Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Paralympic Paris 2024 thành công ngoài sức mong đợi

Thế Vận Hội Paralympic Paris 2024, tình hình ở Trung Đông là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 04/09/2024.

paralympic1

Hai vận động viên cầm cờ của Pháp, Nantenin Keïta và Alexis Hanquinquant, dẫn đầu đoàn thể thao Pháp tại lễ khai mạc Paralympic Paris 2024 ở quảng trường Concorde, Paris, Pháp, ngày 28/08/2024. Pool via Reuters - Julien De Rosa

Mục xã luận của tờ Libération chú ý đến sự thành công ngoài sức mong đợi của Paralympic Paris 2024. Một cảm giác tuyệt vời khi mọi người đã ngóng chờ các vận động viên với sự nồng nhiệt, dành cho họ những tình cảm tốt đẹp, nhưng phần lớn không ai hiểu biết tường tận về những vận động viên này. Khán giả quan sát họ ngày này qua ngày khác với sự ngưỡng mộ tột cùng, kinh ngạc trước những cuộc tranh tài đi kèm với cảm xúc từ màn trình diễn của những nhà vô địch này mang lại. Năm huy chương vàng mà Pháp giành được hôm 02/09, với Alexis Hanquinquant bảo vệ thành công chức vô địch ở ba môn phối hợp, hay với chiến thắng bất ngờ của Charles Noakes ở môn para cầu lông, cùng với màn đăng quang ấn tượng của Aurélie Aubert ở môn para bi sắt, đã tạo nên rất nhiều kỳ tích thể thao đáng chú ý và những khoảnh khắc hân hoan cho những khán giả may mắn có được vé xem thi đấu.

Nhật báo thiên tả nhận định Thế Vận Hội Paralympic Paris tính đến giờ đã thành công. Mặc dù Paralympic còn bốn ngày nữa mới bế mạc, nhưng đoàn thể thao Pháp đã có được thành tích tương tự so với thành tích giành được ở Tokyo cách đây 3 năm. Ngoài ra, hiện tượng khán đài của các sân vận động hay nhà thi đấu thường chật kín đã tạo nên luồng gió chưa từng có của một kỳ Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật. Libération nhấn mạnh đây không đơn giản chỉ là thành quả của những nỗ lực của ban tổ chức, mà còn là một điểm tựa vững chắc cho phép khoảng 12 triệu công dân Pháp bị khuyết tật ở nhiều mức độ khác nhau nhận thấy rằng xã hội cuối cùng không còn phân biệt đối xử với họ.

Vài ngày trước khi Thế Vận Hội khai mạc, trong khuôn khổ sự kiện do Libération và báo L’Equipe tổ chức, các nhà báo đã có cơ hội gặp gỡ hai nhân vật có tầm ảnh hưởng của phong trào Paralympic : nhà vô địch môn tennis xe lăn Michaël Jeremiasz (huy chương vàng nội dung đánh đôi tại Paralympic Bắc Kinh) và là vận động viên cầm cờ ở Rio de Janeiro năm 2016, và người từng vô địch môn điền kinh, Marie-Amélie Le Fur, chủ tịch Ủy Ban Paralympic Pháp, từng giành nhiều huy chương trong sự nghiệp. Cả hai vận động viên đều tự tin rằng công chúng Pháp sẽ hưởng ứng nhiệt liệt kỳ Paralympic này, nhưng không ngờ sự kiện lại thành công vang dội đến vậy.

Tờ báo thiên tả khẳng định giờ đây mỗi người đều phải có trách nhiệm thay đổi quan điểm về người khuyết tật, đồng thời duy trì lòng nhân từ trong mối quan hệ giữa con người với nhau và dành sự ngưỡng mộ cho một vận động viên bị khuyết tật không khác một vận động viên khỏe mạnh.

