Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, người cùng gia đình sang tị nạn ở Hoa Kỳ từ tháng 4/2023, tố cáo Công an thành phố Hải Phòng đã sách nhiễu người thân của bà chỉ ít ngày sau khi bà lên sân khấu thay mặt ông Đỗ Nam Trung nhận giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2024.

phamthanhnghien1

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên lên nhận Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2024 thay cho tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung trong buổi lễ trao giải ở Houston ngày 15/12/2024 - Huỳnh Anh Tú

Ông Trung là một trong ba khôi nguyên của giải thưởng do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao năm nay ở thành phố Houston, Texas vào ngày 15/12 vừa qua.

Đến ngày 23/12, một công an khu vực phường Đông Hải 1, thành phố Hải Phòng đi kèm với một sĩ quan an ninh đến nhà của gia đình chị ruột của bà đề nghị làm việc về hộ khẩu.

Tuy nhiên, được một lúc cán bộ an ninh lại quay sang hỏi thông tin về bà Nghiên như công việc và địa chỉ ở Mỹ, cũng như cuốn sách 'Những mảnh đời sau song sắt' bà viết hồi năm 2017. Bà bày tỏ với RFA hôm 24/12:

"Tôi rất lo lắng cho người thân của tôi, cũng không biết là trong thời gian tới họ sẽ làm gì. Vì ở trong nước phải đối mặt với nhiều rủi ro, nào là sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ, bị gây tai nạn thậm chí là bỏ tù hay là gây khó khăn khác cho cuộc sống của mình".

Sau khi làm việc, công an lập biên bản và yêu cầu người chị ký nhưng không đưa bản sao.

Bà Nghiên cho rằng đây là hình thức đàn áp xuyên quốc gia bằng cách gây áp lực lên người thân để buộc người đấu tranh phải câm lặng trước các bất công và vi phạm nhân quyền ở trong nước.

Bà đoán rằng sự việc xảy ra có thể do bà thường xuyên đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền, cùng các bài viết chỉ trích Tổng Bí thư Tô Lâm không có những cải cách thực sự mà ngược lại đang gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến và đối thủ chính trị.

Bà Nghiên khẳng định vẫn sẽ lên tiếng cho sự thật và sẽ làm những gì cần phải làm, khẳng định các hình thức khủng bố, sách nhiễu từ nhà cầm quyền từng làm nhiều năm nay nhằm tạo áp lực buộc bà phải ngừng các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền sẽ thất bại.

Phóng viên gọi điện cho Công an quận An Hải và Công an thành phố Hải Phòng để tìm hiểu về sự việc nhưng người trực điện thoại nói liên lạc với Công an phường Đông Hải 1. Tuy nhiên, phóng viên gọi điện nhiều lần cho công an phường nhưng không có ai nghe máy.

Bà Nghiên từng bị tuyên án 4 năm tù giam với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" hồi năm 2008, cho biết đây là lần thứ hai người thân bà bị sách nhiễu từ khi bà qua Mỹ ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken.

Vào giữa tháng 4 năm ngoái, hai chị ruột đến nơi ở trọ của gia đình bà để thu dọn và trả lại căn nhà trọ, công an địa phương sau đó đến hạch sách và lập biên bản vì cho rằng đã giúp đỡ em gái.

Bà Nghiên cũng cho biết vào cuối tháng 5 vừa qua, bà nhận được một tin nhắn điện thoại mời đi dùng bữa vào cuối tuần. Người mời tự giới thiệu tên Trọng, là cán bộ an ninh của Bộ Công an và mới sang Texas du lịch.

Bà từ chối với lý do không quen biết. Sau đó, bà đã báo cáo sự việc cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Nguồn : RFA, 24/12/2024

Additional Info

  • Author RFA
Published in Việt Nam

Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên cùng chồng cũng là cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú và con gái vào ngày 12/4 lên trường sang Hoa Kỳ. Sau hơn một tháng định cư tại nước Mỹ, bà xác nhận lại với RFA tình trạng của gia đình khi còn ở Việt Nam và lý do phải lên đường đến "xứ lạ, quê người". Bà trình bày :

nghien1

Gia đình cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên - Facebook Phạm Thanh Nghiên

"Thực sự ra đi là quyết định rất khó khăn, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Nếu chỉ phải đối mặt với khó khăn và tù đày thì chưa chắc chúng tôi đã ra đi.

Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải ra đi khi căn nhà nhỏ bé của chúng tôi ở Vườn rau Lộc Hưng bị đập. Con gái tôi mới 13 tháng tuổi nhưng tôi không có chỗ.

Không có chỗ cho chúng tôi tá túc lâu dài, dù chỉ là phòng trọ. Tôi thật sự không biết người khác sẽ làm gì khi họ ở vào hoàn cảnh của chúng tôi".

Hai vợ chồng bà Nghiên mua được mảnh đất ở Vườn rau Lộc Hưng và dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để cất một căn nhà đơn sơ, nhưng chỉ vài tháng sau, nhà chức trách địa phương đã dùng máy ủi sang bằng trong cuộc cưỡng chế ngay trước Tết Nguyên đán năm 2019.

