BRI : Công cụ tạo ảnh hưởng của Trung Quốc
Tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, rồi lần lượt nắm giữ các chức vụ Chủ tịch nước, và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương trong năm tiếp theo, chính thức xác lập vị thế quyền lực tuyệt đối.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Nhac Nguyen - AFP
Ngay sau khi trở thành Tổng bí thư và trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, ông Tập đã đưa ra khẩu hiệu Giấc Mộng Trung Hoa với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc nhiều tham vọng với sức ảnh hưởng toàn cầu.
Nhằm hiện thực hóa tham vọng đó, tháng 11/2014, người đứng đầu Trung Quốc đã chính thức đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI) tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.
BRI là một mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng giao thông rộng khắp, nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi.
Sau khi BRI được công bố, nguồn tiền của Trung Quốc bắt đầu được đổ ồ ạt vào nhiều nước với mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua những dự án mà họ thực hiện. Các quốc gia Châu Á được xem là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tham vọng này của họ Tập.
Lào rơi vào bẫy nợ Trung Quốc
Lào chứ không phải Việt Nam mới là quốc gia đầu tiên sở hữu đường sắt tốc độ cao hiện đại ở Đông Dương.
Hôm 15/8/2023, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã tổ chức một buổi hội luận trực tuyến bàn về hai dự án đường sắt, gồm tuyến Vientiane – Boten (nối Lào với Trung Quốc) và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Việt Nam.
Cả hai đều được thực hiện bằng vốn vay của Trung Quốc.
Tại cuộc hội thảo, Tiến sĩ Nick Freeman cho biết, tuyến đường sắt Vientiane – Boten được khánh thành vào tháng 12/2021, có kinh phí 6 tỷ USD, tương đương với một phần ba tổng thu nhập quốc dân của Lào.
Cơ quan vận hành tuyến đường là một liên doanh với 70% sở hữu của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (China Railway Group) và 30% sở hữu của Công ty Đường sắt quốc doanh Lào.
Tuyến đường này được coi là một biểu tượng của sự hiện đại đối với Lào và là biểu tượng cho hiệu quả của Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Ngoài tuyến đường sắt này, còn một số dự án đập thủy điện trên sông Mekong, cũng do Trung Quốc tài trợ, được triển khai trên đất Lào.
Hôm 19/7/2022, một bài viết có tựa đề "Đầu tư của Trung Quốc vào Lào đã vượt Mỹ ở mức 16 tỷ USD" đăng tải trên tờ ASIA News cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư vào 833 dự án ở Lào với tổng trị giá lên đến 16 tỷ USD.
Tất cả các dự án đều xoay quanh các lĩnh vực đường sắt ; cơ sở hạ tầng và những dự án về khai thác khoáng sản ; các đặc khu kinh tế và khu đô thị quy mô lớn có biên giới giáp với Trung Quốc, trong khuôn khổ của kế hoạch BRI. Trước đó, trong năm tài khóa 2017-2018, gần 80% nguồn vốn FDI của Lào có xuất xứ từ Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ công của Lào là 13,8 tỷ USD, lớn gấp hai lần tổng thu nhập quốc dân của quốc gia này. Trong đó, những khoản vay của Trung Quốc lên đến 10,5 tỷ USD.
Cứ thế, Lào rơi vào bẫy nợ Trung Quốc giăng ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Bounnhang Vorachith (trái) trong cuộc gặp tỉnh Chiết Giang vào ngày 2/9/2016. AFP
Ý đồ của Trung Quốc ở Lào được thể hiện rõ vào tháng 9/2020, khi báo giới loan tải tin tức về việc quốc gia Đông Nam Á đã phải nhượng quyền điều hành công ty điện lực quốc gia cho Trung Quốc, chính thức cho phép Trung Quốc kiểm soát an ninh năng lượng của Lào.
Đối diện với gánh nợ khổng lồ, Lào đã phải cầu cứu Việt Nam. Trong chuyến công du Việt Nam vào tháng 7/2022, Bộ trưởng Tài chính Lào đã đề nghị Việt Nam cử chuyên gia sang giúp Lào tháo gỡ những khó khăn về tài chính và tiền tệ.
Ngoài Lào, một quốc gia Nam Á khác là Sri Lanka cũng đã từng lâm vào bẫy nợ của Trung Quốc, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và chính trị vào năm 2022, khi Bắc Kinh phớt lờ lời kêu gọi gia hạn trả nợ từ chính phủ Colombo. Các con số thống kê cho thấy Sri Lanka nợ Trung Quốc 7 tỷ USD từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cũng như Lào, Sri Lanka đã phải gán nợ cho Trung Quốc, lần này là một cảng biển vào năm 2018.
Campuchia rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc
"Nếu không trông cậy vào Trung Quốc, thử hỏi chúng tôi có thể trông cậy vào ai ?", Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 26 do Nikkei Asia tổ chức vào tháng 5/2021.
Với vị thế địa lý mang tính chiến lược, Campuchia đã sớm rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Nước này đã nhận được số tiền tài trợ lên đến hàng tỷ đô la từ Trung Quốc cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong những năm qua.
Từ đường cao tốc, sân bay, cho đến cảng biển, các dự án do Trung Quốc tài trợ xuất hiện khắp nơi ở xứ sở Chùa Tháp.
Trong đại dịch Covid-19, Campuchia là một trong những nước nhận được nhiều trợ giúp nhất từ Trung Quốc, từ vắc-xin cho đến vật tư y tế.
Tính đến đầu năm 2023, nợ công của Cambodia là hơn 10 tỷ USD, trong đó, nợ từ Trung Quốc chiếm gần bốn tỷ USD. Các khoản nợ mà Campuchia vay từ Trung Quốc còn thể hiện được tầm quan trọng và mức độ tác động của Trung Quốc đối với nền kinh tế Campuchia.
Từ phụ thuộc kinh tế, chính quyền ở Phnom Penh đã dần dần trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc ở những lĩnh vực khác, trong đó có đối ngoại.
Giới nghiên cứu ngoại giao Đông Nam Á vẫn đồng ý rằng sự kiện Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45, tổ chức ở Phnom Penh năm 2012, là dấu mốc cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc lên chính sách đối ngoại của Cambodia.
Trong sự kiện này, các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN đã không thể đưa ra được một thông cáo chung cho toàn khối do các vướng mắc trong ngôn từ về vấn đề Biển Đông, Campuchia với từ cách nước chủ nhà là thủ phạm đằng sau.
Lên tiếng với Reuters ngay sau đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, khi ông bắt đầu nêu ra vấn đề nhạy cảm về Biển Đông tại hội nghị thì micro của ông bị mất tiếng. Ông Albert del Rosario ám chỉ rằng, Campuchia đã bị Trung Quốc không chế nhằm loại bỏ chủ đề này khỏi chương trình nghị sự.
Không dừng lại ở việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, Campuchia còn cho phép sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại nước này.
33333333333333333333333333
Tàu hải quân Trung Quốc đã bị phát hiện neo đậu ở căn cứ hải quân Ream thường xuyên
Căn cứ hải quân Ream nằm ở phía nam Campuchia đã trở thành tâm điểm của giới ngoại giao-quân sự thế giới, khi tin tức về việc Campuchia cho Trung Quốc sử dụng căn cứ này bị rò rỉ vào năm 2019. Kể từ đó, tàu hải quân Trung Quốc đã bị phát hiện neo đậu ở đây thường xuyên. Dấy lên lo ngại về viễn cảnh Campuchia trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở khu vực Vịnh Thái Lan.
Thách thức nào cho Việt Nam
Lào và Campuchia là hai đồng minh truyền thống của Việt Nam. Trong bối cảnh hai nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị, đã tạo ra nguy cơ xói mòn trong mối quan hệ của ba nước.
Dấu hiệu rạn nứt đầu tiên xảy ra vào tháng 9/2024, khi Campuchia đơn phương tuyên bố rút khỏi Tam giác phát triển Cambodia-Lào-Việt Nam. Một sáng kiến kinh tế có từ năm 1999, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế của 13 tỉnh biên giới ở khu vực giáp danh giữa ba nước.
Hun Manet, tân Thủ tướng Campuchia và là con trai cả của cựu Thủ tướng Hun Sen, đã chọn đi thăm Trung Quốc trước Việt Nam, sau khi lên nhận chức.
Từ là nước được cho là "anh cả", Việt Nam giờ đây đang đối diện nguy cơ mất đi ảnh hưởng ở Lào và Campuchia.
Đứng trước nguy cơ này, một cuộc tranh luận đã nổi lên trong giới học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế, về sự cần thiết của việc xoay trục trong chính sách quốc phòng của Việt Nam, từ hướng biển sang hướng lục địa.
Viết trên tờ The Diplomat vào năm 2022, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Vũ Xuân Khang, cho rằng Việt Nam cần phải hướng sự chú ý vào hướng tây (biên giới với Campuchia và Lào) để đảm bảo "sự tồn vong".
Cạnh tranh với Trung Quốc là một thử thách mà Việt Nam đơn giản là không thể thực hiện, nếu đọ về sức mạnh tài chính. Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán có quy mô hơn 18 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2024, trong khi đó, con số của Việt Nam khiếm tốn hơn rất nhiều, ở mức 468 tỷ USD.
Mới đây dự án đường sắt nối thủ đô Vientiane của Lào với Vũng Áng của Việt Nam đã bị trì hoãn do thiếu vốn. Ngoài ra, một dự án xây dựng đường cao tốc nối thủ đô của hai nước cũng không thể thực hiện vì cùng lý do.
Có thể thấy, với Sáng kiến Vành đai - Con đường, Trung Quốc đã dùng sức mạnh kim tiền hòng kiềm tỏa các nước trong khu vực về mặt kinh tế, và sau đó là chính sách ngoại giao, và chính trị, sao cho có lợi nhất cho Bắc Kinh.
Và thách thức đặt ra cho Việt Nam là vô cùng to lớn.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 25/10/2024
Chỉ các biện pháp kích thích kinh tế là chưa đủ nếu mức chi tiêu hộ gia đình vẫn không tăng.
Tiêu điểm tuần này : Trung Quốc công bố thêm các gói kích thích kinh tế mới nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc vực dậy niềm tin của người tiêu dùng ; Vườn thú Quốc gia Washington chào đón cặp gấu trúc mới được Bắc Kinh "cho mượn" ; Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan gây xôn xao trên mạng.
Một người đi ngang qua các biển quảng cáo bên ngoài công trường xây dựng tòa tháp văn phòng mới tại Khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh vào ngày 15 tháng 10. Kevin Frayer/Getty Images
Bắc Kinh công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế
Các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế hồi cuối tuần qua, hứa hẹn – dù với những thông tin khá mơ hồ – rằng sẽ triển khai thêm nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các chính quyền địa phương đang chìm trong nợ nần và giúp họ mua lại đất đai cũng như tài sản từ các nhà phát triển dự án giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Tin tức về các gói kích thích mới không có nhiều tác động giúp thúc đẩy thị trường, dù thông điệp chính thức cho rằng chính phủ trung ương đang rất tự tin và kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, một bài viết của báo Caixin được công bố rộng rãi với nội dung cho rằng Bắc Kinh có thể phát hành 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 850 tỷ USD) trái phiếu trong ba năm tới đã thổi bùng niềm tin cho các nhà đầu tư. Thông tin này đủ để Goldman Sachs điều chỉnh tăng dự báo về mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay lên một chút – mặc dù ngân hàng đầu tư này vẫn dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang hy vọng vào các biện pháp kích thích có quy mô tương tự như những gì chính phủ Trung Quốc đã thực hiện từ năm 2008 đến 2009, trong đó chính phủ hứa hẹn một khoản đầu tư mỗi năm lên đến 586 tỉ USD, tương đương khoảng 7% GDP Trung Quốc. Ngày nay, khoản này sẽ tương đương 1,2 nghìn tỷ USD/ năm. Dù khả thi, nhưng sẽ rất khó để một người không ưa thích chính sách phúc lợi như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận sự cấp thiết của chính sách này.
Nhưng ngay cả khi gói kích thích trên có được áp dụng đi chăng nữa, chỉ mỗi các biện pháp kích thích kinh tế thôi vẫn là chưa đủ. Khi nhu cầu tín dụng đang sụt giảm, Trung Quốc cần tăng mức chi tiêu hộ gia đình nhiều hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Mặc dù tiêu dùng của Trung Quốc tăng khoảng 8% mỗi năm cho đến năm 2022, nhưng so với ngưỡng tiêu chuẩn toàn cầu thì vẫn còn thấp. Một số ước tính về mức tiêu dùng hộ gia đình Trung Quốc ngay cả khi cao hơn thực tế thì con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là mức 63% GDP. Hiện nay, mặc dù chính phủ đã kêu gọi chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng, nhưng tăng trưởng hầu như vẫn không đáng kể.
Vào năm 2008, chỉ có các công ty nước ngoài ở Bắc Kinh mới cảm nhận rõ tác động tức thì của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nên họ nhanh chóng cắt giảm chi tiêu. Phần đông công chúng Trung Quốc hầu như không nhận thấy được điều này ở trong nước – và tại sao họ phải lo lắng ? Tăng trưởng GPD của Trung Quốc năm đó là 9,6%, tuy giảm nhưng nếu so với GDP năm trước đó là 13%, mức đó vẫn tính là tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia kinh tế làm việc cho chính phủ hết sức lo lắng – dẫn đến quyết định tung ra các gói kích thích quy mô lớn – nhưng công chúng thì không mấy bận tâm.
Thời điểm đó, Bắc Kinh chỉ cần giữ cho "bữa tiệc kinh tế" tiếp tục sôi động. Nhưng bây giờ "đã 3 giờ sáng, tiệc tan", mọi người rút êm. Những con số về niềm tin tiêu dùng đang tiết lộ nhiều điều. Giống như nhiều cuộc thăm dò khác ở Trung Quốc, xu hướng của dữ liệu quan trọng hơn con số tuyệt đối, do tỷ lệ người tham gia không phản hồi và áp lực để đưa ra câu trả lời tích cực. Nhưng vào năm 2008, niềm tin tiêu dùng giảm 12 điểm. Đến tháng 4 năm 2022, khi lệnh phong tỏa Covid-19 ở Thượng Hải bắt đầu, niềm tin tiêu dùng giảm 45 điểm.
Niềm tin tiêu dùng vẫn ở quanh mức cũ kể từ đó đến nay. Điều này phản ánh sự kết hợp lạ lùng giữa cảm xúc chính trị và hiện thực vật chất (material reality) trong môi trường kinh tế Trung Quốc, và phản ánh lý do tại sao chính phủ có thể gặp khó khăn trong việc khôi phục niềm tin tiêu dùng, bất kể chính phủ có ném bao nhiêu tiền vào vấn đề này.
Vào đầu năm 2022, niềm tin tiêu dùng ở Trung Quốc đang ở mức cao mặc dù gặp nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,2%, và khoản hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các hộ gia đình thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây, nhưng người dân vẫn giữ niềm tin vào tương lai. Công chúng tin rằng, Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch trong khi phần còn lại của thế giới lại thất bại.
Các lệnh phong tỏa liên tục trong năm đó, cùng với việc từ bỏ chính sách zero-Covid và làn sóng tử vong kéo theo sau đã gây ra một sự vỡ mộng vẫn còn đọng lại cho đến giờ. Dù khó có thể hỏi trực tiếp người dân về niềm tin của họ vào ông Tập và sự lãnh đạo của Đảng, song có vẻ như niềm tin này đã giảm sút cùng với niềm tin tiêu dùng. (Một dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi về một tương lai thịnh vượng là tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc đã giảm từ 1,5 con/phụ nữ vào năm 2019 xuống chỉ còn 1,0 con/phụ nữ vào năm 2023.
Chỉ tiền bạc thôi không giải quyết được vấn đề ; có lẽ một sự thay đổi trong lãnh đạo chính trị mới đem lại giải pháp.
Chủ đề đang được quan tâm
Gấu trúc quay trở lại Washington. Sự dần hồi phục của quan hệ Mỹ – Trung về trạng thái "bán bình thường" đã đưa những chú gấu trúc quay trở lại Vườn thú Quốc gia ở Washington, D.C. vào hôm thứ Ba, sau khi một cặp gấu trúc đã rời đi vào năm ngoái. Tất cả gấu trúc khổng lồ ở các vườn thú nước ngoài về mặt lý thuyết đều do Trung Quốc cho mượn như một phần của các nỗ lực trong chiến lược ngoại giao lâu dài khởi đầu từ những năm 1950. Việc rút gấu trúc khỏi Washington, dù thỏa thuận cho mượn đã được gia hạn hơn một thập kỷ, là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi đến mức nào.
Nhưng tờ New York Times cũng đưa ra một góc nhìn khác. Chương trình nhân giống gấu trúc của Trung Quốc có sử dụng những phương pháp mà nhiều sở thú trên thế giới coi là ngược đãi động vật ; hơn nữa, những nỗ lực nhằm tái thả động vật về lại môi trường tự nhiên phần lớn là thất bại. Điều này thật trái ngược với những chương trình bảo tồn thành công các loài động vật biểu tượng quốc gia khác, chẳng hạn như sói xám hoặc đại bàng hói ở Mỹ, hoặc khỉ vàng sư tử Tamarin ở Brazil.
Đài Loan phản ứng trước các cuộc tập trận của Trung Quốc. Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan sau lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan vào ngày 10 tháng 10, như đã được dự đoán. Bình luận của Bắc Kinh về ngày này thường mang tính công kích, nhưng các cuộc diễn tập năm nay tương đối ngắn so với năm ngoái, dù số lượng máy bay được triển khai đạt kỷ lục.
