Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 23 février 2022 22:01

Suy tư và tâm sự của một người

Lời tòa soạn : Chúng tôi gởi đến quý độc giả những suy tư và tâm sự của nhà báo tự do Trần Quốc Việt.

 Trần Quốc Việt, 62 tuổi, đã đến Hoa Kỳ năm 1992, theo diện HO. Thân phụ của ông là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, trở về sau hơn 10 năm bị giam cầm trong các nhà tù và trại cải tạo từ Nam ra Bắc.

Xuất thân từ một gia đình đông con (11 người) và nhất là được sinh ra và lớn lên từ miền Trung sỏi đá, hai yếu tố này đã hun đúc cho Trần Quốc Việt một ý chí sắt đá : vượt lên mọi khó khăn để mở rộng kiến thức. Và anh đã thành công.

giugin0

Học sinh tiểu học Đà Nẵng ngày nào

Tốt nghiệp tiểu học ở trường Hồ Đắc Hanh, rồi lên bậc trung học ở trường Phan Châu Trinh gần được 2 năm thì biến cố 30/4 xảy đến. Thân phụ bị đưa đi học tập cải tạo, anh đã cùng với những anh chị em trong gia đình phụ mẹ ra chợ buôn bán. Sau khi thân phụ ra tù, anh được cha mẹ cho ra Huế ghi danh vào Đại học Tổng hợp Huế. Qua Mỹ năm 1992, anh đã được trường đại học danh tiếng nhất California, Berkeley, nhận vào học. 

Giới thiệu Trần Quốc Việt, chúng tôi muốn giới thiệu một trong những biểu tượng của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, một người trẻ lớn lên dưới chế độ toàn trị vẫn không đánh mất giấc mơ trở thành một người có ích cho gia đình và cho xã hội. Trong hơn 15 năm qua, Trần Quốc Việt đã dịch và viết rất nhiều bài bình luận về những vấn đề lớn của Việt Nam. Tuy bị vợ la và người quen ngại gặp, anh vẫn không bỏ cuộc vì biết rằng công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ đòi hỏi rất nhiều bàn tay, rất nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực. 

Trần Quốc Việt gởi tăng quý độc giả vài câu của nhà thơ Viên Linh trong bài "Thủy mộ quan" :

"Sinh ở đâu mà giạt bốn phương

Trăm con cười nói tiếng trăm giòng

Ngày mai nếu trở về quê cũ

Hy vọng ta còn tiếng khóc chung".

Chúng tôi trân trọng gởi đến quý độc giả bài "Gìn vàng giữ ngọc tâm hồn" và "Bài văn vào Berkeley"

******************

Gìn vàng giữ ngọc tâm hồn

Trần Quốc Việt, 23/02/2022

Kim đồng hồ văn minh đã ngừng lại trước câu khẩu hiệu tôi bắt đầu thấy hằng ngày ở trong hẻm sau ngày địa ngục trần thế mở ra ấy

"Dù cho bão táp mưa sa

Khách lạ đến nhà trình báo công an".

Cuộc đời ngày hôm qua không còn nữa. Bức màn tre đã đóng sập xuống cuộc đời của hàng triệu người dân miền Nam, trong đó có tôi đang học lớp đệ lục.

giugin2

Ngôi nhà vắng ba bị ở tù cải tạo ở ngoài Bắc, sau đó vắng tiếp chị đầu đã vượt biên. Chẳng bao lâu vắng tiếp hai anh em phải vào Sài Gòn để nương thân với người chú. Đồ đạc trong nhà cũng vắng nốt để sinh sống. Má tôi bắt đầu đội thúng gạo đi bán ở chợ gần ga, anh em tôi đi mót cá ở bến cá, hay đi bán nước trà ở nhà ga. Còn lại mình tôi với mấy đứa em nhỏ non dại trong căn nhà gần như trống trải.

Nhưng vắng nhất là những cuốn sách và báo tôi thường đọc ở cuộc đời cũ chỉ mấy tháng trước đó. Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi, Thời Nay, Thằng Vũ, Con Thúy, Dũng Đa Kao, Điệu Ru Nước Mắt, Con Sáo Của Em Tôi, Cánh hoa chùm gởi, Tam Quốc Chí, Bố Già, Papillon Người Tù Khổ Sai, những sách của Remarque… Cây tâm hồn bắt đầu khô lá vì thiếu nước.

