Nửa thế kỷ trước, khi thấy tôi thắc mắc về nội dung của sự thông minh, thân phụ tôi không giúp tôi định nghĩa sự thông minh là gì, mà chỉ nhắc nhở tôi một câu : "Muốn đi tìm nội dung rồi định nghĩa để hiểu giá trị của sự thông minh thì cứ đi tìm, có khi dành cả đời để hiểu nó cũng không bỏ công, nhưng hình như người thật sự thông minh là kẻ tạo điều kiện cho người khác thông minh bằng mình !". Nửa thế kỷ sau ngay Paris, tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại Thư Viện Quốc Gia, với các đồng nghiệp nhiều chuyên ngành của khoa học xã hội và nhân văn, được trợ lực bởi các sư huynh của tôi trong các ngành đang được vinh danh như ngôn ngữ học, nhân học, xã hội học, tâm lý học… với sự trợ duyên của các sư phụ của tôi trong các ngành chủ đạo như chính trị học, sử học, triết học, văn học...
Ngày cuối là tổng kết hội thảo, lý gần tìm luận xa mà cũng là cơ duyên lành để tôi tái ngộ với câu chuyện về nội dung, định nghĩa, giá trị của sự thông minh, tôi đưa đẩy để các sư phụ cùng các sư huynh giúp tôi ra khỏi mê hồn trận về hằng số, hàm số và ẩn số của sự thông minh. Thì bạn tôi là triết gia F.Jullien, giờ đã là một ngân hà đặc sắc trên vòm trời triết học hiện đại với tri thức đặc thù của triết liên văn hóa, có phát biểu : "Sự thông minh phải được định vị và định hình bằng chính nội công và bản lĩnh trong chính hành tác hằng ngày của nó, cụ thể là nó đi thong thong, nó về ung dung, nó ngồi thoải mái, nó nằm thư thả với tất các sự thông minh đã được thừa nhận".
Đã hơn nửa thế kỷ, lời dặn dò của thân sinh, lời trần tình của một triết gia vừa là thân hữu, vừa là sư huynh đã hội tụ lại trong sự liên kết giữa cái tôi và tha nhân, mà chân trời của sự hội tụ này là : sự thông minh nếu là sự hiểu biết vừa sắc, vừa nhọn của một cá nhân, thì sẽ không có sự thông minh nếu không có tha nhân. Tha nhân vừa là mực thước, vừa là tầm vóc của sự thông minh, tha nhân mang cùng lúc hằng số, hàm số và ẩn số của sự thông minh, và chính tha nhân là đường đi nước bước để nhận diện rồi nhận dạng ra sự thông minh. Đây cũng là câu chuyện học thật qua trau dồi đèn sách, mà cũng là câu chuyện học lực của mài sắt nên kim trong cuộc đời học thuật, chính các thuật ngữ học thật-học lực-học lực giờ đã thành một phương trình cho học kiếp, để tách cái học thật ra khỏi cái học giả.
Những ai đã biến phương trình cho học kiếp là học thật-học lực-học thuật trở thành nhân sinh quan rồi thành thế giới quan cả vũ trụ quan của mình thì rất ngạc nhiên về thảm trạng của Việt tộc hiện nay với học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả đã sinh đôi ra hai quái thai là học vị giả và học hàm giả để sử dụng trong chuyện mua bằng bán cấp, để tận dụng trong chuyện mua chức bán quyền. Mà hiện nạn là sự hiểu biết vừa là bàn đạp, vừa là dàn nhún cho sự thông minh đã bị thanh trừng ngay trên thượng nguồn, để cho hậu nạn là sự thông minh bị thủ tiêu, bị bóp chết ngay trong trứng nước, dưới một chế độ độc đảng toàn trị đang chủ đạo để chủ trì ngu dân trị. Độc đảng mê muội trong độc tài nhưng bất tài trong tổ chức giáo dục bằng học thật-học lực-học thuật. Độc quyền nhưng hoạn quyền trong giáo dưỡng từ trau dồi đèn sách tới mài sắt nên kim vì học luyện. Độc đảng mê chấp trong độc trị nhưng hoàn toàn nhưng không biết quản trị tính liên kết giữa giáo dục-giáo khoa-giáo trình-giáo án trong học tập. Độc đảng mê hoại trong độc tôn nhưng không biết gì về tôn ti trật tự đã có sẵn trong bể học là học tập trong khiêm tốn, có học lực trong khiêm cẩn, bằng học thuật trong khiêm luận của "Người khôn chưa đẳn đã đo/ Chưa ra tới biển đã dò nông sâu".