Một đoạn tuyên truyền kỳ quặc mô tả lộ trình của các cuộc tập trận là như thể đang vẽ một hình trái tim quanh Đài Loan và tuyên bố đó là "dáng hình của yêu thương", sau đó đã nhận về những phản hồi khinh bỉ từ người dân Đài Loan – người dân Đài Loan so sánh điều này với hành động của một kẻ quấy rối (stalker). Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc nhắm vào công chúng Đài Loan thường là sự kết hợp giữa vừa đe doạ vừa làm thân, mà phần lớn là không hiệu quả.
Công nghệ và Kinh doanh
Nạn tham nhũng rừng. Một tập đoàn chế biến gỗ quốc doanh lớn của Trung Quốc đang bị điều tra, bị cho là có liên quan đến hành vi tham nhũng tràn lan và đang trên bờ vực sụp đổ tài chính. Công ty TNHH Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc (China Forestry – CFCG), được thành lập vào năm 1984 thông qua việc sáp nhập chín công ty quản lý rừng nhà nước, đã bị một tập đoàn quốc doanh khác tiếp quản vào năm 2023 sau khi gánh khoản nợ lên tới 156 tỷ nhân dân tệ (21,9 tỷ USD). Cựu chủ tịch CFCG hiện đang đối mặt với các cáo buộc hối lộ.
Một công ty tư nhân có tên tương tự, China Forestry, đã bị cáo buộc gian lận tại Hồng Kông vào năm 2018. Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã trải qua tình trạng phá rừng nghiêm trọng, vốn được Đảng cộng sản Trung Quốc khuyến khích như một phần của nỗ lực hiện đại hóa đất nước. Mặc dù gần đây đã có những nỗ lực trồng rừng trở lại, diện tích rừng của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm, với khoảng 7% diện tích cây che phủ bị mất kể từ năm 2000.
Các công ty khai thác gỗ của Trung Quốc cũng có dính líu đến thị trường chợ đen toàn cầu, và Trung Quốc hiện là thị trường khai thác gỗ trái phép lớn nhất thế giới, theo Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh. Thất thoát do nạn tham nhũng trong ngành gỗ toàn cầu ước tính lên đến khoảng 29 tỷ USD mỗi năm.
Trung Quốc công bố kế hoạch khoa học vũ trụ. Vào thứ Ba, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã công bố kế hoạch về một chương trình không gian đầy tham vọng, mục tiêu trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực khoa học vũ trụ. Đề xuất này, ban đầu được phác thảo trong một bài báo được công bố vào tháng 9, tập trung vào khoa học thực tiễn (practical science), ví dụ như các thí nghiệm sinh học trong không gian, cũng như tập trung vào việc giải câu hỏi hóc búa trong vật lý lý thuyết, là hai mảng mà Trung Quốc đang tìm cách trở thành quốc gia tiên phong.
James Palmer
Nguyên tác : "China Can’t Boost Consumer Confidence", Foreign Policy, 15/10/2024
Tạ Kiều Trang biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/10/2024
Trung Quốc truy quét lĩnh vực tài chính : từ thu nhập rủng rỉnh trở thành 'lũ chuột nhắt'
"Giờ trong đầu tôi xuất hiện suy nghĩ, bản thân mình rõ ràng đã chọn sai nghề".
Thượng Hải là trung tâm tài chính và là thành phố giàu nhất của Trung Quốc
Tiêu Thâm (*), một người đang làm việc cho một công ty quản lý tài sản tư nhân ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, cho biết anh đã trải qua một năm khó khăn.
Trong năm đầu tiên đi làm, anh cho biết đã nhận được gần 750.000 nhân dân tệ (hơn 2,6 tỷ đồng). Tiêu Thâm chắc chắn là mình sẽ sớm đạt đến cột mốc 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng).
Ba năm sau, anh chỉ kiếm được một nửa số tiền mà mình từng nhận được. Tiền lương của anh bị đóng băng vào năm ngoái và tiền thưởng hằng năm, vốn chiếm phần lớn trong thu nhập, cũng bị bốc hơi.
Ánh hào quang của ngành công nghiệp tài chính trở nên mờ dần, anh cho biết. Nghề này từng khiến anh "cảm thấy thật hào nhoáng".
Nhưng giờ đây, anh chỉ là "một con chuột nhắt tài chính", một tên gọi mà anh cùng những người cùng ngành bị mỉa mai trên mạng.
Một nền kinh tế từng rất thịnh vượng của Trung Quốc, với viễn cảnh tươi sáng, hiện đang bị trì trệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở nên quan ngại về vấn đề tài sản cá nhân và thách thức về bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc.
Các cuộc trấn áp các tỷ phú và doanh nghiệp, từ bất động sản đến công nghệ, tài chính đã và đang được tiến hành kèm theo các thông điệp kiểu xã hội chủ nghĩa về chịu đựng gian khó và phấn đấu vì sự thịnh vượng của Trung Quốc. Thậm chí những người nổi tiếng cũng được yêu cầu bớt khoe của trên mạng.
Người dân được tuyên truyền rằng lòng trung thành với Đảng cộng sản và đất nước quan trọng hơn tham vọng cá nhân, nhân tố vốn đã giúp tạo sự chuyển biến cho xã hội Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.
Lối sống sang chảnh của Tiêu Thâm hẳn đã bị ảnh hưởng từ sự thay đổi 180 độ này. Anh đã thay đổi kỳ nghỉ từ Châu Âu sang lựa chọn rẻ hơn : Đông Nam Á.
Và anh cho biết bản thân "thậm chí không dám suy nghĩ" về việc tiếp tục mua đồ hàng hiệu như "Burberry hay Louis Vuitton".
Nhưng ít ra thì những nhân viên bình thường như anh lại ít gặp rắc rối với luật pháp. Hàng chục quan chức tài chính và quản lý ngân hàng đã bị bắt giữ, bao gồm cựu chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China).
Hôm thứ Năm 10/10, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (tức Ngân hàng Trung ương) Phạm Nhất Phi đã bị kết án tử hình, với 2 năm được hoãn thi hành án, theo truyền thông nhà nước.
Ông Phạm bị buộc tội nhận hối lộ hơn 386 triệu nhân dân tệ (hơn 1.365 tỷ đồng).
Lĩnh vực tài chính-ngân hàng đang chịu nhiều áp lực. Trong khi rất ít công ty công khai thừa nhận điều này, việc cắt giảm lương trong lĩnh vực ngân hàng và các công ty đầu tư đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Các bài đăng trên mạng xã hội về giảm lương đã thu hút hàng triệu lượt xem trong những tháng gần đây. Và các hashtag như "rời lĩnh vực tài chính để kiếm việc khác" và "nghỉ việc tài chính" đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội đông người dùng Tiểu Hồng Thư.
Một số người làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã bị giảm thu nhập kể từ khi đại dịch Covid bùng phát, nhưng nhiều người cho rằng có một bài đăng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội đã tạo ra bước ngoặt.
Vào tháng 7/2022, một người dùng mạng xã hội Tiểu Hồng Thư đã gây bức xúc sau khi khoe rằng người chồng 29 tuổi của cô có mức lương tháng 82.500 nhân dân tệ (hơn 287 triệu đồng) ở một công ty dịch vụ tài chính hàng đầu, đó là Tập đoàn Vốn quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corporation).
Mọi người ngỡ ngàng về chênh lệch thu nhập vô cùng lớn giữa thu nhập của họ với mức lương của một nhân viên tài chính.
Mức lương tháng trung bình tại Thượng Hải, thành phố giàu nhất của Trung Quốc, chỉ hơn 12.000 nhân dân tệ (hơn 42 triệu đồng).
Điều này đã tái kích hoạt một cuộc tranh luận về thu nhập trong lĩnh vực tài chính, vốn đã được khơi ra từ một người dùng mạng xã hội khoe mức lương trước đó cùng năm.
Những bài đăng trên mạng xã hội ấy xuất hiện chỉ vài tháng sau khi ông Tập Cận Bình hô hào "cộng đồng phú dụ" (thịnh vượng chung) - một chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Hồi tháng 8/2022, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ra các quy định mới yêu cầu các công ty "tối ưu hóa phân bổ thu nhập nội bộ và thiết kế một cách khoa học hệ thống tiền lương".
Năm tiếp theo, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích các ý tưởng về "giới tinh hoa tài chính" và cách tiếp cận "chỉ có tiền mới quan trọng", biến tài chính trở thành một đích ngắm rõ ràng trong chiến dịch chống tham nhũng đang được triển khai tại quốc gia này.
Những thay đổi này xuất hiện nhanh nhưng cũng thật kín kẽ, theo Alex*, quản lý một ngân hàng do nhà nước chi phối ở thủ đô Bắc Kinh.
"Mệnh lệnh không được ghi bằng giấy trắng mực đen đâu - mà dù có tài liệu [chính thức] thì cấp như chúng tôi cũng không thể xem được. Nhưng ai cũng biết là hiện nay người ta đã đặt mức [lương] trần. Tôi chỉ không biết mức trần ấy là bao nhiêu".
Alex nói các chủ doanh nghiệp cũng đang chật vật trong việc đối phó với mức độ trấn áp này : "Ở nhiều ngân hàng, các mệnh lệnh có thể thay đổi nhanh một cách bất ngờ".
"Họ ban hành hướng dẫn thường niên vào tháng 2 và trước tháng 6 hoặc tháng 7, rồi họ sẽ nhận ra việc chi trả lương đã vượt yêu cầu. Tiếp đó họ sẽ nghĩ ra cách để thiết lập các chỉ tiêu để trừ lương nhân viên".
Tiêu Thâm nói khối lượng công việc của anh đã bị giảm đáng kể khi số công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt giảm. Đầu tư nước ngoài đã giảm ở Trung Quốc và các doanh nghiệp trong nước cũng trở nên thận trọng - do hệ quả của hoạt động truy quét và tiêu dùng yếu.
Trong quá khứ, công việc của Tiêu Thâm bao gồm các dự án mới, giúp mang lại tiền cho công ty của anh. Hiện giờ thì ngày ngày anh chủ yếu làm việc lặt vặt như sắp xếp dữ liệu từ các dự án trước đây.
"Tinh thần làm việc của cả đội xuống rất thấp, bàn tán sau lưng sếp hầu hết đều tiêu cực. Mọi người nói với nhau về chuyện không biết sẽ làm gì sau 3 đến 5 năm nữa".
Thật khó để ước lượng liệu số người rời bỏ lĩnh vực tài chính lớn hay không, mặc dù đã xảy ra các vụ sa thải hàng loạt. Việc làm hiện đang trở nên khan hiếm tại Trung Quốc, vì thế dù phải làm trong lĩnh vực tài chính với mức lương thấp hơn nhưng vẫn có người phải bám trụ.
Thế nhưng, sự nản chí ngày càng hiển lộ. Một người dùng trên mạng xã hội Tiểu Hồng Thư đã ví von chuyện đổi việc cũng giống đổi ghế ngồi vậy - nhưng "nếu đứng lên một chặp rồi quay lại có khi ghế đã không còn", người này viết.
Tiêu Thâm nói không chỉ nhà chức trách không còn mặn mà với nhân viên trong lĩnh vực tài chính, mà nói chung là cả xã hội Trung Quốc đều như vậy.
"Không ai thèm chúng tôi, ngay cả trong các cuộc hẹn hò giấu mặt. Nếu nghe tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính thì người ta sẽ bảo tôi đừng có đến nữa".
Fan Wang
Nguồn : BBC, 11/10/2024
(*) Tên của những nhân viên trong lĩnh vực tài chính đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ.
Vào tháng 5 năm nay, chính quyền Biden đã công bố mức thuế quan nhập khẩu 100% đối với xe điện Trung Quốc cũng như pin và khoáng sản dùng để sản xuất chúng. Các mức thuế này được công bố vào thời điểm rất ít xe hơi Trung Quốc lưu hành trên đường phố Mỹ. Chỉ vài năm trước, cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là điều không tưởng, nhưng Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng khoáng sản và pin và bắt đầu sản xuất những chiếc xe điện giá cả phải chăng, hấp dẫn bởi các thương hiệu mới nổi như BYD, Geely và Nio.
Nhà máy sản xuất BYD triển lãm Pin Sodium-Ion đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh IAA 2023 Munich, Đức
Mối đe dọa từ xe điện Trung Quốc đã khiến giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, tuyên bố vào tháng 1 năm nay, "Thành thật mà nói, tôi nghĩ, nếu không có rào cản thương mại nào được thiết lập, họ [các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc] sẽ gần như đánh bại hầu hết các công ty khác trên thế giới". Khi nhắc đến thuế quan, giám đốc điều hành Ford, Jim Farley, ra hiệu rằng chúng có thể mang lại cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ một sự trì hoãn tạm thời : "Và nếu chúng ta không sản xuất [xe điện] có lãi trong vòng 5 năm tới, thì tương lai sẽ ra sao ? Chúng ta sẽ chỉ có chôn chân ở Bắc Mỹ".
Điều đáng chú ý là những động thái áp đặt thuế quan và các hạn chế khác đối với xe điện, khoáng sản và pin của Trung Quốc này được biện minh vì lý do an ninh quốc gia. Chuyện gì đang xảy ra ở đây ? Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, pin và xe hơi có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ như thế nào ?
Với sự trỗi dậy của xe điện, năng lượng tái tạo và lưu trữ pin, hệ thống năng lượng và giao thông đang thay đổi cơ bản và thúc đẩy sự chuyển đổi trong các nền kinh tế trên khắp thế giới. Các nguồn lực cần thiết cho nền kinh tế thế kỷ 21 bao gồm một loạt các khoáng sản như lithium, than chì, đồng, niken và mangan. Trong khi các khoáng sản và sản phẩm tinh chế này được khai thác từ nhiều quốc gia khác nhau, Trung Quốc lại chiếm ưu thế trong việc gia công chúng và các giai đoạn khác trong chuỗi cung ứng. Gần đây, Trung Quốc đã nhắm đến mục tiêu thống trị thị trường xe điện giống như cách họ đã thống trị thị trường quang điện mặt trời.
Các nhà lập pháp của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều cho rằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kim loại và vật liệu là một rủi ro an ninh quốc gia. Nhưng ý của họ khi viện dẫn an ninh quốc gia không phải lúc nào cũng rõ ràng – các giải pháp cũng gặp tình trạng tương tự. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã xác định bốn rủi ro an ninh quốc gia khác nhau liên quan đến sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này. Trong số này, chúng tôi nhấn mạnh những rủi ro liên quan tới những đỉnh cao chỉ huy (commanding heights), một lĩnh vực chiến lược cốt lõi của nền kinh tế có thể trở thành nguồn của cải lớn cho Mỹ trong thế kỷ này.
Mặc dù những nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là đáng hoan nghênh và quan trọng, nhưng những rủi ro khác nhau này có khả năng dẫn đến phản ứng thái quá của Mỹ chống lại sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế của mình. Mỹ đã tụt hậu về các công nghệ pin quan trọng và có thể tự tước đi cơ hội học hỏi từ những tiến bộ sản xuất gần đây của Trung Quốc và tụt hậu hơn nữa. Những nỗ lực có mục tiêu cho phép một số công ty Trung Quốc hợp tác với các công ty Mỹ có thể giúp Mỹ bắt kịp nhưng sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế hơn những gì chúng ta đã chứng kiến gần đây.
Công nghệ năng lượng sạch và an ninh quốc gia
Các nhà hoạch định chính sách đã nêu bật bốn khía cạnh an ninh quốc gia liên quan đến sự thống trị của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng này. Mỗi khía cạnh đòi hỏi các phản ứng riêng biệt về chính sách, an ninh và đầu tư.
Thứ nhất liên quan đến các công nghệ lưỡng dụng, có ứng dụng cho cả dân sự và quân sự. Mối lo ngại là trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ sẽ không có quyền tiếp cận các vật liệu quan trọng cần thiết để duy trì nền kinh tế và sản xuất vũ khí. Các giải pháp khả thi cho vấn đề này bao gồm việc sử dụng nhiều hơn dự trữ khoáng sản.
Thứ hai liên quan đến rủi ro bị ép buộc bởi những bên nắm giữ tài nguyên. Nga đã nhiều lần cố gắng tận dụng vị thế siêu cường năng lượng của mình để giành được các nhượng bộ chính trị, bao gồm cả trong giai đoạn chuẩn bị và sau cuộc xâm lược Ukraine. Trong một tranh chấp với Nhật Bản vào những năm 2010, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu các khoáng sản đất hiếm với nhiều ứng dụng công nghiệp và quân sự. Một mối lo ngại là Trung Quốc có thể cố gắng sử dụng sự thống trị khoáng sản quan trọng của mình như một đòn bẩy, những lo ngại này phần nào được chứng minh bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Trung Quốc đã áp đặt đối với germanium, gali, than chì và antimon trong năm qua.
Điều thứ ba đề cập đến rủi ro an ninh mạng. Xe điện và pin mặt trời được kết nối với mạng, và các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng dữ liệu thu được từ các thiết bị này có thể bị sử dụng cho mục đích bất chính, hoặc có thể có các cửa hậu để điều khiển từ xa các thiết bị này. Nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy chính quyền Biden vào tháng 2 năm 2024 yêu cầu Bộ Thương mại nghiên cứu các rủi ro an ninh quốc gia liên quan tới xe điện Trung Quốc. Tuần trước, Bộ Thương mại đã khuyến nghị Mỹ nên cấm phần mềm và phần cứng của Trung Quốc trên các loại xe điện được kết nối internet.
Thứ tư đề cập đến những rủi ro đối với vị thế then chốt của nền kinh tế thông qua sự thống trị của một đối thủ cạnh tranh ngang hàng. Điều cuối cùng này có khả năng là quan trọng nhất, nhưng ít được thảo luận nhất. Lý luận chung của lập luận về đỉnh cao chỉ huy là nền tảng vật chất của sức mạnh nhà nước một phần là quân sự và một phần là kinh tế. Vì sức mạnh kinh tế có thể được chuyển đổi thành khả năng quân sự, nên các quốc gia có lợi ích trong việc nuôi dưỡng các lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược có thể tạo ra của cải để tài trợ cho quân đội của họ. Công nghệ sạch là một trong số ít các lĩnh vực tăng trưởng mà chính quyền Biden đã xác định là trọng tâm cho tương lai của đất nước.