Libération kết luận rằng vẫn còn nhiều việc cần được cải thiện, chẳng hạn như cần bảo đảm rằng những người khỏe mạnh đều biết lo lắng cho số phận của người khuyết tật, bởi theo Jeremiasz và Le Fur, sự suy giảm hay thậm chí việc mất đi khả năng di chuyển là tình trạng mà tất cả mọi người đều có khả năng gặp phải, đặc biệt trong một xã hội đang già đi. Vì vậy, cần phải noi gương Nhật Bản, là ví dụ điển hình về một quốc gia đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện khả năng di chuyển cho tất cả mọi người.

Pháp : Chính trường vẫn tê liệt do không có thủ tướng

Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chạy tựa "Lãnh đạo tức là trì hoãn" tiếp tục đề cập đến việc chính trường Pháp vẫn trong tình trạng bị tê liệt. Sau 50 ngày tham vấn, trì hoãn, đề cập đến những cái tên như Cazeneuve, Bertrand, Migaud, Larcher cùng với một nhân vật hoàn toàn xa lạ như Thierry Beaudet, xứ lục lăng vẫn chưa tìm ra được thủ tướng mới.

Nhật báo thiên hữu nhận định đất nước đang đối mặt với hai vấn đề. Đầu tiên là tổng thống Macron có chấp nhận thực tế rằng phe của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua hay không ? Tiếp theo là chủ nhân điện Elysée có sẵn sàng giao lại chính phủ, vấn đề ngân sách hay chính trị cho những người không thuộc phe của mình giải quyết hay không ? Trong bối cảnh tổng thống Macron dường như không muốn có một chút nhượng bộ nào, ông nghĩ đến giải pháp mang tính "kỹ thuật", tức là một quan chức cấp cao "minh bạch và dễ bảo", giống như một Jean Castex, bởi lãnh đạo song hành với trì hoãn.

Theo ý nguyện của tổng thống Macron, người dân Pháp đã bỏ phiếu ba lần trong vòng một tháng, đang chứng kiến khoảng thời gian lãng phí này với một cảm giác vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu rằng cần tìm ra một giải pháp tối ưu, nhưng đó là hệ quả của việc giải tán Quốc hội, vốn không phải là điều mà tổng thống buộc phải làm. Tờ báo kết luận rằng một quyết định bất ngờ và vô lý không thể đì kèm với sự thiếu quyết đoán sau đó.

Pháp phải ngưng cung cấp vũ khí cho Israel

Về tình hình ở Trung Đông, tờ La Croix có bài viết cho rằng chính phủ Pháp phải tôn trọng các cam kết quốc tế và áp dụng Hiệp ước buôn bán vũ khí (ký năm 2013 và phê chuẩn năm 2014), đặc biệt là Điều 6, quy định Paris phải từ chối bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào có thể được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động liên quan đến tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Trong trường hợp ở dải Gaza, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Francesca Albanese, cho biết đã có cơ sở đầy đủ để nhận định rằng các hành động diệt chủng do Israel thực hiện không thế tiếp diễn. Về phần mình, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã nhấn mạnh có nguy cơ xảy ra nạn diệt chủng ở Gaza.

Do vậy, nhật báo công giáo khẳng định chính phủ Pháp có nghĩa vụ chấm dứt mọi hoạt động chuyển giao vũ khí cho chính phủ Israel. Pháp đã phê chuẩn hiến chương Liên Hiệp Quốc và các công ước nhân quyền, trong đó quy định các quốc gia không chỉ phải tôn trọng mà còn phải thực thi chúng.

Về mặt tài chính, chính phủ Pháp không bán nhiều vũ khí cho Israel, khi Paris chỉ nhận từ khoảng 15 đến 20 triệu euro mỗi năm từ Nhà nước Do Thái. Nhưng vấn đề không nằm ở giá cả, mà là cách những vũ khí này được sử dụng. Điển hình là vụ thảm sát ở Gaza vào đêm 29/02 trong quá trình phân phát bột mì đã khiến 118 người Palestine thiệt mạng, bởi loại đạn dược có giá không đắt.