Chúng ta có thể khởi hành đi tìm gốc, rễ, cội, nguồn của sự thông minh trong các văn tự của cổ triết, cổ văn, cổ sử của Hy Lạp từ Socrate tới Platon và nhiều thế hệ sau nữa, họ thường xuyên gởi sự thông minh vào lòng tin của họ nơi Thượng đế. Những kẻ khiếm não cổ súy cho duy vật biện chứng hay lý luận khiếm thức là học thuật tùy thuộc vào khoa học sao lại mang niềm tin nơi Thượng đế để mê tín hóa khoa học. Khi nghiên cứu toàn bộ từ cổ triết tới hiện triết, bằng những minh sư của triết học từ Pascal tới Kant, rồi từ Levinas tới Ricoeur… thì những triết gia này chính là những đứa con tin yêu của triết học đã nối kết siêu hình học vào lập luận của triết học, rồi họ mời ta đi trên một nhân lộ thông minh, nơi mà con người không hề cúi đầu tuân lệnh một cách vô điều kiện Thượng đế hay bất cứ một đấng quyền năng nào.
Ngược lại, các minh sư triết học này đã biết đặt Thượng đế vào lộ trình của nhân tri đi tìm sự thật, mà trên lộ trình này thì Thượng đế là một giả thuyết luận tuyệt vời, một phương trình toán tuyệt năng, một luận thức triết tuyệt đối. Augustin là một trong những tư tưởng gia mà triết học đã biết dựa vào để nhận diện ra tầm vóc của Thượng đế qua giả thuyết luận tuyệt vời-một phương trình toán tuyệt năng-một luận thức triết tuyệt đối, ông chỉ khuyên nhân sinh : "Hãy cứ tiến tới trên nhân lộ của chính mình, nếu nhân lộ này làm ra nhân tri, thì nhân lộ này chỉ xuất hiện với chính những bước chân của nhân sinh". Ai tin Thượng đế hơn Augustin ? Vậy mà ông xem câu chuyện đi tìm sự thông minh chính là câu chuyện của nhân sinh trên nhân lộ của nhân tri, chớ không hề là câu chuyện phải phục tùng bằng vô minh, rồi khuất phục bằng vô tri trước Thượng đế. Nhắc tới Thượng đế thì cũng nên nhắc tới Phật học, nơi mà Phật giáo ngay thượng nguồn là một minh triết trước nỗi khổ niềm đau của nhân sinh, không hề là tôn giáo với một Thượng đế đầy quyền năng biết sáng tạo ra sự sống. Cho nên thử thách của Phật học không hề là một niềm tin vô điều kiện về đấng quyền năng sáng tạo ra con người và cuộc sống, mà là sự tỉnh thức chính là nền, móng của sự hiểu biết chính là tường, mái của sự thông minh. Một sự tỉnh thức để thấy tức khắc thực tại, để thấu tức thì phương pháp giải thích mà tiếp nhận đúng lúc từ kiến thức tới tri thức, từ ý thức tới nhận thức, đây chính là sự thử thách của mọi cá nhân để nhận diện rồi nhận dạng ra sự thông minh.