Những đỉnh cao chỉ huy
Logic an ninh rủi ro liên quan tới "đỉnh cao chỉ huy" có lẽ là cơ sở chính cho các biện pháp mà chính quyền Biden đã thực hiện để phát triển chuỗi cung ứng kim loại và vật liệu trong nước cho xe điện và pin, cũng như các động thái gần đây để bảo vệ ngành ô tô. Lập luận này không khác với lý do cho Đạo luật CHIPS và Khoa học, với pin, xe điện và các công nghệ sạch khác được thiết lập để trở nên phổ biến như chất bán dẫn trong những thập kỷ tới.
Khái niệm "đỉnh cao chỉ huy" của nền kinh tế, của các lĩnh vực quan trọng mang tầm chiến lược mà các quốc gia muốn duy trì, đã từng bị chế giễu là di tích của một thời đại đã qua với sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào các nền kinh tế phương Tây và các chính sách thất bại của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô. Tuy nhiên, thành công và khả năng thay đổi nguồn lợi thế so sánh của Trung Quốc thông qua các mô hình trợ cấp và đầu tư của nhà nước để thống trị toàn bộ các ngành công nghiệp đã thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là trong thời đại mà chỉ riêng các lực lượng thị trường sẽ không mang lại quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nhanh chóng như yêu cầu.
Chính sách công nghiệp, những nỗ lực có chủ ý của các quốc gia để hỗ trợ một số ngành công nghiệp và không khuyến khích những ngành khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong các nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Cùng với sự thay đổi đó là nhận thức trong thời kỳ Covid rằng toàn cầu hóa đã tạo ra những lỗ hổng chuỗi cung ứng không mong muốn mà chỉ có thể được giải quyết bằng cách tăng cường sản xuất trong nước. Các quốc gia hiện đang tìm cách giành lại vai trò rõ ràng hơn trong việc định hướng thu hút và hỗ trợ các ngành công nghiệp, tạo ra thuế để trả cho các dịch vụ, cung cấp việc làm tốt hơn và hỗ trợ các mục tiêu công khác như đảm bảo phát triển bền vững môi trường.
Đối với chính quyền Biden, "chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu" này là hiện thân của vai trò hồi sinh của chính phủ liên bang với Đạo luật Cơ sở Hạ tầng Lưỡng đảng, Đạo luật Cắt giảm Lạm phát và Đạo luật CHIPS. Quan điểm cho rằng một số lĩnh vực quan trọng hơn về mặt chiến lược so với những lĩnh vực khác cần phải được chứng minh rõ hơn, để không khéo thì lập luận đó sẽ trở thành một tấm "kim bài miễn tử" để biện minh cho việc bảo hộ các ngành công nghiệp quốc gia với cái giá phải trả là cạnh tranh ở nước ngoài. Những động thái như vậy cuối cùng có thể phản tác dụng nếu một quốc gia, ngay cả với các khoản trợ cấp và bảo hộ mạnh mẽ, không thể tạo ra một ngành công nghiệp khả thi.
Các ngành công nghiệp sản xuất các linh kiện và đầu vào vốn có thể tạo ra khả năng quân sự, chẳng hạn như hàng không và đóng tàu, có tầm quan trọng chiến lược. Lập luận này là một yếu tố chính trong sự ủng hộ của Quốc hội và chính quyền Biden đối với Đạo luật CHIPS, với các chip bán dẫn có rất nhiều ứng dụng quân sự. Việc tập trung sản xuất chip cao cấp vào một công ty duy nhất ở Đài Loan hoặc công nghệ in thạch bản tiên tiến từ một nhà cung cấp duy nhất từ Hà Lan được coi là một lỗ hổng chiến lược, đủ để đảm bảo khoản đầu tư 53 tỷ USD của chính phủ.
Không rõ liệu các chuỗi cung ứng pin có sở hữu mức độ tập trung công nghiệp hướng tới một nhà cung cấp duy nhất như vậy hay không, mặc dù các công ty Trung Quốc là CATL (37%) và BYD (16%) có thị phần vượt trội trong sản xuất pin toàn cầu. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn là rõ ràng. Sự thống trị của Trung Quốc về pin và công nghệ năng lượng mặt trời là tương đối gần đây và được thúc đẩy bởi hành động của nhà nước. Hơn nữa, quy mô hiện tại của những ngành công nghiệp đó chỉ là một phần nhỏ so với quy mô cuối cùng mà chúng có thể đạt được. Ví dụ, vào năm 2023, thị trường pin lithium-ion được định giá 56,8 tỷ USD nhưng theo một ước tính, dự kiến sẽ tăng lên gần 187,1 tỷ USD vào năm 2032. Tương tự, thị trường tấm pin quang điện mặt trời toàn cầu gần 184,9 tỷ USD vào năm 2021 và được ước tính sẽ tăng lên gần 300 tỷ USD vào năm 2028.
Nếu nhiều lĩnh vực của nền kinh tế (bắt đầu là lĩnh vực điện lực và giao thông vận tải) tiến hành điện khí hóa, thì pin sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế thế kỷ 21 theo cách mà chip đã làm được trong thế kỷ 20. Mặc dù có thể có các ngành công nghiệp khác nổi lên và đóng vai trò như các lĩnh vực kinh tế cốt lõi và là nguồn tạo ra năng suất, nhưng sản xuất pin và xe điện chắc chắn sẽ nằm trong số đó. Nhượng lại hầu hết các thị trường này cho các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ doanh thu từ một ngành công nghiệp tăng trưởng chính. Khi các ngành công nghiệp này trở nên phổ biến như chip, Mỹ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro mang tính hệ thống hơn trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Quan trọng nhất, Mỹ sẽ nghèo hơn so với những gì đáng lẽ sẽ xảy ra, mặc dù điều đó có thể khó định lượng với bất kỳ độ chính xác mang tính kinh tế nào, vì các lĩnh vực khác như AI cũng có thể tạo ra tăng trưởng và lợi nhuận.
Từ góc độ quan hệ quốc tế, sự thống trị của Trung Quốc về năng lượng mặt trời, pin và ô tô sẽ mang lại lợi thế tương đối lớn mà cùng với đó Trung Quốc có thể tài trợ cho chi tiêu quân sự. Từ góc độ cạnh tranh địa chiến lược, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về năng lực quân sự với Mỹ và có lẽ góp phần tạo ra thời điểm chuyển giao quyền lực thậm chí còn nguy hiểm hơn. Và, trong thời chiến, các công ty sản xuất hàng hóa cho nền kinh tế dân sự có thể được tái tổ chức lại. Đây là một lý do chính khác khiến Mỹ phải duy trì năng lực sản xuất trong nước.
Hàm ý chính sách
Tuy nhiên, hàm ý của những quan sát này đối với chính sách là không rõ ràng. Việc tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là điều không thực tế cũng như không mong muốn. Các cuộc thảo luận ở Washington hiện đang tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng để bao gồm nhiều hơn "on-shoring" (sản xuất trong nước) và "ally-shoring" (nguồn cung ứng từ các nước đồng minh). Tuy nhiên, Mỹ đã gặp khó khăn trong việc xác định các lĩnh vực mà sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế Mỹ vẫn có thể được chấp nhận.
Nhiều năm trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đề xuất rằng cách tiếp cận an ninh quốc gia đối với các đối thủ tiềm năng nên là "sân nhỏ, hàng rào cao" qua đó chỉ một số ít lĩnh vực quan trọng phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu. Các nhà phân tích đã áp dụng khái niệm đó cho Trung Quốc, không những là kiểm soát xuất khẩu mà còn trong việc suy nghĩ về những lĩnh vực công nghệ nào có thể bị giới hạn đối với nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, số lượng các sản phẩm có khả năng bị loại trừ đã lớn hơn, vượt ra ngoài các lĩnh vực như hệ thống vũ khí, bao gồm cả thông tin di động và chất bán dẫn cao cấp cho đến pin, thiết bị cảng và xe điện.
Các nhà phê bình lo ngại rằng việc lạm dụng quá mức các hạn chế vì lý do an ninh quốc gia có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách làm tăng chi phí. Hơn nữa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể hoạt động như một bức tường lửa hạn chế sự sẵn sàng gây chiến của một trong hai bên. Đối với các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, có những chi phí tiềm ẩn rất lớn cho cả hai bên khi quan hệ của họ bị rạn nứt hơn nữa.
Mỹ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản và pin thông qua các chính sách như tín dụng thuế xe điện theo Đạo luật Cắt giảm Lạm phát. Khoản tín dụng thuế xe 7.500 USD được thiết kế để khuyến khích sản xuất xe điện ở Mỹ/Bắc Mỹ và với các đối tác thương mại thân thiết của Mỹ. Đạo luật này đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào sản xuất pin ở Mỹ và chính quyền Biden đã hỗ trợ chuỗi cung ứng pin thông qua các công cụ khác như Văn phòng Chương trình Cho vay của Bộ Năng lượng và Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Đã có khoảng 95 tỷ USD đầu tư được công bố để hỗ trợ khai thác các khoáng sản liên quan đến pin, sản xuất pin và sản xuất xe điện.
Mặc dù những thông báo đó được hoan nghênh, nhưng đã có một số dấu hiệu cảnh báo. Trước tình trạng dư thừa công suất và cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc, giá khoáng sản và pin đã giảm mạnh trong năm qua. Điều này đã khiến chính quyền Biden xem xét mức giá sàn cho các khoáng sản sản xuất trong nước. Hơn nữa, các nhà sản xuất pin phương Tây có thể không cạnh tranh được với các nhà sản xuất Trung Quốc khi các cơ sở đó đi vào hoạt động. Trong những tháng gần đây, một số dự án pin phương Tây đã gặp phải những trở ngại, bao gồm cả công ty khởi nghiệp pin Northvolt của Thụy Điển đã bị BMW hủy một đơn đặt hàng lớn.
Cũng không rõ liệu các công ty phương Tây trong lĩnh vực pin và xe điện có thể bắt kịp mà không có sự tham gia của Trung Quốc hay không. Trung Quốc hiện đang ở vị trí tiên phong về công nghệ sản xuất pin tiên tiến. Trong năm qua, một loại hóa học liên quan tới pin khác, lithium iron phosphate, đã trở thành tiêu chuẩn thống trị so với nickel manganese cobalt. Pin lithium iron phosphate không yêu cầu niken hoặc coban và vừa rẻ hơn để sản xuất vừa bền hơn pin nickel manganese cobalt, nhưng mật độ năng lượng thấp hơn và do đó có khả năng có phạm vi hoạt động ngắn hơn. Chỉ có các công ty Trung Quốc mới tìm ra cách chế tạo pin lithium iron phosphate có phạm vi hoạt động rộng hơn.
Các công ty Mỹ đã nhận ra rằng họ đang tụt hậu so với các nhà sản xuất pin Trung Quốc và đã tìm cách hợp tác với họ. Vào tháng 2 năm 2023, Ford và nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận cấp phép để sản xuất pin lithium iron phosphate ở Michigan tại một nhà máy mới trị giá 3,5 tỷ USD. Thỏa thuận đó đã bị chỉ trích vì có sự tham gia của Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 2023, trước tình hình chi phí tăng cao và nhu cầu về xe điện giảm, Ford cho biết họ sẽ tiếp tục dự án nhưng giảm quy mô đầu tư xuống còn 2 tỷ USD.
Nhưng ngay cả thỏa thuận thu nhỏ đó cũng có thể dễ bị tổn thương. Vào tháng 6 năm 2024, Ủy ban Đặc biệt về Đảng cộng sản Trung Quốc của Hạ viện đã viết một bức thư cáo buộc rằng các nhà cung cấp cho CATL sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cho pin của họ. Trong một bức thư riêng biệt, họ cũng cáo buộc rằng nhà sản xuất pin Gotion của Trung Quốc, cũng có các cơ sở ở Mỹ và đang nhắm mục tiêu xây dựng một nhà máy mới ở Michigan, có những vấn đề lao động tương tự. Ủy ban Hạ viện đã yêu cầu Bộ An ninh Nội địa, cơ quan quản lý Danh sách Thực thể của Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, đưa cả hai công ty vào danh sách đen cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Vẫn còn những trở ngại tiềm ẩn khác đối với sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực pin của Mỹ. Vào tháng 5 năm 2024, Bộ Năng lượng đã ban hành quy định về các thực thể nước ngoài đáng quan ngại đối với Đạo luật Cắt giảm Lạm phát, trong đó cấm các công ty do chính phủ từ các quốc gia cụ thể, bao gồm cả Trung Quốc, được hưởng các khoản tín dụng thuế theo Đạo luật Cắt giảm Lạm phát. Trong khi các công ty nhà nước Trung Quốc sẽ không đủ điều kiện để nhận tín dụng thuế, thì một công ty tư nhân có ít hơn 25% quyền sở hữu, cổ phiếu hoặc ghế hội đồng quản trị của Trung Quốc có khả năng đủ điều kiện theo hướng dẫn về thực thể nước ngoài đáng quan ngại. Điều đó tạo ra một con đường hẹp cho một số nhà sản xuất Trung Quốc hợp tác với các công ty Mỹ, nhưng các công ty Trung Quốc có thể lo ngại rằng những trở ngại mới có thể được tạo ra.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang lo ngại về xe điện Trung Quốc. Công ty BYD của Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô khác hiện đang sản xuất những chiếc xe điện hấp dẫn và có giá cả phải chăng hơn nhiều so với những chiếc xe do các công ty xe hơi Mỹ sản xuất. Trong khi xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 2% lượng xe nhập khẩu trong năm 2023, thì sự xuất hiện của xe điện Trung Quốc giá rẻ và công suất dư thừa trong nước ở thị trường nội địa Trung Quốc đặt ra rủi ro cho năng lực sản xuất của các quốc gia khác khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tìm cách tìm kiếm thị trường nước ngoài.
Vào tháng 5 năm 2024, Mỹ đã thông báo tăng thuế đối với một loạt sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm xe điện, pin mặt trời, pin xe điện, pin lithium-ion không dành cho xe điện, than chì tự nhiên, cũng như các sản phẩm khác. Các hành động này nhắm mục tiêu tới khoảng 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và diễn ra sau một loạt các tranh chấp thương mại trên diện rộng trước đó dưới thời chính quyền Trump.
Trái ngược với Mỹ, châu Âu đang đồng thời bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của mình khỏi hàng nhập khẩu của Trung Quốc và khuyến khích đầu tư của Trung Quốc để tạo việc làm ở châu Âu và học hỏi từ các công ty Trung Quốc. Mặc dù có thể có những lo ngại hoặc câu hỏi chính đáng đối với các dự án cụ thể, nhưng Mỹ nên tránh phân loại bất kỳ sự tham gia nào của Trung Quốc vào lĩnh vực pin hoặc xe điện là không phù hợp với lợi ích của Mỹ. CATL có chuyên môn trong việc chế tạo pin lithium iron phosphate, còn Ford thì không. Do đó, một nguyên tắc cho sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án phải là liệu các nhà sản xuất Mỹ có thể thu được kiến thức quý giá hay không, giống như cách Trung Quốc sử dụng các quy tắc về hàm lượng nội địa với các công ty nước ngoài để có được chuyên môn.
Có thể có một số sự mềm mỏng trong việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẵn sàng cho phép đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Ví dụ, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ ủng hộ việc sản xuất ô tô Trung Quốc tại Mỹ. Bất kể kết quả của cuộc bầu cử năm 2024 là gì, Mỹ nên học hỏi từ Trung Quốc trong những năm 1990 khi nước này khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc để đổi lấy các quy tắc về hàm lượng nội địa và chuyển giao công nghệ mạnh mẽ. Mỹ cũng có thể học hỏi từ quá khứ của chính mình khi lo ngại về xuất khẩu ô tô của Nhật Bản trong những năm 1980. Chính quyền Reagan đã đàm phán một thỏa thuận hạn chế xuất khẩu tự nguyện đối với xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ, điều này đã thúc đẩy đầu tư của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vào Mỹ.
Chiến lược về công nghệ sạch đòi hỏi phải suy nghĩ sáng suốt về cách hỗ trợ và xây dựng năng lực trong nước ở Mỹ. Công nghệ sạch là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng mà Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc. Để trở lại cuộc chơi, Mỹ có thể cho phép các lĩnh vực thương mại và đầu tư cụ thể với Trung Quốc để cung cấp cho các công ty Mỹ khả năng học hỏi tốt hơn từ kinh nghiệm sản xuất gần đây của Trung Quốc – đồng thời củng cố chuỗi cung ứng trên toàn cầu và đảm bảo các khoản đầu tư gần đây vào sản xuất và chế biến trong nước đi đúng hướng.
Joshua Busby, Morgan Bazilian và Emily Holland
Nguyên tác : "China, Clean Technologies, and National Security", War on the Rock, 02/10/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/10/2024
Joshua Busby là giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng LBJ thuộc Đại học Texas–Austin. Từ năm 2021 đến năm 2023, ông giữ chức cố vấn cấp cao về khí hậu tại Bộ Quốc phòng Mỹ.
Morgan Bazilian là giáo sư tại Trường Mỏ Colorado. Trước đây ông là chuyên gia trưởng về năng lượng tại World Bank.
Emily Holland là phó cố vấn chính trị về cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển tại Bộ Tư lệnh Hàng hải Đồng minh NATO và là trợ lý giáo sư tại Đại học Hải Chiến Mỹ.
Nhưng với một cơ sở công nghiệp quốc phòng đang sụp đổ, nước Mỹ lại chưa sẵn sàng.
