Những thời khắc quan trọng nhất đón năm mới đã đến. Cái Tết thật sự của người Việt bùng lên vào trước giờ phút đón giao thừa làm ấm lòng người, dù mọi thứ có phôi phai bởi những khó khăn của đời sống, hiểm nguy của dịch bệnh và những câu chuyện xã hội đầy chê chán. Nhìn Huế, Sài Gòn, Hà Nội tựa nhau gượng đón xuân về, chợt nhớ đến bài tiểu luận "Tâm Lý Ngày Tết" của học giả Phạm Quỳnh viết vào năm 1930 mà ngậm ngùi.
Học giả Phạm Quỳnh – Ảnh minh họa
"Tết, cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn của họ đã phải chịu đựng suốt năm qua, và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui !", bài viết có đoạn ghi như vậy.
Quả vậy, người Việt thường chọn những ngày đón năm mới, như một cách để tạm thanh tẩy những sân hận, loại bớt ưu phiền và hứa hẹn với nhau về một tương lai khác tươi đẹp hơn những ngày mình đang sống. Dân tộc ngàn năm gắn liền với văn minh lúa nước, chọn những ngày nghỉ ngơi thích nghi với khí hậu, thời vụ và dần biến mọi thứ thành tập quán tự nhiên, hội tụ mọi con người về cùng một niềm vui.
Đọc Tâm Lý Ngày Tết của học giả Phạm Quỳnh, mới biết chuyện tranh cãi muốn bỏ ngày Tết Âm lịch, để chỉ ăn Tết theo Dương lịch đã nổi lên từ những năm 1930. Mà khởi nguyên, chính các nhà cải cách ở Trung Hoa cũng muốn vận động chỉ nên ăn Tết Dương lịch, bởi chính quyền thì dùng lịch Tây để quản lý hành chính và ngày lễ. Thế nhưng nhân dân thì chỉ muốn ăn Tết theo lịch cổ truyền. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo phong trào này – và một khi đã có ý muốn bãi bỏ, thì lúc nào người ta cũng sẽ tạo ra rất nhiều lý do.
Trong một xã hội muốn kiểm soát triệt để, Tết dân gian sẽ là thứ chướng tai gai mắt. Bởi mọi thứ diễn ra, được coi là vô chính phủ, nếu không có sự thỏa hiệp từ chính quyền. "Nhưng ta có thể đoán trước được rằng tập tục rồi sẽ mạnh hơn luật pháp", học giả Phạm Quỳnh viết, "cái Tết nhà nước (lịch Tây) nó sẽ không phải Tết thật, và cái Tết thật không còn là Tết nhà nước, nhưng sẽ không vì thế mà không vượt hơn hẳn cái Tết kia về mọi mặt uy tín và mọi vẻ rực rỡ vốn gắn liền với truyền thống nhiều ngàn năm".