Trong cuộc đời của một thi sĩ có ảnh hưởng vừa sâu, vừa rộng trong thi ca Pháp trong thế kỷ XX, đó là thi sĩ Char nơi mà thi tính tới từ bản lai diện mục của sự tỉnh thức, không có sự thông minh nếu không có sự tỉnh thức. Giữa thế chiến thứ hai, quê hương Pháp của ông đã bị Đức quốc xã chiếm đóng, một ngày kia bọn sát nhân Đức quốc xã mang một thanh niên của kháng chiến Pháp ra hành quyết trước dân làng, lấy bạo quyền giết người vừa để hù dọa, vừa cảnh cáo dân làng. Mà bọn Đức quốc xã này không biết là chúng đang bị bao vây bởi đội kháng chiến mà Char là đội trưởng. Và tất cả đồng đội chỉ chờ Char ra lệnh là họ sẽ nổ súng để cứu nguy rồi cứu sống người thanh niên đang đứng trước mũi súng của bọn Đức quốc xã. Char rơi nước mắt mà tâm sự với các đồng đội là : "Chúng ta sẽ không nổ súng cứu bạn thanh niên kháng chiến kia, anh ấy vừa là đồng đội, vừa là văn hữu của tôi, là người tôi vô cùng thương quý, nhưng chúng ta sẽ không nổ súng để cứu bạn. Vì nếu chúng ta nổ súng để diệt bọn Đức quốc xã này thì chúng sẽ trở lại đông hơn, nhiều hơn để tàn sát cả làng này, lúc đó chúng ta không chỉ mất một sinh mạng, mà hằng trăm sinh mạng !". Trong nguy nan, sự tỉnh thức xuất hiện để đánh thức cho bằng được sự thông minh để cân, đo, đong, đếm tới nơi tới chốn các hậu quả, các hậu nạn.
Triết gia làm cầu nối giữa hiện tượng luận và triết học là Merleau-Ponti ông luôn xem để xét sự thông minh ngay trong chính quan hệ giữa nhân sinh, ngay trong chính tương quan giữa nhân gian, ngay trong chính tương tác giữa nhân thế. Ông chỉ kể một chuyện rất gọn để làm rõ phương trình quan hệ-tương quan-tương tác giữa người với người, dù là người này xa lạ với người kia, câu chuyện người cũng chính là câu chuyện đời. Ông không phải là triết gia trong tháp ngà, ngồi nhà viết sách, mà phương châm đi một ngày đàng học một sàng khôn chính là đường đi nẻo về của triết lộ mà ông hành tác cả đời, ông kể với các môn sinh : "Một ngày kia tôi lạc giữa một sa mạc mênh mông tại Phi châu, tôi tìm mãi mới ra một nơi có bóng mát để nghỉ chân và nghỉ mệt, thì có một người phụ nữ đi từ xa tới, tới gần tôi thì tôi thấy một nụ cười thân thiện nở trên khuôn mặt của người hoàn toàn xa lạ này. Nếu hai kẻ không biết nhau, nhưng nụ cười xuất hiện thì mọi sự xa lạ của hai kẻ xa lạ đã được xóa đi. Dù chưa hề quen nhau, nhưng nụ cười đã vượt lên mọi cách biệt về văn hóa, về quan hệ, làm mọi khoảng cách tự tan biến đi để sự ân cần xuất hiện". Tha nhân đã xuất hiện để tiếp rồi đón ta trong những hoạn nạn, sự thông minh ân cần là sự hiểu biết cso thể cứu được người trong hoạn nạn.
Người khôn hoặc kẻ thật sự thông minh thì phải thấy cho thấu là nụ cười đã mở đường đưa lối để ta nhận ra sự ân cần, nếu hiểu được sự ân cần thì sẽ hiểu tính đoàn kết trong nhân đạo, tính tương trợ trong nhân từ. Nhưng kẻ tự cho mình là thông minh lấy trục lợi để vụ lợi, lấy quyền lợi làm tư lợi, những kẻ đó chúng ta không biết rằng họ thật sự có thông minh hay không, nhưng chúng ta thấy họ đang làm cho chúng ta lợm giọng tới buồn nôn. Đó là đám lãnh đạo với bầy sâu của chúng chung quanh Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, chúng tham quyền vì đặc quyền, chúng lạm quyền để tạo đặc lợi, chúng cuồng quyền để giữ đặc ân. Đám sâu này, chúng không biết sự ân cần với tha nhân, tính đoàn kết với đồng loại, tính tương trợ với đồng bào. Chắc chắn đây không phải là sự thông minh mà chỉ là tà tính trong tà kiếp, tổ tiên Việt đã dặn dò con cháu Việt hãy cẩn thận : khôn quá hóa dại. Đám lãnh đạo với bầy sâu của chúng chung quanh Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đã ngu dại hóa sự thông minh, khi chúng đã điếm nhục hóa giáo lý tương thân tương trợ của Việt tộc.
