Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Câu chuyện cũ với một cán bộ an ninh tôn giáo

Cách đây 10 năm, sau những lần tôi bị triệu tập lên cơ quan An ninh điều tra" để "làm việc về những bài viết" nhưng hình như chưa đủ, thỉnh thoảng an ninh tôn giáo lại "mời café nói chuyện".

tao1

Một lần một Trung tá an ninh tôn giáo mời café để "nói chuyện" sau bài viết của "Ba mươi năm tội ác xâm lược biên giới, đâu rồi lòng yêu nước".  Nội dung bài viết lên án hệ thống báo chí cộng sản đã câm miệng hến hoàn toàn trước sự kiện kỷ niệm 30 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc và sự ươn hèn của một chế độ bạc nhược khiếp sợ trước kẻ thù.

Bài viết cũng đặt ra những câu hỏi về hệ thống những tên du côn, du đãng, nghiện ngập được chính quyền huy động bao vây Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Nhà thờ Thái Hà trong đêm, hô hào "Giết Kiệt, Giết Phụng" mà báo chí cộng sản và cơ quan chính quyền, ngoại giao gọi là "quần chúng tự phát" "vì lòng yêu nước" (sic) đã trốn ở đâu để những vong linh các liệt sĩ nằm trên biên giới phải tủi hổ đắng cay khi hy sinh cho một chế độ bạo tàn.

Trong buổi nói chuyện, viên Trung tá an ninh đặt vấn đề về bài viết của tôi. Buổi nói chuyện có nội dung cơ bản như sau :

Anh viết như vậy là sự thật, vì anh trích dẫn rõ ràng. Nhưng không phải sự thật nào cũng được nói ra. Bởi có những sự thật nói ra ảnh hưởng đến những điều khác không có lợi.

Tôi trả lời ngay :

- Miễn là sự thật được nói lên, còn có lợi hay không, tùy theo người đọc và hiểu. Là con người, đã nói là phải nói thật, chứ không phải vì không có lợi cho mình thì không dám nói ra hoặc vì lợi mà nói dối.

- Nhưng có những sự thật nói ra có hại, chẳng hạn như một cô bé bị hiếp dâm nếu khi xét xử báo chí nêu cụ thể ra thì cuộc đời nó còn gì là tương lai ?

- Chuyện bảo vệ Biên giới, lãnh thổ và lòng yêu nước của người dân khác hẳn với chuyện hiếp dâm. Nếu chú ví chuyên Tàu xâm lược Việt Nam như hiếp dâm một cô bé thì chú nhầm. Bởi Việt Nam đã trưởng thành từ ngàn năm trước và đã chiến đấu và chiến thắng ngang ngửa chứ không phải yếu thế để bị hiếp dâm như bây giờ.

Và nếu bị hiếp dâm mà nói ra, thì một người bị thiệt hại, còn hơn lòng yêu nước của hàng triệu con người và lớp lớp những đứa trẻ khác bị tiêu vong và cuối cùng là cả dân tộc làm nô lệ.

Nhưng có những chuyện đảng và nhà nước làm nhân dân làm sao biết được ? Bởi có những chuyện người lớn làm không thể cho trẻ con biết.

- Tại sao lại không ? Thế có nghĩa là đảng và nhà nước này tự coi mình là cha mẹ, còn dân chúng toàn là trẻ con ngu ngơ nên không cần biết việc cha mẹ chúng nó làm ? Kể cả việc cha mẹ nó bán nhà đi đánh bạc và nghiện hút ? Chú cần biết rằng bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân. Huống chi đảng luôn tự xưng mình là đầy tớ nhân dân thì thử hỏi có đời nào đầy tớ làm gì thì làm ông chủ không được biết hay không ?

Không, không thể để đảng và nhà nước này tự do thông đồng với giặc và thậm chí bán nước mà người dân là chủ đất nước này không hề được biết.

Anh nói vậy chứ đảng và nhà nước ta luôn coi Trung Quốc là kẻ thù, dù bên ngoài nói vậy là do hữu nghị, ngoại giao, còn thực tế thì đảng vẫn coi Trung Quốc là kẻ thù.

- Chú nói thế, nghĩa là đảng và nhà nước này đã lừa đảo toàn thể nhân dân Việt Nam ?

Sao anh bảo là đảng lừa đảo ?

- Thì đảng vẫn xưng rằng đó là bạn 16 chữ vàng và 4 tốt đấy thôi. Tại sao nó là kẻ thù mà phải sợ nó để phải nói tránh, nói lái hoặc câm miệng ? Tại sao bên trong thì vẫn coi nó là kẻ thù mà bề ngoài nói với cả đất nước rằng đó là bạn vàng ?

