung mẹ Vua Bảo Đại mặc áo gấm đeo trên lưng một người không biết nam hay nữ. Từ cầu thang cung điện ngộp khói lửa lao xuống, đoàn người theo phò bà Thái Hậu luôn miệng hô "Ngài Ngự, Ngài Ngự", đạp cả lên đầu đám dân đang núp đạn để chạy.

Tuy là Phật tử nhưng từ chiều tối mùng Một Tết, nơi đầu tiên chúng tôi tới được lại là một nhà thờ Thiên Chúa. Đó là khu Dòng Chúa Cứu Thế nổi tiếng ở Huế.

Nhà thờ liên tiếp bị tràn ngập bởi cả người sống lẫn người chết. Không biết cơ man nào là người. Trong nhà giảng, ngay trên bệ thờ cao, bên chân tượng Chúa Cứu Thế, người lớn con nít nằm ngồi chen chúc. Khu nhà ngang đầy người bị thương và xác chết.

Từ mọi xó xỉnh trong nhà thờ tới hang đá ngoài sân, đủ thứ chuyện xẩy ra, lẫn lộn. Mọi lằn ranh hầu như bị xóa nhòa. Sự chết, sự sống không ngừng bị chấn động, biến hiện. Có bà mẹ ôm chặt bọc tã giấu xác con thơ đã bốc mùi. Có bà mẹ trở dạ và em bé sơ sinh chào đời.

Đó là cả một thế giới thu nhỏ bị dìm vào cuộc chiến. Không chỉ gia đình tôi, đồng bào tôi mà cả những người da trắng, tiêu biểu là hai người Pháp, một nam một nữ cầm cờ trắng ghi chữ "Báo Chí", cũng đã bị đưa đẩy tới đây.

Đó là sơ lược cảnh tượng ba ngày Tết Mậu Thân tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế mà tôi đã chứng kiến, đã viết trong sách và dựng lại trong phim.

BBC : Bà nhắc tới hai nhà báo Pháp. Tâm trạng của bà khi thấy họ và trong suốt thời gian có giao tranh tại Huế ra sao ? Bà cũng nói đã trực tiếp nhìn thấy binh sĩ Cộng sản. Bà có suy nghĩ, tiếp xúc, và đã viết về họ ?

Nhã Ca : Khi hai nhà báo Pháp cầm cờ trắng vào nhà thờ, tôi nghe Cha quản nhiệm nhà thờ nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp nhưng tự mình thì không tiếp xúc mà chỉ nhìn.

Nhà báo nữ nhỏ thó, dù mặt mũi thất thần, đã nhanh chóng cầm lại máy ảnh hành nghề. Cô chụp người bị thương, em bé nhay vú mẹ cạn sữa, chụp sản phụ, hài nhi. Ống kính có đưa về phía tôi cùng nụ cười làm thân nhưng đã bị cản lại.

Hình như chính hình ảnh cô lúc ấy nhắc tôi nhớ mình là người cầm bút. Không có ống kính máy ảnh như cô, nhưng vẫn có thể ghi những hình ảnh tức thì bằng tai, bằng mắt để sẽ viết. Dù sao, việc viết sách, làm phim là một tiến trình dài.

hue3

Một phần cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế đã được dựng thành phim Đất Khổ, với sự tham gia diễn xuất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, đệ nhất đào thương Bắc Kỳ di cư 1954 Bích Hợp, kỳ nữ Kim Cương, nhạc sỹ Lê Thương và nhiều gương mặt nổi tiếng khác. Trong hình là một cảnh đêm giao thừa trong phim với Jerry Liles, Trịnh Công Sơn và Vân Quỳnh

Sau trận chiến 26 ngày tại Huế, sống sót trở về Sài Gòn, tôi biết tên cô phóng viên người Pháp là Catherine Leroy, từng bị cộng sản bắt giữ tại Huế trong Tết Mậu Thân nhưng thoát nạn. Tấm hình cô chụp hai chàng lính miền Bắc sau đó xuất hiện trên bìa báo Life với tựa đề "Một Ngày Đáng Nhớ. Kẻ thù để cho tôi chụp hình".

Kẻ thù ư ? Không. Không phải vậy. Hai chàng lính trẻ trong hình và những bộ đội miền Bắc khác, với cô cũng như với những người dân miền Nam như tôi không hề là kẻ thù của nhau. Giữa binh sĩ hai miền cũng vậy. Nơi họ bị đẩy đến, thay vì để giết và bị giết, lẽ ra phải là để được quen biết, để yêu và được yêu.

Chuyện Huế Tết Mậu Thân đầu tiên tôi đã viết và in là "Tình Ca Trong Lửa Đỏ". Đó là chuyện tình yêu giữa chàng lính trẻ miền Bắc dễ thương với một cô gái Huế.

Để biết nhân vật chàng lính Bắc ra sao trước khi bị đẩy vào "chiến trường B", ngay trong năm 1968, tôi đã có dịp trực tiếp thăm hỏi một số chiến binh miền Bắc trong cuộc tổng tấn công, những người đã rời bỏ cộng sản và đang sống tại hải ngoại mà tôi có gặp lại sau này.