Có giá trị không lớn về mặt tài chính, nhưng hậu quả vô cùng to lớn về mặt nhân đạo. La Croix khẳng định mọi loại vũ khí mà quân đội Israel nhận được thêm sẽ làm gia tăng bạo lực trong khu vực, khiến dân thường như trẻ em hay phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng trực tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, số người Palestine thiệt mạng đã lên tới hơn 40.000 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, cùng với đó là gần 100.000 người bị thương và 10.000 người mất tích.

Israel phẫn nộ trước quyết định ngưng viện trợ vũ khí của Anh Quốc

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng có bài viết quan tâm đến tình hình ở Trung Đông. Sau khi Anh Quốc tuyên bố đình chỉ 30 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel, Nhà nước Do Thái, hôm qua 03/09, đã chỉ trích gay gắt quyết định này của Luân Đôn và lo ngại các quốc gia khác sẽ nối gót xứ sở sương mù.

Ngoại trưởng Israel, Israël Katz, lấy làm tiếc rằng "Anh Quốc đã gửi một thông điệp có lợi tới tổ chức khủng bố Hamas và các nhà tài trợ của chúng ở Iran". Về phần mình, bộ trưởng Năng Lượng Israel, Eli Cohen, tỏ ra phẫn nộ rõ rệt và cho rằng "lệnh trừng phạt này khuyến khích những kẻ giết trẻ sơ sinh, bắt cóc người già và hãm hiếp phụ nữ. Những người làm điều này không nên ngạc nhiên khi những kẻ khủng bố gõ cửa chính nhà họ".

Để làm xoa dịu nỗi tức giận của Israel, các quan chức Anh Quốc đã giảm thiểu tác động của các trừng phạt nói trên. Bộ trưởng quốc phòng John Healey khẳng định những biện pháp trừng phạt của Luân Đôn sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của Israel.

Israel quyết không nhượng bộ tại Gaza

Vẫn tại Trung Đông, trang nhất của nhật báo Le Monde nói về việc thủ tướng Israel từ chối mọi nhượng bộ và tấn công trực diện lập trường của tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong vòng chưa đầy một giờ, trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 02/09 tại Jerusalem, thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dập tắt những hy vọng cuối cùng còn sót lại với gia đình các con tin bị cầm giữ ở Gaza. Kể từ khi có thông báo về cái chết của sáu con tin bị Hamas giam cầm, một cuộc vận động lớn đã bùng lên ở Israel, được thúc đẩy bởi nỗi đau khổ của gia đình các con tin, phản đối sự cứng nhắc của chính quyền, đang trì hoãn các cuộc đàm phán về một "thỏa thuận" nhằm trao đổi 101 con tin còn sống hoặc đã chết ở Gaza và phóng thích một số tù nhân Palestine bị Israel giam giữ. Đối mặt với áp lực từ đường phố Israel, từ các đồng minh phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, Benjamin Netanyahu dường như vẫn không chịu nhượng bộ.

Giáo hoàng Francis tông du Châu Á

Nhìn sang Châu Á, Le Monde cũng dành trang nhất cho chuyến tông du châu lục của giáo hoàng Francis. Ở tuổi 87 và không được khỏe mạnh, ngài di chuyển hầu hết bằng xe lăn, hoặc di chuyển với một chiếc gậy. Tuy nhiên, tuổi cao sức yếu không phải là một vấn đề với giáo hoàng. Hôm qua, ngài đã đến Indonesia và được tiếp đón nồng nhiệt tại sân bay Jakarta, và dự kiến sẽ viếng thăm Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore cho đến ngày 13/09.

Ngài dự định tiếp tục truyền bá lời răn của Giáo hội ở bất cứ nơi nào có người Công giáo sinh sống và đề cập đến các chủ đề mà ngài quan tâm, chẳng hạn như đối thoại liên tôn, sự phát triển của các quốc gia phương Nam trên trường quốc tế, công bằng xã hội hay bảo vệ môi trường, những vấn đề lớn đối với các quốc gia trong khu vực.