Những người bạn tinh thần ấy đã bị tịch thu, bị quăng vào lửa, bị xé rời ra để bán ve chai, bị vất vội vàng xuống cống, bị dùng làm giấy vệ sinh. Kim đồng hồ văn minh chạy trở lại nhưng ngược chiều.

Nhiều buổi sáng nhìn nắng vàng mới chiếu trên sân và nghĩ đến một ngày dài dằng dặc và trống vắng, tôi muốn gặp lại những người bạn chân tình ngày cũ ấy, muốn ngửi lại mùi của bạn, đọc lại bạn, tìm lại cảm giác say mê sung sướng êm đềm ngày xưa khi tôi ngồi đọc sách ở ngoài sân dưới bóng cây mận, nằm đọc trong mùng vào buổi tối lúc bên ngoài mưa gió đi về, vào buổi trưa khi trời miền Trung nắng gắt và mồ hôi toát ra rất nhiều, đọc vào buổi chiều khi hoàng hôn phủ ráng hồng.

Thằng bé tôi thèm đọc nên nó bắt đầu đọc sách miền Bắc. Thép Đã Tôi Thế Đấy, Con Đường Đau Khổ, Dấu Chân Người Lính, Hòn Đất, Buổi sáng, Những Khoảng Cách Còn Lại… Cây tâm hồn được tưới một nguồn nước khác nhưng lá không thể nào xanh tươi. Hận thù, giai cấp, cách mạng, đấu tranh, bạn thù bay lên như đàn ong vỡ tổ chích vào tâm hồn còn trinh bạch thơ ngây ngày trước. Cây tâm hồn chao đảo trước cơn gió nghịch mới từ phương Bắc lồng lộng thổi đến.

Tôi bắt đầu đi dạo vào buổi chiều. Từ nhà tôi đi đến bờ sông Hàn và đôi khi đến Cổ viện Chàm nằm ở cuối bờ sông để thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản phần nào. Đôi khi tôi dừng lại ở quầy báo bên bờ sông đối diện bưu điện để đọc cọp, và thỉnh thoảng ghé vào phòng thông tin ngay ngã tư đường Hùng Vương và Yên Bái để đọc vội tất cả các tờ báo. Đọc để mà đọc và để biết chút ít về thế giới bên ngoài bức màn chứ thú đọc sách đã gần như không còn nữa.

Cuộc sống nghèo khổ, đớn hèn trôi lờ đờ và vật vờ như những cánh bèo sát bờ sông. Buồn và cô độc, tôi đã tự học tiếng Anh say mê, học dưới đèn dầu khi cúp điện, học bên lò bếp nấu bằng trấu, học khi đi dạo, học khi làm việc nhà, học và học.

Ngày nọ, người hàng xóm cho tôi cuốn sách tiếng Anh rất dày, ngoài bìa in hình một Kim tự tháp lớn giữa sa mạc cát vàng. Cuốn sách nói về lịch sử văn minh thế giới với rất nhiều ảnh và tranh. Một kho báu vô giá đối với tâm hồn khao khát tìm hiểu, khao khát mở ra chân trời tinh thần mới. Tôi đọc nó bất kỳ lúc nào rảnh. Tôi đọc nhiều đến nỗi má tôi hay la : "Đa thư loạn tâm". Nhưng má tôi không biết rằng đối với tâm hồn tôi kim đồng hồ văn minh bắt đầu chạy bình thường và đúng chiều chỉ nhờ sách ấy. Cánh cửa lớn của cuộc đời cũ đã đóng lại nhưng cửa sổ tâm hồn mới bắt đầu mở ra để tiếp tục đón nhận những làn gió mát và dòng nước mới. Cuốn sách khổ lớn dày hơn 500 trang ấy là chiếc phao cứu sinh tinh thần đời tôi.

