Trông thấy tựa bài viết là câu hỏi : "Quê hương đất nước Việt Nam bây giờ của ai ?", chắc nhiều bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi đặt câu hỏi biết trước câu trả lời !
Một áp phích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội. Ảnh : Reuters.
Dĩ nhiên, quê hương Việt Nam của người Việt Nam ! Thật ra, điều đó chỉ là lý thuyết, vì lẽ, đối với chế độ cộng sản, thì quê hương là của họ và họ chỉ mở cửa cho những người biết ngoan ngoãn, thần phục chế độ. Còn lại, quê hương Việt Nam không thuộc về những người khác chính kiến, cho dù cũng là người Việt Nam da vàng, mũi tẹt, bữa ăn hàng ngày vẫn chưa từng rời xa giọt nước mắm.
Quả vậy, chế độ cộng sản đã giành trọn quê hương Việt Nam và tự ban cho mình cái quyền "cấm cửa" tổ quốc với những người Việt Nam mà họ không "ưa" !
Bùi Thanh Hiếu (Thanh Hieu Bui) đã vừa là một nạn nhân mới như vậy. ông ấy là blogger nổi tiếng nhất trong số các blogger người Việt. Thật ra, ông được biết đến nhiều hơn với bút danh Người Buôn Gió. Tuy chưa một ngày làm ký giả, nhưng những bản tin của ông về tình hình chính trị trong nước, cũng như nhân sự cao cấp của Đảng cộng sản vẫn thu hút cả hàng vạn lượt xem, hơn bất kỳ những tờ báo nào của chế độ, vì độ chính xác của những bản tin ấy. Đến mức độ, công chúng vẫn thường đùa rằng ông ấy mới là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự của Đảng chứ không phải là ông Nguyễn Phú Trọng.
Trên trang cá nhân của mình, ông Bùi Thanh Hiếu vừa thông tin cho biết về việc mình đã bị cơ quan an ninh Việt Nam từ chối như thế nào khi từ Đức về Hà Nội để thăm mẹ già đang ốm, phải nằm bệnh viện. Bài viết có câu thoại của cán bộ an ninh từ sân bay Nội Bài, như sau : "An ninh Dũng nghiêm mặt thông báo "Anh Hiếu, anh bị cấm nhập cảnh. Anh cho biết lý do anh nhập cảnh là gì để chúng tôi xem xét".
Cuối buổi làm việc, kết quả của việc "để chúng tôi xem xét" là ông Hiếu bị các nhân viên an ninh áp tải nghiêm ngặt ra thẳng máy bay trở lại Đức.
Trường hợp của ông Bùi Thanh Hiếu không phải là cá biệt. Trước đó, ông Phan Châu Thành, một doanh nhân thành đạt có tiếng tại Ba Lan cũng đã phải đối diện với trường hợp tương tự như vậy.
Tháng 05/2017, ông Phan Châu Thành về Việt Nam thăm cha mẹ già. Đến cửa khẩu Tân Sơn Nhất thì an ninh cửa khẩu không cho nhập cảnh để trả đũa cho việc từng viết bài chỉ trích chính quyền trong nước. Đêm đó, ông Phan Châu Thành bị giam lỏng trong một căn phòng cho đến sáng hôm sau thì bị áp tải ra tận thang máy bay để trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Chưa hết, với giáo sư Phạm Minh Hoàng, sự việc còn nghiêm trọng hơn.
Nguyên, cha mẹ của giáo sư là người Việt Nam, ông sinh trưởng từ trong nước. Thế nên, ông mặc nhiên có quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch. Năm 1973, ông du học tại Pháp. Đến năm 2000, ông trở về sinh sống và dạy học tại Việt Nam. Năm 2007, ông làm thủ tục hồi hương hẳn và được cấp Giấy Chứng nhận có quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, ông cũng được cấp Hộ khẩu thường trú và Chứng minh Nhân dân.