Từ đó tới khi rời Việt Nam, gia đình bà đã phải chuyển chỗ ở năm lần, vì sự can thiệp của an ninh Thành phố Hồ Chí Minh lên chủ nhà nhằm trả thù vì các hoạt động ôn hoà cổ suý dân chủ, nhân quyền và bảo vệ chủ quyền của quốc gia ở Biển Đông trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Bà Phạm Thanh Nghiên bị bắt vào ngày 18/09/2008 khi đang tọa kháng tại nhà trước băng rôn có dòng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phản đối công hàm bán nước 14/9/1958".

Tuy nhiên, bà bị kết tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 vì bài viết đưa lên mạng Internet có tựa đề "Uất ức quá biển ta ơi" về những ngư dân bị Trung Quốc bắn giết và cướp bóc ở biển Đông, và trả lời phỏng vấn nhiều đài báo tiếng Việt ở nước ngoài như RFA và Radio Chân trời mới với nội dung "chống chế độ".

Bà bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia, mãn hạn tù vào tháng 9/2012.

Ông Huỳnh Anh Tú và em trai là Huỳnh Anh Trí, bị kết án 14 năm tù giam vì "khủng bố, âm mưu lật đổ chính quyền". Họ mãn hạn tù vào cuối năm 2013, và nửa năm sau đó, người em mất vì bệnh AIDs do sử dụng chung dao cạo râu với bạn tù nhiễm HIV.

Cho đến gần thời gian ra đi, ông Tú mới được cấp thẻ căn cước công dân, một thứ giấy tờ thiết yếu mà vì không có nên ông không thể đăng ký tạm trú hay đi thi để lấy bằng lái xe máy trong gần 10 năm qua.

Bà Nghiên cho RFA biết bà có cơ hội đi định cư ở nước ngoài khi đang thi hành án tù hoặc ngay cả khi đã mãn hạn tù, nhưng trước đó, bà đã lựa chọn ở lại vì "đất nước mình thì mình sống thôi".

Khi quyết định rời bỏ đất nước ra đi, bà rất day dứt, giống như những người vượt biên sau năm 1975 hoặc những tù nhân lương tâm bị buộc phải sống lưu vong sau này :

"Mỗi cuộc ra đi đều mang một câu chuyện khác nhau. Có thể không phải là tất cả nhưng tôi tin phần lớn những người phải ra đi ấy đều đứng trước quyết định khó khăn, bị giằng xé trước nghĩa vụ, trách nhiệm, tình thân và cả tương lai trước mắt nữa.

Thậm chí có người còn dằn vặt bởi mặc cảm rằng mình phải bỏ nước bỏ bạn bè ra đi".

Sau khi đến Houston, tiểu bang Texas, bà cho biết nhận được sự trợ giúp của những người đi trước, để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Bà cho biết chồng mình, ông Huỳnh Anh Tú đã lấy được bằng lái xe hơi chỉ sau vài tuần đến đây, và đang tìm việc. Còn bản thân mình thì tiếp tục công việc làm báo và cộng tác với một tổ chức nhân quyền để đưa tin về phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam- như một cách của riêng mình để đồng hành cùng với những người đồng đội trong nước.

An ninh gây khó, hạch sách người thân

Bà Phạm Thanh Nghiên kể lại có ba người thân tiễn họ đến Sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hoa Kỳ : hai chị của bà Nghiên và chị của ông Tú. Tuy nhiên, người đi tiễn được khuyên không nên vào khu vực bên trong nơi người ra đi làm thủ tục.

Đi cùng họ là nhân viên IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế) và viên chức chính trị của Tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở vòng ngoài.

Sau ba tiếng rưỡi trong sân bay, họ mới được xuất cảnh, và máy bay cất cánh vào lúc 19 giờ 50, bỏ lại quê hương, gia đình và bạn bè và tất cả những đắng cay ngọt bùi của hơn nửa đời người. Họ tới phi trường George Bush của tiểu bang Texas vào sáng ngày 14/4.

Bà Nghiên cho biết khi bà còn ở nhà thì an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh thường tìm cách tránh đối mặt với bà. Tuy nhiên, khi bà đã đi rồi thì họ lại đến phòng trọ cũ của bà để hạnh hoẹ hai người chị ruột mà bà nhờ họ giải quyết việc còn tồn đọng với chủ nhà và trả lại nhà cho họ.

Chỉ vài giờ sau khi gia đình bà Nghiên đặt chân lên đất Mỹ, công an lại xông vào nhà thuê của bà ở phường 9, Gò Vấp. Khi ấy, chỉ còn hai người chị của bà đang thu dọn đồ đạc, và họ yêu cầu được gặp bà.

Khi được hai người chị thông báo gia đình bà Nghiên đã đi Mỹ, họ không hề ngạc nhiên nhưng lại quay sang điều tra lý lịch và hạch hỏi, hoạnh hoẹ về sự có mặt của hai người phụ nữ đó. Cuối cùng, công an lập biên bản hai người chị vì "không khai báo tạm trú" và về hành vi "giúp em gái dọn đồ đạc, trả lại nhà cho chủ", bà cho biết.