Người bạn và người thầy khai tâm và khích lệ tinh thần tôi rất nhiều chính là cuốn sách Mỹ ấy. Giờ đây ốc đảo tâm hồn tôi bắt đầu xanh tươi giữa sa mạc cách mạng khô cằn. Từ đấy tôi bắt đầu lùng sục và mua những cuốn sách tiếng Anh cũ hay mượn sách từ những người quen và bạn bè. Mỗi cuốn sách là niềm vui mới, khám phá mới. Có nhiều cuốn tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng tôi vẫn luôn quay về với cuốn sách lịch sử thế giới ấy. Tôi đặt nó ở đầu giường. Theo thời gian, nhiều trang sách bị quăng, gáy sách bắt đầu mòn và mép sách đen lại và cáu bẩn vì mồ hôi tay.

Ba tôi đi tù về. Ông gần như suy sụp hoàn toàn về tinh thần và tối ngày lo cho mấy con heo để phụ vợ. Tôi nộp đơn thi đại học trở lại. Tôi thi đậu vào đại học khoa tiếng Anh và ba tôi lúc này đi làm thợ mộc. Ba tôi đóng cho tôi một cái rương lớn để mang theo ra Huế.

Ngày đầu tiên khi mới nhận giường ở trong phòng có độ chục sinh viên ngoại ngữ mới và cũ, một sinh viên lớp trên nằm trên giường tầng trên quăng xuống cho tôi tờ báo New Times của Liên Xô và nói tôi dịch một bài đã chọn trước. Tôi đứng cạnh giường dịch một mạch từ đầu đến cuối. Cả phòng kinh ngạc. Chính, một sinh viên Nga văn người Nha Trang, nói "Sao không vượt biên ?". Tôi cười và mời cả phòng một chầu cà phê để làm lễ nhập phòng.

Trưa hôm sau, thầy Thành dạy môn thể dục gọi tôi ra ngoài và yêu cầu tôi đi cùng với thầy lên sân thượng của trường. Tôi linh cảm điều gì đấy không hay. Đến nơi, thầy nói đại ý rằng vì Việt là người tàn tật (tôi bị tật bẩm sinh ở tay và chân bên trái) cho nên nhà trường phải thử xem Việt có đủ sức khỏe theo học không. Nói xong, thầy bảo tôi xách một xô nước đầy đi qua đi lại. Tôi gắng sức cầm xô nước lên, nhưng chỉ đi được vài bước thì bỏ xuống. Xô nước quá nặng và nền sân thượng thì đầy rêu trơn. Xô nước quá nặng so với cuốn đại tự điển Anh Việt Nguyễn Văn Khôn tôi hay dùng. Nhưng tủi nhục trong lòng trước chuyện này còn nặng nề và ám ảnh hơn rất nhiều lần.

Sáng ngày mai tôi nhận giấy báo không được theo học vì lý do sức khỏe. Tôi cũng đoán được kết cục nên không buồn lắm chỉ tiếc công của ba tôi bỏ ra cả tuần lễ để đóng cái rương. Tôi mời hết cả phòng đi uống cà phê để chia tay. Cả bọn kéo nhau đi đến quán ở gần cuối đường Nguyễn Huệ. Đang đi chúng tôi chợt thấy thầy trưởng phòng đào tạo của trường đạp xe đến. Thầy gọi tôi lại và nói trường đã quyết định cho Việt đi học trở lại.

Chương trình học tiếng Anh 5 năm rất nhẹ nên tôi có rất nhiều thời gian rảnh. Tôi bắt đầu mua sách tiếng Anh ở các tiệm sách cũ để đọc. Cuốn sách tiếng Anh gây ấn tượng nhất tôi đọc được là cuốn Siddhartha của nhà văn Đức Herman Hesse. Rồi Chùm nho uất hận, Chuột và Người của John Steinbeck, sách của Albert Camus và của Somerset Maugham, v.v…

Năm năm sau ra trường tôi mang về nhà tấm bằng không bao giờ dùng đến và một rương đầy sách tiếng Anh. Tương lai mờ mịt. Cha mẹ bắt đầu già yếu. Anh em lao động phu phen vất vả. Và khẩu hiệu :

"Dù cho bão táp mưa sa

Khách lạ đến nhà trình báo công an"

vẫn còn ở đầu hẻm.