Phan Minh

Published in Quốc tế

Trận đấu cuối cùng của vận động viên Pháp gốc Việt Bopha Kong

Mất đi đôi tay trong một tai nạn vào năm 18 tuổi, Bopha Kong đã nhanh chóng vực dậy, dấn thân vào Para Taekwondo, môn thể thao dành cho người khuyết tật. Từ hai chục năm qua, vận động viên Pháp gốc Việt gần như không bỏ sót bục trao huân chương của các giải đấu lớn nào, với 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch Châu Âu. Bopha Kong cũng là một trong những vận động viên Para Taekwondo đại diện Pháp thi đấu Paralympic 2024 (Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật).

bopha1

Bopha Kong, vận động viên Para Taekwondo Pháp gốc Việt, tập luyện tại Viện thể thao quốc gia Pháp - INSEP, Vincennes, Pháp, ngày 04/07/2024. © Chi Phuong

Sinh ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, Bopha Kong đến Pháp cùng gia đình từ năm 3 tuổi. Anh lớn lên tại Gonesse, vùng Val d’Oise, ngoại ô thủ đô Paris. Và cũng chính tại đây, vào năm 18 tuổi, một tai nạn xảy ra. Những thanh niên trong khu phố đã tự chế bom và để vào tay của anh ! Bopha đã được đưa đến bệnh viện, trải qua 6 tháng điều trị và phục hồi, nhưng đã vĩnh viễn mất đi đôi tay. Những vết sẹo trong vụ tai nạn đó cho đến nay vẫn hiện hữu trên cơ thể anh.

Vốn yêu thích thể thao, trước vụ tai nạn, Bopha đã là một "võ sĩ" quyền anh và tập luyện các môn thể thao đối kháng khác. Sau khi mất đôi tay, anh đã nhanh chóng tìm hiểu Taekwondo, môn thể thao chủ yếu dùng chân. Bopha cho biết ban đầu không hề đặt ra mục tiêu thi đấu, mà chỉ tham gia những buổi tập luyện tại Câu lạc bộ CKF Bondy . Năng lực của anh dần được chứng tỏ và Bopha đã nhanh chóng trở thành vận động viên chuyên nghiệp, giành chiếc huy chương vàng đầu tiên tại Giải vô địch thế giới Para Taekwondo vào năm 2010 tại Saint Petersburg ở hạng cân 58 kg (A8).

Ở tuổi 43, tên của Bopha Kong gần như xuất hiện trên khắp các bục trao huân chương, với 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch Châu Âu, chưa kể những huy chương bạc và đồng khác.

Para Taekwondo lần đầu tiên được đưa vào Thế Vận Hội Paralympic Tokyo 2020 và tiếp tục nằm trong danh sách thi đấu tại Thế Vận Hội Paralympic Paris 2024 (29/08 - 08/09/2024). Mục tiêu của Bopha là giành tấm huy chương cao quý nhất, không chỉ cho đội tuyển Pháp, mà còn cho cá nhân anh, để khép lại bảng thành tích vàng trong sự nghiệp thể thao của mình.

Các trận đấu sẽ được tổ chức tại Grand Palais, trung tâm thủ đô của Pháp, từ ngày 29/08. Thông thường, trận đấu diễn ra trong ba hiệp, mỗi hiệp 2 phút, nghỉ một phút. Vận động viên ghi điểm cho mỗi cú đá vào ngực của đối phương. Để giành chiến thắng thì phải dẫn trước 20 điểm hoặc là người đầu tiên ghi được 40 điểm, hoặc có nhiều điểm hơn đối thủ khi kết thúc 6 phút thi đấu.

