Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

2020 là năm thế giới vinh danh Beethoven nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh người dành 30 năm cuộc đời để có được bản Symphony số 9. Qua tác phẩm này, Ludwig van Beethoven (1770-1827) đã tiến hành nhiều cuộc cách mạng cùng một lúc : Ông phá cách, đưa một dàn hợp xướng vào thể loại nhạc giao hưởng, đồng thời biến tác phẩm này thành một bản tuyên ngôn vì một thế giới đại đồng, xóa bỏ giai cấp.

sympho1

Một cuộc biểu diễn trước lễ mừng sinh nhật 250 tuổi của Beethoven. Ảnh tại Bonn, Đức, ngày 13/12/2019. Reuters/Leon Kuegeler

Nhạc sĩ dương cầm François Frédéric Guy thổ lộ ông thật "hết ý" với Khúc Hoan Ca –Ode à la Joie (Ode an die Freude) trong bản Giao Hưởng Số 9 của Beethoven. Trong tác phẩm này, nhạc sĩ người Đức đã dùng một ngôn ngữ âm nhạc rất đơn giản – vừa dễ nghe, vừa dễ đàn, để đến gần với đại chúng, để thổi vào hồn người nghe tinh thần đấu tranh, tình yêu đồng loại, lý trí của những con người muốn được cùng nhau sống trong niềm hân hoan, tương ái. Chỉ cần nghe một vài nốt nhạc ấy cũng đủ để ta nở được nụ cười và cùng hướng đến một tập thể.

Beethoven là người mở đường cho cả một thế hệ các nhạc sĩ của trường phái lãng mạn, từ Schumann đến Chopin hay Liszt, Mendelssohn. Những bản giao hưởng của ông được xem là những tượng đài của âm nhạc thế giới. Trong số những đại tác phẩm ấy, bản Symphony số 9 được nhắc đến nhiều hơn cả bởi đấy chẳng những là di chúc ông để lại cho hậu thế, là tác phẩm khép lại sự nghiệp đồ sộ của Beethoven, mà nhạc phẩm ấy còn là "điểm đến cuối cùng" của thể loại Symphony như Richard Wagner, một cây đại thụ khác của nghệ thuật âm nhạc thế giới, từng nhận xét.

Không phải ngẫu nhiên mà bản thảo của Symphony số 9 được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cũng không phải tình cờ tác phẩm này là nguồn cảm hứng vô tận cho các thể loại nghệ thuật từ sân khấu đến văn chương, từ hội họa đến điện ảnh. Vì sao bản Giao Hưởng số 9 được cất lên khi bức tường Berlin sụp đổ và đã được chọn là nhạc hiệu của Liên Hiệp Châu Âu ?

Được cho mắt công chúng lần đầu tại thành Vienne, vương quốc Áo, năm 1824, bản Symphony số 9 đã khẳng định chỗ đứng riêng biệt trong khu vườn âm nhạc của nhân loại.

Về hình thức, tác phẩm này gồm bốn phần và có độ dài hơi quá khổ. Khác với những người đi trước, trong phần mở đầu, tác giả cố tình bắt chúng ta đợi chờ, để rồi mãi đến khuông nhạc thứ 16 ông mới từng bước hé lộ tâm tư. Đằng sau vẻ ban đầu tĩnh lặng là những băn khoăn sôi sục, là khát vọng dâng trào, là những xung đột nội tâm, là con đường dài của sự tranh đấu.

Nếu như thông thường, sau chương một sôi động thì ở phần thứ nhì luôn có nhịp điệu dịu dàng hơn, trầm lắng hơn. Nhưng ở đây Beethoven lại chọn vũ điệu Scherzo vừa dồn dập vừa vũ bão. Các nhạc cụ ở đây lao vào một màn rượt đuổi, mãnh liệt và đam mê.

Dù vậy tất cả mọi chú ý đều tập trung vào phần cuối bản Symphony số 9. Beethoven là người đầu tiên đưa dàn hợp xướng và bốn tiếng hát đơn vào thể loại giao hưởng. Chương bốn bản Symphony số 9 cũng có thể xem như một bản giao hưởng hoàn toàn độc lập.

sympho2

1792 là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Beethoven : ông từ bỏ hẳn Bonn đến định cư tại Vienne, theo lời mời của một nhạc sĩ bậc thầy đang ngự trị trên vương quốc Áo, là Joseph Haydn. Đấy cũng là thời điểm Beethoven bắt đầu tìm tòi để phổ nhạc bài thơ An die Freude hay còn được gọi là Ode An Die Freude – Khúc Hoan Ca thi sĩ Friedrich Schiller sáng tác năm 1785.

Bốn năm trước cuộc Cánh Mạng Pháp 1789, trong xã hội phong kiến của vương quốc Áo cuối thế kỷ 19, Schiller đã ngợi ca công bằng, bác ái, một xã hội mà người người bình đẳng không chỉ trước Phán Xét Cuối Cùng của Thượng Đế. Nhân loại bình đẳng dưới vòm trời của hạnh phúc và niềm hân hoan. Beethoven đồng cảm với khát vọng tự do, với lý tưởng về một thế giới đại đồng, nơi mà :

"Triệu triệu con người mở rộng vòng tay,

Là anh em một nhà"

Lời thơ của Schiller là ngọn đuốc dẫn đường, là tiếng chuông ngân vang suốt tuổi trẻ và cả cuộc đời của người nhạc sĩ. Đến nỗi trong 30 năm liền, Beethoven biến mỗi tác phẩm của ông như một cuộc thử nghiệm, như một viên đá lót đường để có được bản Giao Hưởng số 9.

Từ năm 1795 khi mới 25 tuổi Beethoven đã phác họa sơ cho một dàn đồng ca và piano. Tiết tấu đó được ông sử dụng lại trong một bản Fantaisie, sáng tác năm 1808. Mãi gần chục năm sau, vào quãng 1817, Beethoven mới thực sự phác họa sườn bản Symphony số 9. Ông chỉ giữ lại khoảng 1/3 lời thơ của Schiller để phổ nhạc, nhưng đã có chiếc đũa thần, để bài thơ của văn hào Đức Friedrich Schiller chắp ánh bay cao, để những dòng suối nhỏ cùng vươn ra biển lớn.

Bài thơ Ode à la Joie -Ode an die Freude của Friedrich Schiller và bản Giao Hưởng số 9 là một bản tuyên ngôn nhân quyền trước thời đại. Trong niềm hân hoan ấy, RFI Việt ngữ mời quý thính giả cùng bước vào một năm mới 2020.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 31/12/2019

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Văn hóa