Trong bối cảnh lưỡng đảng ngày càng nhất trí rằng Mỹ cần phải làm nhiều hơn để kiềm chế Trung Quốc, phần lớn cuộc tranh luận chính sách tại Washington tập trung vào sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Hiện nay, xét đến các vấn đề kinh tế của Trung Quốc – tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nợ công tăng, xã hội già hóa, và tăng trưởng thấp hơn dự kiến – một số học giả và nhà hoạch định chính sách dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ buộc phải hạn chế chi tiêu quốc phòng. Những người khác thậm chí còn nói rằng quân đội Trung Quốc được đánh giá quá cao, tin rằng họ sẽ không thể thách thức sự thống trị của Mỹ trong thời gian tới.
Một người lính đứng gác trên một tàu khu trục của Trung Quốc tại Thanh Đảo, Trung Quốc, tháng/2024 - Ảnh Florence Lo / Reuters
Tuy nhiên, những đánh giá này đã không nhận ra được mức độ phát triển thực sự của cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Bất chấp những thách thức kinh tế hiện tại, chi tiêu quốc phòng của nước này đang tăng vọt và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đang ở trong bối cảnh thời chiến. Thật vậy, Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí được thiết kế nhằm răn đe Mỹ, và nếu răn đe thất bại, chúng sẽ được dùng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến giữa hai cường quốc. Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về khả năng sản xuất vũ khí hàng loạt. Ở một số lĩnh vực, Trung Quốc thậm chí đang dẫn đầu : nước này đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới, với công suất lớn gấp khoảng 230 lần so với Mỹ. Từ năm 2021 đến đầu năm 2024, cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã sản xuất hơn 400 máy bay chiến đấu hiện đại và 20 tàu chiến lớn, tăng gấp đôi kho đầu đạn hạt nhân, tăng hơn gấp đôi kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, đồng thời phát triển một dòng máy bay ném bom tàng hình mới. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng tăng số lần phóng vệ tinh lên 50%. Nước này hiện đang mua các hệ thống vũ khí với tốc độ nhanh gấp năm đến sáu lần so với Mỹ. Đô đốc John Aquilino, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, mô tả sự mở rộng quân sự này là "bước phát triển sâu rộng và nhanh chóng nhất kể từ Thế chiến II".
Trung Quốc rõ ràng đã trở thành một thế lực quân sự nặng ký, trong lúc cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang không theo kịp. Trước đây, khi chứng kiến các cường quốc phe Trục tiến quân ở Châu Âu và Châu Á, Tổng thống Franklin Roosevelt đã huy động cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ, gọi đó là "kho vũ khí của nền dân chủ". Ngày nay, người Mỹ cũng cần một nỗ lực tương tự. Sản xuất quốc phòng của Mỹ đã suy giảm, và hệ thống cũng thiếu năng lực và tính linh hoạt cho phép quân đội Mỹ ngăn chặn Trung Quốc và cho phép họ chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc một cuộc chiến hai mặt trận ở Châu Á và Châu Âu. Washington phải khắc phục những điểm nghẽn quan trọng và phải hành động nhanh chóng nếu muốn bắt kịp đối thủ. Nói đơn giản, Mỹ cần dành nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn để chuẩn bị cho quân đội của mình nếu họ muốn thành công trong việc xây dựng một kho vũ khí mới cho nền dân chủ.
Củng cố quân sự nhanh chóng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rõ rằng phát triển một quân đội đẳng cấp thế giới là trọng tâm trong mục tiêu theo đuổi "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trên mọi mặt trận". Một phần quan trọng trong quá trình này là xây dựng một cơ sở công nghiệp quốc phòng đủ khả năng sản xuất phần cứng (như tàu, máy bay, xe tăng, và tên lửa) lẫn phần mềm (như công nghệ và các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, và tình báo) mà lực lượng vũ trang cần. Trong vòng 10 năm, việc Trung Quốc có thể sản xuất tàu mặt nước và tàu ngầm, máy bay, hệ thống phòng không, tên lửa, hệ thống đổ bộ, tàu vũ trụ, và vũ khí mạng đã giúp nước này trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự của Mỹ.
Động lực thúc đẩy sản xuất là các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, nhóm chịu trách nhiệm phát triển và xây dựng các hệ thống vũ khí của đất nước. Ngày nay, bốn trong số mười công ty lớn nhất thế giới về doanh thu kết hợp quốc phòng và phi quốc phòng là công ty Trung Quốc, bao gồm hai công ty lớn nhất : Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC). Đây là một sự thay đổi lớn so với một thập kỷ trước, khi không một công ty Trung Quốc nào lọt vào top 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới. Nếu xét riêng doanh thu quốc phòng, Trung Quốc hiện có năm công ty nằm trong top 12 toàn cầu, cũng tăng từ con số không cách đây mười năm. Các công ty quốc phòng Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ như Lockheed Martin, RTX (Raytheon), Boeing, Northrop Grumman, và General Dynamics về quy mô và năng lực sản xuất.
Mười công ty quốc phòng lớn nhất thế giới theo tổng doanh thu năm 2023. Nguồn : Defense News, "100 công ty quốc phòng hàng đầu", 2024.
Nhưng năng lực sản xuất quốc phòng không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã cải thiện quy trình nghiên cứu, phát triển, và mua sắm các hệ thống vũ khí, theo đó cho phép Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sản xuất các nền tảng tiên tiến trong các lĩnh vực phức tạp như hàng không tàu sân bay, vũ khí siêu thanh, và hệ thống đẩy. Ngoài phần cứng quân sự, PLA còn xây dựng hạ tầng kiến trúc kỹ thuật số mà trong trường hợp xảy ra chiến tranh, sẽ giúp quân đội phối hợp các mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, mạng, tình báo, giám sát, trinh sát, và triển khai hỏa lực với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cùng nhiều công nghệ mới nổi khác.
Ví dụ rõ ràng nhất cho sự thống trị của quân đội Trung Quốc là lực lượng hải quân của nước này. Nhờ năng lực đóng tàu vượt trội, Hải quân PLA đã trở thành lực lượng lớn nhất thế giới. Hải quân Mỹ ước tính rằng chỉ một xưởng đóng tàu của Trung Quốc – chẳng hạn như xưởng trên Đảo Trường Hưng, nằm dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc – hiện có năng lực lớn hơn tất cả các xưởng đóng tàu của Mỹ cộng lại. Phạm vi sản xuất của hải quân Trung Quốc bao gồm mọi thứ từ động cơ turbine khí và động cơ diesel đến vũ khí trên tàu, hệ thống điện tử, tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, và hệ thống không người lái. Trong thập kỷ qua, Hải quân PLA cũng đạt được những tiến bộ lớn trong việc chế tạo tàu hộ tống, đóng tám tàu khu trục, và hoàn thiện hai tàu sân bay Sơn Đông và Phúc Kiến. Tàu Phúc Kiến được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ, cho phép thực hiện các hoạt động trên không toàn diện hơn, giúp tàu sân bay này mạnh hơn hẳn các mẫu trước đây của Trung Quốc. Nó có thể triển khai tới 70 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu và trực thăng chống ngầm.
Dù vậy, Hải quân PLA vẫn tụt hậu so với Hải quân Mỹ trong một số lĩnh vực. Trung Quốc có nhiều tàu hơn Mỹ, nhưng các tàu này đều nhỏ hơn. Trung Quốc cũng gặp bất lợi về hỏa lực ; hạm đội của họ chỉ có thể mang theo số lượng tên lửa bằng khoảng một nửa so với hạm đội của Mỹ. Mỹ cũng sản xuất nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến hơn Trung Quốc. Nhưng khả năng đóng tàu của Trung Quốc có lẽ sẽ mang lại cho họ lợi thế trước Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài và khoảng cách này dự kiến sẽ còn tăng lên. Số xưởng đóng tàu thương mại của Trung Quốc không chỉ nhiều hơn của Mỹ, mà nhiều xưởng trong số đó còn được sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, nghĩa là Trung Quốc có thể tăng cường năng lực đóng tàu quân sự của mình dễ dàng hơn Mỹ.
Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng đang cho ra đời những chiếc máy bay tiên tiến hơn. Dù Mỹ vẫn đang vận hành đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, bao gồm F-22 và F-35, nhưng Trung Quốc đang dần bắt kịp. Công ty máy bay quân sự lớn nhất của nước này, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, đang sản xuất gần như toàn bộ máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và huấn luyện, máy bay ném bom, máy bay trinh sát, máy bay không người lái và trực thăng của nước này. AVIC giám sát tới 86 phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đồng thời sở hữu hàng trăm công ty con và hơn 100 thực thể ở nước ngoài. Vào năm 2023, các công ty Trung Quốc đã sản xuất hơn 2.000 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm, tăng gấp đôi so với mức 800 máy bay được sản xuất vào năm 2017. Dù Mỹ vẫn dẫn đầu, sản xuất hơn 3.350 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm vào năm 2023, Trung Quốc đang theo rất sát. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sản xuất máy bay không người lái, loại máy bay mà nước này đã sử dụng trong các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan. Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc, hay Norinco, gần đây đã công bố một loại máy bay không người lái cảm tử mới có tầm hoạt động 200 km và tốc độ bay 145 km/h.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa chiến lược của mình. Nước này đang trên đà tiến đến mốc hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân hoạt động vào năm 2030 – tăng từ con số 200 vào năm 2019. Hai công ty chính sản xuất tên lửa của Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đã mở rộng cơ sở sản xuất và thuê thêm công nhân trong những năm qua. Với năng lực gia tăng này, Trung Quốc đang xây dựng kho vũ khí tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, và tên lửa siêu thanh của mình. Chỉ riêng trong năm 2021, số tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc phóng để thử nghiệm và huấn luyện nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Năm 2020, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng tên lửa đầu tiên có phương tiện lướt siêu thanh, DF-17, đủ khả năng tấn công các căn cứ và hạm đội của Mỹ và các nước khác ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, người Mỹ lại chật vật với tên lửa siêu thanh khi không có bản mẫu nào mà họ dự định đưa vào sử dụng năm 2024 đã được sản xuất.
Ngoài các năng lực trên không và trên biển đang phát triển nhanh chóng này, Trung Quốc còn đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực không gian. Vào năm 2023, Trung Quốc đã thực hiện 67 vụ phóng không gian – mức cao nhất trong một năm trong lịch sử của nước này. Các tên lửa phóng, năng lực vệ tinh định vị toàn cầu, thông tin liên lạc vệ tinh, hệ thống cảnh báo tên lửa, tình báo, giám sát, và trinh sát của Trung Quốc đều đang được cải thiện. Các công nghệ của nước này nhằm chống lại năng lực không gian của đối thủ, bao gồm vũ khí gây nhiễu, vũ khí năng lượng định hướng, và vũ khí chống vệ tinh, cũng đang tiến bộ. Trung Quốc gần đây đã phóng một vệ tinh mới, Vệ tinh Viễn thám Số 41 (Yaogan-41), có khả năng xác định và theo dõi các vật thể có kích thước chỉ bằng một chiếc xe hơi trên bề mặt trái đất, theo đó gây nguy hiểm cho các tài sản hải quân, lục quân, và không quân của Mỹ và đồng minh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương .
Cuối cùng, Quân đội PLA đang là lực lượng mặt đất lớn nhất thế giới. Họ vận hành nhiều xe tăng chiến đấu và pháo binh hơn Quân đội Mỹ. Các công ty quốc phòng Trung Quốc đã tăng sản lượng ở hầu hết mọi hạng mục : xe tăng chiến đấu chủ lực và hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân, xe tấn công, hệ thống phòng không, và hệ thống pháo binh.
Trạng thái thời bình
Việc Trung Quốc củng cố quốc phòng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh và đối tác, bao gồm Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, và Đài Loan. Trung Quốc sở hữu hàng nghìn tên lửa, một vài trong số đó có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ, trong khi những tên lửa khác có thể tấn công các căn cứ ở nước ngoài của Mỹ, nơi có máy bay, đường băng, tàu, kho nhiên liệu, kho đạn dược, cảng, cơ sở chỉ huy và kiểm soát, cùng các cơ sở hạ tầng khác của Mỹ. Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc có thể đe dọa các tàu mặt nước của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và xa hơn nữa. Nhìn vào loạt năng lực quân sự này của Trung Quốc, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall III đã thẳng thắn nhận xét rằng, "Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến và cụ thể là một cuộc chiến với Mỹ".
Đứng trước mối đe dọa rõ ràng như vậy, thật khó hiểu khi Mỹ lại không huy động cơ sở công nghiệp quốc phòng của riêng mình để theo kịp đối thủ. Quân đội Mỹ không có đủ đạn dược và các thiết bị khác cho một cuộc chiến kéo dài chống lại Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông, hoặc Biển Hoa Đông – những nơi mà các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các đối tác và đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản, Philippines, và Đài Loan, hoàn toàn có thể trở nên bạo lực. Ví dụ, trong các trò chơi chiến tranh mô phỏng xung đột ở Eo biển Đài Loan, phía Mỹ thường cạn kiệt kho tên lửa chống hạm tầm xa của mình ngay trong tuần đầu tiên. Những vũ khí này đóng vai trò rất quan trọng trong một cuộc chiến thực sự, vì chúng có thể tấn công lực lượng hải quân Trung Quốc từ bên ngoài phạm vi phòng không của nước này. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột, hệ thống phòng thủ của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách chặn hầu hết các máy bay di chuyển đủ gần để thả bom ở tầm ngắn.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ thiếu sự linh hoạt và khả năng tăng sản lượng đột biến để bù đắp cho những thiếu sót này. Mỹ có một quy trình mua sắm lỗi thời, chỉ phù hợp với nhịp độ nhàn nhã của thời bình hơn là sự cấp bách của thời chiến. Như một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2009 đã chỉ ra, "các chương trình quốc phòng lớn vẫn mất mười năm hoặc hơn để cung cấp ít sản lượng hơn so với kế hoạch, và thường tốn gấp hai đến ba lần chi phí đã định". Sự mong manh của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp quốc phòng lại là một vấn đề khác. Các công ty quốc phòng Mỹ chỉ sản xuất một lượng hạn chế các thành phần chính, chẳng hạn như động cơ tên lửa rắn, bộ xử lý, khuôn đúc/rèn, ổ bi, vi điện tử, và đầu dò đạn. Một số loại thiết bị, chẳng hạn như động cơ và máy phát điện, có thời gian giao hàng rất lâu. Tệ hơn, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng pin tiên tiến của thế giới và độc quyền trên thị trường toàn cầu đối với một số loại nguyên liệu thô được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, chẳng hạn như một số kim loại sắt và hợp kim fero, phi fero, và khoáng sản công nghiệp. Nếu căng thẳng leo thang hoặc chiến tranh nổ ra, Trung Quốc hoàn toàn có thể ngăn Mỹ tiếp cận các vật liệu này và làm suy yếu hoạt động sản xuất kính nhìn ban đêm, xe tăng, cùng nhiều thiết bị quốc phòng khác của Mỹ.
Thách thức cuối cùng là lực lượng lao động. Thị trường lao động Mỹ không thể cung cấp đủ công nhân có kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các xưởng đóng tàu, nơi đang thiếu trầm trọng kỹ sư, thợ điện, thợ lắp ống, thợ lắp tàu, và thợ kim loại. Năm 2024, Hải quân Mỹ thông báo rằng khinh hạm tên lửa dẫn đường lớp Constellation đầu tiên của họ sẽ hoàn thành trễ ít nhất một năm vì công ty đóng tàu Fincantieri đang thiếu vài trăm công nhân, bao gồm cả thợ hàn, tại xưởng đóng tàu Marinette Marine ở Wisconsin. Khinh hạm đóng vai trò quan trọng trong các nhóm tác chiến tàu sân bay vì chúng là tàu hộ tống bảo vệ các đơn vị liên lạc trên biển. Việc đóng phiên bản Block V của tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, vốn rất quan trọng để tấn công các tàu đổ bộ của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra chiến tranh, cũng bị chậm tiến độ ít nhất hai năm vì những lý do tương tự. Một số tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới, có khả năng phòng không, thậm chí còn chậm tiến độ tới ba năm.
Kho vũ khí mới của nền dân chủ
Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc không phải là không có vấn đề. Nó dựa vào các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ với các cấu trúc tổ chức phức tạp và lan rộng, do đó làm suy yếu hiệu suất, khả năng cạnh tranh, và sự đổi mới. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng đáng kể. Cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã sa thải ba quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng trong một cuộc thanh trừng dường như có liên quan đến tham nhũng trong quá trình đánh giá thầu. Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với một số lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là liên quan đến động cơ, chip cao cấp, mạch tích hợp, và thiết bị sản xuất. Việc một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc được báo cáo là đã chìm tại xưởng đóng tàu Vũ Xương vào đầu năm nay cho thấy Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể sản xuất những hệ thống phức tạp. Và dù quân đội Trung Quốc lớn và được trang bị tốt, nhưng họ không có kinh nghiệm chiến đấu lớn nào kể từ Chiến tranh Trung-Việt năm 1979. Ngay cả thế, những thách thức này sẽ không ngăn cản cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vượt qua Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng.