Trong ngôn ngữ học lẫn trong phê bình văn học, người đọc còn nhớ Barthes đã chế tác ra các mỹ luận để thấy cho thấu mỹ quan, mỹ thuật, mỹ học, nơi mà sự thông minh đã biết làm rõ, làm sáng cái đẹp. Nhưng Barthes là một minh sư có những luận thuyết mà con người phải dùng sự tinh tế để nhận diện ra sự thông minh, ông dặn các môn sinh : "Cái lịch sự trong giao tế với tha nhân còn thông minh hơn cả sự thông minh !". Cái lịch sự làm nên cái lịch thiệp của người được giáo dục tử tế, được giáo dưỡng đàng hoàng, đây chính là cái lịch lãm của từ tốn trong giao tiếp, của khiêm tốn trong quan hệ. Nơi đây sự khoe khoang về cái tôi không hề có chỗ đứng, ghế ngồi khi chúng ta chào đón rồi tiếp đãi tha nhân. Cái biết nghiêng mình chào khách nó thông minh hơn nhiều lần cái tôi vỗ ngực ta đây, khi ta nghiêng mình chào tha nhân tức là ta đang gạt đi cái thông minh của riêng ta qua một bên, để sẵn sàng tiếp nhận cái thông minh của tha nhân sẽ làm giàu nhân sinh quan của ta. Khi ta hiếu khách vì trọng khách tức là ta đang phong phú hóa thế giới quan của ta. Khi ta quý khách vì nể khách tức là ta đang đa tri hóa vũ quan của ta. Vì nội lực làm nên bản lĩnh của sự thông minh luôn đa nguyên, chỉ có đa nguyên mới sinh ra được : đa tri, đa trí, đa tài, đa năng, đa hiệu…
Triết gia đi đầu trong việc lập cầu nối giữa hiện tượng luận và triết học đạo đức là Levinas, thầy đã tạo dựng ra một hệ thống triết học mới dựa hoàn toàn vào tha nhân để nhân ra cá thể, nơi mà nhân diện và nhân dạng của tha nhân biết làm nên nhân cách của chúng ta. Nơi đây sự xuất hiện của tha nhân làm thay đổi nhân sinh quan của ta, sự hiện diện của tha nhân làm chuyển đổi thế giới quan của ta, sự biểu hiện của tha nhân làm biến đổi vũ trụ quan của ta, thầy đúc kết gọn trong một thuật ngữ : "Nỗi lo của mỗi chúng ta tới tự khuôn mặt của tha nhân". Vì tha nhân báo hiệu cho chúng ta biết giữa nhân sinh cái ác đã xuất hiện với bạo quyền. Tha nhân báo tin cho chúng ta biết giữa nhân gian thì cái gian đang hoành hành ; tha nhân báo động cho chúng ta biết giữa nhân thế thì cái tà đang điếm ngự nhân tính. Đây là thử thách về sự thông minh cho mỗi công dân Việt hiện nay trước thảm cảnh : bạo quyền công an trị đang bám, quấn, siết nhân kiếp Việt tộc ; tà quyền tham nhũng trị đang chui, luồn, lách vào hơi thở giống nòi ; ma quyền tham tiền trị đang nạo, vét, vơ tài nguyên, thiên nhiên, đất nước của tổ tiên ; quỷ quyền ngu dân trị xóa mắt, lấp tai, chặn lời đồng bào ; xảo quyền tuyên truyền trị ác giọng, độc lưỡi, điếm môi tiếng Việt ; cực quyền tội ác trị truy cho cùng, triệt cho tận nhân nghĩa Việt ; cuồng quyền thanh trừng trị thanh toán để thủ tiêu nhân đạo Việt.