Trước khi rời Việt Nam vài tháng, bà Nghiên cũng bị an ninh triệu tập vài lần vì liên quan đến cuốn sách "Những mảnh đời sau song sắt" mà bà là tác giả ghi lại những chuyện chứng kiến trong bốn năm tù. Công an Hà Nội có thu giữ được một cuốn này cùng cuốn "Chính trị bình dân" của nhà báo Phạm Đoan Trang khi khám nhà của Nguyễn Lân Thắng, blogger của RFA, người bị kết án sáu năm tù giam về tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước" trong phiên toà gần đây.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội giám định nội dung cuốn sách và đưa ra kết luận "có nội dung gây chiến tranh tâm lý, tuyên truyền chống nhà nước, kích động nhân dân đứng lên chống đảng…", bà nói với RFA.

Bà Phạm Thanh Nghiên là một trong nhiều người hoạt động bị buộc phải sống tị nạn ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Nhiều trong số họ đi thẳng từ nhà tù như Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và Trần Thị Nga sang Mỹ hay Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà sang Đức.

Nguồn : RFA, 24/05/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam
samedi, 15 avril 2023 15:25

Phạm Thanh Nghiên

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi (bỗng) trở nên vô cùng rảnh rỗi. Như phần lớn những người dân miền Nam khác – những kẻ không cảm thấy yên tâm gì cho lắm khi nhìn thấy bóng dáng đoàn quân giải phóng, và cũng không có chỗ đứng (hay ngồi) trong lòng "cách mạng" – tôi không có chuyện gì để làm, và cũng không biết (rồi ra) sẽ làm gì với cuộc đời mình. Rảnh, tôi hay đi lang thang cho nó qua ngày. Có chiều, tôi thấy một anh bộ đội vội vã bước vào một tiệm sửa đồng hồ, với (tất cả) vẻ khẩn trương :

– Cái này tôi vừa mua hôm qua, còn mới nguyên, vậy mà hôm nay đã… hỏng. Mà loại không người lái đấy nhá. Cứ phải lắc lắc, đến mỏi cả tay, kim giây cũng chỉ nhúc nhích vài nấc rồi đứng.

phamthanhnghieng1

Ông thợ chỉ mới nghe chứ chưa nhìn, đã lắc lắc đầu quầy quậy :

– Chịu thôi !

– Cố giúp cho đi, bao nhiêu là năm lương của tôi đấy, không phải ít đâu. Đây là món quà mà bố tôi vẫn ao ước mãi…

Sự chân thật và vẻ khẩn khoản của anh, có lẽ, đã khiến người đối diện mủi lòng :

– Anh mua nhằm đồ rởm rồi. Đồng hồ giả làm sao sửa được, cha nội ?

– Giả à ?

– Tui liếc qua là biết liền mà.

– Thôi chết ! Thế bây giờ phải làm sao ?

– Dục bà nó đi chớ còn làm gì được nữa.

Anh lính trẻ ngớ ra một chút, rồi thẫn thờ quay bước, mặt buồn thiu. Người thợ sửa đồng hồ (ái ngại) nhìn theo, trông cũng buồn không kém. Còn tôi, tôi cũng… buồn luôn ! Rõ ràng, tôi thuộc diện… buồn theo. Không những chỉ buồn theo, tôi còn (dám) là người buồn nhất. Và nỗi buồn này cứ ở mãi trong tôi cho đến mãi bây giờ.

Khá lâu sau, có hôm, tôi được nghe ông Phùng Quán kể chuyện "Đầu năm xông đất nhà thơ Tố Hữu". Trong buổi tương phùng muộn màng này, Tố Hữu cao hứng đọc một bài thơ tứ tuyệt (mới sáng tác) của ông :

Có anh bộ đội mua đồng hồ

Thiệt giả không rành anh cứ lo

Đành hỏi cô nàng, cô tủm tỉm :

"Giả mà như thiệt khó chi mô !"

Theo nguyên văn lời của Phùng Quán : "Nhà thơ đọc lại lần thứ hai, nhấn mạnh từng từ một. Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm, nhưng không ai bình luận gì hết. Tôi thì đoán họ đều như bị hẫng. Vì giọng thơ khác lạ biết bao so với giọng thơ quen thuộc của nhà thơ trước đây".

Tất nhiên, tôi cũng bị hẫng luôn. Vẫn nói theo ngôn ngữ đương đại thì tôi thuộc diện… hẫng theo. Và nói tình ngay thì tôi hẫng lắm. Không chừng, tôi lại (dám) là người… hẫng nhất. Tôi bỗng nhớ đến cái cảm giác hụt hẫng mà mình đã trải qua – khi nhìn nét mặt buồn rười rượi của anh lính trẻ, thất thểu bước ra khỏi tiệm sửa đồng hồ – vào một buổi chiều, hơn hai mươi năm trước. Lúc ấy, tôi mới chỉ mơ hồ cảm nhận được là có cái gì không ổn trong cuộc chiến khốc liệt (vừa tàn) trên đất nước mình. Sao chung cuộc, kẻ chiến thắng (nếu còn sống sót) chỉ nhận được những chiến lợi phẩm nhỏ nhoi, như con búp bê, hay cái đồng hồ, đến thế ? Đã thế, dân chúng ở vùng địch tạm chiếm lại còn trao tay cho những chiến sĩ giải phóng quân toàn là… của giả !