Mỹ hiện cần thu hẹp khoảng cách. Bước đầu tiên là nhận ra tính cấp bách của vấn đề và quy mô của giải pháp cần thiết. Một sáng kiến do tổng thống lãnh đạo nhằm phục hồi cơ sở công nghiệp quốc phòng có thể giúp đạt được mục tiêu này, lấy cảm hứng từ các mô hình trong lịch sử như Ủy ban Sản xuất Chiến tranh của Roosevelt, Văn phòng Huy động Quốc phòng của Harry Truman, và Ủy ban Chuẩn bị Huy động Khẩn cấp của Ronald Reagan. Thay vì chỉ giao cho Bộ Quốc phòng nhiệm vụ mua sắm và sản xuất vũ khí, cơ quan mới này nên đưa ra chỉ đạo cấp cao, đặt ra các ưu tiên, và giám sát các chính sách, kế hoạch, cũng như thủ tục của các bộ liên bang tham gia vào sản xuất quốc phòng. Một cấu trúc như vậy cũng sẽ giúp tích hợp Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, và Quốc hội, cũng như khu vực tư nhân và các tổ chức khác đóng vai trò quan trọng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Washington cũng phải giải quyết những điểm yếu rõ ràng trong hệ thống công nghiệp quốc phòng hiện tại của mình. Bộ Quốc phòng – bao gồm cả các lực lượng quân sự – cần một quy trình ký kết hợp đồng và mua sắm vũ khí nhanh hơn, linh hoạt hơn, và ít rủi ro hơn. Trước tiên, họ nên rút ngắn thời gian để lựa chọn ký kết các hợp đồng và giúp các công ty sáng tạo chuyển nhanh từ nguyên mẫu sang thành phẩm. Quốc hội cũng cần tài trợ cho việc mua sắm trong nhiều năm đối với các loại đạn dược quan trọng. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Lầu Năm Góc nên cung cấp các ưu đãi tài chính cho các công ty quốc phòng nhằm nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động. Bộ Quốc phòng và Quốc hội cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các trường trung học, trường dạy nghề, trường đại học, và các tổ chức khác chuyên đào tạo và giáo dục nhân lực cho các công việc cơ sở công nghiệp quốc phòng. Và Mỹ chắc chắn phải phục hồi ngành đóng tàu của mình. Việc khôi phục lại các khoản trợ cấp đã ngủ yên từ lâu có thể thúc đẩy đầu tư vào các xưởng đóng tàu thương mại, hiện đại hóa và mở rộng ngành đóng tàu, đồng thời phát triển lực lượng lao động có năng lực và cạnh tranh hơn trong lĩnh vực này.
Một năm trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và buộc Mỹ tham gia Thế chiến II, Roosevelt đã kêu gọi đất nước "hãy xây dựng ngay bây giờ, với tốc độ nhanh nhất có thể mọi máy móc, mọi kho vũ khí, mọi nhà máy mà chúng ta cần để sản xuất vật liệu quốc phòng". Việc Trung Quốc tái vũ trang nhanh chóng và các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông chính là những dấu hiệu cho thấy một tương lai u ám. Để sẵn sàng cho môi trường thời chiến, người Mỹ một lần nữa phải làm theo lời khuyên của Roosevelt.
Seth G. Jones
Nguyên tác : "China Is Ready for War", Foreign Affairs, 02/10/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/10/2024
Seth G. Jones là Trưởng Ban Quốc phòng và An ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS. Bài luận này được tóm tắt từ "Rebuilding the Arsenal of Democracy" (Tái thiết kho vũ khí dân chủ) một báo cáo của CSIS mà ông và Alexander Palmer là đồng tác giả.
Tại sao không còn ai muốn trở thành nhà tài phiệt hàng đầu Trung Quốc?
Tháng trước, Colin Huang (Hoàng Tranh), nhà sáng lập của công ty thương mại điện tử PDD, đã thu hút sự chú ý khi ông vươn lên trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, PDD đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ với dự báo lợi nhuận ảm đạm. Cổ phiếu của công ty nhanh chóng lao dốc. Hoàng đã mất 14 tỷ đô la chỉ sau một đêm và nhường vị trí dẫn đầu cho Chung Thiểm Thiểm, nhà sáng lập công ty đồ uống khổng lồ Nông Phu Sơn Tuyền. Trong vòng 24 giờ sau đó, Nông Phu Sơn Tuyền đã đưa ra báo cáo triển vọng u ám của riêng mình và Chung cũng nhanh chóng tụt khỏi vị trí đầu tiên trong danh sách những người giàu nhất nước.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, người ta đang bàn tán liệu có hay không việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang cố tình hạ giá cổ phiếu của chính họ nhằm tránh cuộc đàn áp ngày càng lan rộng đối với tình trạng giàu có quá mức, vốn là trọng tâm trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Một nhà môi giới Phố Wall đã viết : không phải là không hợp lý khi kết luận rằng “không ai muốn trở thành người giàu nhất Trung Quốc” vào thời điểm chính phủ của nước này ngày càng mạnh tay hơn trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Bất kể động cơ thực sự của những cảnh báo về lợi nhuận trên là gì, cách chúng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi thực sự trong tinh thần quốc gia. Khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao vào cuối thập niên 1970, ông đã làm thay đổi thái độ thù địch của chủ nghĩa Mao đối với việc tạo ra của cải. Ở đất nước ngày càng theo chủ nghĩa tư bản của ông, làm giàu là “vinh quang”.
Nhưng có một điều cần phải lưu ý. Làm giàu là vinh quang – nhưng chớ có trở nên quá giàu. Trung Quốc tạo ra nhiều của cải hơn hẳn so với các nước đang phát triển khác, nhưng tài sản của những cá nhân giàu nhất Trung Quốc vẫn khiêm tốn so với các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều, bao gồm Nigeria và Mexico. Ngay cả trong thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ hồi những năm 2000, dường như vẫn có một giới hạn bất thành văn : không cá nhân nào được sở hữu tài sản cao hơn 10 tỷ đô la. Danh sách tỷ phú của Trung Quốc cũng khác thường bởi tỷ lệ biến động lớn ở các vị trí hàng đầu.
Đến đầu những năm 2010, có ít nhất hai nhà tài phiệt đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tiếp cận ngưỡng mười tỷ đô la, chỉ để rồi phải vào tù vì tội tham nhũng. Điều đó không có nghĩa là những cáo buộc tham nhũng là vô căn cứ, chỉ là việc lựa chọn mục tiêu dường như phản ánh xu hướng cân bằng vốn tồn tại dai dẳng trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bản năng đó đã nở rộ dưới thời Tập. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng lan rộng đến tận tầng lớp tinh hoa.
Mục tiêu trong giai đoạn đầu là những nhân vật lớn trong khu vực công – các viên chức hoặc thái tử đảng. Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, chế độ dường như không muốn đe dọa con ngỗng duy nhất vẫn đang đẻ trứng vàng trong khu vực tư nhân : các công ty công nghệ lớn. Qua nhiều năm, một số nhân vật ở Trung Quốc đã xây dựng được khối tài sản lớn hơn 10 tỷ đô la. Ba người đầu tiên vượt qua ngưỡng đó và tiếp tục chứng kiến tài sản của mình tăng lên là các nhà sáng lập ngành công nghệ, trong đó Jack Ma (Mã Vân) của Alibaba là người đứng đầu.
Tuy nhiên, sự khoan dung thầm lặng này đã thay đổi vào năm 2020, trong thời kỳ bùng nổ thị trường do kích thích kinh tế. Trung Quốc đã có thêm gần 240 tỷ phú – gấp đôi so với Mỹ – nhưng vào cuối năm đó, Mã đã có một bài phát biểu khiến số tỷ phú này không còn tăng thêm nữa. Trong một lời chỉ trích thận trọng nhưng rõ ràng, Mã đã đặt câu hỏi về hướng đi của Đảng Cộng sản, cảnh báo rằng việc quản lý quá mức có thể làm chậm quá trình đổi mới công nghệ, và rằng các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động với “tư duy của hiệu cầm đồ”.
Chính phủ ngay lập tức trả đũa. Cổ phiếu của Alibaba đã mất giá, còn Mã thì tụt hạng trong danh sách những người giàu có và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Đầu năm sau, Tập bắt đầu phát động chiến dịch “thịnh vượng chung” và cuộc đàn áp lan rộng đến bất kỳ công ty nào bị coi là không phù hợp với các giá trị bình đẳng của chiến dịch này.
Trong kỷ nguyên mới này, trở nên quá giàu là điều nguy hiểm. Có rất nhiều câu chuyện về việc nhà nước mở những cuộc điều tra chống lại ông trùm kinh doanh này hoặc nhà tài chính kia. Áp lực đang làm cạn kiệt các quỹ đầu tư mạo hiểm, khiến những người trẻ tuổi sợ hãi tránh xa các nghề nghiệp giúp làm giàu nhanh như ngân hàng đầu tư. Số lượng triệu phú rời khỏi Trung Quốc đã tăng lên và đạt đỉnh vào năm ngoái ở mức 15.000 người – cao hơn hẳn con số di cư khỏi bất kỳ quốc gia nào khác.
Khu vực tư nhân cũng đang thoái lui. Kể từ năm 2021, thị trường chứng khoán đã trượt dốc, nhưng các công ty nhà nước lại tăng tỷ lệ vốn hóa thị trường thêm hơn 33%, lên gần 50%. Trung Quốc hiện là thị trường chứng khoán lớn duy nhất trên thế giới nơi các công ty nhà nước có giá trị thị trường ngang bằng với các công ty tư nhân. Tài sản cá nhân cũng giảm mạnh trong ba năm qua; số lượng tỷ phú đã giảm 35% ở Trung Quốc, ngay cả khi đã tăng 12% ở phần còn lại của thế giới.
Những người siêu giàu Trung Quốc đang ngày càng tìm cách ẩn mình. Trở thành ông trùm giàu nhất nước Mỹ và bạn có thể khởi động chương trình không gian của riêng mình. Còn ở Ấn Độ, bạn có thể tổ chức một đám cưới tốn kém hàng tỷ đô la cho con mình. Nhưng ở Trung Quốc, bạn sẽ tìm cách để từ bỏ danh hiệu mới – và tránh trở thành mục tiêu của chính phủ.
Ruchir Sharma, FT, 23/09/2024
Biên dịch : Nguyễn Thị Kim Phụng, NCQT
Tập Cận Bình đang lo lắng về nền kinh tế – người dân Trung Quốc nghĩ gì về điều này?
BBC
Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại khiến các lãnh đạo lo lắng và đã phải thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp.
Trong tuần qua, họ đã công bố các biện pháp kích thích, cung cấp tiền mặt hiếm hoi, tổ chức một cuộc họp bất ngờ để thúc đẩy tăng trưởng và đưa ra hàng loạt quyết định nhằm vực dậy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
Vào thứ Hai, chính Tập Cận Bình đã nhắc đến “các mối nguy tiềm tàng” và việc “chuẩn bị tốt” để vượt qua những thách thức nghiêm trọng, mà nhiều người tin rằng ông đang ám chỉ đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều ít rõ ràng hơn là sự suy thoái đã ảnh hưởng như thế nào đến người dân Trung Quốc, những người thường xuyên bị kiểm duyệt về kỳ vọng và nỗi thất vọng của họ.
Hai nghiên cứu gần đây cung cấp cái nhìn về vấn đề này. Thứ nhất, một cuộc khảo sát về thái độ của người dân Trung Quốc đối với nền kinh tế cho thấy họ ngày càng bi quan và thất vọng về triển vọng của mình. Thứ hai là ghi chép về các cuộc biểu tình, cả trực tiếp và trực tuyến, cho thấy sự gia tăng các sự kiện liên quan đến các vấn đề kinh tế.
Mặc dù bức tranh chưa hoàn chỉnh, nhưng nó vẫn cung cấp cái nhìn hiếm hoi về tình hình kinh tế hiện tại và cảm nhận của người dân Trung Quốc về tương lai.
Ngoài khủng hoảng bất động sản, nợ công cao và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã ảnh hưởng đến tiết kiệm và chi tiêu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Điều này thật đáng lo ngại đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tăng trưởng bùng nổ đã biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu, và sự thịnh vượng ổn định là phần thưởng mà một chế độ đàn áp hứa hẹn, trong khi không bao giờ nới lỏng quyền lực của mình.
TỪ LẠC QUAN ĐẾN BI QUAN
Sự chậm lại của nền kinh tế xảy ra khi đại dịch kết thúc, một phần do ba năm phong tỏa đột ngột và hoàn toàn, đã siết chặt hoạt động kinh tế.
Sự tương phản giữa những năm trước và sau đại dịch rất rõ rệt trong nghiên cứu của các giáo sư Mỹ Martin Whyte từ Đại học Harvard, Scott Rozelle từ Trung tâm Kinh tế Trung Quốc của Đại học Stanford và sinh viên thạc sĩ Michael Alisky.
Họ đã thực hiện các cuộc khảo sát vào các năm 2004 và 2009, trước khi Xi Jinping trở thành lãnh đạo Trung Quốc, và trong thời gian ông cầm quyền vào các năm 2014 và 2023. Quy mô mẫu thay đổi, dao động từ 3.000 đến 7.500 người.
Nguồn : M Alisky, S Rozelle và M Whyte (chưa xuất bản, 2024) • Báo các thực hiện năm 2004, 2009, và 2014 là những phỏng vấn trực tiếp, và 2023 là phỏng vấn trực tuyến. Những cỡ mẫu lần lượt là 3,267, 2,967, 2,507 và 7,544.
Năm 2004, gần 60% số người tham gia khảo sát cho biết tình hình kinh tế của gia đình họ đã được cải thiện trong năm năm qua – và cũng tương tự, nhiều người trong số họ cảm thấy lạc quan về năm năm tiếp theo.
Số liệu này tăng lên vào các năm 2009 và 2014 – với 72,4% và 76,5% lần lượt cho rằng mọi thứ đã cải thiện, trong khi 68,8% và 73% cảm thấy hy vọng về tương lai.
Tuy nhiên, vào năm 2023, chỉ có 38,8% cảm thấy cuộc sống đã tốt hơn cho gia đình họ. Và chưa đến một nửa – khoảng 47% – tin rằng mọi thứ sẽ cải thiện trong năm năm tới.
Trong khi đó, tỷ lệ những người cảm thấy bi quan về tương lai đã tăng từ chỉ 2,3% vào năm 2004 lên 16% vào năm 2023.
Mặc dù các khảo sát được thực hiện trên một mẫu đại diện quốc gia trong độ tuổi từ 20 đến 60, việc thu thập ý kiến đa dạng ở Trung Quốc dưới chế độ độc tài là một thách thức.
Các người tham gia đến từ 29 tỉnh và khu vực hành chính của Trung Quốc, nhưng Tân Cương và một phần của Tây Tạng đã bị loại trừ – ông Whyte cho biết đó là “sự kết hợp giữa chi phí cao do vị trí xa xôi và tính nhạy cảm chính trị.” Những khu vực này, nơi có các dân tộc thiểu số, từ lâu đã có mâu thuẫn với sự cai trị của Bắc Kinh.
Những người không sẵn sàng bày tỏ ý kiến của mình đã không tham gia khảo sát, các nhà nghiên cứu cho biết. Những người tham gia đã chia sẻ quan điểm của họ khi được thông báo rằng đây là vì mục đích học thuật và thông tin sẽ được bảo mật.
Những lo lắng của họ được phản ánh trong lựa chọn của nhiều người trẻ Trung Quốc. Khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp buộc phải chấp nhận công việc lương thấp, trong khi những người khác chọn thái độ “nằm phẳng,” chống lại áp lực công việc liên tục. Còn một số khác đã chọn trở thành “trẻ em toàn thời gian,” quay về sống với cha mẹ vì không thể tìm được việc làm hoặc vì đã kiệt sức.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc quản lý Covid-19 một cách chặt chẽ đã góp phần lớn vào việc xóa bỏ sự lạc quan của người dân.
“Đó là một bước ngoặt đối với nhiều người… Nó nhắc nhở mọi người về tính chất độc tài của nhà nước. Người dân cảm thấy bị giám sát chưa từng có,” Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew ở Singapore, cho biết.
Nhiều người cảm thấy chán nản và các đợt cắt giảm lương sau đó “gia tăng khủng hoảng lòng tin,” ông nói thêm.
Moxi, 38 tuổi, là một trong số đó. Anh đã rời bỏ công việc bác sĩ tâm thần để chuyển đến Dali, một thành phố bên hồ ở tây nam Trung Quốc, hiện đang thu hút giới trẻ muốn thoát khỏi những công việc áp lực cao.
“Khi còn là bác sĩ tâm thần, tôi thậm chí không có thời gian hay năng lượng để nghĩ về hướng đi của cuộc đời mình,” anh nói với BBC. “Không có chỗ cho sự lạc quan hay bi quan. Tất cả chỉ là công việc.”
LIỆU LÀM VIỆC CHĂM CHỈ CÓ ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP? NGƯỜI TRUNG QUỐC NÓI “KHÔNG”
Tuy nhiên, công việc dường như không còn là dấu hiệu cho một tương lai đầy hứa hẹn, theo khảo sát.
Vào các năm 2004, 2009 và 2014, hơn 60% người tham gia khảo sát đồng ý rằng “nỗ lực luôn được đền đáp” ở Trung Quốc. Những người không đồng ý dao động xung quanh mức 15%.
Đến năm 2023, cảm giác này đã đảo ngược. Chỉ có 28,3% tin rằng công sức của họ sẽ được đền đáp, trong khi một phần ba không đồng ý. Tỷ lệ không đồng ý mạnh nhất trong số các gia đình thu nhập thấp, những người có thu nhập dưới 50.000 nhân dân tệ (6.989 USD; 5.442 GBP) mỗi năm.
Nguồn : M Alisky, S Rozelle và M Whyte (chưa xuất bản, 2024) • Báo các thực hiện năm 2004, 2009, và 2014 là những phỏng vấn trực tiếp, và 2023 là phỏng vấn trực tuyến. Những cỡ mẫu lần lượt là 3,267, 2,967, 2,507 và 7,544
Người Trung Quốc thường được bảo rằng những năm tháng học tập và theo đuổi bằng cấp sẽ được đền đáp bằng thành công tài chính. Một phần của kỳ vọng này được hình thành từ một lịch sử đầy biến động, nơi mọi người đã kiên nhẫn chịu đựng qua những nỗi đau của chiến tranh và nạn đói.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng đã ca ngợi đạo đức lao động này. “Giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình, chẳng hạn, tương đồng với “Giấc mơ Mỹ,” nơi làm việc chăm chỉ và tài năng sẽ được đền đáp. Ông đã khuyến khích giới trẻ “ăn đắng,” một cụm từ Trung Quốc mang nghĩa chịu đựng khó khăn.