Chừng như bị hố, anh ta quay sang nói về chuyện bài viết :

Thôi, anh viết phê phán các hiện tượng xã hội thì tùy anh, nhưng cách viết của anh nó… nó quá.

- Quá như thế nào ? Tớ viết đúng sự thật, nói lên suy nghĩ của mình thì có chỗ nào là quá ? Theo chú, nên viết như thế nào thì nó không quá ?

Chừng như tôi hỏi đúng mục đích, anh ta tuôn ra một tràng như thuộc lòng :

Thì như báo đài, truyền hình ta vẫn viết đấy thôi. Họ vẫn phê phán, họ vẫn đề cập đến các vấn đề xã hội nhưng không như anh. Chẳng hạn, anh có xem Táo quân cuối năm không ?

Đấy, trên truyền hình Trung ương, họ vẫn phê phán các hiện tượng xã hội bất công, vô lý đầy ra đấy. Chẳng hạn như vai Súy vân giả dại, họ đã dùng nhân vật này để nói về những vấn đề mà nó nhạy cảm, nhưng người ta hiểu và rất hưởng ứng… Tôi muốn nói với anh là để anh viết để đi vào lòng người đọc, chứ không thì không có độc giả nào nghe anh đâu.

Tôi hỏi lại :

- Vậy có nghĩa là chú lo anh viết không có độc giả ? Nếu anh viết không có độc giả thì chú đâu phải lo đến thế ? Thì anh cũng như muôn người khác, nói mà người ta không nghe thì thôi. Chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Hay chú muốn đào tạo anh thành "lũ viết thuê" như Tố Hữu từng gọi ?

Còn việc báo chí nhà nước, của đảng viết như thế nào, thì đó là đường lối tuyên truyền theo lệnh đảng, viết sai hay đúng không quan trọng, đúng ý đảng là được.

Anh nói thế, làm gì có chuyện viết sai thực tế mà được.

- Chắc chú là an ninh tôn giáo, chú hiểu rõ nhất vụ Thái Hà, Tòa Khâm sứ và báo chí đã bịa đặt như thế nào anh đã vạch rõ rất nhiều lần. Đúng không ? Chuyện dựng người đã chết bao nhiêu năm dậy để ý kiến phản đối nhà thờ, chuyện hỏi ông này cắt xén hoặc bỏ vào miệng ông kia… chủ hiểu rõ quá còn gì.

Còn việc chú vừa nói là Táo quân cuối năm. Theo anh, đó là đường lối ngu dân của đảng, nhằm biến tội lỗi của đảng, của quan chức, những tệ nạn xã hội do thể chế này gây ra đã bị biến thành chuyện bình thường, thành chuyện cười, thành chuyện tất nhiên để người dân nhờn, quen và không thấy bức xúc, phản ứng đối với các hiện tượng đó nữa.

Thế là người dân cứ như đàn lừa, gặp cỏ tươi cũng được nhưng gặp củi khô hoặc gai trộn trong đó cho mình ăn thì cũng coi là chuyện tất nhiên.

Vì thế, tớ phản đối việc đưa lên truyền hình những chương trình như Táo quân cuối năm.

Nói đến đó, anh ta đứng dậy :

Xin lỗi em phải về đón con.

Và không có dịp để trao đổi kỹ hơn với anh ta về Táo quân.

Táo quân, những trận cười vô bổ và có hại

Từ lâu, chương trình chọc cười cuối năm của Đài truyền hình Việt Nam được dàn dựng trở thành một chương trình nhiều người xem. Thậm chí, nghe nói rằng năm nay, vé đi xem táo quân trực tiếp còn đắt hơn cả vé xem bóng đá trận chung kết.

Những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong cuộc sống do "sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng" gây ra cho người dân phải chịu, phải ấm ức, phải ngậm bồ hòn làm ngọt trong cả năm, để rồi cuối năm được Truyền hình nhà nước đưa lên làm chuyện gây cười.

Ở đó, Thiên đình giống như một tổ chức đảng cộng sản, ngồi mặc áo vàng trên ngai cao là một Ngọc Hoàng có đủ mọi quyền uy sinh sát mà không cần bất cứ một luật lệ nào. Mọi phán xử đều theo cảm tính.

Nhưng oái oăm, Ngọc Hoàng lại là một anh chàng ngu ngốc chẳng hiểu chút gì về mọi chuyện hạ giới. Tất cả đều nhận thông tin qua một đàn "Táo" và hai tay chân là Nam Tào, Bắc Đẩu được "cộng sản hóa", cũng tham lam, cũng nhận hối lộ, cũng thiếu "chí công vô tư"… với những lời lẽ nhiều khi chợ búa, tục tằn gây cười, nhưng có hại cho lớp trẻ.

