Còn lâu mới đến 5 giờ sáng. Nhưng ở nữ tu viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu, Nepal, các vị ni cô đã thức dậy luyện võ công.
Các ni cô nữ tu viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu, Nepal luyện võ công
Ý tưởng từ Đài Loan
Một chân gập về phía trước, một chân duỗi về phía sau, họ liên tục hít không khí vào đầy buồng phổi và cố gắng tập cho hoàn hảo một chuỗi những cú đá không chê vào đâu được.
Mỗi động tác của họ đều kèm theo những tiếng hô đầy nội lực - những tiếng kêu lanh lảnh sau những cú đá rầm rập.
Vận vào bộ nâu sồng truyền thống nhưng được sửa lại theo kiểu đồng phục karate, những gương mặt tươi cười của những vị ni sư này toát lên nội lực và sức mạnh không ngờ.
Họ là những ni cô học võ Kung Fu : những người phụ nữ duy nhất ở Nepal luyện môn võ công có thể làm chết người vốn đã nổi tiếng dưới sự thể hiện của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Trong một hệ thống tăng đoàn vốn tự thân đã nằm dưới sự chi phối của nam giới, phụ nữ được xem là đứng dưới nam giới.
Các vị tăng thường giữ tất cả các vị trí lãnh đạo, còn các ni sư chỉ làm các công việc quanh quẩn trong chùa và các việc tẻ nhạt khác.
Nhưng vào năm 2008, người đứng đầu dòng tu truyền thừa Drukpa vốn có lịch sử 1.000 năm, Đức Pháp chủ Gyalwang Drukpa, đã thay đổi mọi thứ.
Năm 2008, Pháp chủ Gyalwang Drukpa bắt đầu khuyến khích các ni sư học võ để biết cách tự vệ
Sau một lần đến thăm Việt Nam nơi Ngài nhìn thấy các ni cô được học võ công, Ngài đã quyết định áp dụng ý tưởng này ở Nepal bằng cách khuyến khích các vị ni sư ở đây học cách tự phòng vệ.
Mục đích của Ngài rất đơn giản : thúc đẩy bình đẳng giới và tạo sức mạnh cho những phụ nữ trẻ vốn đa phần đến từ những nơi nghèo khổ ở Ấn Độ và Tây Tạng.
Tập luyện căng thẳng
Mỗi ngày, 350 ni cô trong độ tuổi từ 10 đến 25 tham gia vào ba đợt luyện tập căng thẳng để trau dồi những chiêu thức mà họ được sư phụ dạy, người đến từ Việt Nam để dạy cho họ hai lần một năm.
Bên cạnh việc hoàn chỉnh các thế võ, họ còn sử dụng các vũ khí truyền thống, chẳng hạn như ki am (kiếm), dao nhỏ (đao), dao lớn (kích), tong (thương) và nunchaku (côn nhị khúc).
Những ni cô có sức mạnh về thể lực và tâm lý vượt trội sẽ được dạy chiêu chặt gạch vốn đã trở nên nổi tiếng trong vô số các bộ phim võ thuật.
Chiêu thức này chỉ được biểu diễn vào một số dịp đặc biệt, chẳng hạn như vào ngày sinh nhật của Đức Pháp chủ.
Các vị ni cô, đa số đều có đai đen, đồng ý rằng võ công giúp họ cảm thấy an toàn, trở nên tự tin, cho họ sức mạnh và giúp cơ thể họ khỏe mạnh. Còn thêm một lợi ích nữa, là việc tập võ là giúp tăng cường sự tập trung vốn giúp cho các ni sư ngồi thiền được lâu hơn
Mỗi ngày có 350 ni cô trẻ tuổi tập luyện võ công
Jigme Konchok là một ni cô ngoài 20 tuổi, đã luyện võ được hơn năm năm.
Ni cô giải thích quá trình học võ của mình như sau : "Tôi lúc nào cũng phải chú ý đến các động tác để biết rằng động tác đó đúng hay sai để sửa lại ngay lập tức nếu cần. Tôi phải tập trung vào chuỗi các động tác mà tôi đã học thuộc cũng như từng động tác riêng lẻ ngay lập tức. Nếu tâm dao động thì các động tác sẽ không thể chính xác hoặc là gậy sẽ rơi. Ngồi thiền cũng giống vậy".
Tràn đầy tự tin
Với danh nghĩa bình đẳng giới, Đức Pháp chủ Gyalwang Drukpa cũng khích lệ các ni cô học các kỹ năng vốn trước giờ là của nam giới, chẳng hạn như sửa ống nước, lắp đặt hệ thống điện, đánh máy, đạp xe và tiếng Anh.
Dưới sự chỉ đạo của Ngài, các ni sư được dạy để hướng dẫn các buổi tụng kinh và được trang bị những kỹ năng kinh doanh cơ bản - những công việc vốn dĩ thuộc phạm vi của tăng nhân - và họ điều hành nhà khách cùng quán nước của tu viện.
Các phụ nữ cấp tiến thậm chí còn lái những chiếc xe hai cầu xuống núi Druk Amitabha để đến Kathmandu nằm cách đó khoảng 30km để lấy vật dụng đồ dùng.
Biết võ khiến người phụ nữ cảm thấy an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và tự tin hơn
Với tâm tràn trề sự tự tin mới, các vị ni sư này đã bắt đầu vận dụng các kỹ năng và năng lượng này vào các công việc phát triển cộng đồng.
Khi Nepal xảy ra một trận động đất lớn hồi tháng Tư năm 2015, các ni cô không chỉ từ chối di tản đến nơi an toàn hơn mà còn lội bộ đến những ngôi làng lân cận để giúp dọn dẹp những đống đổ nát và dọn lối đi. Họ phân phát thực phẩm cho những người sống sót và giúp dựng lều để họ có nơi trú thân.
Có lần các ni cô - được chính Đức Pháp chủ dẫn đầu - đã đạp xe 2.200km từ Kathmandu đến Delhi để truyền bá thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay vì đi ô tô.
Và khi các ni cô đến thăm các khu vực dẫy đầy bạo lực như ở Kashmir, họ đã thuyết pháp về tầm quan trọng của sự đa dạng và lòng khoan dung.
Nhưng chiếm vị trí quan trọng nhất trong chương trình làm việc của các ni cô vẫn là thúc đẩy việc tạo sức mạnh cho nữ giới.
"Võ công giúp chúng tôi xây dựng được một sự tự tin để có thể chăm sóc cho bản thân mình và người khác vào những lúc cần thiết", Konchok giải thích.
Swati Jain
Nguồn : BBC, 25/03/2018