Tôi bắt đầu đi dạo trở lại như những năm trước nhưng không còn đọc báo cọp nữa. Cuộc đời tôi vẫn là những cánh bèo trôi vật vờ với rác rưởi lưu cửu ở bờ sông Hàn. Tôi sống không nhiều mơ mộng sau khi ra trường, đôi khi chỉ mơ đi làm để có tiền mua những cuốn sách tiếng Anh, nếu may ra tìm được, để tiếp tục bảo vệ và nuôi dưỡng ốc đảo tâm hồn mình dưới bóng tối toàn trị dày đặc.

Trong thời gian này tôi đọc lại những cuốn sách trong rương cũ. Đôi lúc sau khi đọc xong một cuốn sách tôi ngước nhìn lên bầu trời và nghĩ rằng đôi tay mình mới vừa chạm đến mép ngoài của nền văn minh tinh thần con người đang hiện hữu ở một tinh cầu xa xăm đâu đó bên ngoài bức màn đang tiếp tục đè xuống và làm rạn vỡ biết bao nhiêu châu ngọc tâm hồn con người.

Trần Quốc Việt

(23/02/2022)

**********************

Bài văn vào đại học Berkeley 

Tôi sinh ra đời là đứa bé tàn tật trong một gia đình nghèo đông con ở Việt Nam. Buồn thay, tôi cũng sinh ra đời để vội vã lớn lên trong hoàn cảnh của một trong những cuộc nội chiến tàn nhẫn và đẫm máu nhất trong thế kỷ hai mươi, "thế kỷ đau thương".

giugin3

Campus of UC Berkeley in California, United States.

Không lạ gì khi tuổi thơ nhạy cảm và non dại của tôi bị ám ảnh từng cơn bởi nỗi sợ chiến tranh. Tuy nhiên, đấy chỉ là phần rất nhỏ những gì tôi trải qua. Chiến tranh thực sự đã cướp đi ở tôi sự ngây thơ cần thiết và quý giá cũng như sự bình an bình thường trong tâm hồn. Tựa như tấm vải liệm vô hình của số phận, chiến tranh đã phủ kín những năm đầu đời của tôi dưới bầu trời này. Tôi thấy những xác chết đáng thương hình hài không nguyên vẹn, nỗi lo sợ dường như lúc nào cũng phảng phất trên khuôn mặt của ba má, và nghe những tin tức cùng những tin đồn đáng sợ hàng ngày về cuộc chiến truyền lan khắp nơi trong thành phố và đôi lúc được nhắc đến bên bữa cơm tối gia đình. Thỉnh thoảng giữa khuya khi có pháo kích, má tôi thường đánh thức tôi dậy và giục tôi chạy thật nhanh ra khỏi nhà. Chúng tôi thường ngồi núp trong cái hầm trú ẩn đắp bằng những bao cát ở ngoài sân. Rồi sáng hôm sau tôi đi học và lại nghe bạn bè kể những chuyện tương tự. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi sớm đủ chín chắn để nhận thức rằng sống được là điều đáng quan tâm nhất còn mọi thứ khác, từ chuyện cổ tích đến những giấc mơ, dần dần đều phai nhạt thành những gì xa xỉ gần như đã không còn nữa.

Mỉa mai thay, kết thúc bất ngờ của chiến tranh chỉ tạo ra những bi kịch liên tiếp. Ba tôi bị tống vào những trại cưỡng bức lao động ở các vùng miền Bắc xa xôi. Chị đầu tôi quá tuyệt vọng nên đã trốn khỏi Việt Nam. Người mẹ nhẫn nại và can đảm của tôi đã vất vả vô cùng để nuôi gia đình còn lại với đàn con mười đứa. Năm ấy tôi chưa đầy mười ba tuổi.

Hòa bình, trong trường hợp tôi, còn tệ hơn chiến tranh. Tôi không thể theo học các trường cao đẳng hay đại học sau khi tôi học xong trung học. Tôi học lên được nhưng tôi không có đủ tư cách chính trị để được học tiếp. Dù sao, chế độ hầu như đã phân loại gia đình tôi là những công dân hạng hai lạc hậu về mặt chính trị, là tầng lớp bị hất hủi nhất trong bậc thang giai cấp đương thời.