Triết gia biết nghi ngờ các cấu trúc làm nên các cơ chế lúc nào cũng có sẵn, mà cũng triết gia này đã từ chối các cuộc cách mạng sắc máu để đập đổ các cơ chế đã có sẵn này, đó là Derrida. Thầy yêu cầu chúng ta hãy dành ưu tiên cho sự tỉnh táo được song hành cùng sự sáng suốt rồi đặt cả hai vào tính trỗi dậy, lực bật dậy của sự thông minh. Thầy cặn dặn các môn sinh là : "Khi một chế độ, một cơ chế đã vạch đường chỉ lối cho ta đi theo ý muốn, ý định, tức là ý đồ của nó, thì ta hãy vận dụng sự thông minh của mình để thoát ra ngoài, đi khác, đi xa, thậm chí đi lạc ngay ý đồ của nó". Đây chính hành tác ưu tiên để hiểu chủ thuyết tháo gở mọi cấu trúc có sẵn (déconstruction) của thầy, từ đây ta hãy xem để xét lại định nghĩa về sự thông minh chính là sự thông thái biết tháo gở các mắc xích đang lao lý hóa tri thức của chúng ta. Nếu cần thì ta còn phải biết chặt xiềng để hóa giải mà vất đi mọi khung khuôn đang là nhà tù vô hình của bạo quyền, tà quyền, quỷ quyền, ma quyền đã vây bủa nhân kiếp của chúng ta.
Tư tưởng gia đi lại thoải mái từ ngôn ngữ học tới văn học, từ triết học tới sử học là Steiner, với tháng rộng năm dài từ tế kỷ XX qua tới thế kỷ XXI này, thầy yêu cầu chúng ta nhận ra sự thông minh có ngay trong các hệ thống tư tưởng. Nơi mà con người khác con vật nhờ chính tư duy bằng tư tưởng, thầy còn mang chuyện này ra "cá độ" với các môn sinh về tính tương quan giữa sự thông minh và các hệ thống tư tưởng : "Nếu người ta biết là hệ thống tư tưởng này có tuổi thọ dài hơn, lâu hơn hệ thống tư tưởng kia, thì chúng ta chỉ cần nghiên cứu một chỉ báo duy nhất của học thuật là các hệ thống tư tưởng mà có tuổi thọ cao là các hệ thống tư tưởng có chỗ đứng, ghế ngồi dài lâu trong âm nhạc, trong hội họa, trong thi ca". Chính âm nhạc, hội họa, thi ca là thành lũy để bảo vệ cái đẹp để định vị mỹ quan, định hình mỹ thuật, định dạng mỹ học, đây chính là bí quyết của sự thông minh có mặt trong các hệ thống tư tưởng có tuổi thọ cao, luôn biết gần những cái hay, đẹp, tốt, lành ; cùng lúc xa lánh những cái xầu, tồi, tục, dở.
Nhà xã hội học luôn đi tìm khoa học luận của khoa học xã hội bằng sự thật của điều tra thực địa, bằng chân lý của hiện thực ngay trong điền dã là Passeron, từ năm này sang tháng nọ thầy luôn dặn các môn sinh rằng : "Sự thông minh cũng như mọi chuyện trên đời này đều có gốc, rễ, cội, nguồn nằm ngay trong ẩn số của trình độ !". Đây là câu chuyện càng học càng thấy thiếu, càng học càng thấy bể học vô biên, mà cũng là câu chuyện nồi nào úp vung nấy. Đây lại là câu chuyện về sự thật là trái đất tròn xoay quanh mặt trời, lại biết tự xoay của Gallilé. Vì đây cũng là trình độ của chân lý khoa học, mặc dù nó hoàn toàn trái ngược lại với mê thức đương thời của giáo hội thủa sinh thời của Gallilé. Thủa đó trình độ giáo hội chỉ tới mức trái đất phải phẳng, con người mới đứng được, mới đi được trên đất, nơi mà trực diện đã nhốt tù trực quan. Nói gần nói xa không qua nói thật là trình độ trái đất của Gallilé đã đi trên lưng, trên vai, trên đầu trình độ mặt đất của giáo hội. Cho nên ẩn số của trình độ giờ đã là hằng số cho mọi định nghĩa về sự thông minh, vì trong thực tế, luôn có sự thông minh này cao, sâu, xa, rộng hơn sự thông minh kia. Chỉ vì có kiến thức này cao hơn kiến thức kia, chỉ vì có tri thức này sâu hơn tri thức kia, chỉ vì có ý thức này xa hơn ý thức kia, chỉ vì có nhận thức này rộng hơn nhận thức kia. Sự thông minh cõng trình độ của kiến thức, nó bồng luôn cường độ của tri thức, nó bế luôn mật độ của trí thức. Tại đây Việt tộc phải thấy các hiểm họa để thấu các hiểm nạn ngay trên nhân kiếp của mình đã và đang nằm trọn trong tay của bạo quyền độc đảng toàn trị, độc tài trong vô minh, độc quyền trong vô tri, độc trị trong vô thức, độc tôn trong vô học.