Đối với các vận động viên khuyết tật, được xếp loại K43 và K44, tức là tùy theo mức độ khuyết tật, chẳng hạn như mất một tay hoặc mất cả hai tay. Các vận động viên có cùng mức độ khuyết tật thi đấu cùng nhau, nhưng kể từ Thế Vận Hội Tokyo 2020, quy định này đã thay đổi và gộp cả K43 và K44. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Bopha Kong, vì có thể anh sẽ gặp bất lợi nếu đối thủ có mức độ khuyết tật nhẹ hơn, nhưng anh khẳng định sẽ làm mọi cách có thể, dùng những chiến thuật khác để giành được chiếc huy chương Paralympic mà anh vẫn thiếu trong bộ sưu tập huy chương của mình.

RFI tiếng Việt đã có dịp gặp gỡ và phỏng vấn Bopha Kong sau một buổi tập luyện tại Viện thể thao quốc gia Pháp – INSEP, ở Vincennes, ngoại ô Paris, nơi anh chuẩn bị thể lực cho mỗi trận đấu từ hơn chục năm qua.

Xin cảm ơn Bopha Kong đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt.

-----------------------------

RFI : Anh có thể cho biết thêm về vụ tai nạn xảy ra cách đây hơn hai chục năm, và điều gì khiến anh có thể vực dậy, nhiều lần đoạt danh hiệu vô địch Para Taekwondo như hiện nay ?

Bopha Kong : Vụ tai nạn đó đúng là đã để lại nhiều hậu quả. Không chỉ đôi tay, mà đầu gối của tôi cũng bị ảnh hưởng, cả khuỷu tay nữa, đã bị bỏng nặng. Những vết sẹo đó vẫn theo tôi, nhưng tôi chung sống với chúng, tôi tập luyện thể thao cùng với chúng. Dù có khó khăn nhưng tôi làm mọi cách có thể. Tôi cho rằng khi một chuyện khó khăn nào xảy ra, vượt qua được thì đó mới là điều quan trọng, là điều đẹp đẽ nhất trong cuộc sống. Tôi luôn được dạy là hãy sống với những gì mình có và làm những gì khiến mình hài lòng.

RFI : Gia đình anh đã rời Việt Nam, từ khi còn nhỏ, qua Cam Bốt rồi mới qua Pháp, và anh được đặt tên theo tiếng Khmer. Anh nghĩ thế nào về cái tên này ?

Bopha Kong : Đó là tên mà bố tôi đặt cho tôi, theo tiếng Khmer. Ba mẹ tôi đều là người Việt Nam, họ đặt cho tôi tên Cam Bốt và tôi chấp nhận nó. Cho dù Bopha trong tiếng Khmer là tên con gái, có nghĩa là bông hoa. Tôi nghĩ rằng cái tên này có nhiều ý nghĩa. Tôi cũng rất yêu thích các loài hoa, cây cỏ, hoặc tất cả những thứ liên quan đến thiên nhiên. Bởi vì chúng rất nhạy cảm, cần phải được chăm sóc, tưới tắm, nếu không chúng sẽ chết và tôi thấy là bản thân tôi cũng có sự nhạy cảm đó. Taekwondo là một môn thể thao đối kháng, đụng chạm nhau, khá bạo lực, nhưng tôi nghĩ nó cũng có tính nhạy cảm. Môn thể thao này không chỉ là những cú đụng chạm, mà còn dạy tôi rất nhiều giá trị, đã tạo lên con người tôi ngày nay, khiến tôi trở nên tự tin, tin vào chính mình và chấp nhận khiếm khuyết của cơ thể. 

RFI : Với 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch Châu Âu, đối với anh, trở thành nhà vô địch có ý nghĩa gì ?