Tuy nhiên, đến năm 2023, đa số người tham gia nghiên cứu của Whyte và Rozelle tin rằng sự giàu có của mọi người chủ yếu đến từ đặc quyền do gia đình và mối quan hệ mang lại. Một thập kỷ trước, người tham gia khảo sát cho rằng sự giàu có đến từ khả năng, tài năng, giáo dục tốt và làm việc chăm chỉ.
Điều này xảy ra mặc dù chính sách “phúc lợi chung” của Tập nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó chỉ dẫn đến việc siết chặt các doanh nghiệp.
Có nhiều dấu hiệu khác của sự bất mãn, như sự gia tăng 18% trong các cuộc biểu tình trong quý II năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Giám sát Bất đồng Trung Quốc (China Dissent Monitor – CDM).
Nghiên cứu định nghĩa biểu tình là bất kỳ trường hợp nào khi mọi người bày tỏ sự bất bình hoặc thúc đẩy lợi ích của họ theo cách mâu thuẫn với quyền lực – điều này có thể xảy ra cả trực tiếp hoặc trực tuyến. Những sự kiện như vậy, dù nhỏ, vẫn mang ý nghĩa lớn ở Trung Quốc, nơi ngay cả những người biểu tình đơn lẻ cũng nhanh chóng bị theo dõi và giam giữ.
Nguồn : China Dissent Monitor, Freedom House
Ít nhất ba trong bốn trường hợp biểu tình là do bất bình kinh tế, Kevin Slaten, một trong bốn biên tập viên của nghiên cứu CDM, cho biết.
Kể từ tháng 6 năm 2022, nhóm đã ghi nhận gần 6.400 sự kiện như vậy cho đến nay.
Họ đã thấy sự gia tăng các cuộc biểu tình do cư dân nông thôn và công nhân phổ thông dẫn đầu về các vấn đề đất đai và mức lương thấp, nhưng cũng ghi nhận những công dân trung lưu tổ chức biểu tình do khủng hoảng bất động sản. Các cuộc biểu tình của chủ nhà và công nhân xây dựng chiếm 44% trong số các trường hợp trên 370 thành phố.
“Tuy nhiên, điều này không ngay lập tức có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ,” ông Slaten nhanh chóng nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cũng cho biết “rất khó để dự đoán” cách mà “sự bất mãn này có thể gia tăng nếu nền kinh tế tiếp tục xấu đi.”
ĐẢNG CỘNG SẢN LO LẮNG NHƯ THẾ NÀO?
Các lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đang lo ngại.
Giữa tháng 8 năm 2023 và tháng 1 năm 2024, Bắc Kinh đã ngừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên sau khi chúng đạt mức cao kỷ lục. Có một thời điểm, các quan chức đã đặt ra thuật ngữ “thất nghiệp chậm” để mô tả những người mất thời gian tìm việc – một danh mục riêng, theo họ, khác với người thất nghiệp.
Các cơ quan kiểm duyệt đã siết chặt mọi nguồn tạo nên bất bình về tài chính – các bài đăng trực tuyến chỉ trích nhanh chóng bị gỡ bỏ, trong khi những nổi tiếng bị chặn trên mạng xã hội vì thể hiện sở thích xa xỉ. Truyền thông nhà nước đã biện minh cho những lệnh cấm này như một phần trong nỗ lực tạo ra một môi trường “văn minh, lành mạnh và hài hòa.” Điều đáng lo ngại hơn vào tuần trước là báo cáo rằng nhà kinh tế hàng đầu, Zhu Hengpeng, đã bị giam giữ vì chỉ trích cách xử lý nền kinh tế của Tập Cận Bình.
Đảng Cộng sản cố gắng kiểm soát câu chuyện bằng cách “định hình thông tin mà người dân có quyền truy cập, hoặc những gì được coi là tiêu cực,” ông Slaten cho biết.
Nghiên cứu của CDM cho thấy, bất chấp mức độ kiểm soát của nhà nước, sự bất mãn đã thúc đẩy các cuộc biểu tình – điều này sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng.
Vào tháng 11 năm 2022, một vụ hỏa hoạn chết người – khiến ít nhất 10 người thiệt mạng vì không được phép rời khỏi tòa nhà trong thời gian phong tỏa Covid – đã thu hút hàng nghìn người ra đường ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc để phản đối các chính sách zero-Covid khắc nghiệt.
Whyte, Rozelle và Alisky không nghĩ rằng các phát hiện của họ chỉ ra rằng “sự phẫn nộ của người dân về… sự bất bình đẳng có khả năng bùng nổ thành một núi lửa xã hội của các cuộc biểu tình.”
Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế đã bắt đầu “gây tổn hại” đến tính chính đáng mà Đảng đã xây dựng qua “nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện mức sống,” họ viết.
Đại dịch vẫn ám ảnh nhiều người Trung Quốc, theo Yun Zhou, một giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan. “Các phản ứng nghiêm ngặt nhưng bất ổn của Bắc Kinh” trong thời gian đại dịch đã gia tăng sự bất an của người dân về tương lai.
Điều này đặc biệt rõ rệt trong số các nhóm thiệt thòi, bà nói thêm, như phụ nữ gặp phải thị trường lao động “phân biệt nghiêm trọng” và cư dân nông thôn lâu nay bị loại trừ khỏi các chương trình phúc lợi.
Theo hệ thống hộ khẩu gây tranh cãi của Trung Quốc, công nhân di cư tại các thành phố không được phép sử dụng các dịch vụ công cộng, như việc cho trẻ em vào học tại các trường do chính phủ điều hành.
Tuy nhiên, những người trẻ tuổi từ các thành phố – như Moxi – đã đổ về các thị trấn xa xôi, bị thu hút bởi giá thuê thấp, cảnh quan đẹp và tự do hơn để theo đuổi ước mơ của họ.
Moxi cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm thấy nhịp sống chậm hơn ở Dali. “Số lượng bệnh nhân đến gặp tôi vì trầm cảm và rối loạn lo âu chỉ tăng lên khi nền kinh tế phát triển,” anh nhớ lại công việc trước đây của mình với tư cách là bác sĩ tâm thần.
“Có một sự khác biệt lớn giữa việc Trung Quốc tăng trưởng và người dân Trung Quốc khoẻ mạnh.”
VỀ DỮ LIỆU
Nghiên cứu của Whyte, Rozelle và Alisky dựa trên bốn bộ khảo sát học thuật được thực hiện từ năm 2004 đến 2023.
Các khảo sát trực tiếp được thực hiện cùng với các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại của Đại học Bắc Kinh (RCCC) vào các năm 2004, 2009 và 2014. Người tham gia có độ tuổi từ 18 đến 70 và đến từ 29 tỉnh, ngoại trừ Tây Tạng và Tân Cương.
Năm 2023, ba đợt khảo sát trực tuyến đã được thực hiện vào cuối quý II, III và IV bởi Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc (CHFS) tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô, Trung Quốc. Người tham gia có độ tuổi từ 20 đến 60.
Các câu hỏi giống nhau đã được sử dụng trong tất cả các cuộc khảo sát. Để đảm bảo các phản hồi có thể so sánh được qua bốn năm, các nhà nghiên cứu đã loại trừ những người tham gia từ 18-19 tuổi và 61-70 tuổi và điều chỉnh lại tất cả các câu trả lời để đảm bảo tính đại diện quốc gia. Tất cả các khảo sát đều có tỷ lệ sai số.
Nghiên cứu đã được chấp nhận để công bố trên Tạp chí Trung Quốc và dự kiến sẽ được xuất bản vào năm 2025.
Các nhà nghiên cứu của China Dissent Monitor (CDM) đã thu thập dữ liệu về “các sự kiện bất mãn” trên khắp Trung Quốc từ tháng 6 năm 2022 từ nhiều nguồn hi chính phủ, bao gồm các báo cáo tin tức, các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động trong nước và các tổ chức xã hội dân sự.
Các sự kiện bất mãn được định nghĩa là các trường hợp mà một hoặc nhiều người sử dụng các phương tiện công khai và không chính thức để bày tỏ sự không hài lòng của họ. Mỗi sự kiện đều dễ nhìn thấy và cũng phải đối mặt với hoặc có nguy cơ bị phản ứng từ chính phủ, thông qua đàn áp thể chất hoặc kiểm duyệt.
Các sự kiện này có thể bao gồm các bài đăng trên mạng xã hội lan truyền, các cuộc biểu tình, treo biểu ngữ và đình công, trong số những hình thức khác. Nhiều sự kiện khó có thể xác minh độc lập.
Biểu đồ được thực hiện bởi Pilar Tomas của Nhóm Báo chí Dữ liệu BBC News.
Kelly Ng và Yi Ma, “Xi Jinping is worried about the economy – what do Chinese people think?”, BBC, 30/9/2024.
Biên dịch : Phong trào Duy Tân
Không chỉ là một nỗ lực chống tham nhũng toàn diện, việc nhắm mục tiêu vào một số quan chức quốc phòng nhất định là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc nhằm tái tạo tổ hợp công nghiệp quân sự của mình.
Các sĩ quan quân đội Trung Quốc đến tham dự phiên họp chuẩn bị của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 4/3/2024 - Ảnh AP/Andy Wong
Vào tháng 8 năm 2024, cựu chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của Trung Quốc, nhắm vào lĩnh vực công nghiệp quân sự. Các báo cáo chỉ ra rằng cuộc thanh trừng này, bắt đầu vào năm 2023, có thể ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng tác chiến của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và ngành công nghiệp quốc phòng nói chung.
Tuy nhiên, phạm vi thanh trừng có thể không nghiêm trọng như những gì đã được công bố. Thay vào đó, nó có thể đóng vai trò là một động thái chiến lược của nhà lãnh đạo hàng đầu Tập Cận Bình để tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Bài đang hot
Hezbollah sẽ tiếp tục đe dọa Israel hay tìm cách bảo toàn lực lượng?
Sau Đại hội Đảng lần thứ 20, các mục tiêu quân sự và quốc phòng quan trọng của ông Tập tập trung vào việc phát triển "chiến lược quốc gia tổng hợp và năng lực chiến lược" để tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc bằng cách thống nhất các lĩnh vực khác nhau. Để đạt được điều này, ông Tập đã xây dựng một tổ hợp công nghiệp quân sự vốn trước đây không hề tồn tại, và việc thanh trừng lĩnh vực quốc phòng là một bước quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.
Tính cấp thiết của cuộc thanh trừng
Tại sao việc thanh trừng trong ngành công nghiệp quốc phòng lại cần thiết để thiết lập một tổ hợp công nghiệp quân sự ở Trung Quốc? Trong thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể, phát triển từ chỗ tụt hậu hàng thập kỷ so với phương Tây để trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu, hiện nay gần như ngang hàng với Mỹ trong một số lĩnh vực chiến tranh nhất định. Sự tiến bộ này phần lớn là do đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp quốc phòng và nỗ lực của ông Tập trong việc thúc đẩy hợp nhất quân sự-dân sự, vốn đã thúc đẩy đáng kể năng lực sản xuất. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những vấn đề tồn tại từ lâu, vì ông Tập đã không thể giải quyết triệt để chúng một cách thành công.
Ví dụ, sau nhiều năm nỗ lực, chỉ có một trong số 41 viện nghiên cứu đã hoàn thành thành công cải cách các viện khoa học và công nghệ quốc phòng. Các yếu tố tác động có thể bao gồm sự miễn cưỡng tham gia của hàng trăm viện nghiên cứu và sự do dự của các cơ quan chính phủ trong việc phối hợp hoặc phê duyệt kế hoạch cải cách, chỉ có một viện nghiên cứu nhận được sự chấp thuận. Điều này làm nổi bật những hạn chế về hành chính và đổi mới chưa được giải quyết trong các viện khoa học và công nghệ quốc phòng cốt lõi, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc nhưng đồng thời vẫn tiếp tục chống lại việc tối ưu hóa toàn diện hiệu quả hoạt động.
Một ví dụ khác là chứng nhận ngành công nghiệp quốc phòng. Kể từ những năm 1980, các cải cách quốc phòng của Trung Quốc đã tập trung vào hai khía cạnh khác nhau: spin-off (ngành công nghiệp quốc phòng thâm nhập thị trường dân sự) và spin-on (sự tham gia của dân sự vào quốc phòng). Trong khi spin-off đã thành công trong việc làm cho các tập đoàn quốc phòng có lợi nhuận, thì spin-on đã gặp khó khăn do tính nhạy cảm của ngành và chủ nghĩa bảo hộ trong nước. Các chứng nhận là bắt buộc đối với các doanh nghiệp dân sự tham gia vào các hoạt động liên quan đến quốc phòng. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã thừa nhận rằng, bất chấp những nỗ lực về chính sách, các thực thể dân sự vẫn phải đối mặt với các rào cản và hạn chế khi gia nhập lĩnh vực quốc phòng.
Những ví dụ này cho thấy mặc dù ông Tập đặt mục tiêu tích hợp các lĩnh vực khác nhau, nhưng ông phải đối mặt với những vấn đề tương tự – chẳng hạn như lợi ích cá nhân và chủ nghĩa bảo hộ – vốn đã cản trở các cải cách trước đây. Nhiều thay đổi chỉ mang tính bề ngoài. Những tiến bộ gần đây về thiết bị và công nghệ quân sự có thể là do đầu tư nguồn lực khổng lồ, nhưng các quy trình vẫn không hiệu quả. Mặc dù điều này có thể bền vững trong một nền kinh tế mạnh, nhưng những thách thức kinh tế có thể làm siết chặt các nguồn lực của Trung Quốc trong tương lai.
Trong bối cảnh này, ông Tập phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các cải cách bị đình trệ, bao gồm cả sự phản kháng từ các quan chức trong lĩnh vực quốc phòng.
Thanh trừng có kiểm soát
Một cuộc thanh trừng quá mức trong ngành công nghiệp quốc phòng có thể cản trở sự phát triển của công nghệ quốc phòng và khả năng quân sự của Trung Quốc. Do đó, cuộc đàn áp của ông Tập phải được kiểm soát một cách ncẩn thận, và các hành động hiện tại dường như phản ánh sự thận trọng này. Mặc dù cuộc thanh trừng đã khiến nhiều quan chức cấp cao bị bắt – đáng chú ý nhất là cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (trước đây là người đứng đầu Cục Phát triển Trang bị từ năm 2017 đến 2022) và Ngụy Phượng Hòa – nhưng tác động đã bị hạn chế hơn so với lúc đầu.
Kể từ năm 2023, ít nhất 15 quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng đã bị điều tra chính thức về tội tham nhũng. Trong số các quan chức cấp cao nhất, chỉ có Đàm Thụy Tùng, chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, và Hà Văn Trung, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, có liên quan. Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như đóng tàu, đạn dược và công nghiệp hạt nhân, các cuộc điều tra chỉ liên quan đến các quan chức cấp cao từ các công ty con hoặc viện nghiên cứu.
Đáng chú ý, chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO) và phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc chưa bị điều tra chính thức, mặc dù vai trò của họ trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã bị thu hồi.
Trương Khắc Kiên, người đứng đầu Cục Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, đã giữ chức vụ này từ năm 2018 và mặc dù không được thăng chức vào Ủy ban Trung ương trong Đại hội Đảng lần thứ 20, nhưng ông không liên quan đến bất kỳ vụ án tham nhũng lớn nào. Tương tự, Kim Tráng Long, cựu phó giám đốc điều hành Văn phòng Ủy ban Phát triển Dung hợp Quân sự-Dân sự Trung ương từ năm 2017 đến 2022 và bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin từ năm 2022, vẫn không bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra tham nhũng và tiếp tục giám sát các vấn đề công nghiệp.
Cuối cùng, các cuộc điều tra chống tham nhũng gần đây đã không dẫn đến việc tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc phòng, không giống như cuộc đại tu vào cuối những năm 1990. Điều này cho thấy ngành công nghiệp có thể tiếp tục hoạt động như bình thường.
Việc mở rộng và tác động của cuộc thanh trừng
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm tàng của cuộc thanh trừng ngành công nghiệp quốc phòng hiện tại, việc so sánh với cuộc thanh trừng trong ngành đóng tàu sau Đại hội Đảng lần thứ 19 có thể cung cấp những hiểu biết quý giá.
Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 19, chủ tịch và tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đã bị điều tra, dẫn đến việc sáp nhập với Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc. Sau khi sáp nhập, các vai trò lãnh đạo trong tập đoàn mới được đảm nhiệm bởi các giám đốc điều hành từ Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc trước đây, biểu thị sự luân chuyển lãnh đạo và thay đổi cơ cấu. Bất chấp những thay đổi này, khả năng mở rộng hạm đội Hải quân PLA của ngành đóng tàu không bị cản trở và thậm chí còn tăng trưởng đáng kể.
Sau Đại hội Đảng lần thứ 20, trong khi cuộc thanh trừng đã mở rộng đến gần như tất cả các tập đoàn quốc phòng lớn, nhưng không có chủ tịch và tổng giám đốc nào từ bất kỳ tập đoàn nào bị điều tra cùng lúc, và cũng không có thay đổi cơ cấu lớn nào trong ngành. Nếu cuộc thanh trừng hiện tại kém quyết liệt hơn so với cuộc thanh trừng trong ngành đóng tàu sau Đại hội Đảng lần thứ 19, thì có thể dự đoán rằng tác động tổng thể sẽ ít hơn.
Do đó, dựa trên những quan sát này, ông Tập đã thể hiện sự kiềm chế trong việc thanh trừng ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này cho thấy mục tiêu chính của ông là tăng cường khả năng quốc phòng của Trung Quốc, thay vì chỉ tập trung vào chống tham nhũng. Cụ thể, cuộc thanh trừng nhắm vào các lực lượng chống lại sự hợp nhất quân sự-dân sự, cho phép tổ hợp công nghiệp quân sự mới được hình dung hoạt động hiệu quả hơn.
