Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liệu những cụm nhà an toàn, thân thiện với môi trường có thể sẽ dần thay thế cho những con thuyền độc mộc thô sơ hoặc những ngôi nhà thuyền ở vùng sông nước Cửu Long ? Từ ý tưởng nhen nhóm vào năm 2016, dự án làng nổi cộng sinh ứng phó với biến đổi khí hậu của nhóm Maru dần thành hiện thực.

maru1

Mô hình Maru Ichi, làng nổi cộng sinh cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, của nhóm Maru. Ảnh ghép minh họa. Buil Academy

Mỗi ngôi nhà trong thiết kế Maru Ichi là một tế bào độc lập, đa năng, có thể di chuyển và gắn kết với những ngôi nhà khác nhờ "ba đầu hồi" để tạo thành một cụm nhà hoặc một ngôi làng cộng đồng xanh và bền vững, kết nối với nhau thông qua không gian hành lang.

Maru Ichi là dự án của nhóm Maru, do Tô Diệu Liên (tốt nghiệp thạc sĩ ngành Chính sách công và Quản lý công ở Mỹ) và Hồ Văn Anh Tuấn (thạc sĩ kiến trúc và xây dựng tốt nghiệp ở Nhật Bản) đồng sáng lập (1).

Tính thiết thực, khả thi của Maru Ichi được công nhận thông qua những giải thưởng ở nhiều cuộc thi quốc tế : VietChallenge 2016 (cuộc thi ý tưởng kinh doanh cho người Việt toàn cầu), Kiến trúc xanh Spec Gro Gren 2018Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh 2019. Ngoài ra, còn phải kể đến thành tích Maru Ichi được chọn là một trong 12 dự án thắng giải trong cuộc thi Resilient Homes Design Challenge 2018 (2) do Ngân Hàng Thế Giới đồng tổ chức với Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), Buil Academy, UN GFDRR, AirBnB.

Nhờ giải thưởng này, ngày 10/07/2019, nhóm Maru đã kí hợp đồng với Ngân Hàng Thế Giới để thí điểm những ngôi nhà đầu tiên ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Tô Diệu Liên, nhà đồng sáng lập Maru, đã dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn về dự án Maru Ichi, cũng như tiến trình xây dựng những ngôi nhà đầu tiên :

RFI : Xin chào Diệu Liên, dự án "Làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường" sẽ mang lợi ích gì cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cho những vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu ?

Tô Diệu Liên : Nếu nhìn thiết kế của tụi mình thì sẽ thấy là mỗi hình tròn được tạo nên từ 6 nhà nổi. Mỗi nhà nổi được tụi mình gọi là một "cell", tức là một tế bào bởi vì kết cấu của nó gần giống như là mô tế bào benzen. Về ý nghĩa của vòng tròn, tụi mình rất nhấn mạnh văn hóa cộng đồng, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nền văn hóa sông nước, như ở đồng bằng sông Cửu Long. Và những vòng tròn đó, chính là sự hỗ trợ, cộng sinh cùng nhau trong một cộng đồng và cộng sinh cả với thiên nhiên.

Với mỗi một ngôi nhà ba cạnh, mà tụi mình gọi là một tế bào, thì ba cạnh đó chính là ba không gian riêng tư của một hộ gia đình, gồm bếp, phòng ngủ và khu vực vệ sinh. Còn phần chính giữa, đó là một điểm khác biệt lớn của Maru Ichi, vì khoảng không gian ở giữa đó rất là rộng, nên người ta có thể sử dụng làm phòng khách. Tuy nhiên, với mô hình Maru Ichi, bên mình rất khuyến khích người dân sử dụng khoảng không ở giữa đó để làm sinh kế.

Một yếu tố đặc biệt, ưu việt nữa của Maru Ichi là mỗi nhà có thể nối được với bất kỳ ngôi nhà nào khác, tạo ra những hành lang mà người ta có thể đi lại được trên đó, giống như đi trên mặt đất. Và người dân những vùng văn hóa sông nước rất thích sống cộng đồng như thế và rất thích đi qua nhà nhau. Nếu không có những hành lang đó, họ thường nhảy từ thuyền này qua thuyền khác.

Thực ra, điều đó không phải là cái gì đó quá mới mẻ do tụi mình tự nghĩ ra đâu, mà những người dân trên vùng sông nước Cửu Long đã sống như vậy biết bao đời nay rồi. Chúng mình chỉ sử dụng tất cả những đặc điểm, văn hóa và phong tục tập quán đó để đưa cho người ta một phương án an toàn hơn trong bối cảnh lũ lụt, biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường hơn.

Có lẽ rất nhiều người biết Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, vốn hàng năm đã phải chịu rất nhiều thiên tai bão lũ rồi. Và bây giờ, với biến đổi khí hậu, tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của thiên tai bão lụt đó sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn và khó đoán hơn. Và do mực nước biển dâng lên, cho nên một phần lớn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía nam, hiện là mặt đất nhưng trong 50 năm nữa sẽ là nước.