Bopha Kong : Đối với tôi, giành được huy chương đúng là tuyệt vời thật và càng tuyệt vời hơn khi giành chức vô địch Châu Âu, vô địch Pháp, vô địch thế giới, v.v., nhưng thành thật mà nói, đối với tôi, nhà vô địch trước hết mang tính nhân văn. Tính cách hay cách hành xử của con người quan trọng hơn. Một nhà vô địch phải truyền được cảm hứng cho những người khác, cho những người trẻ. Đó là một kỳ thi cần vượt qua khi giành được chiến thắng. Tôi luôn nghĩ rằng mình có trách nhiệm trao cơ hội, truyền cảm hứng cho những người khuyết tật, khiến họ tin vào bản thân mình. Trở thành nhà vô địch đồng nghĩa với việc làm gương, khuyến khích mọi người tin vào khả năng của mình và có thể tìm ra con đường của chính mình.

RFI : Khi nói về việc truyền cảm hứng cho giới trẻ, thông điệp của anh dành cho họ là gì ?

Bopha Kong : Tôi hy vọng rằng những người trẻ sẽ tìm được con đường của chính mình, dù là trong thể thao hay trong những lĩnh vực khác, có thể là nghệ thuật hay nghiên cứu. Điều quan trọng là họ tìm ra con đường của mình, với niềm đam mê và nỗ lực, cố gắng 100%. Mỗi người có trình độ riêng để thành công và điều quan trọng là phải cố gắng làm điều đó.

RFI : Trong kỳ Paralympic sắp tới, anh chuẩn bị như thế nào, nhất là với quy định mới có thể khiến anh gặp bất lợi trước đối thủ không cân xứng ?

Bopha Kong : Trong bộ sưu tập huy chương của mình, tôi vẫn thiếu chiếc huy chương Thế Vận Hội Paralympic và tôi sẽ làm mọi cách để có được nó, để kết thúc sự nghiệp của mình, để có thể cảm nhận được thời khắc trên bục vinh quang. Tôi biết rằng tôi sẽ làm hết sức có thể để thành công. Không ai nói trước được tương lai, dù tôi có dành được huy chương hay không thì tôi cũng sẽ đưa ra quyết định của mình. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ nghỉ hưu, khép lại sự nghiệp vận động viên và đưa ra những thử thách mới. Nhưng nếu giành được chiến thắng sẽ là điều lý tưởng nhất, là phần thưởng lớn nhất giành cho tôi để kết thúc sự nghiệp của mình.

RFI : Sau kỳ Paralympic, anh đã có dự định gì trong tương lai hay chưa ? 

Bopha Kong : Hiện tôi đã 43 tuổi, tôi đã theo môn Taekwondo từ hơn 20 năm qua. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải ra quyết định, nhất là cho sức khỏe của mình, bên cạnh những vết thương, những vết sẹo vốn có. Tôi nghĩ là ý định nghỉ thi đấu của tôi sau kỳ Paralympic này chắc chắn đến 98 hay 99%, nhưng tôi cũng không thể nói trước được tương lai.

Hiện tôi có một vài ý tưởng, có thể tôi sẽ bắt đầu chuyển sang làm huấn luyện viên, hoặc thử sức với một môn thể thao khác, ít bạo lực hơn, ít tác động đến cơ thể hơn, ví dụ như môn bắn cung. Vợ tôi là người Việt Nam và hiện vẫn còn nhiều liên lạc ở Việt Nam, tôi cũng rất mong trở về Việt Nam. Trước tiên là đi du lịch, sau đó xem mình có thể làm gì tại đất nước mà tôi được sinh ra. Hiện Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và cũng có nhiều người cần sự giúp đỡ, giúp họ tìm ra con đường của mình, truyền cảm hứng cho họ qua câu chuyện của tôi, chứ không hẳn là giúp đỡ về tài chính.

Tôi cũng có nhiều ý tưởng khác nhưng tôi không muốn đưa ra quyết định ngay bây giờ, vì lúc này phải tập trung vào Thế Vận Hội Paralympic.

RFI : RFI xin chân thành cảm ơn Bopha Kong, vận động viên Para Taekwondo, hiện cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn thể thao của thành phố Seine Saint Denis, ngoại ô Paris, Pháp.

Chi Phương

Nguồn : RFI, 24/07/2024

Published in Văn hóa