Để rồi cuối cùng Ngọc Hoàng ra những phán quyết chung chung, đại khái và vô dụng.

Nhìn vai Ngọc Hoàng trong Táo quân, người ta thấy hình ảnh của tay trùm Cộng sản hiện nay. Tất cả mọi lời phán xử đều chung chung vô hại, đều nói giọng đạo đức mà chẳng để làm gì, tất cả mọi thông tin và cách xử lý đều được coi là "thiên lệnh" mà không ai có thể chối cãi. Thậm chí những câu nói của Ngọc Hoàng thiếu đi trí tuệ cần thiết và gây cười cho thiên hạ là chuyện bình thường.

Để rồi năm sau, mọi bài vở lại diễn lại như năm trước, và Ngọc Hoàng ngày càng béo ị, tham quyền cố vị đến thế mặc nhân gian nát bét mà không ai chịu trách nhiệm.

Ở đó, Táo quân là hiện hình của các bộ trưởng, các ngành nghề ở Việt Nam, mang đầy đủ những đặc tính quan chức cộng sản là "tranh công, đổ lỗi" và những tội lỗi họ gây ra được biện minh một cách sống sượng và hài hước.

Điều cần nói, là những tội lỗi họ gây ra, được hài hước hóa, được coi thành những vấn đề chỉ mục đích gây cười mà thôi. Và nó xảy ra trong xã hội là chuyện tất nhiên, chuyện không thể tránh khỏi và không có cách chữa.

Ở đó, sau màn trình bày của Táo Giáo dục với những sự khích bác gây cười, thì đó là hệ thống giáo dục nát bét, là chuyện lũng đoạn hệ thống giáo dục từ phương hướng đến những chuyện như sách giáo khoa, giáo trình. Là hàng loạt các kỳ thi đã nâng điểm đưa con quan cháu chức vào thành thủ khoa ở các trường Đại học, để rồi những bộ óc gian manh, ngu muội ấy lại ra làm lãnh đạo "là hồng phúc cho dân tộc".

Ở đó là Táo Giao thông, đã được hài hóa những tội lỗi của mình. Nhưng đằng sau đó, là tai nạn giao thông mỗi năm cướp đi hàng vạn người dân, là BOT hút máu người dân bất chấp luật lệ và lẽ phải, là những công trình ngàn tỷ vừa đầu tư đã xuống cấp do ăn cắp, ăn bớt.

Đó là Táo y tế, với việc coi mạng người như cỏ rác, coi y đức như chuyện khôi hài… Là Táo điện lực, chi tiêu vô tội vạ, và tất cả những hâu quả phá phách đó là đổ lên đầu thằng dân bằng giá điện…

Nhiều người cho rằng, dù bị ám chỉ, thì những người như Bộ Trưởng Giao thông, Y tế, Giáo dục, Điện lực… và những ngành nghề đã chỉ ra sẽ thấy xấu hổ mà kiềm chế, sửa chữa những điều đã chỉ ra chăng ? Hoặc nếu có liêm sỉ, thì sau đó, họ sẽ đệ đơn từ chức ngay lập tức ?

Than ôi, trong chờ vào điều đó là vô vọng, là hão huyền. Bởi mảnh sành còn biết xấu hổ, chứ mặt người cộng sản thì không.

Đám táo quân và quần thần đó múa may trên sân khẩu, gây cười cho khán giả, nhưng những hậu quả là thật, mạng sống bị cướp đi là thật.

Thế nhưng, chẳng có bao giờ các chương trình Táo quân dám chỉ thẳng vào mặt Ngọc Hoàng mà rằng : Ông mới chính là nguyên nhân của mọi tội lỗi ở phía dưới. Đám táo kia, chỉ là tay chân của ông, ông hãy biến đi khỏi cái ngai vàng này để cho thiên hạ được thái bình.

Việc đưa những vấn đề xã hội lên màn ảnh, trở thành một hiện tượng gây cười, chế nhaọ, nhưng lại để nó trở thành bình thường, không hề có thái độ quyết liệt và đặt ra những yêu cầu cụ thể. Chỉ là việc làm cho xã hội nhìn vào đó như chuyện thường ngày ắt phải có và đương nhiên phải chịu.

Đó cũng là cách tiêm dần cho nhờn thuốc với các bệnh nhân, một thứ vacxin chống lại các phản ứng xã hội đối với các bệnh dịch do Chủ nghĩa cộng sản và hệ thống chính trị này đem lại.

Và Táo quân đã hoàn thành xuất sắc vai trò đó.

Chỉ có điều, người dân Việt Nam sẽ cười được đến bao giờ ?

Ngày 5/02/2019, Ngày mồng 1 tết Kỷ Hợi.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 05/02/2019 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Văn hóa