Người làm tươi tỉnh chính trị học hiện đại bằng chủ thuyết dân chủ biết sinh ra đa nguyên để bảo vệ cho bằng được nhân quyền là Gauchet, thầy luôn dặn dò các môn sinh là : "Hành động dân chủ chính là hành tác của nhân quyền, các chế độ dân chủ không có phản xạ giết dân như các chế độ độc tài quân phiệt, hay độc đảng toàn trị, vì các chế độ dân chủ được dân bầu ra. Hãy thấy sự thông minh ngay trong cơ chế dân chủ, vì tại đây dân chủ là dân được chọn lựa, dân được đề nghị, dân được quyết định, dân được hành động như chủ thể trong không gian và thời gian của định kỳ qua bầu cử để giới hạn nhiệm kỳ của chính quyền. Chính trị học về dân chủ phải trở thành nhân học dân chủ lấy nhân tri mà phục vụ cho nhân quyền, tại đây sự thông minh đã có mặt trong nhân loại bằng nhân trí biết bảo vệ nhân vị !". Thầy dùng nhiều thời gian giáo khoa để dặn các môn sinh của thầy rằng dân chủ, đa nguyên, nhân quyền chính là cuộc cách mạng chân chính nhất, vì nó tới từ sự thông minh rất trong sạch của nhân loại.
Kẻ vận dụng triết học để đi tìm bốn sự thật trong nhân sinh là Badiou đã nhận ra không phải chỉ có một sự thông minh mà ít nhất là bốn sự thông minh luôn là bạn đồng hành với bốn sự thật : sự thật trong chính trị làm nên thể chế, sự thật trong nghệ thuật biết định hình cái đẹp, sự thật trong tình yêu biết cảm nhận sự dấn thân, sự thật trong tình bạn biết chấp nhận thử thách trong thăng trầm. Có khi ông còn nói to rồi hét lớn là : "Còn một sự thật thứ năm mà con người không được quên là không phải nơi nào có áp bức là nơi đó có sự nổi dậy để đòi hỏi công bằng, gào gọi công lý ; nhưng nơi nào có sự nổi dậy để đòi hỏi công bằng, thét gọi công lý thì chắc chắn nơi đó đã có bất công". Đây chính là thử thách về nhận thức của Việt tộc, khi ta tự đặt câu hỏi Việt tộc có phải là một minh tộc hay không ? Người Việt có thật là thông minh hay không khi bạo quyền độc đảng toàn trị đang biến dân lành thành dân đen, dân hiền thành dân oan, chúng làm giàu qua chuyện phá nhà để cướp đất của dân. Chưa hết, đám lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam còn chế ra tà lộ xuất khẩu lao động, để trai thì làm lao nô, gái thì làm nô tỳ cho các nước láng giềng, để chúng vơ vét nhiều tiền của hơn. Vẫn chưa xong, chúng còn nạo vét hết tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, cơ đồ của tổ tiên Việt đã gìn giữ cho con cháu Việt. Đây không phải là áp bức giờ đã thành áp chế hay sao ? Đây không phải là bất công giờ đã thành bất nhân hay sao ?