Tháng 05/2017, cho rằng ông có hành vi chống lại chính quyền, cho nên, Chủ tịch nước khi ấy là Trần Đại Quang ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với ông mà không căn cứ theo bất kỳ quy định nào của Luật Quốc tịch cả, mặc cho Luật Quốc tịch quy định rõ tại điều 2 rằng "Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam".
Khi ấy, chính quyền tránh né, không thụ lý đơn khiếu nại của ông và tổ chức cắt sóng điện thoại, cho công an đột nhập vào nhà riêng bắt giữ ông như một tội phạm hình sự để giam giữ. Đêm hôm sau, với lực lượng hùng hậu lên đến vài chục nhân viên an ninh áp tải đưa ông ra phi trường Tân Sơn Nhứt để trục xuất ông ra khỏi Việt Nam. Chua xót, bất đắc dĩ, Giáo sư Phạm Minh Hoàng phải sống lưu vong tại Pháp từ ngày ấy cho đến nay.
Danh sách công dân Việt Nam bị chế độ tự tiện lạm quyền, cấm đoán xuất nhập cảnh ra vào lãnh thổ Việt Nam chỉ vì bất đồng chính kiến kéo dài đến hàng nghìn cái tên : Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Linh mục Nguyễn Văn Khải, Linh mục Nguyễn Đình Thục, Linh mục Đinh Hữu Thoại, Linh mục Trương Hoàng Vũ, Hòa thượng Thích Không Tánh, Mục sư Phạm Ngọc Thạch, Luật sư Lê Công Định, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Đào Kim Lân, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Blogger Nguyễn Tường Thụy, Blogger Phạm Chí Thành, Ký giả độc lập Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Tiến Trung, nhà hoạt động môi trường Cao Vĩnh Thịnh, cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên, Linh mục Lưu Ngọc Quỳnh…
Không chỉ riêng đối với từng trường hợp có danh tính cụ thể, mà việc lạm quyền của chế độ xâm phạm vào lợi ích của người Việt còn tràn lan trong luật pháp. Cụ thể nhất đối với việc đặt ra rào cản nhập cảnh đối với người VIệt đang cư trú tại nước ngoài muốn về thêm quê hương, Theo đó, không phải cứ người Việt là có thể về nước thăm quê hương. Họ phải đến cơ quan lãnh sự của chế độ để đăng ký. Bằng cách đó, chế độ buộc tất cả mọi người Việt, nhất là người bất đồng chính kiến phải "thần phục" quyền lực của chế độ độc tài mà họ khinh ghét.
Hoặc trong chính sách Luật Đất đai. Theo đó, chỉ cho phép người Việt cư trú tại nước ngoài "ngoan ngoãn", "thần phục" chế độ được phép mua bất động sản trong nước qua cụm từ trong luật "được phép nhập cảnh vào Việt Nam". Mặc dù vậy, thì họ cũng chỉ được mua bất động sản trong các dự án thuộc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp thân hữu của chế độ mà thôi.
Thế đó, cướp lấy chính quyền vào năm 1945, giành hết cả lãnh thổ vào năm 1975, để rồi chế độ cộng sản đã tự đặt cho mình cái quyền cấm cửa ra vào quê hương Việt Nam đối với người Việt Nam không tán thành chế độ độc tài của mình, và rồi, dùng những lợi ích của đất nước để làm miếng mồi nhử thưởng phạt cho những người Việt nào biết ngoan ngoãn, chịu phục tùng.
Rõ ràng, ở Việt Nam không có cái gọi là chính quyền, mà chỉ có đảng cướp ở đấy. Vì chỉ có đảng cướp mới cướp tài sản của người khác làm của riêng cho mình và chia cho đồng bọn.
DC, ngày 04/09/2024
Đặng Đình Mạnh
Nguồn : Facebook Manh Dang, 04/09/2024
Liên khúc nhạc Tết nô nức Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019
Quê hương Việt Nam xin trân trọng giới thiệu video: Nhạc Tết, Nhạc Xuân Sôi Động 2019 - Liên Khúc Nhạc Tết Nô Nức Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019
Nguồn : Quê Hương Việt Nam, 04/02/2019