Sau khi nghe Tố Hữu đọc thơ, và hình dung ra nụ cười "tủm tỉm" của cô hàng (cùng nét mặt láu cá của tác giả) tôi chợt nghĩ thêm rằng : chả riêng gì cuộc chiến "giải phóng" miền Nam, tất cả những gì thuộc về (cái gọi là) "cách mạng" ở Việt Nam – vào thế kỷ qua – đều có cái gì đó rất là không ổn, hay nói rõ hơn là… không thật !

Và sự thật (nghĩa là sự giả trá) được phơi bầy rõ ràng, qua một vụ kiện, vừa mới xẩy ra ở xứ sở này. Xin được lược thuật vắn tắt :

Ngày 14/6/2008, ba công dân Việt Nam – Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Cao Quận – làm đơn gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, xin phép được biểu tình. Lý do : cho "những người buôn bán nhỏ, làm xe ôm, phu hồ, phu khuân vác, thợ cắt tóc, trẻ đánh giầy, người bán hàng rong… những kẻ chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra… có địa điểm để tập trung bày tỏ ý kiến". Sau khi đơn từ gửi đi thì tư thất của những người đứng đơn (bỗng) biến thành… lao thất. Họ bị cấm ra khỏi nhà, bị sách nhiễu, đe doạ… Riêng cô Phạm Thanh Nghiên – theo tường thuật của RFA, nghe được vào hôm 6/7 – còn bị "đánh đập tàn tệ giữa đường phố". Đến ngày 26/6, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra thông báo cho biết không được phép tổ chức biểu tình. Lý do : "vi phạm Khoản 2, Khoản 6 Điều 5 Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ nhằm qui định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

phamthanhnghieng2

Sau đó, cô Phạm Thanh Nghiên và ông Nguyễn Xuân Nghĩa làm đơn khiếu nại về thông báo "bác đơn xin biểu tình" của họ. Đơn này không được trả lời cho đến khi cô Phạm Thanh Nghiên (nhờ luật sư Lê Trần Luật) nộp đơn khởi kiện các cấp hành chính đã bác đơn xin biểu tình, và gửi lên tòa án hành chính cùng cấp. Kết quả, theo lời tuờng thuật của ông Nguyễn Xuân Nghĩa – đọc được vào ngày 4/9, trên web Tiếng nói Tự do Dân chủ – như sau :

"Đơn khởi kiện của cô Phạm Thanh Nghiên bị tòa trả lại với lý do : Chiếu theo điều a, b, c… trong A, B, C…, tòa không có chức năng thụ lý…".

Trả lời giới truyền thông độc lập, luật sư Lê Trần Luật nói : "Tòa án lập ra là để giải quyết các xung đột xã hội. Không có tòa án, công dân, nhà nước giải quyết xung đột bằng luật rừng". Và ông hình tượng hóa : ‘Ta coi vụ kiện này như một trận banh, đội banh A gồm cô Nghiên, ông Nghĩa… ; đội banh B là đơn vị hành chính đã bác đơn. Trọng tài ở đây chính là tòa án phải có trên sân cỏ và thực thi nghĩa vụ là xử lý các hành vi không đúng luật của cả hai bên.

Vậy mà trận banh này không có trọng tài, trọng tài không làm nhiệm vụ ; dẫn đến cuộc chơi này không theo luật. Như các cầu thủ, một bên là cô Nghiên, ông Nghĩa ; bên kia là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội rồi sẽ ‘cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nhổ nước bọt vào mặt nhau’ và ai dùng luật rừng sẽ thắng".

"Điều 69, Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước ‘của dân, do dân và vì dân’ ghi : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

"Son phấn ơi, hãy tự bỏ nhiệm sở giả dối của mi đi !"

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa không phải là người đầu tiên đề cập đến tính chất "phấn son" của Hiến pháp (làm) ở Việt Nam. Trước đây, một công dân khác, cũng đã phát biểu tương tự :

"Ở Việt Nam có hai bản hiến pháp. Một bản để trình ra thế giới, nhưng không được thi hành. Còn một bản thì nhà nước thực thi ngầm trong dân chúng. Trong bản hiến pháp thứ hai này, công dân chẳng có quyền tự do nào cả" (Lê Chí Quang, "Đối thoại tháng 6 năm 2001", Cánh Én, Đức Quốc, tháng 7/2001).

Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, dành cho ban biên tập Đàn Chim Việt, đọc được vào ngày 4/9/2008, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết :

"Tòa án là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý mà lại trả lời công dân rằng ‘không thuộc thẩm quyền của tòa, vậy ai có thẩm quyền đây ? Mục đích chính của chúng tôi là qua một vụ kiện đòi dân quyền cụ thể (quyền biểu tình) trong Hiến pháp, chúng tôi lột được mặt nạ dân chủ của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…".