Nhóm mình, như vừa nhìn vào thực tại, vừa là chuẩn bị trước làm một mô hình nhà nổi an toàn, đẹp đẽ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.Và điều rất quan trọng nữa, đó là sẽ giúp cho người dân có thể làm du lịch sinh thái và giúp cải thiện nền kinh tế địa phương.

RFI : Dự án của nhóm mang tên là "Làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường", Diệu Liên có thể giải thích nhóm sẽ sử dụng vật liệu gì để xây dựng ngôi làng nổi này ?

Tô Diệu Liên : Đó cũng là một điểm khá ưu việt của Maru Ichi. Theo xu hướng của kiến trúc hiện đại và kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường, nhóm sẽ sử dụng gần như hoàn toàn vật liệu có sẵn ở địa phương, như cây tràm và lá dừa nước, có rất nhiều ở miền tây nam bộ, như vậy sẽ tiết kiệm được công vận chuyển. Như mọi người cũng biết, việc vận chuyển nguyên vật liệu không những là tốn tiền, tốn thời gian mà còn có thể xả ra rất nhiều khí cacbon…

Và tất cả những phần không yêu cầu trình độ của thợ chuyên nghiệp thì nhóm sẽ tận dụng lao động địa phương, đó chính là những người dân sống trong làng, và kể cả những người sẽ sống trong những ngôi nhà này, họ cũng sẽ tham gia xây dựng nhà.

Ở mỗi nhà có hai hệ thống lọc nước : một hệ thống lọc nước sông để trở thành nước sạch sinh hoạt được ; và hệ thống lọc thứ hai là nước sinh hoạt cũng phải đi qua một hệ thống lọc nước thải để đưa ra lại sông và không làm ô nhiễm dòng sông. Không như bây giờ, người dân trực tiếp dùng nước sông thực sự rất là bẩn và chỉ dùng những phương pháp lọc rất thô sơ và đó là nguồn cơn gây ra rất nhiều bệnh tật. Và người ta cũng thải ra thẳng ra sông luôn, làm cho sông Mêkông ngày càng ô nhiễm.

Ngoài ra, mỗi ngôi nhà đó đều có tấm pin năng lượng mặt trời, giúp giải quyết vấn đề năng lượng cho người dân sống ở trên sông.

maru2

Một mặt cắt của thiết kế Maru Ichi. Buil Academy

RFI : Dự án Maru Ichi của nhóm được trao giải tại nhiều cuộc thi. Vậy từ khi bắt đầu được hình thành năm 2016, dự án đã được triển khai đến đâu ? Khả năng ứng dụng của ngôi làng này như thế nào ? Và nguồn tài chính từ đâu ?

Tô Diệu Liên : Giải thưởng vừa rồi mà Maru đạt được, là cuộc thi do Ngân Hàng Thế Giới và BCIC đồng tổ chức cùng với chính phủ Anh và Úc, có một tầm quan trọng đáng kể trong quá trình phát triển của Maru. Bởi vì đây là lần đầu tiên một giải thưởng của tụi mình đi kèm với việc có tài trợ để nhóm có thể thực hiện được dự án thí điểm. Đầu tiên sẽ là một ngôi nhà mẫu và sau đó là một dạng thí điểm gồm một cụm nhà nổi ở địa phương mà Maru đã khảo sát và đã chọn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Cả nhóm Maru rất mừng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất bởi vì tụi mình không được tài trợ hết toàn bộ chi phí cần thiết để làm cả một cụm nhà nổi. Cho nên là có hai vấn đề, thứ nhất là tất cả mọi người ở trong nhóm Maru từ trước đến giờ vẫn làm việc không lương.

Và thứ hai là phải có thêm nguồn tài chính để nhóm có thể đủ tiền làm một dự án thí điểm, bởi vì số tiền thưởng đó là chưa đủ. Cần ít nhất là 6 "cell" nhà nổi, thì hiện mới chỉ đủ tiền làm khoảng 3 nhà thôi. Và tất nhiên, sau dự án thí điểm đó, nhóm cũng muốn mở rộng ra nhiều địa phương hơn nữa. Đó sẽ là một quá trình rất là dài, cứ liên tiếp phải tìm những nguồn đầu tư, tìm những nguồn hỗ trợ phân định cho Maru Ichi.

Điểm thứ ba, đó là với những kinh nghiệm trong lĩnh vực phi chính phủ về phát triển, mình nhận thấy là nếu phát triển Maru theo hướng là tổ chức phi lợi nhuận thì sẽ không bền vững, vì nhóm sẽ phải luôn luôn dựa vào nguồn tiền từ bên ngoài. Chính vì thế, nhóm xây dựng theo dạng doanh nghiệp, bên cạnh các dự án xã hội sẽ có phần thương mại hóa để có nguồn tiền đầu tư lại vào các dự án phi lợi nhuận của Maru.

Tiếp theo đó là tụi mình hoàn toàn có thể mơ đến ngày vừa làm được việc tốt cho cộng đồng, nhưng vừa có thể sống được, sống ổn với con đường mình chọn. Maru sẽ có ba dòng sản phẩm.