Mười năm sau, ba tôi trở về nhưng ông đã khô héo cả tinh thần lẫn thể chất. Chẳng bao lâu tôi được theo học đại học sau khi tôi thi đậu một kỳ thi đại học khó. Niềm vui đi học tiếp của tôi song lại quá ngắn ngủi. Sau ngay tháng đầu tiên ở trường đại học, tôi cay đắng nhận ra rằng trường chỉ còn là bộ máy tuyên truyền thô bạo của chế độ hà khắc. Ở đấy kiến thức và các chân lý phổ quát sẵn sàng bị bóp méo để cho ra lò những cán bộ trung thành về chính trị nhưng trống vắng phần nào về tâm hồn thay vì tạo ra nhưng con người say mê và có ích. Ví dụ, ngành học của tôi là tiếng Anh, nhưng trên thực tế, tôi phải học một thứ tiếng Anh bị chính trị hóa quá nặng và chỉ những môn học về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không bao giờ có cơ hội học những môn cần thiết cho việc giáo dục bình thường như các môn về nhân văn, nghệ thuật, và xã hội.

Tôi đã bảo vệ được tâm hồn của mình trước tất cả những nỗ lực cải tạo ý thức hệ của chế độ. Nhưng, tựa như một ốc đảo hoàn toàn khép kín, tôi ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, cô đơn hơn, và rỉ sét hơn về tinh thần trong khi các làn sóng thông tin và tinh thần dân chủ đang chảy qua khắp thế giới bên ngoài. Sau khi ra trường, tôi không thể nào tìm được việc làm do "vết nhơ" chính trị trong quá khứ của ba tôi. Trong thời gian lạc lõng về lòng tin này, tôi viết một vài tiểu phẩm kín đáo chỉ trích những bất bình đẳng trong xã hội và cũng bắt đầu mơ về Abraham Lincoln và về Tượng Nữ Thần Tự Do ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Gia đình tôi di dân đến Hoa Kỳ vào năm 1992. Giống như bao di dân khác đến Mỹ, chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới của mình với nhiều hy vọng và lạc quan. Hơn nữa, tôi cố gắng quên đi quá khứ trĩu nặng những đau buồn của mình ở Việt Nam, một quê hương rất nghèo và bất hạnh mà tôi mãi mãi thương yêu. Tuy nhiên, tôi hiểu tôi nên sống cho hiện tại và tương lai ở Mỹ, quê hương thứ hai của tôi. Rõ ràng quên đi một phần đời mình hoàn toàn không dễ dàng. Giống như những giọt nước mắt bỗng dưng chợt đến, quá khứ thỉnh thoảng lẻn vào tôi trong giấc ngủ.

Hiện nay, tôi đang cần cù học những môn yêu cầu cho chuyên ngành thương mại, và đồng thời tôi say sưa lấp đầy những lỗ hổng lớn trong kiến thúc của mình. Không có gì ngạc nhiên khi những trải nghiệm cay đắng trong quá khứ giúp tôi tìm thấy con đường đi đúng trong hiện tại. Tôi trở thành người dạy kèm tự nguyện môn toán và tiếng Anh cho những học sinh mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như học sinh người Việt, người Mễ, người Đại Hàn vân vân. Kỳ diệu là qua lắng nghe những câu chuyện họ kể tôi cũng nhận thức ra đôi điều. Điều đầu tiên là ngôi làng toàn cầu của chúng ta không hẳn là hạnh phúc như có nhiều người trong chúng ta tưởng. Điều thứ hai là câu chuyện về cuộc đời quá khứ của tôi không hẳn là câu chuyện rất không bình thường chừng nào vẫn còn nghèo đói, chiến tranh và thất học.

Đối với tôi, giấc mơ Mỹ là một nền học vấn tốt. Khi mơ ước ấy thành sự thật, nó sẽ giúp tôi làm được gì đó tích cực hơn trong cuộc đời còn lại của mình. Trường đại học của các bạn là nơi kế tiếp tôi muốn tiếp tục nuôi tiếp giấc mơ suốt đời ấy.