Cái giá để trả cho chuyện "lột mặt nạ dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" qua vụ kiện này, xem chừng, hơi mắc.

Chỉ hai tuần sau, vào ngày 18/9/2008, Phạm Thanh Nghiên bị một số đông công an và nhân viên an ninh (của thành phố Hải Phòng) lôi ra khỏi nhà khi cô đang ngồi tọa kháng, với hai khẩu hiệu : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" và "Phản đối công hàm bán nước của thủ tướng Phạm Văn Đồng". Hơn một năm sau, theo BBC, nghe được vào hôm 29/1/2010, cô Phạm Thanh Nghiên vừa bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia với tội danh "bêu xấu phỉ báng chế độ". BBC, qua bản tin thượng dẫn, còn trích dẫn lời bà Nguyễn Thị Lợi (thân mẫu của cô Phạm Thanh Nghiên) "trước bản án quá lớn dành cho con mình" :

"Kết quả bản án này, chúng tôi là người dân cũng chẳng biết nói gì cả. Kêu cũng không kêu với ai được. Những người đáng kêu lại là những người thực hiện. Tôi chẳng biết kêu ai cả. Tôi là mẹ của cháu thôi thì tôi chỉ biết âm thầm, ngậm ngùi chấp nhận. Biết làm sao bây giờ".

Ít nhất cũng có ba thế hệ người Việt liên tiếp đã "âm thầm ngậm ngùi chấp nhận" sống với luật rừng và thứ hiến pháp son phấn, giả trá như thế ở Việt Nam vì "không biết làm sao bây giờ". Tình trạng này (e) còn tiếp diễn ở một đất nước, có đến chín chục triệu con dân (nếu tính luôn cả cái đám đang sống đời tha phương cầu thực) mà những kẻ dám từ chối, không chịu sài đồ giả, vẫn còn thuộc thành phần thiểu số.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : Việt Báo, 15/04/2023

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Văn hóa

Kỷ niệm cùng Phạm Thanh Nghiên

Tôi còn nhớ vào hồi 19g42 phút ngày 07/12/2007, trong lúc tôi đang thả bộ trên đường Lê Văn Lương thì điện thoại của tôi nhận được một tin nhắn của một số máy lạ có nội dung : "Sẽ có cuộc biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc vào 9h ngày 9/12/2007".

Ai đã nhắn tin này cho tôi ? Người thì bảo đó là nhân vật X, người khác lại bảo đó là nhân vật Y ! Lại có người lí giải chẳng phải là X là Y gì hết, chính công an đã ngấm ngầm làm việc này.

khoc1

Giữa phố phường Hà Nội

Là một người dân, tôi không có trách nhiệm phải truy tìm nguồn gốc của tin nhắn đó. Sau hơn 2 năm câu hỏi ai là tác giả của tin nhắn này vẫn còn là một ẩn số và chỉ biết rằng, tôi đã đến với cuộc biểu tình đó. Nhiều bài viết của tôi, nhiều tấm ảnh mà cơ quan an ninh đã chụp được tôi, nhiều videoclip của công an đã quay được sự hiện diện của tôi giữa đám đông sinh viên học sinh trước cổng Sứ Quán Trung Quốc buổi sáng hôm đó và ít ngày sau là những cuộc thẩm vấn liên tục của PA38, của A42 dành cho tôi đã xác nhận điều này và cho đến nay tất cả vẫn còn hết sức sống động trong tôi. Với tôi đó là những ngày tháng, những kỉ niệm không thể nào quên. Tôi tự hào về tôi, tôi đã sống không đến nỗi nào trong những ngày tháng đó.

Tôi nhớ tôi đã lọt vào một đám đông Thanh Niên, Sinh Viên và Học Sinh đang vô cùng phấn khích trước cổng Đại Sứ Quán Trung Quốc. Trước mặt tôi, giữa lòng đường Hoàng Diệu và trước cổng Sứ Quán đóng im ỉm là một hàng rào Cảnh sát cơ động trong trang phục rằn ri với mũ sắt trên đầu và côn gỗ trong tay, là cả một rừng ống kính máy ảnh, camera của công an lăm lăm chĩa vào chúng tôi. Có một điều rất lạ là họ lại hết sức ôn hoà, hết sức mềm mỏng với chúng tôi. Họ không hề ra tay đàn áp như những gì mà họ đã thể hiện trong những chủ nhật sau.