Triết gia của triết học đạo đức nơi mà chữ tốt sẽ đưa đường dẫn lối cho chữ thông lẫn chữ minh, đó là thầy Ricoeur, các môn sinh học được đức độ của thầy không những ngay trong nhân cách của thầy, mà còn học được đạo lý làm nên nhân lý ngay trong nhân tính có sẵn trong mỗi chúng ta. Thầy tâm sự với các môn sinh : "Các bạn nên nhớ chữ tốt không phải chỉ là một tỉnh từ suông, mà chữ tốt này là nội hàm của mọi định nghĩa về sự thông minh làm nên nội lực của hành động thông minh. Vì khi chúng ta chấp nhận sống chung với nhau trong tập thể, trong cộng đồng, trong xã hội thì chữ tốt này vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi của sự thông minh có trong mỗi cá nhân. sự thông minh luôn muốn có các quan hệ tốt trong một chế độ tốt biết làm nên một xã hội tốt tới từ một hệ thống giáo dục tốt…". Đây cũng chính là đòi hỏi bức thiết về sự thông minh của Việt tộc, vì Đảng cộng sản Việt Nam đã cướp chính quyền và nắm chính quyền gần một thế kỷ qua mà dân tộc này không hề có quan hệ tốt trong một chế độ tốt biết làm nên một xã hội tốt tới từ một hệ thống giáo dục tốt !
Họa nạn của chế độ độc đảng toàn trị, cha sinh mẹ đẻ của ngu dân trị là đây, vì ngay trên thựơng nguồn từ các lãnh tụ thủa trước tới các lãnh đạo thủa này của Đảng cộng sản Việt Nam là cả một hoạn kịch của vô minh, vô tri, vô tuệ tới từ vô học, mà nhân gian chỉ mặt gọi tên là : mất dạy ! mà Việt tộc thấy rõ trong tuyên truyền trị ngày ngày nuôi dưỡng ngu dân trị, vì cả hai hành động để diệt sự hiểu biết, triệt sự thông minh của Việt tộc. Các lãnh tụ thủa trước tới các lãnh đạo thủa này của Đảng cộng sản Việt Nam luôn bóp chết sự hiểu biết trong sơ sinh để truy cùng diệt tận sự thông minh khi chưa là trứng nước. Hoạn kịch của Đảng cộng sản Việt Nam đã làm nên họa kịch rồi thảm kịch của Việt tộc ngày nay là từ dân tộc tới giống nòi đang phải nhận lãnh một tà sách mất dạy hóa do Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương và chủ trì. Các lãnh tụ thủa trước tới lãnh đạo thủa này của Đảng cộng sản Việt Nam là những tội đồ của Việt tộc, mà một trong những tội sâu xa nhất chưa được khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu tới nơi tới chốn là những tội đồ này đã giết sạch, giết gọn, giết trọn sự thông minh của Việt tộc.
Lời quê chắp nhặt dông dài trong mô thức của cụ Tiên Điền Nguyễn Du buộc tôi phải đi tới định nghĩa về sự thông minh ân cần cho riêng tôi : đó là sự thông minh luôn có tha nhân đứng chỗ trung tâm trong cuộc sống của mỗi chúng ta ! Tha nhân trao cho ta từ kiến thức tới tri thức, từ ý thức tới nhận thức. Từ khi xã hội học ra đời thì chuyên ngành này đã biết khẳng định rằng một cá nhân khi sinh ra dù thông minh tới đâu khi phải sống tách biệt với tha nhân, không đồng loại, chẳng đồng bào, thì ngay như một kiến thức sơ đẳng nhất là con người phải chết, thì cá nhân này cũng không biết ! Có thấy tha nhân chết trước mắt mình đâu mà biết là cái chết là chuyện có thật.
Sự thông minh ân cần là chính sung lực mở đường cho ta tới gặp để đón tha nhân, để tiếp đồng loại. Hãy biến sơ ngộ với tha nhân thành tao ngộ qua kiến thức. Hãy biến tao ngộ với tha nhân thành tái ngộ bằng tri thức. Hãy biến tái ngộ với tha nhân luôn hạnh ngộ biết nuôi dưỡng nhận thức. Ân cần với tha nhân từ đoàn kết tới tương trợ, để thấy cho thấu nỗi khổ của đồng bào, niềm đau của đồng loại ; ngược lại những kẻ nhìn mà không thấy, thấy mà không thấu, thì những kẻ này đừng tự vỗ ngực là họ thông minh !
Lê Hữu Khóa
(14/01/2021)
---------------------
- Giáo sư Đại học Lille
- Giám đốc Anthropol-Asie
- Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á
- Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc
- Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris
- Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á
- Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.