Dòng thứ nhất có chi phí thấp nhất, chính là dòng mà tụi mình đang thí điểm, dành cho các dự án xã hội và sẽ cần sự chung tay của tất cả các chương trình phát triển trong và ngoài nước… ví dụ, hiện tại là Ngân Hàng Thế Giới đang hỗ trợ tiền để làm.

Dòng sản phẩm thứ hai, dòng trung cấp, sẽ cung cấp các giải pháp nhà cho các cá nhân hộ gia đình hoặc là những công ty vừa và nhỏ muốn xây dựng nhà nổi để ở hoặc kinh doanh, để làm nhà hàng, câu lạc bộ, quán cà phê nổi trên sông, trên hồ…

Dòng cao cấp nhất của Maru chính là dòng sẽ làm thành những khu nghỉ dưỡng theo hướng du lịch sinh thái kết hợp với phát triển văn hóa địa phương… Có lẽ cũng phải mất một thời gian dài mới làm được dòng này, vì phải cần đến nguồn đầu tư rất lớn.

maru3

Tô Diệu Liên, đồng sáng lập nhóm Maru, bên cạnh dự án Maru Ichi được triển lãm cùng 11 dự án thắng cuộc khác của cuộc thi Resilient Homes Challenge, tại trụ sở của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Washington DC, Mỹ. RFI/Tiếng Việt/Maru

RFI : Diệu Liên có nói là một phần của dự án đã bắt đầu được thí điểm ở huyện An Phú, vậy người dân ở đây đón nhận dự án của Maru như thế nào ?

maru4

Tô Diệu Liên giới thiệu dự án Maru Ichi tại triển lãm "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh", tháng 06/2019, Hà Nội. RFI/Tiếng Việt/Maru

Tô Diệu Liên : Tổng cộng là Maru đã về khảo sát ba lần ở huyện An Phú này, một lần là để thiết kế Maru Ichi. Kiến trúc sư và là đồng sáng lập, CTO của Maru là Tuấn, đã về khảo sát để xây dựng mô hình Maru Ichi.

Lần thứ hai là mình và Tuấn cùng một nhóm cũng về khảo sát để xem thực trạng người dân đang sống như thế nào, nhu cầu của họ ra sao. Lần thứ ba là mới gần đây, nhóm đã làm việc cụ thể với chính quyền và những hộ dân trong diện nghèo nhất của huyện. Nhóm phỏng vấn trực tiếp để hiểu hơn về nhu cầu của họ và cam kết của họ có sẵn sàng tham gia vào một mô hình như vậy : Thứ nhất là nhận nhà, nhưng thứ hai là phải cam kết rằng, ngoài sự giúp đỡ của Maru và các tổ chức khác, người ta phải nỗ lực để thoát nghèo, làm sinh kế ở ngay trên ngôi nhà và phải cam kết về lối sống thân thiện với môi trường theo dự án thí điểm này.

Tất nhiên, triết lý của Maru là không cho không, bởi vì kinh nghiệm làm dự án cho thấy là khi mình tặng không người dân 100% thì thường người ta không biết quý. Nhưng người dân có thu nhập thấp, thì Maru mong muốn người ta có bao nhiêu sẽ góp bấy nhiêu. Và phần còn lại, Maru sẽ cố gắng hết sức để vận động những nguồn quỹ tài trợ, các chương trình phi chính phủ hay của nhà nước để hỗ trợ họ.

Nhưng giả sử, gia đình nào có quá ít tiền, thì họ cũng có thể góp sức bằng công lao động. Và công lao động đó cũng được Maru tính ra thành một phần chi phí làm nhà cho họ. Tóm lại, họ phải nỗ lực và họ phải tham gia một cách rất chủ động vào quá trình làm nhà đó.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Tô Diệu Liên, đồng sáng lập nhóm Maru - tác giả dự án "Làng nổi cộng sinh ứng phó biến đổi khí hậu trên sông Cửu Long".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 22/07/2019

(1) Maru hiện có thêm nhiều thành viên khác, như Nguyễn Phương Anh, có 20 năm kinh nghiệm trong dự án cộng đồng, cùng với Võ Hương Giang và Tố Nữ. "Maru" trong tiếng Nhật là "hình tròn" tượng trưng cho khả năng mở ra vô tận. Sau dự án Maru Ichi (Hình tròn số 1), nhóm hy vọng sẽ có những "hình tròn" số 2, số 3… cho người dân những vùng thường xuyên bị thiên tai khác.

(2) Resilient Homes Design Challenge là một cuộc thi lớn, với ban tổ chức gồm nhiều chuyên gia kiến trúc hàng đầu thế giới, kêu gọi tất cả những phương án nhà dành cho mọi dạng thiên tai. Cùng với 11 đội khác được trao giải năm 2018, dự án Maru Ichi đã được triển lãm ở trụ sở của Ngân Hàng Thế Giới ở Washington DC, tiếp theo là ở hai hội thảo của Liên Hiệp Quốc và của Ngân Hàng Thế Giới ở Geneve tháng 05/2019.

Published in Văn hóa