Biểu tình chống Trung Quốc lớn nhất ở Hà Nội sau nhiều năm - VOA, 11/05/2014

"Xung quanh tôi lúc đó là những gương mặt của thế hệ 8x và 9x, họ là những đại diện xứng đáng cho thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ sống vô trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ Quốc. Họ đang say sưa hát những bài ca cách mạng, họ hô vang những khẩu hiệu khẳng định chủ quyền của đất nước trước mũi những kẻ bành trướng phương Bắc. Tôi nhanh chóng như rơi vào trạng thái nhập đồng khi thấy một nam sinh viên đeo kính trắng nhẩy ra đối diện trước đám đông Cảnh sát cơ động. Giữa lòng đường Hoàng Diệu, cháu đứng ưỡn ngực, 2 chân cháu dang rộng, 2 tay cháu giơ cao chiếc băng đỏ có dòng chữ mầu vàng : "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", miệng cháu cắn chặt chiếc dây đeo một khẩu hiệu lớn có dòng chữ : "Đả đảo Tam Sa". Đôi mắt cháu rực sáng nhìn thẳng vào những Cảnh sát cơ động đang dàn hàng ngang trước cổng Sứ Quán. Hàng chục ống kính máy ghi hình của các kí giả nước ngoài đã tới tấp ghi được một hình ảnh tuyệt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Xung quanh tôi là cả một biển người đang sôi sục trào dâng. Đứng gần tôi là một cháu gái mảnh mai, gầy yếu đeo cặp kính trắng rất giản dị. Tôi thấy mỗi lần cháu hô to : "Hoàng Sa - Trường Sa !"bằng chất giọng trong trẻo, lanh lảnh như tiếng của Thiên Sứ từ nơi xa xăm vọng về… lập tức các bạn cháu đồng thanh hô đáp lại : "Việt Nam !". Tiếng gọi tên Tổ Quốc vang lên từ những lồng ngực trẻ nhanh chóng cộng hưởng thành một trường âm thanh hào hùng lay động, lan ra xa tắp. Bất ngờ cháu gái đó nhận ra tôi, cháu hét lớn : "Các bạn ơi ! Đưa Mic cho thầy Long đi !". Tôi bỗng quên cả tuổi tác, nhanh chóng hóa thân vào sinh hoạt của các em. Cảm hứng về Tổ Quốc, về Đất Nước, về DânTộc… như bừng sáng, như rực cháy trong tôi. Mắt tôi bỗng như nhòa lệ. Tôi nhanh chóng chìm sâu vào trạng thái như bị thôi miên đến nghẹt thở."

(trích Hồi kí của Nguyễn Thượng Long : "Tôi đã khóc giữa trời thu Hà Nội").

Trưa hôm đó quay lại nhà anh chàng kĩ sư Hóa mà tôi mới quen, tôi lại gặp cháu gái này. Hóa ra đó chính là Phạm Thanh Nghiên người con gái đã từng làm đau đầu nhiều nhân viên an ninh Hải Phòng và cả an ninh Bộ. Tôi hỏi : Sao cháu biết tên tôi ? Cháu Nghiên nói : Cháu nhận ra chú vì 2006, VTV3 đã từng giới thiệu chú là "Người đương thời""Thanh tra Đa vít", là thầy giáo chống tiêu cực nổi tiếng trong ngành Giáo dục và đào tạo của Hà Tây.

khoc2

Phạm Thanh Nghiên - Ảnh We are the One

Khi nhắc lại cả loạt danh xưng một thời của tôi như thế, Phạm Thanh Nghiên đâu có biết cháu đã gợi dậy trong tôi những kỉ niệm thất bại đến đau buồn mà tôi đã cố gắng để quên đi. Giờ đây sau hơn 4 năm, đặc biệt là sau khi Người Đương Thời được cả nước yêu thích nhất năm 2006 Đỗ Việt Khoa bị báo chí "Lề Phải" và Lãnh đạo Giáo dục và đào tạo Hà Nội hạ nhục thành công, thì cuộc vận động 2 không rồi lại 4 không :

* Không gian dối trong thi cử

* Không vị thành tích trong thi đua, rồi lại thêm…

* Không băng hoại đạo đức đối với thày cô giáo..

* Không ngồi nhầm lớp với học sinh…

Chẳng còn thấy ai nhắc đến những nội dung này nữa. Giáo dục và đào tạo cả nước bước vào năm cuối cùng của thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 với những kết quả thi cử lại đạt tuổi của vàng "99,99%" và tác giả làm nên những thành tích đó là những gương mặt lộng lẫy, chỉ nhờ những "Mỹ phẩm hàng chợ loại 2"… và họ như cùng nhau vui vẻ à vào "Vở tuồng đồ" vĩ đại có cùng ngôn ngữ là :

"Nói Dzậy ! mà không phải Dzậy !". Nói "Hai Không !", nói "Bốn Không !", sau này là nói cải tiến…cứ nói, đừng nhẹ dạ mà làm thật, làm thật sẽ được coi là không bình thường, không hiểu biết đấy".

Vở Tuồng Giáo dục và đào tạo hôm nay có khác gì đâu hoạt cảnh : Tháng trước ông Nguyễn Minh Triết gõ cửa Vatican để đối thoại thân tình với Đức Giáo Hoàng, nhà lãnh đạo tinh thần của khối Công giáo toàn thế giới, cũng là Đấng Bề Trên cao cả của những người Công giáo ở Việt Nam đang có nhiều bức xúc trong nước, thì tháng sau lại có ông khác ngang nhiên xua lính đi đập nát Thánh Giá biểu tượng thiêng liêng của giáo dân một xứ đạo nghèo nơi xóm núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ.