Tổ hợp công nghiệp quân sự kiểu Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự trỗi dậy của một "nhóm công nghiệp quân sự" trong giới lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 20. Trên thực tế, ông Tập đã đồng thời thiết lập một tổ hợp công nghiệp quân sự quy mô lớn để thúc đẩy các chiến lược và năng lực quốc gia tích hợp.
Tổ hợp công nghiệp quân sự truyền thống bao gồm sự hợp tác giữa quân đội, công nghiệp và cộng đồng khoa học để hỗ trợ các chính sách có lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng. Trong khi Trung Quốc thiếu các biện pháp kiểm soát và cân bằng của các nền dân chủ phương Tây, hệ thống độc đoán phân mảnh của nước này tạo ra ma sát và chủ nghĩa bảo hộ giữa các lĩnh vực, khiến ngay cả một nhà lãnh đạo quyền lực như ông Tập cũng khó thực hiện đầy đủ các chính sách của mình, chẳng hạn như cải cách các viện khoa học và công nghệ quốc phòng và chứng nhận ngành công nghiệp quốc phòng cho các công ty dân sự. Sự phân mảnh này có thể khiến việc thực hiện các chính sách quốc gia quy mô lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là những chính sách liên quan đến lợi ích cá nhân, trở nên khó khăn như ở các nước phương Tây.
Để ngăn chặn những thất bại tương tự các cải cách công nghiệp quốc phòng trong quá khứ, ông Tập phải thiết lập một tổ hợp công nghiệp quân sự trong phạm vi đảng và chính phủ Trung Quốc. Tổ hợp này sẽ tích hợp lĩnh vực quốc phòng với quân nhân, Quốc vụ viện và các quan chức địa phương gắn liền với ngành công nghiệp quốc phòng, đảm bảo sự phối hợp suôn sẻ từ mua sắm và lập kế hoạch chính sách đến phân bổ nguồn lực, hoạt động công nghiệp và hỗ trợ địa phương. Ông Tập đã sử dụng các cuộc bổ nhiệm nhân sự sau Đại hội Đảng lần thứ 20 để xây dựng một phiên bản tổ hợp công nghiệp quân sự mang đậm bản sắc Trung Quốc.
Thứ nhất, PLA, đơn vị đặt ra nhu cầu mua sắm quân sự, được đại diện bởi ông Tập, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Phó Chủ tịch Trương Hựu Hiệp. Trước khi được thăng chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 2017, ông Trương đã đứng đầu Tổng cục Trang bị (nay là Cục Phát triển Trang bị) từ năm 2012 đến 2017, giám sát nhu cầu trang bị của PLA. Nhiệm kỳ của ông trùng với thời điểm ông Tập thúc đẩy hợp nhất quân sự-dân sự, đưa ông Trương trở thành nhân vật chủ chốt trong việc điều phối các yêu cầu quân sự trong khuôn khổ chính sách này.
Đáng chú ý, Trương Hựu Hiệp không bị liên lụy trong các cuộc điều tra chống tham nhũng sau Đại hội Đảng lần thứ 20, có thể là một quyết định có chủ ý của ông Tập. Cuộc điều tra, được Cục Phát triển Trang bị công bố vào tháng 7 năm 2023, nhắm vào các hoạt động mua sắm quân sự có từ tháng 10 năm 2017 – hoàn toàn trong nhiệm kỳ của Lý Thượng Phúc. Ông Trương được thăng chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và rời khỏi vị trí người đứng đầu cục vào tháng 9 năm 2017. Với quy mô của cuộc điều tra, gần như chắc chắn nó đã được ông Tập chấp thuận. Quyết định giới hạn cuộc điều tra sau khi ông Trương rời đi, tránh xem xét hồi tố, có thể được đưa ra để bảo vệ ông khỏi các cáo buộc trong quá khứ.
Thứ hai, về mặt lập kế hoạch chính sách và phân bổ nguồn lực, các quan chức chủ chốt của Quốc vụ viện giám sát ngành công nghiệp quốc phòng có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp quân sự. Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh, phụ trách phát triển công nghiệp, đã dành hơn 20 năm tại NORINCO, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Trung Quốc. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Kim Tráng Long, người giám sát các vấn đề công nghiệp, đã dành hơn một thập kỷ tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và từng là phó giám đốc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan quản lý lĩnh vực quốc phòng.
Điều quan trọng cần lưu ý là, trong cuộc cải tổ Bộ Khoa học và Công nghệ vào tháng 3 năm 2023 của Trung Quốc, quyền quản lý các lĩnh vực công nghệ cao đã được chuyển giao cho Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin. Điều này cho thấy bộ này đã mở rộng hơn nữa quyền kiểm soát đối với các vấn đề công nghiệp. Điều quan trọng là, khi kế hoạch này được công bố, bộ trưởng khoa học và công nghệ là ông Vương Chí Cương, người có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp quốc phòng từ Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Nhiệm kỳ của ông đã được cố tình kéo dài đến tháng 10 năm 2023 để hoàn thành việc tái tổ chức, mặc dù theo thông lệ, ông sẽ từ chức vào tháng 3.
Thứ ba, các chính quyền địa phương quản lý các cụm công nghiệp quân sự được lãnh đạo bởi các quan chức có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là ở các tỉnh có các đơn vị công nghiệp quốc phòng chủ chốt. Ví dụ, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh Hác Bằng đã làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc; Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang Từ Cần trước đây từng phục vụ trong Bộ Công nghiệp Đạn dược, tiền thân của NORINCO; và Tỉnh trưởng Thiểm Tây Triệu Cương từng là phó tổng giám đốc tại NORINCO.
Thứ tư, vị trí phó giám đốc điều hành Văn phòng Ủy ban Phát triển Dung hợp Quân sự-Dân sự Trung ương được cho là hiện do Lôi Phàm Bồi, cựu chủ tịch Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, đảm nhiệm. Sau khi Kim Tráng Long được điều chuyển vào năm 2022, không có người kế nhiệm nào được công bố chính thức. Tuy nhiên, ông Lôi, một ủy viên của Ủy ban Trung ương lần thứ 20, người thường xuyên xuất hiện cùng với các quan chức cấp bộ trưởng của đảng, được cho là đã đảm nhận vị trí này. Vì ông Lôi có thể là ủy viên Ủy ban Trung ương duy nhất không có chức vụ được công bố công khai, nên suy đoán này có vẻ đáng tin cậy, đặc biệt là khi xem xét vị thế cấp bộ trưởng của vai trò này (vị trí giám đốc thường do phó thủ tướng nắm giữ).
Những diễn biến tiếp theo sẽ là gì?
Một tổ hợp công nghiệp như vậy trước đây chưa từng tồn tại ở Trung Quốc. Trong Quân ủy Trung ương , người duy nhất khác được thăng chức từ người đứng đầu Tổng cục Trang bị lên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Cao Cương Xuyên. Tuy nhiên, ông Cao, người có nền tảng hậu cần, đã chỉ trích hiệu suất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong những năm 1980 và 1990. Điều này đã khiến ông, với tư cách là giám đốc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng từ năm 1996 đến 1998, ủng hộ cải cách ngành công nghiệp quốc phòng và các biện pháp hỗ trợ để đàn áp ngành này. Năm 1998, khi ông được chuyển đến Tổng cục Trang bị mới thành lập, quyền mua sắm quân sự cũng được chuyển từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng sang PLA. Một điểm khác cũng quan trọng không kém là, trong giai đoạn này, không có phó thủ tướng hoặc quan chức cấp bộ trưởng nào trong Quốc vụ viện có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp quốc phòng giám sát ngành công nghiệp này.
Mặc dù một số quan chức có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp quốc phòng đã được bổ nhiệm vào các vị trí cấp tỉnh và Văn phòng Phát triển Dung hợp Quân sự-Dân sự Trung ương trong Đại hội Đảng lần thứ 19, nhưng sự vắng mặt của các quan chức cấp cao có cùng kinh nghiệm trong Quân ủy Trung ương và Quốc vụ viện đã khiến cho việc vượt qua trở ngại quan liêu điển hình của hệ thống quản trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên khó khăn.
Cuộc thanh trừng ngành công nghiệp quốc phòng của ông Tập và việc thành lập một tổ hợp công nghiệp quân sự nhằm thúc đẩy các chiến lược và năng lực quốc gia tích hợp bằng cách huy động các nguồn lực và cải thiện hiệu quả trong sản xuất công nghệ và thiết bị quân sự. Trong khi việc tích hợp nguồn lực là khả thi, thách thức nằm ở việc quản lý hiệu quả sự phối hợp và phân phối. Chỉ riêng sự tồn tại của tổ hợp công nghiệp quân sự là không đảm bảo thành công. Các yếu tố quan trọng bao gồm mức độ thay đổi các thông lệ cố hữu trong ngành công nghiệp quốc phòng và mức độ mà hợp nhất quân sự-dân sự có thể thực sự được tích hợp tốt xuyên suốt các bộ ngành chính phủ và ngành công nghiệp.
K. Tristan Tang
Nguyên tác : "The Logic of China’s Careful Defense Industry Purge", The Diplomat, 12/08/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
K. Tristan Tang là cộng tác viên nghiên cứu tại Dự án Nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng Trung Quốc (RCDA).
Quân nhân, đặc biệt là những người trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, những người tuyên thệ trung thành tuyệt đối với Đảng cộng sản, thường để lại ấn tượng là những người vô cảm hoặc hay cau mày mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, bên trái, đứng cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương CPC Trương Hựu Hiệp trước cuộc họp tại tòa nhà Bayi ở Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 8. © Reuters
Các quan chức quân sự cấp cao đã trở lại vị trí hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Tuy nhiên, tướng Trương Hựu Hiệp lại để lộ một vẻ mặt hoàn toàn khác khi ông gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh vào ngày 29/08 vừa qua. Mặc quân phục của quân đội Trung Quốc, vị sĩ quan cấp cao đã cười tươi rói trước ống kính máy quay của các hãng truyền thông trong và ngoài nước, bao gồm cả các hãng truyền thông Mỹ, sau khi ông bắt tay Sullivan trước cuộc hội đàm.
Đây thực sự là một cảnh tượng đáng ngạc nhiên với Trương, một trong hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương – cơ quan quân đội hàng đầu của đất nước, chuyên giám sát Quân Giải phóng Nhân dân – và là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng cộng sản.
Ngược lại, Sullivan không hề mỉm cười xuyên suốt cuộc họp. Ông đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Ba 27/08, và đã tham dự một loạt các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch nước Tập Cận Bình và nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị.
Nhưng cuộc gặp Sullivan-Trương là đáng chú ý nhất, vì đây là cuộc đối thoại toàn diện đầu tiên trong tám năm giữa một sĩ quan cấp cao của quân đội Trung Quốc và một cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.
Với tư cách là chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình là tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, nhưng nếu chiến tranh nổ ra, Trương Hựu Hiệp mới là người ra lệnh trực tiếp cho quân đội vì ông là vị tướng giám sát quân đội trên chiến trường.
Nụ cười rạng rỡ đáng ngạc nhiên của Trương không chỉ là một cử chỉ thiện chí đối với người Mỹ. Nó rõ ràng đang ám chỉ những thay đổi đáng kể trong cách Trung Quốc tiến hành ngoại giao quân sự và tình hình chính trị trong nước xoanh quanh Tập.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 29/8. © Reuters
Sự thay đổi trong ngoại giao quân sự còn được minh chứng bằng sự trở lại của các nhà lãnh đạo cấp cao của Quân ủy Trung ương trong các cuộc thảo luận với các quan chức quốc phòng Mỹ, sau gần một thập kỷ các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc – những người được xem là có cấp bậc thấp hơn các thành viên Quân ủy Trung ương – đứng ra tham gia các cuộc thảo luận như vậy.
Đối với Sullivan, một cuộc họp với nhân vật cấp cao nhất của Quân ủy Trung ương – người tiếp nhận các thông tin tình báo nhạy cảm nhất ở Trung Quốc – là rất quan trọng. Cho dù chủ đề được đề cập là Đài Loan, Biển Đông, Ukraine, hay Trung Đông, các nhà lãnh đạo Quân ủy Trung ương đều có thể trao đổi nghiêm túc với Sullivan. Đây là điểm khác biệt so với các quan chức từ bộ ngoại giao và bộ quốc phòng, những người phải bám sát các nội dung phát biểu chính thức.
Từng có một cuộc họp giữa một sĩ quan quân đội cấp cao của Trung Quốc và một cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được tổ chức vào năm 2016, khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương lúc bấy giờ là Phạm Trường Long gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, một sự kiện diễn ra dưới thời Tổng thống Barack Obama. Các cuộc đàm phán theo khuôn khổ này đã được tổ chức hàng năm trong nhiều năm trước đó.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (phải) gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tại Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh vào tháng 7/2016. © Reuters
Dù hai nước cũng có một cuộc hội đàm khác vào năm 2018 giữa Hứa Kỳ Lượng, người kế nhiệm Phạm trong vai trò Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông đến thăm Trung Quốc, nhưng cuộc gặp đó chủ yếu mang tính lễ nghi, và về bản chất, nó khác hẳn cuộc gặp giữa Phạm và Rice.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Trương lại nằm trong hàng ngũ các quan chức quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc.
Cha của Tập, Tập Trọng Huân, và cha của Trương, Trương Tông Huân, đều sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây và là đồng minh thân cận của nhau. Khi còn trẻ, họ là đồng chí chiến đấu và cùng trực thuộc Cục Tây Bắc của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản.
Trương Tông Huân, người được cho là đã giành được sự tin tưởng của Mao Trạch Đông, nhà sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã thăng tiến và trở thành một vị tướng.
Trương Hựu Hiệp cũng theo bước chân của cha mình, vươn lên đến cấp tướng. Ông và Tập là thành viên điển hình của "thế hệ đỏ thứ hai," tức con cái của các nhà lãnh đạo đảng thời kỳ cách mạng. Bản thân Trương cũng có kinh nghiệm chiến trường, chủ yếu là từ Chiến tranh Trung-Việt và các cuộc xung đột khác vào cuối thập niên 1970 và 1980.
Bất chấp quan hệ gia đình thân thiết giữa Tập và Trương, Tập vẫn muốn nắm quyền kiểm soát các vấn đề ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả các vấn đề quân sự. Ông liên tục kêu gọi quân đội "trung thành tuyệt đối," dù bề ngoài là trung thành với Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, nhưng thực chất là ông đang kêu gọi trung thành với chính mình.
Dù Tập có thể đặt nhiều niềm tin vào Trương, người lớn hơn ông ba tuổi, ông vẫn ngăn cản các sĩ quan quân đội cấp cao gặp gỡ trực tiếp với các quan chức cấp cao của Mỹ trong lúc ông củng cố quyền lực tuyệt đối của mình.
Trong những năm gần đây, Tập đã đưa các bộ trưởng quốc phòng ít có thẩm quyền hơn lên hàng đầu trong ngoại giao quân sự. Các bộ trưởng quốc phòng vốn chỉ là những thành viên cấp cơ sở của Quân ủy Trung ương và không được phép phát biểu theo ý mình ở bên ngoài. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thể hiện sự tôn trọng chính trị đối với Tập và có xu hướng nhấn mạnh thái độ cứng rắn một cách quá mức, thúc đẩy cái gọi là "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc.
Binh lính Quân đội Giải phóng Nhân dân diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 2019 © Getty Images
Để đáp lại những cuộc họp mà Mỹ xem là vô nghĩa với các bộ trưởng quốc phòng cấp thấp, Washington đã nhiều lần kêu gọi cố vấn an ninh quốc gia của mình được đàm phán với một trong những sĩ quan hàng đầu của Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu mở đầu ngắn gọn tại cuộc họp với Sullivan, Trương Hựu Hiệp được cho là đã nói với người đồng cấp của mình rằng, "Việc ông yêu cầu được gặp tôi đã cho thấy ông thực sự coi trọng an ninh quân sự và mối quan hệ giữa quân đội của hai nước chúng ta". Điều đáng chú ý là Trương đã dám khẳng định, dù vẫn là gián tiếp, về tầm quan trọng của việc các quan chức cấp cao của Mỹ như Sullivan đối thoại trực tiếp với những người như ông.
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nghỉ hưu vào tháng 1 năm sau, nhưng vẫn có một mục đích ẩn giấu đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Sullivan : sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp giữa Tập và Biden trước khi ông rời Nhà Trắng.
Nếu Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, quan hệ với Quân ủy Trung ương sẽ có ý nghĩa to lớn hơn nữa.
Trong cuộc họp, Sullivan và Trương đã nhất trí tổ chức một cuộc đối thoại giữa các chỉ huy quân sự Mỹ và Trung Quốc ở cấp chỉ huy chiến trường. Các cuộc đối thoại kiểu này là rất quan trọng để tránh các cuộc đụng độ ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, ngoài sự thay đổi về ngoại giao quân sự, nụ cười rạng rỡ của Trương còn cho thấy sự thay đổi ở mặt trận trong nước.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và thành viên Quân ủy Trung ương Lý Thượng Phúc đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập, và đã bị thanh trừng vào tháng 6 năm nay. Người kế nhiệm Lý, Đổng Quân, là một cựu sĩ quan Hải quân và được cho là thân cận với Tập hơn Lý.
Đổng lên đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng quốc phòng vào tháng 12 năm ngoái, nhưng kỳ lạ thay, ông lại không được thăng chức thành ủy viên Quân ủy Trung ương tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 20 vào tháng 7.
Trước khi Lý bị thanh trừng, Quân ủy Trung ương có bảy thành viên, và hiện chỉ còn sáu thành viên. Chiếc ghế ở Quân ủy Trung ương bị bỏ trống sau khi Lý bị hạ bệ vẫn chưa có người thay thế, và kết quả là, vị thế của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc trong chính phủ và Đảng cộng sản đã suy giảm.