Sau đó tôi còn quay lại Huế nhiều lần, đứng với những hình ảnh được khai quật từ các hầm chôn người, dự các đám tang tập thể, cúng giỗ và có thêm 8 truyện ngắn viết cho Huế đổ nát, đau thương.

Riêng "Giải Khăn Sô Cho Huế", một bút ký chạy loạn, kể những chuyện tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy.

BBC : Cuốn "Giải Khăn Sô Cho Huế", như bà nói là viết chuyện tai nghe mắt thấy khi chạy loạn. Vậy các thông tin nêu trong đó, như các tên tuổi, địa danh, con số... có độ chính xác, xác thực đến đâu ? Đã từng có ai được nhắc tới trong cuốn sách lên tiếng phản bác một phần hay toàn bộ nội dung hay không ? Nếu có, thì những phản bác đó là gì, và bà đã tiếp nhận, phản hồi ra sao ?

Nhã Ca : Đây chỉ là bút ký, không phải sách nghiên cứu văn chương hay lịch sử, không có loại thông tin sử địa hay con số để đo độ chính xác. Chuyện tai nghe mắt thấy xác thực đến đâu là tùy phán đoán của người đọc hoặc sự đánh giá của các nhà phê bình, nghiên cứu.

Khi cùng các bạn văn nghệ sĩ Sài Gòn đi tù, có lần được công an cộng sản áp tải vào "Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy", đối diện với sách vở miền Nam bị đóng đinh trưng bầy, trong đó có cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế được treo cao, chúng tôi đã đứng yên, nhìn thẳng, lặng lẽ chào tác phẩm của mình và bạn hữu.

Sách đã có đó, nhìn nhận nó như thế nào không còn là phần của người viết. Xin lãnh nhận mọi phần số thử thách. Cám ơn và lặng lẽ là đủ.

BBC : Theo bà, người Việt Nam học được gì khi đối diện với các vấn đề lịch sử có ít nhất ba bên, trong đó mỗi bên nói một cách ?

hue4

Mourning Headband for Hue, bản tiếng Anh của Cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế do dịch giả Olga Dror (bìa trái) chuyển ngữ, ra mắt hồi 2/2015 và là đề tài hội thảo tại Đại Học Berkeley, California

Nhã Ca : Chắc sẽ học được điều hay, chọn được cái tốt nhất. Trước mọi vấn đề, nếu được tiếp cận và chọn lựa giữa những thông tin đa chiều -"ít nhất ba bên, mỗi bên nói một cách" - thì đó là cơ hội tốt để nhận thức, chọn lựa.

Nhìn lại Việt Nam và các nước cùng cảnh ngộ một thời, sẽ thấy "Ba mươi năm nội chiến từng ngày" chỉ là một cuộc chiến oan nghiệt. Không cần có. Không đáng có. Càng không đáng kéo dài. Vậy mà ngay cả khi bom đạn đã im tiếng, đủ loại vết thương có thật từ cuộc chiến vẫn tiếp tục không được mở ra để chữa trị.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, hai năm trước khi Nội Chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, Tổng Thống Abraham Lincoln đã chỉ định "ngày tủi nhục quốc gia" cho nước Mỹ, ngày 30/3/1863. Trong ngày đó ông kêu gọi cả nước cùng nhận chung "tội lỗi dân tộc của chúng ta", cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự khoan dung, tha thứ.

Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào tháng 4/1865. Tất cả tướng tá binh sĩ phe bại trận được giữ tài sản riêng, kể cả súng cá nhân, khi trở về quê quán làm ăn. Lá cờ, tượng đài và nghĩa trang miền Nam bại trận được tôn trọng. Không thấy có người tù đày hay vượt biển. Nước Mỹ mau chóng hàn gắn vết thương, và vững mạnh.

Tháng Tư 1865 của nước Mỹ cách tháng Tư 1975 của Việt Nam 110 năm.

Nước Mỹ đã bắt đầu hàn gắn vết thương ngay sau cuộc chiến. Còn ở Việt Nam, chúng ta đã chờ thêm 43 năm mà vẫn chưa thấy sự hòa giải thực sự. Đó là sự khác biệt dễ thấy.

Lịch sử nhân loại cho thấy mọi cuộc chiến đều yên nghỉ khi được nhìn nhận đúng vị trí của nó, và cuộc sống tiếp tục. Tôi tin sự khôn ngoan của nhân loại. Tôi tin dân tộc tôi từng biết thế nào là truyền thống, là văn hóa, lịch sử. Và tôi luôn vững tin rồi sẽ có một bó nhang chung, một bàn thờ chung, một ngày giỗ chung.

Nguồn : BBC, 26/02/2018

Nhà văn Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại Huế. Hiện sống tại Hoa Kỳ, bà là nhà văn miền Nam đã viết hơn 40 cuốn sách về Cuộc chiến Việt Nam. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong tháng 2/2018, nhân 50 năm trậnTết Mậu Thân.

Published in Diễn đàn