Tôi nhớ lúc đó tôi cố nhắc nhở cháu giữ gìn sức khoẻ vì tôi thấy cháu rất gầy và xanh. Ít ngày sau qua mạng, tôi đọc được bài viết rất xuất sắc của cháu có nhan đề "Uất ức biển ta ơi !", bài viết về chuyến cháu và sinh viên Ngô Quỳnh đi Hoằng Hóa, Thanh Hóa để thăm gia đình các ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông. Tôi và nhiều người khác rất xúc động khi đọc bài viết này.

Tôi nghĩ, bên trong những người con gái nhỏ bé, gầy yếu như Luật sư Lê Thị Công Nhân, như Phạm Thanh Nghiên là cả một hoả diệm sơn của lòng yêu nước, là cả một đại dương của tình yêu thương con người. Thật đáng buồn thay cho những Bác, những Chú… oai vệ như thần mà ấp a ấp úng gọi tầu Trung Quốc là những tầu lạ khi chúng đâm chìm tầu cá của ngư dân Việt Nam. Lại có những cụ lớn khi được Thiên Triều xếp cho ngồi vào ghế cao, ra mắt Bắc Triều, cụ nào cũng hạ mình nói những lời làm xấu mặt những người Việt Nam còn liêm xỉ, rồi lại ê a chữ vàng, chữ bạc với những kẻ vừa mới khoanh cái lưỡi bò một nhát là hết sạch Biển Đông của Con Hồng Cháu Lạc.

Ít ngày sau, tôi lại được biết Phạm Thanh Nghiên cùng với cựu chiến binh Vũ Cao Quận và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kí chung một đơn xin Ủy ban nhân dân Hà Nội cho phép tổ chức một cuộc biểu tình ở Hà Nội để lên án các tệ đoan tham nhũng, tăng giá, lạm phát… đang hành hạ người dân. Đáp lại nguyện vọng của 3 chiến sĩ dân chủ Hải Phòng là những gì, mọi người đều đã rõ. Cựu Chiến Binh Vũ Cao Quận được cơ quan an ninh "săn sóc" đặc biệt. Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa không thoát khỏi lao lí sau những nỗ lực kêu gọi mọi người chống tham nhũng bằng những khẩu hiệu, những băng rôn mà ông cùng với những bạn hữu của ông đã từng làm ra. Còn Phạm Thanh Nghiên, điều gì đã đến với một cô gái mảnh mai, yếu ớt trên cây cầu nổi tiếng vắt ngang qua thành phố nơi quê hương cô ? Tôi tin rằng, những biến cố đó chưa mấy ai quên.

Không phải chỉ là tôi, người Việt Nam bình thường nào cũng thấy, điều 69 Hiến Pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là điều khoản rất cần phải xem lại, rất cần phải sửa đổi.

Điều 69 Hiến pháp quy định rành rành :

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

Vậy mà khi 3 công dân Hải Phòng thực hiên cái quyền đó thì họ đã bị đối xử như những người vi phạm pháp luật !? Ít ngày sau, Phạm Thanh Nghiên lại có một việc làm mà tôi chưa từng thấy có tiền lệ ở bất cứ nơi nào, cháu đã bầy tỏ khát vọng của mình, thái độ sống của mình bằng cách treo khẩu hiệu trong nhà có nội dung : "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam !"" Phản đối công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng" và cháu Nghiên lặng lẽ tọa kháng bên cạnh như một ni cô tĩnh tâm trước bàn thờ Phật, một nữ tu đang nguyện ngắm trước bàn thờ Chúa. Giở Bộ luật Hình sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra để tra cứu, tôi cũng chả thấy có điều nào nghiêm cấm cách thể hiện ý nguyện theo kiểu ôn hòa và vô hại như thế. Vậy mà ít ngày sau Phạm Thanh Nghiên cũng bị lôi ra khỏi nhà và lọt vòng lao lý như một đối tượng nguy hiểm của xã hội (?!). Tôi nghĩ rằng, khi chính quyền bắt giữ rồi xử tù hàng loạt những người bất đồng chính kiến và khi các nhà lãnh đạo quốc gia công cán ở nước ngoài, họ hùng hồn thuyết phục những con người ở nơi xa lạ đó rằng :

"Ở Việt Nam không có đối lập chính trị, không có bất đồng chính kiến, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật ! ?".

Có bao giờ các quý vị này chạnh lòng mà nghĩ, những kẻ vi phạm pháp luật đó chỉ đáng tuổi em, tuổi con cháu của mình, lại là những đồng bào được học hành phải nói là đến nơi đến chốn. Trong đó có người có văn bằng có lẽ cao hơn, "Xịn" hơn không ít người trong chúng ta. Cũng chỉ vì quá khát khao được sống như những đồng loại ở các xã hội văn minh mà họ đã phải lọt vòng tù tội và ít nhất với trường hợp của cháu Phạm Thanh Nghiên bị bắt giam vì những lí cớ thật chẳng ra làm sao mà hơn một năm nay không xét xử hay là không xét xử được ? Lẽ nào lương tâm của các quý vị không một chút cắn rứt, không một chút ăn năn !