Trần Quốc Việt

***

Personal Statement 

Viet Quoc Tran

Hình ảnh Đà Nẵng xưa

I was born a disabled boy in a poor and crowded family in Vietnam. More sadly, I was also born to hastily grow up in the circumstances of one of the most bloody and merciless civil wars in the twentieth century, a "century of sorrow". 

Not surprisingly, my sensitive and tender childhood was fitfully obsessed by fears of the war. However, this was just the tip of the iceberg. Indeed, the war robbed me of precious, necessary innocence and of an ordinary peace of mind as well. Like an invisible shroud of fate, the war certainly wrapped up my first years under the sun. I saw the pitifully maimed corpses, the almost constant anxiety reflected on my parents’ faces, and heard the frightening war-related news and rumors circulated daily around my hometown and sometimes at the dinner table of the family. Sometimes at night when there would be an air raid my mother would wake me up and urge me to quickly run out of the house. We would hide in our sandbag-built shelter in the yard. Then, the following morning I went to school and heard similar stories from my classmates. From such situations I was soon mature enough to realize that to live was the most important concern and that everything else, from fairytales to dreams, gradually faded into nearly lost luxuries.

Ironically, the sudden end of the war brought about only successive tragedies. My father was thrown into the forced-labor camps in remote northern regions. My eldest sister was so hopeless that she managed to escape from Vietnam. My persistent, courageous mother extraordinarily struggled to support our remaining family with ten children. By that time I was not yet thirteen years old. 

Peace was, in my case, worse than the war. I could not study at any college or university after I graduated from high school. I was academically eligible but not politically qualified to study more. After all, the Communist regime had already classified my family as politically backward second class, the untouchables of a modern caste system. 

Ten year later, my father was free but already physically and mentally withered. Soon I was accepted to study at a university after I had passed a difficult entrance examination. My joy was, however, short-lived. After the first month at the university, I bitterly came to realize that it has been reduced almost to a rudely propagandizing apparatus of the repressive regime. There knowledge and general truths were readily distorted and manipulated to turn out the politically loyal yet partly soulless cadres rather than the useful and motivated persons. For instance, my major was English but, in practice, I had to learn a heavily politicalized English language and only Communism-related courses. I never had any chance to study courses necessary to general education, such as the arts, humanities and social sciences. 

I managed to protect my mind and heart from all the ideological efforts of the regime. Somehow, like a totally closed oasis, I became mentally poorer, lonelier and rustier while waves of information and of democratic spirit continued to wash over the outside world. After my graduation I could not land any job due to the political "stain" on the past of my father. During this period of confidence disorientation, I wrote a couple of coded stories criticizing social inequalities and also began to dream of Abraham Lincoln and of the Statue of Liberty beyond the Pacific Ocean. 

My family immigrated into the United States in 1992. Like the other immigrants to America, we have started our new lives with a lot of hope and optimism. Moreover, I have tried to forget my sorrow-laden past life in Vietnam, a very poor and unlucky land which I will always love so much. Nevertheless, I understand that I should live for the present and the future in America, my second country. Obviously, to forget a part of my life is far from easy. Like rediscovered tears, the past sometimes sneaks on me in sleep. 

At present, I have been diligently studying required courses of business, my major, and, at the same time, interestedly filling big holes in my knowledge. No wonder, the bitter experiences in the past have helped me find the right path to follow in the present. I have become a voluntary tutor in Math and English, especially for those students whose first language is not English, such as the Vietnamese, Mexican, Koreans and so on. Wonderfully, they also help me realize many things through my listening to their stories. The first thing is that our global village is not really as happy as some of us have thought. Secondly, my story of past life is not an extreme one as long as there are still poverty, war and ignorance. 

For me, the American Dream is a good education. Once the dream comes true, it will enable me to achieve something more positive in the remaining productive years of my life. Your university is the next place where I want to continue growing toward that lifelong dream.

Viet Quoc Tran

Additional Info

  • Author Trần Quốc Việt
Published in Văn hóa