Tướng Trương Hựu Hiệp (giữa) tuyên thệ sau khi được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh năm 2023. (Ảnh của Yusuke Hinata)
Các cáo buộc tham nhũng nhắm vào Lý tất nhiên cũng khiến các thành viên cấp cao khác của Quân ủy Trung ương, bao gồm cả Trương, trở thành mục tiêu bị chú ý. Lý đã kế nhiệm Trương làm Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương khi Trương trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau đó, Lý tiếp tục được Tập bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng theo đề xuất của Trương.
Sau khi Lý biến mất khỏi tầm mắt công chúng vào năm ngoái, Trương cũng ít xuất hiện trước công chúng hơn, làm dấy lên làn sóng suy đoán rằng ông cũng có thể đang trong tình huống nguy hiểm.
Vậy thì tại sao Trương lại nở nụ cười tươi như thế trước ống kính máy quay ?
Nhìn bề ngoài, đó là một biểu hiện thiện chí với Mỹ. Nhưng Trương cũng có thể có một động cơ thầm kín hơn khi cười tươi trước khán giả quốc tế : để phô trương sự trở lại của mình, xua tan những tin đồn lan truyền trong bối cảnh hàng loạt các cuộc thanh trừng quân sự. Đó là điều mà chỉ một thành viên thế hệ đỏ thứ hai có ảnh hưởng như ông mới có thể làm được.
Với tình hình chính trị và kinh tế trong nước hiện nay, Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tôn trọng vị thế của thế hệ đỏ thứ hai, vì những người này có ảnh hưởng rất lớn trong quân đội. Đó cũng là lý do tại sao Tập vẫn tiếp tục sử dụng Trương, 74 tuổi, làm trụ cột của quân đội dù tuổi của ông đã cao.
Tóm lại, không nên chỉ phân tích chuyến đi Trung Quốc của Sullivan qua những bài phát biểu, mà còn qua nụ cười bất ngờ của Trương, bởi nụ cười này cung cấp cho chúng ta một gợi ý về những thay đổi gần đây trong cán cân quyền lực chính trị ở Bắc Kinh.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "General’s smile hints at changes in China power balance," Nikkei Asia, 05/09/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/09/2024
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Kinh tế hụt hơi, Bắc Kinh càng hung hăng nhưng thời thế đã đổi thay
Les Echos ngày 27/08/2024 nhận xét trong lúc kinh tế đang chậm hẳn lại, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ ba lại không đưa ra được cải cách quan trọng nào. Bắc Kinh chọn xuất khẩu làm lối thoát, nhưng thời thế đã thay đổi.
Đông đảo ứng viên tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 25/02/2018. Reuters - Jason Lee
Ám ảnh quyền lực, Đảng cộng sản Trung Quốc không chịu cải cách
Như thường lệ, trước sự mập mờ xưa nay của Đảng cộng sản Trung Quốc, các nhà phân tích phải xem xét các văn bản để phỏng đoán. Và họ kết luận, những sửa đổi được chờ đợi bấy lâu để đưa kinh tế ra khỏi khủng hoảng ít có cơ được thực hiện. Một số từ khóa cần thiết như "cải cách", "mở cửa", "hiện đại hóa" vẫn có. Như những năm trước, đảng vẫn hứa tạo ra "một không khí thị trường đúng đắn và năng động". Nhưng trong khi cần đẩy mạnh nhu cầu nội địa, chữ "tiêu thụ" chỉ xuất hiện có 5 lần, chữ "công nghệ" đến 45 lần.
Trên trang Asialyst, nhà Trung Quốc học Alex Payette đặt câu hỏi, liệu sự rỗng tuếch của các văn bản có phải là kết quả của sự căng thẳng ngày càng lớn trên chóp bu đảng hay không. Chuyên gia nêu ra một số hiện tượng đáng lo của một hệ thống "đã gần hụt hơi", kể cả xung quanh Tập Cận Bình. Trong quý II, GDP Trung Quốc chỉ tăng 4,7% so với 5,3% của quý I. Địa ốc không thoát khỏi khủng hoảng từ hai năm qua dù chế độ rất cố gắng, trong khi lãnh vực này chiếm hẳn 1/4 nền kinh tế quốc gia.
Ở các chế độ tự do, giải pháp là tăng sức mua cho các hộ gia đình để họ đóng vai trò động cơ của nền kinh tế ; trong đó có biện pháp tăng cường an sinh xã hội. Tuy nhiên Bắc Kinh đang đi thụt lùi. Cần hiểu rằng nỗi ám ảnh thực sự là sự sống sót của đảng cộng sản và việc kiểm soát tuyệt đối cả nước. Không thể có chuyện giao phó tương lai GDP Trung Quốc cho việc tiêu thụ của các gia đình, vì mặc cho bộ máy tuyên truyền quy mô nhất thế giới, người dân không còn lòng tin.
Như vậy chế độ Bắc Kinh vốn lậm vào cơn say đầu tư quá trớn, chỉ còn động cơ cuối cùng là xuất khẩu. Nhưng thời thế đã thay đổi : vào lúc kỹ nghệ Trung Quốc sản xuất thừa quá nhiều, sự đối đầu với Hoa Kỳ và Châu Âu rất rõ ràng. Vì vậy Bắc Kinh vô cùng hung hăng khi Liên Hiệp Châu Âu loan báo các biện pháp tự vệ trước hàng Trung Quốc bán phá giá - một sự hung hăng bộc lộ tình trạng dễ tổn thương của Bắc Kinh. Tờ báo chơi chữ, dùng câu khẩu hiệu của ông François Hollande "Changement, c’est maintenant" (Bây giờ là lúc phải thay đổi), nhưng thay chữ "changement" (thay đổi) thành "tremblement" (run rẩy).
Cuba : Bán thịt bò cho cá nhân bị bỏ tù
Tại một quốc gia cộng sản khác là Cuba, Nhà nước đang siết chặt thương mại tư nhân, nhưng như vậy lại giúp chợ đen phát triển. Le Figaro thuật lại tại khu phố giàu có Vedado, bà Camila, chủ một "doanh nghiệp nhỏ và vừa" (được gọi tắt là "Mipyme") bực tức nói, Nhà nước ấn định giá trần một ký thịt gà là 680 peso (2 euro). Bà sẽ không nhập về nữa, hoặc bán theo kiểu khác - có nghĩa là bán chợ đen. Thịt gà đã biến mất khỏi các quầy hàng ở La Havana từ vài ngày qua. Đây là loại protein cần thiết của người Cuba - thịt heo quá mắc, còn thịt bò bị cấm bán cho cá nhân kẻo bị bỏ tù, chỉ được bán cho nhà hàng.
Một khách hàng của Camila nói nếu không có Mipyme thì chẳng có gì để ăn vì đã hai năm không thấy thịt gà trong các cửa hàng quốc doanh, và nhiều tháng qua cũng không có trong tiêu chuẩn phân phối. Nhà nước còn kiểm soát giá xúc xích (1.075 peso tức 3,10 euro một ký), dầu ăn (990 peso tức 2,90 euro/lít), bột giặt (630 peso tức 1,90 euro), sữa bột (1.675 peso tức 5 euro), trong một đất nước mà lương tháng bình quân chỉ có 3 500 peso (10 euro) ! Isidro, một cựu kinh tế gia cho biết một ký thịt gà chiếm mất 1/3 lương hưu (13 euro), ông sống được là nhờ tiền con gái từ Ý gởi về.
Đặt ra mức giá trần còn nhằm chống lạm phát đã lên đến 3 con số và chống trốn thuế. Bộ trưởng tài chánh Vladimir Regueiro Ale kêu gọi tố cáo những ai bán quá giá, trên 7.000 thanh tra được triển khai trên cả nước. Nhưng các nhà buôn phải trả tiền mặt bằng đô la hay euro để nhập hàng, họ đành hối lộ thanh tra, có người quyết định rời khỏi đảo quốc. Trên thực tế, sự hiện diện của doanh nghiệp tư nhân là mối phiền hà cho hàng ngàn cửa hàng thực phẩm quốc doanh - không chịu sự kiểm tra và thường bán mắc gấp đôi tư thương.
Telegram, một trắc nghiệm cho quy định kỹ thuật số Châu Âu
Trường hợp Pavel Durov, tổng giám đốc mạng xã hội Telegram nổi tiếng bị chính quyền Pháp bắt giữ tiếp tục được các báo đề cập. Xã luận của Le Monde coi "Vụ Telegram là một trắc nghiệm cho Liên Hiệp Châu Âu". Vụ này mở lại tranh luận về việc đáp ứng yêu cầu của châu lục trong chống tội phạm, chống bóp méo thông tin và khủng bố.
Trên các mạng xã hội, tự do ngôn luận có thể đến mức như thế nào ? Pavel Durov, 39 tuổi, cho rằng cần phải hoàn toàn tự do. Đứng đầu một nền tảng có gần 1 tỉ người sử dụng, nhân danh phản đối kiểm duyệt, ông từ chối việc chỉnh đốn nội dung mà hầu hết các nền tảng khác vẫn làm. Durov cũng không trả lời những câu hỏi của cơ quan chức năng tại nhiều nước. Thái độ này khiến Telegram trở thành con dao hai lưỡi : phương tiện quý giá để các nhà đối lập tránh được sự giám sát của các chế độ độc tài, đồng thời là công cụ cho những kẻ ấu dâm, tội phạm, tin tặc, khủng bố đủ loại tha hồ hoạt động.
Chính phương diện thứ hai này kiến Durov bị bắt, vì tư pháp của Pháp muốn thẩm vấn về những tội phạm thực hiện được nhờ Telegram. Việc tạm giữ 24 giờ lúc đầu được kéo dài thành 96 giờ cho thấy các nhà điều tra quan tâm đến những tội danh quan trọng. Vụ này gây chấn động thế giới mạng, đồng thời là trắc nghiệm về tư pháp và chính trị quan trọng cho Liên Hiệp Châu Âu (EU), mà những năm gần đây đã mạnh tay với các nền tảng kỹ thuật số. Đặc biệt dễ tổn thương trước khủng bố và các chiến dịch bóp méo thông tin nhằm gây bất ổn cho các nước dân chủ, các quốc gia Châu Âu buộc phải tăng cường cảnh giác trong sự tôn trọng Nhà nước pháp quyền.
EU phải so găng với các tập đoàn Mỹ vốn đặt nặng tu chính Hiến pháp về tự do ngôn luận, cũng như chủ trương tự do của Silicon Valley nhằm bảo vệ khả năng sáng tạo và lợi nhuận khổng lồ. Các tập đoàn này chấp nhận đối thoại và rốt cuộc đã thuận theo Digital Services Act - quy định Châu Âu về kỹ thuật số năm 2022. Pavel Durov là một trường hợp đặc biệt. Telegram được sử dụng rộng rãi ở Nga kể cả chính quyền, và Moskva phản đối việc bắt Durov. Theo Le Monde, có lẽ cần nhắc nhở Kremlin là tại Châu Âu không ai có thể đứng trên pháp luật.
Lính quân dịch Nga trong nhà tù Ukraine
Le Figaro gặp gỡ nhiều tù binh Nga trẻ tuổi bị bắt trong cuộc đột kích vào Kursk, hiện bị giam ở tỉnh biên giới Sumy của Ukraine. Có gần 350 lính Nga tại đây, giám đốc trại giam khẳng định họ được đối xử tử tế, khác hẳn với tù binh Ukraine bị Nga ngược đãi. Các quản giáo đôi khi rời khỏi phòng giam để các nhà báo tự do trò chuyện với tù binh Nga. Những câu chuyện của họ cho thấy sự thiếu chuẩn bị và vô tổ chức của quân Nga trước cuộc tấn công bất thần của Ukraine.
Igor và Dmitri chỉ còn hai tháng là xong nghĩa vụ. Nhưng ngày 06/08 được lệnh rút lui, trong tay không vũ khí, cả hai sợ hãi chạy băng qua một cánh đồng bắp, trú ẩn trong một căn nhà bỏ hoang, sống bằng đồ hộp trong 10 ngày. Khi nghe tiếng xe chạy đến, họ nghĩ rằng thế là đời tàn, nhưng người Ukraine kêu gọi đầu hàng, và họ ra hàng ngay chẳng cần suy nghĩ.
Nikolai, nhập ngũ được 14 ngày, bị dụ dỗ là cứ ký hợp đồng rồi quân đội sẽ giải quyết giúp mọi vấn đề. Còn Nikita thì vào lính được một tháng, vì muốn có tiền trả nợ để tránh bị mất nhà, được hứa là cho làm tài xế ở hậu phương. Nhưng cả hai bị đưa ra biên giới mà không được huấn luyện. Nikolai tức giận nói, ngay sau những loạt đạn đầu tiên, viên chỉ huy lấy xe chạy trốn trước, bỏ lính ở lại. "Nay có thể họ nói với vợ tôi là tôi đào ngũ để khỏi trả tiền thưởng". Một số tù binh Nga không ngần ngại đả kích mạnh mẽ Kremlin.
Trong phòng giam mà Le Figaro và nhiều báo chí quốc tế đến thăm, tù binh ngủ trên cách giường tầng, ti vi chiếu phim truyện Ukraine, sách chất đầy bên cửa sổ. Khi được hỏi riêng lúc không có quản giáo, một tù binh chê đồ ăn dở, tuy nhiên không bị đánh đập và ngủ rất ngon. Nhiều người phàn nàn không được gọi điện thoại cho gia đình, chỉ được viết thư qua trung gian Hồng thập tự quốc tế. Trong một phòng giam khác, không khí như đi nghỉ hè, lính quân dịch Nga cười đùa với quản giáo, chơi domino, đánh cờ. Họ chờ đợi được trao đổi. Một tù binh cho biết đơn vị 40 người chỉ có 13 còn sống, "chiến tranh không phải như trên game Battlefield".
Israel hùng mạnh, nhưng mãi bất an với hồ sơ Palestine
Tại Trung Đông, Les Echos nhận xét "Sau cuộc tấn công, Israel và Hezbollah hòa dịu tạm thời". Le Figaro nói về "Thế lưỡng nan của chiến lược Israel". Vào week-end cuối cùng của tháng 8, Israel một lần nữa chứng tỏ với các láng giềng - bạn hữu cũng như kẻ thù – về sức mạnh công nghệ và quân sự của mình. Quân đội Israel đã phá hủy các giàn phóng của Hezbollah ở Lebanon, chỉ vài phút trước khi phe này bắn hỏa tiễn sang Haifa và Tel-Aviv.
Bên cạnh đó là sức mạnh ngoại giao và chính trị, được khẳng định qua mối liên hệ với Hoa Kỳ. Washington luôn bảo vệ đồng minh Israel. Trước hết về quân sự, là việc giao những loại bom tối tân và gởi chiến hạm đến Địa Trung Hải. Về kinh tế, thông qua số viện trợ đáng kể và bảo đảm những món vay của Israel. Về chính trị, Mỹ đã phủ quyết 46 nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án người bạn Israel.
Nhờ thế mạnh của quân đội và toàn dân cùng với quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ, Israel chẳng sợ gì bên ngoài. Iran thậm chí còn không bảo vệ được khách mời chính thức Ismael Haniyeh ngay tại thủ đô Tehran trước sự đe dọa của Mossad. Mối nguy của Nhà nước Do Thái là từ bên trong : tại vùng đất Palestine do Israel quản trị, có 7 triệu người Do Thái sinh sống cùng với 7 triệu người Ả Rập, đa số theo Hồi giáo. Thỏa thuận Abraham với các nước Ả rập như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrein, Morocco, Sudan… mang đầy hy vọng, nhưng Saudi Arabia đã dừng lại sau khi Israel trả đũa vụ thảm sát ngày 07/10.
Trong ngắn hạn, Israel là một Nhà nước hùng mạnh với kinh tế giàu sáng tạo, quân đội hùng hậu, đồng minh đầy uy lực. Nhưng về lâu về dài, phải đối mặt với thế lưỡng nan. Phương Tây đề nghị tạo điều kiện cho việc thành lập một Nhà nước Palestine tại Dải Gaza và West Bank (Cisjordanie). Nhưng ông Netanyahou đặt vấn đề, ai có thể bảo đảm là người Palestine sẽ không tấn công Israel ? Le Figaro cho rằng đã đành như vậy, nhưng một cuộc chiến không hồi kết với người Palestine cũng không mang lại cảm giác an toàn. Nếu muốn lưu danh trong lịch sử, ông phải tìm ra được một giải pháp.
Macron đóng cửa với ứng viên cánh tả
Về thời sự nước Pháp, việc tổng thống Emmanuel Macron bác bỏ ứng cử viên chức thủ tướng của cánh tả, tất nhiên bị nhật báo thiên tả Libération lớn tiếng phê phán. Còn theo nhật báo kinh tế Les Echos, không chỉ vì nhân vật này ít ai biết đến, mà điều quan trọng là chương trình Mặt trận Bình dân Mới áp đặt rất nguy hiểm cho nền kinh tế cũng như về mặt xã hội.
Tổng thống Macron có thể bổ nhiệm một nhân vật "đối lập", tuy nhiên không phải để xóa bỏ tất cả những gì ông đã xây dựng trong bảy năm qua. Thế nhưng bà Lucie Castets, người được cánh tả giới thiệu đã khẳng định sẽ bác toàn bộ, từ thuế khóa, cải cách hưu trí cho đến lương tối thiểu. Có thể bà tin vào chủ trương này, cũng có thể bà là con tin của cực tả. Đối với nhật báo thiên hữu Le Figaro, là cảm giác "vừa nhẹ nhõm vừa mơ hồ". Sau nhiều tuần lễ liên minh cánh tả gây áp lực, Macron đã đóng lại cánh cửa. Nước Pháp tránh được thảm họa nhưng vấn đề vẫn còn đó, và cần nhanh chóng giải quyết vì lợi ích của đất nước.
Thụy My