Tôi rất ngạc nhiên trước câu hỏi : Tại sao người nước ngoài, HRW - Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, lại hiểu được cháu Phạm Thanh Nghiên đầy đủ đến thế, khi quyết định trao cho cháu giải thưởng của tổ chức quốc tế này… Trong khi đó là người cùng huyết thống, cùng ngôn ngữ của ông cha thì lại cố tình không hiểu nhau, cố tình hành hạ nhau, khép tội cho nhau những tội lỗi đâu đâu.

Mai này rồi người ta cũng sẽ lôi Phạm Thanh Nghiên ra trước vành móng ngựa thôi. Tôi không rõ người ta sẽ khép cho cháu Nghiên những tội lỗi gì ? Tội lật đổ chính quyền chăng ! Làm sao một cháu gái 30 tuổi, nặng không hơn 36 kKg lại cận thị nặng… lại có thể là mối đe dọa ghê ghớm cho chính quyền được.

Tội dám làm đơn xin biểu tình chăng ? Tội "thương người như thể thương thân" khi cùng với sinh viên Ngô Quỳnh đi thăm hỏi bà con ngư dân Thanh Hóa bị lính Trung Quốc bắn giết ngoài Biển Đông chăng ?

Tội cháu đã nhận những đồng tiền của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về chia sẻ với cháu lúc hoạn nạn không hề kèm theo bất cứ một điều kiện nào ? Làm sao mà các bậc cha chú có thể xử cháu cái tội đó được, khi chính cụ Đỗ Mười nhận cả triệu USD của tư bản Hàn Quốc hay Đài Loan gì đó để cho họ được thắng thầu ở Việt Nam. Khi có người chất vấn cụ vụ này, cụ lại trợn mắt lên mà mắng : "Đồ trâu buộc ghét trâu ăn, đồ ghen ăn tức ở !".

Về mặt chính danh và lương thiện, những đồng tiền của người đồng bào giúp người đồng bào lúc hoạn nạn… khác xa với mênh mang đất đai, biển, đảo. với bạt ngàn rừng nguyên sinh, bạt ngàn tài nguyên khoáng sản của nhân dân đã chui vào túi, vào trang trại, vào biệt phủ, vào các ngân hàng ngoại quốc, vào giấc mơ Mỹ… của các quan tham đang cai trị xứ xở này theo cung cách của những lực lượng chiếm đóng.

Hay người ta sẽ xử cháu Nghiên ở tội tọa kháng trong nhà mình dưới những khẩu hiệu chỉ nói lên lòng yêu nước và thái độ đầy ý thức trách nhiệm trước vận mệnh nước nhà. Nếu xử cháu Nghiên với tội này thì có xử các chú, các bác ở Trung ương, gần đây cũng bắt đầu người thì còn xa xôi, bóng gió, người thì cũng đã đủ can đảm để nói những điều có gì khác những điều mà cháu Nghiên đã la hét trước Đại sứ quán Trung Quốc và những khẩu hiệu xung quanh cháu, ngày cháu tọa kháng ngay trước cửa ngôi nhà của mình :

"Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam !"

"Phản đối Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng"

Có lẽ kỉ niệm dữ dội nhất, ấn tượng nhất giữa cháu Phạm Thanh Nghiên và tôi là kỉ niệm về lần tôi gặp cháu tại tư gia của nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Hà Nội, Đại tá công an Lê Hồng Hà, nguyên Ủy viên đảng đoàn Bộ công an, nguyên Chánh văn phòng Bộ công an. Hôm đó trên đường tôi đưa tiễn cháu về, cháu Nghiên kể :

"Khi ở Thanh Hóa ra, một vị có chức sắc đã hỏi cháu : "Ai đã xúi giục cô và Ngô Quỳnh đi Thanh Hóa để thăm bà con ngư dân bị Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông ?". Cháu đã trả lời : "Anh có thể hỏi tôi cái gì cũng được, xin anh đừng bao giờ hỏi tôi câu hỏi đó. Hỏi câu hỏi đó thì… xấu hổ lắm".

Tôi nghĩ : Đây là một câu trả lời thật ghê gớm, thật đáng nể. Câu trả lời đó có thể làm ù tai, làm bạc tóc các bậc Chú – Bác có danh, có giá, dư thừa tiền bạc nhưng quá thiếu liêm sỉ và lòng tự trọng… mà cháu Phạm Thanh Nghiên không hẹn đã phải gặp họ trên cõi đời này.

Khai bút 15/1/2010 / Hoàn thiện lần giữa 9/2017

Nguyễn Thượng Long

Nguyên giáo viên Địa Lí của Giáo dục và đào tạo Hòa Bình & Hà Tây

Nguyên Thanh tra giáo dục kiêm nhiệm Hà Tây

Chỗ ở : Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội

Điện thoại : 0433521066 & 01652323836

Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Published in Diễn đàn